Mấy Đời Nước Máy

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Mấy Đời Nước Máy

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Mấy Đời Nước Máy



    Trước của rạp xi-nê Olympia, Hàng Da Hà Nội, khi phim Bến Cũ trình chiếu, năm 1952.



    Tôi có bốn ông bạn được cha mẹ cho sang Tây du học, tất nhiên cả bốn ông đều là con nhà giầu. Những năm 1948, 1949 của thế kỷ 20, tức thế kỷ trước, trong lúc tôi ngày ngày đi bộ cả hai, ba chục cây số ở chiến khu Việt Bắc — nói là chiến khu Việt Bắc cho oai, cho ra vẻ vai áo hào hoa bạc mầu kháng chiến — thực ra những ngày xưa hồng thắm đó tôi làm liên lạc viên, tức tên đi chân đưa thư tay ở hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang– văn huê kiểu kháng chiến là Bắc Bắc – tôi là liên lạc viên của Cục Tình Báo, tôi không phải là người đưa thư thường – năm 1949 tôi lên đến Ðại Từ, Thái Nguyên, đi đến Ðèo Khế mới trở về xuôi, những năm tôi sống như thế thì bốn chàng trai nước Việt tôi được quen sống thơ thới hân hoan ở Nice, ở Paris bên Pháp.

    Bốn chàng trai đất Việt ấy là ông Hoàng Anh Tuấn, đạo diễn điện ảnh tác giả phim Hai Chuyến Xe Huê, ông Tuấn Ghẻ — ông này thì khỏi cần kể họ hay tiểu sử — ông Trịnh Viết Thành và ông Trần Bích Lan, tức Nhà Thơ Nguyên Sa Áo Lụa Hà Ðông.

    Trong bốn ông được sang Tây ăn học đó chỉ có ông Trần Bích Lan là có bằng cấp đem về, còn ba ông kia dường như sang Tây chỉ để ăn chơi. Ba ông Tây du nhưng không Tây du học mà là Tây du hý. Sau 1954, khi hết chiến tranh, đất nước đã bị cưa đôi, bốn ông về nước. Ba ông — hai ông Tuấn, một ông Thành — sang Tây học năm, bẩy năm mà không ông nào có qua một mảnh bằng gì cả, cả cái bằng lái xe ô tô ba ông cũng không có; về tiếng Tây, tiếng U, các ông bông xua, bông xoa, com xì com xà không khá hơn tôi bao nhiêu.


    Thụy Vũ và Văn Quang: Sài Gòn 2016


    Nhưng thôi, việc học, việc chơi ngày xưa còn trẻ là việc riêng của mấy ông. Mấy ông có học, có bằng cấp, mấy ông là nhà khoa bảng thì vợ con các ông nhờ, đất nước, dân tộc có được hưởng gì của các ông đâu. Năm mươi năm sau ngày các ông về nước — trong bốn ông hai ông nay đã không còn ở cõi đời này — hôm nay tôi viết về các ông với tình thương mến, tôi hồi tưởng hình ảnh các ông thời các ông trẻ trung mà bùi ngùi như tôi hồi tưởng tuổi trẻ của tôi.

    Tôi gặp Trịnh Viết Thành lần đầu năm 1955 ở buy-rô của Thanh Nam trong Ðài Phát Thanh Quân Ðội. Trung sĩ Thanh Nam Trần Ðại Việt có bàn giấy ngồi viết đàng hoàng. Thành mới từ Pháp về, Thanh Nam giới thiệu chúng tôi với nhau. Sau đó tôi được biết Thành được anh em gọi là Trịnh Viết Thùng và Thành Nham Nhở — như Phan Nghị được gọi là Phan Nghệt, tên gọi yêu thương không có ý gì khinh miệt. Phải dùng tiếng cynique của Pháp để dùng cho Thành. Không phải thô tucï hay thô bỉ, Thành rất thực tế, nói trúng vấn đề, không che đậy, không nghĩ sai. Tôi không tìm được tiếng Việt nào dịch đúng tiếng cynique của người Pháp.

    Thành không viết văn, anh chỉ làm báo. Thành lấy em gái Nguyên Sa Trần Bích Lan từ thời hai người ở Pháp, nói cách khác Thành là em rể Nguyên Sa. Thành từng nói với chúng tôi:

    — Nhà chúng mày chỉ mới có hai đời ăn nước máy, thắp đèn điện, nhà tao ba đời rồi.

    Câu này có nghĩa ông nội tôi sống ở làng quê, ăn nước giếng, thắp đèn dầu, đến ông bố tôi ra tỉnh học mới ăn nước máy, thắp đèn điện, đến đời tôi ở thành phố, ăn nước máy, thắp đèn điện mới là hai đời; ông nội của Thành đã ở thành phố, đã ăn nước máy, thắp đèn điện, qua ông bố anh là hai đời, đến anh là ba đời.

    Theo tiêu chuẩn ấy thì tôi ăn nước máy, thắp đèn điện được hai đời, đời ông bố tôi, đời tôi, Văn Quang Chân Trời Tím ăn nước máy, thắp đèn điện được một đời: đời Văn Quang. Căn cứ theo lời Văn Quang kể ngày xưa còn trẻ ở làng quê – chắc là vào những năm 1942, 1943 – anh từng cưỡi ngựa đi đòi nợ cho ông bố anh; tối xuống, trên đường về anh ngủ gà, ngủ gật trên yên ngựa, con ngựa biết đường cứ nhẩn nha lọc cọc, lịch kịch đưa anh về đến cổng nhà. Chuyện đó tôi nghe do chính Văn Quang kể. Như vậy chắc ông thân anh là Lý trưởng hay Chánh tổng, nhà nhiều ruộng, ở làng quê, ăn nước giếng, thắp đèn dầu, đến đời Văn Quang mới ra ở thành phố, mới ăn nước máy, thắp đèn điện.

    Cũng theo tiêu chuẩn ấy thì Duyên Anh cũng chỉ mới một đời ở thành phố, ăn nước máy, thắp đèn điện: ông thân Duyên Anh là lang thuốc ở vùng quê Thái Bình. Một trong những chuyện rất ít người biết là Duyên Anh Vũ Mộng Long, nhà văn lớn, đã có vợ ở làng quê trước năm 1954, có vợ nhà quê và có một chị con gái. Năm 1954 chàng trẻ tuổi Thái Bình lên Hà Nội học hay làm chi đó, đất nước chia đôi chàng xuống tầu Marine Serpent từ bến Sáu Kho Hải Phòng đi theo chiều dài của đất nước, đổ bộ lên bến Nhà Rồng Sài Gòn. Năm ấy, năm chàng có vợ, những năm 1952, 1953, nhà văn lớn mới có mười bẩy, mười tám tuổi. Ở số tuổi này chỉ có những anh con trai làng quê mới có vợ, do tục tảo hôn còn rơi rớt ở vùng quê Bắc kỳ.

    Năm 1967 vợ chồng tôi xa nhau một thời gian, tôi sống một mình trong căn phòng nhỏ ở căn nhà số 21 đường Hồ Biểu Chánh, Sài Gòn, cạnh nhà Duy Sinh số 19. Lê Trọng Nguyễn Nắng Chiều ở căn phòng này trước tôi, Nguyễn ra Ðà Nẵng làm việc ở hãng Sealand, tôi đến ở phòng này. Một chiều Trịnh Viết Thành ghé qua, dúi cho tôi mấy ngàn đi ăn hút cho bớt sầu đời, Thành nói:

    — Ðừng quá buồn. Ðó là qui luật. Những cặp vợ chồng lấy nhau vì tình sống với nhau năm, bẩy năm, có khi mười năm, thế nào cũng bị một lần khủng hoảng đến có thể bỏ nhau. Vợ chồng mày cũng vậy. Nếu vượt qua được vợ chồng mày sẽ sống với nhau suốt đời.

    Ðúng quá Thành ơi! Những lời Thành nói một chiều ở đường Hồ Biểu Chánh năm 1967 vang vọng bên tai tôi dù thời gian đã qua ba mươi mấy mùa lá rụng. Hai năm 1974, 1975 Thành làm Thư ký tòa soạn nhật báo Quật Cường, tờ báo của Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia thời Tổng Giám đốc Nguyễn Khắc Bình. Như yếu nhân, ký giả Trịnh Viết Thành nhật báo Quật Cường có nhân viên cảnh sát bảo vệ mặc thường phục, có súng ngắn, chạy Honda theo sau xe hơi của Thành để bảo vệ Thành. Theo tôi, ký giả nhà báo Trịnh Viết Thành là ký giả duy nhất có công an bận thường phục đi theo bảo vệ.

    Nón cối, giép râu, tóc bím, súng Aka ngơ ngáo vào Sài Gòn, cùng nhiều văn nghệ sĩ, ký giả khác Thành bị VC bắt Tháng Ba 1976. Sau chừng một năm quanh quẩn trong những phòng tù Số 4 Phan đăng Lưu, Chí Hòa, một số anh em được tha, một số bị đưa đi các trại lao động cải tạo. Trong số văn nghệ sĩ lên Trại Cải Tạo Gia Trung-Gia Lai ở Pleiku có Trịnh Viết Thành.

    Năm 1977 tôi bị bắt, 1980 tôi được thả về Ngã Ba Ông Tạ. Tháng Năm 1984 tôi bị bắt lần thứ hai, các bạn tôi Trịnh Viết Thành, Thái Thủy, Lý Ðại Nguyên, Tô Ngọc, Trần Dạ Từ, Chóe Nguyễn Hải Chí, Thanh Thương Hoàng vẫn tù mút chỉ ở trại Gia Trung-Gia Lai.

    Năm 1990 lần thứ hai tôi từ ngục tù cộng sản trở về. Ðã mười lăm năm kể từ 1975. Tất cả những văn nghệ sĩ si-dzin cũng như mi-li-te, trừ những người đã chết trong tù và những người mới bị bắt hay lại bị bắt, đều đã trở về Sàigòn với những đường phố cũ, vỉa hè xưa. Tôi được tin Thành đã về, anh đau yếu nặng. Khoảng hai giờ trưa một ngày mùa mưa ở Sai Gon đất trời u ám, vừa ở tù về được ít ngày tôi bỗng thấy nhớ Thành. Nhà Thành trước ở trong Cư Xá Chu Mạnh Trinh, Phú Nhuận, nhưng nay Thành sống môt mình trong căn nhà của ông bà thân sinh anh ở đường Nguyễn An Ninh bên chợ Sài Gòn.

    Tầng dưới của nhà này trước 1975 là nhà in Nam Sơn, nhà in của gia đình Thành. Một người em trai của Thành điều khiển nhà in này. Nhà in trong nhiều năm in tạp chí Văn Học của chủ nhiệm Phan Kim Thịnh. Khi tôi đến tầng dưới bị chiếm làm cửa hàng lương thực của phường. Mấy căn phòng trên lầu đều bị chiếm cho cán bộ ở.

    Tôi theo cầu thang lên tầng lầu trên cùng. Tầng này trước 75 là nơi bà mẹ Thành ở. Trên sân thượng có điện thờ Phật, một khoảng vườn nhỏ trồng hoa, cây mai, cây trúc, bồn nước, hòn non bộ. Mười lăm mùa lá rụng chúng tôi mới gặp lại nhau. Tôi đến tìm Thành, thấy Thành tôi nhận ra Thành ngay. Vì bất ngờ không biết tôi đến có thể Thành không nhìn ra tôi.

    — Nhận ra tao là ai không? Tôi hỏi.

    Thành gọi ngay tên tôi:

    — HHT. Mày chứ còn ai nữa.

    Thành nói anh bị lao xương, con anh bảo lãnh anh sang Pháp, nhưng anh yếu quá chưa đi khám sức khỏe được. Trông Thành tiều tụy thê thảm quá, nhưng tôi cũng không ngờ anh lại ra đi nhanh thế.

    Một chiều gần Tết tôi trở lại nhà in Nam Sơn xưa thăm Thành. Lên hết thang lầu tôi ngẩn ngơ trước cửa phòng Thành, cửa đóng kín, có cái khóa ngoài toòng teng. Trở xuống tôi hỏi thăm, người ta trả lời tôi:

    — Bác Thành mất rồi.

    Ở Paris những năm 1949, 1950 Thành lấy vợ là con gái ông Trần Văn Chi, có con, khoảng năm 1957, 1958 ở Sàigòn Thành bỏ vợ để lấy chị vợ sau. Ly di. Vợ cũ của Thành, tôi nghe nói, sang Pháp, để con lại Sài Gòn dưới quyền giám hộ của ông anh Nguyên Sa. Một tối Thành kéo tôi đi ăn chơi, con Thành học nội trú trong trường Taberd, ông giám hộ Trần Bích Lan không cho phép Thành được gặp con. Thành kể chuyện rồi nói với tôi:

    — Nguyên Sa nó trọng dư luận các bạn văn nghệ sĩ lắm, mày nói với nó dùm tao, cho tao gặp con tao, sao lại cấm không cho bố con tao gặp nhau.

    Tôi gặp Nguyên Sa.

    – Thành nó đến tìm tao. Nó nhờ tao nói với mày cho nó được gặp con nó.

    Tôi noi thêm:

    – Cho nó gặp con nó. Cấm bố con nó gặp nhau làm gì.

    Nguyên Sa nói:

    — Tao ghét nó nhà quê. Là văn nghệ sĩ…chẳng thà nó nghiện thuốc phiện đi, đằng này nó lại chơi trò nhà quê có vợ bé.

    Nguyên Sa là dân Hà Ðông nhưng anh sống ở Hà Nội nhiều hơn ở Hà Ðông. Tôi nhớ tên ở Hà Ðông trước 1945 của anh là Phúc, khi gặp lại nhau ở Sài Gòn tôi thấy tên anh là Trần Bích Lan.

    Năm 1955 tôi gặp lại Nguyên Sa trên vỉa hè Lê Lợi. Từ Pháp trở về Nguyên Sa ăn mặc thật giản dị, sơ-mi trắng ngắn tay bỏ ngoài quần, quần kaki, đi giày rất thường, tay không đồng hồ, thời gian đầu anh còn đội cái nón cối cũng mang ở Pháp về.
    Ra cái điều ta đã sống ở Paris, nơi con người trang phục sang, đẹp nhất thế giới, ta cóc cần chú ý đến chuyện phải ăn mặc bảnh bao như mấy anh Sài Gòn quê kệch. Anh kể chuyện văn nghệ văn gừng ở Pháp:

    — Bọn thiên tả chúng nó có cái trò họp nhau phê bình thơ của nhau, với chúng nó bài thơ nào cũng phải có ý nghĩa, phải nói lên một cái gì. Bọn tao đến họp là chúng nó bực lắm. Có lần tao nói bài thơ này nó nói lên được cái là nó không nói lên cái gì cả.

    Anh nói:

    — Tao làm văn nghệ, thấy không khá, nhớ lời dậy của ông bố tao: phải làm thương mãi mới khá được, muốn khá phải làm thương mại.

    Nguyên Sa không dậy học muớn, không làm hiệu trưởng mướn, anh làm chủ trường, anh có nhà in riêng trong trường Văn Học của anh. Thời tôi viết phóng sự Tây Ðực, Tây Cái — sau đổi là Ông Tây, Bà Ðầm — những năm 1955, 1956 trên nhật báo Ngôn Luận, Nguyên Sa kể:

    — Tao vào lớp, thấy cứ mỗi lần tao hỏi đến một thằng học trò là mấy thằng bạn nó lại sì sào.. Cuốc Tô.. Cuốc Tô.. Tao không biết Cuốc Tô là cái gì. Tao hỏi mới biết Cuốc Tô là tên nhân vật trong phóng sự của mày. Lần sau vào lớp, tao hỏi đúng thằng học trò ấy: Sao.. Ký giả Cuốc Tô.. Mấy hôm nay ký giả có gặp bà Dzô- dzan không? Cả lớp chúng nó cười ồ lên.
    Dậy học thầy phải như thế học trò nó mới chịu.

    Ðầu năm 1995 bánh xe lãng tử đưa tôi sang Cali, tôi gặp lại Nguyên Sa. Anh đã bị giải phẫu ở cổ, anh đi lại, lái xe, ăn uống bình thường, chỉ có hơi yếu. Anh có tờ tuần báo Ðại Chúng, anh đến nhà Hồng Dương đón tôi đưa tôi đến tòa soạn nhật báo Người Việt, tòa soạn Việt Báo. Anh bảo tôi:

    – Mày phải ở Cali. Ðồng bào mày nó chia rẽ, nó nhỏ nhen, nó lắm chuyện, nó không ra làm sao cả, đồng ý, nhưng nó là đồng bào mày. Mày viết, mày phải sống gần đồng bào mày mày mới viết được.

    Tôi nhờ tìm cho tôi một cái tên chung cho những bài tôi viết, như kiểu Nguyên Sa có mục “Bông hồng cho văn nghệ” trên nhật báo Sống ngày xưa, Nguyên Sa nói:

    — Mày lấy Viết ở Rừng Phong hay quá rồi, còn phải tìm tên nào nữa.

    o O o


    Hoàng Vĩnh Lộc là một trong rất ít những người Việt Nam thực sự yêu mê nghệ thuật điện ảnh tôi được gặp, được biết. Tôi được biết Hoàng Vĩnh Lộc từ năm 1952 ở Sàigòn.

    Tôi viết “tôi biết” Hoàng Vĩnh Lộc năm 1952 vì năm ấy tôi chỉ biết anh mà không quen anh, tôi chưa có điều kiện để quen anh, để giao thiệp với anh như người cùng giới văn nghệ sĩ. Năm 1952 tôi chưa là người viết tiểu thuyết trong khi Hoàng Vĩnh Lộc đã là diễn viên điện ảnh.

    Năm 1952 là thời gian, có thể vì tôi không phải là dân ăn chơi có hạng nên tôi chỉ thấy Sài Gòn có mấy người đàn bà nổi tiếng, được nhiều người biết mặt, biết tên, như nữ ca sĩ Ngọc Hà chuyên đi xe Vespa — thời ấy có lẽ cả Sàigòn chỉ có một phụ nữ đi xe Vespa là nữ ca sĩ Ngọc Hà — như Thu Trang, người ngày ngày mặc áo dài trắng, quần trắng, đi xe đạp dura trắng đến làm việc ở Phòng Thông Tin Hoa Kỳ đường Gia Long-Hai Bà Trưng, Thu Trang vài năm sau trở thành diễn viên điện ảnh, Nguyệt Hồ, người có ảnh được lên bìa tuần báo Ðời Mới của ông Trần văn Ân. Những năm 1951, 1952 việc phụ nữ có ảnh đăng bìa tuần báo quan trọng như việc các nàng đóng phim những năm 1960, Nguyệt Hồ về sau – những năm 1964, 1965 – hành nghề bói bài tây ở nhà riêng đường Ðinh Công Tráng, Tân Ðịnh.

    Năm 1952 là năm Việt Nam lại bắt đầu làm phim xi-nê, Hà Nội có phim Kiếp Hoa với những diễn viên Kim Chung, Kim Xuân, Anh Tứ, Sài Gòn có Thái Thúc Nha Alpha Film làm phim Bến Cũ. Kíếp Hoa phim đen trắng, Bến Cũ phim mầu Technicolor. Hoàng Vĩnh Lộc và Bích Ngà đóng hai vai chính trong phim mầu Bến Cũ, phim còn một nữ diễn viên nữa là Liên Hương. Tôi có vai lần được gặp nữ diễn viên Bích Ngà.

    Bến Cũ chưa được trình chiếu Hoàng Vĩnh Lộc đã nghiễm nhiên trở thành nam diễn viên số một của điện ảnh Việt Nam, một jeune premier đúng nghĩa. Anh hơn tôi chừng mười tuổi. Năm đóng phim Bến Cũ anh mới chỉ khoảng ba mươi, ba mươi hai. Có những buổi sáng, buổi chiều tôi thấy anh trên đường Catinat, Bonard, anh bận toàn y phucï trắng, giầy trắng, lái chiếc xe Peugeot 203 hai chỗ ngồi, mui vải, cũng mầu trắng. Anh hơi cao, nhưng cân đối, khỏe mạnh, trông rất thể thao. Và anh đẹp trai. Với tôi anh là diễn viên điện ảnh phong độ nhất, đẹp trai nhất kể từ năm 1952 đến những năm 1965.

    Thời gian qua… Năm 1960 Hoàng Anh Tuấn làm phim Hai Chuyến Xe Hoa, tôi được Tuấn mời đóng một vai phụ. Những năm 1960, 1961..tôi đang ở đỉnh cao phong độ nhất của đời tôi: tôi đang ba mươi tuổi, đang nổi tiếng, đang viết nhiều, đang kiếm được nhiều tiền. Ðó là những năm nhật báo Sàigònmới của ông bà Bút Trà đang bán chạy nhất và tôi là nhân viên của nhật báo đó. Ngoài việc làm thường trực trong tòa soạn nhật báo Sàigonmới tôi viết tiểu thuyết thường xuyên, tức là viết quanh năm, năm này sang năm khác, cho nhật báo Ngôn Luận, tuần báo Văn Nghệ Tiền Phong của Hồ Anh, tuần báo Kịch Ảnh của Quốc Phong, tuần báo Phụ Nữ Ngày Mai của Sáu Khiết, con bà Bút Trà.

    Trong tác phẩm “Nhìn Lại Những Bến Bờ”, xuất bản ở Mỹ năm 1988, viết về tôi trong thời gian những năm 1960 Duyên Anh gọi tôi là “ông vua không ngai” của nhật báo Ngôn Luận. Trên báo Ngôn Luận những năm ấy tôi viết tiểu thuyết ở trang trong, phóng sự tếu ở trang nhất. Làng báo Sàigòn từ 1954 đến 1975 không có mấy người viết nhiều trên một tờ báo như tôi.

    Buổi sáng tôi tình cờ lái cái xe Jeep qua khu bờ sông Sài Gòn quãng gần nhà Ngân Hàng Việt Nam. Một ê-kíp làm phim người Pháp đang thực hiện một đoạn phim ngoại cảnh ở khu này. Phim Mort en Fraude, đào Dominique Wilms trong vai chính. Nhìn thấy Hoàng Vĩnh Lộc và Lê Quỳnh đứng bên đường xem quay phim, tôi ngừng xe, đến nói chuyện với hai anh.

    Lê Quỳnh hòa nhã, vui nhưng không nói nhiều, Hoàng Vĩnh Lộc cởi mở, nói nhiều với tôi. Chúng tôi nói đến chuyện Hoàng Anh Tuấn sắp làm phim Hai Chuyến Xe Hoa và tôi được mời đóng một vai. Tuy tôi không hỏi tôi có nên đóng phim hay không, Hoàng Vĩnh Lộc tự ý và sốt sắng nói ra ý kiến của anh:

    — Tôi thấy anh không nên đóng phim. Anh đã có cái danh văn sĩ rồi, anh cứ giữ lấy cái danh ấy, đừng dại mà bước sang địa hạt đóng phim. Làm diễn viên điện ảnh không dễ đâu. Phải hy sinh, bị mất mát nhiều lắm, nhất là trong những bước đầu.
    Hoàng Vĩnh Lộc khuyên tôi đừng dại mà tập tễnh bươcù vào nghề diễn viên điện ảnh, tôi đã không làm theo lời anh khuyên, nhưng từ ngày ấy đến nay đã hơn bốn mươi năm qua, tôi vẫn nhớ hình ảnh anh đứng với tôi hôm xưa trên vỉa hè Sài Gòn gần bờ sông, nhớ từng tiếng anh nói. Anh đã tỏ ra chân thành, sốt sắng với tôi. Và anh nói đúng về việc tôi không nên đóng phim..

    Từ năm 1950 đến khi anh ra khỏi cõi đời này Hoàng Vĩnh Lộc không làm công việc gì khác ngoài việc đóng phim, làm phim. Dường như anh chỉ có một thời vui vẻ trong nghề, đó là thời anh làm phim Người Tình Không Chân Dung mà chúng tôi gọi đùa là Người Tình Không Chân Tay, với Kiều Chinh, Tâm Phan, Minh Ðăng Khánh. Phim được thực hiện ngoại cảnh ở thị xã Cam Ranh thời ông Quang Dù làm thị trưởng, phim mầu cinemascope, có mặt một số thân hữu như Hùng Sùi, Chương Ma-rin, Vũ Văn Ước, Dương Hùng Cường, tức Dê Húc Càn, người đã chết trong ngục tù xã hội chủ nghĩa.

    Sau Người Tình Không Chân Dung, Hoàng Vĩnh Lộc làm một phim của riêng anh: Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương. Huy Cường là một diễn viên trong phim này. Huy Cường chết khoảng năm 1976 hay 1977, nghe nói đêm khuya, Huy Cường rượu say, ngồi sau xe Honda về cư xá Thanh Ða, xe đụng, Cường té ngửa, đập đầu xuống đường.

    Tháng Ba 1976 Hoàng Vĩnh Lộc bị bắt trong đợt Công An Thành Hồ khủng bố văn nghệ sĩ. Giới điện ảnh có bốn người bị bắt trong đợt này: Hoàng Vĩnh Lộc, Hoàng Anh Tuấn, Minh Ðăng Khánh, Thân Trọng Kỳ. Muời tháng sau cả bốn anh đều được thả. HV Lộc bị suyễn nặng. Tôi từng thấy anh thời anh trẻ trung, khỏe mạnh, đầy sức sống, tinh anh, rồi tôi lại thấy anh tiều tụy trong buổi xế chiều của đời anh. Rồi một ngày tôi được tin anh qua đời.

    Năm 1982 hay 1983? Chiều mưa. Tôi đạp xe đến nhà anh ở trong hẻm đường Chi Lăng. Trước nhà anh là một bãi đất hẹp có vài cây chuối vàng võ, còm cõi. Một cái bàn, vài cái ghế được đặt dưới tấm nylon căng che trên miếng đất ấy. Khách đến viếng ngồi ở đó. Tôi ngồi đó trong bóng chiều vào tối xanh sám, nghe tiếng mưa rơi lộp bộp trên tấm nylon, nhìn quan tài anh đặt trong căn nhà hẹp, vài ngọn nến gầy leo lét, lung lay. Ðạo diễn điện ảnh Hoàng Vĩnh Lộc có chiều cao hơi quá khổ, người nhà anh phải vất vả mới tìm được cỗ quan tài vừa người anh.

    o O o


    Sau Huy Cường, Hoàng Vĩnh Lộc, Minh Ðăng Khánh là người làm điện ảnh thứ ba chết ở Sàigòn sau ngày 30 Tháng Tư 1975.

    Tôi quen Minh Ðăng Khánh từ ngày thành phố Sàigòn mới có Bin-đinh Cửu Long. Khánh ở Cửu Long thời anh chưa lập gia đình. Gần như tất cả những người sống ở Bin-đinh Cửu Long đường Hai Bà Trưng thời ấy đều độc thân. Vài người nổi tiếng: Hiếu Ve, anh có cái ve ở tai nên gọi là Hiếu Ve, nghe nói anh là em ông Trần văn Chương, chú bà Trần Lệ Xuân. Sau 30 tháng Tư Hiếu Ve nói anh buồn, anh muốn tự tử. Những ngày ấy Sàigòn có rất nhiều người buồn muốn chết và nói ra miệng là sẽ tự tử, Hiếu Ve nói và làm thật, một đêm anh lên sân thượng bin-đinh Cửu Long nhẩy xuống đất. Thanh Nam, Hoàng Thư, Thái Thủy, Trần Lâm ABC..từng ở Bin-đinh Cửu Long.

    Minh Ðăng Khánh nguyên là giáo viên, tên thật của anh dường như là Trần Ðăng Lộc. Năm 1954 từ Bắc vào Sài Gòn anh bỏ nghề dậy học để làm văn nghệ sĩ. Anh vẽ rất khá, từng là thầy dậy hội họa của nữ ca sĩ Tâm Vấn.

    Minh Ðăng Khánh bị bắt Tháng Ba 1976. Cũng như Hoàng Vĩnh Lộc, Thân Trọng Kỳ, Hoàng Anh Tuấn, mười tháng sau anh được thả. Trong số văn nghệ sĩ không phải đi trại cải tạo năm ấy có Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Hồng Dương, Nguyễn Hưũ Hiệu, Sao Biển, Xuyên Sơn, Minh Vồ, Trần Việt Sơn, Lê Xuyên vv…

    Nhà Khánh ở đường Nguyễn văn Học, nay là đường Nơ Trang Long, cạnh bệnh viện Nguyễn văn Học. Cuối năm 1979 ở tù về, tôi được tin Khánh bị bại liệt.

    Khánh rất khỏe, thời trẻ anh chơi thể dục, trước 1975 có lần anh bảo Hoài Nguyên, con trai tôi khi anh thấy con tôi mê thể dục, thể thao:

    — Muốn chơi thể dục, thể thao ta phải có chiều cao, cháu ạ. Bác thấy mày cũng không có chiều cao như bác. Tập người nở ra vuông như cái bánh chưng, khó coi lắm.

    Khánh sống rất lành mạnh, không chơi bời, không hút xách, không rượu, không cờ bịch, anh chỉ hút pipe. Anh người vạm vỡ, nước da nâu, tóc bạc, chúng tôi vẫn nói anh khỏe như trâu. Không thấy Khánh có tật xấu nào, vậy mà đi tù về tự nhiên anh bị bại liệt nửa người. Nghe nói anh gặp nhiều chuyện buồn phiền trong gia đình, sau một trận cãi cọ to tiếng anh hút điếu thuốc lào, ngã ra, và bị bại liệt nửa người.

    Tôi tìm Khánh, chúng tôi nối lại cuộc giao du bị đứt đoạn vì tai họa, tù đày. Khánh nói ngọng, anh vẫn đi lại được dù đi chậm, lê lết, khó khăn, không ngồi vững được. Mỗi lần Khánh từ Nguyễn Văn Học, Bà Chiểu ra nhà tôi ở Ngã Ba Ông Tạ là cả một hành trình cần phải thu xếp. Phải có một anh em còn khỏe — thường là Sao Biển — chở anh trên xe đạp, để anh ngồi trên poóc-ba-ga, tay trái anh vòng ra ôm người chở — Khánh bị liệt nửa người bên phải — đạp xe chầm chậm. Khánh ngã xuống là không tự mình đứng lên được. Ở nhà một mình mỗi lần té anh phải nằm đấy chờ cho đến lúc con anh về đỡ dậy.

    Khánh thường bận bộ bà ba nâu, ngoài bận cái áo judo cho đỡ lạnh trong những ngày cuối năm, đeo cái túi vải nát trong đựng các thứ đồ lẩm cẩm: khăn mặt, tiền, giấy tờ, cái pipe, bịch thuốc hút.

    Khánh kể có lần anh lết lết đi vào tiệm phở :

    – Người ta tưởng tao ăn xin, cho tao tiền, tao nói cám ơn tôi không phải là ăn mày.

    Những năm 1981, 1982, căn nhà nhỏ của vợ chồng tôi ở Cư Xá Tự Do, Ngã Ba Ông Tạ là nơi gặp gỡ của các bạn tôi. Các bạn góp tiền đưa cho vợ tôi đi chợ, mua chút gì đó về làm một món nhậu, nấu cho nồi cháo, vừa nhiều, vừa ngon, chúng tôi có thể ngồi ăn uống, nói chuyện thoải mái từ năm, sáu giờ chiều đến chín, muời giờ tối. Tất nhiên trong những buổi ăn như thế chúng tôi cũng cố xoay được chút ruợu cho ấm lòng chiến sĩ.

    Nhà tôi có căn gác lửng. Mỗi lần đến Khánh thường lết lên đó nằm nói chuyện với tôi cả hai, ba tiếng đồng hồ. Thang gác nhỏ síu, Khánh lên thang bằng cách ngồi xoay lưng, nhấn chân nhổm đít lên từng bậc, lúc xuống cũng vậy. Vì Khánh lên xuống thang khó khăn như thế nên tôi giải quyết vấn đề tiểu tiện cho Khánh bằng cách lấy cái bô lên gác, tôi bưng bô cho Khánh đứng đái.

    Một sáng con trai Khánh đến báo tin Khánh chết. Khánh đã thoát nợ, Khánh đã hết khổ. Tôi đến một trong những cái gọi là Xưởng Phim của Thành Phố Hồ Chí Minh, ở đường Ðiện Biên Phủ, báo tin Khánh mất với Lê Hoàng Hoa. Có khá đông anh em đến tiễn đưa Khánh sáng hôm ấy.

    Dòng thời gian dài một ánh bay…

    Hôm nay, một trong những ngày cuối đời liêu lạc ở quê người, nhớ lại, viết về những người bạn của tôi đã sống, đã chết, tôi thấy ẩn hiện hình ảnh Hoàng Vĩnh Lộc trên chiếc Peugeot decapotape trắng đậu trước nhà hàng Kim Hoa đường Bonard một buổi chiều Sàigòn nắng vàng năm 1952, nhớ anh một chiều mưa năm 1967 anh đến tòa soạn nhật báo Dân Tiến hẹn tôi đến Trung Tâm Quốc Gia Ðiện Ảnh xem chiếu phim Xin Nhận Nơi Này Làm Quê Hương vừa mới hoàn thành, tôi nhớ hình ảnh Minh Ðăng Khánh một tối năm 1955, Khánh đến nhà tôi gọi vợ chồng tôi đi ăn phở gà Hiền Vương, nhớ một tối gần Tết Khánh chở tôi trên xe Lambretta của anh lên Hội Chợ Quang Trung dự cuộc thi Hoa Hậu Ðông Phương. Ðây là cuộc thi hoa hậu thứ nhất của Quốc Gia Việt Nam Cộng Hòa, cuộc thi do hãng phim Ðông Phương của anh Ðỗ Bá Thế tổ chức — Ðông Phương Films làm phim Ánh Sáng Miền Nam — tôi bùi ngùi nhớ những lần tôi bưng bô cho Khánh đái..

    Từ ngày sang Mỹ tôi đã viết một số bài về các bạn tôi, hôm nay tôi soạn, sửa những bài viết ấy để làm thành quyển SỐNG và CHẾT ở SÀIGÒN. Bài bạn vừa đọc là một bài trong tuyển tập ấy.

    Trích Sống và Chết ở Sài Gòn.


    Hoàng Hải Thủy



    Nguồn: https://hoanghaithuy.wordpress.com

              
Trả lời

Quay về “chứng nhân Việt”