Những Đứa Cháu Ngoan & Tư Duy Trình Diễn

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Những Đứa Cháu Ngoan & Tư Duy Trình Diễn

Bài viết bởi Hoàng Vân »








  • Những đứa Cháu Ngoan
    & Tư duy Trình Diễn

    _____________________________
    S.T.T.D Tưởng Năng Tiến - 10.10.2020




              

              

    Người khuyết tật cần một cơ hội ngang bằng chứ không (chỉ/thể) cần sự bù đắp, vì bù đắp tạo ra gánh nặng lên cả người cho và người nhận.


    Cuối thế kỷ trước, báo Nhân Dân – số ra ngày 7 tháng 8 năm 1999 – đã đăng mẩu tin ngăn ngắn (“Khen Thuởng Hai Em Nhỏ Mười Năm Cõng Bạn Ðến Trường”) và được nhiều người tán thưởng:
    • “Em Huỳnh Duy Tài vì bị phế tật nên phải nhờ hai bạn là Bùi Ngọc Nha và Nguyễn Qúi cõng đi học liên tiếp trong vòng muời năm qua. Tại Ðại Hội Cháu Ngoan Bác Hồ, huyện Núi Thành tỉnh Quảng Nam, các em đã nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất.”

    Mẩu tin thượng dẫn khiến tôi không khỏi băn khoăn trộm nghĩ thêm rằng:
    • “Thay vì nhận được những tràng pháo tay nồng nhiệt nhất, nếu Huỳnh Duy Tài được cấp phát một đôi nạng gỗ (hay một chiếc xe lăn) thì đỡ cho chính thân em và bạn bè biết chừng nào?”

    Ý nghĩ lẩn thẩn của tôi, tất nhiên, không được qúi vị chức sắc của huyện Núi Thành (Quảng Nam) chia sẻ nên sáng hôm sau – sau ngày đại hội – hai em Nha và Qúi lại vẫn tiếp tục… cõng bạn đến trường y như trước vậy.

    Đây không phải là trường hợp “cõng bạn đến trường” đầu tiên ở VN, theo lời của tác giả Đỗ Ngọc:
    • “Vào những năm ấy (đầu thập niên 1960, chú thích của tnt) có một tấm gương được đài, báo ca ngợi rất nhiều. Đấy là một cậu bé ba năm cõng bạn đi học. Năm ấy, cô giáo lớp tôi đọc những bài viết về tấm gương cậu bé ấy trên báo Thiếu niên Tiền Phong cho cả lớp chúng tôi nghe nhiều lần. Nghe đâu cậu ấy còn được gặp bác Hồ, và được tặng danh hiệu ‘Cháu ngoan bác Hồ’ nữa.”

    Tuy bác Hồ đã đi xa từ lâu nhưng “danh hiệu cháu ngoan” và “tấm gương cõng bạn” (dường như) đã trở thành truyền thống nên đã được tiếp nối, và biểu dương, đều đặn:
    • Cậu học trò nghèo 5 năm cõng bạn đến trường
    • Cô học trò nhỏ 6 năm cõng bạn tới trường
    • Cô học trò 8 năm liền cõng bạn tới trường
    • Nam Sinh cõng bạn đến trường suốt 9 năm
    • 'Rớt nước mắt' hình ảnh cô gái cõng bạn trai tàn phế

    Trường hợp mới nhất, vừa được báo Lao Động (số ra ngày 4 tháng 9 năm 2020) chạy tin trên trang nhất: “ĐÔI BẠN CÕNG NHAU ĐI HỌC SUỐT 10 NĂM ĐƯỢC CHỦ TỊCH TẶNG BẰNG KHEN.”

    Sở Giáo Dục Thanh Hoá cho biết thêm chi tiết:
    • "Minh và Hiếu cùng sinh ra trên mảnh đất Đồng Thắng - Triệu Sơn-Thanh Hóa, một vùng quê nghèo, cần cù, lam lũ. Từ khi lọt lòng Minh đã bị khuyết tật hai chân và cả bàn tay phải. Nhưng đổi lại em có một niềm tin, ý chí và nghị lực phi thường, một đôi mắt sáng, tự tin và nụ cười thánh thiện.

      Vượt qua những mặc cảm về số phận, Minh khao khát được tới trường, dù không thể đá cầu, nhảy dây, bắn bi mỗi sáng nhưng nhìn bạn bè vui đùa với em cũng đã là hạnh phúc. Bố mẹ Minh mong muốn đưa em tới trường để em có thể góp nhặt thêm những niềm vui, bù đắp cho những thiệt thòi của số phận. Dù họ biết hành trình ấy thực sự rất gian nan...

      Và rồi bên Minh có Hiếu. Người bạn thân thiết hơn 10 năm qua cõng Minh tới trường, làm đôi chân đưa Minh đến lớp, tiếp thêm ngọn lửa để Minh thực hiện ước mơ. Suốt 10 năm đôi bạn ấy bên nhau, cùng nhau tới trường, về nhà, kể cho nhau nghe biết bao chuyện vui, buồn trong cuộc sống.

      Tới trường cùng Minh, với Hiếu đã trở thành một nếp nghĩ, một thói quen. Em lặng lẽ làm nhiệm vụ của một thiên sứ mà không hề toan tính, cũng chẳng phải để được mọi người ngợi khen, mà trước hết bởi lẽ sống làm người, bởi cảm phục ý chí và nghị lực nơi người bạn của chính mình.

      Không chỉ Hiếu tiếp thêm cho Minh động lực tới trường, không chỉ Minh tiếp thêm cho Hiếu bài học về ý chí và nghị lực mà cả hai em đã tiếp thêm cho chúng ta thấy giá trị của những tấm lòng, của niềm tin yêu, chia sẻ."

    Thay vì “chia sẻ,” Đỗ Ngọc lại đặt ra rất nhiều câu hỏi (nghe) hơi cắc cớ:
    • 10 năm trời ấy thì người lớn ở đâu?
      Chính quyền địa phương, nhà trường nơi hai cháu ở, nào Hội phụ huynh, Hội phụ nữ, Hội cựu chiến binh… cùng bao ban, ngành ở đâu trong ngần ấy năm?


      Ngần ấy năm, mọi người cùng truyền thông, đứng ngoài cổ xúy cho tấm gương cõng bạn đi học, vô hình chung họ phó mặc đứa trẻ tật nguyền lên lưng người bạn với một thái độ vô trách nhiệm, với những lời cổ xúy sáo rỗng, nếu không muốn nói là giả nhân giả nghĩa. Xã hội đã có một đứa trẻ tật nguyền, có thể vài năm sau lại thêm một đứa trẻ còng lưng.

      Ở Việt nam ta có bao nhiêu người tật nguyền phải trông cậy vào cánh tay của người thân, tấm lưng của bạn bè? Tôi nghĩ là rất nhiều. Hình ảnh cõng bạn đi học của hai đứa trẻ là một cái tát vào chính sách an sinh xã hội đối với người khuyết tật ở ta. Người tàn tật không thể chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của người thân, sự thương hại, bố thí của cộng đồng, trên hết, họ có quyền được hưởng một chế độ trợ giúp của một hệ thống an sinh xã hội.”


              

              

    Nếu tính rốt ráo
    • kể từ lúc một em học sinh (ba năm cõng bạn đến trường) được đích thân bác Hồ trao tặng danh hiệu cháu ngoan,
    • cho đến khi Ngô Văn Hiếu cõng Nguyễn Tất Minh đến dự “buổi gặp mặt giao lưu HS, SV tiêu biểu toàn quốc năm 2019”
    thì thời gian là hơn nửa thế kỷ đã qua
    chứ không chỉ là “mười năm trời ấy.”

              
    Biết bao nhiêu là nước sông, nước suối, nước mưa, và nước mắt đã (ào ạt) chẩy qua cầu và qua cống?
    Biết bao nhiêu là những ông Tổng Bí Thư, Bộ Trưởng Giáo Dục, Bộ Trưởng Y Tế, Bộ Trưởng Xã Hội …đã thay nhau “điều hành” đất nước nhưng tuyệt nhiên không ai – không một ai – đề cập đến một một đôi nạng gỗ (hay một cái xe lăn) dùng làm phương tiện để giúp cho những em học sinh khuyết tật có thể đến trường mà không phải phiền lụy đến ai.

    Nhìn hình ảnh qúi ông lãnh đạo VN (Nguyễn Phú Trọng, Vũ Đức Đam, Phùng Quang Nhạ) đứng lộp độp vỗ tay, bên cạnh một em học sinh đang lom khom cõng bạn, khiến cho một kẻ vô tâm cũng phải trạnh lòng nghĩ đến một thứ tư duy (trình diễn) bệnh hoạn và kiểu “nhân ái phô trương” đang được phổ biến tràn lan sở này. Đây có lẽ cũng là nơi duy nhất trên trái đất mà những học sinh khuyết tật không có cách đến trường nào khác, ngoài tấm lưng bè bạn.

    Đỗ Ngọc kết luận rằng ở xã hội này
    • hễ có một đứa trẻ tật nguyền
    • thì vài năm sau lại có thể thêm một đứa trẻ còng lưng.
    Chính cái lưng còng và đôi chân dị tật của các em đã tạo ra công việc (biểu dương) cho giới truyền thông, và công tác (trưng bầy) cho giới lãnh đạo.

              
    Chứ ngoài việc “ăn của dân không từ một thứ gì”
    thì bọn này có còn biết chuyện chi khác để làm đâu?

              





    Tưởng Năng Tiến

    https://www.rfavietnam.com/node/6521

              
Trả lời

Quay về “Tưởng năng Tiến”