Sài Gòn – Chợ Lớn trên bến dưới thuyền

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Sài Gòn – Chợ Lớn trên bến dưới thuyền

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Sài Gòn – Chợ Lớn trên bến dưới thuyền



    Người lớn tuổi nói rằng Sài Gòn ngày xưa có nhiều chợ nổi. Giữa đô thị Hòn Ngọc Viễn Đông một thời sao lại có những chợ nổi đẹp đẽ và thân thương như miệt Phụng Hiệp, Cái Răng, Cái Bè của miền sông nước Nam bộ? Chuyện xưa đó, là quãng thời gian lùi lại hơn trăm năm trước, khi Sài Gòn – Chợ Lớn chưa phát triển các phương tiện giao thông. Ghe đò trên các con kênh con rạch góp phần không ít tạo nên bộ mặt sinh hoạt thường nhật qua cảnh nhộn nhịp mua bán trên bến dưới thuyền tại một vài khu vực trong thành phố.



    Saigon 1965-66 – Kinh Quới Đước (dọc đường Kim Biên) cuối rạch- nguồn historicvietnam.com



    Thật khó cho những thế hệ sau này có thể hình dung ra được cảnh trên bến dưới thuyền một thời của Sài Gòn – Chợ Lớn. Phải bắt đầu như thế nào để phác họa ra vùng đất mới của Sài Gòn hình thành từ 300 năm trước. Vào năm 1771, Chúa Nguyễn Cửu Ðàm cho đào kênh Ruột Ngựa để tạo ra đường thủy thông thương giữa Sài Gòn và miền Tây. Con kênh này nối liền kênh Tàu Hủ thông vào kênh Tẻ và rạch Bến Nghé thẳng ra sông Sài Gòn để đón các loại ghe đò lớn nhỏ chở hàng hóa từ Gia Ðịnh, Ðồng Nai ngược về. Rồi sau đó, chính quyền Pháp tiếp tục nạo vét mở rộng kênh Tàu Hủ thông với kênh Ðôi ở đoạn Cầu Chữ Y ngày nay, đào kênh Tẻ rộng hơn nối vào sông Sài Gòn thẳng ra Thương cảng để ghe tàu chở gạo muối xuất cảng.



    Bến Nghé, khu vực cầu ông Lãnh ghe thuyền tấp nập thập niên 30 (Nguồn: anhxuavn)



    Ðể dễ hình dung nhất, ta hãy đi trên đại lộ Ðông Tây hiện nay, con đường dài 24km chạy ngang qua 8 quận huyện. Bắt đầu từ Bình Chánh ngay giao điểm quốc lộ 1 vào quận Bình Tân, men theo kênh Ruột Ngựa qua quận 8, 6, nhập vào kênh Tàu Hủ đến quận 5, chạy ôm theo bến Bình Ðông hướng lên rạch Bến Nghé là vào đến địa phận quận 4, tiếp tục chạy dọc theo bến Chương Dương thẳng vào quận 1, chui qua đường hầm Thủ Thiêm vào quận 2 nối với xa lộ Hà Nội tại Ngã ba Cát Lái. Ðây là con đường huyết mạch nối các quận huyện từ Tây sang Ðông, vừa giải quyết một phần tắc nghẽn giao thông trong nội đô, vừa là tuyến đường vận tải hàng hóa thông thương giữa các tỉnh thành. Ðến đây, bạn đã thấy được tầm quan trọng của những con kênh rạch nối liền Sài Gòn – Chợ Lớn, tiết kiệm chi phí vận chuyển trong những thập niên cuối của thế kỷ 19 khi các phương tiện xe tải còn rất hạn chế, và phù hợp với loại phương tiện vận chuyển bằng ghe bầu của các tỉnh sông nước tính từ thuở người di dân Ngũ Quảng vào khai phá miền Tây Nam bộ.

    Tôi đã có lần lang thang trên đoạn đường Ðông Tây, không phải từ nơi khởi đầu cho đến điểm kết thúc, mà bắt đầu từ những vựa chành bán gạo và các loại đậu sấy khô dọc theo bến Mễ Cốc ngày xưa bên quận 8. Từ trước năm 1975, nơi này gần như là một ốc đảo, nhiều nơi ngập nước mỗi khi triều cường. Ðã triều cường mà lại trời mưa thì hầu như khu vực này biến thành biển nước. Bà con sống ở đây muốn ra chợ phải chống xuồng như đi chợ nổi. Ðầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ở ven rạch Lò Gốm, người ta còn trồng rau muống và nhiều nơi cỏ năn mọc đầy như vùng hoang sơ từ trăm năm trước. Một lần đi thăm người bạn thời đi học, bạn chỉ đường: Ðến bến Mễ Cốc hỏi số nhà thì người ta chỉ cho. Tôi đi theo hướng dẫn. Hỏi ra đúng bến Mễ Cốc nhưng chẳng có số nhà nào như bạn chỉ. Thì ra đường Bến Mễ Cốc dài đến tận ngã ba kênh Ðôi giáp vàm rạch Lò Gốm. Còn cái số nhà của bạn thì ở bên kia, muốn sang phải đi đò.



    Nhà máy xay lúa Orient trên bến Bình Đông (Nguồn: anhxuavn)


    Trở ngược về hướng Ðông, đi xuống 5, 6 cây số là bến Bình Ðông ngang qua chợ Trần Văn Kiểu. Chịu khó thả bộ tà tà vào cuối đường ra mé rạch Chợ Lớn ta sẽ thấy nhiều ghe bầu và đò con chen chúc. Hình ảnh trên bến dưới thuyền buôn bán ồn ào, tiếng quát tháo chói tai của giới thương hồ chợ búa hiện ra một cách thực tế. Có lẽ cuộc sống thời đó còn nhiều khó khăn, dễ làm người ta bị căng thẳng. Tâm tính con người thay đổi theo môi trường làm người ta dễ sinh tính ích kỷ và nổi nóng hơn ngay cả khi giải quyết chuyện nhỏ nhặt. Nó không lãng mạn đằm thắm tình người như những câu chuyện ngày xửa ngày xưa trong cuốn “Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc” mà nhà văn Sơn Nam tặng tôi trong lần gặp ở nhà văn hóa quận Gò Vấp. Ông già Nam bộ nói rằng sách của ông viết theo thể loại hồi ký lịch sử, giới trẻ đọc không mặn mà, còn “Sách của cha này (Bình Nguyên Lộc) tuy lớn tuổi hơn tui nhưng ổng có lối viết trẻ trung phóng túng.”

    Trở lại cái tên bến Bình Ðông, nó không phải chỉ một địa điểm bến bãi mà là cả một khu vực chạy dài theo đường Bến Bình Ðông, giống như bến Mễ Cốc. Khu vực này sầm uất và khang trang hơn nhiều so với những nhà sàn mái tôn vách gỗ bên rạch Lò Gốm. Một bên là những ngôi nhà gạch mái ngói tây, hai tầng cổ xưa có lan can sắt trang trí hoa văn, theo kiến trúc nửa Tàu nửa Tây nhưng trông hài hòa một cách lạ lùng. Cũng có đoạn nhà cửa của người Việt xây theo nhiều kiểu khác nhau. Ðể làm đại lộ Ðông Tây, những ngôi nhà dọc theo con đường Bến Bình Ðông phải bị dỡ bỏ một phần hoặc toàn phần để mở rộng con đường. Bên phía bờ kia san sát nhà máy xay xát lúa gạo, chế biến bột sắn bột gạo, chành vựa chứa hàng. Xuống gần tới quận 4 dọc theo bờ kênh còn có nhiều nhà máy hoạt động, kho hàng rất lớn. Hồi thực hiện đại lộ Ðông Tây, nghe nói người ta tranh cãi nhiều về việc giữ lại một số ngôi nhà của Hoa kiều để bảo tồn lịch sử kiến trúc; cũng có người đòi giữ một số nhà máy xưa để cho thế hệ sau thấy được sự thịnh vượng của khu vực Bình Ðông trong việc sản xuất hàng hóa, mua bán lúa gạo xuất cảng, trong suốt giai đoạn lịch sử phát triển đô thành Sài Gòn.


    Nước ròng trên kênh Đôi ở quận 8 (Nguồn: anhxuavn)



    Ðiều gì cần giữ thì nên giữ. Cuộc sống thay đổi, bờ bãi hóa nương dâu theo quy luật phát triển tự nhiên. Sự đổi thay có thể làm bạn ưu tư cho những công trình mang tính văn hóa tồn tại hàng trăm năm trước. Nó như một gạch nối từ quá khứ đến hiện tại và tương lai, cắt bỏ gạch nối đó ta sẽ đánh mất tất cả giá trị tiêu biểu văn hóa của một vùng. May thay, chợ nổi bến Bình Ðông vẫn còn lại hình ảnh “chợ nổi” của những ngày giáp Tết, ghe tỉnh lên buôn bán hàng hoa, hàng chậu sành chậu đất. Khi xưa, so với các bến bãi ven kênh rạch, bến Bình Ðông đông đúc ghe chài ghe bầu đậu dọc theo bờ kênh cả vài cây số. Giới thương hồ từ các miền lục tỉnh chở lúa gạo, nông sản lên Sài Gòn nhập vào chành kho cho thương giới người Hoa. Cuộc sống sông nước ngày đêm trên bến nên tự nhiên ghe đò trở thành những ngôi nhà bồng bềnh. Theo Bến Nghé xưa, nhà văn Sơn Nam ghi nhận, hồi năm 1940, Sài Gòn – Chợ Lớn có gần nửa triệu người sinh sống (bao gồm người Pháp, Hoa, Việt), trong đó có khoảng hai chục ngàn người “bồng bềnh”, không cố định, là dân thương hồ rày đây mai đó theo những chuyến hàng về bến. Không ít người dân quê theo ghe vác mướn đã nán lại bờ kênh, cắm dùi dựng lều mưu sinh, rồi lần hồi trở thành người Sài Gòn.

    Ngoài phương tiện ghe bầu ghe chài vận chuyển hàng hóa, Sài Gòn thuở trăm năm trước đã phát triển các loại tàu khách đi nước ngoài và tàu khách đường thủy đi các tỉnh Nam bộ ngược sông Tiền đến tận Nam Vang. Người Pháp khai thác các tuyến tàu biển đi tận Hồng Kông hoặc Singapore, trong khi đó thì người Hoa khai thác các tuyến tàu sông, người Việt không vốn nên làm ăn nhỏ lẻ cá thể bằng cách đưa đò ngang bến Thủ Thiêm hay vài nơi khác trong khu Chợ Lớn. Người có chút tiền hùn nhau mở công ty vận tải đường sông nhưng luôn bị ghe tàu của người Hoa chèn ép, cạnh tranh bằng nhiều thủ đoạn mà người Việt chẳng biết kêu trời, chẳng biết vác chiếu đi kiện ai. Trong Bến Nghé xưa, nhà văn Sơn Nam dẫn chứng từ báo Lục tỉnh Tân Văn số 29 ra ngày 4/6/1908 đăng bài “Khổ vô sở tố”, lên án thái độ hống hách của tư sản người Hoa. “Tàu của chúng đụng ghe người Việt thì bỏ chạy luôn, người bị chìm ghe trèo lên tàu lại bị đánh, đạp xuống sông. Tàu chạy bất tuân luật lệ giao thông, ghe người Việt chạy buồm gần thì chúng vác củi (củi chụm nồi hơi nước) mà liệng qua rồi dùng sào đánh đập người coi lái ghe. Chúng làm chuyện sát nhơn, có bọn quan lại ăn hối lộ bao che”.


    Hoàng hôn trên bến Bình Đông (Ảnh: Max Ho)


    Chuyện ngày xưa trong nước có khác gì chuyện ngày nay “tàu lạ” đâm sầm vào tàu gỗ của ngư dân trên biển. Cũng như ngày nay tôi từng thấy cảnh dân thương hồ tranh giành chửi bới nhau trên rạch Chợ Lớn năm nào, có khác gì cảnh bến đò ở Cầu Quay Khánh Hội của thế kỷ trước mà ông Nguyễn Liên Phong đã viết trong bài Nam kỳ phong tục diễn ca: “… Ðò dọc rước mối xuống lên / Giành nhau xâu xé rền vang cả ngày / Ghe bầu sắp lớp đậu ngay / Trong cầu Khánh Hội nối dài đôi giây…”.

    Nhiều người bảo cuộc sống là phải tranh giành. Có như thế nó mới sinh động. Nhưng thôi, đụng chạm đến con người chỉ thêm đau bụng nhức đầu. Thà như “gã lang thang” Bình Nguyên Lộc nhìn cảnh rạch Bến Nghé mà viết rằng: “Có ai nhìn đám ghe thương hồ ấy chưa, nhứt là vào lúc chiều tối khi các hoạt động kinh tế đã chấm dứt. Một người bạn ghe nào đó, không tiền đi hưởng các cuộc vui của thành phố tưng bừng, ngồi trong khoang thuyền gảy nhẹ chiếc độc huyền và cất giọng nói thơ”.


    Trang Nguyên


    Nguồn: http://baotreonline.com

              
Trả lời

Quay về “ký ức thương yêu”