Đà lạt, một thời “trên vùng an nghỉ”

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5381
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đà lạt, một thời “trên vùng an nghỉ”

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Đà lạt, một thời “trên vùng an nghỉ”








    Cơ duyên và chuyện về anh Thọ

    Với tôi, Đà Lạt là một bước ngoặt vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp hội họa, nó chỉ sau Huế, nơi tôi theo học mỹ thuật, tốt nghiệp vào mùa hè năm 1962 và Sài Gòn, nơi tôi khởi nghiệp với bức tranh Mùa Thu tuổi nhỏ..

    Đến với Đà Lạt vào năm 1963 là một duyên số, không hề có trong dự tính trong đầu tôi từ trước. Tuy nhiên, không có tiếng vang tốt do sự thành công của bức tranh ấy thì cái duyên số về những tháng ngày sống và vẽ như một nghệ sĩ, một lãng tử như tôi từng mơ ước, ở xứ sở của gió núi mây ngàn ấy đã không xảy ra..

    Cái cơ duyên ấy được mở ra do anh bạn Ninh Chữ (nay không biết còn hay mất), một nhà thơ và cũng là một thợ may Âu phục, có tiệm tên Au Ciseaux d’Or trên đường Tự Do (nay là Đồng Khởi, Sài Gòn), giới thiệu tôi với anh Thọ, một người đang là chủ đồn điền trên Đà Lạt, anh ấy mến mộ tranh tôi. Thế là chúng tôi gặp nhau. Anh Thọ khuyên tôi nên lên Đà Lạt sống và vẽ, mọi thứ về nhà ở và tiêu xài, thì không phải lo. Đó là nhà mạnh thường quân đầu tiên và cũng là duy nhất trong đời tôi.

    Anh Thọ, tôi có một lỗi nặng với anh là không biết tên đầy đủ của một ân nhân tuyệt vời và cũng là duy nhất của tôi cho đến 1975 và sau đó là hoàn toàn biệt tăm. Chỉ biết anh có tên thân mật là Thọ Cót, người gốc Hà Nội, du học ở Pháp nhưng không đỗ đạt gì. Anh là tay “ăn chơi” lịch lãm. Anh lớn hơn tôi khoảng 10 tuổi, trạc chừng 35 đến 40, người dong dỏng cao, có nước da và khuôn mặt phong trần, đôi mắt sáng và nụ cười lành.

    Hồi hương về Sài Gòn thời ông Ngô Đình Diệm làm Tổng thống, anh Thọ mở được vài tiệm thuốc Tây và kinh doanh đồn điền trên Đà Lạt.

    Thời Sài Gòn những năm 1960, dân chơi xịn thường ngưỡng mộ hai công tử, một là Lân (Hoàng Kim Lân) “Simca đỏ”, hai là Thọ “Florit trắng”. Đó là 2 chiếc xe loại thể thao, mui trần, chỉ có dân nhà giàu mới sắm nổi, mà hai chàng thường lượn qua những con đường đẹp nhất của trung tâm như đại lộ Lê Lợi, đường Tự Do, đại lộ Hàm Nghi,… vào mỗi chiều trước khi đèn đường bật sáng. Sau bữa cơm tối tại một nhà hàng sang trọng, người ta lại thấy hai chiếc xe đầy vẻ kiêu hãnh này chia nhau đậu trước các vũ trường nỗi tiếng như Tự Do hay Mỹ Phụng,.. Lẽ tất nhiên, bọn trẻ mới tập tểnh nhảy đầm và mê ca-ve đều thèm thuồng được sống huy hoàng như Lân và Thọ, nhất là sau khi vũ trường đóng cửa vào lúc hai, ba giờ sáng, cảnh những nàng vũ nữ đẹp nhất, yểu điệu nhất lại được hai chàng công tử mang đi về một cõi thơ mộng nào đó để tiếp tục cuộc say sưa bất tận.

    Như đã nói ở trên, tôi gặp anh Thọ tại tiệm may “Chiếc Kéo Vàng” do sự thu xếp của nhà thơ Ninh Chữ đồng thời cũng là ông chủ của tiệm may. Tôi không nhớ lúc đó là buổi sáng hay chiều nhưng câu chuyện diễn ra rất vui và đẹp. Ninh Chữ nói với tôi: “Anh Thọ rất thích bức tranh Hoa Vàng Trên Ghế Mây của toa nên muốn gặp tác giả của nó”.

    -“Ồ, anh thích thì anh cứ giữ nó”, tôi nói và siết chặt tay anh Thọ.

    Liền lúc ấy, anh bất ngờ đề nghị tôi nên bỏ Sài Gòn, bỏ dạy vẽ ở Trường Kỹ thuật Cao Thắng để lên Đà Lạt sống và vẽ, mọi thứ như chỗ ở, cơm nước, tiêu vặt,.. có người lo. Như “buồn ngủ mà gặp chiếu manh”, tôi nhận lời ngay.

    Tuần lễ sau đó, tôi khăn gói cùng anh đi Đà Lạt.

    Người đàn bà và ngôi nhà số 9 đường Hoa Hồng

    Sau này nó mang số 11 và đổi tên là Huỳnh Thúc Kháng. Đây là nơi anh Thọ thuê cho tôi một căn phòng đủ tiện nghi để sống và vẽ. Về phần cơm nước thì bà chủ ngôi biệt thự này sẽ lo cho tôi hằng ngày, còn tiền tiêu vặt thì anh ấy cứ mỗi lần ghé thăm đều nhét vào túi quần tôi một xấp tiền. Anh còn để lại cho tôi một chiếc xe Jeep không mui để chạy rong khắp Đà Lạt.

    Ngôi nhà này, trong ký ức tôi sau hơn 50 năm vẫn không phai mờ, nó là một ngôi biệt thự kiểu Pháp với nhiều phòng chưa kể cái chỗ tôi ở trọ là một căn hộ biệt lập nằm ở phần sân vườn.

    Bà chủ là một phụ nữ gốc Bắc, lúc ấy khoảng 35 tuổi, vốn là vợ của một quan chức trong chính quyền Bảo Đại. Hai người đã ly dị và bà được hưởng ngôi biệt thự này để sinh sống bằng cách cho thuê. Anh Thọ vẫn gọi bà là bà Nghiên (hình như tên chồng là Vĩnh Nghiên, một hoàng tộc?).

    Bà có nhan sắc nhưng lạnh lùng hay ít ra là không bộc lộ trạng thái trên khuôn mặt hình trái xoan, trong đôi mắt đen nhánh nghiêm trang và đôi môi hình cánh cung ít khi nở nụ cười. Điều này có lẽ là bí quyết làm cho bà có sức quyến rũ mà loại đàn ông quyền lực rất thường hay bị cuốn vào. Một yếu tố khác cũng làm tăng giá trị cho người phụ nữ thêm sang trọng, đó là kiến thức văn hoá. Bà từng sống và học hành trên đất Pháp nên mọi thứ trong ngôi biệt thự này đều được bài trí bằng phong cách mỹ thuật phương Tây thế kỷ 19-20, sang trọng và thanh lịch. Một sự hiểu biết sâu và đam mê nhạc cổ điển là điều tôi được thấy rất rõ ở bà khi cứ mỗi tối thứ bảy hằng tuần, sau bữa cơm chiều, bà chủ nhà luôn mời tôi lên phòng khách để nghe nhạc cổ điển qua những chiếc đĩa than 45 vòng. Cứ mỗi tác phẩm giao hưởng của Beethoven hay Tchaikovsky từ chiếc máy quay đĩa phát ra, bà lại giải thích nội dung tác phẩm của từng chương cho tôi hiểu để biết thưởng thức. Nhờ vậy mà tôi dần dần biết nghe và yêu nhạc cổ điển. Và những chiều thứ bảy, nơi gian bếp, trong lúc bà chủ nhà lịch lãm đứng nấu cho tôi bữa tối theo kiểu Pháp, tôi ra khu thương mại Hoà Bình tìm mua một chai vang đỏ loại demi (nhỏ) để về cùng dùng bữa với bà. Vẫn chiếc bàn ăn nhỏ phủ khăn trắng muốt được đặt ngay bên bếp nấu. Hai người ngồi đối diện tại chiếc bàn ăn có nến và ly rượu thủy tinh lóng lánh màu rượu đỏ trông như một đôi tình nhân đang hưởng những giây phút say đắm giữa đêm địa đàng nếu có ai tình cờ thấy được. Cùng ăn cơm và sau đó cùng nghe nhạc cổ điển, những buổi chiều và đêm thứ bảy hằng tuần như thế tròn một năm, cho đến ngày tôi rời đi vì lý do nhận lệnh tổng động viên.

    Những ngày tháng tuyệt đẹp trong ngôi biệt thự cổ và bà chủ nhà xinh đẹp đã cho tôi những bữa ăn ngon miệng và những tối nghe nhạc giao hưởng đầy dư vị, chỉ như một giấc mơ qua. Với lòng cảm kích, tôi đặt vào tay bà bức sơn dầu khổ 40×60, chân dung “Bà Nghiên” mà tôi đã vẽ qua trí nhớ vào một lúc nào đó trong căn phòng trọ. Hình như có một thoáng buồn trong ánh mắt đen sáng và một nụ cười không nở hẳn, bà chủ nhà nhận và đặt bức tranh trên bệ lò sưởi của phòng khách rồi tiễn tôi với lời chúc: “Au bon voyage!”

    Một năm sau, hai người bạn vẫn đến thăm và thường ở lại chơi mỗi cuối tuần thời tôi còn ở ngôi nhà số 9 đường Hoa Hồng là Đinh Cường từ Sài Gòn và Trịnh Công Sơn từ Bảo Lôc lên thăm tôi vào một sáng Chủ nhật. Hai anh bất ngờ đến tìm tôi ở Trường Bộ Binh Thủ Đức, nơi tôi đang thụ huấn Sĩ quan khoá 19. Họ nghiêm trọng báo tin: “Bà Nghiên vừa bị giết vào nửa đêm hôm qua…”

    Và nói tiếp: “Máu văng lên mặt bức tranh toa vẽ bà ấy”.

    Tôi im lặng vài giây rồi hỏi: “Biết ai giết không và bức tranh giờ ra sao, ai giữ?”

    Sơn nói: “Hình như một cô gái bụi đời được thuê, còn một tay họa sĩ ở Đà Lạt tên Quang đã lấy đi bức tranh.”

    Hôm ấy, thật là ngày Chủ nhật buồn, tôi quyết định bỏ đi phép về Sài Gòn, ở lại doanh trại để được yên tĩnh sau tin không lành. Tôi như bị sốc.

    Với bà Nghiên, những người bạn tôi đã từng quen biết, đã từng ngủ lại chỗ tôi thuê, thậm chí như Đinh Cường đã đến thay thế tôi, tiếp tục lưu trú cũng căn hộ đó, không ai nghĩ được rằng giữa chúng tôi, một bên là người đàn bà mệnh phụ, lịch lãm, tuổi vừa chín mọng, từng trải lại đơn độc và một bên là nghệ sĩ đang nức tràn thanh xuân, sống chung trong một ngôi nhà thơ mộng nhiều ngày tháng như thế lại chẳng hề có một tình yêu, nhất là họ đã thấy bức chân dung tôi vẽ bà Nghiên được bà đặt trên lò sưởi của phòng khách ngôi biệt thự cùng với một tổ chim được kết bằng cỏ khô.

    Cuộc sống vẫn luôn có những kịch bản riêng của nó, lúc nào cũng khó hiểu.

    Trên vùng an nghỉ và những bức tranh ra đời tại Đà Lạt – một cột mốc hội hoạ

    Trên Vùng An Nghỉ là một trong loạt tranh sơn dầu tôi vẽ trong thời gian tôi ở trọ tại ngôi nhà nói trên. Nó hoàn toàn khác với không khí của Mùa Thu Tuổi Nhỏ, bức được giới mỹ thuật Sài Gòn khen ngợi hồi 1962. Trên vùng an nghỉ trầm lắng và lãng mạn hơn. Chỉ với một ngọn đồi và vài cây thông, một giáo đường cũ kỹ, một con ngựa cúi đầu và một cô gái mỏng manh đi lễ chiều được đặt trong một gam màu xanh phổ lạnh và buồn. . Đà Lạt của tôi là chừng đó, tất cả đều mênh mang, êm đềm và trầm tư.

    Vâng, chỉ chừng đó thôi, nhưng đó là cả một Đà Lạt được tích tụ, được chưng cất sau những ngày lang thang khắp phố thị cùng núi đồi để tạo thành một sáng tạo nghệ thuật có tính cột mốc; mở ra một thời kỳ hội họa có bản sắc riêng và gây tiếng vang ngay khi trở lại Sài Gòn bằng một giải thưởng hội họa đáng mơ ước của hầu hết các họa sĩ miền Nam lúc bấy giờ, Giải Hội họa mùa Xuân 1964 và cũng là giải cuối cùng sau 4 năm ra đời vẽ ở Miền Nam kể từ 1961.

    Bây giờ, đã trải qua 55 năm tròn, những gì đẹp nhất của tuổi trẻ tôi, vẫn là những ngày tháng của Trên Vùng An Nghỉ.

    Xin tạ ơn những người đã cho tôi cơ duyên đến với Đà Lạt.
    Xin tạ ơn những người đã làm nên một địa đàng Đà Lạt.
    Xin tạ ơn Đất Trời Đà Lạt.


    Trịnh Cung
    Viết tại California tháng 10-2018


    Hình ảnh: bức tranh “Trên Vùng An Nghỉ” – 80 x 120cm- của hoạ sĩ Trịnh Cung- Sơn dầu trên canvas 1963
    Huy chương Bạc Hội Họa Mùa Xuân 1964
    Thuộc sưu tập của Nguyễn Xuân Oánh, tuy nhiên bức tranh đã bị đốt sau ngày 30-4-75 do bị cộng sản ghép tội văn hoá đồi trụy.



    Nguồn:https://damau.org




              
Trả lời

Quay về “ký ức thương yêu”