Gió đưa cây cải ...

Trả lời
Hình đại diện
Quy Nam
Bài viết: 824
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 18:52

Gió đưa cây cải ...

Bài viết bởi Quy Nam »

  • GIÓ ĐƯA CÂY CẢI ...
    _________________________________
    Hoàng Huy Hoàng Phước Quyến




    Trong những ngày cuối thu, trời Sacramento, thủ phủ California ảm đạm, khí trời se lạnh, gió đưa những chiếc lá vàng khô lăn lộn trên mặt đường, bỗng chốc xoáy tròn rồi hất tung lên cao, tung tóe, tản mác, nhẹ nhàng bay xa, rơi lả tả…Chậu cúc vàng nở hoa trước nhà, những cụm cải trổ hoa vàng rung rinh theo gió mời gọi vài chú buớm trắng vàng thấp thoáng bay lượn…. cảnh vật bày ra trước mắt khiến gợi nhớ những ký ức còm cỏi còn sót lại về hình ảnh đơn sơ ở quê nhà......Nhẫm tính sổ đời qua khung cửa sổ, suy nghĩ mông lung về chiếc lá, về cuộc đời nổi trôi lưu lạc, hoài niệm thời thơ ấu, nhớ về cố hương ở “bên tê” bờ Thái bình Dương.….
    ________________________________________________________________




    Hiền Lương quê tôi ở phía bắc thành phố Huế, thuộc huyện Phong Điền, đi theo quốc lộ I chừng hai mươi cây số, qua khỏi cầu An Lỗ rẽ phải theo tỉnh lộ dọc tả ngạn sông Bồ về hướng Sịa, đi thêm bốn cây số nữa gặp hương lộ thuộc thôn Phú Lễ cắt ngang tỉnh lộ. Ngã rẽ này được gọi là Quán Kẽm, nơi đây ngày trước là một tụ điểm buôn bán nhỏ sầm uất, với hàng quán tạp hóa lợp tôn bằng kẽm được gọi quán kẽm, lâu ngày trở thành địa danh. Rẽ trái tại đây, vượt khỏi cầu sắt lát gỗ bắt qua con hói (sông nhỏ) chừng trăm mét rồi rẽ phải chừng non một cây số thấy cổng chào Làng Hiền Lương, và la thành bao quanh ngôi chùa cổ rêu phong đó là điểm khởi đầu của làng tôi.




    Ngôi chùa Giác Lương Tự được dựng lâu lắm trước khi tôi chào đời, vào thời hậu Lê, đại hồng chung còn ghi nét chữ được đúc năm 1819, tượng Phật Tam Thế, và tượng ngài Hộ Pháp bằng gỗ sơn son thếp vàng là kiệt tác nghệ thuật thời hậu Lê, được các nhà khảo cổ đánh giá cao. Tiếng chuông u minh thong thả vang lên, ngân dài sớm tối, lan tỏa sự huyền diệu làm vơi đi những nhọc nhằn khổ lụy của cuộc sống, đã hằn sâu vào tiềm thức dân làng. Khi viết những giòng này tiếng chuông chùa làng tôi cơ hồ như vẫn còn vang vọng bên tai.! Như hàng ngàn làng quê khác, làng tôi cũng gánh chịu sự tàn phá khốc liệt của chiến tranh từ 1946 đén 1975, mà nay ngôi chùa vẫn sừng sững tồn tại gần như nguyên vẹn quả là một kỳ tích.!.

    Làng tôi sống về nghề nông, nhưng nghề chính là THỢ RÈN. Cụm từ Hiền Lương-Thợ Rèn luôn gắn liền nhau cũng như Quốc Học-Đồng Khánh vậy, điều kỳ lạ có vẻ nghịch lý là làng chỉ có một lò RÈN ở một góc xa dân cư heo hút cung cấp vật dụng dao, rựa, liềm, vằng (hái), cuốc, xẻn…cho dân làng. Dân làng phải tản mát nhiều nơi để hành nghề kiếm sống. Vì sinh kế đành xa quê, hằng năm đều tề tựu về làng tế Tổ tại nhà thờ Tổ, và thăm nom mộ phần tiên tổ gia tộc là một nhiệm vụ thiêng liêng vào tháng chạp gọi là chạp mã. Làng tôi có một mỹ tục đáng hảnh diện là chẳng may dân làng phải lưu lạc, tới nơi nào nghe tiếng bệ thổi, tiếng búa đập đe thì đó là người làng Hiền Lương có thể vào xin tá túc, và được tiếp đón nồng hậu nặng tình đồng hương!.

    Theo truyền khẩu, trong đòan người đầu tiên từ bắc vào khai phá vùng Ô, Lý (Ô Châu) mới sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt đời Trần có ba anh em làm nghề rèn người Thanh Hóa cùng theo vào. Người em út dừng chân lập nghiệp ven giòng Ô Lâu lập nên làng Kế Môn, chuyển qua rèn vàng bạc làm trang sức nổi tiếng, được mời vào Phủ Chúa Nguyễn làm trang sức cho các phu nhân cung nữ, được sắc phong trở nên thủy tổ nghề KIM HÒAN. Hai người anh còn lại tiếp tục vào nam định cư lưu vực sông Bồ lập nên làng Hoa Lang, đến triều Minh Mạng đổi thành Hiền Lương. Làng có sáu xóm Phước Tự, Văn Quán, Võ Đình, Đồng Nhơn, An Hội, Siêu Quần thường gọi tắt xóm Chùa, xóm Quán, xóm Đình, xóm Đùng, xóm Hói, xóm Cồn ở làng chánh, và sáu phường Khánh Mỹ, La Vần, Vịnh Nảy, Triều Dương, Hưng Long, Bắc Thạnh ở trong vùng độn cát thuộc truông Nhà Hồ. Những phường này đi đến Kế Môn khá gần, vì vậy giữa hai làng Kế Môn - Hiền Lương có một sợi dây vô hình gắn kết nhau. Khi trưởng thành đi nhiều nơí chẳng những ở Thừa Thiên mà khi vào Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên hay ra Quảng Trị đều gặp người làng Hiền Lương. Dân làng Hiền Lương có người từng nắm địa vị then chốt trong triều đình nhà Nguyễn cả văn lẫn võ mà tên tuổi của họ còn lưu trong chính sử của Quốc Sử Quán.

    Về nghề cơ khí, theo Quốc Triều Chính Biên Toát Yếu năm 1839, Ông Hoàng văn Lịch, Giám Đốc Võ Khố người làng Hiền Lương, tuân lệnh vua Minh Mạng chế tạo tàu máy hơi thành công được vua ban một nhẫn pha lê bọc vàng, một đồng tiền vàng Phi Long lọai lớn. Một loạt các tàu Yên Phi (loại lớn), Vân Phi (loại vừa), và Vũ Phi (loại nhỏ) là tên những tàu thủy do ông sáng chế được vua ra lệnh trang bị cho thuỷ binh đương triều. Hiện nay ở thành phố Huế vùng Bãi Dâu phường Phú Hậu có một con đường mang tên ông.

    Về nghiệp văn, làng có truyền thống ham học, Văn Minh điện đại học sĩ Hiền Lương Hầu Trương Như Cương, nhạc gia vua Khải Định, giữ chức Phủ Trưởng Phủ Phụ Chính, nhiếp chánh đại thần coi việc triều chánh sau khi vua Thành Thái bị giam. Phụ thân kể lại, Đại Thần nhiếp chánh về quê nghỉ dưỡng, Phủ Tôn Nhơn đi thuyền về cặp bến rất đông quân lính cờ quạt chỉnh tề rợp trời, dân làng rúng động mặt mày ngơ ngác sợ sệt vì chưa từng thấy cảnh huyên náo này ở một làng quê bao giờ. Hiểu ý, như để trấn an dân làng, vị dẫn đầu sai thuộc cấp nói lớn mời bà con ai về nhà nấy sinh hoạt bình thường, triều đình đến rước quan nhiếp chính đại thần hồi triều. Tiếng xầm xì rỉ tai lan truyền nhanh chóng, nếu không hồi triều tôn người kế vị thì xem như cố ý đoạt ngai vàng. Phải mất ba, bốn ngày liền đoàn người mới rời làng về Huế trả lại sự yên tĩnh muôn thuở cho làng quê. Điều này cũng được ghi trong Đại Nam Thực Lục Chính Biên Đệ Thất Kỹ, vua Khải Định nói “Duy lúc vua Thành Thái bị phế truất, Như Cương giữ chức Tể Tướng, lúc đó có lời đồn nóí Như Cương được chính phủ (Bảo Hộ) trọng dụng, có khi nhân việc nhiếp chánh này sinh lòng khác, chỉ là lời đồn không có chứng cứ, lại phù tá triều Duy Tân trải qua mười năm.” Người con trưởng là Trương Như Đính, Thượng Thư Bộ Kinh Tế triều Bảo Đại, dân làng thường gọi “Cụ Kinh tế”. Làng còn có Đông Các điện Đại Học Sĩ Phò Ninh Nam Trần Đình Bá, Thượng Thư Bộ Hình triều Khải Định, lăng mộ hiện ở đầu làng xa xa về phía trái trên đường dẫn vào làng trước khi tới cổng làng.

    Con sông nhỏ uốn lượn theo khu dân cư giúp ích nhiều cho cuộc sống thường nhật, đồng thời đóng vai trò tưới cho ruộng vườn quanh năm xanh tươi, cũng như vai trò tiêu nước giúp thôn xóm tránh ngập úng nước vào mùa mưa. Giòng nước này đem lại nguồn sống cũng như thủy lộ giao thông cho dân các làng nó đi qua: Cao Ban, Sơn Tùng, Cao Xá, Cổ Tháp, Hiền Lương, Phú Lễ. Thường ngày con sông mang giòng nước màu nâu nhạt đổ vào sông Bồ thường gọi sông Cái ở Cửa Khâu ở phía tả ngạn, nằm tại ranh giới làng Phú Lễ và An Lỗ, sông gom góp nước từ các khe suối trong truông nhà Hồ họp lại mà thành hình. Vào thu mùa mưa đến, nước sông Cái lớn lên do nước mưa ở đầu nguồn chảy về nhiều được gọi là nước lớn lại chảy ngược vào làng nên có câu “tháng bảy nước nhảy lên bờ”. Đến mùa hè dân làng họp nhau nạo vét lòng sông khơi nước sông Cái chảy vào để giúp việc dẫn thủy tưới ruộng đồng vụ hè thu. Giòng nước từ sông Bồ trong vắt mát mẻ làm dịu nắng nóng mùa hè mời gọi, bọn trẻ con chúng tôi trai gái lẫn lộn đều lột trần truồng chạy ào xuống nô đùa làm nước tung tóe, tiếng kêu réo vang cả một góc làng. Vui đùa nghịch nước đã đời, bọn nhỏ “nhất quỉ nhì ma” tụm năm tụm ba vào các vườn trồng đậu tìm dế, đuổi chim con được mẹ tập bay chuyền từ cành này qua cành khác, mãi ham đuổi chim bắt dế dẫm nát khỏanh đất vườn trồng hoa màu không hay. Khi đi xa rồi nghe vọng lại lời chửi rủa của khổ chủ,
    • “đồ Ô châu độc địa con cái nhà ai đã phá nát vườn đậu rồi.”
    Lủi vào trong xóm chạy đuổi nhau làm sập giàn mướp, giàn bầu, tiếng động làm đứa trẻ thức giấc khóc ré, lại nghe
    • “đồ Ô châu độc địa, phá giấc ngủ em tao.”
    Sau một hồi dỗ dành, tiếng hát của người chị ru em vọng lên
    • “ru em cho thét cho muồi, để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu….,”
      à ơi “Châu Ê ơi hỡi châu Ê, khi đi thì có, khi về thì không”
      hay “Vạn niên là Vạn niên nào, thành xây xương lính, hào đào máu dân”.
    Đi đã khá xa tiếng hát còn nghe vọng lại
    • “Gió đưa cây cải về trời, Rau răm ở lại chịu lời đắng cay”
    , xa dần tiếng hát ru em của người chị chìm vào buổi trưa thanh vắng, không còn nghe nữa, vì người em đã ngủ rồi chị dừng hát hay là gió đưa tiếng hát đi qua hướng khác…? Nghe thì nghe vậy thôi cũng như nghe hằng trăm câu hò khác, trẻ con nhờ nghe câu hò làm êm tai dỗ dành giấc ngủ, chẳng bận tâm suy nghĩ gì.
    ______________________________________________




    Mỗi một câu ca dao hay tục ngữ nói trên có mang dấu ấn lịch sử đều có thể hiểu được. Châu Ê là địa danh nơi có lăng vua Khải Định, còn Vạn Niên tên dầy đủ là Vạn Niên Cơ, tên gọi công trình vua Tự Đức xây sinh phần cho mình, sau khi vua băng hà an táng tại đây đổi là Khiêm Lăng hay Lăng Tự Đức. Riêng câu:

    • Gió đưa cây cải về trời,
      Rau răm ở lại chịu lời đắng cay

    Thật tình không tài nào hiểu nổi, “cây cải” và “rau răm” là loại rau rất thông dụng trong các bữa ăn dân dã, rất quen thuộc. Thế mà gió đưa cây cải về trời để rau răm ở lại rất ởm ờ mới là chuyện đáng bàn. Câu ca dao này đã được nêu ra với thầy dạy văn chương bình dân ca dao tục ngữ, nhưng chưa thầy nào giải thích được. Bẳng đi một thời gian dài thắc mắc về câu ca dao rơi vào quên lãng. Nhờ một tình cờ lịch sử người viết có cơ hội đặt chân đến các đảo trong vịnh Thái Lan, câu ca này lại được nghe, thắc mắc cũ lại được nêu ra với các ngư dân địa phương ở Côn Đảo (Poulo Condor) xưa gọi là Côn Lôn, ngay cư dân trên đảo Thổ Châu (Poulo Panjang) đều biết về sự tích câu chuyện đầy thương tâm này.




    Hình ảnh
    Hòn Bà


    Câu chuyện xảy ra ở phương nam nơi tận cùng đất nước trong vịnh Thái Lan thế mà vẫn được truyền tụng ra tận miền Trung xa xôi. Các ngư dân cho biết ở Côn Sơn có đảo nhỏ Hòn Bà nằm cạnh đảo lớn Côn Sơn, trên đảo có ngọn núi cao tên Núi Bà, núi Ông, làng An Hải có An Sơn Miếu thờ Bà Phi Yến, tại làng Cỏ Ống có ngôi mộ và miếu thờ Thiếu Gia Miếu còn được gọi Miếu Cậu thờ Hoàng tử Hội An (Hoàng tử Cải). Hằng năm dân Côn Đảo đều tổ chức giổ hai Mẹ Con Bà vào ngày 18 tháng 10 Âm Lịch là một ngày Hội ở địa phương.

    Chuyện kể rằng, năm 1782 Tây Sơn tái chiếm Gia Định, Nguyễn Vương bị truy đuổi phải lánh nạn ở Côn Sơn. Lúc này Vương nghĩ tới nước cờ liều, nảy sinh ý định nhờ Bá Đa Lộc mang con mình làm con tin sang Pháp cầu viện. Vương bàn với vợ, Bà Phi Yến (một trong những bà vợ của Vương) tên là Nguyễn thị Răm,
    • “Ta sẽ trao con Hòang Tử Cải (Hoàng Tử Hội An) lên năm tuổi nhờ Bá Đa Lộc mang sang Pháp làm con tin xin triều đình Pháp gởi tàu thuyền vũ khí, và quân lính sang cứu viện để phục quốc”.
    Bà Phi Yến khuyên Vương
    • “Việc đánh nhau với Tây Sơn là chuyện trong nhà, thiếp nghĩ chúa công nên dùng nghĩa binh trong nước thì hơn, không nên nhờ vả ngoại bang, nếu thắng được Tây Sơn thì chẳng vẻ vang gì mà e còn lắm điều rối rắm về sau…”
    Vương quắt mắt nhìn Bà với ánh mắt đầy ngờ vực, nổi trận lôi đình, quát quân hầu mang Bà Phi ra chém. vì nghi Bà có ẩn ý thông đồng với Tây Sơn. Quần thần thấy vậy đồng cầu xin Vương nguôi giận tha mạng cho Bà. Vương sai đem nhốt vào hang đá trên một đảo nhỏ, sau này dân chúng gọi là hòn Bà, chỉ có một ít bánh nếp và chum nước đủ sống trong nữa tháng, cùng vơí con vượn trắng Bà nuôi từ nhỏ. Lúc này Tây Sơn biết chỗ trú ẩn của Vương, tung chiến thuyền tiến đến vây hãm Côn Sơn quyết tiêu diệt. Vương sai mang Hoàng tử Cải xuống thuyền chạy trốn, Hoàng tử khóc lóc kêu la đòi mẹ được đi cùng hay ở lại với mẹ không chịu đi. Trong lúc nguy khốn dùng dằng mãi Vương giận dữ tự tay ném Hoàng tử xuống biển để đoàn quân lên đường thoát hiểm. May mắn cho Vương một cơn bão nổi lên đánh chìm thủy quân Tây Sơn, nhờ vậy Vương trốn thoát về Cổ Cốt rồi về Phú Quốc sai người tìm Bá Đa Lộc nhờ đưa Hoàng Tử Cảnh đi Pháp cầu viện.

    Con hổ đen (hắc hổ) mà Hoàng tử nuôi luôn quấn quit bên nhau, nhìn thấy Hoàng Tử rơi xuống biển liền nhảy theo nhưng không thể nào tiến kịp, ngồi trên bờ ngóng trông chờ đợi. Nhìn thấy xác Hoàng tử nằm trên đám san hô lúc thủy triều xuống, hổ nhảy đến kéo xác Hoàng tử lên bờ vùi chôn chủ, dân làng Cỏ Ống thấy vây xúm nhau giúp chôn cất, và lập miếu thờ gọi là Miếu Cậu. Nhờ hổ đen và vượn trắng dẫn đường dân làng tới giải thoát Bà Phi Yến khỏi hang đá, làng Cỏ Ống cất một nhà nhỏ để Bà có chỗ tạm trú lui tới thăm viếng mộ con. Năm 1785 Làng An Hải tổ chức làm chay tế lễ, để cho long trọng làng mời Bà Phi Yến đến dự, lúc này Bà mới 25 tuổi xuân phơi phới vẻ đẹp mặn mà, tên đồ tể Biện Thi thấy bà đẹp đẽ lòng tà dâm nổi lên, đêm đến lén chui vào buồng ngủ dở trò sàm sở nắm tay, Bà tri hô dân làng đến giải cứu. Để giữ tiết trung trinh với chồng Bà cầm dao chặt đứt cánh tay nhờ một bô lão đem chôn. Nhưng Bà vẫn bức rức đứng ngồi không yên cảm thấy thân bị nhơ nhuốc, đêm xuống Bà trầm mình tự tử để bảo toàn danh tiết với chồng. Dân làng An Hải và làng Cỏ Ống nổi giận đánh chết tên Biện Thi. Tương truyền rằng Bà và Hoàng tử Cải hiển linh mách bảo dân làng tránh nhiều tai ương. Cảm thương cho một người đàn bà đoan chính lấy cái chết để giử tròn danh tiết, và người con chí hiếu, dân làng An Hải Lập miếu thờ hằng năm cúng tế cho đến ngày nay. Câu chuyện làm động lòng người nên dân chúng truyền tụng câu ca dao để tiếc thương hai mẹ con Bà:

    Gió đưa cây Cải về trời
    Rau Răm ở lại chịu lời đắng cay


    Răm và Cải là tên hai mẹ con được lưu truyền lại qua tên hai loài rau thông dụng để dễ nhớ và tránh sự chú ý của nhà vua.




    Hình ảnh
    Miếu thờ Bà Phi Yến ở Côn Đảo



    Trong kho tàng văn chương truyền khẩu nước ta có nhiều câu chuyện được hư cấu rồi thổi vào vật thể hiện hữu làm linh hồn nhằm thi vị hóa, như chuyện Hòn Vọng Phu, chuyện vịnh Hạ Long, chuyện hòn phụ tử ở Hà Tiên, chuyện trầu cau… Vậy câu chuyện Bà Phi Yến và Hoàng tử Cải có khác với những chuyện hư cấu truyền khẩu kể trên không? Người viết nghĩ có khả năng cao là chuyện người thật, việc thật đã xảy ra ở Quần Đảo Côn Sơn vào giai đoạn tranh hùng sống mái giữa hai nhà Nguyễn: nhà Nguyễn Gia Miêu và nhà Nguyễn Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19. Khi tra cứu Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, trong phần lăng mộ tỉnh Hà Tiên có ghi “Mộ Hoàng tử triều trước: ở thôn An Hòa đảo Phú Quốc. Hoàng tử húy là Nhật, chết non, mộ táng ở đây.” Quốc sử quán dành phần phụ lục trong Đại Nam Nhất Thống Chí tập 5 nói về Quần Đảo Côn Lôn khá chi tiết, tuyệt nhiên không để lại một dấu vết nào về hai mẹ con bà. Như vậy sự bỏ sót mộ chí và miếu thờ của Bà Phi Yến và Hoàng tử Cải nằm trong cố ý của sử quan triều Nguyễn.

    Câu chuyện truyền khẩu từ đời này qua đời nọ, địa danh và miếu thờ vẫn còn đó trên thực địa, tập tục thờ cúng tế lễ vẫn còn lưu truyền mãi trong dân chúng địa phương cho đến ngày nay để nhớ tới Bà Phi Yến Nguyễn thị Răm một dạ chính chuyên với chồng, một người đàn bà đầy lòng yêu nước có tầm nhìn xa đã can đảm can ngăn chồng mà bị đối xử tệ bạc suýt mất mạng và người con chí hiếu sống chết với mẹ. Giá như Nguyễn vương chịu nghe theo lời can gián của bà Phi Yến mà từ bỏ ý định nhờ Bá Đa Lộc cầu viện Pháp, có thể lịch sử Việt Nam đã rẽ sang một hướng khác chăng?

    Mặc dù chính sử triều Nguyễn đã cố tình vùi lấp vào quên lãng, không nhắc nhở tới, nhưng danh tiết Bà vẫn được dân chúng truyền tụng qua ca dao vẫn tồn tại mãi, nhờ vậy hậu thế biết được câu chuyện đầy thương tâm của hai Mẹ Con Bà, đúng như câu:

    • Trăm năm bia đá cũng mòn
      Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ






    Sacramento, Cuối Thu Quý Tỵ, 2013
    Hoàng Huy Hoàng Phước Quyến

    nguồn: art2all.net
Trả lời

Quay về “ký ức thương yêu”