Mùa Xuân Nhớ Hội An

Trả lời
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Mùa Xuân Nhớ Hội An

Bài viết bởi Ngoc Han »

  • Mùa Xuân Nhớ Hội An
    _____________________


    • Ai về qua phố Hội An
      Mua dùm tôi tấm lụa vàng Duy Xuyên
      Tôi đi quét lá trăm miền
      Mẹ ngồi dệt sợi ưu phiền quanh năm
      Mai nầy con trở về thăm
      Sẽ may cho mẹ chiếc khăn gói trầu
      Dù xa cách nửa địa cầu
      Có hồn con vẫn theo hầu mỗi đêm.

      (Lụa Duy Xuyên, thơ Trần Trung Đạo)


    Hội An, một trong những trung tâm kinh tế và thương mại cổ nhất Việt Nam, nơi dừng neo của những tàu buôn quốc tế, nơi nghiên cứu và ẩn dật của những nhân vật cách mạng, chính khách sa cơ, nơi định cư của những đại tộc lừng danh thế giới. Hội An, thành phố với những mái ngói cong, những cột gỗ liêm tròn chạm trổ công phu, những con đường lót sỏi chạy dài theo bờ sông Thu thơ mộng. Hội An với những cành Cherie chín mọng đong đưa trên tàn lá thấp, tiếng guốc của những cặp tình nhân khua rộn rã đường về. Và với tôi, thành phố diệu kỳ kia là nơi tôi đã lớn.

    Tôi trở lại Hội An lần cuối vào mùa Xuân năm 1981. Vừa bước xuống xe là tôi nghĩ ngay đến câu thơ của nhà thơ Hoàng Lộc mà tôi thuộc lòng từ một đặc san Xuân của trường Trần Quý Cáp năm nào "Nghe rơi nước mắt thời lưu lạc, chừng buổi về thăm đã tuyệt mù". Đúng vậy, sáu năm sau ngày được "giải phóng", Hội An đã thay đổi quá nhiều. Thành phố cổ vốn đã u trầm lại càng buồn hơn. Thành phố vốn đã già nua trong thời chiến hình như càng cằn cỗi và mệt mỏi hơn trong thời bình. Hội An giống như một thành phố của nước Pháp đang bị Đức chiếm đóng trong thời đệ nhị thế chiến mà tôi thường xem trong những phim tài liệu. Nơi đó, con người sống trong một không khí sợ hãi, lo âu và nghi ngại lẫn nhau. Nơi đó, con người sống không có một chút hy vọng và cũng không phải là tuyệt vọng, sống như một định mệnh hơn là một chọn lựa.

    • Bạn bè nay chẳng còn ai
      Dăm đứa ở lại đạp xích lô
      Dăm đứa về quê làm ruộng
      Có đứa dường như đã vượt biên
      Có đứa bỏ mộng làm thầy để đi bán sách
      Phượng bây giờ chắc có chồng
      Nước Mỹ xa xôi chẳng còn gì đáng nhớ
      Những ước mơ xanh và một thời mộng đỏ
      Sẽ vàng hoe theo những tháng năm quên
      Trời Sài Gòn tháng sáu mưa đêm
      Như từng nhát dao chém xuống đời vội vã
      Tôi ra đi, dặn lòng quên tất cả
      Những hẹn thề toan tính thuở hoa niên
      Bốn phương trời lưu lạc một bầy chim

      (Đêm Cuối Đi Qua Trường Luật, thơ Trần Trung Đạo)


    Đoạn thơ trên tôi viết cho Sài Gòn tháng 6 năm 1980 trong một lần đi ngang qua trường Luật nhưng cũng rất thích hợp với Hội An. Phượng là tên của một người con gái Hội An mà tôi có lần đã mượn đem vào thơ.
    Một câu nói mà nhiều người thường nói "không có nơi nào đẹp hơn quê hương mình" nhưng đối với những chàng trai bỏ xứ ra đi hay bị đẩy ra khỏi xứ thì cần thêm câu "và cũng không có con gái nào đẹp hơn con gái ở quê mình". Tôi ít viết về những người con gái Hội An không phải bởi vì Hội An thời tuổi tôi có ít người con gái đẹp nhưng vì tôi chẳng có một mối tình nào đủ lớn như cỡ "Ba năm qua em trở thành thiếu phụ, ngồi ru con như ru phận mình..." như của nhà thơ Đynh Trầm Ca để mang vào thơ.

    Trong những đứa bạn đang "về quê làm ruộng" thì tôi chỉ gặp lại Quốc là người duy nhất. Quốc và tôi thân nhau từ những ngày thơ ấu. Nếu tôi không gọi chắc cậu ta vẫn lằm lũi kéo chiếc xe, ở ngoài Trung người ta gọi là xe bò, chở đầy đất đi qua. Chúng tôi không nói gì, chỉ im lặng nhìn nhau một hồi lâu. Một cuộc đối thoại vô ngôn nhưng chứa đựng cả một niềm thống hận của một thế hệ chịu gian khổ trong chiến tranh và bị đày đọa trong hòa bình. Phạm Quốc, một trong những học sinh giỏi văn nhất của trường, người đã từng thi đậu thủ khoa kỳ thi đệ thất ngày xưa ở trường tiểu học quê tôi bây giờ là một phu kéo xe đất đi đắp nền nhà thuê.

    Tôi còn nhớ khi lên đến lớp mười, mỗi bài luận Quốc làm đều được thầy Nguyễn Văn Liêu, dạy Việt Văn, đọc lại cho cả lớp nghe và khen đáo khen để. Các cô nữ sinh đều coi cậu ấy như thần tượng, chẳng bù với cái thân "ốm yếu ho hen" của tôi chẳng ai thèm để ý. Quốc viết văn và Quốc làm thơ. Thơ của Quốc không có gì đặc biệt nhưng văn của Quốc thì rất súc tích và gói ghém những suy nghĩ vượt xa hơn nhiều so với tuổi đời 15, 16 của cậu ấy. Có một lần thầy Liêu ra đề luận "Là một học sinh, em nghĩ gì về chiến tranh?", Quốc, thay vì tả những cảnh "đêm ngồi nhìn hỏa châu rơi" theo kiểu nhạc thời trang buổi ấy, cậu ta đã tuôn trào trên giấy những hằn học, những thống trách của mình trước những đau thương và tàn phá của quê hương. Thầy Liêu đọc lại cho cả lớp nghe với một chút e dè vì ngôn ngữ nặng mùi oán ghét chiến tranh của cậu ấy, nhưng trong ánh mắt, thầy không thể che dấu niềm kiêu hãnh khi có một người học trò mang những suy nghĩ lớn dù trong lúc tuổi còn rất nhỏ. Trong lòng thầy Liêu, Quốc sẽ là một "nhân kiệt" tương lai của vùng đất "địa linh" xứ Quảng của thầy. Thầy Liêu biết Quốc yêu nước lắm. Chơi thân với Quốc, tôi cũng hiểu điều đó. Có lần chúng tôi đang ngồi uống cà phê trong một quán cà phê ở gần khu Khổng Miếu, trong lúc cái máy hát của chủ quán đang phát một bản nhạc của Phạm Duy, bài Bà Mẹ Gio Linh, "Quân thù đã bắt được con, mang ra giữa chợ cắt đầu, nghẹn ngào không nói một câu, mang khăn gói đi lấy đầu, chiều về thôn xóm huồn teo, xa xa tiếng chuông chùa gieo..." tôi thấy nước mắt Quốc nhỏ xuống. Giọt nước mắt trong như ngọc của một tâm hồn thiếu niên Việt Nam đang đau xót cho vận nước nổi trôi. Năm 1972, tôi rời Hội An vào Sài Gòn, Quốc cũng rời Hội An để đi Thủ Đức sau khi chẳng may bị thi rớt tú tài 2 và không còn tuổi để tiếp tục xin hoãn dịch vì lý do học vấn.

    Năm 1975, Quốc là một Trung Úy Pháo Binh, sau 75 ở tù bốn năm trên Tiên Lãnh trước khi về quê kéo xe đất đắp nền nhà thuê. Tôi lặng lẽ nhìn Quốc một hồi lâu như muốn tìm bên trong chiếc áo vá màu đen kia có còn lại vết tích gì của những ước mơ thời niên thiếu. Còn hay không, không ai có thể biết và có lẽ không bao giờ Quốc sẽ trả lời. Tôi cũng tự biết rằng không nên hỏi bởi vì hỏi là xúc phạm, là xát muối lên một vết thương đang mưng mủ trong lòng của một người lính trẻ miền Nam lỡ vận. Tôi chỉ biết mời bạn một điếu thuốc, nói vài câu chúc tụng, thừa thãi trong lúc nầy, rồi chia tay nhau. Quốc cũng thế, không nói nhiều và cũng chẳng nhắc gì quá khứ, cúi cầm cán xe kéo đi không ngoái đầu nhìn lại. Những hạt mưa Xuân hay những giọt nước mắt đang lăn nhẹ trên má tôi. Tôi đang khóc cho bạn tôi, cho tôi và cho những mùa Xuân không bao giờ trở lại.

    Nỗi lòng anh Trung Úy Pháo Binh Phạm Quốc ở miền Nam cũng giống như tâm sự của anh thương binh Cộng Sản tên là Thuận, mà tôi đã gặp sau ngày 30 tháng 4 ở Sài Gòn. Tôi hỏi anh Thuận "bây giờ anh thích gì nhất?", anh trả lời không suy nghĩ "tôi muốn về Bắc sống với mẹ tôi, ngày xưa tôi không có chọn lựa nào hơn là đi bộ đội, bây giờ thì khác, tôi phải về thôi".

    Anh nhấn mạnh chữ "thôi" giọng Hà Nội như một lời khẳng định, một thách thức, một bất chấp của một con người bị lừa gạt quá nhiều, bị đày ải quá nhiều, bị mất mát đến độ chẳng còn gì để mất. Đã qua rồi những khẩu hiệu "hạt gạo cắn làm hai" để dành cho miền Nam đói khổ và "xẻ dọc Trường Sơn" để giải phóng miền Nam ra khỏi "gông cùm đế quốc". Năm tháng trôi qua, nhưng hình ảnh của người thương binh miền Bắc với chiếc nạng gỗ vẫn còn in đậm nét trong tôi.

    • Ngoài hiên mưa bắt đầu rơi
      Rơi thấm ướt lòng chúng tôi đêm ấy
      Tôi cầm lấy tay anh
      Đôi bàn tay lạnh giá
      Mắt nhìn nhau như đã nói nghìn câu
      Tôi thấy trong vô cùng hun hút đêm sâu
      Chảy trong chúng tôi chung một dòng máu đỏ
      Đời chúng tôi đời những đứa con hoang
      Tim chúng tôi rung một nhịp Việt Nam
      Hồn chúng tôi hồn bốn nghìn năm cũ
      Anh vỗ nhẹ vai tôi
      Rồi khệnh khạng trở về bệnh viện
      Tôi ngậm ngùi không thể nói thêm chi
      Vì mai nầy tôi cũng sẽ ra đi
      Đến một nơi tôi chưa hề nghĩ đến
      Năm tháng vẫn trôi đi
      Dòng đời tôi lạc bến
      Nhưng trong lòng khói thuốc chẳng hề tan.

      (Anh Bộ Đội Thương Binh -Thơ Trần Trung Đạo)


    Trước mắt anh một miền Nam tự do, êm ấm và trù phú dù chịu đựng gần một phần tư thế kỷ chiến tranh. Dĩ nhiên sự tự do no ấm mà đồng bào miền Nam đang có chưa hoàn toàn đủ nghĩa nhưng đó là những mầm xanh của hy vọng cho các thế hệ tương lai, đó là những điểm bắt đầu cần thiết của một chế độ Cộng Hòa đang chập chững lớn lên sau bao nhiêu thế kỷ phân tranh chinh chiến và Thực Dân bóc lột.

    Ý thức dân chủ trong suy nghĩ của đồng bào miền Nam dù vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu nhưng đó là nền móng, là mái vách cho căn nhà dân chủ cho đất nước sau nầy. Miền Nam chưa thể một sớm một chiều trở thành Tây Đức, Nam Hàn, Đài Loan nhưng những nhà máy nhỏ ở Khu Kỹ Nghệ Biên Hòa, những xưởng dệt bằng điện ở Hòa Vang, Thủ Đức là những nền móng công nghiệp cần thiết cho một quốc gia hiện đại tương lai. Sự có mặt của các anh đã làm những tia sáng hy vọng cho quê hương Việt Nam vừa chợt lóe lên đã vụt tắt. Sự có mặt của các anh đã hủy diệt tất cả mầm xanh của đất nước vừa mới đâm chồi. Chắc anh đã về đất Bắc. Anh nghĩ gì trong khi chống nạng trở về Hà Nội? Anh nghĩ gì khi nhìn các bí thư, các tỉnh ủy, các ủy viên trung ương sống trong các biệt thự nguy nga tráng lệ giữa một đất nước lầm than khốn khổ? Anh sẽ trả lời sao anh khi mẹ anh hỏi miền Nam có đói lắm không con? Cuối cùng, với anh, tất cả những mỹ từ: độc lập, tự do, hạnh phúc chỉ còn là những chiếc bánh vẽ, đều đã bị lừa gạt, bị nhân danh.

    Lần trở lại Hội An, tôi ghé thăm chùa Viên Giác, nơi đang giữ của tôi những bí mật lớn của đời mình và là nơi tôi cuộn tròn tuổi hoa niên dưới bóng cây đa già thân thuộc. Không mấy ai biết tôi từ đâu đến, cha mẹ tôi là ai và dĩ nhiên, ở một nơi mà sự sống đang đùa cùng cái chết thì cũng chẳng ai cần tìm hiểu làm gì. Từ những ngày rất nhỏ tôi đã phải sống trong một nỗi ám ảnh triền miên về quá khứ và cả về tương lai của chính mình. Tôi đến Hội An lần đầu năm 1968, mới 13 tuổi nhưng đã có một dĩ vãng rất dài và với những vết thương cứa tận trong tim không bao giờ lành được. Những đau xót tuổi hoa niên đã chảy vào bài thơ tôi viết khi Nhớ Cây Đa Chùa Viên Giác:

    • Tôi chưa kịp trở về thăm Viên Giác
      Mười hai năm bèo giạt bến sông đời
      Cây đa cũ chắc đã già hơn trước
      Biết có còn rụng lá xuống sân tôi

      Đời lưu lạc tôi đi hoài không nghỉ
      Để niềm đau chảy suốt những mùa thu
      Thời thơ ấu cây đa già tri kỷ
      Vẫn còn đây trong ký ức xa mù

      Tôi khổ cực từ khi cha mất sớm
      Nên bà con thân thuộc cũng xa dần
      Khi tôi khóc, đa đau từng cuống lá
      Khi tôi cười, xào xạt tiếng quen thân

      Đa làm mẹ vỗ về tôi giấc ngủ
      Đa làm cha che mát những trưa hè
      Đa làm bạn quây quần khi rảnh rỗi
      Đa làm người chơn thật chẳng khen chê

      Mỗi buổi sáng tôi một mình ôm chổi
      Quét lá vàng như quét nỗi cô đơn
      Lá vẫn rụng khi mỗi mùa thu tới
      Như đời tôi tiếp nối chuyện đau buồn

      Chùa thanh tịnh chẳng dung hồn lữ thứ
      Một chiều thu tôi lạy Phật ra đi
      Bỏ lại tiếng kinh cầu vang khuya sớm
      Cây đa già đứng lặng khóc chia ly

      Đường tôi qua đã không còn bóng mát
      Ngày nhọc nhằn mưa lũ lúc đêm khuya
      Đa ở lại âm thầm ru khúc hát
      Ngậm ngùi rơi theo mỗi tiếng chuông chiều

      Đa thân mến dẫu có vàng thương nhớ
      Cũng xin đừng gục xuống dưới sân tôi
      Xin cố đứng để chờ nghe tôi kể
      Chuyện trầm luân của một kiếp con người

      Tôi sẽ đến ngôi chùa xưa Viên Giác
      Nhặt mảnh đời rơi rớt ở quanh đây
      Ôi thằng bé nghèo nàn xưa đã lớn
      Đi làm người du thực ở phương tây

      Tôi viết nốt những bài thơ dang dở
      Vá tình người rách nát thuở hoa niên

      Đa sẽ hát bài đồng dao muôn thuở
      Nhạc thu buồn nước mắt chảy trong đêm.


    Chùa Viên Giác, nơi trú ẩn của tôi, một con chim non tránh bão suốt năm năm trời. Ngoại trừ một số ít bạn học và hai cây đa già trước cửa chùa, năm năm dài tôi đã sống và học trong một đời sống hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Ngày 30 tháng 8 năm 1972, tôi từ giã cây đa già tri kỷ, mang khăn gói hành trang đi xuống cuộc đời. Sau lưng, cánh cửa tùng vừa khép lại.

    Tôi trở về một lần nữa trước khi đi đến một nơi xa thật là xa, xa hơn cả trí tưởng tượng của mình. Thầy tôi ngạc nhiên khi thấy tôi trở lại. Thầy nói như than thở "trong lúc nhiều người bỏ chùa ra đi thì con trở về". Tôi bạch với thầy "con về thăm thầy nhưng mai con sẽ ra đi, đi xa hơn chuyến đi lần trước".

    Tôi đến với đạo Phật từ tuổi lên 7 qua ngưỡng cửa của Gia Đình Phật Tử. Tôi đến với đạo Phật không phải vì đặc tính huyền bí linh thiêng tôn giáo nhưng đơn giản vì đạo Phật là đạo của tình thương, đạo của bao dung. Đức Phật từ bỏ tất cả cung vàng điện ngọc để mang tình thương đi vào thế giới khổ đau của nhân loại bằng một chiếc áo vàng và đôi chân đất. Nhiều nhà khoa học, kể cả Albert Enstein, đến với đạo Phật không phải vì đức Phật là đấng giác ngộ siêu nhiên nhưng vì ngài là nhà khoa học, nhà đại giáo dục, là người thầy đạo đức của con người. Đạo Phật không ban cho con người cứu cánh nhưng giúp cho con người những phương tiện cần thiết để tự đạt tới cứu cánh an lạc cho chính mình. Tôi yêu đạo Phật là vì thế.

    Cây đa vẫn còn đó như chờ tôi trở lại, vẫn xào xạc chào đón bước chân tôi về thăm. Cây đa không bị đói như con người mà tôi có cảm tưởng cũng ốm hơn những năm trước. Đa không tuổi mà sao tôi thấy già hơn những năm xưa. Đừng ngã xuống nghe đa, phải sống như tôi đã phải sống, phải vươn lên như tôi đã phải vươn lên giữa cuộc đời trầm luân thống khổ, phải xào xạc một cách hồn nhiên như khi tôi ngồi đọc bài thơ đầu tiên trong những đêm hoa niên thao thức.

    Ngày mai tôi lại sẽ ra đi. Lần nầy thì đi xa lắm. Đừng hỏi tôi đi đâu vì chính tôi cũng không thể trả lời. Điều duy nhất mà tôi có thể trả lời được là có một ngày tôi sẽ về lại nơi nầy như chiếc lá đa trong sân chùa Viên Giác, dù có bay xa bao nhiêu thì vẫn có một ngày sẽ trở về với nguồn cội của mình. Tôi sẽ về với cây đa già như về với quê hương đầy đau thương, vinh quang và thống khổ Việt Nam nếu tôi không chết giữa biển cả mênh mông hay chết trên xứ người xa lạ. Nhưng dù tôi có chết đi, thì hồn tôi cũng tìm về lại vì hạnh phúc đầu tiên và cuối cùng của tôi là ở đây, dưới bóng đa nầy.




    Trần Trung Đạo
    nguồn: luanhoan.net
Trả lời

Quay về “ký ức thương yêu”