Không gian Huế

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5381
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Không gian Huế

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Không gian Huế







    Tản bộ trên đường phố hoặc lang thang vùng ngoại ô, nơi có hơn bốn mươi ngôi chùa cổ kính, nơi yên nghỉ các vua Nguyễn, dễ dàng nhận ra sức thu hút của một Huế cố đô thơ mộng u hoài đối với du khách trong nước và quốc tế.

    Trong nhiều quốc tịch, du khách Pháp chiếm số đông ở Huế và cũng là khách dễ mến. Trên sân thượng khách sạn bên bờ sông Hương, một nhà văn Pháp vui lòng ngắt dòng suy tưởng triền miên trong bóng hoàng hôn để trao đổi đôi câu với người mới gặp, để rồi tôi hết sức ngạc nhiên về nhận xét của ông khi trả lời vì sao chọn Huế làm điểm dừng chân lâu trong lịch trình đến Việt Nam: “Bởi chỉ ở không gian này tôi nghe được tiếng chuông chùa trọn vẹn mỗi sớm chiều. Và bởi chỉ trên dòng Hương nhu hòa yên tĩnh thì tiếng đàn lời ca các nghệ sĩ mới có thể ngân nga lan tỏa mà chưa bị tạp âm công nghiệp, thương mại quấy nhiễu…”.

    Chuyện khiến tôi nhớ một người, nội tôi, khách tri âm dòng sông đa thanh đa cảm này. Từ ngày Huế phát triển du lịch, muốn nghe ca Huế phải gọi điện giữ chỗ trước. Còn thời của nội, ông sai tiểu đồng đi hẹn giờ “ta đi chơi”…





    Thời đó, khách xuống bến, chủ đò đợi sẵn với một lư trầm tỏa khói. Không chỉ đơn thuần nghi lễ thù tiếp, nó còn xua muỗi và khử mùi tanh ở bến sông, nhất là khoảng thời gian giao thoa giữa ngày và đêm. Đò chơi khác đò không chơi ở bài trí nội thất. Khoang đò lát gỗ đen bóng, đôi khi có cả hoa văn khảm xà cừ tăng phần lấp lánh dưới ánh đèn lồng hay bạch lạp. Một tủ nhỏ đựng các thứ phục vụ khách, từ gối xếp ngũ sắc đến giấy bút phòng khi khách cao hứng đề thơ. Và hương bài. Chủ đò xưa dùng những túi nhỏ bằng giấy hoặc vải thô đựng cỏ thơm cài vào gối, khăn. Với khách quen, chủ đò còn thuộc cả sở thích, biết người nào yêu thích mùi hương loài cỏ hoa nào…

    Nhà đò thay mới áo gối tiếp khách sành điệu. Khi cuộc vui tàn, khách đích thân tháo áo gối, thả xuống sông để không thất lễ người đến sau. Để rồi một đêm, vừa xong động tác kết thúc cuộc chơi, nội tôi nghe tiếng bì bõm sau đuôi thuyền. Dưới ánh trăng tà, ông trông thấy bọn trẻ vạn chài vừa bơi vừa tranh nhau chiếc áo gối trong làn nước lạnh giá nửa đêm về sáng. Hôm sau “vi hành” xuống vạn chài, ông nhận ra mấy cái áo trẻ con nhuộm nâu phơi trên con đò nghèo xác là “hóa thân” của những chiếc áo gối thêu ông đã thả xuống mặt sông lạnh… Cũng từ đó nội tôi bắt đầu tham gia các tổ chức từ thiện.

    Trở lại con thuyền ca thời phong nhã. Không ghi sẵn thực đơn, chủ đò chỉ “trình” quý khách chiếc trống cơm. Trong lúc khách nhàn nhã chuyện trò và nhấm nháp tách trà khai vị, từ khoang sau tiếng đàn hát cất lên. Lời ca gồm tên những món có thể phục vụ. Nó thay đổi theo buổi chợ trong ngày và tùy mùa vụ trong năm. Nghe tên món mình thích, mỗi khách nhịp một roi vào mặt trống. Bài hát lặp lại cho đến khi chủ tiệc gióng một hồi trống kết thúc. Chủ đò lặng lẽ xếp thứ tự các món đã gọi sao cho phù hợp với nghệ thuật ẩm thực.

    Sau đó, nội dung bài ca chuyển sang “Hồng Hồng Tuyết Tuyết…”. Khách tuyển ca nhi mình hâm mộ cũng bằng tín hiệu trống cơm tế nhị. Gặp được danh ca kỳ nữ, khách hào hoa ra tận mũi đò đón rước với lò trầm. Khói thơm thanh khiết lan tỏa một quãng sông…

    Với ca Huế, khái niệm “ca sĩ” và “thính giả” không thể hiện rõ, đôi khi còn như triệt tiêu. Trên sân khấu hiện đại, ca sĩ không thể ngừng biểu diễn để thỏ thẻ vào tai thính giả “Cho em xin miếng nước…”. Còn với ca Huế, như thế là chuyện tự nhiên bởi người hát và người nghe hát là “tri âm”. Tiết tấu của ca Huế cũng không vì thế mà lỗi nhịp. Phải chăng dòng Hương êm đềm đã là một dấu lặng?

    Nghe nội kể mà tôi muốn biết liệu “tri âm” rồi có ra “tri kỷ”? Nhưng hồi nội còn sinh tiền, tôi đã không dám hỏi. Bây giờ, nghe ca Huế trên sông Hương tôi lại tự hỏi: Đã giữ gìn vốn ca Huế sao không giữ gìn cả phong cách nghe ca Huế trong không gian đặc hữu Huế, một Huế mình “không nơi nào có được”?

    Không gian Huế – món quà của tự nhiên cộng với tầm nhìn và nghệ thuật sắp đặt của tiền nhân – là nền tảng thiết kế vẻ đẹp Huế.

    Trong một quán cà phê vườn Thành Nội, chàng du khách xứ sở sương mù Anh Quốc ngồi cạnh tôi đã ngẩn ngơ trước chiếc nón cô gái Huế. Hỏi ra mới biết anh ta đã trông thấy nón lá Việt Nam trưng bày ở hội chợ quốc tế, đã gặp một vài phụ nữ đội nón ở Sài Gòn, nhưng phải đến không gian Huế mới khám phá vẻ đẹp của nón. Phải cùng mái tóc thề ngang vai, cùng tà áo dài quyện gió, cùng chiếc xe đạp khoan thai, cùng thành quách lâu đài trầm tịch, cùng dòng sông lặng thầm ra biển, chiếc nón mới đạt tới tỷ lệ vàng của nó. Và khi tôi cho biết chiếc nón mỏng mảnh kia còn ấp ủ trong lòng nó mấy câu thơ tình mộng thì chàng du khách chỉ còn biết ngả mũ kính chào chiếc nón bài thơ Huế.

    Có lần tôi tình cờ nghe được câu chuyện lý thú liên quan kinh thành Huế. Hôm ấy, người bạn làm nghề hướng dẫn du lịch muốn tôi chung bàn với hai khách Mỹ. Họ vui vẻ cho biết đã đánh cuộc về kiến trúc Ngọ Môn. Một người tin rằng Ngọ Môn có năm cửa vì tài liệu hướng dẫn du lịch không thể sai. Người kia, một cựu chiến binh, nhất định Ngọ Môn chỉ có ba cửa, bởi năm 1968 anh ta đã từ Kỳ Đài đấu súng với Vi-ci ẩn trong Ngọ Môn và bị thương tại đấy. Hình ảnh cuối cùng ở chiến trường Việt Nam khắc sâu vào ký ức thời chiến binh của anh ta chính là Ngọ-Môn-ba-cửa. Không ai chịu ai, dẫn đến đánh cuộc: làm một chuyến du lịch, kiểm chứng Ngọ Môn năm cửa hay ba cửa, ai thua chi toàn bộ chuyến đi. Giờ dù thua cuộc, anh cựu chiến binh Mỹ vẫn vui vì nhiều lẽ, trong đó có niềm vui khám phá nét độc đáo kiến trúc Việt, nét độc đáo đã đánh lừa mắt anh.

    Câu ca Huế đã từng miêu tả: “Ngọ Môn năm cửa chín lầu/ Một lầu vàng tám lầu xanh/ Ba cửa thẳng hai cửa quanh…”. Không mô phỏng nền đài Thiên An Môn của Trung Hoa, nhà kiến trúc Việt Nam khi xây dựng đài Ngọ Môn đã tránh hình khối chữ nhật thô nặng bằng biến thể chữ U. Đáy ngang chữ U là nền đài chính trổ ba cửa thẳng: Ngọ Môn dành riêng nhà vua, Tả Giáp Môn quan văn, Hữu Giáp Môn quan võ. Hai nhánh chữ U trổ hai cửa quanh thông từ trong ra ngoài và bẻ thẳng góc đối diện: Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn dành cho binh lính, voi ngựa, xa giá trong đoàn ngự đạo. Chính hai cửa quanh này dễ đánh lừa những ai nhìn Ngọ Môn từ xa và ở vị trí trực diện.

    Đã có một đánh giá được nhiều người thừa nhận về nét đẹp đặc trưng của những công trình kiến trúc lăng tẩm chốn cố đô: Gia Long hùng vĩ, Minh Mạng uy nghi, Tự Đức thơ mộng, Khải Định tráng lệ… Rõ ràng vẻ hùng vĩ, tính thơ mộng phụ thuộc rất nhiều vào không gian sẵn có của đất Thuận Hóa, của Huế.

    Trong những công trình kiến trúc ấy, Khiêm Lăng thu hút nhiều du khách nhất. Với một tâm hồn thi sĩ am hiểu triết học và kiến trúc, vua Tự Đức đã xây cho mình một nơi yên nghỉ hoà nhập thiên nhiên, phá cách phép kiến trúc “ngang ngay sổ thẳng” truyền thống phương Đông. Hồ sen, ngọn giả sơn, thành quách cứ nương theo hình sông thế núi sẵn có mà kiến tạo, không cưỡng chế, không áp đặt. Nhà vua đã tôn trọng mẹ thiên nhiên. Ở Khiêm Lăng tôi đặc biệt yêu những con đường lát gạch bát tràng có một bề ngang không rộng không hẹp, như đã tính đủ cho hai người sánh vai thả bước khoan thai, lượn lờ quanh co, khi bên đài các trầm tư, khi giữa đồi thông xôn xao lời gió, khi ven hồ sen nở sen tàn…

    Xin lặp lại để kết thúc đoản văn này: Không gian Huế đã bày vẽ ra cái đẹp cho Huế.

    FB Quyen Vinh


    Nguồn:https://khoahocnet.com


              
Trả lời

Quay về “ký ức thương yêu”