Lời nguyện cầu 2021 của một đứa bé nghèo

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Lời nguyện cầu 2021 của một đứa bé nghèo

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Lời nguyện cầu 2021
    của một đứa bé nghèo

    _______________________
    Viết từ Sài Gòn - 15/01/2021





    Năm 2021 đến như một lời yên ủi, 2021 đến như một sự cứu rỗi những tâm hồn vốn dĩ mỏng manh, yếu đuối và dễ tổn thương. Dường như, chưa bao giờ con người trở nên mong manh, yếu đuối, dễ tổn thương và nổi cáu như năm nay. Năm mới 2021 đến như một người bạn bí ẩn, nó chưa thể cho người ta biết tâm tính của nó ra sao, nó cũng không thể nói rằng nó sẽ là người bạn tốt bởi đôi khi nó như một đứa bé đứng nguyện cầu về một thế giới tốt đẹp, về một mái ấm gia đình, về ước mơ thánh thiện trọn đời nếu như lời cầu nguyện ấy không diễn ra trước lúc người ta lừa cướp tuổi thơ của nó bằng cách ném nó vào những trại buôn người hay những nơi bóc lột trẻ con. Tôi đã nghe lời nguyện cầu cho năm 2021 của một đứa trẻ Mèo, còn gọi là người H’Mong xanh. Tôi sẽ gọi đó là lời nguyện cầu, cho dù với đứa bé, đó chỉ là lời kể chuyện, hay là lời tâm tình chẳng hạn.

    Bé đã nói với tôi rằng
    • “cháu chỉ ước mơ năm tới đừng lạnh nữa, và năm tới có một cái chăn bông thật tốt, có một bữa cơm không cần độn ngô nữa, vì ăn ngô hoài chán quá, mà cháu cũng trông cho dịch cúm chấm dứt, vì chúng cháu đã thành con bò lâu rồi!”.

      _“Tại sao cháu lại nói mình thành con bò?”.

      _“Bởi vì cháu và các bạn ở đây không giống như các anh chị và bố mẹ, họ đều biết đi rừng, biết làm ruộng và mang gùi ngô nặng lúc bằng tuổi cháu bây giờ (9 tuổi), nhưng tụi cháu thì không, tụi cháu được đi học, được ăn cơm của trường, được ăn cả kẹo nữa.
      Những lúc rảnh rỗi, thay vì giúp cha mẹ ra ngoài rừng thì tụi cháu đi bán quà lưu niệm. Ngày nào bán đắt thì thôi, ngày nào ế quá thì tụi cháu xin khéo của khách…”.


    Câu chuyện kể của đứa nhỏ khiến tôi không khỏi giật mình, bàng hoàng, việc chọn công việc đi bán quà lưu niệm thay vì ra nương phụ cha mẹ hoặc ở nhà nấu cơm và nếu bán không được hàng thì xin khéo của khách được nó kể ra một cách hồn nhiên. Dường như nó xem đây là một thứ công việc nghiêm túc chứ không phải nó và các bạn đang làm điều gì đó không đúng.
    • _“Khi xin tiền, nhỡ khách không cho thì sao?” – tôi hỏi.

      _“Thì cứ nằn nì mãi người ta cũng cho thôi!”.

      _“Cháu thấy việc này là đúng à?” –
      tôi hỏi.

      _“Dạ, già làng nói rằng khi mình làm trâu bò, thì phải làm hết bổn phận” – nó trả lời tỉnh bơ.

      _“Nghĩa là sao? Cháu nói rõ hơn được không?”.

      _“Nghĩa là khi có du lịch, già làng nói vậy, khi có du lịch, người H’Mong của tụi cháu trở thành sinh vật cảnh và phải biết tận dụng cái phần sinh vật cảnh mà thế giới đã giao cho mình. Khách đến thăm bản làng, người ta bán vé để thu tiền tham quan, tụi cháu cũng phải biết tranh thủ đi bán quà lưu niệm hoặc đi xin để có tiền mà mua sách vở, rồi phụ giúp cha mẹ. Đứa nào may mắn thì được đứng làm mẫu chụp hình. Có nhiều khi khách thảng nhiên chụp hình rồi bỏ đi, tụi cháu lại chạy tới xin tiền mẫu. Vậy đó chú!”.


    Hóa ra, việc đi xin, nằn nì, chèo kéo khách mua quà lưu niệm (nói là thổ cẩm, kỳ thực hàng Trung Quốc trá hình) đối với những đứa trẻ H’Mong là bình thường. Mà hình như không riêng gì những đứa trẻ H’Mong ở Sapa hay Bắc Hà, Lào Cai, nơi nào có du lịch, nơi ấy những đứa trẻ các tộc người thiểu số đều vậy.

    Bởi cái đói hằng năm, bởi mùa giáp hạt không có thóc, bởi ruộng nương đã bán cho người làm du lịch,
    • người lớn chỉ đi làm thuê, lau chùi, dọn dẹp, rửa chén bát (may lắm mới được nhận vào làm, bởi yếu tố kì thị người miền núi vẫn còn đầy rẫy…),
    • trẻ con thì đi bán hàng rong, đi xin đểu.
    Vào ngày mùa,
    • người lớn cũng trình diễn làm ruộng bậc thang, làm rừng,
    • trẻ con thì trình diễn chơi đùa trên triền núi hoặc mang một giỏ đầy hoa tam giác mạch hoặc hoa cải ngồng để làm mẫu chụp hình…
    Có thiên hình vạn trạng cách trình diễn để làm du lịch, nhưng khả năng/bản năng gốc của các tộc người thiểu số dường như đã bị xóa. Họ không còn khả năng thích ứng với thiên nhiên, không còn khả năng tự vào rừng để kiếm củi, củ rừng, dường như đã quen với nhịp sống thời du lịch, cứ đợi đến cuối tuần hoặc những ngày lễ lạc thì ra thị trấn với đầy đủ trang phục rực rỡ, lòe loẹt, để trình diễn các màn vốn dĩ là công việc hằng ngày của họ cho khách tham quan xem. Và đương nhiên, mục đích cuối cùng của họ vẫn là bán được một món hàng nào đó với giá gấp năm, gấp sáu lần ngoài chợ. Bởi việc bán, việc hét giá bao gồm cả sự trình diễn của họ. Dường như bản tính hồn nhiên, chân chất của các tộc người thiểu số trong vùng du lịch đã được thay thế bằng những tính toán, lấy lại những gì mà du lịch đã lấy mất của họ. Rất tiếc là sự ranh ma của họ chỉ dừng ở mức phản kháng và không có khả năng ranh ma, đâm ra mọi sự trở nên lộ liễu và tội nghiệp.




    Thế rồi khi dịch cúm Vũ Hán kéo đến, du lịch không thể hoạt động, mọi điểm du lịch bị đóng băng, người đồng bào thiểu số vốn ăn theo du lịch bấy lâu nay trở nên lạc lõng, không biết sẽ sống ra sao. Người lớn không có việc làm, trẻ con không có chỗ để bán, để xin, thêm phần thời tiết ngày càng khắc nghiệt, sự trở lại với việc trồng cấy của người thiểu số chưa kịp hoàn hồn thì đã phải đối mặt với rủi ro thiên tai. Khổ chồng chất khổ, những người thiểu số vốn dĩ bị quay cuồng trong trận sóng du lịch, bị biến thành vật nuôi của ngành du lịch một thời, những tưởng cái ăn cũng no lưng ấm cật hơn trước… Thế nhưng chưa kịp no bụng thì mọi chuyện khó khăn lại kéo đến, những người thiểu số vô hình trung trở thành vật nuôi mất chủ, vật nuôi bơ vơ…

    Không có gì đáng sợ hơn cho họ. Nói cho cùng là du lịch không có lỗi trong chuyện này, nhưng chính cái cơ chế quản lý du lịch với
    • đầy rẫy các nhóm lợi ích,
      đầy rẫy quyền lực của giới quan chức đứng sau chống lưng
      và thậm chí đầy rẫy quyền lực sân sau của một nhóm người
    đã khiến cho
    • họ càn quét, vặt lông không thương tiếc các giá trị thiên nhiên cần bảo tồn, trong đó
      • giá trị con người,
        giá trị nhân văn và dân tộc học,
        giá trị địa lý dân tộc học
    cũng bị nhóm này xóa sổ một cách hí hửng.

    Và lời tâm sự, cũng là lời nguyện cầu đầu năm 2021 của một đứa bé Mèo (H’Mong Xanh) vô hình trung chạm đến vết thương âm ỉ mưng mủ về dân tộc học cũng như các giá trị cần bảo tồn đã bị đánh cắp từ trong vô thức tập thể của nhiều tộc người thiểu số.
              
    Đến bao giờ họ được sống trở lại đúng với bản năng cũng như các giá trị bản nhiên của họ?
    E rằng mọi chuyện đã quá muộn!

    Lời nguyện cầu của đứa bé Mèo
    cũng là lời nguyện cầu của chúng ta!

              



              
    https://www.rfavietnam.com/node/6646
              
Trả lời

Quay về “VietTuSaiGon”