Sự man rợ nấp bóng tro cốt và xác ướp

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Sự man rợ nấp bóng tro cốt và xác ướp

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Sự man rợ
    nấp bóng tro cốt
    và xác ướp

    _______________________
    Viết từ Sài Gòn - 07.09.2020





    Trước đây mấy ngày, tôi có viết bài nhắc đến chuyện gần tám trăm hủ tro cốt bị vất lăn lóc trong hốc tường ở chùa Kỳ Quang 2, Gò Vấp. Và lúc đó, tôi chưa được xem tất cả các video clip về các phản ứng của Phật tử, cũng như chưa theo dõi, chưa đặt ra câu hỏi hoài nghi nào về chuyện có hay không có một âm mưu đứng sau vụ việc. Hay nói khác đi, tôi thấy kinh sợ sư Thích Thiện Chiếu. Nhưng rồi, khi xem lại tất cả các video clip, xâu chuỗi lại trình tự sự việc, tôi thấy rùng mình bởi sự man rợ của con người xã hội chủ nghĩa.

    Đương nhiên, trong chuyện các hủ tro cốt, ai là kẻ trực tiếp gây ra tội lỗi vẫn đang là một ẩn số. Nhưng vấn đề tôi muốn nói tới ở đây là phản ứng của con người, đặc biệt là các Phật tử, nghe ra có gì đó bất thường đến độ không còn là thế giới của con người nữa, thậm chí cách hành xử và các phát ngôn của những người có liên quan vượt cả mức bạo động của kẻ chợ, rất tiếc là những phát ngôn này được nói ra ngay cửa Phật, nơi tôn nghiêm và là nơi gợi nhắc đến suối nguồn từ bi, bác ái!

    Trong các video clip, hầu hết đều là các phản ứng của thân nhân người đã khuất, cụ thể là người nhà của các hủ tro cốt. Hiện nay có trên 10 video clip do các báo thực hiện, trong đó, hầu hết là phản đối của Phật tử và thân nhân với vị trụ trì Thích Thiện Chiếu, họ không muốn ông làm trụ trì chùa Kỳ Quang 2 nữa. Bên cạnh đó, có hai vấn đề:
    • Có hay không có số tiền 6 triệu đồng mà thân nhân đóng vào chùa để mỗi hủ tro cốt được thờ phụng nơi chùa?
    • Có hay không số tiền 40 triệu hay sáu lượng vàng đóng vào chùa để được thờ hủ tro người thân?
    Và theo như lời của các sư, gồm cả sư Thích Thiện Chiếu thì không hề có khoản tiền nào đóng cho việc an định các hủ tro trong chùa, vậy đâu là sự thật?

    Vấn đề là đến giờ này, dường như không có cơ sở nào để khẳng định rằng những người nói đã nộp tiền vào chùa là đáng tin cậy bởi cùng một nhân vật, nhưng trong mỗi video clip của mỗi đài khác nhau, họ lại nói mức tiền đóng khác nhau và thần thái của họ cũng có gì đó thiếu tự tin khi trả lời, tiền hậu bất nhất. Nhưng điều đó cũng không thể nói rằng lời của sư Thích Thiện Chiếu là đáng tin cậy (lúc này) bởi mọi thứ vẫn còn trong màn bí ẩn, khó hiểu. Bởi thầy là trụ trì, lẽ nào thầy không quan sát, quán xuyến được mọi việc? Vấn đề tro cốt, tâm linh là vấn đề hệ trọng trong chùa, sao lại ầu ơ như vậy được? Hơn nữa, ngay cả các đề xuất từ xét nghiệm AND cho đến đúc tượng của các thầy cũng có gì đó mang tính đối phó tình thế, chụp giật, dường như tự sâu thẳm các giải pháp này không mang nhân cảm.

    Nhưng, trong tình thế này, nhìn vào phản ứng của các Phật tử, người thân của các hủ tro cốt thì tôi không khỏi ngạc nhiên trước việc
    • một người trung niên, chừng 50 tuổi xưng “mày – tao” với một vị sư đã cao tuổi, chí ít cũng trên 70 tuổi, nghĩa là vai cha, chú, liệu cách hành xử cạn tàu ráo máng này nói lên điều gì?
    • Chưa dừng ở đó, có một người đàn ông trung niên, ước chừng 60 tuổi, là Phật tử khi được hỏi về cảm nhận của ông trong việc này ông khẳng định
      • “Phải dùng biện pháp chế tài với thằng thầy này, thậm chí phải thiêu sống nó!”.
    Tôi thực sự lạnh xương sống khi nghe những lời này. Dường như nó không phải là phát biểu của một người đang đau xót vì có người thân bị vứt hủ tro cốt lăn lóc. Bởi người có nhân cảm để thương cả tro bụi của người thân, đau khổ, xót xa vì tro bụi của người thân bị vứt lăn lóc thì đương nhiên người có lòng bi mẫn. Một người có lòng bi mẫn với cả tro cốt thì không thể dễ dàng đòi thiêu sống bất kì ai, đừng nói ở đây là người họ từng xưng bằng “thầy” và mọi chuyện vẫn chưa rõ trắng đen, chưa ngã ngũ!

    Bởi trong chùa đâu chỉ có mỗi mình ông trụ trì, và ai dám khẳng định ông trụ trì là người chịu trách nhiệm trực tiếp về các hủ tro? Giả sử có một nhân vật nào đó ủ mưu ám hại trụ trì, hạ uy tín của trụ trì, hoặc một kẻ điên loạn, tâm thần nào đó vào chùa để làm chuyện này thì sao? Thủ phạm trực tiếp gây ra sự việc vẫn chưa được đưa ra ánh sáng, cơ quan điều tra vẫn chưa làm rõ sự vụ, thì tại sao Phật tử, thân nhân các hủ tro cốt lại chỉ nhắm vào mỗi mình thầy trụ trì? Ai là người khẳng định, xác tín rằng chính thầy trụ trì gây ra vụ việc hoặc ra lệnh cho người khác làm việc này? Rõ ràng, ở đây chưa hề có bất kì dấu hiệu nào cho thấy thầy Thích Thiện Chiếu đã gây ra vụ việc. Nhưng giáo hội quyết định thay trụ trì, người dân xúm vào chửi trụ trì, báo chí cũng kết án trụ trì. Có gì đó bất thường!

    Nhưng cái bất thường và đáng sợ nhất là xã hội đang rơi vào trạng thái thú vật.
    • Bởi giả sử đây là một âm mưu nào đó nhằm thay đổi trụ trì thì đó là âm mưu quá man rợ, không còn tính người.
    • Giả sử đây là tội lỗi của sư trụ trì thì rõ ràng, sinh quyển xã hội và không gian sinh hoạt tôn giáo đã để cho những kẻ đội lốt người, đội lốt sư hoành hành nơi cửa Phật.
    • Giả sử đây là một chuỗi ngẫu nhiên của các sự việc để dẫn đến tình trạng đáng tiếc trên thì các phản ứng của những người có liên quan, và cả một số người trên cộng đồng mạng mấy ngày nay quá đáng sợ, nó cho thấy chúng ta đang sống trong thế kỉ 21 nhưng hành xử, tình cảm và tư duy của chúng ta đang còn tụt lùi ở tận thời trung cổ, man rợ và máu lạnh.







    Và mở rộng câu chuyện, đâu riêng gì chuyện ở chùa Kỳ Quang, mà hầu hết các sự vụ, dường như người ta hành xử với nhau toàn bằng bạo lực, thủ đoạn, âm mưu, sát hại… Không có thứ gì mà người ta không dám làm, miễn đạt được mục đích. Điều này vô hình trung gợi nhắc đến những cuộc “bạo lực cách mạng” trong lịch sử hình thành và phát triển của đảng Cộng sản Việt Nam. Để đạt được mục đích, người ta bất chấp thủ đoạn và xem các thủ đoạn tàn nhẫn, dã man nhất như một thứ phương tiện để đi đến cứu cánh.

    Và hôm nay, cái kiểu bạo lực cách mạng ấy vẫn còn lan tỏa, có mặt ở khắp mọi nơi, khi mà đồng tiền có thể làm thay đổi mọi thứ thì các kiểu bạo lực lại được sử dụng, được nâng cấp lên thành một thứ dịch vụ ngầm trong xã hội. Nó bất chấp lương tri, bất chấp bất kì tiêu chuẩn đạo đức tình thương nào. Và không riêng gì ngoài xã hội mà ngay trong cơ quan nhà nước, bất kì người tài nào hay người nào có chính kiến, phản biện để hệ thống được tốt đẹp hơn thì liền bị chết vì ngã lầu, chết bí ẩn. Gần đây, các vụ về
    • ông Vụ trưởng vụ Đại học thuộc Bộ Giáo dục
    • hay vụ một luật sư tài ba ở Sài Gòn,
    • vụ một Phó chủ tịch tỉnh…
    Họ đều chết một cách bất ngờ và mờ ám vì ngã từ lầu cao, mà muốn ngã, họ phải trèo qua lan can rất khó khăn mới ngã được (?!).

    Nói như vậy để thấy rằng
    • một khi nền giáo dục vẫn tiếp tục đi theo con đường cũ,
    • chính trị vẫn tiếp tục dùng bạo lực và áp đặt,
    • văn hóa vẫn tiếp tục bài bác những giá trị nhân văn, tự do,
    • lịch sử tiếp tục bị bóp méo, nhào nặn…
    Thì hệ quả tất yếu là một xã hội chỉ toàn thú vật đội lốt người lịch lãm và giàu có!

    Thật là đáng sợ khi nhận ra rằng trong xã hội Việt Nam hiện nay, sự man rợ nấp bóng tro cốt, nấp bóng xác ướp dường như bàng bạc hiện hữu bất kỳ nơi nào, ở đâu đó…!




              
    https://www.rfavietnam.com/node/6472
              
Trả lời

Quay về “VietTuSaiGon”