Tính cách người Việt qua lăng kính từ thiện

Trả lời
Hình đại diện
Quy Nam
Bài viết: 824
Ngày tham gia: Thứ năm 21/05/15 18:52

Tính cách người Việt qua lăng kính từ thiện

Bài viết bởi Quy Nam »

  • Tính cách người Việt
    qua lăng kính từ thiện

    _______________________
    Viết từ Sài Gòn - 12/12/2016




    Lời tâm sự:

    Việt Nam hiện tại giống như một chiếc xe lỗi thời, tuy rằng nó vẫn còn vận hành được nhưng đây là chiếc xe cũ kĩ và cần phải có một cuộc đại tu. Nội lực của con dân Việt, xét cho cùng là một nguồn năng lượng tiềm ẩn, bền bĩ, chẳng khác nào cổ xe nồi đồng cối đá với sức chịu đựng và hoạt động kinh hoàng. Nhưng, muốn cho một chiếc xe chạy tốt, vấn đề không phải là tìm ra điểm mạnh “nồi đồng cối đá” của máy móc mà phải nhìn thấy những điểm yếu của nó, chẳng hạn như dây điện quá cũ, đã bong tróc, hoặc thùng xăng đã bị rò rỉ, ốc vít đã long… Tất cả những chi tiết nhỏ này, nếu không khắc phục, có khi chỉ trong phút chốc, chiếc xe trở thành một đống đổ nát vĩnh viễn.

    Với phương châm này, bài viết Tính Cách Người Việt Qua Lăng Kính Từ Thiện sẽ không đụng đến điểm ưu của người Việt mà chủ trương tìm ra những điểm yếu, những điểm nhược của người Việt hiện tại. Và với khả năng nhỏ bé nhưng nỗi thao thức thì không nhỏ trước hiện tình đất nước, tôi chỉ mong góp tiếng nói bé mọn của mình vào đại cuộc – tìm tương lai tự do, dân chủ và tiến bộ cho dân tộc Việt Nam. Bài viết này có thể đụng chạm rất nhiều, kính mong quí vị lượng tình vì đây là tâm thành của người cầm bút!





    Tâm thức nông nghiệp dai dẳng

    Người Việt, ai cũng biết và thuộc lòng phương châm “lá lành đùm lá rách”. Hiện tại, người ta đã phát triển lên cấp độ “lá rách đùm lá nát, lá nát đùm lá te tua”. Và, dường như mỗi khi đồng bào miền Trung nói riêng và bất kỳ đồng bào tỉnh nào trên cả nước gặp thiên tai, dịch họa, không riêng gì người Việt hay cộng đồng người Việt tại hải ngoại mà cả những người bạn không cùng ngôn ngữ Việt cũng chìa tay giúp đỡ. Ấy là tình người và lòng trắc ẩn vốn có đang luân chuyển nơi huyết quản.

    Nhưng, cũng qua quan sát, tham gia nhiều đợt cứu trợ, theo dõi nhận cứu trợ, qua nhiều gói cứu trợ và qua nhiều hoạt động thiện nguyện, tiếp xúc, tương tác, phân tích, quan sát tổng quát… Tôi thực sự buồn khi phải đưa ra nhận xét:
    • Người Việt Nam chưa bao giờ thoát khỏi tâm thức nông nghiệp.
      Mà không có gì đáng sợ cho sự phát triển của một dân tộc hơn là mọi thứ vẫn dẫm chân trong tâm thức nông nghiệp.


    Vậy tâm thức nông nghiệp là gì?
    Nên hiểu như thế nào?
    Đặc trưng tâm thức nông nghiệp Việt Nam nằm ở đâu?

    Để nói về tâm thức nông nghiệp, tôi khẳng định: Người Việt Nam hiện tại đã có cơ hội đi nhiều nơi, làm việc trong nhiều lĩnh vực và tương tác trong nhiều không gian hoàn toàn không có dấu vết nông nghiệp. Tuy nhiên, cái bóng nông nghiệp phủ nặng trong tâm thức vẫn chưa bao giờ được gọt bỏ ở một bộ phận không nhỏ người Việt. Số người đã thoát, đã loại bỏ thứ tâm thức nặng nề này hiếm hoi, không phải là không có nhưng chiếm tỉ lệ không cao trong xã hội Việt Nam hiện tại.

    Và đáng buồn hơn nữa là ngay trong cả một số nhà hoạt động xã hội dân sự, nhà đấu tranh dân chủ, cái bóng của tâm thức nông nghiệp vẫn còn đè nặng. Và đáng sợ hơn cả là hầu hết các giấc mơ về dân chủ của Việt Nam đều bị tình trạng “bóng đè” này. Điều đó dẫn đến hệ lụy là công cuộc đấu tranh dân chủ, nhân quyền và tiến bộ tại Việt Nam vẫn luôn trong tình trạng chậm chạp, chưa bao giờ có sự bứt thoát như những gì các nhà phân tích dự đoán và chưa tương xứng với nỗ lực đấu tranh, phổ biến dân chủ của các nhà dân chủ, hoạt động xã hội dân sự…

    Vì sao?
    Vì nếu viết ra thì đụng chạm và nguy cơ bị ném đá sẽ rất cao nhưng tôi chấp nhận mọi cục đá để nói lên những gì mình cảm nhận (và thấy rằng nó chính xác!)
    • là người Việt Nam trải qua quá lâu các triều đại phong kiến, đặc biệt là thứ giáo dục Khổng Nho đã làm người ta đánh mất khả năng sáng tạo,
      tiếp đến là Cộng sản xã hội chủ nghĩa, một thứ môi trường chứa đầy độc tố lưu manh hóa con người đã làm cho đất nước tiếp tục lao đốc.
    Ông cha chúng ta chưa có công trình nào gọi là sáng tạo. Ngay từ cái xe nước của nông dân cũng do cụ Phạm Phú Thứ sang Pháp học được mà mang về phổ biến cho nước Việt. Bởi Khổng Giáo là thứ giáo dục người ta chỉ biết tin và tin, đáng sợ hơn cả là tin vào người đi trước, tin vào lời của người đi trước, rằng nó luôn đúng.

    Ngay bản thân Khổng Tử, khi viết Tứ Thư, Ngũ Kinh, ông không hề sáng tạo bất kỳ một chữ nào trong đó và điều này được ông khẳng định rằng “chỉ ghi chép lại điều của người xưa dạy vì thấy nó đúng”. Và trong Ngũ Kinh thì Kinh Lễ được chép kĩ nhất. Bởi bản thân Khổng Khâu là một thầy cúng, ông chuyên đi cúng cho các gia đình có đám ma, đám giỗ hay các đám trừ tà từ lúc còn rất trẻ. Và Lễ ở đây
    • đừng hiểu là Lễ Độ hoặc Lễ Phép với người cao tuổi, là chừng mực ứng xử xã hội như cách diễn dịch của các nhà Khổng Học tự nhận
    • mà là lễ bái, lễ nghi cúng kính.
    Cái câu “Tiên Học Lễ Hậu Học Văn” được các ông sau này dùng treo ở các trường là bê nguyên văn của Khổng Tử. Trong khi đó, Lễ của thời Khổng Tử là lễ cúng đối với thần linh và lễ bái đối với bậc vua chúa, quan lại. Nghĩa là biết kính và biết lạy với các quan, với thiên tử.
    • Vô hình trung, sự tôn thờ, quì lụy trước các vua chúa, quan lại được chuyển tiếp từ thời phong kiến sang thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa và người ta mặc nhiên đón nhận điều này như một thứ triết lý giáo dục. Hệ quả của nó là thứ văn hóa đội trên đạp dưới, đè đầu cưỡi cổ, chui luồn, tôn sùng lãnh đạo. Ngay trong đám cưới, đám tang, lời phát biểu của chủ hôn hay chủ tang cũng đặt việc “kính thưa các cấp lãnh đạo địa phương” lên trước mọi thứ kính thưa và việc kính thưa đã chiếm gần hết bài phát biểu… Mọi thứ nhan nhản từ cơ quan nhà nước cho đến công ty, xí nghiệp tư nhân, gia đình… ngay trong hiện tại chứ không đâu xa.
                
    • Và, bên cạnh đó, kiểu làm ruộng rất ư lạc hậu và manh mún của người Việt suốt cả ngàn năm nay cũng đẫn đến tình trạng tâm lý ức chế, chưa bao giờ vượt thoát khỏi lũy tre làng hay bờ đê, bờ ruộng. Người ta dù có cố thoát vẫn phải ngoi ngóp trong vạt ruộng đời. Thậm chí, số phận người ta biểu hiện trên đám ruộng của người ta, những mảnh ruộng eo óc, nhỏ nhôi, chắp vá, cằn cỗi.
                
    • Và đáng sợ nhất là giai đoạn kinh tế tập trung bao cấp, nông nghiệp tập thể thời đại Cộng sản xã hội chủ nghĩa. Từ công chức nhà nước, trí thức cho đến người nông dân chân lấm tay bùn, không có ai thoát khỏi cảnh xếp hàng, chầu chực miếng ăn, lo sợ mất miếng ăn. Đây là thời kì làm cho mọi giá trị ý chí cũng như sáng tạo bị thui chột nặng nề nhất.
                
    • Chưa hết, sau kinh tế tập trung bao cấp thì liền đó là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa kéo dài mãi cho đến hiện nay. Nếu như kinh tế tập trung bao cấp, nông nghiệp tập thể làm cho người ta lo sợ, thui chột trước miếng ăn bao nhiêu thì kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa khiến cho người ta bị lưu manh hóa nhanh chóng bấy nhiêu.

      Bởi chính cái “định hướng xã hội chủ nghĩa” đó đã hàm chứa bên trong nó lợi ích nhóm, lợi ích đỏ. Và nó nhanh chóng phát sinh hàng triệu thứ đeo bám vào quyền lực đảng. Để được dẫm chân lên lợi ích nhóm, người ta tự đánh tráo lý tưởng của mình bằng miếng ăn, chỗ ở và tiền bạc. Không thiếu, thậm chí có rất nhiều người trẻ có năng lực, mặc dù không tin vào chủ nghĩa Cộng sản nhưng vẫn nỗ lực để vào đảng hoặc chạy chọt bằng mọi giá để vào cơ quan nhà nước với mục đích kiếm miếng ăn một cách dễ dàng trong hệ thống này. Và với thứ qui trình/qui luật thăng tiến dựa trên lý lịch chứ không dựa trên năng lực trong hệ thống nhà nước Cộng sản, bất kì trí thức nào khi bước vào nó, muốn thăng tiến thì phải nỗ lực cho có được cái thẻ đảng, nó như một thứ bùa hộ mệnh.

      Một khi có được đà thăng tiến thông qua lợi ích nhóm và quyền lực đỏ, người ta phải chấp nhận luật chơi và dấn sâu vào thế giới của nó, thủ đoạn, sự bẩn thỉu, tính ích kỉ, lòng tham và tính manh mún được khai triển, được biểu hiện rõ nét trong giai đoạn này. Chính vì vậy, tất cả các công chức nhà nước tử tế đều rất cô đơn, thậm chí cô độc và đời sống của họ gần như là đời sống “lập dị”, dựa vào đồng lương và chăn nuôi, làm thêm, qua quýt qua ngày đoạn tháng rồi chờ ngày hưu, chờ vào khoản lương hưu tuổi già, khép kín và yếm thế. Ngược lại, những kẻ cơ hội khi nắm quyền bính trên tay thì họ nhanh chóng trở thành ông vua một cõi. Chuyện này nhan nhản trong xã hội Việt Nam hiện tại, đi đâu cũng thấy, ngửi trong không khí cũng nghe mùi.
                
    • Về phía người nông dân, họ không nằm trong các nhóm lợi ích, họ không nằm trong quyền lực đỏ, thế nhưng họ vẫn không thoát được vòng xoáy của xã hội. Người nông dân nhanh chóng trở thành nạn nhân và tòng phạm của thời đại. Về khía cạnh nạn nhân, người nông dân vốn thật thà, chất phác, ít quan tâm đến chuyện chữ nghĩa, người nông dân dễ dàng bị mắc bẫy của nhà cầm quyền từ địa phương tới trung ương. Đất đai vốn nhỏ hẹp, phúc lợi xã hội vốn teo tóp của người nông dân bị chính quyền tùng xẻo, xâu xé đến mức hàng ngàn nông dân phải màn trời chiếu đất, hàng triệu dân oan ra đời và chưa dừng ở đó…




    Tính toàn tri và hành xử

    Nói rằng người nông dân Việt vừa là nạn nhân lại vừa là tòng phạm trong vấn đề đất nước tuột hậu, nghe ra có vẻ không thuyết phục và có chút gì đó võ đoán, phiến diện. Bởi từ trước tới nay, cụ thể là từ thời phong kiến đến thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa, nông dân Việt chỉ toàn bị trù dập, đè đầu cưỡi cổ, bị bóc lột chứ làm gì có chuyện tòng phạm làm đất nước chậm phát triển? Đất nước chậm phát triển phải là do giới lãnh đạo, bộ máy lãnh đạo (!?).

    Trên thực tế, đại bộ phận nhân dân, trong đó số đông là nông dân đã tiếp tay, là tòng phạm trong vấn đề làm cho đất nước bị tuột hậu mà chưa bao giờ nhìn thấy điều này. Bởi nếu người nông dân nhìn thấy điều này thì đất nước không tệ hại như ngày hôm nay. Đặc biệt, ở đây nếu xét trên khía cạnh tâm lý hay thói quen, tính cách toàn tri của người Việt thì dễ dàng nhận thấy nguyên nhân của ngày hôm nay với đầy đủ khổ ải và trả giá mà người dân Việt phải gánh chịu lại do sự tiếp tay của chính người Việt cho hệ thống độc tài chứ không ai khác.

    Trở lại tính toàn tri của đại bộ phận người Việt Nam, có vẻ như đã là người Việt thì ai cũng có sẵn máu toàn tri trong người và luôn thấy mình đúng, thậm chí thấy mình là trung tâm thế giới, là kẻ đi tiên phong, là… vân vân và vân vân. Mà truy nguyên tính cách này, thì hỡi ôi, nó lại do Khổng Nho và Cộng sản mà ra. Bởi không có sách vở nào dám khẳng định, dám xem sự hiểu biết của mình là chân lý giống như sách vở của Khổng Tử. Tôi có một người quen, ông này cũng có đọc đông tây kim cổ, cũng có hiểu biết ít nhiều và khá khiêm tốn, chịu học hỏi. Không may cho ông là sau này, ông nghiền ngẫm tất cả sách vở liên quan đến Khổng Tử và xem Khổng Tử là vị thầy lớn nhất của mọi thời đại, ông khẳng định rằng Khổng Tử là “vạn đại sư biểu” và kính thưa các loại ca ngợi. Kết quả là ông ngày càng trở nên ngáo ộp bởi không xem ai ra gì, tất cả đều dưới mắt của ông. Bởi ông tin rằng mình đã đọc được tinh hoa của người xưa, mình đã học toàn điều đúng và những ai ngược với ông đều là sai.

    Cuộc sống lúc rảnh nghiền ngẫm sách Khổng Nho, rồi sách bói toán và luôn tự sướng mình là tinh hoa của xã hội, giờ làm việc thì vo nếp, gói bánh chưng, nấu bánh chưng, sáng mai chất lên xe cho vợ chở ra chợ bán, lúc rảnh lại học thuộc lòng một câu nào đó trong sách Khổng (mặc dù ông chẳng biết lấy nửa chữ Hán hay Nôm mà chỉ đọc sách của người ta dịch). Thời gian dần biến ông bạn thành loại người quái dị, chẳng giống ai, mặt mũi thì đen đúa nhọ nồi, tay chân thô thiển, trán hẹp, nói năng lỗ mãng, chẳng mấy khi đi ra ngoài và cũng chẳng biết gì ngoài mấy tờ báo nhà nước… Nhưng lúc nào cũng tự tin là mình biết mọi thứ trong thế giới này và mình luôn đúng.

    Có lẽ không nên kéo dài câu chuyện rất ư cá biệt của ông bạn! Điều mà tôi muốn nói là ông bạn tưởng chừng như cá biệt này lại rất phổ biến và đa dạng tại Việt Nam hiện tại. Tôi từng tiếp xúc rất nhiều trí thức, họ nói năng hòa nhã, vui vẻ, thậm chí chơi thoáng. Nhưng chỉ cần đụng đến quan điểm, chính kiến là gân cổ lên cãi, thiếu điều đập nhau với đối phương. Có nghĩa là họ sẵn sàng chia sẻ trong cái họ thấy là họ đúng, trong hệ qui chiếu của họ nhưng họ không chấp nhận ý kiến trái chiều.

    Nói rộng ra, hầu như số đông người Việt Nam vấp phải tính cách này, nghĩa là bình thường, người ta sẵn lòng chia sẻ, thậm chí có thể sớt bớt nửa chén cơm mình sắp ăn cho người khác và chịu đói để cho người khác ăn. Nhưng nếu đụng đến chính kiến, đụng đến quan điểm thì mọi chuyện lại khác. Mà chính kiến, quan điểm ở đây nhiều khi chẳng có liên quan gì đến bản thân họ, trong khi có những loại chính kiến, quan điểm trực tiếp liên quan đến họ thì họ bỏ lơ, xem như không phải chuyện của mình và không thuộc về “phận sự” của mình.

    Ví dụ, chắc chắn ví dụ này của tôi sẽ bị ném đá nhưng tôi cũng vui vẻ nhận sự ném đá, thậm chí trứng thối hoặc thứ gì tệ hại hơn nữa. Và tôi cũng xin nói trước là tôi cám ơn tất cả những người ném đá và trứng thối (nếu có), đó là chuyện Phan Anh và cứu trợ. Cùng lúc với chuyện của Phan Anh có thêm chuyện của Dũng Vova. Cả hai người này đang bị dư luận ném đá một cách không thương tiếc sau một số trục trặc cũng như sự thiếu minh bạch trong tài chính cứu trợ của họ.

    Ở đây, nếu xét trên khía cạnh dư luận và hiệu ứng vết dầu loang của nó, rất dễ dàng nhận thấy cả Phan Anh, Dũng Vova và những người ném đá anh ta đều mắc sai lầm. Nếu như Phan Anh, Dũng Vova mắc sai lầm trong việc thiếu minh bạch về tài chính hoặc sử dụng tiền không đúng mục đích thì phía những người ném đá lại mắc sai lầm toàn tri. Mà cái bẫy toàn tri là một loại bẫy do chính bản thân người ta giăng ra để bẫy lý trí của mình, và chắc chắn là không có kết quả tốt đẹp.

    Trở lại vấn đề Phan Anh và Dũng Vova trước, ở đây, nếu Dũng Vova bị tố là ăn chặn tiền cứu trợ thì Phan Anh cũng bị tố tương đương, nghĩa là số tiền sử dụng không đúng mục đích và số còn lại không minh bạch. Cả hai vấn đề này nếu thực sự xảy ra thì đáng lên án và cần phải có những giải pháp thích đáng để điều chỉnh. Nhưng, vấn đề của Phan Anh lại tiến xa hơn một bước khi anh quyết định chuyển 2 tỉ đồng trong số tiền còn lại cho quĩ Hiểu Về Trái Tim. Liền sau đó, Phan Anh nhận tiếp búa rìu dư luận, bị ném đá tới tấp về việc “sử dụng tiền cứu trợ không đúng mục đích”.

    Tôi xin nhấn mạnh, tôi không nói Phan Anh đúng, thậm chí anh sai trong vấn đề thiếu minh bạch về vùng cứu trợ cũng như số lượng suất quà (mà cũng có thể anh ta đã minh bạch điều này riêng với những mạnh thường quân thông qua email cũng không chừng!?). Nhưng ở đây, những người ném đá đã rơi vào toàn tri mà không biết. Sự toàn tri này không sai, không xấu nhưng lại đụng chạm đến vấn đề nhân đạo. Bởi lẽ, cũng là một người tham gia cứu trợ ở vùng lũ Quảng Bình, Hà Tĩnh, từng đến từng nhà và tìm hiểu đời sống của người dân vùng lũ. Tôi nhận ra, cái mất của người dân là khó bù đắp. Nhưng không phải ai cũng mất. Và cứu trợ thì luôn có tính chất chung chung, tính đại đồng.

    Chính vì tính đại đồng này mà các đoàn cứu trợ không thể dồn hết các suất quà cho riêng các gia đình bị mất mà phải trang trải cho cả cộng đồng chung quanh. Và có một thực tế: Các gia đình bị sập nhà, có người chết thì không gì bù đắp nổi, bên cạnh đó, có những gia định bị ảnh hưởng nhẹ vẫn có những suất quà bằng với gia đình thiệt hại nặng. Và có một số gia đình vừa nhận quà của các đoàn, vừa nhận quà từ bà con phương xa gởi về giúp, tổng số tiền người ta nhận được lên đến 60 triệu đồng – 70 triệu đồng, hàng tấn gạo và vài chục thùng mì tôm. Đó là sự thật!

    Và khi đã nhận quá nhiều quà cứu trợ, người ta dễ có thói quen sáng ra uống cà phê, ăn sáng và ngồi nhà chờ xem còn đoàn nào tới nữa không, vì đi làm một ngày công chỉ được cao lắm 200 ngàn đồng, nhận một suất quà có khi lớn hơn nhiều. Điều đáng sợ nhất và nguy hiểm nhất là tâm lý yếu đuối, tự thấy mình là nạn nhân cần được cứu xét. Đây là thứ tâm lý nhanh chóng đẩy người ta xuống mồ, nó còn đáng sợ hơn cả chính sách ngu dân và nô bộc hóa người dân bằng rượu, ma túy.

    Đây là vấn đề tế nhị và nhạy cảm nhưng nó đã xảy ra với một số người, một số gia đình. Mà sở dĩ có như vậy cũng do toàn tri mà ra, nghĩa là người ta thấy việc mình làm là đúng, là chuẩn mực và không cần suy nghĩ gì nhiều, người ta nghĩ rằng kẻ có tiền mới mang đi làm từ thiện, nước chảy từ trên cao xuống thấp, mình ít tiền hơn, mình gặp lũ lụt thì mình có quyền nhận. Thậm chí, người ta tin chắc rằng cứ làm từ thiện là phải giàu chứ người ta không thể hình dung ra có những người vì lòng trắc ẩn, vì lòng lân mẫn trước khốn cảnh đồng loại có thể nhịn ăn, có thể mang cả tháng lương ki cóp phòng khi đau ốm mà gởi làm quà cứu trợ!

    Và trong tình trạng này, nếu tiếp tục đổ tất cả tiền có được trong tài khoản (do cộng đồng quyên góp) để tặng bà con vùng lũ là có lỗi, thậm chí là tội ác, vô tình làm cho người khác trở nên yếu đuối và tự bi kịch hóa thân phận của họ chứ chẳng còn là nhân đạo nữa. Và là người cầm một số tiền lớn của các nhà hảo tâm trên tay, nếu có lương tâm, chắc chắn không ai dám cho để mà cho, để “giải ngân” cả! Người ta buộc phải cân nhắc cho mục đích cuối cùng là Nhân Đạo. Vả lại, cứu trợ, xét cho cùng là chia sẻ “một miếng khi đói bằng một gói khi no” để người ta tiếp tục sống và đi tới bằng chính sức mạnh bản thân. Việc nên dừng ở đó, và cứu trợ vùng lũ Bắc miền Trung xem như đã hoàn thành sứ mệnh. Người ta sụp cây cầu, sụp ngôi nhà mà không nhìn thấy được nguyên nhân do thủy điện xả đập, do nhà nước vô trách nhiệm và thay vì đấu tranh để lấy lại những gì mình bị hại, người ta lại ơ hờ, lại chờ cứu trợ để bù vào thì mối nguy dân tộc nằm trong chính những gói cứu trợ dông dài chứ không đâu khác! Và không chừng lòng yêu thương, trắc ẩn của nhà hảo tâm lại bị sập bẫy của nhà cầm quyền!





    Toàn Tri Toàn Cục và Toàn Tri Manh Mún

    Xét lại quĩ Hiểu Về Trái Tim, hầu như toàn bộ tài chánh của quĩ này đều dành cho miền Trung, đặc biệt là các tỉnh vừa bị lũ lụt vừa qua là điểm đến của quĩ này. Các hoạt động của quĩ này suốt nhiều năm nay đã giúp được rất nhiều cho các em bé miền Trung. Hiện tại, sau khi có quá nhiều đoàn cứu trợ tìm đến Quảng Bình, Hà Tĩnh, nếu không có thêm một suất cứu trợ, đồng bào vùng lũ cũng không đến nỗi đói. Nhưng nếu có thêm một ca phẫu thuật tim, sẽ có một sinh linh bé bỏng được cứu sống.

    Và còn một chi tiết cũng khá tế nhị là trong số rất nhiều người ném đá Phan Anh là tôi vẫn chưa tìm ra một người cụ thể đã gởi tiền vào tài khoản của anh, nghĩa là những người ném đá không đưa ra được bằng chứng họ đã gởi bao nhiêu, bao giờ, chứng từ gì…. Nói như vậy, tôi xin nhấn mạnh lại lần nữa là không để bao biện cho Phan Anh mà là để thấy rằng tính toàn tri của người Việt còn quá cao. Họ ném đá bởi họ tin mình đúng, thậm chí rất có thể có nhiều người đã gởi tiền cho Phan Anh nhưng không muốn trưng ra bằng chứng và cũng không muốn làm lớn vấn đề nhưng cảm thấy uất ức, tức giận vì Phan Anh không làm đúng mục tiêu ban đầu, đó là Cứu Trợ Bà Con Vùng Lũ!

    Và đó là tính toàn tri, nghĩa là yếu tố nhân đạo ở đây được định nghĩa và lấy tiêu chuẩn theo thước đo của người cứu trợ. Cứ gởi tiền cứu trợ vùng lũ là phải cứu trợ vùng lũ, không đuợc sai mục đích. Và tính toàn tri này hoàn toàn tốt chứ không xấu, bởi người gởi tiền lo và thương đồng loại, muốn chia sẻ và họ luôn canh cánh trong lòng vì nhìn thấy đồng bào của mình thiếu thốn, đói khổ, rét lạnh…

    Nghiệt nỗi, đó là đỉnh điểm của toàn tri, họ tin vì họ nhìn thấy qua tivi, qua báo chí và nhiều yếu tố khác. Trong khi đó, vì không thể đến trực tiếp để cứu trợ, người ta phải chuyển nhờ một ai đó tìm đến vùng khốn khổ thay cho mình để tặng, để chia sẻ. Vì người gởi tặng tiền không thể tới nơi, trực tiếp tương tác thì không thể biết rõ ràng, rành mạch được. Sự biết này chắc chắn bị giới hạn bởi lăng kính truyền thông cũng như cập nhật không đầy đủ. Và người đại diện cứu trợ (chỉ xét ở người có lương tri, biết trăn trở trước nỗi đau đồng loại, đồng bào) mới đi thực tế, mới tiếp xúc và hiểu được vùng nào cần gì, nơi đâu nên dừng cứu trợ.

    Và đương nhiên, người trực tiếp cứu trợ thấy mọi việc đã tạm ổn, không thể kéo dài thêm tình trạng cho và nhận nữa, mà số tiền trong tài khoản còn quá nhiều, anh/chị ta buộc phải chuyển hóa sang dạng hoạt động khác để đạt hiệu quả và mục đích nhân đạo. Việc này chắc chắn sẽ rơi vào tầm ngắm của tính toàn tri. Và hệ lụy của nó thì dông dài, chẳng biết đâu là điểm dừng! Người tặng tiền cảm thấy bị tổn thương vì tiền của mình gởi không đúng mục đích, đã bị sử dụng sai với qui ước ban đầu (mặc dù trước khi tặng, ai cũng nghĩ rằng mình cho bằng bàn tay trái thì không nên để bàn tay phải biết mình đã cho!). Người ta tổn thương, nổi giận bởi vì người ta thấy mọi việc diễn ra không theo đúng lộ trình và định dạng mà người ta đã xây dựng ban đầu. Và cũng vì người ta tin chắc rằng lộ trình và định dạng của mình không có gì sai sót nên người ta càng nổi giận hơn với đối tác khi lộ trình, định dạng này bị bẻ lệch.

    (Trong khi đó, có một bài toàn xác suất giữa người kêu gọi và người cho mà ít ai để ý. Tỉ lệ mong muốn của nhà cứu trợ bao giờ cũng là 10 – 5 – 3 – 1, nghĩa là kêu gọi 10 người, hi vọng 5 người nghe lời kêu gọi, trong đó còn 3 người quan tâm và có 1 người chia sẻ. Trường hợp đạt tỉ lệ 10/10 thì chắc chắn số tiền sẽ vượt xa so với số quà cứu trợ cần có và người cứu trợ buộc phải ứng phó linh hoạt để tránh tình trạng lạm phát nhà cứu trợ và bội thực quà cứu trợ).

    Hơn nữa, mọi thông tin về vùng lũ hiện tại đã bị bóp méo quá nặng nề, thay vì cả nhà nước, nhà hoạt động xã hội dân sự và người dân cùng suy xét, đưa kẻ tội phạm xả đập thủy điện ra trước pháp đình thì người ta đã khéo léo lái vấn đề sang chỗ Phan Anh, Dũng Vova và nhiều nhà cứu trợ khác, làm cho mọi chuyện rối như canh hẹ. Và thay vì cảm kích, thậm chí biết ơn người đã mang hơi ấm sự sống đến chia sẻ với mình, không ít người rơi vào tâm lý đám đông, dè bĩu, khinh bỉ nhà cứu trợ bởi họ nghĩ (lại toàn tri!) rằng nhà cứu trợ đã lợi dụng nỗi đau khổ, mất mát của họ để kiếm ăn. Mọi chuyện đã bị xô lệch đến mức khó cưỡng lại được bởi một bàn tay nào đó, một kiểu chơi “thập diện mai phục” để thanh trừng người tốt và hành động tốt trong xã hội Việt Nam. Làm cho kẻ xấu, chuyện xấu (cụ thể ở đây là nhà cầm quyền và nhóm lợi ích) nhanh chóng chìm xuồng và nhởn nhơ vô can!

    Ngược lại, về phía người nhận cứu trợ. Có một thực tế đau lòng. Tôi đến Hương Khê, Hà Tĩnh vào trận lụt đầu, ngày 14 tháng 10 và đã tự bỏ tiền túi ra tặng một số suất quà nho nhỏ cho một số gia đình khó khăn. Sau đó tôi có đi tiếp một chuyến cứu trợ ủy lạo của một số bà con người Việt sống ở Mỹ sau trận lụt tháng 11. Và lần đi này, khi đến Hương khê, vừa rời thị trấn để đến điểm cứu trợ thì trên đường đi, tôi chứng kiến một trận ẩu đả nảy lửa của các bà trong một trụ sở thôn vì chia quà không đều và tố nhau chuyện nhà này có áp phe với trưởng thôn, nhà kia là bà con chủ tịch xã… Chưa kịp hoàn hồn vì chuyện này thì tiếp đó, tôi nhận điện thoại của một ông cựu chiến binh quân đội Cộng sản, ông này nói với tôi là cố gắng cho ông nhiều suất quà một chút vì… ông có quen biết với tôi! Nghe xong điện thoại thì tôi toát mồ hôi vì nhà ông này thuộc hàng khá giả trong làng và ông cũng chẳng tổn thất gì mấy.

    Đến nơi, tôi gặp riêng ông, không phải để thỏa ý nguyện của ông mà để hỏi ông tại sao bị tổn thất không đáng kể, cũng có của ăn của để mà lại có ý định xin riêng cứu trợ. Ông này thú thực:
    • “Tôi cũng không phải quan tâm đến quà lắm đâu nhưng mình cũng là người của chính quyền, mình cũng có số có má, vậy mà tụi thôn, tụi xã nó xin được đủ thứ, mình không xin được gì cũng bẽ mặt với vợ con lắm!”.
    Tôi im lặng một lúc để tìm giải pháp và cuối cùng tôi nói với ông:
    • “Sao bác không nói với gia đình bác rằng sau trận lụt, thứ mà người ta rinh về cho vợ con là quà cứu trợ thỏa thích, còn bác, bác chỉ muốn rinh về cho vợ con chút lòng tự trọng và danh dự của một người chồng, người cha bất khuất trước thiên tai, nhân họa?!”.
    Nghe đến đây, ông im lặng, có vẻ như ông không đồng tình với tôi nhưng ông cũng không thể phản pháo tôi được bởi tôi đã chạm vào thứ cần chạm của người đàn ông này.

    Và câu chuyện cứu trợ của tôi ở Hương Khê, Hà Tĩnh thực sự buồn khi tôi đến xã Phương Mỹ, rốn lũ Hương Khê, nơi mỗi ngày có đến năm, sáu đoàn cứu trợ đổ về, nơi mà một người bạn sống ở đây đã chia sẻ thành thật với tôi là đừng ghi ông vào danh sách nhận quà, hãy cất phần quà của ông cho nơi khác bởi ông không muốn dối lòng trước Chúa. Bởi gia đình ông, nếu tính luôn cả tiền cứu trợ của các đoàn và tiền của họ hàng phương xa gởi về cho thì ông đã nhận được 73 triệu đồng, mì tôm lên đến hơn 30 thùng và gạo đã lên hàng tấn. Những gia đình khác cũng vậy. Tôi không dám tin vào tai mình, thử đi thăm một số gia đình, mặc dù không thể tìm hiểu được số tiền họ đã nhận là bao nhiều nhưng qua quan sát, số gạo và mì tôm người ta chất trong nhà cũng ngang ngửa với con số mà ông bạn tôi nói. Và một thực tế khác mà tôi nhìn rõ, nhận rõ là khi người ta đi nhận quà, suất quà 500 ngàn đồng của đoàn chúng tôi trao được nhận một cách hờ hững, nhận để mà nhận chứ không mấy mặn mà. Dường như người dân nơi đây đã bắt đầu mệt mỏi với quà cứu trợ nhưng họ không thể không nhận! Đó là một sự thật, ở Ba Đồn, Lệ Thủy, Quảng Bình cũng có nhiều gia đình nhận cứu trợ lên đến con số tương đương con số ở Phương Mỹ, Hương Khê, Hà Tĩnh.

    Sau chuyến đi, sau mọi mệt mỏi và vui mừng. Mệt mỏi vì đi nhiều, tránh trớ cũng nhiều và thu thập “chứng cứ cứu trợ” cũng khá vất vả, nhất là chứng kiến nhiều nhà cứu trợ bị ném đá và hoạt động cứu trợ bị bị đánh giá theo chiều hướng không mấy vui. Còn vui mừng nhiều vì đã tiếp xúc với bà con, đã nhìn thấy niềm vui của người nhận quà, đã ăn bữa cơm đạm bạc của người dân vùng lũ và đã được các Cha Xứ mời ăn cơm, ân cần, vui vẻ, ấm áp… Hồi tâm lại, theo dõi thông tin, tự dưng tôi lại thấy hoang mang tột độ. Sự hoang mang của tôi không nằm trong vấn đề cũ, tức cứu trợ, lòng thành thật của nhà cứu trợ nữa mà nằm ở vấn đề dân tộc tính. Nói ra nghe to tát và vung tay quá trán nhưng thực sự, chưa bao giờ tính toàn tri – tâm thức nông nghiệp lại lấn chiếm mọi tính cách khác của đại bộ phận người Việt như hiện nay!

    Chỉ riêng câu chuyện của Dũng Vova và Phan Anh, có hàng triệu kiểu toàn tri xuất hiện, mà trong đó có hai luồng chính, đó là Toàn Tri Toàn CụcToàn Tri Manh Mún. Trong đó, Toàn Tri Toàn Cục xuất hiện sau Toàn Tri Manh Mún.

    Trở lại vấn đề của Phan Anh và Dũng Vova, có một điểm dễ nhận biết nữa, ngoài vấn đề hầu hết người ném đá không trưng ra được bằng chứng đã gởi tiền vào tài khoản của hai người này, còn có thêm vấn đề khác là hầu như những người ném đá cũng không hiểu rõ cho lắm về đời sống miền Trung nói chung và đời sống vùng lũ nói riêng. Thậm chí họ cũng chưa đến đó. Bởi nếu đã đến, họ sẽ không rơi vào kiểu phán xét võ đoán rằng “bà con vùng lũ đang đói kém, không có để ăn” sau khi các đoàn cứu trợ đã chính thức khép lại chương trình cứu trợ nơi đây.

    Tôi muốn nhấn mạnh một lần nữa, cứu trợ là nhân đạo, và sự nhân đạo không đi đôi với kiểu chia sẻ vô tội vạ để rồi đẩy người ta vào tình thế yếu đuối, nhược tiểu. Từ trước đến nay, kẻ độc tài luôn chủ trương đẩy người dân vào tình thế yếu đuối và nhược tiểu, từ chỗ ngu dân đến biến mỗi ngôi làng thành một làng rượu, biến người mạnh khỏe thành kẻ nghiện ngập cho đến biến những người lành mạnh thành những con người yếu đuối, trông chờ vào sự ban phát, bố thí của người khác. Cứu trợ quá đà sẽ dẫn đến tình trạng này. Và cứu trợ quá đà, để quà cứu trợ bội thực sẽ là tội ác cùa nhà cứu trợ chứ không còn là vấn đề nhân đạo nữa.

    Dường như những người ném đá Dũng vova và Phan Anh đều có chung một yêu cầu là “tiền cứu trợ lũ lụt thì phải dùng để cứu trợ lũ lụt chứ không dùng cho mục đích nhân đạo khác”. Đây là cách nghĩ đầy tính võ đoán và toàn tri. Bởi không ai hiểu rõ vùng cứu trợ hơn chính nhà cứu trợ, những người đã lăn lộn trong vùng lũ. Rất tiếc, đây lại là một kiểu toàn tri manh mún! Manh mún bởi người phát biểu nó không hiểu biết đầy đủ về đối tượng và hiện tượng họ đang đề cập. Bởi nếu hiểu rõ thì họ đã không phát biểu như vậy.

    Và khi có quá nhiều trường hợp toàn tri manh mún diễn ra thì lại có thêm kiểu Toàn Tri Đại Cục, những ông thầy phán, nhân danh đại cục, nói gì cũng nêu đại cục, kính thưa các loại đại cục ra đời. Thực ra, các ông thầy phán này cũng chẳng hiểu mấy về thực tế mà chủ yếu dựa trên các số liệu sản sinh từ bàn phím để tổng hợp, phân tích, kết luận rồi sau đó phán xét, đứng vai tài phán hoặc thầy phán. Kết quả việc này cũng chẳng tới đâu nếu không muốn nói nó càng làm cho vấn đề thêm rối rắm.

    Nói cho cùng, tâm tính của số đông người Việt vẫn chưa thoát khỏi tâm thức nông nghiệp. Cái bóng của tâm thức nông nghiệp đã bao trùm, chi phối hầu hết hành vi cùa nhiều người. Phán xét vội vã, giận dữ vô căn cớ, ngụy biện, chụp mũ, ném đá giấu tay… Tất cả đều là biểu hiện của phần tâm thức nông nghiệp trong tư duy toàn tri còn sót lại trong mỗi người. Thực tâm mà nói, nếu chúng ta vẫn còn để cho loại tâm thức nông nghiệp này hoành hành thân xác và tinh thần chúng ta thì sẽ còn rất lâu chúng ta mới chạm đến được tự do, tiến bộ và dân chủ!



Last edited by Quy Nam on Thứ tư 14/12/16 07:30, edited 1 time in total.
Trả lời

Quay về “VietTuSaiGon”