Thách thức của du lịch bền vững tại Lào

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Thách thức của du lịch bền vững tại Lào

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Thách thức của du lịch bền vững tại Lào
    ___________________________________
    RFI - 28-09-2015




    Khu nghỉ mát Kamu Lodge ở làng Nuei Hay, Lào - booking.com



    Từ hơn một chục năm nay, chính xác là từ 11 năm, một khu du lịch tại miền Bắc Lào đã lao vào một công trình khó khăn là làm sao thực hiện được một đề án du lịch bền vững,
    • vừa sinh lợi, giúp cộng đồng cư dân tại chỗ phát triển,
      vừa bảo tồn môi trường tự nhiên và truyền thống văn hóa của địa phương.
    Ngày nay, có thể nói là khu nghỉ mát này đã thành công trong việc tạo ra được một thế cân bằng, dù tương đối,
    • giữa phát triển du lịch
      và tôn trọng đời sống văn hóa và môi trường thiên nhiên.



    Thông tín viên RFI Arnaud Dubus tại Đông Nam Á từ Bangkok đã có dịp lên miền Bắc Lào, đến khu du lịch mang tên là Kamu Lodge gần cố đô Luang Prabang, ở một vùng có sắc dân thiểu số Khơ Mú sinh sống. Sau đây là phóng sự mà Arnaud Dubus đã thực hiện tại chỗ.

    • " Khu nghỉ mát Kamu Lodge bao gồm một cụm nhà lều nằm giữa những cánh đồng lúa xanh mướt, nhìn xuống sông Mekong, cách cố đô Luang Prabang khoảng ba tiếng đồng hồ nếu đi tàu theo đường sông về hướng bắc.

      Đây có lẽ là điểm nghỉ mát lý tưởng cho người Tây phương muốn tìm kiếm một nơi yên bình và xa lạ, trong một môi trường còn cho phép họ tiếp xúc trực tiếp với người dân địa phương. Nuei Hay, một ngôi làng của người dân tộc thiểu số Khơ Mú, chỉ cách khu du lịch Kamu Lodge – lấy tên từ tên gọi sắc dân này – khoảng 100 thước.

      Đề án thành lập khu nghỉ mát này đến từ Exo Travel, một công ty du lịch do người Pháp mở ra tại Sài Gòn từ năm 1993 trước khi mở rộng ra bao trùm toàn bộ khu vực, và chuyển trụ sở chính qua Bangkok. Theo bà Duangmala Phommavong, Giám đốc công ty Exo Travel tại Lào ; quá trình hình thành khu du lịch có thể gọi là sinh thái này, đã nêu bật tính chất phức tạp của việc thực hiện các chương trình du lịch bền vững.

      • « Khi vừa mới đến nơi này, chúng tôi đã nhận ra ngay những khó khăn. Ý tưởng của chúng tôi là giúp ngôi làng này phát triển, nhưng chúng tôi thấy rằng không có nhu cầu từ phía dân làng... Nhìn chung, họ nói với chúng tôi rằng : ‘Chúng tôi không cần đến quý vị, chúng tôi không quan tâm’ ».






      Thuyết phục dân làng tham gia đề án

      Thoạt đầu làng của người Khơ Mú và khu nghỉ mát ngay bên cạnh như bị một bức tường vô hình ngăn cách. Toàn bộ nhân viên phải được đưa từ thành phố Luang Prabang lên. Nhưng dần dà, quan hệ giữa hai bên bắt đầu được thiết lập và nhiều người dân làng bắt đầu tham gia vào đề án.

      Bà Duangmala nhớ lại :
      • « Người Khơ Mú đầu tiên làm việc cho chúng tôi là một người đàn ông bị dân làng bỏ bê. Ông ta đã xin làm nhân viên bảo vệ cho khu nghỉ mát của chúng tôi. Tôi rất biết ơn ông ta vì đã có can đảm qua làm việc với chúng tôi ».


      Ngày nay, mười một năm sau khi đề án được khởi động, toàn bộ nhân viên trong khu du lịch đều là dân làng. Và khu nghỉ mát Kamu Lodge đã trở thành một yếu tố kinh tế then chốt, góp phần cải thiện cuộc sống của khoảng 300 dân người Khơ Mú của làng Nuei Hay.

      Ông Olivier Trafiel, Giám đốc khu du lịch Kamu Lodge giải thích :
      • « Mỗi lần có một người khách đến đây, là chúng tôi đều để riêng ra một đô la cho làng. Vào cuối năm, quỹ này dành dụm được một món tiền khá lớn, và dân làng có thể sử dụng để mua lợn, bò hay vịt cho đàn gia súc của họ ».


      Ngoài ra, dân làng cũng được yêu cầu làm ra một số vật dụng cung cấp cho khu nghỉ mát, chẳng hạn như loại « ngói bằng lá » để lợp nhà, hoặc dàn dựng các màn ca múa dân tộc để giúp vui cho du khách đến khu nghỉ mát này.

      Bên cạnh đó, khách đến nghỉ ở Kamu Lodge có thể tham gia vào một loạt sinh hoạt, từ đi bộ trên các vùng núi xung quanh, cho đến tập bắn nỏ, (một chuyên môn đặc thù của sắc dân Khơ Mú), hay là cùng tham gia cấy lúa ngoài ruộng với dân làng.

      Anne Bonnefoy, một nữ du khách đến từ Pháp đã tỏ ý rất hài lòng :
      • « Đây thực sự là một kinh nghiệm mà tôi chưa từng trải qua ở bất kỳ nơi nào khác. Điều mà tôi tâm đắc, chính là tính chất êm đềm, có phần cách biệt hẳn với thế giới của nơi này. Chúng tôi được tiếp xúc với người bản địa, không quá lộ liễu và vẫn giữ được một khoảng cách nhất định, bởi vì mục tiêu của chúng tôi đến đây không phải là làm phiền họ ».





    Những khó khăn của loại hình du lịch bền vững, và nhất là hình thức « du lịch dân tộc ».

    Giống như nhiều dự án du lịch bền vững khác, Kamu Lodge đang phải đối mặt với một vấn đề tế nhị là làm sao tránh được tình trạng « tái tạo một hiện thực giả tạo ». Tại một số làng ở miền bắc Thái Lan chẳng hạn, nhiều người thuộc các sắc dân thiểu số miền núi đã được trả tiền để mặc lại những bộ « y phục dân tộc truyền thống » mà họ đã từ lâu không còn sử dụng nữa.

    Nhà nhân chủng học Erik Cohen đã cho thấy một cách cụ thể là cách thức một số ngôi làng miền núi ở miền bắc Thái Lan bị chia thành hai phần :
    • Mặt tiền là nơi được du khách viếng thăm, với cư dân mặc trang phục dân tộc và thực hiện các hoạt động truyền thống phù hợp với trí tưởng tượng của khách du lịch,
      và phần phía sau là nơi diễn ra cuộc sống thực của ngôi làng.


    Bà Duangmala của công ty Exo Travel tại Lào xác định :
    • « Chúng tôi không đến đây với ý tưởng duy trì bằng mọi giá tính truyền thống của ngôi làng. Khách hàng đã được báo trước là đừng chờ đợi là sẽ gặp người sắc tộc Khơ Mú với y phục truyền thống Khơ Mú, và những ngôi nhà cổ truyền kiểu Khơ Mú. Chúng tôi không muốn ép buộc dân làng làm theo ý mình, nhưng mặt khác, chúng tôi khuyến khích họ chia sẻ và truyền đạt kiến thức chuyên môn và phong tục tập quán của họ cho các thế hệ sau, và duy trì ngành đan mây tre ».


    Vấn đề của khu du lịch Kamu Lodge lại càng nặng nề hơn nữa khi làng Nuei Hay của người Khơ Mú, giống như nhiều ngôi làng dân tộc thiểu số khác ở Lào, là một trong những làng bị « di dời ».

    Kể từ đầu những năm 1990, chính quyền Cộng sản Lào đã khuyến khích người dân sống trên các sườn núi hay ở các vùng núi là nên chuyển xuống sinh sống gần các trục giao thông.

    Chính quyền đã nói với họ, nếu tiếp tục ở trên núi, họ sẽ không có gì. Vì con cái, để được tiếp cận với bệnh viện, trường học, họ phải đến ở gần các tuyến giao thông. Và khi những ngôi làng đó bị di dời, có nguyên một mảng truyền thống, một phần của các dấu mốc văn hóa bị mất đi.

    Một trong những nghịch lý của loại hình « du lịch dân tộc » là sự sống lại của những phong tục tập quán truyền thống đã rơi vào quên lãng nhưng lại bị biến đổi để thích ứng với thị trường du lịch, như điều đang được thấy tại một số nước trong khu vực Đông Nam Á.




    nguồn: vi.rfi.fr
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”