Luang Prabang, giữa bảo tồn truyền thống và phát triển hiện đại

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Luang Prabang, giữa bảo tồn truyền thống và phát triển hiện đại

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Luang Prabang,
    giữa bảo tồn truyền thống và phát triển hiện đại

    _______________________________________
    RFI - 04-01-2016





    Đền Wat Sen tại Luang Prabang, Lào


    Cố đô Luang Prabang, nằm ở phía bắc nước Lào, được ghi vào danh sách di sản thế giới của UNESCO vào tháng 12/1995. Thành phố nhỏ bé nhưng độc đáo này mang phong cách kiến trúc rất hài hoà :
    • xen kẽ giữa những căn nhà gỗ cổ kính
      là những ngôi nhà gạch xây từ thời thuộc địa
      cùng với rất nhiều đền điện có lối kiến trúc độc đáo và mầu sắc sặc sỡ.
      Tất cả ẩn mình trong khung cảnh thanh bình được thiên nhiên ưu đãi giữa hai dòng sông Mêkông và Nam Khan.


    Di sản kiến trúc và cảnh quan tự nhiên trong khu vực được bảo tồn trong suốt 20 năm. Đây là lý do giúp ngành du lịch địa phương không ngừng phát triển. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh này cũng kéo theo nhiều thay đổi bất ngờ trong lĩnh vực nhà ở và dân cư.

    Thông tín viên đài RFI Arnaud Dubus trong khu vực nhận xét những thay đổi trên trở thành những thách thức mới mà cả UNESCO, chính quyền Lào và người dân Luang Prabang phải tìm cách vượt qua để tránh lặp lại “vết xe đổ” mà một số thành phố khác trong khu vực đã vấp phải, như Hà Nội (Việt Nam) hay Siem Reap (Cam Bốt).

    Sau 20 năm, dường như chương trình bảo tồn di sản của UNESCO và chính quyền Lào đã đạt được thành công, theo như lời nhận xét của ông Francis Engelmann. Ông là tác giả nhiều cuốn sách về Lào và sống tại Luang Prabang từ năm 1991 :

    • “Có thể nói rằng, sau 20 năm, nếu không có sự can thiệp của UNESCO, thì chưa chắc thành phố đã được như hiện nay. Rất có nhiều khả năng là các công trình xây dựng mất mỹ quan và không cân đối hay hàng loạt khách sạn 5, 6 tầng mọc lên hoặc nhiều công trình cổ có giá trị có thể đã bị phá bỏ”.


    Nhờ chiến dịch bảo tồn này nên lượng khách du lịch tới Luang Prabang ngày một đông. Trong khoảng thời gian đầu thập niên 1990, cố đô của Lào gần như bị cắt khỏi thế giới bên ngoài và hàng năm chỉ thu hút chừng 50.000 khách du lịch. Trong khi đó, năm 2014, thành phố đã đón gần 400.000 du khách. Luồng dưỡng khí mới cho thành phố đang trong cơn hấp hối vào cuối thập niên 1980. Ngành du lịch gần như là hoạt động kinh tế duy nhất còn sống sót tại vùng này.




    Du lịch làm xáo trộn cuộc sống của giới tăng lữ

    Tuy nhiên, ngành du lịch phát triển cũng gây xáo trộn cho cuộc sống của giới tăng lữ địa phương. Ông Boonkhong Khoutthao, trợ lý giám đốc phòng Di sản thế giới Luang Prabang, cho biết :

    • “Rất nhiều khách du lịch thiếu ý thức tôn trọng. Ví dụ, một số người trèo lên tượng Phật trong đền.
      Người dân Luang Prabang rất gắn bó với truyền thống cúng dường cho các nhà sư vào buổi sáng. Với họ, đây là một nghi lễ tẩy uế. Thế nhưng, nhiều khách du lịch lại muốn tham gia và tới cúng dường trong khi lại trang điểm quá lố hay xức nước hoa quá nhiều”.


    Thông tín viên Arnaud Dubus cho biết, mỗi buổi sáng, từ 5 giờ 30, các nhà sư đi thành hàng dọc dài trên con phố chính ở Luang Prabang để nhận đồ phúng của người dân Lào và du khách. Thế nhưng, không khí tôn nghiêm bị quấy rầy vì trước mặt các nhà sư khất thực là những nhóm khách du lịch chen nhau chụp ảnh.

    Nhiều khách sạn phát miễn phí cho du khách những cuốn sách nhỏ giải thích cách hành xử trong dịp này. Song lượng khách quá lớn nên việc chen lấn khó lòng tránh được. Một số nhà sư phản ứng theo cách riêng của họ là lui về ở ẩn trong những khu đền cổ bên tả ngạn sông Mêkông bị bỏ hoang từ khi đảng Cộng sản Lào lên nắm quyền vào năm 1975.




    Luang Prabang, viên ngọc toả sáng

    Dù vậy, bên cạnh mặt tiêu cực, ngành du lịch cũng tác động tích cực đến cuộc sống của nhà sư. Đền chùa trở thành bệ tiến xã hội nhờ bối cảnh kinh tế đầy lợi nhuận, theo lời giải thích của ông Francis Engelmann :

    • “Hiện nay có khoảng 1.400 chú tiểu sống tại các ngôi đền trong thành phố. Họ từ các làng mạc hẻo lánh tới học trung học ở Luang Prabang. Ngày trước, sau khi học xong, họ trở về quê để làm nông. Hiện nay, những thiếu niên này biết nhìn xa hơn và nhận thấy có nhiều cơ hội khác. Một số người tìm vị trí lễ tân khách sạn hay làm phục vụ tại các nhà hàng. Như vậy, họ có cơ hội thăng tiến hơn”.


    Ông Frédéric Vinsonneau, chủ một nhà hàng tại phố Sisavang Vong, tên của vị vua cuối cùng ở Luang Prabang, nhận xét :

    • “Hiện giờ, những người dân sống tại trung tâm thành phố lịch sử đều cho tiểu thương thuê lại nhà để mở cửa hàng hay nhà hàng. Họ chuyển hết ra sống ở ngoại thành. Một tấc đất cũng được khai thác triệt để và giá bất động sản không ngừng tăng lên. Giá một mét vuông đất ở đây còn đắt hơn tại nhiều thủ đô phương Tây”.


    Về mặt tích cực, nguồn gốc dân cư ở đây trở nên đa dạng. Các dân tộc thiểu số sống trên đồi hay tại các vùng núi xa thành phố, trong đó có người Hmong và người Khamu, đều làm việc tại thành phố, như lái xe, hướng dẫn viên hay bán hàng ngoài chợ đêm trong phố.



    Một hàng ăn ở chợ đêm,
    trung tâm thành phố Luang Prabang, Lào. - RFI



    Khi màn đêm buông xuống là lúc chợ đêm hoạt động. Các con phố chính bị cấm xe để nhường chỗ cho các tiểu thương bày bán hàng hoá. Tuy nhiên, người ta nhận thấy rằng những mặt hàng thủ công đang dần bị các sản phẩm theo thị hiếu của khách du lịch lấn át, như những đôi dép đi trong nhà Hmong hay những sản phẩm nhập từ Trung Quốc và Việt Nam.

    Thay vì chỉ bán đồ thủ công truyền thống, người bán hàng sẵn sàng bán bất kỳ sản phẩm nào phù hợp với nhu cầu của khách du lịch.
    • “Vì những người dân cần có thu nhập để hỗ trợ gia đình”, theo như lời giải thích của bà Donna Lednicky, thuộc Trung tâm nghệ thuật truyền thống và dân tộc học (TAEC).




    nguồn: vi.rfi.fr
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”