Gương mẫu

Trả lời
Hình đại diện
thiên thanh
Bài viết: 1352
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 11:49
Nơi ở: Phố Cổ

Gương mẫu

Bài viết bởi thiên thanh »

          

Gương mẫu
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Hình ảnh
Tôi rất ngưỡng mộ các vị hiền tài, hiền triết, các bậc vĩ nhân, các thiên tài, nhân tài, kỳ tài và các ngôi sao tài tử… Họ là những người đã cống hiến khả năng được phú ban để góp phần cho công ích đời sống xã hội. Những kho tàng vô giá của nhân loại được lưu truyền, bảo tồn và tiếp tục phát triển. Thế hệ này nối kết thế hệ kia để hoàn thành sứ mệnh được Tạo Hóa trao ban. Đây là kho tàng văn hóa vĩ đại của cả nhân loại. Tạo Hóa trao ban cho mỗi người một khả năng tài trí để cùng chung góp dựng xây nền văn minh của nhân loại. Có rất nhiều các thiên tài sống âm thầm, nhưng đã cống hiến rất nhiều cho đời sống con người.

Sự hỗ tương giữa các tài năng giúp xã hội tiến bước không ngừng. Trên thế giới có muôn điều mới lạ mà có lẽ chúng ta chưa hề nghe, chưa hề thấy và chưa bao giờ tưởng tượng. Người ta đã khám phá và sáng chế tạo ra biết bao thiết bị kỹ thuật ứng dụng trong mọi ngành nghề chuyên môn. Chúng ta không thể nào tưởng tượng những món qùa thông minh tài trí của con người. Chúng ta ái mộ và trân quý tất cả những khả năng mà mỗi cá nhân được bẩm sinh thiên phú. Chúng ta hôm nay được thừa hưởng cả một nền văn minh đạo đức và khoa học vĩ đại. Con người phải nương tựa nhau để sống và sống tốt.

Hai chữ ‘tài đức’ kết hợp sẽ là gương mẫu cho mọi người soi chung. Có tài mà không có đức, con người sẽ bị vong thân. Chân Thiện Mỹ là căn cốt của đạo làm người. Ai cũng ưa thích cái tài, cái thiện, cái giỏi và cái đẹp. Nhưng cái đẹp bên trong tâm hồn quan trọng hơn. Người ta nói: ‘Cái nết đánh chết cái đẹp’. Thông minh, tài giỏi và đẹp đẽ mà không có đạo đức luân lý thì cuộc sống không thể trở thành gương mẫu. Chúng ta có thể khâm phục và ngưỡng mộ tài năng của các tài tử, các ngôi sao điện ảnh, các hoa hậu, người mẫu và các ca sĩ … qua những diễn xuất công cộng. Nhưng không phải tất cả họ là những gương mẫu và thần tượng để chúng ta noi theo.

Chúng ta biết rằng các nhà chính trị và các ngôi sao điện ảnh có ảnh hưởng rất lớn trên truyền thông, truyền hình và báo chí… Vì vậy, đời sống riêng tư không tốt của họ thường được báo giới khai thác một cách triệt để. Trong khi đó, những gương lành và gương sáng của các hiền nhân, chẳng mấy khi được đưa lên báo chí. Bởi thế, tiếng Việt mới gọi đó là ‘tin tức’. Tin xấu thì nhiều, mà tin vui thì ít. Các tệ nạn xã hội được truyền thông dưới mọi khía cạnh, còn những điều hay, lẽ đẹp thì bị giấu nhẹm. Điều này tạo nên một cái nhìn tiêu cực trong đời sống xã hội. Chúng ta cần vượt qua những điều bi quan này để mở ngõ cho những điều tích cực lạc quan.

Chúng ta cần nghe Tin Mừng của Chúa Giêsu và những hướng dẫn đạo đức luân lý chính thật của các Tôn Giáo. Xã hội của chúng ta cần loan báo những tấm gương sáng và những công việc hành thiện. Trong đời sống, không thiếu những bậc hiền tài và chân tu chiêm niệm ẩn núp sau những bức tường kín hoặc nơi rừng thiêng thanh vắng. Những nét đẹp của sự khôn ngoan hiền triết được bày tỏ nơi những tâm hồn đơn sơ thanh khiết và khiêm nhu hiền hậu. Họ mới là mẫu gương trong sáng soi dọi đường đời cho chúng ta bước theo.

Tôi thích câu truyện này: Thuở xưa có một nhà sư sống ẩn dật tại một triền núi được mọi người xem là đạo cao đức trọng. Một hôm, nhà sư phải tiếp một bà lão cùng cậu con trai của bà. Bà lão thưa: Bạch sư, con tôi mắc phải cái tật là ưa sưu tầm hoa kiểng. Nó đã làm cho tôi hao tốn không biết bao nhiêu là tiền của trong cái thời củi quế gạo châu nầy. Xin Sư làm ơn chữa trị hoặc răn dạy giùm, kẻo tội nghiệp cho tôi cùng vợ con nó. Nhà sư ngẫm nghĩ giây lâu rồi nói: Bà hãy đưa con về, độ nửa tháng sau trở lại, tôi sẽ giúp cho.

Đúng ngày hẹn, bà lão trở lại, nhà sư chỉ dạy có một câu đơn giản. Sư nói với cậu: Con à, đó là một thú vui hao tiền tốn của, con hãy bỏ đi, để tiền mà thờ mẹ và nuôi con. Bà lão bất bình, nói: Tưởng thầy có phương cách gì, té ra chỉ bao nhiêu lời đó. Thế sao thầy không làm ơn nói dùm ngay bữa trước, mà phải hẹn đến hôm nay. Ðường sá xa xôi biết là bao! Nhà sư mỉm cười: Chẳng dấu gì bà, tôi cũng mắc phải cái tật như cậu nhà đây. Nửa tháng gia hạn là thời gian tối thiểu để tôi bỏ cái cố tật đó. Nay mọi việc đã xong xuôi, tôi mới dám mở miệng khuyên can cậu em nầy. Chàng trai từ đó ăn ở rất vừa lòng mẹ.


Lời nói phải đi đôi với việc làm mới có giá trị. Nếu nói một đàng làm một nẻo, thì ai cũng nói được. Khuyên răn dạy bảo người khác làm điều lành, điều thiện thì ai cũng khuyên được. Lên mặt dạy đời thì khéo lắm, nhưng chính mình không muốn sửa đổi. Muốn người khác thay đổi, nhưng chúng ta lại cứ chứng nào tật đó. Người đời thường áp dụng kiểu ‘xấu che, tốt khoe’. Đôi khi chúng ta không sống thật với lòng mình. Nói chung, ai trong chúng ta cũng có điểm tốt, điểm xấu. Chúng ta có thể tốt hơn ở khía cạnh này, nhưng lại yếu kém ở lãnh vực khác trong đời sống. Mỗi người cố gắng nên hoàn thiện mỗi ngày. Dù biết rằng ‘nhân vô thập toàn’.

Đứng vào vị trí và vai trò của các thày dậy, chúng ta phải xưng thú rằng sống gương mẫu là một trong những khó khăn và nhức nhối nhất. Các giảng viên, các thày, các Dì, các cha… là những người thuờng xuyên giảng dạy về đạo giáo. Dạy về những thực hành tốt lành trong đời sống cá nhân, gia đình, cộng đoàn và xứ đạo. Trải nghiệm thực tế cuộc sống, chúng ta chẳng thực hành được bao nhiêu. Vẫn còn khoảng cách từ miệng đến trái tim và từ trái tim tới sự thể hiện bên ngoài. Đôi khi các thày dạy, chú trọng hình thức, giảng như con vẹt, nói trên sách vở và lề luật, khuyên răn người khác cải đổi đời sống, trong khi chính mình cứ ù lì và giậm chân tại chỗ. Tính nào tật đó. Thật là hổ thẹn!

Chúng ta biết rằng các thầy dậy, người có địa vị và các chức sắc có ảnh hưởng rất lớn trong đời sống xã hội, cần phải cẩn trọng trong lời nói và cách ăn nết ở. Mỗi lời nói, việc làm của chúng ta đều ảnh hưởng rất lớn đối với những người khác. Chúng ta không thể biện minh hay trốn tránh trách nhiệm làm gương sáng. Mọi người có quyền đòi hỏi các thầy dậy phải là gương mẫu. Mỗi người cố gắng tu tâm luyện tính mỗi ngày, áp dụng lời nói đi đôi với hành động. Giáo dân bây giờ cần xem bài giảng, hơn là nghe bài giảng.

Chúng ta có thể nghĩ sâu, nói hay, diễn tài và hát giỏi, nhưng quan trọng là đem cái tâm vào đời sống. Yêu rồi làm. Pha trộn Chân Thiện Mỹ vào tất cả các sinh hoạt trong cuộc sống hàng ngày. Dần dần tâm tư của chúng ta sẽ vơi bớt đi những tà tâm quấy nhiễu. Đừng bao giờ làm gương mù gương xấu cho kẻ khác. Đèn của chúng ta phải được thắp lên, đặt trên giá và chiếu giãi ánh sáng soi lối cho mọi người chung quanh.

nguồn http://vietcatholic.com/
          
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”