Đường nên thánh

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đường nên thánh

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Đường nên thánh




    Vào ngày 14-10-2018 sắp tới đây, Hội-thánh Công-giáo hoàn-vũ vui mừng về một tin vui cả-thể. Đó Giáo-hoàng Phao-lô VI được Giáo-hoàng Phan-xi-cô chính-thức cử-hành nghi-thức phong thánh. Và trong nỗi hân-hoan này, thiết-tưởng cộng-đồng Dân Chúa Việt-Nam (Dân Chúa hay Dân Thiên Chúa chính là Giáo-hội Chúa Ki-tô, Nghĩa là bao gồm hết mọi người trong Đạo) cũng nên chia-sẻ những cảm-nghiệm của một người tin về vị Cha Chung mới được nâng lên hàng hiển thánh này. Thành vậy, bài viết này không phải là những lời ca-tụng kiểu như thế-gian hay nói chung-chung là “khen phò-mã tốt áo”, mà là nhân vì đang lúc người ta nhắc đến hành-trạng của Giáo-hoàng Phao-lô VI với toàn là những việc “để đời”, thì người viết lại cứ quanh-quẩn với câu ngài nói đã thành thời-danh… Con người thời đại chúng ta thích nghe các chứng nhân hơn là các bậc thầy. Hoặc nếu có nghe các bậc thầy thì vì những vị thầy này là chứng nhân… Bởi vì đã từ lâu, rất lâu nay, hai chữ “chứng nhân” vẫn là nỗi băn-khoăn, niềm mong đợi và tìm kiếm của cộng-đồng tín-hữu Việt-Nam.

    Và quả-thực, trong suốt triều-đại giáo-hoàng của mình, đức Phao-lô VI đã hành-xử quyền Tông-toà (Papacy) trong các hành-động liên-tục theo ơn- nhưng-không với lòng trách-nhiệm…Đã làm việc theo “đấng bậc mình” không chút đơn-sai.

    Điều mà người ta nhớ đến đức Phao-lô VI trước hết và trên hết là ngài đã kế-tục một công-trình nhiều khó-khăn của vị tiền-nhiệm là Giáo-hoàng Gio-an XXIII, để hoàn-tất Công-đồng Vatican II. Công-đồng này đã mở đầu một kỷ-nguyên quan-trọng trong lịch-sử Giáo-hội Công-giáo hoàn-vũ. Bởi vì, mọi văn-kiện của Công-đồng Vatican II đã như một nguồn sáng mới soi rọi lại nhiều vấn-đề trong Hội-thánh như Phụng-vụ, Lời Chúa, Đại-kết, Tự-do tôn-giáo và nhất là định rõ vai trò của Giáo-hội trong thế-giới ngày nay… Tất cả không chỉ đòi hỏi một nỗ-lực mà còn là một ý-thức tâm-linh cao-độ khởi đi từ các nhân-đức Tin – Cậy – Mến… Trong tấn thảm-kịch thông-thường của con người, một thảm-kịch mà ánh sáng càng tăng thì định-mệnh con người lại càng ra đen tối. Bởi thế, nhận-định ấy phải được triển-khai bằng một cuộc đối-thoại với thực-tại thần-linh; nghĩa là tôi bởi đâu mà ra và chắc-chắn tôi đi về đâu theo ánh sáng của Đức Ki-tô, như cây đèn đặt vào tay cho chúng ta hoàn-thành cuộc vượt qua vĩ-đại… Tôi được chọn làm Giáo-hoàng; sự kiện này chứng-tỏ hai điều: một là sự hèn-mọn của tôi và hai là sự tự-do của Chúa, một sự tự-do đầy nhân-từ và mạnh-mẽ…(Đỗ Xuân Quế – Suy-tư của Đức Phao-lô VI về sự chết… trang 8).

    Công-đồng Vatican II được hình-thành từ nhiều trở-ngại trong quá-khứ. Vào năm 1870, Giáo-hoàng Pi-ô IX triệu-tập Công-đồng Vatican I, tuyên-bố quyền tối-thượng và ơn bất-khả-ngộ của Giáo-hoàng; cùng một trật, lên án chủ-trương độc-lập của Giáo-hội Pháp và nhiều vấn-đề quan-trọng khác thuộc Giáo-hội. Song Công-đồng này phải ngưng vào ngày 20-10-1870 và đình-hoãn vô-hạn-định với biến-cố Giáo-phận Rome bị sáp-nhập vào nước Ý. Khi Công-đồng Vatican II được công-bố triệu-tập thì đã có nhiều ý-kiến về tên gọi vì cho rằng đây chính là sự tiếp nối công-trình của Vatican I, mà phần lớn các vấn-đềđã bị bỏ dở. Vì vậy, vào ngày 07-12-1959, Giáo-hoàng Gio-an XXIII đã chính-thức dùng tên Công-đồng Vatican II để khai-hội và kéo dài sang đến triều-đại đức Giáo-hoàng Phao lô VI mới kết-thúc.

    Điều đăc-biệt, Công-đồng Vatican II được triệu-tập không theo truyền-thống sẵn có là chỉ triệu-tập công-đồng khi Hội-thánh cần phải công-bố một định-tín hay giải-quyết các khúc-mắc quan-trọng. Song trong hoàn-cảnh lúc đó, Giáo-hội không có gặp phải biến-cố hay khủng-hoảng nào rõ-rệt cả mà chỉ vì hậu-quả của hai cuộc thế-chiến và sự phát-triển nhanh chóng của khoa-học đãảnh-hưởng nhiều đến hướng hành-đạo và sống đạo của người Ki-tô hữu cho nên có nhiều vấn-đề để Công-đồng này cần có, nhất là đặt trọng-tâm vào cách-thế có mặt của Hội-thánh trong thế-giới hiện-đại cùng với sự hiệp-nhất Ki-tô hữu.

    Với hướng hàng đầu nhắm vào sứ-vụ truyền-giáo của Giáo-hội, Giáo-hoàng Phao-lô VI đã có cách nhìn cởi mở và chịu đối-thoại với thế-giới bên ngoài như một sự canh-tân cần-thiết. Trước hết là phải kể đến chủ-trương đối-thoại với cộng-sản, với các anh em trong cộng-đồng Ki-tô giáo, với các tôn-giáo khác và ngay cả với những người không có tín-ngưỡng. Ngài cũng bãi-bỏ một số quy-chế trong tổ-chức của Giáo-hội như chuyển sinh-hoạt phụng-vụ từ tiếng La-tinh sang tiếng bản xứ.Tổ-chức lại thành-phần nhân-sự trong nhiệm-vụ giữ trật-tự an-ninh của Tòa-thánh khi giảm bớt con số cảnh-vệ gốc Thụy Sĩ. Bỏ việc dùng vương-miện cũ của giáo-hoàng và các lễ-phục mang sắc-thái vương-giả cao-sang, vì ngài từng khẳng-định rằng…giáo hoàng không phải là một vị vua, nhưng là một giám mục, một mục tử, một nô bộc…Ngài cũng chấm dứt truyền-thống về nghi-thức mỗi khi khai-mạc Năm Thánh thìGiáo-hoàng lấy búa đập vào bức tường che Cửa Thánh bằng quyết-định sau Năm Thánh 1975 không cho xây bức tường che Cửa Thánh trong đền thánh Phê-rônữa.

    Vào ngày Lễ Các Thánh, 1-11-1970, Giáo-hoàng Phao-lô VI ban-hành Tông-hiến Laudis Canticum, chính-thức công-bố về việc dùng sách nguyện của Hội-thánh là Các giờ kinh Phụng-vụ… Bài Ca Chúc Tụng Thiên Chúa hằng vang dội muôn đời trên Thiên-quốc, đã được Chúa Giê-su Ki-tô, Vị Thượng-tế của chúng ta đưa vào trần-thế. Bài ca này, Hội-thánh không ngừng tiếp-tục hát lên, qua những hình-thức vô cùng phong-phú với một tấm lòng bền vững trung-kiên”.Và trong Tông-huấn này, có một sứ-điệp gửi đi “…Các Hội Đồng Giám Mục trong mỗi quốc gia có nhiệm vụ phải cho xuất bản sách này bằng tiếng nước mình…” đã là cơ-duyên cho một nhóm giáo-sĩ, linh-mục, tu-sĩ Việt-Nam được thể-hiện khả-năng Chúa cho mà phục-vụ Giáo-hội quê-hương mình. Đó là Nhóm Các Giờ Kinh Phụng-vụra đời vào năm 1971, với các thành-viên toàn là linh-mục, tu-sĩ có trình-độ cao về học-thức, về chuyên-môn, về ngoại-ngữ và cổ-ngữ; thậm-chí còn đã từng hay đang là Bề Trên Dòng, là Giám-tỉnh, là cha giáo Đại-chủng-viện…và tính cho đến nay Nhóm này đã cống-hiến rất nhiều cho Giáo-hội Công-giáo Việt-Nam.

    Đức Phao-lô VI cũng bỏ truyền-thống lâu đời của các Giáo-hoàng là không ra khỏi Vatican. Ngài đã thực-hiện hàng loạt các cuộc tông-du qua nhiều miền đất của thế-giới như những cuộc hành-hương và tuy mỗi chuyến đi mang mục-đích khác nhau nhưng tựu-trung cùng trong tâm-tình viếng thăm thế-giới vì lợi ích của con người. Đến Jérusalem, Jordanie, Istambul… để gặp gỡ các thượng-phụ của Chính-thống- giáo Ðông-phương vì muốn cùng anh em ly-giáo hoà-giải bớt những bất-đồng gây phân cách, xin lỗi Thượng-phụ Bartholomew của Constantinople và kết-quả đem lại là đã cùng Thượng-phụ Giáo-chủ Athenagoras của Giáo-hội Chính-thống Constantinople xé bỏ án tuyệt-thông mà cả hai đã gieo vạ lẫn cho nhau từ năm 1054. Đến Hoa-kỳ để đọc diễn văn tại Hội-đồng Bảo-an Liên-hiệp-quốc, lên án chiến-tranh và kêu gọi hòa-bình thế-giới. Gặp Giáo-chủ Hồi-giáo trong tinh-thần đối-thoại và Tổng Giám-mục Canterbury của Anh-giáo để giảm bớt sự xa cách từ một quá-khứ ly-khai. Đến Châu Mỹ La-tinh, Ấn-độ, Pakistan, Columbia, Philippine, Uganda, Bồ-đào-nha, Thuỵ-sĩ… và gặp nhiều nguyên-thủ các quốc-gia… cũng không ngoài mục-đích viếng thăm theo tinh-thần phúc âm hóa đời sống và Ki-tô hoá xã-hội. Ki-tô hoá không phải là rửa tội cho người ta theo đạo mà là thể-hiện tinh-thần bác-ái, huynh-đệ như Chúa Ki-tô dạy, là truyền-đạt Giáo-lý của Đức Ki-tô bằng tâm-tình đi tìm hoà-bình và công-lý cho con người. Là lên tiếng bênh-vực cho nhân-quyền, nhất là quyền làm người và quyền sống.

    Ủy-ban “Công lý và Hòa bình” của Giáo-hội đã được lập năm 1967. Tiếp đến là Thông-điệp Sự Sống Con Người (Humanae Vitae) ban-hành vào ngày 25-7-1968, xác-nhận lại quan-điểm của Giáo-hội Công-giáo vẫn không chấp-nhận các phương-pháp ngừa thai nhân-tạo như ngài đã từng tuyên-bố… là chuyên-gia về nhân-loại, chúng tôi tôn trọng con người… Vào năm 1971, để cổ-võ việc đấu-tranh cho quyền-lợi các nước nghèo, đức Phao-lô VI công-bố tiếp Thông-điệp Phát triển các Dân tộc…

    Tóm lại, với thời-gian tại vị không lâu nhưng Đức Phao-lô VI đã làm việc trong sự mẫn-cán tuyệt-vời của một mục-tử yêu thương đàn chiên. Của người tự nhận mình là…chuyên-gia về nhân-loại… mà đã không bỏ sót một khía cạnh nào thuộc đời sống con người…cho đến cuối đời… Nhưng bây giờ trong buổi hoàng-hôn sáng tỏ này cộng thêm với ánh sáng cuối cùng của buổi chiều, điềm tiên báo hừng đông muôn thuở, một tư-tưởng khác làm tôi bận trí, đó là nỗi lo-lắng phải làm sao lợi-dụng giờ thứ mười một, là sự vội-vàng phải làm một cái gì quan-trọng trước khi quá muộn. Làm thế nào để sửa lại những gì mình đã làm không tốt; làm thế nào để lấy lại thời-gian đã mất; làm thế nào để nắm được sự cần duy nhất trong giai-đoạn cuối cùng còn được chọn này…Con theo Chúa và con thấy rằng con không thể lẻn ra khỏi sân khấu cuộc đời này. Có hàng ngàn mối dây ràng-buộc con với cộng-đồng nhân-loại, với Hội-thánh. Những mối dây này tự chúng sẽ tan đi, nhưng con không thể quên được những người có liên hệ với con, chờ đợi con làm một vài bổn-phận cuối cùng… (Đỗ Xuân Quế. Suy-niệm của ĐứcPhao-lô VI về sự chết…trang 10…13)

    Giờ đây, trong tâm-tình tín-thác nơi ơn vô-ngộ của Giáo-hội và của những định-tín khi người đại-diện Thánh Phê-rô công-bố trên toà, xin Chân-phước Phao-lô VI sắp được nâng lên hàng hiển-thánh, cầu-bầu cho dân-tộc Việt-Nam chúng con đủ sức mạnh thắng vượt cơn khốn-khó. Cho mọi anh em trong Giáo-hội Công-giáo Việt-Nam chúng con và những người đang trong trách-nhiệm lãnh-đạo Chúa giao biết theo được, dù chỉ là một chút, gương sống đạo và làm việc theo lương-tâm Ki-tô hữu của ngài. Cho tất cả những ai chỉ vì muốn cầu-an, sống vô-cảm, chối bỏ trách-nhiệm liên-đới với xã-hội, với anh em đồng-bào mà đã vô-tình hay cố ý lý-luận rằng khi nói đến việc đấu-tranh cho quyền-lợi người nghèo, cho người bị đàn-áp bất-công, đòi nhân-quyền, đòi Tự-do tôn-giáo, đi tìm Công-lý và Hoà-bình… như ngài đã từng dấn-thân tìm kiếm là phạm đến việc làm chính-trị.

    Phạm Minh-Tâm

    Melbourne 10/2018

    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “Tổng hợp”