Trang 1/1

Về hạnh bố thí

Đã gửi: Thứ sáu 01/04/16 19:23
bởi Bạch Vân
  •           

    Về hạnh bố thí



    Có một lần đi xe hơi với cậu Nhân từ San Francisco về Los Angeles khoảng mười một năm trước, cậu đề nghị giúp tôi phương tiện để “chị muốn làm gì thì làm, như viết sách chẳng hạn. Ðể chị không phải vội vã đi kiếm việc lo chuyện sinh kế.” Hồi đó tôi mới nghỉ việc với Wells Fargo, dọn về sống với bố mẹ tôi lúc đó đã già.

    Tôi từ chối ngay đề nghị đó. Viện nhiều lý lẽ trong đó có lý “chị còn khỏe mạnh thì đi làm chứ. Sao lại để chú nuôi nhỉ.”

    Hồi đó cậu mới ba mươi mốt tuổi, là kỹ sư, không thích nói chuyện triết lý và hoàn toàn không biết đạo là gì, nhưng không biết từ đâu mà cậu bảo tôi:

    “Cả đời chị đã giúp chúng em rất nhiều, bây giờ em chỉ muốn giúp lại chị một chút thôi, trong lúc này khi hoàn cảnh cho phép. Chị biết cho thì phải biết nhận chứ. Nếu không biết nhận thì chưa chắc đã biết cho.”


    Tôi tiếp tục biện luận hăng hái hơn trên suốt đoạn đường còn lại. Về chuyện “thấy vui khi cho và không nhận vì không thấy cần, không muốn ỷ lại vào ai, chứ không phải vì tự ái”, không biết tôi thuyết phục cậu hay thuyết chính mình!

    Nhưng câu nói “không biết nhận thì cũng không biết cho” của cậu bỗng dưng in chặt vào đầu tôi. Nằm trong đó cùng với những câu “từ nhãn thị đại chúng”, “hãy nhìn đời bằng một con mắt lạnh như tro tàn và một trái tim nóng hổi” v.v... mà tôi đã thu thập trong những sách thiền từ hồi nào.

    Rồi có một lần đọc được một chuyện ngắn của chị bạn viết là hồi Thầy Thiên Ân sắp mất, chị thường hay lại thăm Thầy và rất buồn khi thấy bệnh thân thể Thầy đau đớn. Chị thường khắc khoải không biết làm gì để Thầy vui, để Thầy bớt đau. Một hôm khi chị hỏi, “Thầy muốn con làm gì?” thì Thầy bảo chị đi mua cho Thầy chiếc mũ đội cho ấm đầu. Hôm đó là ngày cuối tuần. Ðã 7 giờ tối. Các tiệm lớn đều đóng cửa. Nhưng Thầy muốn chị đi mua ngay. Chị đành chạy ra tiệm Thrifty lúc đó còn mở cửa mua chiếc mũ đem về. Thầy nhận và tỏ vẻ vui. Còn chị thì rất vui vì làm được một việc vừa lòng Thầy. Sau đó ít lâu Thầy qua đời. Và khi chị tới giúp dọn dẹp phòng Thầy ở cũ, chị thấy ở trong tủ Thầy có cả tá mũ đủ loại rất đẹp. Chiếc mũ của chị mua biếu Thầy hôm đó trông tầm thường nhất. Chị chợt tỉnh ra. Nhìn thì tưởng chị làm CHO thầy vui. Chị là người làm phước. Thực ra chính Thầy cho chị cơ hội để chị được vui một lần chót với Thầy. Ðể chị được phước báo. Chính chị là người NHẬN, người được, người thụ ơn. Từ kinh nghiệm đó chị nhận và biết là trong cuộc đời nghĩ tới cùng thì nhiều khi người cho lại chính là người nhận. Người nhận là người cho. Không biết ai là ai. Và ai phải cám ơn ai. Thôi thì cứ cám ơn nhau vậy. Và cám ơn Ðời.

    Không hiểu sao tôi thích chuyện đó vô cùng. Lâu lâu đem đọc lại. Ðến nhập tâm. Nhưng trong đời sống hàng ngày vẫn thích Làm Cho người khác chứ không thích ai làm cho mình điều gì nếu tôi có thể tránh được. Cái tính này là phải nói tôi “thừa hưởng” của ông Bố. Hơn mười năm sống gần Cụ tôi nhìn thấy thật rõ ràng. Cả cuộc đời cụ hy sinh cho vợ con. Giúp đỡ mọi người mà không kể ơn. Ðến lúc già không còn quyền thế để giúp người như trước thì cụ lại chắt chiu, tiết kiệm chi tiêu dành tiền dưỡng già gởi giúp đỡ họ hàng. Cụ cất và xếp những thư đầy tình cảm ơn nghĩa từ Việt Nam gởi sang đầy chặt ngăn kéo. Nhưng cụ không thích phải “nhờ” con cái điều gì. Mặc dầu cụ để tôi lái xe đưa đi bác sĩ, đi nhà thương, hay đi thăm mấy bà Cô ở quận Cam nhưng bao giờ cụ cũng nói “lúc nào tiện”. Nghe giọng thấy như miễn cưỡng. Những năm đầu cụ không nói cám ơn.

    Cho mãi đến gần đây khi cụ đã đọc kinh sách Phật thật nhiều tôi mới nghe cụ nói “Thank you” với con cái. Ở nhà cụ vẫn nhất định tự đun nước sôi đổ vào bình. Tay cụ run run nhiều lúc nước rớt ra ngoài. Tôi và cô em đã nhiều lần dặn “cậu để đó chúng con làm cho. Không có lỡ bỏng thì phiền lắm.” Bao giờ cụ cũng trả lời “tôi làm được mà.” Dần dần tôi thấy rõ là dù đã ngoài 80 cụ vẫn không thích ai Làm Cho mình cái gì nếu cụ nghĩ là cụ còn làm được. Phiền là nhiều lúc cụ ước lượng sai về sức mình. Có thể là vì cụ vẫn thấy chuyện Cho và Nhận, Người và Ta thật khác biệt, thật minh bạch như chuyện Ngày Ðêm chăng. Tôi thỉnh thoảng cũng than phiền cụ về chuyện này với các em. Vì tôi bắt đầu thấy là những phân biệt rõ ràng như Trắng Ðen của mình và người đời, nhiều khi lại chưa hẳn là như thế.

    Bắt đầu biết chuyện phân biệt cho với nhận chỉ là sản phẩm của “cái tôi” đầy tự ái, mà thực ra thì cả hai chỉ là một. Biết thế mà tôi vẫn bắt gặp mình “dẫy nẩy” lên mỗi khi các em tôi cho quà, và cứ thanh minh thanh nga là đã từ lâu mình không còn tự ái nữa. Biết thế mà tôi vẫn ghi sổ ký ức tên ân nhân và nóng lòng tìm cơ hội trả nghĩa. Cũng lại thấy rõ ràng là mình suy nghĩ và hành xử không đồng nhất. Cũng lại thấy lòng hơi bực bội mỗi khi nghe cô em út say sưa nói về chuyện “có đi có lại”, “Give and Take” như là một bí quyết giao tế tối thượng trên cõi đời này. Bực nhưng chưa thấy tại sao mình bực. Có thể là vì chính trong lòng mình đang có tranh chấp về chuyện cho và nhận, chuyện ban ơn và thụ ơn không?

    Cũng trong thời gian đó thỉnh thoảng tôi đi Oxnard thăm những ruộng rau. Ngày chủ nhật thiên hạ đi nhà thờ, đi chùa hay đi Bolsa ăn phở, thì tôi đi mót rau. Những ruộng rau nhà chủ vườn đã gặt xong, bỏ lại những cây rau không đủ tiêu chuẩn đầy ruộng, để mặc cho đến mùa sau. Tôi tới ngồi giữa ruộng rau ngắm những cây rau còn đầy sức sống. Những tầu lá phía ngoài xòe thẳng, thật xanh có gân trắng chằng chịt như những nét họa tuyệt diệu. Như mạch sống đang trào ra ôm ấp bông súp lơ trắng tinh lấp ló bên trong đợt lá non chúp đầu vào nhau như bàn tay chắp búp sen lậy Phật. Tôi hít hà không khí trong lành và vùng bao la xanh ngắt vắng lặng. Từ cái yên bình của ngoại cảnh và nội tâm, tôi thấy niềm tri ân vỡ bung ra ôm trọn vẹn tôi trong cái thinh không vô cùng đó. Không biết tên ai để nhớ, để có dịp trả ơn thì làm sao đây. Gọi là Ðời, là Trời Phật ư? Nhưng làm sao trả ơn Ðời, Ơn Trời?

    Mỗi lần đi như thế tôi thường khuân về hàng thùng rau đem biếu chùa và hàng xóm. Mọi người cám ơn. Nhưng trong lòng tôi thầm nghĩ chính mình phải cám ơn họ vì họ đã nhận và tiêu thụ hộ. Không có người nhận thì làm sao tôi có dịp cho. Làm sao tôi có cớ tiếp tục đi mót rau, để dần dần nhìn thấy lòng tham của mình. Nhặt cho nhiều, tội gì, không có thì phí của đi! Nhưng thực ra làm sao mà phí được khi những cây rau bỏ lại sẽ chết đi, sẽ được cầy lên vùi vào lòng đất trở lại làm phân bón cho rau mùa sau. Biết vậy nên từ đó về sau tôi thường chỉ nhặt in ít đủ nhà dùng vài ngày thôi. Còn thì ngồi chơi với ruộng rau. Nhận hưởng nắng ấm trải dài, không gian đầy ắp sức sống và những hỷ xả của Ðất Trời. Bỗng nhận thấy rằng mình vẫn nhận rất nhiều, hàng ngày của Trời Ðất mà không thắc mắc. Nhưng người với người thì tại sao nhiều vấn đề thường được đặt ra. Phải chăng vì cái ngã còn đứng ở đó đặt ra những chuyện người cho kẻ nhận. Người có người không. Người đứng trên kẻ đứng dưới v.v... Mặc dầu kinh Phật vẫn dạy rằng hạnh Bố Thí là hạnh thứ nhất của người Phật tử. Bố thí trong tinh thần không có người bố thí và kẻ được bố thí. Chỉ có việc bố thí. Ðể không còn có Người và Ta, không còn tự ái dù là tự tôn hay tự ti. Vì khi còn phân biệt giữa người và ta tức là còn có ngã. Còn nhị nguyên. Còn tính toán hơn thiệt. Còn có đi có lại. Còn rất Ðời. Chưa đi vào đường Ðạo.

    Tất cả những cái thấy, những cảm nhận, những ý nghĩ, những quán chiếu, những suy tư đó nằm đầy ắp óc tôi. Nung nấu. Tôi hiểu hết mọi sự bằng óc. Nhưng chưa bằng con tim. Tất cả còn nằm đó, trên óc. Ðược dùng để suy đoán, biện luận và phán xét. Chưa di chuyển xuống tim để biến thành máu chạy khắp toàn thân. Tới tận đầu ngọn tóc, tận kẽ ngón chân để trở thành đời sống và hành động tự nhiên như hơi thở.

    Cho đến khi lâm bệnh phải nằm nhà thương cả tháng. Ðầu óc nhiều lúc rất mịt mù, mất khả năng suy nghĩ mạch lạc rõ ràng. Thân thể thì hoàn toàn bất lực. Như chiếc xe hết xăng hết điện, nằm vạ giữa xa lộ! Tôi sống được hoàn toàn là nhờ sự giúp đỡ của mọi người. Tôi đã nhận rất nhiều ở từ ông bác sĩ giải phẫu, cô y tá hàng ngày vào thay thuốc đến bà dọn phòng vào đổ rác mỗi ngày và bao nhiêu người làm khác để cho thân thể tôi được phục hồi. Tôi đã nhận rất nhiều từ các em tôi, từ họ hàng, bạn hữu thân thương những giúp đỡ hữu hình và vô hình trợ lực cho tinh thần tôi không sụp đổ. Tôi nhận được từ những Linh Thiêng của Ðất Trời ân huệ cho tâm tôi mở ra. Bằng lòng đón nhận tất cả. Từ cái đau cho đến tận cùng là cái chết. Bệnh hoạn làm cho thân thể bất lực. Làm tương lai trở thành hiện tại. Mọi dự phóng không còn chỗ đứng. Vì chính sự sống cũng trở thành bấp bênh, biến hóa khôn lường. Trên bờ vực bấp bênh đó cái ngã nín thở nằm yên. Ðợi chờ. Rồi trong niềm yên lặng vô biên bên trong, và những thương yêu chân thật bao bọc bên ngoài những hiểu biết nung nấu trong óc bỗng bung ra. Tìm đường xuống tim.

    Kỷ niệm một buổi tối đi nghe giảng. Rồi thiền với một nhóm người mới gặp lần đầu. Sau khi xả thiền, mọi người đứng thành một vòng tròn nắm tay nhau theo cách “Nhận Cho”. Tay trái ngửa lên cho tay người đứng bên trái mình úp xuống. Tay phải úp xuống tay trái của người đứng bên phải mình. Tất cả mọi người đều làm như vậy thành vòng tròn. Từng đôi bàn tay khum lại ôm lấy nhau. Mọi người cùng nhắm mắt trong một phút cho điện (energy) luân lưu giữa những người trong nhóm. Qua bàn tay mở ngửa, điện nhận được từ người bên trái chạy qua người mình rồi truyền đem cho người đứng bên phải, qua bàn tay mình úp xuống tay người. Truyền cho nhau thanh điện và tẩy biến những trược điện của nhau. Hôm đó ra về không những là thấy lòng vui thân khỏe mà còn thấy mình thích quá, thích quá về lối cầm tay kiểu này. Tôi thường vẫn không thích cái kiểu nắm tay nhau nhất là lại nắm chặt. Bởi vì thấy như có một sự nắm giữ làm của riêng và khi một người muốn buông tay ra, mà gặp người kia không đủ mẫn cảm để nhận biết, thì sẽ có một vẫy vùng nho nhỏ. Lối cầm tay này thật nhẹ nhàng và có ý nghĩa. Lúc đó tôi nghĩ vậy.

    Kỷ niệm này trở về với tôi nhiều lần trong lúc nằm trên giường bệnh. Câu nói của cậu Nhân 11 năm về trước trên chuyến đi từ San Fran về Los, cùng với câu chuyện của chị Vân về Thầy Thiên Ân và những kinh nghiệm về Nhận và Cho thu thập bấy lâu trong cuộc đời vẫn còn giữ trong óc, bỗng hiện ra như những mảnh puzzle. Ghép vừa vào nhau. Dần dần. Rồi một hôm nằm đọc kinh Phật nói về hạnh bố thí và giảng tại sao nên bố thí, tôi cảm thấy như mình vừa ráp xong mảnh puzzle cuối cùng. Bỗng thấy như một người từ sau bao năm nằm trong ngục tối được giải phóng để nhìn thấy ánh sáng chói lòa và vạn vật rạng rỡ của một thế giới con người tự do.

    Khi ra khỏi bệnh viện, tôi lên San Jose để tiếp tục làm chemotherapy và dưỡng bệnh tại nhà một người em trai đã có gia đình. Tôi thoải mái trong sự nhờ cậy rất nhiều ở mấy người em. Một anh bạn từ thủa trung học với em trai tôi nghe tin cũng ân cần lại thăm. Anh tình nguyện chở tôi đi bệnh viện khi cần. Thấy tôi khen cây hồng ròn nhà anh, anh cắt cho tôi những chùm hồng vàng cam còn cả lá. Anh đem cho bánh dẻo vợ làm và cuốn băng nhạc chọn lọc thu những bài ca Việt và Mỹ thịnh hành hồi đó khi anh hay xuống chơi với em tôi vào đầu thập niên 60 ở Phú Nhuận. Tôi không thắc mắc khi nhận quà anh cho. Cảm ơn anh mà không lúng túng. Tôi bỗng nhớ đến hình ảnh Kevin, cháu tôi hồi một tuổi. Hồi đó tôi đến trông cháu những ngày em tôi đi làm. Ðến giờ ăn, chú bé nằm u ơ chờ tôi hâm sữa đem lại. Không thắc mắc. Ăn xong chú buông chai không xuống thảm. Nhìn tôi. Cười. Không lúng túng. Và u ơ đòi bế ra đứng cửa sổ ngóng mẹ về.

    Cũng vẫn cùng là một vòng tròn. Lúc đó chú Kevin đứng bên phải tôi ngửa tay cho tay tôi úp xuống. Bây giờ tôi đứng bên phải anh bạn, ngửa tay lên đón bàn tay anh. Chẳng mấy khác, thì tại sao không thể cũng nhìn cười như chú Kevin ngày bé. Khi đã biết rằng có một người khác đang đứng cạnh mình bên phải tay ngửa lên cho bàn tay mình úp xuống. Khi biết rằng những người đứng bên phải và bên trái mình luôn luôn đổi chỗ hàng giờ hàng ngày trong cùng một vòng tròn, hay sang vòng tròn khác. Còn gặp lại hay sẽ không bao giờ gặp nữa. Biết vậy sẽ không còn ngại ngùng khi nhận và mong mỏi khi cho. “Ân nghĩa xin nguyện đền”. Nhưng không phải là tìm cho được ân nhân cũ để trả nghĩa. Mà luôn luôn giữ đầy ắp trong tâm lòng biết ơn Ðời ơn Người để luân lưu đi những ân huệ nhận được từ người phía trái sang cho người bên mặt. Không giữ lại để dành. Ðể chuyển hóa những đắng cay của Sân Hận nhận được thành ngọt ngào của Hỷ Xả. Tha thứ đem cho người đứng bên. Không sổ sách trong tâm.

    Trước Giáng Sinh cô em gái ở Virginia gởi cho ít quần áo ấm mặc trong nhà. Cùng với tấm thiệp nhắc nhở tôi là “Everyday should be Christmas and we hope you will in everyday the comfort of receiving as well as the joy of giving”. Tôi muốn nói với cô rằng từ ngày bệnh hoạn đến nay đối với tôi “everyday IS Christmas”. Và tôi đã cảm nhận được Niềm Vui hồ hởi cả trong hành động NHẬN và CHO. Trong thực tế lúc này tôi không làm được gì Cho ai. Ngay cả mấy con tem nhiều khi cũng phải nhờ người đi mua. Nhưng sao tôi cảm thấy như có rất nhiều để cho. Phải chăng vì tôi đã nhận được từ Ðất Trời và Người rất nhiều. Mỗi ngày. Nhận được nhiều thì cũng có rất nhiều để cho đi. Vì tôi chỉ đứng đó để chuyển hóa và luân lưu đi tất cả sau khi đã thụ hưởng hoặc thêm thắt một chút hương hoa. Rồi có lúc thấy mình không còn đứng đó để nhận hay cho, hay để thấy vui trong lòng. Mà chỉ thấy một sự luân lưu nhẹ nhàng. Không ngừng. Tự nhiên như bốn mùa thay đổi. Như lẽ vô thường của vạn vật.

    Bỗng khám phá ra một quyền tự do căn bản và tối thượng của con Người mà cả đời mình không hề biết tới mặc dầu vẫn tự hào là người tự do. Bỗng hiểu tại sao trong sáu pháp Lục Ðộ bố thí là hành (động) đầu tiên của người Phật tử, và là hạnh thấp nhất. Nhưng chính hạnh bố thí cũng có thể là hạnh cuối cùng đưa con người tới giải thoát. Trọn vẹn. Ðời đời.


    Du Li
    (Xin thắp một nén hương tưởng niệm tác giả Du Li. Chắc chị cũng hoan hỉ mà CHO chúng tôi được mạn phép đăng lại bài này)

    Nguồn: http://www.ngocbao.org
              

Re: Về hạnh bố thí

Đã gửi: Thứ bảy 02/04/16 03:04
bởi Vịnh Nghi
Bạch Vân đã viết: .... Cũng lại thấy lòng hơi bực bội mỗi khi nghe cô em út say sưa nói về chuyện “có đi có lại”, “Give and Take” như là một bí quyết giao tế tối thượng trên cõi đời này. Bực nhưng chưa thấy tại sao mình bực. Có thể là vì chính trong lòng mình đang có tranh chấp về chuyện cho và nhận, chuyện ban ơn và thụ ơn không?
..........
Nguồn: http://www.ngocbao.org


Thật ra, Nghi nghĩ tại nhiều người ngộ nhận trạng từ (?) "give and take" thôi hà. Nghi thấy "and" ở đây chỉ có nghĩa là cho và nhận, nhưng nên hiểu là trên cùng một sự việc, hay nói rõ ràng hơn, cho cũng chính là nhận thôi. Nếu cho và nhận được hiểu là cho đi (lúc này) thì (lúc khác lại) được nhận, thì ý nghĩa của "give and take" lại có gì hay, mà cũng chẳng đặc biệt chi lắm, ha chị Bạch Vân.

:flower:

Re: Về hạnh bố thí

Đã gửi: Thứ bảy 02/04/16 10:36
bởi Hoàng Vân
  • "give and take"
    • theo Mỹ là: mutual concessions and compromises.
      nôm na là: tôi nhường anh nhịn, thiệt cái này được cái khác, ..


    dĩ nhiên không phải là:
    • "cho nhận" .. theo đạo giáo
      đạo giáo thì nói: cho người tức là cho mình ...


    :flower:
              

Re: Về hạnh bố thí

Đã gửi: Thứ bảy 02/04/16 19:40
bởi Ngoc Han
Đức Phật dạy 7 cách bố thí không tốn một đồng nào lại giúp bạn gặp vận may cả đời

Tác giả: Theo Letu.life| Dịch giả: Tâm Nguyễn

Một người nghèo chạy đến phía trước Đức Phật vừa khóc vừa hỏi Ngài:
“Tại sao con làm việc gì cũng không thành công, đó là do duyên cớ gì ạ?”
Đức Phật nói với anh ta: “Đó là bởi vì con chưa học được cách bố thí cho người khác.”
Người kia thưa: “Nhưng con là một người nghèo khó không có tiền, làm sao có thể bố thí!”
Đức Phật dạy: “Đều không phải như thế. Một người cho dù hoàn toàn không có tiền, vẫn có thể cho người khác 7 thứ:
1. Nhan thí – Cho đi bằng nét mặt. Chúng ta có thể cho đi nụ cười niềm nở đến những người xung quanh hàng ngày mà mình gặp trong cuộc sống.
2. Ngôn thí – Cho đi bằng lời nói. Chúng ta có thể nói nhiều những lời nói ấm áp, khiêm nhường, khen ngợi, an ủi, khích lệ, cổ vũ và động viên người khác.
3. Tâm thí – Cho đi bằng tấm lòng. “Sưởng khai tâm phi, thành khẩn đãi nhân”, có nghĩa rằng mở rộng tấm lòng, chân thật, thành tâm đối đãi với người khác.
4. Nhãn thí – Cho đi những ánh mắt, những cái nhìn hiền từ. Dùng ánh mắt thiện ý để nhìn người khác.
5. Thân thí – Cho đi bằng hành động nhân ái. Dùng hành động nhân ái để đi giúp đỡ người khác.
6. Tọa thí – Cho đi bằng nhường chỗ ngồi cho người cần. Khi đi xe hay trên thuyền có thể nhường chỗ ngồi của mình cho người cần.
7. Phòng thí – Bố thí nơi ở: Đem phòng còn trống cho người khác nghỉ ngơi.
Cuối cùng Đức Phật nói: “Cho dù là ai, chỉ cần tập thành 7 thói quen này thì vận may sẽ đi theo “như hình với bóng”!
Đức Phật nói với chúng ta hạnh của bố thí có rất nhiều cách, chỉ cần dùng chân tình và thiện tâm là có thể làm được.
– Ví như trong cuộc sống hàng ngày, mưu sinh kiếm tiền nuôi gia đình, kỳ thực nuôi gia đình cũng là một dạng bố thí!
– Nếu như bạn cảm nhận thấy bản thân là làm trâu làm ngựa, hay kiếm tiền trả khoản nợ nào đó cho người ta, thế thì chính là bạn đang ôm giữ trong lòng một bụng khí oán giận, bạn sẽ cảm nhận thấy cuộc sống rất khổ! Một khi bạn chuyển ý niệm đầu tiên “nuôi gia đình” thành là bố thí, là cho đi, là chăm sóc, nuôi dưỡng, cung phụng; bạn là cần cho gia đình này, gia đình này cần bạn và bạn là đang cho đi, đang bố thí, đang cung phụng nuôi dưỡng mọi người trong nhà, khi đó bạn sẽ cảm thấy ấm áp nhẹ nhàng và vui vẻ thoải mái.
– Đây chính là giác ngộ và trong mê, tỉnh và thức, khi mê thì thấy rõ ràng xác thực là như bị đòi nợ, trả nợ, một khi giác ngộ ra rồi thì không phải là đòi nợ, trả nợ nữa mà là thực hành bố thí, cung phụng phụng dưỡng cho đi.
– Đừng tưởng rằng đến đền chùa bỏ một chút tiền vào đó mới là bố thí, bởi vì trong vô lượng phương diện bố thí thì bạn mới chỉ hiểu được có một mặt. Bạn có biết rằng, trong cuộc sống thường nhật hàng ngày, hết thảy các hành động và việc làm của chúng ta đều là bố thí, là cung phụng, phụng dưỡng.
– Thí dụ như bạn sắp xếp thu dọn nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ giúp cho cuộc sống những người trong cả nhà được thoái mái, dễ chịu, thì chính là bạn đang tu dưỡng bố thí trong gia đình. Bạn là đang thực hành hạnh Bồ Tát Đạo! Tại công ty bạn tận lực tận tâm làm việc đó là hạnh bố thí trong công việc, và là cung phụng, cung dưỡng đối với xã hội.
– Chúng ta có đủ khả năng khởi lên những niệm đầu này, chúng ta sẽ sống tự tại!
– Chúng ta vất vả chăm chỉ làm việc, có thể tính là không nhận được quyền lợi gì tới mình, nhưng cũng sẽ không còn cảm thấy khó sống, tại sao lại thế ? Bởi vì chúng ta bằng sức lao động và bằng chính thể lực, trí tuệ của bản thân mình để bố thí, cung phụng, phụng dưỡng cho người, cho nên tâm chúng ta hoan hỷ hài lòng và sẽ vô cùng vui vẻ.
– Chúc bạn có thể tu thành hạnh bố thí, cung phụng. Trên bề mặt trước mắt nếu mà bạn có thể chưa thấy ngay được phúc báo, nhưng rồi quả của nó sẽ báo đáp không thể nghĩ bàn.
:flower:
* Không biết có phải là lời Đức Phật hay không? Vì theo điều thứ 6 hơi lạ? Chị Lan Huệ, Nắng, Vịnh Nghi cứu bồ.

Re: Về hạnh bố thí

Đã gửi: Thứ bảy 02/04/16 19:52
bởi Hoàng Vân
          
.. :flwrhrts: ..
          

Re: Về hạnh bố thí

Đã gửi: Thứ bảy 02/04/16 20:48
bởi Ngoc Han
TÓM TẮT ĐẠO PHẬT Trong Vấn Đáp Khoảng 5 Phút "Rất Hay"
Tỳ khưu Dhammika

Bình Anson lược dịch

Lược dịch từ bài "Basic Buddhism: A Five-Minute Introduction" (Căn bản Phật giáo: Giới thiệu trong năm phút), trong quyển "Good Question, Good Answer" (Khéo Vấn, Khéo Đáp) của Bhikkhu Dhammika, ấn bản Internet (http://www.buddhanet.net/).
Hỏi: Phật Giáo là gì?

Đáp: Phật Giáo là một tôn giáo có khoảng 300 triệu tín đồ trên khắp thế giới. Danh từ Phật Giáo (Buddhism) phát nguồn từ chữ "buddhi", có nghĩa "giác ngộ", "thức tỉnh". Phật Giáo phát nguồn từ hơn 2,500 năm trước, khi Ngài Siddhattha Gotama (Sĩ-đạt-ta Cồ-đàm), hay Đức Phật, tự mình giác ngộ vào lúc 35 tuổi.

Hỏi: Có phải Phật Giáo chỉ thuần là một tôn giáo?

Đáp: Đối với nhiều người, Phật Giáo không phải chỉ là một tôn giáo mà còn có thể xem như là một triết học, hay đúng hơn, đó là "một lối sống". Gọi Phật Giáo là một triết học, vì danh từ "triết học - philosophy" có nghĩa là "sự yêu chuộng trí tuệ", và con đường của đạo Phật có thể tóm tắt như sau:

(1) sống có đạo đức,
(2) nhận thức rõ ràng về mọi ý nghĩ và hành động, và
(3) phát triển sự hiểu biết và trí tuệ.

Hỏi: Phật Giáo giúp tôi bằng cách nào?

Đáp: Phật Giáo giải thích mục đích của đời sống, giải thích hiện tượng bất công và bất bình đẳng trên thế gian, và cung ứng một phương cách thực hành hay một lối sống để đưa đến hạnh phúc thật sự.

Hỏi: Tại sao Phật Giáo trở nên phổ biến?

Đáp: Phật Giáo ngày càng phổ biến ở các nước Tây phương vì nhiều lý do. Thứ nhất là vì Phật Giáo có những giải đáp cho nhiều vấn đề trong các xã hội vật chất hiện đại. Tiếp đến, cho những ai có chú tâm, Phật Giáo cung ứng một sự thông hiểu sâu sắc về tâm trí con người và các cách trị liệu tự nhiên, mà các nhà tâm lý nổi tiếng trên thế giới đều công nhận là rất cao cấp và rất hiệu quả.

Hỏi: Đức Phật là ai?

Đáp: Ngài Siddhattha Gotama sinh ra vào năm 563 trước Tây Lịch, trong một hoàng tộc tại Lumbini, nay thuộc xứ Nepal. Vào năm 29 tuổi, Ngài nhận thức rằng tiện nghi vật chất và an ninh trong thế gian không bảo đảm hạnh phúc; vì thế, Ngài đi tìm học các lời dạy, tôn giáo và triết học thời đó, để tìm kiếm chìa khóa đưa đến hạnh phúc. Sau sáu năm học tập và hành thiền, Ngài tìm ra con đường "Trung Đạo" và giác ngộ. Sau khi chứng đắc, Ngài dùng quảng đời còn lại tại thế gian để truyền giảng các nguyên lý trong đạo Phật -- gọi là Pháp, hay Chân lý, cho đến khi Ngài nhập diệt vào năm 80 tuổi.

Hỏi: Có phải Đức Phật là Thượng Đế?

Đáp: Không, Ngài không là Thượng Đế, và Ngài cũng không tuyên bố như thế. Ngài là người giảng dạy con đường đưa đến giác ngộ, từ kinh nghiệm thực chứng của Ngài.

Hỏi: Phật tử có tôn thờ các thần tượng không?

Đáp: Những người Phật tử tỏ lòng tôn kính các hình ảnh của Đức Phật, nhưng không tôn thờ, cũng không van xin những điều lợi lạc. Một pho tượng Phật ngồi trong tư thế với hai tay dịu dàng đặt trên vế, với nụ cười từ bi, nhắc nhở chúng ta nỗ lực phát triển tình thương và an định nội tâm. Lễ lạy tượng Phật là để tỏ lòng biết ơn về các lời dạy của Ngài.

Hỏi: Tại sao nhiều quốc gia Phật Giáo lại nghèo như vậy?

Đáp: Không hẳn đúng như vậy. Nhật Bản là một quốc gia có truyền thống Phật Giáo sâu đậm và ngày nay cũng là một quốc gia có kinh tế giàu mạnh. Thái Lan, với Phật giáo là quốc giáo, cũng có một nền kinh tế tương đối vững mạnh và phát triển. Tuy nhiên, chúng ta cần biết rằng một trong các điều dạy của Phật Giáo là tài sản của cải không bảo đảm được hạnh phúc, và tài sản của cải cũng không bao giờ thường còn. Dân chúng trong bất kỳ quốc gia nào cũng chịu đau khổ, cho dù họ giàu sang hay nghèo nàn. Chỉ những người nào thông hiểu các lời dạy trong Phật Giáo thì mới có thể tìm được hạnh phúc thật sự.

Hỏi: Có phải có nhiều tông phái Phật Giáo không?

Đáp: Có nhiều tông phái trong Phật Giáo là vì có những khác biệt về văn hóa và truyền thống lịch sử của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, căn bản của Phật Giáo vẫn không thay đổi, đó là Pháp hay Chân lý.

Hỏi: Có phải các tôn giáo khác đều sai lầm?

Đáp: Phật Giáo là một hệ thống tín ngưỡng có tính bao dung đối với các tín ngưỡng hay tôn giáo khác. Phật Giáo chấp nhận các lời giảng đạo đức của các tôn giáo khác, nhưng Phật Giáo còn tiến xa hơn, bằng cách cung ứng một mục tiêu dài hạn trong sự hiện hữu của chúng ta, qua trí tuệ và sự hiểu biết thật sự. Phật Giáo chân chính thì rất bao dung, và không quan tâm chi đến các nhãn hiệu như là "tín hữu Ky-tô giáo", "tín hữu Hồi giáo", "tín hữu Ấn-độ giáo", hay "Phật tử". Vì vậy, trong lịch sử, không bao giờ có các cuộc thánh chiến mang danh Phật Giáo. Cũng vì thế mà những người Phật tử không đi truyền giảng hay cải đạo người khác; họ chỉ giảng giải nếu được ai hỏi đến.

Hỏi: Phật Giáo có tính khoa học không?

Đáp: Khoa học là tri thức được kết hợp thành hệ thống, qua các dữ kiện được quan sát và thực nghiệm và đề ra các định luật tổng quát của thiên nhiên. Cốt lõi của Phật Giáo phù hợp với định nghĩa đó, bởi vì Tứ Diệu Đế hay Bốn Sự Thật Thâm Diệu, có thể được thử nghiệm và minh chứng bởi bất kỳ người nào, và ngay chính Đức Phật cũng đã từng nói với các đệ tử rằng họ phải thực chứng các lời dạy của Ngài, mà không nên chỉ tin suông. Phật Giáo dựa nhiều trên trí tuệ, hơn là lòng tin.

Hỏi: Đức Phật đã dạy những gì?

Đáp: Đức Phật đã giảng dạy rất nhiều đề tài, nhưng các điều căn bản trong Phật Giáo có thể tóm tắt trong Tứ Diệu Đế và Bát Chánh Đạo.

Hỏi: Diệu đế thứ nhất là gì?

Đáp: Khổ Đế, chân lý thâm diệu đầu tiên, nói rằng đời sống là đau khổ, nghĩa là phải chịu đau đớn thể xác, già nua, bệnh hoạn, rồi chết. Ta cũng phải chịu đau khổ về mặt tâm lý như cô đơn, phiền giận, bực bội, sợ hãi, bối rối, thất vọng, sân hận. Đây là một sự kiện hiển nhiên, không thể chối cãi. Đây là thực tế khách quan, không phải bi quan; vì bi quan là mong đợi những điều gì trở nên tệ hại. Mặt khác, Phật Giáo giải thích cách thức giải quyết các đau khổ đó và cách thức để có hạnh phúc thật sự.

Hỏi: Diệu đế thứ nhì là gì?

Đáp: Tập Đế, chân lý thâm diệu thứ nhì, dạy rằng tất cả mọi đau khổ đều do ái dục và tham thủ. Ta sẽ bị phiền khổ nếu ta mong đợi người khác phải tuân theo ý muốn của mình, phải làm giống như mình, nếu ta không được những gì mình muốn, v.v. Ngay cả khi ta muốn và được, điều này cũng không bảo đảm có hạnh phúc. Tâm khát khao ham muốn cướp đoạt của ta niềm vui được thỏa lòng và hạnh phúc. Thay vì kiên trì chiến đấu để thành đạt điều mong muốn, hãy cố gắng sửa đổi chính cái lòng ước muốn của mình.

Hỏi: Diệu đế thứ ba là gì?

Đáp: Diệt Đế, chân lý thâm diệu thứ ba, là có thể chấm dứt đau khổ và đạt được trạng thái thỏa lòng và hạnh phúc. Khi ta dứt bỏ ái dục, vốn là vô ích, và tập sống từng ngày, chúng ta bắt đầu sống an vui và tự do. Chúng ta sẽ có nhiều thì giờ và năng lực để giúp đỡ người khác. Trạng thái ấy được gọi là Niết Bàn.

Hỏi: Diệu đế thứ tư là gì?

Đáp: Đạo Đế, chân lý thâm diệu thứ tư, là con đường đưa đến chấm dứt đau khổ. Con đường này gọi là Bát Chánh Ðạo.

Hỏi: Bát Chánh Đạo là gì?

Đáp: Đó là con đường gồm 8 yếu tố chân chánh: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, và Chánh Định. Đây là con đường của đạo đức và tỉnh thức -- qua lời nói, ý nghĩ và hành động, và phát triển trí tuệ bằng sự nhận thức rõ ràng về Tứ Diệu Đế và bằng sự tăng trưởng lòng từ bi.

Hỏi: Ngũ giới là gì?

Đáp: Đây là năm điều giới luật đạo đức của Phật Giáo. Đó là: không sát hại, không lấy của không cho, không tà dâm, không nói dối, và không dùng các chất say làm lu mờ trí óc.

Hỏi: Nghiệp là gì?

Đáp: Nghiệp hay "nghiệp-quả" là một định luật cho biết rằng mỗi một nguyên nhân đều tạo ra một hậu quả, có nghĩa là các hành động của ta đều có những hậu quả. Định luật đơn giản này đã giải thích nhiều vấn đề: sự bất công trên thế gian, tại sao có người sinh ra lại có phế tật, có người lại có nhiều tài năng, có người có đời sống rất ngắn ngủi. Nghiệp cho thấy tầm quan trọng về việc tất cả chúng ta phải chịu trách nhiệm về các hành động của chính mình, trong quá khứ và hiện tại. Làm thế nào để thử nghiệm tác động nghiệp quả của các hành động của ta? Câu trả lời được tóm tắt bằng cách hãy nhìn xem 3 điểm chính: (1) ý định đằng sau của mỗi hành động, (2) hậu quả của hành động đó vào chính mình, và (3) hậu quả của hành động đó vào những người khác.

Hỏi: Trí tuệ là gì?

Đáp: Trong Phật Giáo, Trí tuệ phải được phát triển cùng với Từ bi. Trong một cực đoan, bạn có thể là một người tốt bụng nhưng khờ dại, và trong một cực đoan khác, bạn có thể có nhiều kiến thức nhưng lại không có tình cảm. Phật Giáo dạy ta nên giữ thật sự cân bằng và trọn vẹn cả hai, phải trau giồi cả trí tuệ lẫn và từ bi. Trí tuệ cao nhất là thấy rõ ràng rằng trên thực tế, mọi hiện tượng đều không hoàn toàn, không thường còn, và không có một thực thể cố định. Trí tuệ thật sự không phải chỉ vì tin vào những gì được dạy, mà phải chứng nghiệm và thông hiểu chân lý và thực tế. Trí tuệ đòi hỏi phải có một tâm ý rộng mở, khách quan, không cố chấp. Con đường của Phật Giáo đòi hỏi phải can đảm, nhẫn nhục, mềm dẻo và thông minh.

Hỏi: Từ bi là gì?

Đáp: Từ bi bao gồm các phẩm hạnh của lòng san sẻ, sẵn sàng an ủi người khác, thiện cảm, chăm lo và ưu tư. Trong Phật Giáo, ta chỉ thật sự cảm thông người khác khi nào ta thật sự cảm thông chính mình, qua trí tuệ.

Hỏi: Tôi phải làm thế nào để trở thành một Phật tử?

Đáp: Bất cứ ai cũng có thể tìm hiểu và thực nghiệm các lời dạy của Đức Phật. Ngài dạy rằng lời giải đáp cho mọi vấn đề của chúng ta là ở bên trong chúng ta, không phải ở bên ngoài. Ngài nói với các đệ tử không được tin ngay vào lời dạy của Ngài, mà họ phải tự thử nghiệm các lời dạy đó. Như thế, mỗi người tự có quyết định và tự chịu trách nhiệm về các hành động và sự hiểu biết của mình. Điều này cho thấy Phật Giáo không phải là một tập hợp cố định các tín điều cần phải được chấp nhận trọn vẹn. Đây là những lời dạy để mỗi người tự tìm hiểu, học tập và áp dụng theo tình huống riêng của mình.

Bình Anson lược dịch,
Perth, Tây Úc, tháng 8-2004

Re: Về hạnh bố thí

Đã gửi: Chủ nhật 03/04/16 10:38
bởi Vịnh Nghi
Ngoc Han đã viết:Đức Phật dạy 7 cách bố thí không tốn một đồng nào lại giúp bạn gặp vận may cả đời

:flower:
* Không biết có phải là lời Đức Phật hay không? Vì theo điều thứ 6 hơi lạ? Chị Lan Huệ, Nắng, Vịnh Nghi cứu bồ.


Chắc là không phải đâu anh Ngọc Hân, chỉ dụ khị thôi á! :giggles:

Re: Về hạnh bố thí

Đã gửi: Chủ nhật 03/04/16 11:09
bởi Hoàng Vân
          

.. :giggles: ..