Đạo Đức Kinh

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 53          
    ÍCH CHỨNG 益 證




    Hán văn:
    • 使 我 介 然 有 知,
      行 於 大 道
      唯 施 是 畏.
      大 道 甚 遺
      而 民 好 徑.

      朝 甚 除,
      田 甚 蕪,
      倉 甚 虛.

      服 文 綵,
      帶 利 劍,
      厭 飲 食,
      財 貨 有 餘,
      是 謂 盜 夸,
      非 道 也 哉!

    Phiên âm:
    1. Sử ngã giới nhiên [1] hữu tri,
      hành ư Đại Đạo
      duy thi [2] thị úy.
      Đại Đạo thậm di [3]
      nhi dân hiếu kính.[4]
                
    2. Triều thậm trừ,[5]
      điền thậm vu,
      thương thậm hư.
                
    3. Phục văn thái,
      đới lợi kiếm,
      yếm ẩm thực,
      tài hóa hữu dư,
      thị vị đạo khoa,[6]
      phi Đạo dã tai.

    Dịch xuôi:
    1. Nếu ta có chút hiểu biết,
      ta sẽ đi theo Đại Đạo,
      và sợ hãi sự phô trương.
      Đại Đạo thì rộng rãi thanh thản
      mà con người lại thích đi những con đường nhỏ hẹp.
                
    2. Triều đình lộng lẫy,
      nhưng ruộng nương hoang phí,
      kho lẫm trống trơn.
                
    3. Ăn mặc sang trọng,
      đeo kiếm sắc,
      ăn uống chán chê,
      đó là đường lối của phường đạo tặc,
      chứ đâu phải đường lối của Đại Đạo.


    Dịch thơ:

    1. Nếu ta có chút khôn ngoan,
    Đường trời hôm sớm, lòng vàng chẳng thay.
    Im lìm chẳng dám khoe hay,
    Phô trương thanh thế nguy này ai đang ?
    Lạ thay đại đạo mênh mang,
    Mà sao nhân thế bước quàng bước xiên ?

    2. Triều đình càng rực ánh tiên,
    Ruộng màu càng xác, kho tiền càng xơ.

    3. Áo quần óng ả nhung tơ,
    Thanh gươm sắc bén nhởn nhơ bên người.
    Ăn chê uống chán chưa thôi,
    Tiền tài dư dật của đời, của ta.
    Ấy đường «đạo tặc» điêu ngoa,
    Phải đâu «đại đạo» không tà, không xiên.





    BÌNH GIẢNG



    Câu thứ nhất có thể dịch được hai cách:
    • Wieger và tôi đã dịch trống. Wieger dịch:
      • «Nếu ai có chút khôn ngoan, thì phải sống thuận theo đại Đạo và phải hết sức tránh sự phô trương. Nhưng người ta không thích con đường lớn, mà lại thích đường hẹp. Ít người chịu đi theo con đường Hi sinh, vô vị lợi, mà đa số lại chỉ thích theo những con đường hẹp hòi của khoe mẽ, của phô trương, của lợi lộc. Các vua chúa đương thời đã ăn ở như vậy.»
    • Jame Legge lại dịch theo chiều hướng chính trị như sau:
      • «Nếu bất ngờ mà tôi được tiếng tăm, và (được đặt để vào một địa vị khả dĩ) cai trị (dân nước) theo đại Đạo, tôi sẽ hết sức sợ hãi sự phô trương thanh thế.»




    Đến như câu thứ hai và thứ ba, các nhà bình giải đều cho rằng:
    • Nếu vua chúa chỉ chuyên lo phô trương thanh thế chuyên lo cho có nhà cao cửa rộng, áo sống đẹp đẽ, ăn uống xa xỉ, thì sẽ làm hại dân, hại nước, vì dân sẽ phải sưu cao thuế nặng, đi phu, đi phen, đến nỗi ruộng nương hoang phế kho lẫm trống trơn. Trị dân nước mà như vậy, thì là phường đạo tặc, chứ đâu phải là trị dân theo đúng lẽ Trời.


    Thánh vương Trung Hoa xưa trị dân chỉ lo cho dân được no ấm mà quên mình. Hết giờ thiết triều, thì về cung nội ăn ở hết sức giản dị, sơ sài, tránh hết mọi xa hoa.

    • Kinh Thư cho rằng vua chúa không được có những cung điện chạm trổ đẹp đẽ. Trong bài Ngữ tử chi ca có đoạn như sau:
      • «Kìa tổ tiên xưa ban giáo huấn,
        Nếu mà trong mê mẩn sắc hương,
        Ngoài mà mê mẩn chim muông,
        Rượu đào ngất ngưởng ca xoang vui vầy.
        Nhà cao cuốn, ham xây, ham ở,
        Vách tường ưa chạm trổ huy hoàng,
        Chẳng cần nhiều nết đa mang,
        Chỉ cần một nết đủ làm suy vong.
    • Chiến Quốc Sách chép:
      • Đời Vua Vũ có viên quan tên là Nghi Địch nấu rượu rất ngon, Nghi Địch dâng rượu lên vua. Vua Vũ uống vào rượu thấy rất ngon ngọt, phán rằng: «Đời sau ắt có vị vua vì rượu mà mất nước.» Ngài bèn xa lánh Nghi Địch và tự hậu chẳng hề uống rượu. [7]
    • Chu Công nói:
      • Văn Vương phục sức xoàng xĩnh, chỉ chăm việc canh nông và trị an. Ngài khiêm cung, nhu mì, thương yêu, bênh vực dân hèn, làm ơn cho kẻ góa bụa. Từ sớm đến trưa, từ trưa đến tối, vua không còn có thì giờ rảnh để ăn, mà mải mê lo cho muôn dân được vui hòa. Ngài không dám ham mê chơi săn. Thâu thuế các nước thì chỉ thâu cho chính đáng.
        Cho nên vua Văn chịu mệnh khi đã đứng tuổi, mà còn hưởng nước được trên 50 năm. [8]
    • Đức Khổng viết trong Luận ngữ:
      • «Vua Vũ nhà Hạ, ta chẳng chê trách được.
        Trong việc ăn uống, ngài giữ đạm bạc, nhưng trong việc cúng tế quỉ thần thì lại trọng hậu.
        Y phục ngài thường mặc thì xấu, nhưng áo mặc ngài trang sức trong dịp cúng tế thì lại rất đẹp.
        Cung thất của ngài thì nhỏ hẹp, nhưng ngòi lạch trong nước thì Ngài tận lực sửa sang...
        Vua Vũ nhà Hạ ta chẳng chê trách được.» [9]


    Tóm lại trong chương này Lão tử vẫn nương theo chủ trương Vô vi mà khuyên ta
    không nên phô trương,
    không nên vẽ chuyện,
              
    mà trái lại trong đời tư cũng như đời công,
    phải sống sao cho tự nhiên,
    cho giản dị.

              
    Như vậy mới là sống hợp lẽ Trời,
    mới là trị dân thuận theo lẽ tự nhiên.


    _______________________________________

    • [1] Giới nhiên 介 然:
      một ít.
                
    • [2] Thi 施 :
      phô trương
      (theo Wieger).
                
    • [3] Di 遺:
      rộng rãi.

      Tống Long Uyên giải di là: con đường lớn rỗng rãi bằng phẳng.
      Lưu Tư giải di là: bằng phẳng.
                
    • [4] Kính 徑:
      là đường hẹp.
                
    • [5] Trừ 除 :
      lộng lẫy, tốt đẹp.
                
    • [6] Đạo khoa 盜 夸 :
      khoe khoang sự trộm cắp (theo Wieger)
      hay sự khoe khoang của kẻ trộm cắp (theo Legge).
                
    • [7]
      Xem Léon Wieger, Textes historiques, Tome I, p. 30.
      Xem Nguyễn Văn Thọ, Khổng Học tinh hoa, tr. 91.

                
    • [8] Xem Kinh Thư, Vô dật, tiết 4, 5, 10, 11.
                
    • [9]
      Xem Luận Ngữ, Thái bá VIII tiết 21.
      Xem Nguyễn Văn Thọ, Khổng Học tinh hoa, tr. 94.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 54          
    TU QUAN 修 觀




    Hán văn:
    • 善 建 者 不 拔.
      善 抱 者 不 脫.
      子 孫 以 祭 祀 不 輟.

      修 之 於 身,
      其 德 乃 真.
      修 之 於 家,
      其 德 乃 餘.
      修 之 於 鄉,
      其 德 乃 長.
      修 之 於 國,
      其 德 乃 豐.
      修 之於 天 下,
      其 德 乃 普.

      故,
      以 身 觀 身;
      以 家 觀 家,
      以 鄉 觀 鄉;
      以 國 觀 國;
      以 天 下 觀 天 下.
      吾 何 以 知 天 下 之 然 哉?
      以 此.

    Phiên âm:
    1. Thiện kiến giả bất bạt.[1]
      Thiện bão giả bất thoát.[2]
      Tử tôn dĩ tế tự bất chuyết.[3]
                
    2. Tu chi ư thân,
      kỳ đức nãi chân.
      Tu chi ư gia,
      kỳ đức nãi dư.
      Tu chi ư hương,
      kỳ đức nãi trường.
      Tu chi ư quốc,
      kỳ đức nãi phong.
      Tu chi ư thiên hạ,
      kỳ đức nãi phổ.
                
    3. Cố,
      dĩ thân quan thân;
      dĩ gia quan gia;
      dĩ hương quan hương;
      dĩ quốc quan quốc;
      dĩ thiên hạ quan thiên hạ.
      Ngô hà dĩ tri thiên hạ chi nhiên tai ?
      Dĩ thử.

    Dịch xuôi:
    1. Người khéo trồng (xây dựng) thì không nhổ, nậy lên được.
      Người khéo ôm, thì không rút ra được.
      Con cháu tế tự không dứt.
                
    2. Nếu lấy Đạo tu thân,
      thì đức sẽ thực.
      Nếu lấy Đạo mà tu sửa gia đình,
      thì đức sẽ thừa.
      Nếu lấy Đạo mà tu sửa làng,
      đức sẽ phong thịnh.
      Nếu lấy Đạo tu sửa thiên hạ,
      đức sẽ phổ quát.
                
    3. Cho nên,
      lấy thân mà xét thân,
      lấy nhà mà xét nhà,
      lấy làng mà xét làng,
      lấy nước mà xét nước,
      lấy thiên hạ mà xét thiên hạ.
      Ta làm thế nào mà biết thiên hạ ?
      Bằng cách trên.


    Dịch thơ:

    1. Khéo xây, nậy cũng chẳng lên,
    Khéo ôm, giằng giật vẫn nguyên chẳng rời.
    Con con cháu cháu bao đời,
    Thay nhau tế tự, chẳng ngơi sự tình.
              
    2. Đạo Trời tu dưỡng nơi mình,
    Đức Trời sẽ chứng, tinh thành chẳng sai.
    Gia đình tu Đạo hôm mai,
    Đức Trời âu sẽ láng lai tràn trề,
    Đạo Trời giãi sáng làng quê,
    Đức Trời âu cũng thêm bề quang hoa.
    Đạo Trời rạng chiếu quốc gia,
    Đức Trời lai láng tuôn ra vô ngần.
    Đạo Trời soi khắp gian trần,
    Đức Trời âu sẽ muôn phần mênh mang.
              
    3. Cho nên muốn biết tuổi vàng,
    Xem người, ta lấy mình làm la kinh.
    Xem nhà, ta xét gia đình,
    Xem làng, ta lấy quê mình xét xem.
    Nước ta, ta sánh nước bên,
    Ta đem thiên hạ, đọ xem chuyện đời.
    Nhờ so, nhờ sánh không thôi,
    Truyện đời ta biết, việc đời ta hay.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử dạy chúng ta:
    • 1. Phải xây dựng, giữ gìn, chắt chiu những gì vĩnh cửu.
      2. Cố gắng thực thi Đạo Trời nơi gian trần này.
      3. Làm sao biết Đạo Trời đã được thực thi hay chưa.


    Chúng ta sẽ lần lượt bình giải từng điểm.



    1. Phải xây dựng, giữ gìn, chắt chiu những gì vĩnh cửu

    • Cái gì vĩnh cửu ở cái thế giới biến thiên này?
      • Đó là Đạo
        (Bản thể của vũ trụ, căn nguyên của vũ trụ và của con người, chân tính con người).
      • Đó là Đức,
        là những qui luật thiên nhiên gắn liền vào vạn vật quần sinh.

      Đạo là cái gì bất biến,
      còn bất kỳ hình tướng gì cũng biến thiên.

      Đức mà đây tôi giải là những qui luật tự nhiên,
      là cái gì vĩnh cửu phổ quát.
      Đó chính là Thiên Ý. Gọi là Thiên Ý vì nó phổ quát vĩnh cửu bất biến.

      • Trang tử cũng nói:
        • «Vô vi vi chi vị Thiên,
          vô vi ngôn chi, chi vị Đức.»[4]

        Cho nên một con người học đạo phải hiểu lẽ biến, hằng, mới mong đắc đạo được.
        • Nơi con người thì tâm tư, ý thức, hành động, khởi cư cử chỉ tất cả đều biến.
          Duy chỉ có thần con người là bất biến.
        Cho nên công trình cao siêu vĩ đại nhất mà con người có thể làm được ở gian trần này là:
        • - Kiến Đạo 建 道
          (Xây dựng trên nền Đạo)
        • - Bão Đức 抱 德
          (Ôm ấp Đức, ôm ấp, tuân theo định luật thiên nhiên).

        Đạo, vì là Thần, nên tiềm ẩn trong lòng sâu tâm hồn con người;
        cho nên, hồi quang quán chiếu, quay về lòng mình để «Dữ Đạo hợp chân», là điều trọng đại nhất.
                  
      • Trang tử nói:
        • «Người xưa có lưỡi kiếm Can Việt, cất nó kỹ lưỡng trong vỏ, không dám dùng, vì nó rất quí báu.
          Thế mà lạ thay con người không chịu giữ gìn thần mình, một cái gì đó còn quí giá hơn lưỡi kiếm Can Việt rất nhiều.
          Cho nên cái Đạo cao siêu nhất (Thuần tế chi Đạo) là
          • giữ vẹn lấy Thần, giữ Thần không để mất.
            Hợp với Thần làm một.
            Hợp với Thần rồi lại thông hiểu thiên luân.

          Cho nên tục ngữ rằng:
          • ‘Chúng nhân trọng lợi,
            liêm sĩ trọng danh,
            hiền sĩ trọng chí,
            thánh nhân quí tinh hoa. ’

          Cho nên «tố» là cái gì tinh toàn, không pha trộn bác tạp,
          «thuần» là giữ cho thần nguyên vẹn.
          Giữ được thuần tố, đó là Chân nhân.» [5]

        Trang tử cũng còn nói:
        • «Con người đạo cao đức cả ở nơi bản nguyên, mà trí như thần.
          Thực hiện đức, thông hiểu Đạo, chẳng phải là người đạo cao đức cả hay sao.
          Cho nên những người đạo cao đức cả thấy nơi mờ tối, nghe thấy thầm lặng.
          • Mờ tối mà một mình mình thấy sáng láng,
            thầm lặng mà một mình mình nghe thấy hòa âm,
          cho nên
          • hết sức là sâu sắc, thấu hiểu vạn vật,
            hết sức là thần diệu, liễu đạt được tinh hoa.
            Đối với vạn vật, không làm gì mà vẫn thỏa mãn được ước muốn của chúng.
            Ảnh hưởng của người bao quát không gian thời gian.» [6]
      • Chúa Jésus cũng dạy:
        • «Phải tìm cho ra thiên ý, thiên mệnh mà theo.
          Như vậy mới là xây nhà trên đá.»

        Ngài dạy:
        • «Không phải nói với ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào nước Trời,
          nhưng mà phải thực thi thánh ý cha ta, đấng ở trên Trời...
          Cho nên kẻ nào nghe và thực thi những lời ta vừa nói, thì có thể ví như một người khôn ngoan xây nhà trên đá. Dẫu mưa tuôn, thác đổ, gió gào, nhà đó vẫn nguyên, chẳng đổ vì đã được xây trên đá...»
          (Mat. 7, 21-27)

        Đọc câu thánh kinh này, tôi vẫn tâm niệm rằng thiên ý ấy chính là định luật tự nhiên.
        Rồi ngài lại dạy:
        • «Anh em đừng súc tích của cải ở trên đất, nơi đó mối mọt, sâu bọ, có thể ăn, trộm đạo có thể đào khoét và lấy mất.
          Nhưng hãy súc tích của cải ở trên Trời, nơi đó mối mọt sâu bọ không thể ăn, trộm đạo không thể đào khoét và lấy mất.
          Vì kho tàng người ở đâu, thì tâm tư người ở đấy.»
          (Mat. 6, 19-21)

        Theo tôi, câu này nên hiểu là:
        • Ngoại cảnh là khinh, tâm linh mới trọng.
        • Súc tích tiền tài danh vọng có hình tướng, tức là súc tích những thứ dễ hủy hoại.
          Súc tích đạo đức, tâm thần mới là súc tích những thứ bất hủ.

        Khi ta chú ý về tâm linh, thì lòng ta trú nơi tâm linh,
        khi ta lo về ngoại cảnh, thì lòng ta trú nơi ngoại cảnh.
                  
      • Phật cũng dạy
        • phải tìm cái bất sinh bất tử, bất hủy bất hoại,
          thay vì chạy theo những cái vô định, vô thường.

        Phật phân biệt trong con người hai thứ căn bản:
        1. Căn bản tử sinh từ muôn kiếp tức là tâm vọng tưởng.
        2. Căn bản vô thủy, bồ đề Niết Bàn, tức là Chân tâm, là Nguyên thường trường cửu. [7]

        Bỏ cái nguyên thường trường cửu mà theo cái vô thường, biến dịch,
        thấy vọng tâm mà lầm là chân tính của mình,
        • thì làm sao thoát luân hồi? [8]

                  
      • Dịch kinh cũng dạy:
        • «Hiền nhân thông lý Trung Hoàng,
          Tìm nơi chính vị mà an thân mình.» [9]




      Thứ đến phải tìm cho ra những định luật vĩnh cửu của trời đất mà theo;
      định luật của trời đất không chép riêng trong thánh kinh của một đạo giáo nào,
      mà đã viết ngay trong lòng mọi người, trong lòng vũ trụ vạn vật.

      Con người mò mẫm dần dà mãi mới đọc ra được, vì đó là một «quyển thiên thư không chữ, không lời», chỉ có toàn ký hiệu, toàn hình ảnh.

      Nhân loại dần dà sẽ rũ bỏ những «lề luật nhân tạo, chân lý nhân tạo» mà tìm ra những lề luật thiên nhiên, những chân lý thiên nhiên.
      • Trang tử cho rằng:
        • «Con người giác ngộ
          • sẽ phát huệ, sẽ rũ bỏ hết những gì nhân tạo,
            chỉ còn thuần những gì thiên tạo.

          Ai mà đạt tới mức độ đó mới được gọi là
          • dân Trời (Thiên dân),
            con Trời (Thiên tử).» [10]

                  
      • Thân thoại Ấn Độ về thần Vishnu viết:
        • «Ta là Chân Nhất và là chốn dựa nương siêu việt.
          Từ ta đã xuất sinh mọi sự từ trước tới nay và từ nay về sau.
          Tất cả những gì người thấy được, nghe được, biết được trong hoàn võ, đều có ta ngự bên trong.
          Hết chu kỳ này sang chu kỳ khác, ta dùng bản thể ta mà sinh ra vũ trụ tinh cầu quần sinh quần vật.
          Hãy suy ngẫm điều ấy trong tâm tư ngươi,
          hãy tuân phục định luật của trật tự vĩnh cửu ta,
          và hãy bước trong thân xác ta mà đi cùng vũ trụ.» [11]




    2. Cố gắng thực thi đạo Trời nơi gian trần này

      • Cố vươn lên cho tới tinh hoa nhân loại,
      • làm cho đạo tâm trở nên xán lạn,
      • đạo đức trở nên tinh toàn
      tức là thực hiện đạo trời,
      xây dựng nước trời nơi gian trần này,
      sẽ làm cho ánh sáng đạo đức hạnh phúc chiếu rõi khắp nơi,
      từ mình, ra đến nhà, ra đến làng ra đến nước, ra đến thiên hạ.




    3. Làm sao biết đạo Trời đã được thực thi hay chưa

    • Bao lâu nhân loại còn bị tù túng trong vòng nhân vi, nhân tạo,
      thì bấy lâu con người còn bị khổ sở.
      • Trang tử nói:
        • «Hễ vi phạm định luật thiên nhiên,
          con người sẽ khổ sở.» [12]

      Cho nên
      • nếu thâm tâm ta còn khổ
        tức là ta chưa đi đúng đường lối của trời đất.
      • Nếu người còn khổ,
        tức là người chưa đi đúng định luật của trời đất.
      • Nếu gia đình, quốc gia, xã hội thiên hạ còn khổ, còn loạn,
        tức là nhân loại còn đầy mê lầm, đày dở dang chếch mác, chưa theo đúng được định luật của trời đất.

      Đạo giáo phải bắt tay với khoa học,
      các dân tộc phải bắt tay nhau để tìm ra định luật của trời đất,
      phải sùng thượng đạo đức một cách tự nhiên, hợp lý,
      nhân loại mới có cơ hạnh phúc lâu dài.

      Đó là những ý niệm mà chương 54 này gợi ra cho chúng ta.

              
    _______________________________________

    • [1] Bạt 拔:
      nhổ.
                
    • [2] Thoát 脫:
      sút ra.
                
    • [3] Chuyết 啜:
      dứt, ngừng.
                
    • [4] Les Pères du Système Taoïste, Tchoang-Tzeu, chap. 12, B, p. 294-295.
                
    • [5]
      Phù Hữu Can Việt chi kiếm giả,
      hiệp nhi tàng chi,
      bất cảm dụng dã.
      Bảo chi chí dã...
      Thuần tố chi đạo,
      duy thần thị thủ,
      thủ nhi vật thất,
      dữ thần vi nhất.
      Nhất nhi tinh thông
      hợp vu thiên luân.
      Dã ngữ hữu chi viết:
      Chúng nhân trọng lợi;
      liêm sĩ trọng danh;
      hiền sĩ thượng chí;
      thánh nhân quí Tinh.
      Cố
      tố dã giả
      vị kỳ vô sở dữ tạp dã.
      Thuần dã giả,
      vị kỳ bất khuy kỳ Thần dã.
      Năng thể thuần tố
      vị chi chân nhân.
      夫 有 干 越 之 劍 者,
      柙 而 藏 之,
      不 敢 用 也.
      寶 之 至 也...
      純素 之 道,
      唯 神 是 守,
      守 而 勿 失,
      與 神 為 一.
      一 而 精 通
      合 于 千 倫.
      野 語 有 之 曰:
      眾 人 重 利;
      廉士 重 名;
      賢 士 尚 志;
      聖 人 貴 精.

      素 也 者
      謂 其 無 所 與 雜 也.
      純 也 者,
      謂 其 不 虧 其 神 也.
      能 體 純 素
      謂 之 真人.
      Nam Hoa kinh, chương 15, Khắc ý, B.
                
    • [6]
      Phù vương đức chi nhân...
      lập hề bản nguyên,
      nhi tri thông ư thần.
      Lập đức minh đạo,
      phi vương đức giả da? ...
      Thử vị vương đức chi nhân
      thị hồ minh minh,
      thính hồ vô thanh.
      Minh minh chi trung độc kiến hiểu yên.
      Vô thanh chi trung độc văn hòa yên.
      Cố
      thâm chi hựu thâm nhi năng vật yên,
      thần chi hựu thần nhi năng tinh yên.
      Cố
      kỳ dữ vạn vật tiếp dã.
      Chí vô nhi cung kỳ cầu,
      thời sính nhi yếu kỳ túc,
      đại tiểu trường đoản, tu viễn.
      夫 王 德 之 人...
      立 乎 本 原,
      而 知 通 於 神.
      立 德 明 道,
      非 王 德 者 邪...
      此 謂 王 德 之 人
      視 乎 冥 冥,
      聽 乎 無 聲.
      冥 冥 之 中 獨 見 曉 焉.
      無 聲 之 中 獨 聞 和 焉.

      深 之 又 深 而 能 物 焉,
      神 之 又 神 而 能 精 焉.

      其 與 萬 物 接 也.
      至 無 而 供 其 求,
      時 騁 而 要 其 宿,
      大 小 長 短, 修 遠.
      Trang tử, Nam Hoa kinh, chương 12, Thiên địa, đoạn C.
                
    • [7] Xem Thủ Lăng Nghiêm, quyển 1, Việt Nam Phật tử hội xuất bản, tr. 22-23.
                
    • [8]
      Thất nhữ nguyên thường, cố thụ luân chuyển.
      失 汝 元 常, 故 受 輪 轉.
      Thủ Lăng Nghiêm, Việt Nam Phật tử hội xuất bản, quyển 1, tr. 85.
                
    • [9]
      Dịch kinh, quẻ Khôn, Văn ngôn:
      • Quân tử Hoàng Trung Thông lý chính vị cư thể
        君 子 黃 中 通 理 正 位 居 體.
    • [10]
      Vũ Thái định giả
      phát hồ thiên quang.
      Phát hồ thiên quang
      giả nhân kiến kỳ nhân.
      Nhân hữu tu giả,
      nãi kim hữu hằng.
      Hữu hằng giả nhân xả chi,
      thiên trợ chi nhân chi sở xả,
      vị chi thiên dân;
      thiên chi sở trợ,
      vị chi thiên tử.
      宇 泰 定 者
      發 乎 天 光.
      發 乎 天 光
      者 人 見 其 人.
      人 有 修 者,
      乃 今 有 恆.
      有 恆者 人 舍 之,
      天 助 之 人 之 所 舍
      謂 之 天 民;
      天 之 所 助,
      謂 之 天 子.
      Trang tử Nam Hoa kinh, chương 23, Canh tang Sở, B.
                
    • [11]
      «Je suis
      • l’Être Primeval
        et le Refuge suprême.

      De moi est issu tout ce qui
      • a été,
        est
        ou sera.

      Tout ce que tu peux
      • voir,
        entendre,
        connaitre
      dans l’ensemble de l’univers, sache que c’est moi qui y réside.
      Cycle après cycle, je produis de mon essence les sphères et les créatures du cosmos.
      Considère cela dans ton cœur,
      obéis aux lois de mon ordre éternel
      et marche heureux dans mon corps à travers l’univers.»

      H. Zimmer, Mythes et Symboles dans l’art et la civilisation de l’ Inde, Payot Paris, p. 52.
                
    • [12]
      Que le long reste long, et le court, court.
      Gardez vous de vouloir allonger les pattes du canard, ou raccourcir celle de la grue. Essayer de le faire leur causerait de
      la souffrance, ce qui est la note caractéristique de tout ce qui est contre nature,
      tandis que le plaisir est la marque du naturel.

      ― Léon Wieger, Les Pères du Système Taoïste, p. 269.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 55          
    HUYỀN PHÙ 玄 符




    Hán văn:
    • 含 德 之 厚,
      比 於 赤 子.
      毒 虫 不 螫,
      猛 獸 不 據,
      攫 鳥不 搏.

      骨 弱 筋 柔 而 握 固.
      未 知 牝 牡 之 合而 全 作.
      精 之 至 也.
      終 日 號 而 不 嗄.

      和 之 至 也.
      知 和 曰 常.
      知 常 曰 明.
      益 生 曰 不 祥.
      心使 氣 曰 強.

      物 壯 則 老,
      謂 之 不 道,
      不 道 早 已.

    Phiên âm:
    1. Hàm đức chi hậu,
      tỷ ư xích tử.
      Độc trùng bất thích,[1]
      mãnh thú bất cứ [2]
      cược [3] điểu bất bác.[4]
                
    2. Cốt nhược cân nhu nhi ốc[5] cố.
      Vị tri tẫn mẫu chi hợp nhi toàn tác.
      Tinh chi chí dã.
      Chung nhật hào nhi bất sá.[6]
                
    3. Hòa chi chí dã.
      Tri hòa viết thường.
      Tri thường viết minh.
      Ích sinh viết bất tường.
      Tâm sử khí viết cường.
                
    4. Vật tráng tắc lão,
      vị chi bất Đạo,
      bất Đạo tảo dĩ.

    Dịch xuôi:
    1. Kẻ nào đức dày,
      giống như con đỏ.
      Độc trùng không cắn,
      thú dữ không ăn,
      chim ưng chẳng bắt.
                
    2. Xương yếu gân mềm mà tay nắm chặt.
      Chưa biết giao hoan, tinh khí vẹn tuyền.
      Suốt ngày la khóc, mà chẳng khản tiếng.
                
    3. Hòa hợp hoàn toàn.
      Biết hòa hợp mới trường cửu,
      biết trường cửu mới sáng suốt.
      Quá ham sống thì hại,
      tâm sai khiến khí, thì mạnh.
                
    4. Vật lớn thời già,
      thế là trái Đạo,
      trái Đạo chết sống.


    Dịch thơ:

    1. Chân nhân sống tựa anh hài,
    Nọc trùng tuy độc chẳng tài nào châm.
    Hùm beo kiêng chẳng dám ăn,
    Đại bàng cũng chẳng dám săn làm mồi.

    2. Gân mềm xương yếu đành rồi,
    Mà sao nắm chặt khó rời khó buông.
    Bướm hoa chưa tỏ lối đường,
    Tinh ròng chưa chút vấn vương bấy chầy.
    Tuy rằng gào khóc suốt ngày,
    Nhưng mà cung giọng chẳng thay chẳng khàn.

    3. Trung hòa đáo để nhân gian,
    Trung hòa thông tỏ lối đường trường sinh.
    Biết trường sinh mới thông minh,
    Miệt mài cuộc sống hại mình xiết bao.
    Tâm làm cho khí tổn hao,
    Đời cho là mạnh (nhưng nào có hay).

    4. Càng hăng, càng chóng hao gầy,
    Cái già xồng xộc tới ngay bên mình.
    Thế là nghịch Đạo cao minh,
    Sống sai Đạo cả phù sinh trôi vèo.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Hà Thượng Công gọi là «Huyền Phù».
    Đại ý rằng người tu đạo như thể có mang một đạo linh phù trong người, không có gì làm hại mình được.

    Nơi chương 50 Đạo Đức kinh chúng ta đã thấy những ý kiến tương tự như vậy.

    • Trước đây chúng ta đã giải rằng
      • Chân nhân vì có chân thần, nên không có gì hủy hoại được,
        vì thần thì bất tử bất diệt.

                
    • Liệt tử cũng nói rằng:
      • «Thánh nhân tàng ẩn trong lòng Trời, cho nên vật không thể làm hại được.» [7]

                
    • Phúc Âm thánh Marc cũng thấy viết:
      • «Kẻ nào tin và chịu phép rửa tội sẽ được cứu rỗi; ai không tin, sẽ bị đoán phạt.
        Và đây là những phép lạ tháp tùng những kẻ sẽ tin:
        • Nhân danh ta, họ sẽ trừ được ma quỉ,
          sẽ nói được nhiều thứ tiếng.
          Họ cầm được rắn trong tay,
          và nếu họ uống phải độc dược họ cũng chẳng sao.
          Họ đặt tay lên người bệnh, thì những người bệnh sẽ khỏi.»

        (Marc 16, 16-19)



    Thực ra, cái đạo linh phù giúp cho chúng ta tránh được mọi họa hại chính là:

    1. Trong thì giữ vẹn được Thần khí
      (Tinh chi khí dã)
                
    2. Ngoài thì hòa hợp được với tha nhân, quần sinh, vũ trụ
      (Hòa chi khí dã)

    Đạt được thần, đắc Trung, đắc Đạo, thế là vẹn được gốc.
    Hòa hợp với vạn hữu, thế là vẹn được ngọn.

    Con đường trường sinh, thủ thân, bảo mệnh,
    không ngoài hai chữ Tinh Thần,
    ngoài hai chữ Trung Hòa.

    Nhược bằng sống lao đao, lận đận
    dồn hết cả tâm thần, khí lực ra các tầng lớp phù phiếm bên ngoài
    như vậy là đi ngược đường lối của trời đất, sẽ bị tổn sinh, đoản mệnh,
    và sẽ thấy cái già, cái chết xồng xộc kéo đến hết sức là mau lẹ!


              
    _______________________________________

    • [1] Thích 螫:
      cắn.
                
    • [2] Cứ 據:
      ăn.
                
    • [3] Cược 攫 (quặc):
      ác điểu, chim ăn thịt, bắt mồi.
                
    • [4] Bác 搏 :
      đánh, chộp.
                
    • [5] Ốc 握 (ác):
      nắm tay.
                
    • [6] Sá 嗄:
      khan tiếng.
                
    • [7]
      Thánh nhân tàng ư thiên
      cố
      vật mạc chi năng thương dã.
      聖 人 藏 於 天

      物 莫 之 能 傷 .
      Liệt tử Xung Hư Chân Kinh, Hoàng đế 黃 帝, chương hai, đoạn D.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 56          
    HUYỀN ĐỨC 玄 德




    Hán văn:
    • 知 者 不 言.
      言 者 不 知.

      塞 其 兌,
      閉 其 門,
      挫 其 銳,
      解 其 紛,
      和 其 光,
      同 其 塵.
      是 謂 玄 同.


      不 可 得 而 親,
      亦 不 可 得 而 疏;
      不 可 得 而 利,
      亦 不 可 得 而 害;
      不 可 得 而 貴,
      亦 不 可 得 而 賤.
      故 為 天 下 貴.

    Phiên âm:
    1. Tri giả bất ngôn.
      Ngôn giả bất tri.
                
    2. Tắc [1] kỳ đoài,[2]
      bế kỳ môn,
      tỏa [3] kỳ nhuệ,[4]
      giải [5] kỳ phân,[6]
      hòa kỳ quang,
      đồng kỳ trần.
      Thị vị huyền đồng.[7]
                
    3. Cố
      bất khả đắc nhi thân,
      diệc bất khả đắc nhi sơ;
      bất khả đắc nhi lợi,
      diệc bất khả đắc nhi hại;
      bất khả đắc nhi quí,
      diệc bất khả đắc nhi tiện.
      Cố vi thiên hạ quí.

    Dịch xuôi:
    1. Người biết thì không nói,
      người nói không biết.
                
    2. Ngậm miệng,
      bít tai,
      làm nhụt sự bén nhọn,
      tháo gỡ sự tần phiền,
      giảm ánh sáng,
      hòa mình cùng bụi bặm,
      thế gọi là huyền đồng.
                
    3. Cho nên
      thân cũng không được,
      sơ cũng không được,
      lợi cũng không được,
      hại cũng không được,
      quí cũng không được,
      tiện cũng không được.
      Vì thế nên quí nhất thiên hạ.


    Dịch thơ:

    1. Biết thời sẻn tiếng, sẻn lời,
    Những người không biết thường thời huênh hoang.

    2. Âm thầm đóng khóa ngũ quan,
    Mà che sắc sảo, mà san tần phiền.
    Hòa mình trong đám dân đen,
    Cho mờ ánh sáng, cho nhem phong trần.
    Ấy là đạo cả huyền đồng.

    3. Ai mà vẹn đạo huyền đồng,
    Tâm hồn son sắt khó lòng chuyển lay.
    Thân sơ cũng chẳng đổi thay,
    Hay hèn, lợi hại mảy may chẳng màng.
    Cho nên quí nhất trần gian.





    BÌNH GIẢNG



    1. Bậc chân nhân
    sống huyền hóa với trời đất muôn vật

    • Vì đã kết hợp với đạo thể, nên không cần phô trương, khoe mẽ.
      Chỉ những người dốt nát, thiển cận mới huênh hoang rườm lời.




    2. Bậc chân nhân
    sống ung dung tiêu sái, không để cho ngoại cảnh hình hài chi phối,
    không phô trương không lập dị, sống huyền hóa với đất trời.

    • Chủ trương này đã được Nội kinh lấy làm thuật dưỡng sinh và tu đạo.
      Nội kinh chủ trương:
      • «Sống điềm đạm, thanh tĩnh, chân khí sẽ vẹn toàn.
        (Tinh thần mà giữ cho được nguyên vẹn, thì làm sao mà có bệnh tật được.)
        Cho nên tâm chí thảnh thơi, ít dục vọng, ít lo âu, xác thân vận động nhưng không mệt mỏi.
        Vì ít tham cầu nên ước gì được nấy, muốn gì được nấy.
        Ăn uống thế nào cũng ngon, phục sức thế nào cũng được, sống sao cũng vui.
        Sống vô tư vô cầu cho nên gọi là thuần phác.
        Cho nên thị dục không làm cho mỏi mắt, dâm tà không huyễn hoặc được tâm tư.» [8]

      Khải Huyền tử bình rằng:
      • «Tâm đã hợp với Huyền
        nên dâm tà không làm mê hoặc được.»
        心 與 玄 同
        故 淫 邪不 能 惑
        (Tâm dữ huyền đồng,
        cố dâm tà bất năng hoặc.)


      Như vậy, Huyền đồng 玄 同 có thể hiểu theo hai cách:
      • a) Sống huyền hóa với Trời với Đạo.
        b) Sống hòa mình cùng vạn hữu.




    3. Các bậc chân nhân
    không bị cảm tình chi phối, lợi hại chi phối, quí tiện chi phối.

    • Như vậy là các ngài đã thoát vòng phù sinh tương đối.

      Luận ngữ cũng có chủ trương tương tự khi nói rằng:
      • «Tử tuyệt tứ:
        Vô ý, vô tất, vô cố, vô ngã.»
        子 絕 四 :
        毋 意,毋 必,毋 固,毋 我
        (Khổng tử đã tuyệt được bốn điều:
        Ngài không có tình ý riêng tư, không bị ngoại vật chi phối, thúc đẩy, không cố chấp, không còn có cái mình nhỏ nhoi.) [9]

      Sống thoát vòng ái ố, lợi danh như vậy là sống siêu phàm thoát tục.



              
    _______________________________________

    • [1] Tắc 塞:
      lấp, đóng.
                
    • [2] Đoài 兌:
      miệng.
                
    • [3] Tỏa 挫:
      làm cho nhụt.
                
    • [4] Nhuệ 銳:
      sự bén nhọn.
                
    • [5] Giải 解:
      tháo gỡ.
                
    • [6] Phân 紛 :
      sự rắc rối.
                
    • [7] Huyền đồng 玄 同 :
      (1) Sống huyền hóa với Trời với Đạo;
      (2) Sống huyền hóa với vạn hữu.
                
    • [8]
      «Điềm đạm hư vô. Chân khí tòng chi.
      Tinh thần nội thủ. Bệnh an tòng lai.
      Thị dĩ
      chí nhàn nhi thiểu dục.
      Tâm an nhi bất cụ.
      Hình lao nhi bất quyện.
      Khí tòng dĩ thuận,
      các tòng kỳ dục giai đắc sở nguyện.
      Cố
      mỹ kỳ thực, nhiệm kỳ phục, lạc kỳ tục khứ.
      Cao hạ bất tương mộ kỳ dân cố viết phác.
      Thị dĩ
      thị dục bất năng lao kỳ mục,
      dâm tà bất năng hoặc kỳ tâm.»
      恬 淡 虛 無 真 氣 從 之
      精 神 內 守 病 安 從 來
      是 以
      志 閑 而 少 欲
      心 安 而 不 懼 .
      形 勞 而 不 倦
      氣 從 以 順,
      各 從 其 欲 皆 得 所 願

      美 其 食,任 其 服 樂 其 俗 去 .
      高 下 不 相 慕 其 民 故 曰 朴
      是 以
      嗜 欲 不 能 勞 其 目,
      淫 邪 不 能 惑 其 心
      (Hoàng đế Nội kinh 黃 帝 內 經 Thượng cổ thiên chân luận 上 古 天 真 論)
      Xem Hoàng đế Nội kinh, Thượng hải Cầm Chương đồ thư cục ấn hành, q. 1, tr. 1b.

                
      [9] Luận Ngữ, Tử Hãn.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 57          
    THUẦN PHONG 淳 風




    Hán văn:
    • 以 正 治 國.
      以 奇 用 兵.
      以 無 事 取 天 下.

      吾 何 以 知 其 然 哉?
      以 此:
      天 下 多 忌 諱 而 民 彌 貧.
      民 多 利 器, 國 家 滋 昏.
      人 多 伎 巧, 奇 物 滋 起.
      法 令 滋 彰, 盜 賊 多 有.

      故 聖 人 云:
      我 無 為 而 民 自 化.
      我 好 靜 而 民 自 正.
      我 無 事 而 民 自 富.
      我 無 欲 而 民 自 朴.

    Phiên âm:
    1. Dĩ chính [1] trị quốc.
      Dĩ kỳ [2] dụng binh.
      Dĩ vô sự thủ thiên hạ.
                
    2. Ngô hà dĩ tri kỳ nhiên tai?
      Dĩ thử:
      Thiên hạ đa kỵ húy [3] nhi dân di bần.
      Dân đa lợi khí, quốc gia tư hôn.
      Nhân đa kỹ xảo, kỳ vật tư khởi.
      Pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu.
                
      Cố thánh nhân vân:
      Ngã vô vi nhi dân tự hóa.
      Ngã hiếu tĩnh nhi dân tự chính.
      Ngã vô sự nhi dân tự phú.
      Ngã vô dục nhi dân tự phác.

    Dịch xuôi:
    1. Lấy ngay thẳng trị nước;
      lấy mưu mô dùng binh;
      lấy vô sự được thiên hạ.
                
    2. Ta làm sao biết được như vậy?
      Nhờ thế này:
      Thiên hạ càng nhiều kỵ húy, thì dân càng nghèo.
      Dân càng lắm lợi khí, thì quốc gia càng tối tăm.
      Dân càng tài khéo, vật lạ càng nẩy sinh,
      pháp lệnh càng rõ rệt, trộm cướp càng sinh ra nhiều.
                
    3. Vì thế nên thánh nhân mới dạy:
      Ta vô vi mà dân tự hóa.
      Ta ưa tĩnh mà dân tự chính.
      Ta không dở dói mà dân giàu.
      Ta không có dục vọng mà dân tự động trở nên chất phác.


    Dịch thơ:

    1. Đem ngay chính trị dân trị nước,
    Đem mưu mô phương lược dùng binh.
    Dùng vô sự giữ dân mình,
              
    2. Làm sao ta biết sự tình trước sau ?
    Đây ta xin tỏ gót đầu,
    Càng điều cấm kỵ, càng sầu dân con.
    Dân càng xảo trá đa đoan,
    Nước càng tăm tối bàng hoàng hôm mai.
    Càng sinh ra lắm người tài,
    Của khan vật lạ vãng lai càng nhiều,
    Vẽ vời luật pháp bao nhiêu,
    Càng điều trộm cướp, càng điều nhiễu nhương.
              
    3. Nên hiền thánh xưa thường hay nói:
    Ta «vô vi» vẫn đổi dân tình.
    Êm đềm dân vẫn sửa mình,
    Ta đây vô sự, dân sinh vẫn giàu.
    Ít mơ ước chẳng cầu chẳng cạnh,
    Mà dân con tâm tính hóa hay.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này lại nói lên ích lợi của vô vi trong khi trị dân trị nước.

    • Các quốc gia ngày nay đua nhau đi vào con đường tổ chức, kỹ thuật. Nhưng càng tăng tiến về tổ chức bao nhiêu, thì cuộc sống càng trở nên nặng nề, phức tạp, giả tạo bấy nhiêu.

      Càng lắm pháp luật, càng lắm phiền toái, càng lắm trộm cắp. Cho nên người trên càng vẽ vời, càng vẽ chuyện bao nhiêu thì dân lại càng khổ bấy nhiêu.

      Không xoay xở, dân sẽ bớt sưu, bớt thuế, sẽ yên tâm làm lụng, vì thế nên dân sẽ giàu. Đừng bày vẽ ra lắm luật lệ, thì dân càng sống hồn nhiên thuần phác.

    Như vậy ta biết rằng,
    nhà cầm quyền mà thương dân nhất,
    chính là không «quấy dân».

    Cái văn minh vật chất ngày nay, cái guồng máy hành chánh ngày nay,
    càng tinh vi bao nhiêu
    thì lại càng làm cho con người trở thành máy móc bấy nhiêu.
    Đó chính là một điều mâu thuẫn nhất của thời đại chúng ta vậy.



              
    _______________________________________

    • [1] Chính 正 :
      ngay thẳng.
                
    • [2] Kỳ 奇:
      trá ngụy, cơ mưu.
                
    • [3] Kỵ húy 忌 諱:
      • (1) kiêng kỵ;
        (2) pháp lệnh cấm đoán.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 58          
    THUẬN HÓA 順 化




    Hán văn:
    • 其 政 悶 悶,
      其 民 淳 淳.
      其 政 察 察,
      其 民 缺 缺.

      禍 兮 福 之 所 倚,
      福 兮 禍 之 所 伏.
      孰 知 其 極.
      其 無 正.
      正 復 為 奇,
      善 復 為 妖.
      人 之 迷, 其 日 固 久.

      是 以 聖 人
      方 而 不 割,
      廉 而 不 劌,
      直 而 不 肆,
      光 而 不 耀.

    Phiên âm:
    1. Kỳ chính muộn muộn,
      kỳ dân thuần thuần.
      Kỳ chính sát sát,
      kỳ dân khuyết khuyết.
                
    2. Họa hề phúc chi sở ỷ.
      Phúc hề họa chi sở phục.
      Thục tri kỳ cực.
      Kỳ vô chính. [1]
      Chính phục vi kỳ,[2]
      thiện phục vi yêu. [3]
      Nhân chi mê, kỳ nhật cố cửu.
                
    3. Thị dĩ thánh nhân,
      phương nhi bất cát [4]
      liêm nhi bất quế,[5]
      trực nhi bất tứ [6]
      quang nhi bất diệu.

    Dịch xuôi:
    1. Chính lệnh mơ hồ,
      dân con thư thái,
      chính lệnh soi mói,
      dân con lo âu.
                
    2. Họa là nơi phúc tựa,
      phúc là nơi họa nấp.
      Trên mà không ngay thẳng
      thì người ngay sẽ thành nguy,
      người thiện trở thành tà.
      Con người u mê đã từ lâu.
                
    3. Cho nên thánh nhân
      ngay chính nhưng không làm cho người tổn thương;
      liêm minh nhưng không làm mất lòng người,
      ngay thẳng nhưng không nghiệt ngã với người,
      sáng láng nhưng không làm cho ai chói lòa.


    Dịch thơ:

    1. Nếu mà chính lệnh khoan hòa,
    Dân gian thư thái âu ca thanh bình.
    Nếu mà chính lệnh nghiêm minh,
    Dân gian những sống giật mình lo thân.
              
    2. Ở đời họa phúc xoay vần,
    Cùng đoan, cực điểm dễ lần ra sao ?
    Người trên phóng túng tầm phào,
    Dân gian theo thói lẽ nào chẳng hư.
    Người hay cũng mất lòng từ,
    Người lành rồi cũng ra như gian tà.
    Người lầm tự thủa xưa xa,
    Người mê, mê tự bao giờ ai hay !
              
    3. Cho nên hiền thánh xưa nay,
    Tuy mình vuông vắn, chẳng xoay xở người.
    Tuy mình liêm khiết hơn đời,
    Mà nào có nỡ làm ai mếch lòng.
    Tuy mình ngay thẳng trắng trong,
    Mà nào cay nghiệt nghênh ngông với người.
    Tuy mình rự rỡ sáng ngời,
    Mà nào có nỡ làm ai chói lòa.





    BÌNH GIẢNG



    1. Chương này Lão tử chủ trương rằng
    nhà cầm quyền không nên quá soi mói đối với dân.

    • Chủ trương này chính là chủ trương của Dịch kinh.
      Nơi Đại Tượng chuyện, quẻ Minh Di 明 夷, Dịch kinh dạy rằng:
      • «Sáng vào lòng đất Minh Di,
        Nên người quân tử cũng y tượng Trời.
        Xuề xòa đối đãi với người,
        Bề trong sáng suốt bề ngoài giả lơ.»
        (Minh nhập địa trung Minh Di.
        Quân tử dĩ lị chúng,
        dụng hối nhi minh.
        明 入 地 中 明 夷
        君 子 以 蒞 眾,
        用 晦 而 明).

      Như vậy khi người quân tử đến với dân, không nên quá soi mói. Tuy bề trong mình sáng láng, nhưng bề ngoài nhiều khi phải giả lơ như là không biết không nghe.

      Mũ miện của vua chúa xưa thường có những bông tua rủ xuống trước mặt, trước tai,[7]
      hoặc vua chúa thường dùng bình phong che ngoài cửa,[8]
      cốt tỏ ý muốn nhắm mắt bưng tai, làm ngơ bớt, trước những lỗi lầm của kẻ dưới.




    2. Lão tử lại còn đưa ra ý kiến thứ hai là
    họa phúc ở đời này vô thường, vô định, phúc sinh họa, họa sinh phúc.

    • Cũng y thức như người ta dùng chuyện «Tái Ông mất ngựa» để nói lên rằng ở đời nay «họa phúc tương sinh».
      Tống Long Uyên bình thêm rằng:
      • «Họa phúc đã đành rằng do ngoại cảnh đẩy đưa, xui khiến,
        nhưng căn cơ họa phúc chính là do lòng con người gây nên.» [9]

      Nếu gặp họa nạn, mà tâm ta biết hối quá, biết e dè thận trọng, thì họa sẽ chuyển thành phúc.
      Nếu gặp phúc khánh mà sinh lòng kiêu sa, ngạo mạn, phế bỏ nhân cách, phế bỏ cương thường, thì phúc sẽ biến thành họa.

      Nhân bàn về chuyện họa phúc vô thường, tưởng cũng nên ghi vào nơi đây bi ký nơi Lăng Hư Đài của Tô Đông Pha, do Trần thái thú xây. Trần thái thú là một võ quan hết sức nghiêm khắc và ngạo nghễ, có nhiều khi còn dám chữa cả lời văn của Tô Đông Pha vì thế Tô Đông Pha mượn lời bi ký này mà răn ông:

      • «... Ai mà biết trước được vạn vật lúc nào phế, lúc nào hưng, lúc nào thành, lúc nào hủy?
        Hồi mà nơi này là bãi hoang, đồng trống, sương mù phủ kín, chồn rắn đào hang, thì ai mà biết được đời sau có Lăng Hư Đài ở đây?
        Luật phế rồi hưng, thành rồi hủy cứ tiếp tục tới vô cùng, thì ai mà biết được ngày nào thì đài này lại trở thành bãi hoang đồng trống.
        Tôi có lần cùng ông (tức viên Thái thú) lên đài ngắm cảnh,
        • phía đông là cung Kỳ Niên, Thác Tuyền của Tần Mục Công;
          phía nam là sân Trường Dương, cung Ngũ Tắc của Hán Vũ Đế;
          phía bắc là cung Nhân Thọ đời Tùy, cung Cửu Thành đời Đường.

        Nghĩ tới cái thời thịnh của các cung đó, nó nguy nga đẹp đẽ, kiên cố có gấp trăm lần cái đài này chứ! Vậy mà chỉ vài đời sau, ai có muốn tìm cái hình phảng phất của các cung đó, thì chỉ thấy ngói tan, tường đổ, đã thành đồng lúa, bụi gai cả rồi. Tới những cung đó mà cũng không còn gì cả, huống hồ là cái đài này. Đài kia còn không may gì được trường cửu, huống hồ là nhân sự lúc đắc lúc thất, đột nhiên đến đó rồi đột nhiên biến mất.

        Vậy mà có kẻ khoe khoang ở đời lấy làm tự mãn thì thật là lầm quá. Ở đời có những cái vĩnh cửu, nhưng cái đài này không thuộc vào những cái đó.» [10]



    3. Đoạn thứ ba của chương này chủ đích là nhắc lại ý tứ đoạn đầu chương.

    Thánh nhân tuy bề trong hoàn hảo, thông minh, sáng láng, nhưng
    không bắt mọi người phải giống như mình

    ngược lại biết uyển chuyển
    tùy nghi, tùy tài, tùy đức mỗi người mà thiết giáo.

    Chính vì vậy mà Hà Thượng Công gọi chương này là «Thuận Hóa»
    (Hóa dục phải tùy thuận theo từng người từng trình độ).



              
    _______________________________________

    • [1]
      Wieger viết kỳ vô chính da 其 無 政 邪.

      Bản của Lưu Tư lại bỏ ba chữ kỳ vô chính 其 無政,
      bắt chước Trần Trụ.
                
    • [2] Kỳ 奇:
      trá ngụy.
                
    • [3] Yêu 妖:
      gian tà.
                
    • [4] Cát 割 :
      cắt.
                
    • [5] Quế 劌 :
      cắt, làm hại.
                
    • [6] Tứ 肆:
      giết, nghiêm nhặt.
      = 急 切太 甚 Cấp thiết thái thậm (theo Tống Long Uyên)
                
    • [7]
      Miện lưu thùy mục,
      đẩu khoáng tắc nhĩ.
      冕 旒垂 目,
      黈 纊 塞 耳
      Tống bản thập tam kinh 宋 本十 三 經, quẻ Minh Di 明 夷.
                
    • [8] Thánh nhân thiết tiền lưu, bình thụ giả,
      bất dung minh chi tận hồ ẩn giả.
      聖 人 設 前 旒, 屏 樹 者,
      不 容 明 之 盡 乎 隱 者.
      Đại Toàn, Minh Di, Trình truyện.
                
    • [9]
      Khước bất tri họa phúc chi sự, tuy tòng ngoại lai, họa phúc chi cơ bản tự tâm sinh.
      Tâm vi vạn pháp chi chủ, tâm vi thiện ác chi nguyên.
      Thử tâm nhất thiện, nhi vô sở bất thiện, thử tâm nhất ác nhi vô sở bất ác...
      卻 不 知 禍 福 之 事, 雖 從 外 來, 禍 福 之 基 本 自 心 生.
      心 為 萬 法 之 主, 心 為 善 惡 之 源.
      此 心 一 善, 而 無 所 不 善, 此 心 一 惡 而 無 所 不 惡
      Tống Long Uyên, Đạo Đức kinh giảng nghĩa.
                
    • [10] Xem Nguyễn Hiến Lê, Tô Đông Pha, Cảo thơm xuất bản, tr. 51-52.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 59          
    THỦ ĐẠO 守 道




    Hán văn:
    • 治 人, 事 天 莫 若 嗇.

      夫 惟 嗇 是 謂 早 服,
      早 服 謂 之 重 積 德.
      重 積 德 則 無 不 克.
      無 不 克 則 莫 知 其 極.
      莫 知 其 極, 可 以 有 國.

      有 國之 母 可 以 長 久.
      是 謂 深 根 固 蒂,
      長 生 久 視 之 道.

    Phiên âm:
    1. Trị nhân, sự Thiên mạc nhược sắc.[1]
                
    2. Phù duy sắc thị vị tảo phục,[2]
      tảo phục vị chi trọng tích đức.
      Trọng tích đức tắc vô bất khắc.
      Vô bất khắc tắc mạc tri kỳ cực.
      Mạc tri kỳ cực, khả dĩ hữu quốc.
                
    3. Hữu quốc chi mẫu [3] khả dĩ trường cửu.
      Thị vị thâm căn cố đế,
      trường sinh, cửu thị chi đạo.

    Dịch xuôi:
    1. Trị người thờ trời, không gì bằng tiết độ.
                
    2. Tiết độ là việc phải lo trước tiên;
      lo việc ấy trước tiên sẽ tích đức,
      tích đức cao dày sẽ lướt thắng được mọi sự,
      sẽ siêu việt.
      Siêu việt sẽ được nước (Trời).
                
    3. Được căn cơ trời đất, nên có thể trường cửu.
      Thế cho nên gọi là ăn rễ sâu, mọc rễ chắc,
      đó là đạo trường sinh cửu thị.


    Dịch thơ:

    1. Trị người mà cũng thờ Trời,
    Chi bằng tiết độ, chớ lơi tinh thần.
              
    2. Biết điều tiết độ là cần,
    Rồi ra đức hạnh sẽ dần cao thêm.
    Đức cao vạn sự sẽ nên,
    Đã nên vạn thắng, vô biên ai tày.
    Thênh thang muôn dặm trời mây,
    Nước trời đã nắm trong tay rành rành.
              
    3. Giàu sang có cả Khuôn xanh,
    Cửu trường muôn kiếp đã đành là ta.
    Thế là ăn rễ sâu xa,
    Thế là cửu thị, thế là trường sinh.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này dạy ta phương pháp thực hiện trường sinh.

    Muốn trường sinh, không được phí phao tâm thần, không được trục vật, mà phải giữ cho vẹn toàn thiên lý, giữ cho tâm đức được thuần túy.
    Khử hết nhân dục, giữ vẹn thiên lý, thực hiện tinh hoa, thực hiện bản thể, con người dần dần sẽ có đạo cao đức trọng, sẽ đạt Đạo, đạt Thiên.
    Đạt Đạo, đạt Thiên sẽ được trường sinh, cửu thị.

    Tống Long Uyên bình:
    • «Nếu con người biết tiết độ, để lập căn bản; cố gắng tích đức; cố gắng tiêu trừ những gì tư tà, dục vọng nơi thân; cố gắng phục hồi thiên đức nơi thân;
      giữ vẹn được Huyền Tẫn, tức là căn cơ trời đất nơi thân;
      giữ vẹn được Cốc thần, tức là nguồn mạch trường sinh nơi thân thì
      • sẽ làm cho tà ma lục tặc không thể phát sinh,
        làm cho vạn duyên không còn thao túng được;

      như vậy nước trời trong con người sẽ được thanh tĩnh, vững vàng
      và như vậy con người sẽ thực hiện được đạo trường sinh cửu thị.» [4]



              
    _______________________________________

    • [1] Sắc 嗇:
      tiết độ.
                
    • [2] Tảo phục 早 服:
      mối lo đầu tiên.
                
    • [3] Mẫu 母 :
      có người giải là sự tiết độ; có người cho đó là Đạo.
                
    • [4]
      Nhân năng dĩ kiệm sắc lập bản, dĩ tích đức vi tâm. Thân trung chi tư vọng, vô bất khắc tận. Thân trung chi thiên đức, vô bất tảo phục. Huyền Tẫn chi môn tức thị thân trung thiên địa chi căn. Cốc thần bất tử tức thị thân trung trường sinh chi mẫu. Thủ thử Huyền Tẫn tiện thị thâm căn cố đế. Luyện thử Cốc thần tiện thị sự thiên trị nhân. Chung nhật miên miên tiện thị trọng tích kỳ đức. Nhân ngã tương vong tiện thị mạc tri kỳ cực. Quả năng như thị, cẩn kỳ nội, bất sinh lục tặc chi ma; phòng kỳ ngoại, bất nhập vạn duyên chi hóa. Thân trung chi quốc thổ, vị hữu bất thanh tĩnh. Thân trung chi quốc vận, vị hữu bất du cửu giả. Ngã chi tính thiên, khởi phi hữu quốc chi quân hồ. Luyện tựu toàn thân nhi bất sinh bất diệt, tu thành đạo thể, nhi vô cực, vô cùng, khởi phi trường sinh cửu thị chi đạo hồ.
      人 能 以 儉 嗇 立 本, 以 積 德 為 心. 身 中 之 私 妄, 無 不 克 盡. 身 中 之 天 德 無 不 早 服. 玄 牝 之 門 即 是 身 中 天 地 之 根. 谷 神 不 死 即 是 身 中 長 生之 母. 守 此 玄 牝 便 是 深 根 固 蒂. 鍊 此 谷 神 便 是 事 天 治 人. 終 日 綿 綿 便 是 重 積 其 德. 人 我 相 忘 便 是 莫 知 其 極. 果 能 如 是, 謹 其 內, 不 生 六 賊 之 魔; 防 其 外, 不 入 萬 緣 之 化. 身 中 之 國 土 未 有不 清 靜. 身 中 之 國 運 未 有 不 攸 久 者. 我之 性 天 豈 非 有 國 之 君 乎. 煉 就 全 身而 不 生不 滅, 修 成 道 體, 而 無 極, 無 窮, 豈 非 長 生 久 視 之 道 乎?
      Sđd, tr. 38.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 60          
    CƯ VỊ 居 位




    Hán văn:
    • 治 大 國 如 烹 小 鮮.

      以 道 蒞 天 下.
      其 鬼 不 神.
      非 其 鬼 不 神,
      其 神 不 傷 人.
      非 其 神 不 傷 人,
      聖 人 亦 不 傷人.
      夫 兩 不 相 傷,
      故 德 交 歸 焉.

    Phiên âm:
    1. Trị đại quốc như phanh tiểu tiên.[1]
                
    2. Dĩ đạo lỵ [2] thiên hạ.
      Kỳ quỉ bất thần.[3]
      Phi ký quỉ bất thần,
      kỳ thần bất thương nhân.
      Phi kỳ thần bất thương nhân,
      thánh diệc bất thương nhân.
      Phù lưỡng bất tương thương,
      cố đức giao qui yên.

    Dịch xuôi:
    1. Trị nước như câu cá nhỏ.
                
    2. Lấy Đạo trị thiên hạ,
      quỉ thần hết linh.
      Không phải quỉ thần không linh,
      nhưng quỉ thần không làm hại người.
      Không phải quỉ thần không làm hại người,
      mà thánh nhân không làm hại người.
      Cả hai đều không hại người,
      nên Đức của họ qui về một chỗ.


    Dịch thơ:

    1. Cầm đầu một đại giang sơn,
    Nương tay như nấu cá con mới là.
              
    2. Đạo Trời nhuần đượm gần xa,
    Quỉ thần thôi cũng buông tha chẳng phiền.
    Quỉ thần đâu phải không thiêng,
    Quỉ thần không hại vì kiêng nể người.
    Quỉ thần đã chẳng tác oai,
    Thánh nhân nào nỡ hại đời làm chi.
    Thần nhân đều chẳng thị uy,
    Muôn nghìn ân đức sẽ qui tụ về.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử lại dạy ta một bài học chính trị đó là

    Trị dân thì đừng có nhiễu dân.


    Trị một nước lớn chẳng khác nào nấu một nồi cá con.
    • Nấu cá con mà cứ lo đảo đi, đảo lại thì cá sẽ nát hết.
      Trị dân mà nay cải tổ cái này, mai cải tổ cái khác, thì dân ắt sẽ hết sức khổ sở.


    Người trị dân giỏi sẽ giúp cho dân theo đúng định luật trời đất.
    Mà trời đất muốn cho chúng ta hoạt động để triển dương các tài năng của mình, nhưng không làm được điều gì quá mức không được vong thân táng mạng, không được đày đọa hình hài, lao tâm khổ tứ, thần hôn trí loạn.

    Cho nên nhà cầm quyền không được dở dói vẽ vời, không được kích động tham vọng của dân, không được kích động thất tình của dân, không được xui dân tranh đoạt, ghen ghét lẫn nhau, không được làm cho dân lo âu, khổ sở.

    Được như vậy, dân sẽ sống trong một cảnh thanh bình, có một xác thân khang kiện, có một tâm hồn thảnh thơi, sung sướng, yêu lý tưởng, thích hướng thượng.

    • Thế là đường lối người hợp với đường lối trời.
      Đôi đằng đã hòa hợp như vậy thì quốc thái dân an là một kết quả tất định.
                
      Thế là quỉ thần không làm hại người mà thánh nhân cũng không làm hại người.
      Nói rằng quỉ thần làm hại hay không làm hại người cũng không hoàn toàn đúng, phải hiểu rằng quỉ thần đã minh định, đã thiết lập nên những định luật vĩnh cửu, bất biến;
      • đi đúng tức là «thuận thiên» thế là hay, là cát tường
      • đi sai tức là «nghịch thiên» là dở, là hung họa.

    Thánh nhân trị người
    • không vì cái lợi nhỏ mà quên cái hại lớn,
    • không mị dân bằng những cải tổ phiến diện,
    • không đánh lạc thiên tính của dân bằng những hành vi có tính cách xách động tuyên truyền,
    • mà chỉ muốn cho dân sống vô tư, hạnh phúc, an bình, thái thịnh, khang ninh.
    Như vậy, mới thực là thương dân, mới thực là biết cách trị dân vậy.



              
    _______________________________________

    • [1] Tiểu tiên 小 鮮 :
      cá nhỏ.
                
    • [2] Lỵ 蒞:
      đến.
                
    • [3]
      Kỳ quỉ bất thần 其 鬼 不 神:
      kỳ quỉ bất linh 其 鬼 不 靈 .


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 61          
    KHIÊM ĐỨC 謙 德




    Hán văn:
    • 大 國 者 下 流,
      天 下 之 交,
      天 下 之 牝.

      牝 常 以 靜 勝 牡, 以 靜 為 下.

      大 國 以 下 小 國,
      則 取 小 國;
      小 國 以 下 大 國,
      則 取 大 國.

      或 下 以 取,
      或下 而 取.
      大 國 不 過 欲 兼 畜 人.
      小 國 不 過 欲 入 事 人.
      夫 兩 者 各 得 其 所 欲.
      大 者 宜 為 下.

    Phiên âm:
    1. Đại quốc giả hạ lưu,
      thiên hạ chi giao,
      thiên hạ chi tẫn.
                
    2. Tẫn thường dĩ tĩnh thắng mẫu, dĩ tĩnh vi hạ.
      Cố
      đại quốc dĩ hạ tiểu quốc,
      tắc thủ tiểu quốc;
      tiểu quốc dĩ hạ đại quốc,
      tắc thủ đại quốc.
      Cố
      hoặc hạ dĩ thủ,
      hoặc hạ nhi thủ.
      Đại quốc bất quá dục kiêm súc nhân.
      Tiểu quốc bất quá dục nhập sự nhân.
      Phù lưỡng giả các đắc kỳ sở dục.
      Đại giả nghi vi hạ.

    Dịch xuôi:
    1. Nước lớn mà làm chỗ thấp,
      sẽ là nơi thiên hạ giao hội,
      sẽ là giống cái của thiên hạ.
                
    2. Giống cái thường lấy sự tĩnh mà thắng giống đực, lấy tĩnh làm chỗ thấp.
      Cho nên
      nếu nước lớn mà hạ mình trước nước nhỏ,
      thì sẽ thu phục được nước nhỏ;
      nếu nước nhỏ mà hạ mình trước nước lớn
      thời sẽ được lòng nước lớn.
      Cho nên
      hoặc hạ mình để mà chinh phục,
      hoặc hạ mình để được lòng.
      Nước lớn chẳng qua là để dưỡng nuôi người,
      nước nhỏ chẳng qua là để phục vụ người,
      cả hai đều được như ý thích.
      Kẻ lớn nên hạ mình.


    Dịch thơ:

    1. Nếu nước lớn hạ mình từ thượng,
    Khắp mọi nơi sẽ hướng chiều về,
    Đó đây qui tụ thỏa thuê,
    Y như một mái làm mê cả bầy.
              
    2. Con mái kia thơ ngây thuần thục,
    Tưởng kém hèn mà đực vẫn thua.
    Nước to chẳng cậy mình to,
    Sẽ làm nước nhỏ phải ưa thích mình.
    Nên nước nhỏ chẳng kênh chẳng kiệu,
    Nước to kia sẽ liệu chở che.
    Dù chinh, dù phục hai bề,
    Biết đường khiêm tốn đề huề mới ngoan.
    Nước lớn thích lo toan chỉ vẽ,
    Nước nhỏ mong dựa thế nương uy,
    Hai bên đều được thỏa thuê,
    Đã là kẻ cả chớ chê hạ mình.





    BÌNH GIẢNG



    Nơi chương này Lão tử cho chúng ta một nguyên tắc hướng dẫn cuộc bang giao quốc tế.

    • Trong thiên hạ có nước lớn, nước nhỏ.
      Nhưng nước lớn không phải là để thôn tính nước nhỏ mà là để giúp đỡ nước nhỏ.
      Nước nhỏ không phải là để, kèn cựa, ganh tị với nước lớn, mà là để thuận phục nước lớn.
                
    • Các nước đối xử với nhau nên lấy sự khiêm cung, chứ đừng dùng võ lực.
      Nước lớn biết tỏ ra khiêm tốn không khinh khi nước nhỏ, thì các nước nhỏ sẽ vui lòng hướng chiều về.
      Nếu nước nhỏ tỏ ra khiêm tốn không đả kích các nước lớn thì các nước lớn sẽ vui lòng bảo trợ.
      Như vậy cả hai bên đều lợi và như vậy thế giới mới mong an bình.

      Và đây là thái độ khiêm cung của Hán Văn Đế và Triệu Đà trong công cuộc bang giao Hoa Việt.
      • Hán Văn Đế sau khi lên ngôi, sai Lục Giảo đưa thư sang khuyên Vũ Đế (Triệu Đà) về thần phục nhà Hán. Hán Văn Đế dùng những lời lẽ hết sức nhún nhường để khuyên Triệu Đà bỏ đế hiệu mà chịu thần phục nhà Hán. Quả nhiên Triệu Đà cảm kích, phúc thư một cách hết sức khiêm cung kính cẩn, và xin chịu bỏ đế hiệu để thần phục Hán Vũ Đế. [1]


      Thế là dùng «Nhu Đạo», dùng sự «Khiêm cung» để mà xây dựng hòa bình thiên hạ vậy.



              
    _______________________________________

    • [1] Xem Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử Lược, q. I, tr. 30, 31, 32.


          
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đạo Đức Kinh

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Đạo Đức Kinh - Bình Dịch
    ____________________________



    Hạ Kinh 下 經 Đức Kinh 德 經
    __________________

    Chương 62          
    VI ĐẠO 為 道
    (QUÍ ĐẠO 貴 道)




    Hán văn:
    • 道 者,
      萬 物 之 奧.
      善 人 之 寶,
      不 善 人 之 所 保.

      美 言 可 以 市 尊,
      美 行 可 以 加 人.
      人 之 不 善 何 棄 之 有.


      立 天 子, 置 三 公
      雖 有 拱 璧
      以 先 駟 馬
      不 如 坐 進 此 道.

      古 之 所 以 貴 此 道 者 何?
      不 曰:
      以 求 得,
      有 罪 以 勉 邪?

      為 天 下 貴 也.

    Phiên âm:
    1. Đạo giả,
      vạn vật chi áo [1]
      thiện nhân chi bửu,
      bất thiện nhân chi sở bảo. [2]
                
    2. Mỹ ngôn khả dĩ thị tôn.
      Mỹ hạnh khả dĩ gia nhân.[3]
      Nhân chi bất thiện hà khí chi hữu.
                
    3. Cố
      lập thiên tử, trí tam công
      tuy hữu củng bích[4]
      dĩ tiên tứ mã [5]
      bất như tọa tiến thử Đạo.[6]
                
    4. Cổ chi sở dĩ quí thử Đạo giả hà?
      Bất viết: [7]
      dĩ cầu đắc,
      hữu tội dĩ miễn da?
      Cố
      vi thiên hạ quí dã.

    Dịch xuôi:
    1. Đạo
      là bí quyết muôn loài,
      là châu báu của người lành,
      là chỗ dựa nương của người bất lương.
                
    2. (Nhờ Đạo) mà có những lời hay việc đẹp
      (Nhờ Đạo mà những lời hay được tăng giá trị, được trọng vọng;
      mà những việc đẹp tăng phẩm cách con người).
      (Nhờ Đạo) mà những kẻ bất lương không bị ruồng rẫy.
                
    3. Cho nên
      lập thiên tử, lập tam công
      tuy tay cầm ngọc bích,
      tuy thân ngồi xe tứ mã,
      nhưng vẫn không bằng ngồi mà đem Đạo (ấy vào thân mình, và vào người khác).
                
    4. Người xưa quí Đạo là vì sao?
      Há chẳng có lời rằng:
      Cầu Đạo thời được,
      có tội thời được khỏi sao?
      Cho nên
      Đạo quí nhất thiên hạ.


    Dịch thơ:

    1. Đạo là bí quyết muôn loài,
    Là châu là báu của người hiền lương.
    Đạo còn là chốn dựa nương,
    Cho người bạc đức có đường dung thân.
              
    2. Lời hay việc đẹp gian trần
    Đều do nguồn đạo tinh thuần phát ra.
    Mấy đời những kẻ gian tà,
    Mong nhờ lượng cả, khỏi ra thân tàn.
              
    3. Cho nên đã tiếng vua quan,
    Phải đâu giỡn ngọc, đùa vàng trêu ngươi.
    Phải đâu tứ mã rong chơi,
    Vua quan cốt để «tiến trời» vào thân.
              
    4. Người xưa chuộng Đạo muôn phần,
    Vì khi đắc đạo, lụy trần tiêu tan.
    Đạo là vật báu thế gian.





    BÌNH GIẢNG



    Chương này Lão tử bàn về Đạo. Lão tử cho rằng:
    • 1. Đạo tiềm ẩn trong lòng người lành, kẻ dữ.
      2. Đạo là nguồn mạch sinh ra mọi lời hay ý đẹp.
      3. Làm chính trị cốt là cố gắng làm cho mình và cho mọi người đắc Đạo.
      4. Đạo là cái quí nhất trần gian, là nguồn mạch hạnh phúc con người.




    1. Đạo tiềm ẩn trong lòng người lành, kẻ dữ

    • Tống Long Uyên xưa đã giảng đoạn này như sau:
      • «Vạn vật đều được dung tàng trong lòng Đại Đạo, nên mới có diệu lực sinh hoá... [Đại Đạo] có thể sinh ra mọi sự từ vô đến hữu; có thể chi phối mọi hình tướng; vốn có trước cả đất trời; trường tồn mãi cả khi không còn trời đất. Cho nên Tạo Hoá chính là căn nguyên của vạn vật, sinh sinh hoá hoá. Hiểu được lẽ ấy tức là hiểu được điều ẩn áo của Tạo Hoá. Nếu trời đất không tàng trữ ẩn áo đó, thì trời đất không thể chở che. Nếu vạn vật không tàng trữ ẩn áo đó, thì vạn hữu không thể sinh thành. Ẩn áo đó quán thâu vạn hữu mà không hề bị gián đoạn; bao quát cổ kim mà không để sót lọt chi. Ẩn áo đó nhìn không thấy, nghe không ra, bắt không được, buông không rơi. Thiên hạ xưa nay vẫn dùng hàng ngày mà không biết, vẫn làm hàng ngày mà không thấy. Nếu mà thấy được biết được thì làm sao mà còn gọi là ẩn áo được nữa. Vì thế trong đoạn này muốn nói: Đạo là ẩn áo, là bí quyết muôn loài.» [8]


      Quan niệm này thánh Jean de la Croix sau cũng chủ trương. Ông viết:
      • «Nên biết thượng đế ở trong mọi tâm hồn – dù là tâm hồn của kẻ tội lỗi nhất hoàn cầu – và hiện diện bằng bản thể. Đó cũng là cách hợp nhất của thượng đế với vạn hữu, có vậy mới giữ gìn được vạn hữu; không thế vạn hữu sẽ tiêu tan...» [9]


      Upanishad cũng viết:
      • «Ngài là duy nhất chói chang,
        Quần sinh Tạo Hóa, cao sang ai tầy ?
        Ngài luôn ẩn áo lòng người,
        Suy đi, ta sẽ thấy Trời trong tâm.
        Biết trời sẽ thoát trầm luân,
        Sẽ cùng trời đất muôn năm trường tồn.»




    2. Đạo là nguồn mạch sinh ra mọi lời hay, việc đẹp

    • Cho nên nhân loại có được những lời hay, có được những cử chỉ đẹp chính là nguồn Đạo ấy mà ra.

      Cho nên dẫu con người có xấu xa mấy, thì sự xấu xa ấy cũng chỉ như mây mù che phủ mặt trời bản thể của họ mà thôi; họ vẫn có thể trở lại với bản tính nguyên thủy tốt đẹp của họ được.




    3. Làm chính trị cốt là cố gắng làm cho mình và mọi người đắc Đạo

    • Đắc Đạo tức là đắc nhất, mà đắc nhất tức là chỉ Nhất hay Chính.
      Chính trị 政 治 cốt là để đạt Chính 正, đạt Đạo 道, đạt Nhất 一 mà thôi.
                
      Chữ Chính 政 xưa theo nguyên nghĩa chính là công phu giúp cho con người đắc Nhất 一, đắc Đạo 道.
      Chữ 政 gồm chữ Chính 正 và chữ Bộc 攴.
      • Chính 正 là «chỉ nhất» 止 一
        và Bộc là «đánh», là «công phu».




    4. Đạo là cái quí nhất trần gian và là nguồn mạch hạnh phúc con người

    Đạo là cái quí báu nhất.
    Nhưng Đạo không phải là cái gì xa vời.
    Nếu chúng ta tha thiết tìm cầu, ta sẽ được Đạo.


    Được Đạo rồi
    thì bao tội lệ ta sẽ tiêu tan, bao oan nghiệp ta sẽ được hóa giải.
    Vì thế cho nên Đạo là cái quí báu nhất.




    Chương này là một trong những chương của Đạo Đức kinh bàn về Đạo.
    Xin xem lại các chương 1, 4, 6, 14, 21, 25, 27, 32, 34, 51, v.v.


              
    _______________________________________

    • [1] Áo 奧:
      • (1) chứa (tàng chứa), ý nói Đạo tàng chứa mọi sự (Hà Thượng Công);
        (2) sâu kín (Stanislas Julien);
        (3) tôn quí (Stanislas Julien);
        (4) chủ 主: chủ tể (Trịnh Khang Thành). (Áo 奧 xưa là phòng phía tây nam trong nhà dùng làm nơi tế tự).
    • [2] Bảo 保:
      che chở dựa nương (= ỷ 倚).
                
    • [3]
      • Mỹ ngôn khả dĩ thị tôn.
        Mỹ hạnh khả dĩ gia nhân
        美 言 可 以 市 尊.
        美 行 可 以 加 人
        là câu kinh theo bản sửa của Hoài Nam Tử (Xem Lưu Tư, James Legge).
                  
      • Wieger chấm câu như sau:
        Mỹ ngôn khả dĩ thị,
        tôn hạnh khả dĩ gia nhân.
        美 言 可 以 市.
        尊 美行 可 以 加 人.
        Vương bật cũng vậy (Xem Lưu Tư và Léon Wieger).
                  
      • Thị tôn 市 尊,
        Lưu Tư giải là đổi được địa vị tôn quí (hoán đắc tôn vị 換 得 尊 位).
                  
        Có người giải thị 市 là chợ, hoặc là lợi.
                  
      • Gia nhân 加 人:
        hơn người
        khác người.
    • [4] Củng bích 拱 璧:
      miếng ngọc lớn cả thước (doanh xích chi bích 盈 尺 之 璧) hai tay cầm mới nổi.
                
    • [5] Tứ mã 駟 馬 :
      xe tứ mã (bốn ngựa kéo).
                
    • [6]
      Tọa tiến giả,
      bất dụng hữu vi,
      bất lao động tác,
      thuận kỳ tự nhiên,
      thâm nhập kỳ trung nhi vô bất thấu triệt.
      坐 進 者,
      不 用 有 為,
      不 勞 動 作,
      順 其 自 然,
      深 入 其 中 而 無 不 透 徹.
                
    • [7]
      • Lưu Tư, Vương Bật viết là bất viết 不 曰 .
        Nếu viết «bất viết» thì phải giải: người ta há chẳng nói rằng.
                  
        Tống Long Uyên viết là bất nhật 不 日 .
        Nếu viết «bất nhật» thì phải giải: không ngày nào mà người ta không tìm cầu Đạo ấy.
    • [8]
      Vạn vật thâm tàng ư Đại Đạo chi trung, phương hữu sinh thành chi diệu. Năng sinh nhất thiết hữu vô, năng ngự nhất thiết hình sắc. Tiên thiên tiên địa nhi tố hữu; hậu thiên hậu địa nhi bất cải. Thị vị tạo hóa vạn vật chi bản thủy, sinh thành vạn vật chi căn để dã, sinh sinh hóa hóa. Đắc kỳ lý giả, tức thị đắc kỳ áo. Thiên địa bất tàng thử áo, tắc thiên địa bất năng lý tải. Vạn vật bất tàng thử áo tắc vạn vật bất năng sinh thành. Thống vạn vật nhi vô gián giả áo dã. Quán kim cổ nhi vô di giả áo dã. Thị chi bất kiến, thính chi bất văn giả áo dã. Thủ chi bất đắc, xả chi bất thất giả áo dã. Đản thiên hạ chi nhân, nhật dụng nhi bất tri, nhật vi nhi bất kiến. Nhược hoặc tri chi, kiến chi, tắc hựu bất túc dĩ vi áo hĩ. Văn trung ngôn Đạo giả, vạn vật chi áo, cái thị như thử.
      萬 物 深 藏 於 大 道 之 中, 方 有 生 成 之 妙. 能 生 一 切 有 無, 能 御 一 切 形 色. 先 天 先 地 而 做 有; 後 天 後 地 而 不 改. 是 謂 造 化 萬 物 之 本 始, 生 成 萬 物 之 根 柢 也, 生 生 化 化. 得 其 理 者 即 是 得 其 奧. 天 地 不 藏 此 奧, 則 天 地 不 能 履 載. 萬 物 不 藏 此 奧 則 萬 物 不 能 生 成. 統 萬 萬 而 無 間 者 奧 也. 貫 今 古 而 無 移 者 奧 也. 視 之 不 見 聽 之 不 聞 者 奧 也. 取 之 不 得 捨 之 不 失 者 奧 也. 但 天 下之 人 日 用 而 不 知 日 為 而 不 見. 若 或 知 之 見 之 則 又 不 足 以 為 奧 矣. 文 中 言 道 者 萬 物 之 奧 蓋 是 如 此.
      Tống Long Uyên, Đạo Đức kinh giảng nghĩa, quyển hạ, tr. 42b.
                
    • [9]
      Il faut savoir que Dieu demeure en toutes les âmes, fût-ce celle du plus grand pécheur du monde et y est présent en substance. Et cette manière d’union est toujours entre Dieu et toutes les créatures, selon laquelle, il les conserve en leur être, de sorte que si elle venait à leur manquer, elles s'anéantiraient aussitôt et ne seraient plus.
      ― La montée du Carmel (Les œuvres spirituelles du Bienheureux Père Jean de la Croix, Desclée de Brouwer) p. 133-134.


          
Trả lời

Quay về “Thiên đạo - Nhân đạo”