Những kỳ vọng đối với hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem trong năm nay (April 2020)

Trả lời
Hình đại diện
Vi
Bài viết: 780
Ngày tham gia: Thứ năm 16/03/17 23:48

Những kỳ vọng đối với hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem trong năm nay (April 2020)

Bài viết bởi Vi »

Truyền thống Chính Thống Giáo tin rằng hiện tượng Lửa Thánh là một phép lạ xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh. Hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem trong năm nay sẽ ra sao trong bối cảnh Israel cô lập toàn xã hội.

Đó là tin chính chúng tôi sẽ trình bày trong chương trình này. Tuy nhiên, trước hết, xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi các tin quan trọng liên quan đến tình hình Giáo Hội và thế giới trước đại họa coronavirus.

Tính đến chiều thứ Năm 2 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 47,245 người, trong số 935,957 trường hợp nhiễm coronavirus. Như thế, trong 24 giờ qua đã có 5,094‬ người chết và thêm 77, 288‬ người nhiễm coronavirus.

Trước tình trạng lây lan kinh hoàng này, các Giám Mục Mễ Tây Cơ đã kêu gọi các tín hữu cử hành ngày Toàn Quốc Thống Hối vào ngày thứ Sáu 3 tháng Tư, tức là thứ Sáu trước Lễ Lá, thường được gọi là “Ngày Thứ Sáu Sầu Bi” theo truyền thống tại quốc gia này.

Trong ngày Toàn Quốc Thống Hối này, các Giám Mục kêu gọi anh chị em ăn chay, thống hối và cầu nguyện xin cho đại dịch sớm chấm dứt.

Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 5,110 người, trong số 215,300 trường hợp nhiễm coronavirus. Virus nguy hiểm này đã lây lan ra cả một chiến hạm đang đậu trên biển Thái Bình Dương. Những hình ảnh quý vị và anh chị em thấy đây là cảnh hải quân Hoa Kỳ đang di tản hàng ngàn thủy thủ khỏi hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Theodore Roosevelt ở đảo Guam sau khi thuyền trưởng cảnh báo một đợt bùng phát coronavirus đang đe dọa mạng sống của phi hành đoàn.

Chín mươi ba trường hợp nhiễm coronavirus đã được phát hiện trong số hơn 4,800 thủy thủ đoàn mạnh khoẻ của chiếc Roosevelt.

Các quan chức Ngũ Giác Đài cho biết họ đã nhanh chóng sắp xếp các phòng khách sạn trên đảo Thái Bình Dương cho thủy thủ đoàn, đồng thời tổ chức một nhóm căn bản các thủy thủ không bị nhiễm bệnh để giữ cho con tàu hoạt động.

Tử vong tại Ý đã lên đến 13,155 người, trong số 110,574 trường hợp nhiễm coronavirus, tức là có 727 người chết trong 24 giờ qua. Như vậy là có sự sụt giảm so với con số tử vong 837 người trong 24 giờ trước đó.

Tờ La Stampa cho biết người Ý rất năng động trong việc kinh doanh. Hầu hết các nhà hàng giờ đây hoạt động online. Họ nhận đặt hàng trên Web hay trên điện thoại và giao hàng đến tận nhà.

Tuy tháo vát như thế, nhưng nhiều người thừa nhận rằng doanh số “cũng đã giảm chín mươi phần trăm”. Tuy vậy, cũng có những người cảm thấy họ phải cung cấp dịch vụ của họ cho công chúng trong một thời điểm khó khăn như thế này.

Chủ sạp báo này nói: “Chúng tôi muốn gần gũi với khách hàng trung thành của mình, đặc biệt là người cao tuổi”.

Tử vong tại Tây Ban Nha đã lên đến 9,387 người, trong số 104,118 trường hợp nhiễm coronavirus. Số trường hợp tử vong trong 24 giờ qua tại quốc gia này là 923 người, là con số người thiệt mạng lớn nhất Tây Ban Nha phải chứng kiến từ khi dịch bệnh bùng phát đến nay.

Vì thiếu các bệnh viện, chính quyền thủ đô Madrid cho biết họ đang điều trị cho hơn 700 bệnh nhân tại 11 khách sạn được trưng dụng cho mục đích này.

Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết hai máy bay chở dụng cụ y tế gồm mặt nạ, áo liền quần và các chất diệt khuẩn đã hạ cánh hôm thứ Tư tại một sân bay quân sự gần Madrid.

Tây Ban Nha đã cách ly cả nước từ ngày 14 tháng 3, hầu hết mọi người đều ở nhà, nhưng virus đã tiếp tục lây lan với tốc độ chóng mặt làm quá tải hệ thống y tế và làm căng thẳng nguồn cung cấp các thiết bị y tế quan trọng.

Chính phủ cho biết họ đã gửi 5 triệu thiết bị bảo vệ cho nhân viên y tế trong cả nước trong vòng 48 giờ qua.

Tử vong tại Đức đã lên đến 931 người, trong số 77,981 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, thiệt hại nhân mạng tại Đức là 156 người, là con số tử vong trong một ngày cao nhất từ trước đến nay.

Tử vong tại Pháp đã lên đến 4,032 người, trong số 56,989 trường hợp nhiễm coronavirus. Giáo phận Angers, đã báo cáo rằng Đức Cha Emmanuel Delmas, 65 tuổi, đã phục hồi hoàn toàn sau khi nhiễm coronavirus. Ngài thử nghiệm dương tính với COVID-19 sau khi đi dự ad limina tại Vatican trong một tuần từ mùng 9 tháng Ba.

28 Giám Mục Pháp khác đi cùng với ngài đã bị cách ly, và nay đã hết thời gian bị cô lập.

Tử vong tại Anh đã lên đến 2,352 người, trong số 29,474 trường hợp nhiễm coronavirus.

Thái tử Charles của Anh đã hồi phục sau khi xét nghiệm dương tính với coronavirus. Trong một video, ông đã ca ngợi sự tận tâm vị tha của các nhân viên y tế và nói rằng đây là một thời gian quái lạ và đau khổ cho quốc gia và thế giới.

Thái tử Charles, 71 tuổi, đã tự cô lập vào hôm thứ Hai tuần trước sau khi nhiễm bệnh. Ông nói là rất may mắn ông chỉ có những triệu chứng tương đối nhẹ, và các bác sĩ riêng cho biết ông hiện đang có sức khỏe tốt.

Thái tử cho biết mặc dù đã bình phục, ông vẫn ở trong tình trạng cách ly. Vợ ông, Camilla, 72 tuổi, đã thử nghiệm âm tính, nhưng vẫn ở trong tình trạng tự cô lập cho đến cuối tuần đề phòng trường hợp bà xuất hiện các triệu chứng.

Ông nói thêm, như tất cả chúng ta đều đang chứng kiến, đây là một trải nghiệm kỳ lạ, bực bội và đau khổ khi sự hiện diện của gia đình và bạn bè không còn nữa và những cấu trúc bình thường của cuộc sống đột nhiên bị xóa bỏ.

Tại một thời điểm chưa từng có và đáng âu lo như thế này trong suốt cuộc đời, vợ tôi và tôi đang nghĩ đặc biệt đến tất cả những người mất người thân trong hoàn cảnh rất khó khăn và bất thường, và nghĩ đến những người phải chịu đựng bệnh tật, cô lập và lo sợ.

Nữ hoàng Elizabeth 93 tuổi, hiện đang ở cùng chồng là Quận Công Philip, 98 tuổi, tại cung điện của bà ở lâu đài Windsor, phía tây London. Cung điện Buckingham cho biết bà cũng có sức khỏe tốt.

Thái tử Charles cũng bày tỏ lòng kính trọng đối với các bác sĩ, y tá và các nhân viên khác ở tuyến đầu của Dịch vụ Y tế Quốc gia, là những người mà ông nói đang bị căng thẳng và rủi ro rất lớn, thêm vào đó, sự tận tụy, hy sinh, tinh thần trách nhiệm của họ đã khiến cả nước tự hào.

Hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem trong năm nay

Trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 1 tháng Tư, Cha Francesco Patton, là Custos, tức là bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa Giêrusalem nói:

“Lễ Phục sinh nên được cho phép cử hành bên trong Nhà thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem, dù cho chỉ có một số ít giáo sĩ được tham dự với các yêu cầu phòng dịch nghiêm nhặt.”

Israel đã áp đặt các hạn chế chặt chẽ đối với các cuộc tụ họp công cộng để hạn chế sự lây lan của COVID-19. Hôm thứ Hai 30 tháng Ba, chính quyền Do Thái đã cấm các cuộc tụ tập hai người không cùng gia đình, với một vài ngoại lệ.

Khi lễ Phục sinh đến gần, đại diện của Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp, Giáo Hội Armenia Tông truyền và Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem là ba thực thể chia sẻ quyền coi sóc và sử dụng nhà thờ Thánh Mộ đã đưa ra một tuyên bố chung nói rằng các ngài mong muốn những nghi thức trong Tuần Thánh sẽ được tiếp tục tại nơi theo truyền thống Chúa Giêsu đã bị đóng đinh, mai táng và phục sinh.

Tuần thánh của Giáo Hội Công Giáo sẽ bắt đầu với Chúa Nhật Lễ Lá, tức là vào ngày 5 tháng Tư, trong khi Tuần thánh của Giáo Hội Chính Thống Hy Lạp và Giáo Hội Armenia Tông truyền bắt đầu một tuần sau đó, hôm 12 tháng Tư.

Nhưng các cuộc thảo luận về cách bảo đảm an toàn và tránh lây nhiễm trong lễ hội quan trọng nhất trong một năm này vẫn chưa ngã ngũ.

“Tôi nghĩ rằng trong thời điểm này, cộng đồng của chúng tôi ở sát bên nhà thờ Thánh Mộ có nghĩa vụ cầu nguyện sốt sắng hơn bao giờ ở nơi này cho tất cả những người đang sống trên khắp thế giới,” Cha Patton nói với Reuters.

“Chúng tôi nghĩ rằng cầu nguyện không phải là một điều gì đó vô ích, chúng tôi nghĩ rằng đó là điều có thể thực sự thay đổi tình hình.”

Nhà thờ Thánh Mộ nằm ở trung tâm của khu Thiên chúa giáo ở Giêrusalem, đã bị đóng cửa vào ngày 25 tháng Ba”.

Cha Patton cho biết sẽ không thể thực hiện được cuộc rước lá hàng năm vào ngày 5 tháng Tư theo cách thông thường, với hàng ngàn người hành hương đi bộ từ Núi Ô-liu đến cửa Sư Tử ở khu Thành Cổ mà giờ đây đã hoang vắng vì lệnh cách ly. Nhưng ngài hy vọng các nghi lễ có thể được quay và phát trực tiếp trên toàn thế giới cho những người không thể tham dự, và hy vọng rằng chính quyền Do Thái cũng cho phép việc cử hành các nghi thức ít nhất là nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, Chúa Nhật Phục Sinh và lễ Lửa Thánh của Chính Thống Giáo.

“Chúng ta phải trả cho Caesar những gì thuộc về Caesar và chúng ta phải trả lại cho Chúa những gì thuộc về Ngài. Chúng tôi tôn trọng vai trò và nhiệm vụ của quyền lực công cộng và dân sự nhưng đồng thời chúng tôi nghĩ rằng các cơ quan dân sự cũng phải tôn trọng quyền của Thiên Chúa.”

Phát ngôn viên cảnh sát Micky Rosenfeld cho biết còn quá sớm để biết những đề nghị của Cha Paton thay mặt cho Tòa Thượng Phụ Công Giáo nghi lễ Latinh tại Giêrusalem, Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp, và Giáo Hội Armenia Tông truyền có thể được chấp thuận hay không.

Như thế, cho đến giờ phút này vẫn chưa có gì là rõ ràng. Chúng tôi xin kính mời quý vị và anh chị em xem lại đoạn video về lễ Lửa Thánh do Như Ý trình bày trong mùa Phục sinh năm ngoái 2019.

NgNguồn: Việt Catholic News / Lan Vy - Thuỵ Khanh
Hình đại diện
Vi
Bài viết: 780
Ngày tham gia: Thứ năm 16/03/17 23:48

Re: Những kỳ vọng đối với hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem trong năm nay (April 2020)

Bài viết bởi Vi »


Hiện tượng lửa thánh tại Mộ Chúa ở Giêrusalem trong năm 2020 tháng 4 ngày 18



Trưa ngày thứ Bẩy 18 tháng Tư, tức là ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh của Chính Thống Giáo và của cả các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương, thế giới Chính Thống Giáo đã dán mắt vào các màn hình TV và computer để hồi hộp theo dõi hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem.

Nhà thờ Thánh Mộ - Holy Church of the Holy Sepulchre là danh từ của Công Giáo, người Chính Thống Giáo và Giáo Hội Armenia Tông Truyền gọi là nhà thờ Phục sinh – Holy Church of Resurrection - nằm phía bên trong bức tường than khóc trong khu vực cổ thành Giêrusalem, kế cận với đồi Golgotha. Theo truyền thống, nhà thờ đã được xây dựng trên khu mộ Chúa Giêsu đã được táng xác.

Trong những thời kỳ sơ khai của Giáo Hội, đây được xem là nơi thánh thiêng bậc nhất của Kitô Giáo. Thế nhưng đến thế kỷ thứ hai, hoàng đế Hadrianus đã cố ý cho đổ đất lấp hết những dấu tích của Kitô giáo, rồi xây đền thờ nữ thần Aphrodite, là một thứ nữ thần sắc đẹp như kiểu thần Vệ Nữ.

Sau khi đón nhận đức tin Công Giáo, năm 325, Đại Đế Constantine đã truyền phá hủy đền thờ nữ thần Aphrodite và cho đào bới khu vực này để tìm lại các dấu tích thánh thiêng của Kitô Giáo. Mẹ nhà vua là nữ hoàng Helena đã hiện diện từ năm 326 tại địa điểm này để đích thân giám sát các cuộc khai quật và xây dựng nhà thờ mới.

Theo thỏa ước Nguyên Trạng do Hoàng Đế Thổ Nhĩ Kỳ Osamn Đệ Tam đưa ra vào năm 1853, Công Giáo nghi lễ La Tinh, Chính Thống Giáo Hy Lạp, Chính Thống Giáo Coptic, Chính Thống Giáo Syria và Giáo Hội Armenia Tông Truyền đều có quyền ngang nhau trong việc coi sóc và cử hành các lễ nghi Phụng Vụ tại đây.

Truyền thống Chính Thống Giáo tin rằng hiện tượng Lửa Thánh là một phép lạ xảy ra hàng năm vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh theo lịch Chính Thống Giáo. Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Hy Lạp tại Giêrusalem được tin tưởng là nhận được lửa từ trời xuống bên trong ngôi mộ Chúa.

Lúc 10 giờ sáng ngày thứ Bẩy 18 tháng Tư, theo truyền thống, cảnh sát Do Thái đã vào trong Edicule, là ngôi đền nhỏ bên trong đền thờ Thánh Mộ, bao bọc khu hầm mộ Chúa, lục soát để bảo đảm rằng bên trong không hề có vật dụng gì có thể tạo ra lửa.

Đúng 11 giờ, thanh tra cảnh sát Do Thái niêm phong Edicule.

Nghi thức bắt đầu lúc 12 giờ trưa với kinh cầu Các Thánh. Đức Thượng Phụ Chính Thống Hy Lạp và các Giám Mục của Giáo Hội Chính Thống Giáo Hy Lạp đến trước Edicule. Ngài cởi bỏ phẩm phục bên ngoài và chịu sự khám xét của cảnh sát Do Thái để chứng minh rằng ngài không hề mang theo bất cứ vật dụng nào có thể tạo ra lửa. Sau đó, chỉ một mình ngài được vào trong Edicule, hai tay cầm hai bó nến.

Đức Thượng Phụ qùy cầu nguyện trước tấm đá cẩm thạch bao bọc chiếc giường bằng đá nơi thi thể Chúa được an táng. Các tín hữu Chính Thống Giáo hiệp thông qua các phương tiện truyền thông hồi hộp theo dõi, lo sợ hiện tượng này không xảy ra trong năm nay.

Sử sách ghi lại năm 1101, là năm hiện tượng này không xảy ra, và đó là năm đại dịch kinh hoàng.

Một lúc sau, ánh lửa bắt đầu phát ra từ bên trong ngôi mộ của Chúa Kitô. Các tín hữu Chính Thống Giáo trên toàn thế giới thở phào nhẹ nhõm, chứa chan hy vọng đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay sẽ sớm chấm dứt.

Đức Thượng Phụ tiến ra với hai bó nến được thắp sáng. Hai người phải kè hai bên ngài để dìu ngài đi. Có lẽ sức nặng tâm lý đã khiến ngài bước đi không nổi.

Đền thờ Thánh Mộ đã được thắp sáng với những ánh nến huy hoàng.

Những người hành hương và hàng giáo phẩm Chính Thống Giáo cho biết trong 33 phút đầu tiên lửa này không hề làm phỏng họ nếu họ giơ tay trên ngọn lửa.

Trong đoạn video này quý vị và anh chị em có thể thấy người nữ xuớng ngôn viên của một đài truyền hình Nga thở hổn hển xúc động tường trình với khán giả của cô là hiện tượng lửa thánh lạ lùng tại Mộ Chúa ở Giêrusalem đã diễn ra, và niềm hy vọng của cô là đại dịch quỷ quái này sẽ sắp kết thúc.

Theo truyền thống Lửa Thánh sau đó được rước đến Bethlehem, nơi Chúa xuống thế làm người. Chính quyền Do Thái đã dàn xếp các chuyến máy bay đặc biệt để đưa lửa thánh đến các quốc gia Chính Thống Giáo như Nga, Ukraine, Hy Lạp, Rumani. Các nhà lãnh đạo Chính Thống Giáo và cả các nhà lãnh đạo dân sự ra tận sân bay đón nhận.

Nguồn: Việt Catholic News (18/Apr/2020)
Trả lời

Quay về “Quốc Tế”