Vẫn lại chuyện "chữ" và "nghĩa"

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Vẫn lại chuyện "chữ" và "nghĩa"

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           





    Vẫn lại chuyện
    "chữ""nghĩa"

    ___________________________
    NGUYỄN BẢO HƯNG






    Kính thưa quí vị bà con cô bác,

    Con người khác với các loài động vật khác, theo tôi nghĩ, là nhờ có ngôn ngữ. Ngôn ngữ, dưới hình thức tiếng nói hay chữ viết, là phương tiện diễn đạt, là công cụ truyền thông. Nó thuộc về đời sống tâm linh, là biểu hiện sinh hoạt văn hóa nơi con người. Sinh hoạt văn hóa càng cao, ngôn ngữ cần phát triển theo nhằm đáp ứng yêu cầu diễn đạt ngày càng thêm tinh vi, sắc nhọn. Bởi vậy, cũng như đời sống, ngôn ngữ phải mang tính sinh động. Không chỉ riêng về mặt từ ngữ,về mặt định nghĩa hay nội dung ý nghĩa của một chữ hay một từ cũng có lúc cần sửa đổi để đáp ứng nhu cầu tiến hóa.

    Mới đây tôi nghe nói Ban soạn thảo bộ từ điển Larousse đang rục rịch sửa lại định nghĩa của từ Mariage. Đại để :
    • Thay vì "Union légale entre un homme et une femme" (Sự phối hợp theo pháp lý giữa một nam và một nữ),
    • thì trong tương lai có thể được sửa thành "Union légale entre deux personnes de même sexe ou non" (Sự phối hợp theo pháp lý giữa hai người cùng giới tính hay không cùng giới tính).
    Sở dĩ có dự tính sửa đổi này vì Quốc hội Pháp vừa phê chuẩn đạo luật thừa nhận quyền kết hôn giữa hai người đồng giới tính; từ mariage, do đó cần được định nghĩa lại cho thích nghi với trào lưu tiến hóa của xã hội.

    Trên đây là nhận định chung về ngôn ngữ. Riêng về phần tiếng Việt, tôi cho rằng đó là một ngôn ngữ dồi dào sức sống do tiềm năng tự tạo và tái tạo của nó. Tiềm năng này, theo tôi, trước hết do tiếng Việt thuộc loại ngôn ngữ đơn âm (langue monosyllabique) nhưng lại có cấu trúc câu được tạo thành bởi các từ ghép tức là những từ có thể do một, hai hoặc ba từ khác ghép thành. Nhờ vào đặc tính này của tiếng Việt ta có thể, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhân vật, tùy theo tâm trạng, tùy theo cảm nghĩ... tạo ra những từ mới bằng cách hoặc hoán đổi một chữ trong một từ hoặc thay thế bằng một chữ khác trong một từ để hoặc làm cho ý tưởng được sáng tỏ hơn, hoặc để làm nổi bật cái sắc thái, cái âm hưởng đặc biệt điều ta muốn diễn tả. Đưa ra nhận định này, tôi muốn tham gia đóng góp vào vấn đề nên hay không nên sử dụng một số từ vựng qua bảng đối chiếu theo từ điển Việt-Việt được nêu lên trong một e-mail tôi lại vừa nhận được.

    Phải nói vấn đề với tôi không có gì là mới mẻ. Tôi từng nhận được các mail thuộc loại này đã lâu rồi, rất nhiều lần. Tôi cũng có ý trả lời nhưng rồi lại bỏ qua, bởi vì hồi này không hiểu tại sao bỗng dưng mắc bịnh trây lười, lại thêm cái chứng cầu an không muốn đụng chạm, chỉ ngại có núc nỡ nời, ăn lói ninh tinh, sẽ bị phe ta giũa cho thê thảm. Nay tôi lại nhận thêm được mail này, cũng nhiều lần do bạn bè chuyển cho nên lần này quyết định lên tiếng gọi là để góp ý theo đề nghị. Tôi sẽ không viện dẫn sách vở lý thuyết này nọ để dài dòng văn tự, mà chỉ dựa trên một vài suy luận thực tiễn để xin được phép nói lên quan điểm của mình. (Còn đúng hay sai xin để các "đèn trời soi xét).


    1) Ấn tượng hay đáng nhớ ;
    bức xúc hay trăn trở, khó chịu ?

    • "Băng thu hình (vidéo) về tai nạn xe lửa gần thành phố Saint Jacques de Compostelle bên Espagne mới đây, rất là ấn tượng với tôi;nhưng nó lại làm anh bạn ngồi bên bức xúc vì anh có thân nhân đi trên chuyến xe lửa này."
    Nếu muốn dùng toàn từ ngữ VNCH ( Từ Việt-Việt [PDF] đính kèm), câu phát biểu trên sẽ được sửa lại như sau:
    • " Băng thu hình về tai nạn xe lửa gần thành phố Saint Jacques de Compostelle bên Espagne, rất là đáng nhớ với tôi; nhưng nó lại làm cho anh bạn ngồi bên trăn trở, khó chịu vì anh có thân nhân đi trên chuyến xe lửa này."
    Qua hai câu phát biểu trên, nếu phải lựa chọn, tôi sẽ không ngần ngại chọn câu đầu. Bởi vì hai chữ đáng nhớ không phù hợp với tâm trạng của tôi, nó lại càng không thích hợp với anh bạn ngồi bên cạnh. (Làm sao có thể gọi là "đáng nhớ" được nếu chẳng may người thân của anh gặp nạn trong vụ trật đường rầy đó? Phải nói nó trở thành một "ám ảnh" với anh mới đúng.).Trái lại, từ ấn tượng, theo tôi hiểu, tương đồng với các từ impression (nom), impressionner (verbe), hoặc impressionnant (adjectif) của Pháp, dùng để chỉ một biến cố, một hiện tượng đột xuất, bất chợt, tác động mạnh tới cảm xúc, cảm quan của ta trong khoảnh khắc nhưng không có hiệu quả lâu dài. Trước khi xảy ra vụ xe lửa trật đường rày tại Tây Ban Nha, đã xảy ra biết bao biến cố với hình ảnh ấn tượng không kém, như vụ xưởng may 10 tầng bi sập tại Bangladesh gây thương vong cho gần ngàn người, cơn bão lốc (tornade) tàn phá gây chết người tại Oklahoma hay vụ tai nạn máy bay của hãng Ariana tại San Francisco. Nhưng các hình ảnh rất ấn tượng về các biến cố này đã không tồn tại lâu dài trong ta vì chúng bị xóa nhòa bởi hình ảnh không kém ấn tượng của các biến cố kế tiếp. Nhà danh họa Claude Monet đã chọn từ Impression theo nghĩa này để làm sáng tỏ ý nghĩa nội dung bức tranh nổi tiếng của ông, "Impression, soleil levant" (1876) và nhờ đó từ Impressionnisme được khai sinh để nói lên tính sáng tạo cách tân của nền hội họa ấn tượng ( Tôi đã có dịp giải thích ý nghĩa nguyên thủy của từ này trong bài viết:" Trường phái ấn tượng hay ngôn ngữ hội họa sáng tạo", được đăng trên các trang mạng " Thư Viện Sáng Tạo", "Chim Việt Cành Nam" và một vài diễn đàn hải ngoại khác). Cũng bới tác động không có hiệu lực lâu dài của nó nên sẽ là nghịch nhĩ nêu như ta nghe có ai phát biểu:
    • "Vẻ đẹp ấn tượng của cô ta làm anh chàng ngơ ngẩn tối ngày"
    mà phải nói vẻ đẹp liêu trai hay mê hoặc mới đúng, vì vẻ đẹp của người con gái không chỉ là một hiện tượng bất chợt, vụt thoáng, mà thuộc về một trạng thái tồn tại lâu bền. Còn về phần nói lên tâm trạng anh bạn ngồi bên đang lo lắng cho số phận người thân trong vụ tai nạn xe lửa, tôi thấy từ bức xúc diễn tả đầy đủ và chính xác hơn là trăn chở, khó chịu vì, không riêng về mặt ngữ nghĩa mà nội cách phát âm của hai chữ bức, xúc (toàn với dấu sắc) cũng đủ gợi cho ta cái tâm trạng bồn chồn, nôn nóng, lo lắng của anh bạn.


    2) "Hoành tráng" hay "nguy nga, tráng lệ" ?

    Từ "hoành tráng" tôi chỉ được nghe nhắc đến (không biết có phải vậy không?) từ khoảng thập niên 80 khi VN bắt đầu bước vào thời kỳ đón nhận kinh tế thị trường. Và từ này ngày một trở nên trở nên phổ biến cùng với hiện tượng ngày càng thêm xuất hiện cái được gọi là những "đại gia".

    "Hoành tráng", theo tôi nghĩ, là từ được ghép thành bởi các chữ "hoàng" và chữ "tráng" của các từ "huy hoàng" và "tráng lệ", nhưng chữ "hoàng" được đổi thành "hoành" để vừa dễ đọc, vừa nghe thuận tai hơn. Khởi đầu, từ "hoành tráng" có thể là lời khen ngợi thành thực trước một tòa nhà bề thế sang trọng mới được cất lên, bên cạnh những căn nhà chật hẹp cũ kỹ còn sót lại của thời hậu chiến. Nhưng rồi ngày càng có thêm nhiều đại gia, người ta đua nhau khoe tiền khoe của để chứng tỏ sự thành công vượt trội của mình. Từ đó cái gì cũng được kêu là hoành tráng: từ một ngôi nhà đồ sộ, chiếc xe hơi bóng loáng, cái bóp xách tay mác ngoại đắt tiền..., thậm chí cả đến chuyện cô ca sĩ mới nổi danh: không biết có phải nhờ được thiên hạ đua nhau bơm quá "chời" hay vì phải hít hơi nhiều để lên giọng mà hai lá phổi của cô bỗng dưng căng tròn như hai trái bưởi khiến thiên hạ lại được phen tán tụng cô có bộ ngực nom hoành tráng quá. Do bị sử dụng ngày càng lạm dụng bừa bãi từ "hoành tráng", với tôi, ngày một bị tước dần ý nghĩa trầm trồ khen tặng ban đầu; thay vào đó là một âm hưởng xấu (une résonnance pejorative) với ngụ ý dè bỉu một sự khoe khoang hợm hĩnh nhiều hơn.

    Giờ đây, mỗi lần bắt gặp hai chữ hoành tráng, tôi chỉ thấy gợi lên hình ảnh một ngôi nhà bề thế đồ sộ, cũng đầy đủ nào là hoành phi câu đối nào là sơn son thiếp vàng. Nhưng nếu tinh ý một chút ta có thể nhận ra, qua cách trưng bày đồ đạc và phong cách xử sự, cái gốc cán mai cán thuổng của chủ nhân ngôi nhà. Do đó tôi chỉ dành các từ nguy nga, tráng lệ cho những công trình kiến trúc có giá trị thực sự về mặt thẩm mỹ, văn minh hay văn hóa mà thôi.


    3) "Tài liệu" hay "tư liệu" ?

    "Thư viện là nơi lưu trữ đủ loại sách, báo liên quan đến các lãnh vực văn hóa, chính trị, tôn giáo, triết học, lịch sử ... để làm tài liệu cho bất cứ ai muốn đến tham khảo. Tôi cũng thường đến đây sưu tầm một số văn bản, trích đoạn lấy về dùng làm tư liệu cho bài viết sắp tới về nhà văn X, nhà thơ Y...). Vậy là tài liệu và tư liệu, với tôi, không phải là hai từ đồng nghĩa: chúng không chuyển tải cùng một ý nghĩa nội dung. Nếu một cuốn sách, một tác phẩm văn học lưu trữ tại thư viện được coi là tài liệu tham khảo cho bất cứ ai, thì cũng cuốn sách hay tác phẩm văn học đó tôi lại sưu tầm được một số dữ kiện, một vài trích đoạn đem về làm tư liệu, vì các dữ kiện hay các trích đoạn đó lại chuyển tải một ý nghĩa riêng cho mục đích theo đuổi của tôi hay, nói khác đi, chỉ có tôi mới "đọc" ra được cái công dụng đặc biệt của chúng.

    Trong bài "Nguyễn Tất Nhiên, nhà thơ biểu tượng ?" (cũng trên các trang mạng nểu trên), tôi đã có lúc dùng từ "tài liệu", có lúc dùng từ "tư liệu", không phải do sơ ý lầm lẫn, mà còn lấy làm thích thú vì phát hiện được ý nghĩa đặc biệt của từ "tư liệu" để diễn đạt chính xác hơn và làm giàu thêm tiếng Việt.


    4) "Vấn đề" hay "Vấn nạn" ?

    • "Phải di chuyển hơn ba mươi cây số mỗi ngày tới Paris làm việc không thành vấn đề với tôi; nhưng nó lại trở thành một vấn nạn mỗi lần các nghiệp đoàn công nhân hỏa xa (SNCF) đình công đòi tăng lương hay cải thiện điều kiện làm việc."
    (Những ai từng sống ở Paris hay vùng phụ cận đều, không ít thì nhiều, phải thấm đòn vì nạn các công nhân hỏa xa đình công bất tử để đòi quyền lợi.).Vậy là, cũng như trường hợp tài liêu và tư liệu ở trên, các từ vấn đềvấn nạn không hoàn toàn đồng nghĩa. Được coi là có vấn đề (problème) khi ta phải đương đầu với bất kỳ khó khăn, trở ngại hay thử thách nào trong cuộc sống. Còn vấn nạn, theo tôi nghĩ, là một hình thức đặc biệt của vấn đề. Ta nên dùng từ này để chỉ các biến cố bất thường, ta biết được nhưng lại xảy đến bất ngờ nên ta thường hứng chịu hậu quả nhiều hơn vì khả năng giải quyết không hoàn toàn tùy thuộc nơi ta. Nếu chấp nhận hiểu theo nghĩa này, thì những trận cuồng phong hay bão lốc (tornades) cũng có thể được coi là một vấn nạn đối với cư dân tại Oklahoma hay một số bang khác tại Mỹ. Riêng tại Việt Nam, từ vấn nạn ngày càng được phổ biến để hầu như thay thế cho từ vấn đề, đặc biệt là trong các bài báo. Hiện tượng này theo tôi, cũng như từ hoành tráng, có nguyên nhân xã hội hay, đúng ra, có thể giải thích bằng thực trạng xã hội Việt Nam. Thí dụ như bài "Vấn nạn xây nhà không phép" của Trần Thanh Bình trên trang mạng Thanh Niên Online ngày 16-7-13 và bài "Vấn nạn dai dẳng từ làm du lịch kiểu ăn xổi" của Mai Anh trên báo điện tử Dân Việt ngày 16-7-13. Đăc biệt bài báo sau này có trích dẫn phát biểu của ông Hồ Anh Tuấn, thứ trưởng Bộ VHTTDL như sau:
    • "Chặt chém, chèn ép, đeo bám du khách đã là tình trạng bất cập của du lịch từ nhiều năm nay, nhưng thực tế đó là vấn đề chung của xã hội, không riêng của ngành du lịch... Đà nẵng, Hội An là điểm đến an toàn, trong khi một số địa phương như Hà Nội, TPHCM, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Ninh...lại thường xuyên xảy ra tình trạng này? Điều đó cho thấy phần quan trọng là sự quyết liệt giải quyết của địa phương."
    Trích đoạn này khá lý thú, bởi vì nếu tinh ý một chút, chỉ cần nhìn vào cách thức sử dụng một số từ, ta có thể đoán ra được thực trạng một xã hội. Trước hết là từ vấn đề còn chưa bị khai tử tại VN; bằng chứng là nó vẫn được một viên chức cao cấp trong chính quyên sử dụng. Với ông Hồ Anh Tuấn, các tệ nạn như xây nhà không phép hay chặt chém, đeo bám du khách chỉ thuộc loại các vấn đề xã hội. Nhưng dưới con mắt nhà báo chúng lại trỏ thành các vấn nạn, tại sao vậy? Tôi cho rằng từ vấn nạn, theo cách dùng ở VN, khởi thủy không cùng chung ý nghĩa như là một hình thức đặc biệt của vấn đề như các vụ đình công của nhân viên hỏa xa Pháp hay các cơn bão lốc tại Oklahoma. Trái lại, dưới ngòi bút của nhà báo VN, lúc đầu nó mang ý nghĩa theo một số Từ Ðiển VN như là hỏi vặn, là chất vấn để chờ câu trả lời. Những hỏi vặn, những chất vấn ở đây, theo tôi nghĩ, là những tệ nạn xã hội như xây nhà không phép, chặt chém, đeo bám du khách được nêu lên như là những vấn đề cần được giải quyết. Nhưng sau nhiều lần báo động mà giới hữu trách vẫn ù lì, không động tịnh, vấn đề đưa ra lúc đó mới trở thành vấn nạn. Bởi vì nhà báo chi có thể nêu lên các vấn đề mà thôi, còn khả năng giải quyết lại không nằm trong tầm tay của họ.Từ vấn nạn dược các nhà báo VN sử dụng ở đây, theo tôi, có phần nào tương đồng về mặt ý nghĩa của từ vấn nạn liên quan đến các vụ đình công của nhân viên hỏa xa tại Pháp hay các cơn bão lốc tại Oklahoma như là những vấn đề ta được biết nhưng không có phương cách giải quyêt. Vè phần người dân tại Việt Nam, thấy nhà báo ngày càng nhắc đến "vấn nạn" hơn vấn đề, nghe riết thành quen; có lẽ vì thế, họ đã dùng từ vấn nạn thay cho từ vấn đề.





    Trên đây là những suy luận cụ thể dựa trên một vài thí dụ điển hình; nhưng cũng tạm đủ để tôi rút ra một vài nhận định như sau:

    1) Chữ nghĩa không chỉ giữ vai trò thuần túy thông tin hay truyền đạt. Nó còn tác động tới hành động của ta trong cuộc sống. Ta càng chọn được từ diễn tả chính xác chừng nào, ta càng có cái nhìn khách quan và trung thực về hiện thực chừng nấy và, nhờ đó, tăng cường khả năng ứng xử thích nghi trước đời sống không ngừng biến động.

    2) Ngôn ngữ là tài sản chung của của đất nước, của dân tộc. Chúng không thuộc quyền sở hữu của một chính thể, một chế độ, một phe phái chính trị nào. Theo dòng lịch sử, bất kỳ đảng phái, chính thể, chế độ chính trị nào rồi cũng qua đi. Chỉ có chữ và nghĩa như là tinh hoa tiếng nói của dân tộc mới tồn tại. Mà ngôn ngữ như là tinh hoa tiếng nói của một dân tộc không chỉ được đánh giá theo con số những thuật ngữ cao siêu bí hiểm hay những câu văn chau chuốt óng ả với những mỹ từ hoa hòe hoa sói đem phủ lên mấy khúc xương đã trắng hếu, nhạt thếch vì bị hầm đi hầm lại quá nhiều. Trái lại cái tinh hoa ngôn ngữ của một dân tộc, theo tôi, chủ yếu nằm trong tính đa năng đa dạng của nó. Điều này có nghĩa là nó phải bao gồm đủ loại từ ngữ, bất kể thượng vàng hạ cám, miễn sao cho phép ta diễn đạt tinh vi chính xác với đày đủ sác thái âm hưởng để nói về một sự kiện, một tâm trạng, một nhân vật đúng với hoàn cảnh, với vị thế xã hội của từng trường hợp một. Ngôn ngữ như là tiếng nói của một dân tộc, do đó, không phải chỉ là những ký hiệu khô khốc đồng nghĩa, đồng phục như những thuật ngữ trong tin học. Trái lại mỗi từ sử dụng trong văn học đều có phần hồn của nó. Cái phần hồn đó được thể hiện ra sao là do cách sử dụng sáng tạo nơi người viết và tinh thần tìm hiểu chủ động nơi người đọc. Không quan tâm tới mấy điểm này, ta khó tìm lại được cái thú vui đèn sách của thuở nào, cái thú vui ấy đang bị các đạo quân xâm lược gồm đủ loại tin tả pí lù của các trang mạng ngày càng lấn áp và đẩy sâu vào vùng bóng tối. Có tìm đến thú vui đèn sách, ta mới biết nâng niu chữ nghĩa, có thái độ trân trọng chữ nghĩa bằng đào sâu tìm hiểu về tương quan giữa chữ và nghĩa và thận trọng cân nhắc trong cách sử dụng chúng. Đó mới là việc làm tối thiểu, theo tôi, để chứng tỏ ta đây có tinh thần quốc gia hay biết giữ thơm quê mẹ. Còn như đem phân loại một số từ vựng để dựng lên một hàng rào chữ nghĩa, rồi cuối cùng lại đem nhốt chúng vào chung một cái rọ ngữ nghĩa thì, xét cho cùng, cũng chỉ đem lại cho ta kết quả thuộc loại "ruồi bu" mà thôi. Cũng như hành động một thời của mấy ông làm văn nghệ, mấy bà ca sĩ chợ chiều, mấy tay hoạt đầu chính tri, mấy ông nhà binh dân "thầy chạy" : Sau một hồi chửi thề chửi đổng om sòm lại quay ra than vắn thở dài, để cuối cùng đi tìm an ủi trong giải pháp sống khôn lỏi, sống khôn vặt, sống mánh theo đúng bài bản của mấy dân láu tôm láu cá: "Gặp thời thế, thế thời phải thế. Có thế nào thì thời thế cũng thế thôi. Thế thì thôi ta cứ nên theo thời thế. Có thế thì ta mới sống thức thời". Viết xong, đọc lại tôi giật mình đánh thót một cái: Bỏ mẹ! Mấy câu này chẳng may lọt vào mắt xanh mấy ông Mỹ, bà Đầm đang muốn tìm hiểu về tiếng Việt, chắc họ sẽ lầu bầu nghĩ bụng: "Tiếng Việt nghe nói tinh anh tinh quái gì đâu mà chỉ thấy toàn những âm thờ (th). Có vài câu mà đọc lên cứ lủng cà lủng củng khiến phát tức cả cái cửa mình, y chang những lúc phải nghe tiếng gà kêu mắc đẻ hay câu chuyện lẩm cẩm của anh chàng mắc bịnh Alzheimer í." Vậy xin nhờ các bậc học giả uyên bác hoặc mấy bậc giáo sư tiến sĩ đại học dịch dùm tôi mấy câu trên ra tiếng Tây, tiếng Mỹ giúp họ thấy rằng mấy câu ấy cũng nói lên được điều gì đó, và tiếng Việt mình không đến nỗi nghèo nàn, thấp kém lắm đâu như có người nghĩ. Mong lắm thay.

    Dạ thưa quí vị bà con cô bác,

    Tôi vốn không phải là dân lắm điều, lúc đầu có ý chỉ phân bày ngắn gọn trong vài hàng thôi. Nhưng thời gian gần đây, không hiểu tại sao bỗng dưng tôi không háo hức lắm với chuyện chăn gối... Í chết! Xin lỗi, tôi nói lộn: tôi định nói rằng không háo hức lắm với chuyện viết lách. Có lẽ vì thế tôi đã mắc phải chứng bịnh "khí tồn tại não" như ta thường nghe nói, nên vừa nắn tới cây bút, ý tưởng và chữ nghĩa không biết ở đâu bỗng tuôn ra lênh láng như nước vỡ bờ, không sao ngăn được. Bởi vậy trong lúc dài dòng, có điều gì không phải hoặc lỡ làm phí phạm thì giờ vàng bạc của một số quí vị thì xin các vị hãy vui lòng bỏ qua cho. Có vậy đôi khi tôi mới bạo gan bạo phổi mà rằng:

    • Dẫu có lời quê xin cũng cho góp nhặt dông dài
      Biết đâu mua vui lại chẳng lai rai đóng góp lấy được một vài trống canh.


    Trân kính



    http://chimvie3.free.fr/77/nguyenbaohun ... ia_077.htm
Trả lời

Quay về “tiếng Việt nước tôi”