Thơ dịch & Dịch thơ

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Thơ dịch & Dịch thơ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           









    Thơ dịch
    ______________________________
    Võ Phiến _ 11-1990








    — Bạn nghĩ thế nào về thơ dịch?

    — Tôi nghĩ: Thơ dịch không phải là thơ, dịch thơ không phải là dịch.

    — Thế à?

    — Thế.

    — Nghĩ thế không nghĩ còn hơn. Nhảm quá.

    — Thế à?

    — Thế. Thơ dịch đang đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn học quốc tế. Bạn xem: Ngày nay trên các tạp chí văn học nước nào mà thỉnh thoảng không giới thiệu sáng tác nước ngoài qua thơ văn phiên dịch?

    — Từ từ. Hãy nói chuyện giá trị trước, chuyện vai trò sau. Về giá trị: Thơ dịch không phải là thơ.

    — Thế nó là cái gì?

    — Là ý thơ. Ý thơ đâu phải là tất cả bài thơ? Cũng không phải là phần quan trọng của bài thơ. Không quan trọng chút xíu nào.

    — Từ từ. Xem nào: Bạn bảo thơ dịch là ý thơ?

    — Vâng. Thì chỉ là cái ý, cái nghĩa của bài thơ gốc thôi. Bạn còn đòi dịch được cái gì nữa?

    — Thế ngoài cái ý ra, bài thơ còn có những gì?

    — Ngoài cái ý ra, còn lại bài thơ. Nói cách khác, khi bạn vất cái nghĩa bài thơ đi rồi thì cái còn lại là phần cốt tủy của bài thơ.

    — Gớm. Sao mà phét lác thế. Còn lại những gì? Nói cho cụ thể xem.

    — Điệu thơ này, thể thơ này, giọng thơ này, lời thơ này, không khí bài thơ này... Bao nhiêu là cái, cái nào cũng quan trọng hơn ý thơ.

    — Bạn có thể nói mà không huênh hoang được không? Nói cho rõ ràng, cho cụ thể xem nó quan trọng như thế nào?

    — Thì nói. Bạn nhớ bài ‘Tống biệt hành’ của Thâm Tâm chứ? Hãy thí dụ bây giờ ta “dịch” bài ấy ra... lục bát. Vẫn là một bài thơ bằng tiếng Việt, nhưng theo thể lục bát. Thế thôi. Như vậy ta tránh cho nó sự chuyển biến từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Ta hạn chế bớt sự thay đổi, mất mát. Chỉ có đổi từ thể thơ này sang thể thơ kia mà thôi. Cái đổi ấy cũng không lớn lao gì: Từ một thể thơ Tàu đã Việt hóa sang một thể thơ Việt thuần túy. Gần như từ Việt sang Việt. Đâu thấm thía gì nếu đem so sánh với trường hợp dịch một bài sonnet ra một bài thất ngôn bát cú, hay dịch những câu thơ alexandrin ra những câu song thất lục bát. Phải không?

    Đó, tôi chọn trường hợp thuận lợi nhất cho bạn, tôi tỏ thiện chí tối đa đối với bạn. Tôi đố bạn dịch thế nào cho thành một bài ‘Tống biệt’ lục bát có khả năng truyền đúng những xúc cảm chứa đựng trong bài hành của Thâm Tâm.

    Tôi không có ý chê bạn là người kém lỗi lạc. Tôi bênh vực bạn: Tôi cam đoan không một ai trên đời này có thể dùng thể lục bát để truyền lại đúng cái xúc cảm của một bài hành cả. Mỗi thể thơ có cái phong thái của nó. Cũng như mỗi ngôn ngữ, mỗi giọng thơ có cái phong thái riêng của nó... Dịch thế quái nào được?

    Mỗi bài thơ làm ra nhằm gây một tác động xúc cảm nhất định đối với độc giả. Khi bài gốc gây xúc động này bài dịch gây xúc động khác thì thay thế nhau thế nào được? bài này đòi quyền đại diện cho bài kia thế nào được?

    — Nào xem:
              
    “Đưa người, ta không đưa qua sông,
    Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
    Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
    Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
    Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
    Một giã gia đình, một dửng dưng...”

              
    Lục bát quả không có được cái rắn rỏi ấy.


    — Còn nữa, bạn ơi!
              
    “Ly khách! Ly khách! con đường nhỏ,
    Chí lớn chưa về bàn tay không”

              
    Lục bát có chuyển được giọng ấy không?
              
    “Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước:
    Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
    ...........................................
    Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay:
    Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
    ......................................................
    Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
    Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
    Chị thà coi như là hạt bụi,
    Em thà coi như hơi rượu say.”

              
    Đó, bạn dịch xem! “Người đi! ừ nhỉ, người đi thực!” Bạn dịch đi. Tôi rộng lượng, tôi khoan hồng: Tôi không đòi bạn dịch ra tiếng Mỹ, tiếng Nga, tiếng Mông Cổ, tiếng Lèo... gì ráo. Chỉ nhờ bạn dịch hộ ra thơ lục bát thôi: Hay là bạn muốn dịch ra bài vè tứ tự? Cũng được luôn. Nhưng tôi cấm bạn biểu diễn một màn lố bịch xung quanh bài thơ danh tiếng một thời.

    — Quả thực có một cái gì dính liền với thể thơ cổ phong Tàu, không truyền sang thơ ta được.

    — Thế bạn không nghĩ có một cốt cách riêng dính liền với thể thơ haiku của Nhật sao? không có một cái gì dính liền với thể song thất lục bát của ta sao? với mỗi thể thơ của Nga, của Pháp, của Thổ-nhĩ-kỳ, của Ai-cập v.v... sao? Chắc chắn phải trải qua nhiều đắn đo trăn trở, phải có lý do đích đáng, rốt cuộc bài tanka năm câu nó mới quyết định rụng đi hai câu để thành bài haiku ba câu mười bảy âm chứ? Sự hi sinh hai câu với mười bốn âm, hi sinh ngót nửa bài thơ, một hi sinh lớn lao như thế tất nhằm một cái gì chứ? Tác dụng gì? Hiệu lực gì? Bạn đếch cần! Gặp năm câu bạn phụt ra năm câu, gặp ba câu bạn phết cho ba câu, hoặc lục bát, hoặc ngũ ngôn, hoặc thất ngôn, tiện đâu bạn xài đó. Bạn dịch thế có chết thơ người ta không?

    — Ơ hay! Bạn gây gổ đấy à? Tôi không hề dịch haikai haiku, không hề dịch tanka tankiếc gì cả. Cũng không hề dịch cổ phong ra lục bát theo đề nghị lố bịch của bạn.

    — À, vâng. Thế thì tốt. Dù sao xin bạn nhớ kỹ cho: Thể điệu của bài thơ là cái gì rất quan trọng, và chúng ta không hi vọng tìm được những thể điệu thực sự tương ứng trong các ngôn ngữ khác nhau.

    Bây giờ, chúng ta hãy bước sang một cái gì dịu dàng, thoải mái hơn.

    — Cái gì dịu dàng? Bạn trở nên dịu dàng à? Có tin được không?

    — Không cần. Hãy thưởng thức mấy lời tình tứ du dương:
              
    “Nhà em có một giàn trầu,
    Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
    Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
    Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?”

              
    Bạn thấy sao?

    — Từ ngày ra khỏi nước tới nay, giữa chúng ta với cái mộc mạc quê mùa của Nguyễn Bính như có sự cách biệt cả một kiếp người. Ở đây không phải chỉ có cái mộc mạc. Chàng trai này mộc mạc mà lại ỡm ờ. Thế mới tình.

    — Bạn nghe thêm một chút giọng nữ nhé:
              
    “Em nghe họ nói mong manh
    Hình như họ biết chúng mình... với nhau
    Ai làm cả gió, đắt cau,
    Mấy hôm sương muối cho trầu đổ non?”

              
    Bạn thích không? Bạn dịch ra bài thơ tiếng Mỹ nhé.

    — Tôi ngờ bạn bị quỉ ám. Bạn có những sáng kiến hành hạ người đời cách vô cớ. Những thôn Đoài và thôn Đông, những cau nhớ trầu, những sương muối và trầu, những gió và cau v.v..., nó liên hệ với tình yêu ở xứ này một cách lố bịch, những cái đó có thể làm khối người Mỹ chết sặc vì cười. Hoặc dãy palm ngoài phố, hoặc hàng cau liên phòng, thì nó tình tứ, nó lãng mạn chỗ nào? Bạn nhiễm nặng tính hiểm ác vào người, e bất trị.

    — Thông cảm thì Đông với Đoài cau với trầu là tình tứ, mà không thông cảm thì tai nghe lòng cứ dửng dưng, không chút rung động. Muốn có những xúc động giống nhau không phải chỉ cần nghe hai câu thơ có nghĩa giống nhau; mà phải cùng chung sống một phong tục, cùng thấm sâu một không khí sinh hoạt chung.

    Nhưng tôi sẵn sàng bỏ qua cho bạn những cái lẻ tẻ ấy. Lần này tôi chỉ đòi bạn có một điều: là cái giọng. Chúng ta vừa thấy: cái giọng của anh chàng thôn Đoài nghe mộc mạc mà lại ỡm ờ. Còn cô gái “chúng mình với nhau” thì cả thẹn, thì chất phác, mà lại đong đưa. Và cả hai, họ ỡm ờ họ đong đưa theo lối riêng, theo cái lối cách xa chúng ta hàng thế kỷ, cách chúng ta một môi trường sinh sống lạ hoắc. Sau khi đã miễn trừ, đã bỏ qua một số lỉnh kỉnh, liệu tôi có thể nhờ bạn dịch hộ mấy câu ấy ra thơ Mỹ được không?

    — Ơ hay!

    — Không, không! Tôi không có ác ý. Tôi không hề muốn chứng minh rằng cái Anh văn của người bạn công dân Mỹ mười lăm năm là chưa vững.

    — Thế thiện ý của bạn là muốn chứng minh cái gì?

    — Tôi ao ước được bạn nghiệm thấy rằng tìm cho được một cái giọng thích hợp là thiên nan vạn nan. Giờ đây trên nước Mỹ mênh mông, ở đâu có kẻ nói năng bằng cái giọng như thế? Dù là ở chỗ đồng quê hẻo lánh nhất, liệu có còn ai chất phác mộc mạc kiểu ấy chăng?

    Cách đây gần nửa thế kỷ, ông Hoài Thanh viết thế này:
    • “Cái đẹp kín đáo của thơ Nguyễn Bính (...) khó lọt vào con mắt các nhà thông thái thời nay. Tình cờ có đọc thơ Nguyễn Bính họ sẽ bảo: ‘Thơ như thế này thì có gì?’ Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một điều mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quí giá vô ngần: hồn xưa của đất nước.”

    Bạn mà không tìm ra được một giọng Mỹ thích hợp, thực sự tương ứng với giọng Nguyễn Bính, nhất định độc giả Hoa Kỳ sẽ kêu:
    • “Thơ như thế này thì có gì?”
    Bạn đắc tội với thơ Nguyễn Bính, bạn đắc tội với hồn xưa đất nước. Tội của bạn không biết để đâu cho hết. Nhưng cái giọng đặc biệt ấy đã khó tìm thấy ở thị thành Việt Nam thời tiền chiến, còn làm sao tìm được ở Mỹ ngày nay nữa, hở Trời! Bạn có là người Mỹ da trắng ở xứ này hai ba trăm năm, bạn cũng đến ngẩn tò te thôi: Dịch thế nào được?

    — Gớm. Nói năng cứ ba hoa chích chòe.

    — Ấy, đó là giọng của tôi. Cũng khó dịch đấy.

    Giọng thơ, lời thơ, nó là một phần phong cách của người thơ. Mỗi người một giọng, một phong cách. Mỗi thời một giọng, một phong cách. Mỗi xã hội, mỗi nền văn hóa, một phong cách v.v... Lấy cái phong cách của người này, thời này, dân tộc này, “dịch” cái phong cách của người khác, của thời khác, của dân tộc khác?...

    — Tôi hiểu. Cũng như mỗi thể thơ có một phong cách, không thay thế nhau được, không “dịch” nhau được.

    — Bạn là người có thiên tư. Nghe đâu hiểu đó. Tốt. Tuy vậy tôi muốn trở lại chỗ giọng thơ một chút, cho nó... cụ thể. Tôi muốn bạn nghĩ giùm tôi đến cái liếc mắt mỗi khi bạn tiếp xúc với một giọng thơ.

    — Bạn là thứ gì mà muốn điều kỳ cục vậy?

    — Hai món không khác nhau. Cất lên mấy câu ân tình cũng như liếc nhau, cùng một ý nghĩa: là tán tỉnh cả. Hoặc tán tỉnh bằng lời, hoặc tán tỉnh bằng mắt. Mỗi người một cách tán tỉnh, mỗi người một cách liếc. Có cách tán tỉnh mộc mạc, chất phát, có câu tán tỉnh láu lỉnh, trai lơ. Có cái liếc rụt rè e ấp, có cái liếc lẳng lơ, có cái liếc sắc như dao, có cái liếc kín đáo ngại ngùng v.v... Thử tưởng tượng: Một đám trai tài gái sắc, anh hùng hào kiệt, sắc nước hương trời, cùng ngồi bên nhau, “tình trong như đã”. Chợt hô “Liếc!” một cái, thôi thì mạnh ai nấy liếc, người nào liếc cách nấy.
              
    “Con dao vàng rọc lá trầu vàng,
    Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa.”

              
    Ðố ai lấy cái liếc của người này “dịch” cái liếc của người kia được. Mặc dù ý nghĩa không có gì khác nhau...

    — Biết rồi, khổ lắm...

    — Bạn quả là người có thiên tư. Do đó bạn được mời tham dự một thí nghiệm khác: Dịch thơ Lá hoa cồn của ông Bùi Bàng Giúi ra bất cứ thứ ngôn ngữ Á, Âu, Phi, Mỹ nào. Bạn dự nhé.

    — Đồ quỉ. Đang nói chuyện thơ văn chuyện nghiêm chỉnh, bạn nghịch như quỉ.

    — Nghịch là một phong cách. Lá hoa cồn là một khía cạnh trong phong cách của ông Bùi Bàng Giúi. Bạn mà bỏ qua nét ấy là bạn không truyền thần được nét nghịch ngợm của Bùi Giáng nhé.

    — Những trò lái liếc chẳng qua là một đặc điểm bất thường của Việt ngữ. Chọn cái éo le như thế để bắt bí nhau: Không... quân tử gì cả.

    — Tôi biết thế nào bạn cũng chê. Tuy nhiên ở đây tôi chỉ muốn bạn chú ý đến cái đặc tính của mỗi ngôn ngữ. Có chỗ éo le, có chỗ không éo le.
              
    “Cửa son đỏ hoét, tùm bum nóc” (Hồ Xuân Hương).

              
    Cái đỏ như thế, mới đọc lên nghe nó đã sỗ sàng; cái nóc như thế, tự dưng nghe không được... trọng vọng. Màu đỏ thì cứ tha hồ đỏ, việc gì mà sỗ sàng? Người ngoài viện cho được cớ để bắt tội nó: khó đa. Nhưng lỗ tai Việt Nam nghe qua cái “oét”, biết ngay! không chối cãi được.

    Này nữa:
              
    “Quê nhà xa lắc xa lơ đó
    Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”
    (Nguyễn Bính)

              
    Dịch ra tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Maroc v.v..., bạn có dịch chữ “đó” không? Bạn dịch ra sao, xin cho nghe... Bạn lại mắng tôi kém... quân tử! Bạn chỉ dịch cho xong ý nghĩa câu thơ, rồi bạn bỏ qua cái tiếng thừa thãi hả? Bạn khôn ơi là khôn!

    — Kìa, bạn đay nghiến tôi đấy à? Thì tiếng nước nào chẳng có tiếng hư tiếng thực, nghĩa nổi nghĩa ngầm v.v...

    — Đấy. Chúng ta nhất trí với nhau gần hoàn toàn. Cái rắc rối là những hư, thực, nổi, ngầm ấy nó không trùng hợp nhau. Tiếng nói của bạn hư chỗ này, tiếng nói của người hư chỗ khác. Dịch không nổi.

    Thơ là nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ. Thi sĩ khai thác đến tận cùng cái tinh vi của ngôn ngữ, tất nhiên chỉ là ngôn ngữ dân tộc ông ta thôi. Cho nên trong thơ hay của người nước nào mà lại không có ít nhiều chất Bùi Giáng? (Ý tôi muốn nói: ít nhiều liên hệ với các đặc điểm ngôn ngữ bản xứ.) Giữa lời thơ với ngôn ngữ được sử dụng có đầy âm mưu thầm kín. Đôi bên chúng nó toan tính, đồng lõa với nhau, nháy nhó nhau, chúng phối hợp nhau gây nên những nét đẹp đẽ, ngộ nghĩnh, những xúc động lâm ly v.v... mà kẻ “ngoại thủy” không ai tham dự được. Đứng bên ngoài, kẻ dịch thơ nghệch người ra.

    — Bạn cực đoan vừa thôi. Cứ nghe bạn nói riết một hồi, tưởng chừng thơ không cần ý. Không có ý thơ, tứ thơ, làm sao có thơ? Cái nảy ra trước tiên trong đầu thi nhân, cái gây ra cảm hứng của thi nhân, cái đó là một tứ thơ chứ đâu phải là chữ nọ lời kia, giọng này giọng khác? Cái gì nó chủ trì toàn bài thơ, làm nòng cốt cho bài thơ, cái đó là một ý tưởng, đâu phải là những “đặc diểm ngôn ngữ” lặt vặt như lá hoa cồn, như sư cụ đáo nơi neo?

    — Bạn nói trúng phóc. Thơ cần có ý: đúng. Ý thơ là nòng cốt: đúng nữa. Cái ý đối với bài thơ cũng như bộ xương đối với con người. Người cần có bộ xương, bộ xương là nòng cốt con người. Khởi đầu, thi nhân nảy ra một cái ý. Khởi đầu, Thượng Đế lấy một cái xương, để gầy ra con nguời.

    Gầy xong cái nòng cốt, nhìn lại bộ xương, Thượng Đế rụng rời khiếp hãi vì sự xấu xí của tác phẩm mình. Người lấy làm xấu hổ, Người vội vã lấy đất sét đắp lên, bao bọc kín cả xương.

    Thơ cũng như người: đẹp vì thịt, không đẹp vì xương. Khi chỉ còn là hai bộ xương xếp nằm cạnh nhau, Tây Thi và Chung Vô Diệm trông như nhau. Thơ cũng như người: sống nhờ thịt, không sống nhờ xương. Khi thịt rữa nát rồi, chỉ còn lại bộ xương, chỉ còn lại cái nòng cốt, thì không còn sự sống nữa.

    Thơ cũng như người: mọi biểu hiện phong cách đều ở thịt, không ở xương. Làn thu thủy nét xuân sơn, bộ dạng ranh mãnh, vẻ phúc hậu, nỗi buồn phiền, ưu tư, hân hoan, tha thiết v.v... đều là thịt cả. Xương, không có bộ xương buồn. Không có bộ xương nhí nhảnh. Bộ xương không có cá tính, bản sắc, không có phong cách. Cái nòng cốt không có phong cách.

    Nếu bạn chọn cái đẹp, chọn sự sống, chọn tìm hiểu một phong cách..., bạn chọn thịt. Chọn lời thơ, giọng thơ, chọn câu, chọn chữ v.v... Trong những cái đó có hơi thở của con người.

    Hoặc giả bạn nhất định chọn cái “nòng cốt” chăng?

    — Còn bạn, cứ đà này không khéo dần dần bạn tiến đến những bài thơ không có ý!

    — Rất có thể. Có thể lắm. Xưa nay vẫn có những bài thơ vô đề, không từng có bài thơ nào vô ngôn. Thơ là lời, là chữ, là nhịp điệu, vần vè. Thơ là thể xác. Mất thể xác đi là mất tất cả. “Thác rồi thể xác, còn là ...khỉ meo!” Không có cái tinh anh nào còn lại cả.

    — Bạn hung hăng như con bọ nguậy.

    — Tôi hung hăng như người đi đúng chính đạo, nắm đúng chính nghĩa.

    Hãy nghe một người tiền chiến sành thơ nói về một bài thơ tiền chiến, tức Hoài Thanh nói về ‘Tống biệt hành’: “Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc.”

    Đó là một người biết cách nói. Ông ta chỉ nói đến điệu thơ, lời thơ, câu thơ. Ông ta không hề nói đến ý thơ.

    Trở lại chuyện dịch. Ý “tống biệt”, bạn dịch được. Toàn bài có bao nhiêu ý lớn ý nhỏ, chịu khó mằn mò bạn có thể dịch được tuốt hết. Nhưng như vậy là bạn chưa hề động chạm gì đến cái hay, cái đặc biệt của bài thơ. Bởi vì bạn làm thế quái nào dịch được cái “gấp”, cái “gắt”, cái “rắn rỏi”, cái “gân guốc”? Tức những cái không nằm trong ý thơ mà trong xác thơ. Như vậy bạn dịch làm chi? Bản dịch của bạn có thể dùng vào việc gì khi nó không có công dụng truyền đạt cái hay, cái đặc điểm của bản gốc? Bạn dịch làm chi, bạn nói tôi nghe? Dịch như thế... Tôi nghĩ đến cái ngày mà Truyện Kiều được dịch sang đủ 160 thứ tiếng của các nước trong Liên Hiệp Quốc, cái ngày xương cốt Kiều tung tóe đó đây, bấy giờ thiên hạ sẽ khóc Tố Như râm ran khắp nơi. Lo gì thiếu kẻ xót thương?

    — Điệu này e phải cấm dịch thơ.

    — Xin can. Vì vai trò quan trọng của nó trong sinh hoạt văn học quốc tế mà bạn đã nêu lên từ đầu. Vì “có còn hơn không”.

    — Tự dưng bạn mở lượng hải hà!

    — Không mở không yên. Nhu cầu cảm thông của nhân loại quá khẩn trương, quá lớn lao. Ngày nay bốn bể một nhà. Người tứ xứ muốn hiểu nhau, bằng bất cứ giá nào. Một nước Đông Âu vừa xóa bỏ chế độ cộng sản: Ai nấy muốn biết đời sống bên xứ đó ra sao, vật giá bên đó ra sao, văn thơ bên đó ra sao. Một thi sĩ Nam Mỹ hay Bắc Phi chẳng hạn vừa được giải Nobel văn chương: Lập tức, ai nấy muốn biết ông ta viết cái gì v.v... Người ta sẵn sàng trả cho cái biết ấy một giá cao: Điệu thơ? giọng thơ? lời thơ? — Hi sinh luôn.

    — Biết như vậy rồi có... ngưỡng mộ được không?

    — Được tất, bạn ơi. Thời nào tục nấy. Thời nay khối người kiếm vợ qua văn phòng xe duyên: kẻ Âu người Á, trông qua tấm ảnh mà yêu nhau, mà nên vợ nên chồng. Ảnh với thơ dịch, đại khái như nhau. Người thì chỗ cao chỗ thấp, ảnh thì bẹt; người khi e ấp khi suồng sã đều hay, khi mát rượi khi nóng bừng đều hay, ảnh cứng đờ bất động; người thì thơm tho, ảnh vô vị; người sờ vào có điện giật, ảnh vô tri v.v... Thơ dịch, khác gì đâu? Nhưng xem xong một bài thơ Nga xô dịch ra lục bát, vẫn có thể cả tiếng tuyên bố là đặc biệt yêu thích tác giả: Sợ gì? Miễn ông ta nổi tiếng lớn.

    — Hừm! Thời nay tục nay như thế rồi đi tới đâu?

    — Tới thơ trí tuệ.

    — Bạn nghĩ vậy thật đấy à?

    — Không nghĩ vậy không xong. Một mặt bạn, chính bạn, bảo rằng thơ dịch bây giờ xuất hiện trên khắp tạp chí văn nghệ các nước; một mặt tôi nhớ ông Nguyễn Hưng Quốc có lần cũng nhận thấy bây giờ nhiều thơ trí tuệ. Người nào cũng đúng cả. Tôi chỉ thêm vào một ý kiến: E giữa hai sự việc có mối liên hệ. Bạn nghĩ coi: Khi bạn sống giữa một thời đại mà các đại danh gia quốc tế, các con đại bàng trên đỉnh Thi Sơn (Parnasse), các thi hào thi bá tiền tiến nhất của thế kỷ đều trao gửi đến ta toàn thơ xương cả thì ai còn lòng nào ngó ngàng tới chất thịt của thơ nữa. Trăm trường hợp như một: thơ các vĩ nhân dịch ra đều chỉ còn trơ cái ý thơ thôi. Thơ như thế đang thành công lớn; họa có điên mới làm khác.

    Dạo xem riết những con vật trưng bày trong bảo tàng viện, dám có ngày thấy động vật toàn xương trông dễ coi, dám có lúc nghĩ rằng động vật thời tiền sử thường không có thịt. Phải cố gắng vận dụng tưởng tượng mới hình dung được cách khác.

    — Tôi không nghĩ có thể giải thích xu hướng thơ trí tuệ bằng luận điệu của bạn.

    — Bạn có lý. Chúng ta đang nói chuyện thơ dịch, chúng ta không có chủ đích đi giải thích thơ trí tuệ. Thơ trí tuệ có thể phát sinh do năm chục nguyên nhân chính đáng. Tìm tòi cho đầy đủ những nguyên nhân ấy là công việc của người giải thích thơ trí tuệ. Tôi chỉ xin phép bạn giành lấy một chỗ nhỏ xíu cho thơ dịch thôi. Bạn nghiệm xem: nó có phần đóng góp đấy, không sao?



    (11-1990)




    http://www.tienve.org/home/literature/v ... workId=471
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Dịch thơ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           









    Dịch thơ
    ______________________________
    Võ Phiến








    – Tôi nghe nói bạn từng đối thoại về thơ dịch?

    – Bạn nghe đúng.

    – Tôi nghe nói bạn chê thơ dịch?

    – Bạn nghe gần đúng.

    – Tính tôi cẩn thận… Có phải bạn bảo rằng thơ không thể dịch được?

    – Cái đó còn tùy. Có thứ thơ làm ra chỉ chờ dịch. Tha hồ dịch ra đủ mọi thứ tiếng trên hoàn cầu, nó không hề hấn.

    – Ý bạn nói thật vàng không sợ lửa chứ gì? Thơ hay đến nơi đến chốn thì dịch ra tiếng gì cũng hay chứ gì?

    – Ðó không phải ý tôi. Bạn nên cẩn thận hơn.

    – Kìa! Bạn vừa bảo có thứ thơ…

    – Ðấy, tôi bảo có “thứ” thơ, tức “loại” thơ. Tôi không xếp hạng thơ cao thơ thấp, thơ hay thơ dở. Tôi chỉ phân biệt loại này khác loại nọ.

    – Thế à? Thơ có loài à?

    – Vâng, có.

    – Thí dụ?

    – Bạn muốn cái thí dụ về loại thơ chờ được dịch? Ðây:
    • “Nhất cao là núi Ba Vì,
      Thứ ba Tam Ðảo, thứ nhì Ðộc Tôn”.

    Có thể kể luôn tới thứ một trăm, rồi dịch tuốt, không sao. Lại chẳng hạn:
    • “Một quan tiền tốt mang đi,
      Nàng mua những gì mà tính chẳng ra?
      Thoạt tiên mua ba tiền gà,
      Tiền rưỡi gạo nếp, với ba đồng trầu…”.

    Cứ thế dịch thẳng cho tới một quan. Dịch thẳng sang tiếng Zulu luôn. Tốt thôi.

    – Loại thơ ấy dịch ra tiếng nước ngoài không sợ mất mát nhỉ.

    – Sự mất mát lớn lao nhất là mất cái công dịch. Ngoài ra còn có gì để mất đâu. Nghĩa chữ thì dùng tự điển cẩn thận, mất thế quái nào được? Hễ thơ mà chỉ có ý thì khác gì lời nói thường, khác gì tản văn. Cứ thuê văn phòng phiên dịch có lai-xăng tử tế, phẩm chất công việc càng bảo đảm. Ðừng huyền thoại hóa cái thơ cái thẩn. Có thơ và thơ. Gặp cây đa nào cũng vái thì hỏng…

    – Ấy, bạn giận dữ sôi nổi quá, e tổn thọ. Vậy, thơ “Nhất cao” và thơ “Một quan” là cùng loại?…

    – Thật ra, đó cùng thuộc về loại “gọi là thơ”.

    – Ý bạn muốn bảo: Cái “gọi là thơ” thì dịch được, cái “thật là thơ” thì không dịch được?

    – Kể từ giờ phút này tôi có tri kỷ!

    – Ý bạn, sẽ xét sau. Ý tôi lúc này là phản đối bạn đến cùng. Bạn thất kính đối với những uy tín lớn của dân tộc, như Ðoàn Thị Ðiểm, Nguyễn Khuyến v.v. Bạn láo nhé!

    – Trời!

    – Vô ích. Ngỗ nghịch như bạn, Trời Ðất nào dung thứ? Kêu Trời vô ích thôi. Bạn bảo thơ dịch không giá trị, vậy là bạn chê Chinh phụ ngâm, chê Khóc Dương Khuê v.v., bạn chê bai những viên ngọc quí trong kho tàng văn học Việt Nam. Những công trình vô giá ấy là gì nếu không phải là thơ dịch? Là cái gì? Hả? Bạn trả lời ngay cho.

    – Chúng ta đang trôi về vấn đề dịch thơ.

    – Vấn đề dịch thơ với vấn đề thơ dịch… Khéo vẽ! Khác gì nhau? Ðể cho có những bài thơ dịch tuyệt vời nọ, các cụ – cụ bà Ðoàn và cụ ông Nguyễn – chẳng phải đã dịch thơ đấy à?

    – Dịch thơ không phải là dịch.

    – Gớm, cứ dấm da dấm dẳng mãi. Nói tử tế xem nào. Ðã dịch lại không phải là dịch, thế là gì?

    – Là làm gì, hồi sau sẽ phân giải. Bây giờ ta ôn tồn, nói chuyện với nhau như giữa hai người bạn… thật. Giữa bạn với nhau, xin thấp giọng thú thực: Thoạt tiên tôi không hề biết bài Khóc Dương Khuê là thơ dịch đâu; và luôn trong nhiều năm, thật nhiều năm, tôi tiếp tục… không biết. Mà tôi ngờ rằng chính ông thầy đã dạy tôi bài thơ ấy ngày tôi còn nhỏ, cả thầy tôi cũng không biết nữa. Thế rồi từ khi được biết nó là thơ dịch cho đến một thời gian dài sau đó, cũng không có lúc nào tôi thắc mắc tò mò thử đối chiếu hai bài xem sao, hay thử “thưởng thức” bài gốc bằng Hán văn xem hơn kém thế nào. Về phần bạn… bạn là người cẩn thận, người đứng đắn, người biết quý mến kính trọng cổ nhân, bạn không sơ xuất như tôi, dĩ nhiên bạn đã…

    – Ơ… ơ… cái dĩ nhiên hãy để nói sau. Mời bạn tiếp tục về trường hợp của bạn. Xin mời…

    – Tôi ấy à? Như đã nói, trước sau tôi vẫn thích các công trình nghệ thuật nọ như là những áng thơ hay, không phải như là những bài thơ dịch hay. Tôi thích chúng như những nghệ phẩm độc lập, có cá tính, có nét đẹp riêng. Cá tính ấy, nét đẹp ấy có phải chính được thừa hưởng từ nguyên bản Hán văn chăng? Tôi đếch biết. Tôi ngờ lắm. Mà nếu cái hay này cái đẹp này không do từ cái hay cái đẹp kia thì sao gọi là bản dịch thành công được? Bạn là người kính trọng cổ nhân, hẳn bạn rành về chỗ tương quan giữa những nguyên bản và dịch bản của họ?

    – Ơ… ơ… cái rành ấy để rồi nói sau. Xin mời bạn tiếp tục.

    – Tôi hả? Nếu bạn ép tôi phải làm sự so sánh thì đành vậy. Nào, hãy bắt đầu bằng cái giản dị nhất: cái nghĩa. Và đừng quá tẩn mẩn, ta lướt qua thôi, bắt lác đác chỗ này một câu chỗ kia một câu cũng đủ:

    Một bên nguyên là:
    • “Hữu thời xuất kinh lộ
      Không sơn văn lạc tuyền”.

    Bên dịch là:
    • “Cũng có lúc chơi nơi dặm khách
      Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo”.

    Bạn có tìm thấy cái “róc rách lưng đèo” rất đáng yêu ấy trong bản gốc chăng?

    Này nữa:
    • “Dư lão công diệc lão
      Giải tổ quy điền viên”.

    So với:
    • “Tôi già bác cũng già rồi
      Biết thôi thôi thế thì thôi mới là”.

    Ối chao, cái câu “biết thôi” nó bỏ câu gốc mà vượt lên chín tầng mây xanh. Làm một công việc như vậy mà chỉ gọi là “dịch” được sao? Kẻ nào gọi đó là dịch tức thị là một kẻ tàn nhẫn đấy, bạn ạ.

    Thế rồi:
    • “Công ký khí dư khứ
      Dư diệc bất công liên”.

    mà hóa ra:
    • “Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở
      Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương”.

    thì quả là một sự hóa kiếp chứ đâu phải là dịch thuật nữa? Giữa cái ý: Ông đã bỏ tôi mà đi thì tôi cũng không thương tiếc ông, giữa ý ấy với lời lẽ tình cảm đậm đà trong hai câu nôm, bạn bảo là dịch đấy hả?

    Như vậy là riêng về cái nghĩa thôi, ở nhiều chỗ bài dịch đã không theo bài gốc. Bạn bảo Khóc Dương Khuê là một viên ngọc quí; viên ngọc ấy phát ra cái lóng lánh riêng của nó, chứ không phải phát ra cái ánh sáng của bài gốc.

    – Bạn vẫn cho rằng ý thơ không quan trọng.

    – Khổ thế. Nó không quan trọng mà tôi lại chỉ lảm nhảm được về nó thôi. Tôi mon men thế nào được tới những chỗ tinh vi của lời thơ, của giọng thơ chữ Hán! Ðọc:
    • “Hữu tửu vị thùy mãi
      Bất mãi phi vô tiền
      Hữu thi vị thùy tả
      Bất tả phi vô tiên
      Trần Phồn tháp bất hạ
      Bá Nha cầm diệc nhiên”.

    tôi chỉ thấy được cái nghĩa mà thôi, tức cái phần nhạt nhẽo nhất. Những câu ngũ ngôn ngắn ngủi gọn gàng ấy có thể trong lỗ tai người Tàu nó cũng có một âm vang đẹp đẽ nào đó. Ðẹp ra sao? Gây nên cái cảm xúc như thế nào? Tôi không lạm bàn; nhưng tôi dám quyết là nó không thể có cái duyên dáng ỡm ờ bay bướm của những chữ “không” chữ “ai” lặp đi lặp lại liên tiếp nơi mấy câu nôm:
    • “Rượu ngon không có bạn hiền
      Không mua không phải không tiền không mua
      Câu thơ nghĩ đắn đo chẳng viết
      Viết đưa ai ai biết mà đưa
      Giường kia treo những hững hờ
      Ðàn kia muốn gảy ngẩn ngơ tiếng đàn”.

    Nhưng bạn đừng ép tôi quá. Ép, tôi nói bừa sang cả giọng thơ Tàu, điệu thơ Tàu, không tốt đâu.

    – Ai mà ép bạn? Chỉ có bạn cao hứng tự ép mình đấy thôi. Tôi nghĩ phiêu lưu đến thế đủ rồi. Bạn mà cứ tự ép mãi e thi ca Trung Quốc thiệt hại nhiều đấy.

    – Ðồng ý. Chỉ nên loanh quanh ở nghĩa chữ, ý thơ thôi. May quá, lắm khi đổi thay vài chữ cũng làm cho giọng thơ khác thấy rõ. Vẫn cụ Tam Nguyên, trong bài Di Chúc, Hán văn viết rằng:
    • “Ta tai ngã học thiển
      Khôi nhiên chiếm long thủ”.

    chẳng qua bảo mình học cạn mà đậu cao, lời dung dị khiêm nhường. Khi viết ra nôm thì giọng lại huênh hoang trào lộng:
    • “Học chẳng có rằng hay chi cả
      Cưỡi đầu người kể đã ba phen”.

    Lại khi dặn con về nghi thức tống táng, trong bản Hán văn chỉ dặn rằng:
    • “Vu công bát cửu nhân
      Xuy tống liệt tả hữu
      Thảo thảo táng ngã hoàn
      Lỗi ngã dĩ bôi tửu”.

    Trong bản Nôm ý ấy hóa ra là:
    • “Lại thuê một lũ thợ kèn
      Vừa đi vừa thổi mỗi bên dăm thằng
      Việc tống táng lăng nhăng qua quít
      Tưới cho thầy rượu tít một be”.

    Cái ban vu công tám chín người ấy bỗng thành ra một “lũ” thợ kèn, mà lối diễn xuất của những “thằng” thợ kèn lại đâm ra hài hước ngang xương. Cảnh tượng nọ tô đậm cái lăng nhăng quá đáng của một cuộc tống táng.

    Thành thử khi làm cái công việc mà bạn bảo là “dịch”, cụ Tam Nguyên đã xắn tay tách mép những câu thơ Hán văn ra, dọn sửa cho nó một nụ cười hóm hỉnh tinh quái. Cụ trao cho nó một sắc diện mới, một sự linh động mới.

    Việc cụ làm, bạn nghĩ là dịch, lắm người không dám nghĩ là dịch đấy.

    – Lắm người là những ai? Họ nghĩ cụ làm gì? Khéo vẽ vời!

    – Tôi không biết đích là ai. Có nhiều người dính dáng vào cuốn Văn đàn bảo giám. Cụ Trần Trung Viên sao lục, cụ Trần Tuấn Khải thì duyệt lại, sau này ông Hư Chu có hiệu chính, ngoài ra các ông Dương Bá Trạc và Tản Ðà cùng đề tựa; không biết có bao nhiêu trong số các vị đồng ý với nhau về câu ghi chú cho rằng bài Khóc Dương Khuê là “phỏng theo bài Ðiếu Dương Khuê văn”? Chính họ nghĩ thế. Tôi dám vẽ vời gì đâu? Chỉ “phỏng theo” thôi, bạn ạ.

    – Hừm!

    – Dù sao cái lối Nguyễn Khuyến tự “phỏng theo” mình còn gần nguyên bản hơn là lối Ðoàn Thị Ðiểm “dịch” Ðặng Trần Côn.

    Ông Hoàng Xuân Hãn (trong Chinh phụ ngâm bị khảo) chịu là “văn dịch mà y như văn làm”. Do đâu được thế? Ông Hoàng bảo:
    • “Lúc nguyên văn dài thì bỏ bớt thu gọn lại. Có lúc điệu nhạc phủ nguyên văn đặt vế rất ngắn thì góp hai vế lại thành một vế quốc âm. Có lúc nguyên văn cố ý lặp lại các chữ vì điệu nhạc phủ, thì ước lược cho hợp với điệu văn song thất lục bát ta. Có khi gặp những ý những câu diễn ca khó, mà bỏ đi cũng không mất tứ thì không ngần ngại bỏ phắt đi. Lại có khi vì vần hoặc vì muốn thâu gọn nên đảo lộn cả vế ở nguyên văn hoặc tráo lẫn ý trong vài vế nguyên văn.”
    Như vậy cụ bà họ Ðoàn đã tự tiện táy máy quá nhiều, còn gì nữa?

    Thế nhưng vẫn còn. Ông Phạm Thế Ngũ (trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên) cho rằng ở lắm chỗ bà cụ “đã đặt vào ý thơ quá nửa cái tình tứ của riêng mình”. Chết chửa! Thơ là thơ của người ta mà mình đem đặt cái tình tứ của riêng mình vào, thì còn gì của người ta nữa?

    May là bà cụ Ðoàn chỉ đặt vào cái tình tứ. Lắm dịch giả khác dám đặt vào đó những cái thật kỳ cục. Ông Hoàng Xuân Hãn đã tìm ra những bản dịch Chinh Phụ Ngâm khác, và thử so sánh. Bản gốc của cụ Ðặng viết:
    • “Vị quân trang điểm ngọc phu chi”.

    Bà cụ Ðoàn nghĩ ra câu:
    • “Vì chàng tay chuốc chén vàng
      Vì chàng điểm phấn đeo hương não nùng”.

    Ở một bản khác thì hoá thành:
    • “Ðiểm trang sắm sửa tưng bừng,
      Phấn Yên phưng phức, tóc Tần phê phê”.

    Ở một bản khác nữa lại là:
    • “Vì chàng chải tóc mượt mà
      Vì chàng trang điểm màu da mỡ màng”.

    Gặp cái “màu da mỡ màng” như thế, bạn có thương cho cụ Ðặng Trần Côn không? Không ai “dịch” mà không đặt thêm vào nguyên bản một cái gì của mình. Mỗi người dịch có một phong cách riêng. May nhờ rủi chịu, cái phận của tác giả bản gốc phất phơ giữa chợ… Thương lắm thay.

    – Ấy, đừng có mà bốc lên.

    – Tôi bốc thế nào kịp thực tại. Cái dịch trong thực tế còn thay đổi cái gốc về nhiều phương diện nữa, quan trọng gấp mấy, chứ nào phải chỉ ước lược chỗ này thâu gọn chỗ nọ bỏ phắt chỗ kia, nào phải chỉ đem cái tình tứ của riêng mình gửi đại vào thơ người ta?

    – Những cái vừa kể là thuộc về ý thơ, tứ thơ…

    – Ðúng phóc. Giờ hãy thử mạo muội nêu ra chuyện điệu thơ.
    • “Thiên địa phong trần
      Hồng nhan đa truân
      Du du bỉ thương hề, thùy tạo nhân”.

    Hát lên đúng điệu nhạc phủ thì những câu ấy gây ra cái âm vang ra sao? Ta không hát được, ta không biết. Ta chỉ có đọc. Ðọc thì cứ câu ngắn câu dài, chốc chốc lại “hề” một cái, nghe cà khục cà khặc. Cụ Ðặng chọn điệu ấy là có ý đồ gì? để gợi lên xúc cảm như thế nào? Nếu bạn bảo rằng cụ không có chủ tâm, cứ “nhân tiện” mà phóng bút, không đắn đo chọn lựa gì, bạn mà bảo thế thì mặc dù bạn sùng kính cổ nhân, cổ nhân cũng đến phải truyền nọc bạn ra mà phết cho mấy hèo.

    Nếu cụ Ðặng đã có chủ ý chọn điệu nhạc phủ để truyền đạt một xúc cảm nào đó, bà cụ Ðoàn lại dịch phăng ra điệu song thất lục bát thì trong bản Chinh Phụ Ngâm Nôm còn lại được chút hơi hướng gì của cụ Ðặng nữa!

    – Ờ! Giá Ðoàn Thị Ðiểm tôn trọng sự chọn lựa của Ðặng Trần Côn, cứ giữ lấy điệu nhạc phủ, và thay tiếng “chừ” vào các tiếng “hề” cũng được nhỉ?

    – Ðược à? May mà bạn cách cụ Ðoàn hơi xa, không xúi dại được ai.

    Từ trước tới nay thỉnh thoảng vẫn có những dịch giả “cẩn thận”, cứ nhất mực “tôn trọng” tác giả bằng cách giữ nguyên điệu bản gốc: Hễ ngũ ngôn thì dịch ra ngũ ngôn, thất ngôn thì dịch thất ngôn, cổ phong thì dịch đúng cổ phong v.v. Tôn với trọng mà như thế thì không còn hơn…

    – Hừm!

    – Này, bạn thử tưởng tượng một danh sĩ Tàu đầy thiện chí đem Truyện Kiều dịch ra Hán văn; và trong tinh thần tôn trọng sự chọn lựa của Nguyễn Du, bản Kiều tiếng Tàu được giữ nguyên thể lục bát!

    Bạn tưởng tượng xong chưa? Tôi tình nguyện giúp bạn. Ở đời chuyện kỳ cục đến đâu cũng có thể xảy ra được: Cái lục bát Hán văn từng có đấy. Ðây là một mẫu lấy từ Thánh Tông di thảo, bạn nghe nhé:
    • “Tư quân như thiết như tha,
      Thức hà khả thiết, ma hà khả lân
      Thiết tha tâm bội tư quân,
      Như sơn dũ tuấn, như vân dũ trường!
      Gia nương y ngã gia nương,
      Kim khuê tâm loạn, tha hương thần trì”
      v.v.

    – Thì đại khái như trường hợp song thất lục bát trong “Thu Dạ Lữ Hoài Ngâm” của Ðinh Nhật Thận.

    – Ðại khái thế. Là những trường hợp đáng thương. Người Tàu mà gặp, họ sẽ nghệch người ra. Có thể họ thấy thơ như thế nó cà khục cà khặc, chẳng ngâm nga gì được, chẳng phát khởi nên cảm xúc nào cả. Có thể chúng ta phải chịu khó chiếm lấy đất nước họ, cai trị họ chừng nghìn năm, bắt lên rừng xuống bể tìm sừng tê ngọc trai, bắt học tiếng Việt chữ Việt cho thật thấm thía, sau đó mới mong họ tạm quen thuộc tạm thưởng thức được thơ ấy.

    – Hừm! Lại tếu.

    – Cái đọc cũng như cái ăn, mồm ăn cũng như mồm nói bạn ạ. Không phải vần điệu nào hễ thuận miệng ta thì thuận miệng người, món ăn nào hễ ngon miệng ta thì ngon miệng người. Cái ngon với không ngon, thuận với không thuận, lý do bắt nguồn tứ chỗ sâu thẳm trong bản chất con người, trong bản chất mỗi giống người, bạn ơi.

    Với con bún với sợi mì, người Tàu họ làm ra hàng trăm món ăn khác nhau, khô có nước có, để hàng ngày hể hả xì xà xì xụp với nhau. Marco Polo vất vả dắt con bún lòng thòng về Tây Phương, nó trở nên hiếm muộn, chẳng sinh sôi nẩy nở được mấy. Người Mễ cứ trông thấy cái bột bắp vàng khè là sáng cả mắt lên. Ngày ngày trong từng gia đình họ vắt họ nặn bột bắp thành ra đủ mọi hình dạng thân yêu để đưa vào mồm. “Masa! masa!” của quý Trời ban. Họ cơ hồ không tin nổi rằng Thượng Ðế lại đi chọn đất sét để nặn làm người. Chẳng qua lúc bấy giờ chưa có bột bắp quết nhuyễn đấy thôi. Bột bắp mà được đặt lên chiếc lưỡi Mễ là nó run lên: Đôi bên cùng run bắn lên vì sướng.

    Bây giờ nói sang vần điệu thơ văn. Ngũ ngôn, thất ngôn, những vinh quang rực rỡ của thi ca Trung Hoa, chúng ta quen biết chúng hơn nghìn năm rồi, chúng vẫn chết khô chết héo trên chiếc lưỡi Việt Nam. Chỉ có mấy ông nho sĩ bắt buộc phải tập luyện, rồi viết ra, rồi ngâm ư ử với nhau hàng chục thế kỷ vẫn không ra làn điệu gì. Trong khi ấy hai câu lục bát, trời ơi, đêm ngày nó quấn quýt chiếc lưỡi Việt Nam. Hoặc đêm đêm trên võng mẹ à ơi ru con, hoặc dưới trăng vằng vặc chàng cùng nàng lả lướt ân tình, hoặc lúc canh tàn dầu hao bấc lụn nàng vò võ nhớ thương, hoặc trên sông chèo đò trên rừng đốn gỗ cùng hò cùng hố cho quên nhọc nhằn v.v., há miệng là lục bát tuôn ra ngay. Hăm bốn trên hăm bốn, không rời nhau. Lục bát trên chiếc lưỡi Việt Nam như bột bắp trên năm ngón tay người Mễ: Nó thiên biến vạn hóa. Nó thành ra điệu hò này điệu hát kia, ra lý này lý nọ, ra cò lả, ra trống quân, ra quan họ, ra chèo, ra xẩm xoang v.v. Phối hợp với chiếc lưỡi Việt Nam, lục bát sinh sôi nảy nở ra vô vàn điệu hát câu ca…

    – Thôi! Thôi! Bạn ca mãi câu lục bát như thế, biết bao giờ mới chịu trở về câu chuyện dịch thơ…

    – Bạn đã thấy rồi mà. Ðâu còn chuyện nào gọi là chuyện dịch thơ nữa? Chỉ có công việc tái sáng tạo, tái tạo một bài thơ khác. Lấy cái ý cái tứ của bài gốc, sáng tạo ra một bài mới trong đó có phong cách riêng của mình, có quá nửa cái tình tứ riêng của mình, với cái giọng đặc biệt của mình, với điệu thơ riêng thích hợp cho miệng lưỡi mình.

    Các cụ Ðoàn Thị Ðiểm, Nguyễn Khuyến làm nên những công trình như thế mà bạn dám bảo là các cụ dịch, là các cụ chỉ dịch thơ thôi. Tôi mách các cụ là bạn bỏ xừ nhé! Bạn liệu hồn.

    Cho nên dịch thơ không phải là dịch.




    https://www.tvvn.org/dich-tho-vo-phien/
Trả lời

Quay về “câu chuyện văn chương”