Dịch Thơ

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20014
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Dịch Thơ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    DịchThơ
    ____________________________
    Phạm Đức Thân




              

    The kiss of the Muse by Paul Cesanne

              


    Dịch thơ khó nhất trong các hình thức dịch. Mặc dù từ xưa tới nay đã có nhiều người dịch thơ, nhưng người ta vẫn bàn luận rất nhiều về các khó khăn khi dịch và đa số cho rằng thơ không thể dịch được. Câu "Poetry is what gets lost in translation" (Thơ là cái bị mất khi đem dịch) thường được gán cho là của Robert Frost, nhưng không ai tìm ra câu này trong thi phẩm, thư từ của thi sĩ, cũng như các bài phỏng vấn hay tường thuật về ông.




    Phải công nhận dịch thơ khó hơn dịch văn xuôi. Do khác biệt về ngôn từ, cú pháp giữa các ngôn ngữ, dịch nói chung muốn thành công phải đạt 3 tiêu chuẩn:
    • tín (trung thành với bản gốc)
    • đạt (chuyển tả được ý tác giả)
    • nhã (một cách văn vẻ)
    như Nghiêm Phục đề ra; đây đã là chuyện khó rồi. Lại càng khó hơn khi dịch thơ,
    • vì ngôn ngữ thơ khác hẳn văn xuôi, với hình thức cô đọng, súc tích, nâng cao và ý nghĩa hàm súc hơn là biểu thị trực tiếp (nhất là khi có chơi chữ, nói lái...)
    • Mặt khác nội dung và hình thức thơ nối kết chặt chẽ, nếu tách rời có thể làm mất chất thơ.
    • Chưa kể thi pháp các ngôn ngữ cũng rất khác nhau;
    • và hơn nữa, các tuyệt phẩm thi ca thường gồm 6 đặc tính:
      • thâm (sâu),
      • chân (thực),
      • viễn (xa),
      • cao (cao),
      • tân (mới),
      • kỳ (lạ).
    Cho nên thực hiện bản dịch chuyên chở được mọi đặc tính thơ của bản gốc thì thật là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể.

    Cũng may là,
    • một đàng trên thực tế, không phải bài thơ nào cũng là tuyệt phẩm không thể dịch được,
    • và đàng khác về mặt tâm lý, càng khó khăn thì càng hấp dẫn người ta tham gia vào cái thú tao nhã đầy thử thách này.
    Cho nên đã có nhiều người tiếp cận dịch thơ dưới những khảo hướng khác nhau.




    Văn học VN chưa có một mảng rõ rệt về dịch thơ xuôi (sang Việt ngữ) cũng như ngược (sang ngoại ngữ) . Nhờ thuận lợi có một số tương đồng về ngôn từ và thi pháp giữa Hán và Việt, khiến dịch thơ phần nào dễ dàng hơn, nên đã có khá nhiều thơ dịch giữa 2 ngôn ngữ này; kỳ dư đối với các ngôn ngữ khác như Anh, Pháp, Đức... xuất hiện rất ít thơ dịch. Có lẽ vì thi pháp Âu Mỹ xa lạ, phức tạp, với các luật tắc như cước đoạn (foot - nhịp câu ghép bởi số âm tiết mạnh yếu) nhịp thơ (meter - qui định bởi số ghép cước đoạn trong câu)... khiến lĩnh hội thơ đã khó huống chi thưởng ngoạn đến nơi đến chốn để mà đem dịch.

    Mặt khác không thấy dịch giả VN bàn về cách thức dịch của mình, cho dù là tác phẩm dài như Truyện Kiều, Iliad cũng không thấy các dịch giả Huỳnh Sanh Thông, Đỗ Khánh Hoan nói về quá trình dịch của mình trong phần giới thiệu sách. Bởi thế người viết phải nhìn sang nước ngoài để tìm hiểu về dịch thơ, hy vọng cũng giúp cho dịch giả VN rút tỉa ít nhiều kinh nghiệm của ngoại quốc.





    Quan niệm thơ là gì ảnh hưởng đến khảo hướng dịch thơ, cho nên hãy thử xét qua ý kiến vài tác giả:
              
    -Thơ biểu thị tư tưởng, tình cảm cao nhã
    (J. Ruskin).

    -Thơ không phải là thả lỏng tình cảm, cá tính mà là trốn lánh chúng
    (T.S. Eliot).

    -Thơ là chính sự thật trong cuộc sống được diễn đạt trong chân lý vĩnh cửu
    (P.B. Shelley).

    -Thơ tạo nên hình ảnh mà khởi đầu làm thích thú nhưng kết thúc cho sự khôn ngoan
    (R. Frost).

    -Thơ tạo thành bởi chữ chứ không phải bởi ý
    (P. Valery).

              
    Nội dung và hình thức được quan niệm quan trọng khác nhau dẫn tới những khảo hướng dịch thơ khác nhau. Để tiện tìm hiểu có thể tạm chia thành 3 loại chính:
    1. dịch sát chữ;
    2. dịch thoát chú trọng ý tưởng, thông tin;
    3. dịch thoát chú trọng tinh thần, phong cách.



    • 1/ Khảo hướng dịch sát chữ cho rằng bản gốc quyết định mọi thứ: hình thức, thi pháp, từ vựng của bản dịch phải trung thành tối đa với bản gốc. Quan niệm này thông dụng, cổ điển, nhưng rất khó thực hiện hoàn hảo. Chỉ dễ dàng khi hai ngôn ngữ có nhiều điểm tương đồng về hình thức, ngôn từ và thi pháp (vd. Hán và Việt). Hoặc là bài thơ ngắn gọn, như hình thức haiku của Nhật, tứ tuyệt của Trung Quốc..

      Nhân đây xin mở ngoăc về nghĩa của "dịch sát chữ" - literal translation. Literal (Latin) do danh từ littera - chỉ cái ký hiệu viết trong một tập hợp các ký hiệu gộp chung lại cho một ý nghĩa.
      • Khởi thủy, chuyển từng ký hiệu này sang ký hiệu khác của một ngoại ngữ được gọi là literal translation mà đúng ra phải là word-for-word translation hoặc wording. Lối dịch này cho kết quả
        • có khi đúng (vd. Tôi yêu sách = I love book),
        • có khi sai (vd. Không sao đâu = No star where).
      • Về sau literal translation mở rộng nghĩa thành dịch sát câu cú, trung thành nhưng không phải mù quáng như dịch từng chữ.

      Âu Mỹ chỉ có literal translation để chỉ 2 cách dịch trên, cho nên phải tùy văn cảnh mà hiểu cho đúng nghĩa. Cũng vì cái hàm hồ này mà văn thi sĩ O. Paz đã viết:
      • "Tôi không bảo rằng literal translation là không thể được, mà chỉ muốn nói đó không phải là một bản dịch."
        (No digo que la traduccion literal sea imposible, sino que no es una traduccion).



      2/ Khảo hướng tôn trọng tư tưởng cho rằng hình thức giá trị văn học không quan trọng bằng nội dung tư tưởng, nhất là hình thức thường rất khó giữ được trong bản dịch. Vậy phải dịch đầy đủ nội dung cho dù là phải dùng hình thức văn xuôi, hay thơ tự do, không vần. Giới nghiên cứu, dịch giả, nhà ngữ học chuộng khảo hướng này.



      3/ Khảo hướng chú trọng tinh thần và phong cách đặt nặng tác dụng hiệu quả của bản dịch đối với độc giả. Hình thức, thi pháp và từ vựng phải thay đổi thích ứng với yêu cầu mới về ngôn ngữ và văn hóa của bản dịch, nhưng vẫn phải cố gắng giống bản gốc không nhiều thì ít. Hiện khuynh hướng này đang thắng thế ở Đông lẫn Tây vì lý do thực tiễn. Ai quan tâm đến giá trị văn hóa đương thời đều công nhận viết hay, đáp ứng nhu cầu độc giả hiện đại, mới dễ thành công. Người bản xứ đọc thơ dịch thấy như đọc thơ bản ngữ sẽ đón nhận nhiều hơn..







    Có rất nhiều kiến giải về cách thức dịch thơ văn, chúng thường chủ quan và rất khác nhau, do bởi kinh nghiệm dịch bản thân của mỗi người không giống nhau. Phạm vi giới hạn của bài chỉ cho phép điểm qua quan niệm của một vài tác giả nổi tiếng.

    • Ngay từ xưa Horace đã nhắc nhở người câu nệ, cả tin mù quáng: Đừng dịch quá trung thành theo sát từng chữ (Nec verbum verbo curabis reddere fidus interpres).

                
    • St. Jerome thú nhận rằng khi dịch là đồng thời ông vừa dịch vừa tạo một tác phẩm mới. Nguyên tắc của ông là không dịch từ mà dịch nghĩa (non verbum de verbo, sed sensum, exprimere de sensu).

                
    • J. Dryden nhận thấy có 3 cách dịch:
      1. - Metaphrase (siêu dịch) chuyển tác giả từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác bằng cách dịch từng chữ, từng hàng. Ngày nay G. Steiner cho rằng thay bằng từ "literalism" thì dễ hiểu hơn.
      2. - Paraphrase (diễn dịch) linh động hơn, chú ý đến dịch nghĩa hơn dịch chữ, nhưng cùng lắm chỉ được quảng diễn chứ không thay đổi nghĩa.
      3. - Imitation (phóng dịch) cho dịch giả nhiều tự do hơn, được biến đổi từ và nghĩa, và nếu cần bỏ lơ chúng, chỉ lấy những gợi ý tổng quát chung của bản gốc, viết lại theo ý mình.
      Dryden ngả về paraphrase trung dung, vì 2 cách kia hơi cực đoan. Dịch giả nên viết với sức mạnh hay tinh thần của bản gốc, nhưng không bám vào chữ của tác giả, hiểu rõ tài năng và tư tưởng của tác giả cũng như văn cảnh và đề tài liên hệ, cùng là bối cảnh xã hội, rồi một cách sinh động cho ra một bản dịch có hồn, xuất phát từ và tương ứng với bản gốc.

                
    • F. Schleirmacher cho rằng cách dịch tùy thuộc mục đích của dịch giả.
      • Paraphrase nhằm đưa độc giả đến tác giả, nghĩa là muốn giới thiệu bản gốc thì bản gốc phải được tôn trọng, giữ được nét riêng "ngoại lai" để độc giả thấy được cái hay đẹp mới lạ của nó.
      • Imitation nhằm đưa tác giả tới độc giả, nghĩa là độc giả quan trọng hơn, thì bản gốc cần thay đổi, thích ứng cho dễ lĩnh hội.
      Nhưng cách nào dùng triệt để cũng sẽ có khuyết điểm: bản dịch hoặc ngô nghê, xa lạ, hoặc bị hy sinh đặc trưng quá nhiều. Vậy phải dung hòa. Nhưng ông nhấn mạnh yếu tố âm nhạc của ngôn ngữ thơ, thể hiện trong tiết tấu, cần phải được duy trì tối đa.

                
    • R. Browning cho rằng thơ dịch nên tuyệt đối giống bản gốc, cả chữ lẫn thứ tự câu chữ, chỉ như thế mới cho thấy rõ được nguyên bản.

                
    • V. Nobokov đồng quan điểm trung thành với bản gốc, cho dù phải hy sinh tiết tấu và vần. Nếu cần thiết đừng ngại chú giải (kèm theo bản dịch) đầy đủ chi tiết về tiết tấu và vần của bản gốc.

                
    • S. Burnshaw đề nghị phải cung cấp độc giả cả 3 thứ:
      • bản gốc (để có thể ngâm nga),
        chú giải,
        và bản dịch sát chữ (thường là không vần);
      nhờ vậy độc giả mới thấy được rõ cái hay đẹp của bản gốc.

                
    • R. Jakobson chia dịch làm 3 loại.
      • 1- Intralingual (trong ngôn ngữ): viết, sắp xếp lại ngôn từ trong cùng một ngôn ngữ. Vd. bài thơ khó hiểu viết lại thành xuôi cho dễ hiểu.
      • 2- Interlingual (giữa ngôn ngữ khác nhau): đây là dịch thuật theo nghĩa thường dùng, chuyển ngôn từ sang ngoại ngữ.
      • 3- Intersemiotic (giữa các ký hiệu khác dạng): chuyển đổi hình thức truyền thông. Vd. từ dạng tiểu thuyết sang kịch, điện ảnh, vũ (opera), âm nhạc...
      Thơ có những đặc trưng thẩm mỹ không thể dịch được, chỉ có thể chuyển sáng tạo (creative transposition) mà thôi, nghĩa là dịch giả phải sáng tạo, thay đổi để có một bản dịch gần giống bản gốc; cách dịch này gần như paraphrase hoặc imitation.

                
    • A.Tytler ngược lại, quan niệm chuyển dịch một bài thơ trữ tình sang văn xuôi là hết sức phi lý, vì những đặc tính cốt yếu tạo nên cái đẹp của bài trở nên lem nhem không thể tha thứ được.

                
    • J. Brodsky cũng cho rằng tiết tấu và vần của bài thơ là những yếu tố thẩm mỹ rất quan trọng, không thể hoán đổi, nhất là lại thay bằng thơ tự do thì càng không nên.

                
    • P. Valery cho rằng thơ là nghệ thuật gò ép liên tục ngôn ngữ để gợi hứng trực tiếp cho tai (và qua tai, các âm này có thể tự khích động) ít ra cũng tác động nhiều như cho óc. Một dòng thơ vừa là liên tiếp các âm tiết vừa là kết hợp các từ; từ cho nghĩa và âm tiết cho một dạng âm thanh có tính cưỡng bách ấn tượng lên giọng nói và ký ức; tất cả tạo nên cái gọi là chất thơ.

      Thơ chuyển dịch sang văn xuôi thì giống như bỏ vào quan tài. Bởi vì khi đó thơ hay nhất sẽ trở nên tầm thường, nhạt nhẽo một khi bị tước đoạt cái dòng chảy hòa điệu giữa âm và nghĩa (mặc dù không thể giải thích hợp lý cái tương quan giữa chúng, vì như F. de Saussure đã nêu rõ: ngôn ngữ chỉ là tùy tiện - arbitrary)

                
    • E. Pound có công lớn giới thiệu thi ca Đông Tây ngoại quốc với độc giả English. Ông thấy rằng thơ dịch muốn thành công, có hồn, không được và không thể dịch chữ. Cái lối trung thành câu nệ cũng không thích hợp. Tư tưởng quan trọng nhưng không phải đứng hàng đầu trong thơ. Khuyết điểm nội tại của việc dịch lại có mặt tích cực là cho phép dịch giả chỉ chú tâm vào những gì hay đẹp (của bản gốc) xứng đáng được tái sinh - nghĩa là tập trung vào tinh thần và phong cách của bản gốc. Sự thật là không bản dịch nào bằng được bản gốc, nhưng tuy bất toàn bản dịch giá trị vẫn có thể nắm bắt và chuyển tải được không nhiều thì ít cái hay đẹp trung tâm của bản gốc.

      Theo ông, dịch không phải chỉ gồm một giai đoạn tập trung vào chữ hay tư tưởng, mà là một quá trình hữu cơ, phức tạp, nhiều công đoạn. Trước tiên, mổ xẻ bản gốc rồi cẩn thận ráp lại trong phạm vi khuôn khổ đặc thù của ngôn ngữ dịch và bối cảnh văn hóa. Có thể đẩy tới giới hạn của khuôn khổ, nhưng không được phá bỏ, vượt qua. Cố gắng tập trung để khám phá xem ngôn ngữ dịch và khả năng của mình cho phép truyền đạt những gì. Để sau cùng nhất định quay lưng lại bản gốc, và chú tâm vào hoàn thiện thành quả thẩm mỹ của bản dịch.

      Muốn thực hiện thành công như trên, cần 2 điều kiện:
      • dịch giả phải là một nhà thơ có tài
      • và bản dịch cũng phải là một bài thơ.
      Dịch thành văn xuôi là bỏ đi quá nhiều, hy sinh căn cước thơ của bản gốc. Cùng lắm chỉ nên thay đổi kiểu vần hoặc bỏ hẳn vần, vì như thế tuy có mất mát nhưng bản dịch vẫn có thể đứng vững.

      Điểm quan trọng khác là dịch giả phải nắm vững ngôn ngữ và thi pháp của ngôn ngữ dịch, còn hơn cả đối với ngôn ngữ gốc. Bản thân Pound không biết chữ Hán mà chỉ nhờ vào ghi chú, diễn giải của người khác mà dịch thành công thơ Hán.

                
    • Tương tự, Nghiêm Phục trình độ ngoại ngữ còn non, phải nhờ vào bản dịch phác thảo của người khác mới bắt tay vào dịch cho văn vẻ, cũng đã cho ra đời nhiều dịch phẩm từ Anh Pháp ngữ. Lối dịch này gọi là crib translation (dịch cóp). và có thể xếp vào loại diễn dịch (interpretive translation, paraphrase, transfusion).





    Ngày nay, dịch giả - thi sĩ vẫn có thể hợp tác với dân bản xứ hoặc các hội kết hợp văn học ngữ học để cho ra những dịch phẩm hạng nhất. Hiện tượng dịch cóp cũng phát triển nhờ mạng điện tử. Một người đưa bản gốc và bản dịch của mình hoặc của ai đó lên mạng thường thường sẽ nhận được những bản dịch khác đáp ứng từ nhiều netizen khác (có thể không biết ngoại ngữ), vì chỉ cần tham khảo bản dịch đầu tiên là ai cũng có thể cho ra một bản dịch khác.

    Thực tế cho thấy đa số người dịch thơ cũng đồng thời là thi sĩ. Đây là một điểm thuận lợi vì cùng là đồng nghiệp, dịch giả đồng cảm dễ hơn với tác giả, chưa kể lợi điểm khác là lại sẵn có tay nghề làm thơ. Tản Đà, Tế Hanh đều có dịch thơ.

    Theo J. Dryden phải có tài thơ văn mới dịch thơ hay được. E. Cherents còn nêu điều kiện "Thơ phải được dịch bởi thi sĩ." (Poetry must be translated by a poet). Tuy nhiên cần lưu ý có thể xẩy ra tình huống: Thi sĩ tài cao nổi tiếng thường để dấu ấn của mình trên bản dịch, làm phương hại đến việc truyền đạt phong cách của tác giả bản gốc.






    Thơ là một loại hình văn học đặc biệt, cho nên dịch thơ cần phải chú trọng đến các đặc thù của thơ để duy trì được tình cảm, tư tưởng, cũng như phong cách của tác giả càng nhiều càng tốt. Trước khi dịch nên xem xét vài bình diện khác nhau của bài thơ để hiểu đúng vì trong thơ có nhiều bất thường.

    Về mặt ngữ nghĩa, tìm hiểu kỹ thông điệp, thái độ của tác giả. Do thơ có tính biểu tượng, ám chỉ, không rõ ràng...cho nên có thể hiểu khác nhau, diễn dịch khác nhau, dẫn tới dịch cũng khác nhau. Mặt khác, có người cho rằng mục đích của tác giả quan trọng nhất, từ đó suy ra tác giả nếu viết trong ngôn ngữ dịch sẽ viết ra sao để theo đó mà dịch. Tuy nhiên mục đích này cũng không phải hiển nhiên, rõ ràng, nhất là bài thơ tự nó có thể cho nhiều ý nghĩa khác nhau vượt qua ý gốc của tác giả, mà cho dù tác giả còn sống cũng không thể cản trở độc giả tìm thấy thêm những ý nghĩa mới này.

    Vd.
    Bài thơ The Road Not Taken của R. Frost. Đây là bài thơ nổi tiếng nhất nhì của R. Frost, ý nghĩa không rõ ràng, nên có thể hiểu khác nhau: ca tụng lựa chọn cá nhân, hối tiếc có thể đã bỏ lỡ cơ hội, hoặc băn khoăn về những quyết định trong cuộc đời không biết đúng hay sai... Vài tác giả VN dịch bài này và tựa đề theo sát của Frost: Con Đường Chưa Đi, Con Đường Không Thể Đi... Chỉ riêng có 2 tác giả dịch thành tựa đề khác, chứng tỏ hiểu khác nhau. Theo thiển ý chủ quan của người viết đây là 2 bản Việt dịch hay, xin trích ra đây đoạn đầu.

              
    The Road Not Taken (R. Frost)

    Two roads diverged in a yellow wood
    And sorry I could not travel both
    And be one traveler, long I stood
    And looked down one as far as I could
    To where it bent in the undergrowth.



    Đường Ta Đi (Nguyễn Tấn Tôn Nữ Ý Nhi)

    Rừng thu đó lá vàng chia lối rẽ
    Lòng ngậm ngùi bởi đâu thể chọn hai
    Bước lãng du ta đứng suốt canh dài
    Gửi tầm mắt tới xa xăm mê mãi (sic)
    Đến quanh co cách ngái tận chân trời.


    Hai Ngả Đường Xưa (Hoàng Anh Dũng)

    Hai ngả rẽ giữa cánh rừng thu vắng
    biết về đâu người lữ khách phân vân
    một ngả đường ta đứng xa trông
    cho đến lúc giữa ngàn cây lẩn khuất.

              

    • Ngoài cú pháp,
      thi pháp
    khác nhau giữa 2 ngôn ngữ, muốn hiểu đúng phải để ý đến
    • những ghép chữ, đặt câu phức tạp, xáo trộn, bất thường hay gặp trong thơ. Tìm xem đâu là chủ ngữ, đâu là vị ngữ (predicate) trong câu viết lộn xộn, ngắt lung tung, dài lòng thòng để hiểu cho đúng.
    • Thơ thường xử dụng nhiều mỹ từ pháp, nói một đằng mà phải hiểu đằng khác, nhất là với chơi chữ, nói lái, nghĩa kép (double entendre) cần nắm vững để khỏi hiểu sai bản gốc, cũng như để cố gắng duy trì chúng trong bản dịch.
    • Lưu ý trường ngữ nghĩa (semantic field) của cùng một chủ đề có khi rộng hẹp khác nhau tùy theo mỗi ngôn ngữ. Tác giả thi sĩ thường cân nhắc chọn lựa kỹ càng nghĩa tinh tế này, cho nên dịch giả phải cẩn thận kẻo dịch sai.
    • Đại từ ngôi thứ hai mỗi ngôn ngữ có cách nói khác nhau, phải lưu ý. Vd. you (Anh), tu, vous, toi (Pháp) chuyển Việt ngữ có thể có nhiều cách: mày, anh, chị, ông, cô, bác....


    W. Steven đã viết:
    • "Every poem is a poem within a poem; the poem of the idea and the poem of words"
      (Mỗi bài thơ là một bài thơ trong một bài thơ; bài thơ của ý tưởng và bài thơ của từ ngữ).

    J. Balaban khi dịch thơ Hồ Xuân Hương cũng đã biết rõ đa số bài thơ của bà có nghĩa kép:
    • "each has hidden within it an another poem with sexual meaning"
      (mỗi bài ẩn dấu trong nó một bài khác với nghĩa dâm tục),
    nhưng mặc dù đã bỏ 10 năm tìm hiểu để dịch thơ HXH vẫn hầu như thất bại, vì thơ bà thuộc loại không thể dịch được. Chỉ xin đan cử một bài ngắn, rất bình thường, dễ hiểu:

              
    Mời Ăn Trầu

    Quả cau nho nhỏ miếng trầu hôi
    Này của Xuân Hương mới quệt rồi
    Có phải duyên nhau thời thắm lại
    Đừng xanh như lá bạc như vôi



    Offering Betel

    A piece of nut and a bit of leaf
    Here, Xuan Huong has smeared it
    If love is fated, you'll chew it red
    Lime won't stay white, nor leaf, green.

              

    Dịch sát nghĩa đen như vậy không sai. Nhưng chỉ một thắc mắc nhỏ là không biết dịch giả và ngoại nhân có biết chữ "bạc" còn có nghĩa là "bạc bẽo" để hiểu đúng ý tác giả. Ấy là chưa kể đến nghĩa ẩn dấu của bài thơ mà người viết tra cứu trên net và nhiều sách về HXH chưa thấy người VN nào giải thích thỏa đáng, nói chi đến ngoại nhân. Đủ hiểu nắm được ẩn ý tác giả một bài thơ không phải chuyện dễ.

    Nhân đây xin mở ngoặc: Theo người viết, suy luận từ chất dâm thường có trong thơ HXH và từ những bài Quả Mít, Bánh Trôi Nước... đồng loại, thì bài tứ tuyệt này cũng nằm trong chiều hướng tương tự. Ở đây HXH cũng "bầy hàng" mời chào với những chữ "trầu hôi, Này, XH, quệt, thắm lại". Chả thế, sao Chiêu Hổ lại dẫy nẩy lên đáp lại:
    • Lẳng lơ chi thế chị Xuân ơi
      Của chị ai ai cũng biết rồi.







    Các mỹ từ pháp thường gặp:
    • metaphor (ẩn dụ),
      allegory (phúng dụ),
      hyperbole (ngoa dụ),
      synecdoche (cải dung),
      metonymy (hoán dụ),
      personification (nhân cách hóa)....
    Cần nắm vững và phân biệt chúng thì mới tránh được hiểu lầm, hiểu sai. Ẩn dụ thường được dùng nhiều trong thơ, khiến R. Frost kết luận: "Poetry is simply made of metaphor" (Thi ca chỉ là tạo bởi ẩn dụ).

    Dịch ẩn dụ có nhiều cách.
    • Nếu 2 ngôn ngữ có cùng ẩn dụ, chỉ việc dịch sát
      (vd. ray of hope = tia hy vọng).
    • Có khi cùng ẩn dụ, nhưng có thêm cách khác, thì dùng cách nào cũng được
      (vd. life hangs on a thread = tính mạng treo trên sợi chỉ [sợi tóc]).
    • Không cùng ẩn dụ, thì có thể dùng lối tỉ giảo (simile), so sánh, ví von
      (vd. life hangs on a thread = tính mạng như ngọn đèn trước gió, tính mạng như chỉ mành treo chuông).
    • Đôi khi ẩn dụ gốc gây ấn tượng mạnh, tuy xa lạ với ngôn ngữ dịch, nhưng muốn giữ lại cũng không sao, chỉ việc dịch sát
      (vd. armed to the teeth = võ trang đến tận răng, thay vì "võ trang cùng mình" )





    Về mặt phong cách, rất quan trọng vì đây là đặc trưng cụ thể của thơ, dịch giả cần khảo sát kỹ và giữ được trong bản dịch càng nhiều càng tốt các đặc điểm này của tác giả. Khảo sát tổng thể phong cách và nội dung toàn bài trước, rồi khi dịch từng chữ, từng câu, từng hàng... mới gia giảm mức độ dung hòa giữa phong cách và nội dung, để cuối cùng toàn bài dịch được thống nhất; việc này nên làm đi làm lại cho đến khi có kết quả tối hảo.

    Cần biết phân biệt thơ trần thuật khác thơ trữ tình, elegy (bi khúc) khác ode (tụng ca.)

    Haiku là thể thơ ngắn gọn nên dịch cũng ngắn gọn.
    Vd. haiku của M. Basho do người viết dịch cóp từ bản dịch English.
              
    Furu ikea
    kawazu tobikomu
    mizu no oto


    Ao cổ
    cóc nhẩy vào
    độp!

              




    Thơ là để ngâm chứ không phải để đọc bằng mắt. Ngoài vần điệu còn có tiết tấu nội tại trong bài thơ nhờ chỗ nhấn (stress) thanh điệu (bằng trắc) của chữ, ngắt đoạn, ngắt câu.... Âm và nghĩa liên kết chặt chẽ tạo hình ảnh thơ. Tác giả có thể xử dụng
    • chữ tượng thanh (onomatopoeia),
    • trùng nguyên âm hay phụ âm (assonance)
    • lập lại liên tiếp đồng âm (alliteration)
    • hoặc từ láy....,
    rất khó dịch cho đạt.

    Vd.
    Câu thơ Kiều có 2 cặp từ láy, lại ngắt đoạn đều đều cặp đôi 2 từ trắc bằng, diễn tả (bằng âm và hình) cảnh ngựa xe rong ruổi thật sinh động mà Huỳnh Sanh Thông đã cố vớt vát diễn đạt bằng trùng âm của "trot, jolt"
    • Vó câu khấp khểnh bánh xe gập ghềnh
      (When) horse begins to trot and wheels to jolt
    Ông cũng cố gắng dùng trùng âm, diễn tả âm và hình của "động địa, đùng đùng" bằng "quake, quail", mặc dù "quail" không chính xác cho lắm. Vì "kinh thiên động địa" nghĩa là "long trời lở đất", chứ trời không có sợ gì ở đây.
    • Làm cho động địa kinh thiên đùng đùng
      His thunder made earth quake and heaven quail!


    Vd.
    Bài thơ nổi tiếng Chanson d' Automne của P. Verlaine có nhiều người dịch thành thơ 4,5,6...chữ. Nhưng có lẽ bài của Tường Vân hay hơn vì câu ngắn 3 chữ, các âm "ài, ai, ôi" diễn đạt được nỗi buồn của trùng âm "l" và các âm "ong, on, omne, oeur, uer, one" của bản gốc.
              
    Chanson d' Automne

    Les sanglots longs
    Des violons
    De l'automne
    Blessent mon cœur
    D'une langueur
    Monotone.



    Thu Từ

    Tiếng nhị dài
    Nức nở hoài
    Đêm thu vắng
    Bận lòng ai
    Mối sầu dằng dặc
    Mãi không thôi

              





    Thực tế, ý nghĩa ngôn từ cũng như hình thức thơ biến chuyển theo thời đại, văn hóa và xã hội, cho nên yêu cầu giống triệt để về hình thức có thể làm mất tác dụng hoặc khác ý nghĩa đối với độc giả bản dịch. Cho nên nhiều khi người ta chọn hình thức gần giống nhất hoặc dễ lãnh hội.

    Vd.
    Thi phẩm anh hùng ca của Homer thường được dịch sang văn xuôi. Thể alexandrine của Pháp và iambic pentameter của Anh có thể hoán đổi cho nhau.
    Thể "trường đoản cú" của Chinh Phụ Ngâm Hán văn (Đặng Trần Côn) được Đoàn Thị Điểm chuyển tài tình sang thể "song thất lục bát" quen thuộc của dân Việt, dễ phổ cập trong đại chúng.





    Về mặt văn hóa xã hội, các ngôn ngữ có những câu cú, cụm từ, cách diễn đạt rất khác nhau về cùng một lãnh vực. Dịch giả nên mở mang kiến thức, tìm hiểu sâu rộng để sẵn có vốn liếng khi cần đem ra áp dụng, Ngoài những thành ngữ, ví von, cách ngôn, tục ngữ.... dịch giả cần có kiến thức ngoại ngữ về các lãnh vực
    • tư tưởng (triết học, tín ngưỡng, định chế...)
    • tác phong (phong tục tập quán...)
    • sản phẩm (nghệ thuật, âm nhạc, mỹ nghệ....)
    • sinh thái (cây cỏ, muông thú, thời tiết....)
    vì chúng không phải phổ quát mà thường có khác biệt trong cách diễn tả tùy theo mỗi nước.






    Những trình bầy trên kia cho thấy dịch thơ quả thật vất vả, nhiều khi không thể được, như đối với thơ HXH chẳng hạn. Đúng như nhiều người cho rằng thơ là cái bị mất khi đem dịch. Nhưng theo D. Bellos nói vậy là đặt sai vấn đề. Người không biết ngoại ngữ chỉ đọc bản dịch không thấy mất cái gì cả nếu đọc bài thơ thấy hiểu hết, không có gì trúc trắc hay trục trặc. Chỉ người rành 2 ngôn ngữ mới biết có mất mát. Nhưng hỏi mất cái gì thì rất khó trả lời.

    Thơ là kết hợp âm và nghĩa, làm thành cái gọi là chất thơ của bài. Chuyển sang ngôn ngữ khác, nhưng vẫn giữ được nghĩa đầy đủ hoặc gần đủ, và chỉ có âm khác đi, nhưng âm và nghĩa mới này cũng tạo nên chất thơ của bản dịch.

    Vd.
    Bài thơ ngắn của nữ thi sĩ Silva Kaputikyan (Armenia) nguyên bản Nga ngữ, tựa dịch sát là "Vâng, em bảo: đi đi" đã được dịch rất nhiều trên thế giới và được triệu triệu người thuộc lòng. Đa số độc giả này không biết hoặc không cần biết tiếng Nga nhưng vẫn cảm nhận được, nhiều phần vì thơ ngắn, nói lên được cái nũng nịu, giận hờn của cô gái đang yêu... bản dịch dễ truyền đạt thành công.
              
    Vâng, em bảo: đi đi
    Em bảo anh đi đi
    Sao anh không đứng lại?
    Em bảo anh đừng đợi
    Sao anh lại về ngay?

    Ôi lời nói gió bay
    Đôi mắt huyền đẫm lệ
    Sao mà anh ngốc thế
    Không nhìn vào mắt em?

              
    Âm hai bài gốc và bài dịch khác nhau nên tất nhiên chất thơ khác nhau, nhưng ngôn ngữ chỉ là những tương quan tùy tiện, không có tiêu chí hợp lý nào để bảo chất thơ này hơn chất thơ kia, hoặc bản gốc đã bị mất chất thơ trong bản dịch. Vì rõ ràng chất thơ của bản dịch không liên quan gì với việc dịch hoặc bản gốc. Tự nó về mặt thẩm mỹ bản dịch có khi còn hay hơn cả bản gốc nhờ tài ba nổi bật của dịch giả.

    Cảm nhận của độc giả cũng rất chủ quan, nhưng vẫn có người bảo cái tình cảm cảm nhận từ bản gốc bị mất khi đọc bản dịch. Đúng ra phải nên nói "khác" hơn là "mất", vì người đọc bản dịch (không biết ngoại ngữ, không đọc bản gốc) vẫn cảm nhận tình cảm từ bản dịch, và không cần biết khác thế nào với bản gốc. Giả sử có hỏi độc giả biết 2 ngoại ngữ là mất cái gì hoặc khác ra sao, nhiều phần họ không chỉ ra được.

    Như vậy,
    • cái không nói ra được,
      không viết ra được,
      không chỉ ra được,
      thì không thể dịch được.
    Đó là điều dễ hiểu, tự nhiên. Như L. Wittgenstein đã viết:
    • "What one cannot talk about must be left in silence"
      (Cái không thể nói được phải để yên).
    Vd.
    Cảm thụ một văn nghệ phẩm có thực là chia sẻ được không? Hay là mỗi người mỗi khác? Không ai trả lời được.
    Tương tự dịch thơ có mất không? Nếu có thì mất cái gì? Không ai trả lời được!




    Vậy thì hãy cứ tiếp tục dịch thơ, nếu muốn. Không ai bắt, nhưng một khi đã nhận trách nhiệm thì cố gắng hết mình, bởi vì
    không cứ dịch thơ,
    mà bản dịch nào
    cũng không phải là chung thẩm.

    Luôn luôn dịch giả thấy có thể sửa chỗ này, đổi chỗ kia một chút. Dịch là một ám ảnh, nhưng cho nhiều thích thú. Ai cũng có thể dịch thơ được. Chỉ cần có khát vọng, được gợi hứng từ bài thơ gốc, và nếu có được chút tài năng ngang tầm tác giả thì càng tốt. Xin đừng để bị con ngoáo ộp "Thơ là cái bị mất khi đem dịch" hù dọa!







    Phạm Đức Thân

    http://www.art2all.net/tho/phamducthan/pdt_dichtho.htm
Trả lời

Quay về “câu chuyện văn chương”