Dịch thuật thực hành

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Dịch thuật thực hành

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    Dịch thuật
    thực hành

    ____________________________
    Phạm Đức Thân







    Công việc dịch thuật đòi hỏi dịch giả phải
    • nghiên cứu kỹ lưỡng nguyên bản,
    • xem xét các khía cạnh miêu tả, tri thức, biểu cảm,
    • tái tạo lại trường hợp sáng tác,
    • tìm hiểu rõ các đặc trưng phong cách.
    Bắt tay vào dịch có khi xuất hiện ngay dễ dàng những tương đương bên ngôn ngữ dịch và chỉ việc ghi ra. Nhưng có những chỗ cần phải cân nhắc, chọn lựa để dịch sao cho chính xác và tự nhiên nhất. Lúc đó cần dựa vào những kỹ thuật dịch thích nghi.

    Bài này tổng hợp một số kỹ thuật thường được các dịch giả sử dụng, cũng như đề nghị một sắp xếp khoa học các công đoạn dịch để được kết quả tối ưu tránh được những lỗi lầm có khi do sơ xuất không đáng.

    Các kỹ thuật dịch thường dùng có thể tạm phân biệt thành 9 loại:
    1. sát nghĩa từng chữ,
    2. bổ sung,
    3. lược bỏ,
    4. vay mượn,
    5. sao chép,
    6. chuyển thức,
    7. chuyển ý,
    8. tương đương,
    9. và biến ứng.


    Phân loại là để dễ nghiên cứu. Trên thực tế đôi khi cùng câu nguyên bản có thể dùng kỹ thuật dịch khác nhau vẫn đúng, nhưng dịch giả có quyết định sau cùng chọn kiểu nào hay nhất, hợp văn cảnh nhất.

    • Vd.
      To laugh in his face dịch là: cười vào mặt hắn, hay: cười vào mũi hắn đều đúng, nhưng câu dịch sau tự nhiên hơn (dùng kỹ thuật chuyển ý, tương đương).
      Traduttore traditore (Ý) dịch là : dịch là phản bội rất đúng. Nhưng nếu muốn giữ phần nào nét điệp âm của nguyên bản, có thể chuyển ý thành: dịch là diệt.
      Tương tự, a friend in need is a friend indeed dịch là: bạn lúc cực là bạn thực, đúng và hay vì giữ được nét điệp âm của câu gốc.



    • 1/ Sát Nghĩa Từng Chữ

      Đây là giải pháp dịch chính xác lý tưởng, tự nó hoàn chỉnh, và có thể từ câu dịch chuyển ngược lại câu gốc. Các ngôn ngữ cùng họ, cùng cấu trúc cú pháp dễ dịch từng chữ. Trường hợp hai ngôn ngữ có cùng nếp suy nghĩ trùng hợp thì dịch từng chữ vừa sát nghĩa, vừa trung thành với những đặc trưng phong cách của nguyên bản.
      • Vd.
        Hair-breath escape: thoát trong kẽ tóc.
        As black as ink: đen như mực.


      Tuy nhiên, nhiều khi không nên dịch từng chữ, vì như vậy có thể dẫn đến các trường hợp sau.

      • a) Cho một nghĩa khác nguyên bản.
        • Vd.
          He had the ball at his feet. Nếu nguyên bản đang mô tả môt trận bóng tròn, có thể dịch từng chữ: Anh ta được banh ở chân. Nếu là một văn cảnh khác, tác giả dùng trong nghĩa bóng, thì phải dịch khác đi, ví dụ: Anh ta nắm được cơ hội (kỹ thuật tương đương)
      • b) Vô nghĩa.
        • Vd.
          Before you could say Jack Robinson. Dịch từng chữ: trước khi anh có thể nói Jack Robinson thì không ai hiểu nổi. Dùng kỹ thuật biến ứng, diễn tả nghĩa câu trên thành: trong chớp mắt.
      • c) Lai căng, ngô nghê, thiếu tự nhiên
        vì ngôn ngữ dịch không có cấu trúc như nguyên bản..
        • Vd.
          What time is it? Không dịch sát nghĩa từng chữ mà đổi thành: mấy giờ?
          Heart-rending: xé lòng [đứt ruột} tự nhiên hơn là dịch từng chữ: xé tim.
          Trung Hoa nói: tiêu tiền như cát, nên Việt dịch thành: tiêu tiền như nước
      • d) Khó hiểu
        vì văn hóa ngôn ngữ dịch không có tương đương.
        • Vd.
          Adam's apple phải dịch đổi thành trái cổ [yết hầu].
          Football không nên dịch sát nghĩa từng chữ là: túc cầu, nhất là khi Mỹ và Anh dùng để chỉ hai môn thể thao khác nhau. Nên dịch rõ là: bóng chày, bóng ném (Mỹ) hoặc bóng tròn, bóng đá (Anh).
      • e) Hiểu sai
        vì hai ngôn ngữ có tương đương, nhưng sự phân biệt không đồng nhất.
        • Vd.
          Soup dịch là: canh thì không chỉnh, vì tuy cùng là món ăn lỏng, nhưng thực chất và cách ăn Việt Mỹ khác nhau. Tránh hiểu lầm có thể dùng kỹ thuật vay mượn, dịch là: súp.
          Dim-sum nên dịch là: tỉm-sấm, dim sum, mặc dù thường đúng là bữa điểm tâm, nhưng không nên dịch là: điểm tâm



      2/ Bổ Sung:

      Đưa thêm vào bản dịch những gì không có trong nguyên bản để làm rõ nghĩa đối với một số trường hợp như:
      • câu tỉnh lược của nguyên bản có thể gây hàm hồ,
      • hoặc cú pháp ngôn ngữ dịch đòi hỏi phải bổ sung để được tự nhiên, rõ ràng v.v...
      Bổ sung rất thường gặp, cho nên các bản dịch thường dầy hơn nguyên bản, vì nếu vắn tắt, cô đọng có thể khiến độc giả khó hiểu, khựng lại, mất công suy nghĩ.
      • Vd.(phần bổ sung đặt trong ngoặc đơn cho dễ thấy)
        John loved Alice more than I : John yêu Alice hơn tôi (yêu Alice.)
        John loved Alice more than me: John yêu Alice hơn (yêu) tôi.
        Animals will scream their lives out at the block: Những con thú sẽ kêu thét lên (khi bị làm thịt) ở thớt.
        He said, walking: Hắn (vừa) đi (vừa) nói.
        She went to Jordan: Nàng đến (sông) Jordan.


      Đôi khi sợ hiểu lầm có thể chú thích.
      • Vd.
        Tam nguyệt san ghi số báo là: Winter 2018, dịch là: Đông 2018 thì dân VN nghĩ là báo xuất bản tháng 10 (do nếp nghĩ thứ tự bốn mùa của năm) trong khi thật ra ở Mỹ xuất bản khoảng đầu năm, nhưng thời tiết lạnh, được ghi là: Winter.
        Brother-in-law vừa chỉ anh em rể lẫn anh em cột chèo. Tương tự, uncle, aunt, brother, sister...nghĩa chung là bác, chú, dượng, cậu, cô ,dì, mợ, anh, chị, em... không phân biệt như Việt ngữ.
        Hay như cách xưng hô: I, you, me...chuyển qua Việt ngữ cần, phân biệt rõ với các danh xưng thích nghi: cụ, cháu, tôi, ông....



      3/ Lược bỏ.

      Trong bản dịch có thể lược bỏ một vài điểm của nguyên bản để cho bớt rườm rà vì cấu trúc ngôn ngữ dịch không đòi hỏi phải nêu rõ các chi tiết đó, trong khi đối với ngôn ngữ gốc thì lại là cần thiết. Đó là trường hợp
      • các tính từ sở hữu (my, her...)
        liên từ (and...)
        từ chuyển tiếp (now, then, after that, well, you know,..)
        tiếp vĩ ngữ (-ness, -dom...),
        dấu hiệu về quá khứ (-ed...),
        số nhiều (-s,-ies...),
        sự kiện (the fact that, that ...)
      Chú ý điều này sẽ tránh được câu dịch rườm rà với những chữ: của, những, đã, sự, sự kiện ...Dĩ nhiên trường hợp tác giả muốn nhấn mạnh thì phải dịch các từ đó để không phương hại đến ý nghĩa muốn diễn đạt.
      • Vd, (phần chữ trong ngoặc nên lược bỏ).
        She dropped her gloves: nàng (đã) đánh rơi (những) găng tay (của nàng).
        John and Jim and Bill: John (và) Jim và Bill
        She went out with her boyfriend: nàng (đã) đi ra ngoài với bạn trai (của nàng).
        He was given his freedom: hắn (đã) được trả (sự) tự do (của hắn).
        The fact I couldn't speak the language made things very difficult for me: (sự kiện) tôi (đã) không thể nói được ngôn ngữ đã làm khó tôi nhiều chuyện.




      4/ Vay mượn.

      Từ của nguyên bản được giữ y nguyên hoặc Việt hóa trong bản dịch, mục đích để bổ sung thiếu sót trong ngôn ngữ dịch về các khái niệm mới, phát minh kỹ thuật tân kỳ....hoặc để tạo một tác dụng văn phong giới thiệu mầu sắc địa phương của nguyên bản.
      • Vd.
        samovar :ấm samova,
        dollar: đôla,
        email: meo,
        brunch: bữa bờ-rân (khoảng gần trưa, kết hợp điểm tâm và bữa trưa làm một)

      Các vay mượn đã có sẵn, thông dụng thì không thành vấn đề. Nhưng đối với các vay mượn mới do sáng kiến của riêng mình thì dịch giả cần cân nhắc để tránh quá lai căng, ngô nghê.



      5/ Sao chép

      Đây là vay mượn kiểu đặc biệt: mượn từ hoặc cụm từ của nguyên bản và dịch sát nghĩa từng chữ. Sao chép cấu trúc hoặc kiểu diễn đạt mới nhưng vẫn tôn trọng cấu trúc cú pháp của ngôn ngữ dịch, nhằm giới thiệu cách biểu thị mới mẻ của ngoại quốc vào ngôn ngữ dịch.
      • Vd.
        Weekend: cuối tuần,
        science fiction: truyện khoa học giả tưởng,
        Armed to the teeth: võ trang đến tận răng [võ trang cùng mình]
        The man in the street: người ngoài phố [người bình thường]

      Dịch giả vẫn cần phải cân nhắc xem các sao chép mới có quá lai căng, ngây ngô, hoặc khó hiểu không.



      6/ Chuyển thức

      Tức là chuyển đổi dạng thức, thay thế cấu trúc, từ loại, mà không ảnh hưởng đến ý nghĩa thông điệp. Kiểu thay thế này có thể xẩy ra ngay bên trong bất cứ ngôn ngữ nào.
      • Vd.
        I think that he is returning chuyển thức thành: I think of his return.

      Dựa vào tương đương đó, có thể áp dụng chuyển thức trong bản dịch. Nhiều khi cú pháp, cấu trúc bên ngôn ngữ dịch bắt buộc phải chuyển thức để được tự nhiên rõ ràng hơn. Nhưng cũng có trường hợp tùy chọn theo đặc trưng văn phong dịch giả muốn đưa vào trong bản dịch.
      • Vd.
        The place and time of birth: ngày và nơi sinh tự nhiên hơn: nơi và ngày sinh.
        From: từ, to: đến. Trên bao thơ hoặc bưu kiện thì nên dịch: người gửi, người nhận.
        More or less: ít nhiều, tự nhiên hơn là: nhiều ít.
        No parking: cấm đậu,
        cattle crossing: coi chừng súc vật
        Reports reaching here indicate that...: theo báo cáo nhận được ở đây thì...
        He is rumored in Paris: Có tin đồn hắn ở Paris.




      7/ Chuyển ý

      Đó là thay đổi vị trí nhìn, cách soi sáng vấn đề. Khác chuyển thức hoạt động dựa trên cấu trúc ngữ pháp, chuyển ý thuộc về lãnh vực nội dung tư tưởng. Các mỹ từ pháp
      • hoán dụng (metonymy)
        và cải dung (synecdoche)
      là một hình thức chuyển ý trong ngôn ngữ. Nếu dịch sát hoặc chuyển thức không thành công, dịch giả có thể dựa vào chuyển ý để được tự nhiên và dễ hiểu hơn.
      • Vd. hoán dụng:
        rubber: giầy dép cao su,
        Shakespeare: tác phẩm của Shakespeare.
        The pen is stronger than the sword: báo chí mạnh hơn quân đội
        From the cradle to the grave: từ nhỏ đến chết

      • Vd. cải dung:
        a fleet of fifty sails: hạm đội năm chục tầu [thuyền].
        Plant employing sixty hands: nhà máy sử dụng sáu mươi người [nhân công]
        He is the Newton of this century: ông ta là nhà thiên văn vĩ đại nhất thế kỷ này.

      • Các vd khác:
        The club doesn't open until ten: mười giờ hội mới mở cửa.
        Until the small hours of the morning: cho tới một hai giờ sáng [quá nửa đêm]
        It doesn't seem unlikely that...:rất có thể là


      Chuyển ý đòi hỏi động não hơn chuyển thức. Nó là dấu hiệu của dịch giả có tài năng và kinh nghiệm



      8/ Tương đương

      Hai đơn vị ngôn ngữ được coi là tương đương khi cùng biểu thị một hoàn cảnh, một sự việc nhưng dưới dạng cấu trúc, văn phong riêng của mỗi ngôn ngữ.
      • Vd.
        How are you?: anh khỏe không?

      Các kỹ thuật nêu trên kia đều bắt đầu từ câu văn để tìm cách thay đổi, nhằm dịch cho chỉnh hơn. Tương đương có thể coi là một chuyển ý rất tự do, không bắt đầu từ câu văn, mà khởi đi từ ý nghĩa, hoàn cảnh của nguyên bản, để tìm ra kiểu diễn đạt giống ý nghĩa đó trong ngôn ngữ dịch.

      Tương đương giữa hai ngôn ngữ thường tìm thấy trong các thành ngữ, cách ngôn, ví von... là những đặc trưng riêng của mỗi ngôn ngữ. Những lối nói bóng gió, ám chỉ này dịch giả cần nắm vững. Chúng nằm trong kho tàng ngôn ngữ, được mọi người sử dụng thành công thức quen thuộc, dịch giả cần tôn trọng, không nên sáng tạo tự do như trong các trường hợp vay mượn, sao chép.
      • Vd.
        Too many cooks spoil the broth; nhiều thầy thối ma [nhiều cha con khó lấy chồng]
        As like as two peas: giống nhau như hai giọt nước, tự nhiên hơn dịch sát: giống nhau như hai hạt đậu.
        The Old Dominion: bang Virginia.
        Wrong number: gọi sai số rồi.
        To lead a dog's life: sống khổ như chó.



      9/ Biến ứng

      Đây là giới hạn cực đại của dịch thoát, áp dụng trong trường hợp hoàn cảnh đề cập trong nguyên bản không có, hoặc gây hiểu lầm do ý nghĩa khác nhau, trong ngôn ngữ dịch, khiến dịch giả phải tìm một hoàn cảnh khác tương đương. Vậy biến ứng là một kiểu tương đương đặc biệt, tương đương của hoàn cảnh mà người ta thường gặp trong châm ngôn, ví von, thành ngữ, lối nói riêng của mỗi ngôn ngữ.

      • Ví dụ những lối nói đặc biệt cần nắm vững.
        - Tiếng súc vật kêu khác nhau tùy ngôn ngữ, như chó kêu: gâu gâu (VN), wau wau (Đức), wang wang (Trung Hoa), bow wow (Anh Mỹ), hau hau (Tây Ban Nha).
        - Kiểu dùng chữ " to " trong: to my knowledge, to no avail, to his relief,
        - hoặc chữ " not " dư thừa trong lối nói của Mỹ đen, I haven't said nothing to nobody: tôi đã chả nói gi với ai hết..


      Ngoài những sẵn có trên, dịch giả cần hiểu rõ đặc trưng phong tục, văn hóa của các dân tộc. Vì rằng các dân tộc cũng có khác nhau về quan niệm đối với thế giới, vũ trụ... chúng được phản ánh trong tập quán, nội dung ngôn ngữ, chứ không phải ngôn ngữ chỉ khác nhau về hình thức (âm vị, ký hiệu, cấu trúc). Có thế, dịch giả mới biết cách biến ứng thích nghi khi cần.
      • Vd.
        Đối với một dân tộc mà chỉ kẻ trộm mới gõ cửa để xem có ai trong nhà, còn người quen thường cứ việc tự động đẩy cửa bước vào hoặc gọi tên chủ nhà, thì đi truyền giáo mà dịch Thánh Kinh : Jesus knocks at the door ...theo nghĩa: Chúa Jesus gõ cửa... thì thật là tai hại vô cùng. Lúc ấy phải đổi thành: Chúa Jesus đẩy cửa vào...


      Dịch giả Nguyễn Duy Chính đã chỉ ra những sai lầm thường gặp trong khi dịch Hoa Việt do không nắm vững khác biệt ý nghĩa của mỗi lối nói.
      • Vd.
        Hoa nói: ngưu, thủy ngưu, thanh ngưu, thanh lư, dương
        Nghĩa đúng: bò, trâu, bò đen, lừa đen, cừu
        Việt dịch sai: trâu, trâu nước, trâu xanh, lừa xanh, dê
        Trung Hoa không có chữ chỉ trâu nước, và dê thì gọi là sơn cương, không phải dương.





    Dịch giả có thể áp dụng bất cứ kỹ thuật nào trong số 9 kỹ thuật kể trên vào trong một câu, miễn là tự nhiên, chính xác, hợp phong cách. Đôi khi dịch giả còn tổng hợp thành một kỹ thuật rất khó xác dịnh, tùy theo sáng kiến của mình.
    • Vd.
      Private: riêng tư. Nếu là trên một bảng gắn trên cửa ra vào, dịch là: cấm vào, thì tức là đồng thời xử dụng cả 3 kỹ thuật;
      • chuyển thức (tính từ chuyển thành động từ),
        chuyển ý (xác định chuyển thành mệnh lệnh),
        tương đương (cấu trúc khác nhưng cùng chỉ một hoàn cảnh).

    Nắm vững các kỹ thuật dịch giúp dịch giả xử lý nhanh chóng những chỗ cần cân nhắc để đạt được một bản dịch hay, đáp ứng được cùng lúc 4 yêu cầu cơ bản:
    • - có ý nghĩa dễ nhận biết
      - chuyên chở được tinh thần và phong cách của nguyên tác
      - có hình thức diễn đạt dễ dàng, tự nhiên
      - tạo được đáp ứng tương tự như nguyên tác

    Việc này khá khó khăn vì nhất định sẽ có những chỗ hình thức và nội dung xung đột gay gắt.
    • Chỉ chú ý nội dung mà xem nhẹ hình thức thường đưa tới nhạt nhẽo, tầm thường.
    • Nhưng hy sinh ý nghĩa để tái hiện cho được phong cách thì cùng lắm chỉ tạo được cảm giác mà không truyền đạt hết được ý nghĩa thông điệp.





    Mục tiêu sau cùng của bản dịch xét theo tác dụng của nó đối với độc giả là một yếu tố cơ bản hàng đầu để đánh giá bản dịch. Hình thức có thể thay đổi nhiều hơn nội dung mà vẫn tạo được đáp ứng tương tự như nguyên tác. Cho nên ngày nay đa số công nhận ý nghĩa phải được đặt ưu tiên hơn phong cách, mặc dù luôn luôn trước hết phải cố gắng kết hợp hiệu quả hình thức với nội dung vì chúng gắn bó chặt chẽ trong bất cứ thông điệp nào.

    Công tác dịch thuật bao gồm khởi đầu nghiên cứu kỹ hai ngôn ngữ về mọi khía cạnh từ vựng, cấu trúc, văn phong, lịch sử, văn hóa,...như đã được đề cập nhiều rồi. Chỉ xin nêu ra đây một hai điều dễ quên.

    • Dịch giả cần nhạy bén và sử dụng được một văn phong thích hợp, nắm vững lý thuyết và thực hành các văn phong. Người nào viết tiếng mẹ đẻ chưa chấp nhận được thì không thể dịch hay được.
    • Nguyên bản (vd. Anh ngữ) chỉ là một bản dịch từ bản gốc (vd. Nga ngữ) thì dịch giả phải cẩn thận vì có thể đã có những thay đổi. Hoặc nguyên bản không do tác giả bản xứ mà do một di dân, hoặc ngoại nhân (vd. báo cáo khoa học). Lúc ấy dịch giả cần chú ý vì nguyên bản có thể có câu cú vụng về, lỗi văn phạm.

    Mỗi dịch giả tùy cá tính có lối tổ chức công việc dịch khác nhau. Sau đây xin nêu một điển hình khoa học để tiện tham khảo, gồm các bước chính:

    • - Sau khi đã nghiên cứu kỹ toàn thể nguyên bản, nên tham khảo tất cả những tài liệu liên quan, như tiểu sử tác giả, trường hợp sáng tác, các bài nghiên cứu phê bình, để củng cố thêm kiến thức vế nguyên tác.
      - Không bao giờ có 2 bản dịch giống nhau vì cùng một bản gốc có thể phát sinh nhiều bản dịch khác nhau. Đối chiếu các bản dịch hiện hữu để rút kinh nghiệm, tránh được những lỗi của các dịch giả đi trước
      - Nháp lần đầu, dịch từng câu dài hoặc đoạn ngắn, mạnh dạn ghi ra hết những cách diễn đạt (càng phong phú càng tốt) có thể nghĩ ra được.
      - Để cho "nguội" một vài ngày rồi xem lại. Gạch bỏ những chữ không cần thiết. Sắp xếp lại các thành phần cấu trúc. Chữa những lỗi tối nghĩa hoặc không hợp văn phong. Chú ý đến các liên kết mạch lạc giữa các đơn vị.
      - Nhiều thể loại (vd. thi ca) cần được đọc to lên, ngân nga để xem tác dụng văn phong và tiết tấu thế nào.
      - Nếu được, nhờ một người đọc to để các người khác nghe. Dịch giả có thể nghiên cứu phản ứng của khán giả, xem tổng quát có chỗ nào trúc trắc khiến người đọc ngập ngừng. Xin ý kiến các khán giả để xem lại những chỗ tối nghĩa, khó hiểu.
      - Nhờ những dịch giả uy tín duyệt xét lại về văn phong ngôn ngữ dịch cũng như mức độ thấu hiểu của mình đối với nguyên bản.
      - Duyệt xét toàn bộ cuối cùng dựa vào những ý kiến đóng góp. Nên để ý lỗi chính tả để tránh được sai phạm không đáng.




    Người viết hy vọng qua trình bầy dịch thuật về lý thuyết (trong một bài trước) và thực hành (trong bài này) cũng giúp ích phần nào cho những người đang muốn thử bắt tay vào cái công việc bạc bẽo, mặc dù nó có đem lại nhiều thích thú, mở rộng kiến thức, và là một cách luyện văn. Nghiên cứu dịch thuật không biến người ta thành dịch giả. Phải bắt tay vào công việc dịch mới thành dịch giả, giống như muốn trở thành tài xế phải lái xe chứ không phải đọc sách dạy lái xe.






    Phạm Đức Thân

    http://www.art2all.net/tho/phamducthan/ ... uchanh.htm
Trả lời

Quay về “câu chuyện văn chương”