Dịch thuật

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Dịch thuật

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           







    Dịch thuật
    ____________________________
    Phạm Đức Thân








    Chưa bao giờ trong lịch sử thế giới lại có nhiều người bỏ công sức và thời gian vào công việc dịch thuật như ngày nay. Nhưng người chỉ trích cũng không ít, coi dịch thuật là việc làm vô vị, là bình mới rượu cũ, là vô ích vì các ngôn ngữ rất khác nhau không thể chuyển dịch được. Thực tế cho thấy đã có những bản dịch sống động, đầy mỹ vị. Ngay từ thời Phục Hưng nhiều tác giả Ý cho rằng dịch thuật giống như phụ nữ:
    • chỉ biết chăm lo gia đình thì được coi là trung thành;
      nếu tỏ ra bay bướm, tình tứ thì bị trách là phản bội.


    Dịch thuật càng trở nên phức tạp khi bản thân dịch giả luôn luôn phải đối phó với nhiều vấn đề:
    • đối nghịch giữa hình thức và ý nghĩa (cố gắng cho giống đặc trưng phong cách của nguyên bản có thể phải hy sinh phần ý nghĩa, và ngược lại);
    • chọn lựa giữa từ ngữ và tinh thần (theo sát với những gì của nguyên bản có thể làm hại tinh thần, giọng điệu trong thông tin gốc);
    • thay đổi không ngừng của ngôn ngữ để theo kịp thế giới đang biến chuyển (nếu không điều chỉnh cho phù hợp thực tại có thể gây khó hiểu).
    • Dịch giả còn phải hiểu rõ vai trò của mình, phải giải đáp các thắc mắc:
      • Dịch là phản?
      • Dịch là nghệ thuật hay khoa học?
      • Dịch chỉ cần thực hành nhiều hay dịch có những nguyên tắc khách quan có thể quan sát miêu tả được?

    Đa số cho rằng dịch vừa là nghệ thuật vừa là khoa học.
    • Nghệ thuật vì nó đòi hỏi cảm hứng nghệ thuật nơi dịch giả, và giá trị thẩm mỹ văn học trong bản dịch.
    • Khoa học vì nó là một bộ môn đúng nghĩa, có những kỹ thuật và những vấn đề đặc biệt của riêng nó.


    Người ta có thể đối chiếu nhiều bản dịch của cùng một nguyên bản. Và nếu không thể có bản dịch đồng nhất thì không phải do tính chất nội tại của bộ môn, mà do khảo sát chưa đủ hiện thực. Biết được nhiều kỹ thuật chuyển dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác thì sẽ có nhiều giải pháp để chọn lựa hơn. Dịch trở nên một tổng hợp tài năng nghệ thuật và kiến thức khoa học về những kỹ thuật này.

    Để thành công, dịch giả cần đáp ứng một số yêu cầu cơ bản mà Etienne Dolet (1509-1546) từ xưa đã tổng kết như sau:

    • 1/ Phải hiểu rõ nội dung và mục đích của tác giả mình dịch.
      2/ Phải nắm vững cả ngôn ngữ gốc cũng như ngôn ngữ dịch.
      3/ Nên tránh thói quen dịch từng chữ vì như thế là hủy diệt ý nghĩa của nguyên bản và phá hoại vẻ đẹp của những cách biểu thị, diễn đạt của tác giả.
      4/ Nên sử dụng ngôn ngữ trong hình thức phổ thông dễ hiểu.
      5/ Phải chọn lựa và sắp xếp từ ngữ sao cho có giọng điệu thích hợp, tạo được hiệu quả nơi độc giả.

    Ngày nay những yêu cầu đó vẫn giữ nguyên giá trị.

    Trước hết là phải có một kiến thức thỏa đáng đối với ngôn ngữ gốc, có khả năng nắm vững được nội dung chung của ý nghĩa, có khả năng tra cứu từ điển. Như thế chưa đủ, phải hiểu không những nội dung chung dễ nhận biết của nguyên bản mà cả những ý nghĩa tinh tế, những giá trị biểu cảm của các từ, những đặc trưng phong cách tạo nên mỹ vị của tác phẩm.

    Quan trọng hơn là hoàn toàn làm chủ được ngôn ngữ dịch. Một số dữ kiện của ngôn ngữ gốc có thể tra cứu qua từ điển, chú giải, phê bình hoặc khái luận chuyên môn, nhưng không có gì để trông cậy, thay thế trong việc vận dụng ngôn ngữ dịch. Nhiều phần chắc là, sai lầm trước tiên trong khi dịch là do thiếu sự nắm vững này.

    Tuy nhiên, hiểu biết chung về ngôn ngữ là một chuyện; có kiến thức chuyên môn về một đề tài nào lại là chuyện khác. Hiểu biết chung chưa là điều kiện thỏa đáng để dịch những vấn đề chuyên môn. Nói cách khác, dịch giả còn phải hiểu biết kỹ càng đề tài đang dịch.

    Thật ra, ngay dù có kiến thức chuyên môn vẫn chưa phải là hoàn chỉnh nếu dịch giả không có tinh thần đồng cảm thực sự với tác giả, giống như một diễn viên giỏi cảm nhận vai của mình trên sân khấu. Nghĩa là dịch giả phải có tài mô phỏng, khả năng đóng vai tác giả, thể hiện phong thái, ngôn ngữ thật giống. Không nên dịch cái gì ta không thích. Và nếu không được có cùng bối cảnh văn hóa như tác giả, dịch giả phải sẵn sàng cố gắng bù đắp vào thiếu sót này. Nhưng đồng thời dịch giả phải bằng lòng được giống như tác giả, chứ không phải cố gắng vượt trội tác giả.

    Muốn có bản dịch thực sự hiệu quả về mặt thẩm mỹ nghệ thuật, dịch giả còn phải có khả năng diễn đạt ngôn ngữ dịch một cách văn vẻ, lưu loát. Nghĩa là dịch giả ít ra cũng có tài văn chương như tác giả. Không có bản dịch giá trị nào mà không đem lại cho độc giả niềm thích thú như khi đọc nguyên bản. Giống như cải biên một bản nhạc cho một nhạc cụ khác đòi hỏi khả năng sử dụng thành thạo nhạc cụ cũng như nhạy cảm đối với phong cách nghệ thuật.

    Nhất là đối với loại hình văn học nhiều tính cách tư riêng như thi ca thì lại càng cần một mức độ kết hợp cao hơn về đồng cảm và phong cách: một trùng hợp may mắn với cảm xúc và tâm trạng của thi sĩ lúc sáng tác. Phải nắm vững chuyên môn về nghệ thuật thi ca, hiểu rõ những hạn chế, tỉnh táo cân nhắc xem phải hy sinh những gì không thể tránh được, để chuyển tài tình sang thể loại thơ của ngôn ngữ dịch.

    Dịch thơ rất khó đạt. Robert Frost đã nói
    • "Thơ là cái bị mất khi đem dịch" (Poetry is what gets lost in translation).
    Đối với vấn đề dịch kinh sách tôn giáo có người còn quan niệm dịch giả không nên chỉ trông cậy vào những thành quả tốt nhất của ngữ học và chú giải, mà còn cần được ân sủng thiêng liêng để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.

    Không dịch giả nào tránh được có một phần dấu ấn cá tính mình trên bản dịch. Khi tìm hiểu nguyên bản, khi chọn lựa từ ngữ, cấu trúc, phong cách không tránh được bị ảnh hưởng bởi tình cảm đối với nguyên bản và tác giả. Tất nhiên những ý nghĩa bóng bẩy của nguyên bản sẽ ảnh hưởng và bị ảnh hưởng do những giá trị tương đương của bản dịch, hai loại giá trị đó không bao giờ giống hệt được như nhau.

    Thành thật tri thức đòi hỏi dịch giả phải tránh được càng nhiều càng tốt sự can thiệp vào tiến trình thông tri. Dịch giả không bao giờ được dựa vào chính cảm giác của mình hoặc làm sai lệch đi để cho phù hợp với quan niệm tình cảm hay tri thức của mình. Đồng thời cũng không phải là cái máy, cho nên nhất định sẽ ghi dấu cá tính mình trên bản dịch. Phải cố gắng hết sức giảm thiểu tối đa dấu ấn này.

    Trừ trường hợp cố ý làm sai lạc vì mục đích tôn giáo, chính trị, xã hội....đa số những khác biệt không đáng là do những đặc trưng cá tính vô thức ảnh hưởng đến công việc dịch một cách tế nhị và không cố ý; nhất là khi dịch giả lại có dụng tâm muốn hoàn chỉnh nguyên bản, sửa chữa những sai sót hiển nhiên, hoặc bảo vệ quan điểm cá nhân trong khi chọn chữ đặt câu.

    Nguy hiểm chủ quan trong khi dịch tỉ lệ thuận với mức độ vướng víu tình cảm của dịch giả đối với nguyên bản. Về phương diện khách quan khoa học, cần giảm tối đa vướng víu này, nhất là khi dịch kinh sách thường hay bị lòng tôn kính chi phối.

    Nhiều khi chưa nắm chắc được nguyên bản khiến dịch giả khó phản ánh trung thực. Có khi thiếu khiêm tốn, không chịu tham khảo ý kiến của người khác chuyên môn hơn. Có khi có thái độ gia trưởng, cho rằng người đọc trình độ thấp cần phải đưa vào những giảng giải của mình, hoặc ngôn ngữ dịch thiếu sót cần phải bổ sung, cải thiện, mà thường là cải thiện rất tùy tiện, gượng ép... Cần nhớ rằng thành thật chưa đủ, còn phải có khả năng thỏa đáng về ngôn ngữ, nắm vững vấn đề, biết chọn đúng từ ngữ và hiểu rõ đâu là sở trường sở đoản của mình.

    Vì không có hai ngôn ngữ nào đồng nhất về ý nghĩa cũng như cú pháp, cấu trúc, cho nên không thể có tương đương tuyệt đối giữa các ngôn ngữ. Nghĩa là không thể có bản dịch hoàn toàn chính xác; hiệu quả toàn bộ có thể là sát với nguyên bản nhưng không thể đồng nhất từng chi tiết, giống như khi trả nợ, trả đủ số tiền chứ không thể y nguyên loại giấy bạc.





    Thông thường từ xưa đến nay phân ra hai cách chính: dịch sát và dịch thoát, mà nghĩa của hai từ "sát" và "thoát" đã nói lên phần nào cách thức dịch. Nhưng giữa hai thái cực đó có nhiều cách trung dung. Chọn cách dịch thường dựa trên 3 yếu tố có ảnh hưởng quyết định:

    • 1/ Đặc tính của nguyên bản.
      Nội dung hay hình thức, phần nào quan trọng hơn. Đôi khi nội dung có tầm quan trọng khác nhau tùy theo đối tượng độc giả khác nhau của bản dịch. Dịch thi ca phải chú ý đến hình thức nhiều hơn là dịch văn xuôi. Nếu mục đích nhằm phổ biến văn hóa, có thể dịch thi ca ra văn xuôi để đại chúng dễ chấp nhận hơn. Ví dụ các tác phẩm anh hùng ca Iliad và Odyssey của Homer thường được dịch sang văn xuôi.

                
    • 2/ Mục đích đặc biệt của dịch giả.
      Người ta thường giả định rằng dịch giả có mục đích gần tương đồng với tác giả; nhưng không nhất thiết là vậy. Ví dụ dịch tài liệu khoa học là nhằm thông tin, truyền đạt kiến thức, dịch giả ít quan tâm đến phản ứng ưa thích hay không của độc giả.

      Nếu muốn khơi dậy môt phản ứng đặc biệt nào nơi độc giả bằng bản dịch, thì thường có vài thay đổi nhỏ để cho nổi rõ ý nghĩa, mục đích của dịch giả. Mặt khác, nếu bản dịch cần có tính cưỡng bách, ra lệnh, thì phải dịch thật rõ sao cho khỏi hiểu sai lạc.

                
    • 3/ Đối tượng độc giả.
      Người đọc trình độ rất khác nhau. Trẻ em ít chữ, còn non nớt, chậm hiểu. Người bình thường biết đọc biết viết nhưng không thạo văn chương, khác với người có học thức. Những nhà chuyên môn như học giả, bác sĩ, khoa học gia...thích sự chính xác. Cũng cần để ý đến hứng thú, quan tâm của độc giả. Dịch để gợi thích thú thưởng ngoạn nơi độc giả nhất định không giống dịch để chỉ dẫn người ta biết cách sử dụng một cái máy. Dịch để thỏa tính tò mò muốn hiểu nếp sống của môt dân tộc thiểu số khác dịch để nhà ngữ học nghiên cứu ngôn ngữ của dân tộc đó.


    Vì thực sự không thể có những tương đương đồng nhất, cho nên dịch giả cố gắng đạt đến tương đương gần nhất. Về cơ bản có hai loại tương đương khác nhau: tương đương hình thức và tương đương chức năng.

    • 1/ Tương đương hình thức.
      Chú trọng đến chính thông điệp về cả hình thức lẫn nội dung. Ví dụ những tương đương như thi ca với thi ca, câu với câu, khái niệm với khái niệm... Thông điệp trong ngôn ngữ dịch nên theo sát càng nhiều càng tốt những yếu tố khác nhau trong ngôn ngữ gốc. Luôn luôn đối chiếu hai thông điệp để xác định tiêu chuẩn chính xác và đúng thực. Ví dụ dịch tiếng Anh trung cổ sang tiếng Việt để hiểu văn học Anh thời kỳ đầu đòi hỏi phải theo sát cấu trúc cả hình thức (cú pháp và thành ngữ) lẫn nội dung (chủ đề và khái niệm) có kèm theo những chú giải cần thiết. Độc giả nhờ đó có thể tự đồng hóa mình với nhân vật trong văn cảnh ngôn ngữ gốc và hiểu được tập quán, nếp suy nghĩ, cách diễn đạt trong nguyên bản.
                
    • 2/ Tương đương chức năng.
      Ngược lại, dựa vào nguyên tắc tác dụng tương đương, nhắm sao cho tương quan giữa độc giả bản dịch với thông điệp, về cơ bản, được giống như tương quan giữa độc giả nguyên bản với thông điệp gốc. Nghĩa là biểu thị một cách tự nhiên, cố gắng liên kết độc giả với những tâm trạng, tác phong tương ứng thích hợp trong phạm vi bối cảnh văn hóa của mình. Độc giả không cần phải hiểu văn hóa gốc để đón nhận thông điệp.


    Dĩ nhiên giữa hai thái cực có nhiều mức độ trung gian. Nhưng càng ngày càng có khuynh hướng thiên về tương quan chức năng trong khi dịch.



    Hai khuynh hướng này thể hiện trong hai cách thức dịch: dịch sát và dịch thoát.

    Nguyên tắc của dịch sát là, về cơ bản, hướng tới bản gốc, mục đích làm sao thể hiện hình thức và nội dung nguyên bản được càng nhiều càng tốt bằng cách cố gắng tái tạo trong bản dịch một vài yếu tố hình thức như:

    • 1/ Đơn vị ngữ pháp
      - Dịch danh từ bằng danh từ, động từ bằng động từ...
      - Giữ nguyên các cụm từ và câu (không chia cắt hoặc điều chỉnh)
      - Giữ nguyên các dấu hiệu hình thức (dấu chấm, phẩy, ngắt đoạn)

                
    • 2/ Sử dụng từ
      - Có tương thích sít sao trong sử dụng từ
      - Cố gắng tương đồng về thuật ngữ: dịch từ đặc biệt của nguyên bản sang từ tương đương cũng đặc biệt không kém.
      - Để trong ngoặc hoặc in nghiêng những gì thêm vào cho rõ nghĩa mà không có trong nguyên bản.

                
    • 3/ Ý nghĩa văn mạch nguyên bản
      Không điều chỉnh ý nghĩa trong văn mạch nguyên bản bằng thành ngữ tự nhiên của ngôn ngữ dịch, mà cố gắng tái tạo cách biểu thị giống nguyên bản để độc giả nhận rõ cách sử dụng từ ngữ, diễn đạt của nguyên bản.


    Tuy nhiên thực tế cho thấy có những trường hợp không thể tôn trọng các yếu tố hình thức vì các ngôn ngữ rất khác biệt nhau. Ví dụ: láy chữ, chơi chữ, điệp âm, điệp vận....Lúc đó có thể dùng chú giải để giải thích cho rõ, hoặc tìm cách thể hiện tương đương tương đối mà thôi. Việc thể hiện này hơi khó vì các ngôn ngữ thường khác nhau cả hình thức lẫn nội dung.

    Đối với độc giả trung bình, bản dịch sát có thể khó hiểu, cho nên đôi khi phải chú thích thêm. Khó khăn là không biết tính sao khi bản gốc có chỗ vụng về, luộm thuộm, sai lầm... Có người khuyên nên điều chỉnh và chú thích. Bản dịch sát giá trị nhiều hay ít cũng còn tùy trường hợp. Để nghiên cứu ngôn ngữ thì dịch sát đối chiếu hai bản văn là cần thiết. Bình thường, dịch sát ít phổ biến, chỉ áp dụng cho một vài loại tài liệu đối với một số giới độc giả.

    Nguyên tắc dịch thoát linh động hơn, chú trọng đến đáp ứng của độc giả. Tuy nhiên cần nhớ rằng bản dịch thoát không phải là một thông điệp khác, với ít nhiều giống nguyên bản. Dẫu sao nó cũng chỉ là bản dịch, nghĩa là vẫn phải phản ánh rõ ý nghĩa và mục đích của nguyên bản.

    Có thể định nghĩa bản dịch thoát là tương đương tự nhiên gần nhất đối với thông điệp gốc. Tuy nhiên dịch thoát chú ý đến tương đương về đáp ứng (hay chức năng) hơn là tương đương về hình thức, cho nên cần xác định rõ ý nghĩa bao hàm của từ "tự nhiên" trong định nghĩa trên. Bản dịch tự nhiên phải thích hợp với văn hóa và ngôn ngữ dịch nói chung, với văn cảnh của thông điệp, và với độc giả bản dịch.

    • 1/ Dịch tự nhiên là khi độc giả đọc không thấy có gì xa lạ, lai căng với ngôn ngữ và văn hóa của mình. Muốn vậy phải có những điều chỉnh về ngữ pháp cũng như từ vựng trong khi dịch. Ví dụ: những thay đổi bắt buộc về thứ tự từ, động từ thay cho danh từ, danh từ thay cho đại từ...Đó là về ngữ pháp.

      Về từ vựng, dịch giả có nhiều tự do chọn lựa hơn.
      - những từ dễ có tương đương; Vd, table (bàn), water (nước) không cần chú giải.
      - những từ chỉ vật cùng công dụng nhưng khác nghĩa về mặt văn hóa: Vd. book (sách) cần chú giải nếu muốn nêu rõ đây là sách xưa, là mảnh giấy cuộn lại, hoặc là các thanh trúc, khác giấy đóng tập như hiện tại.
      - những từ có ý nghĩa văn hóa đặc biệt. Vd. synagogue (nhà thờ Do Thái), dịch rõ như vậy vì khác đình chùa VN, hay nhà thờ Thiên Chúa Giáo.

      Diễn đạt tự nhiên thiết yếu là vấn đề đồng phù hợp cùng lúc các mặt từ loại, phạm trù ngữ pháp, phân biệt ngữ nghĩa, thể loại văn phong, bối cảnh văn hóa... vì các ngôn ngữ thường khác biệt nhau về những mặt đó, không nhiều thì ít.

                
    • 2/ Dịch tự nhiên là đặc trưng chung về từ vựng, ngữ pháp phải phù hợp với văn cảnh của thông điệp. Thật ra bản dịch tự nhiên sẽ được miêu tả dễ dàng hơn qua những gì nó phải tránh hơn là qua những gì nó thực sự biểu thị. Vì rằng chính những gì bất thường hiện diện mới đập vào mắt độc giả khiến người ta thấy nó thiếu tự nhiên. Vd, dùng chữ dung tục trong một đoạn văn trang trọng là không phù hợp. Tuy nhiên coi chừng lại rơi vào một thái cực khác. Đó là dùng quá nhiều từ phức tạp mà dịch giả đưa vào làm cho rõ nghĩa, khiến mất đi vẻ tự nhiên, bộc trực của nguyên bản.

      Dùng từ không hợp thời cũng là vi phạm nguyên tắc phù hợp giữa thông điệp và văn cảnh. Vd. người điên trước đây bị coi là "demon possessed" thì phải dịch là "quỉ ám", không được dùng "bệnh tâm thần" thay vào cho có vẻ hiện đại. Hoặc bầy tôi nói với nhà vua "you give me" thì phải dịch là "bệ hạ ban cho thần", không nên dịch là "ông cho tôi".

      Vấn đề phù hợp không chỉ ở nội dung từ mà cả trong văn phong khác nhau của các ngôn ngữ. Có ngôn ngữ thích duyên dáng bóng bẩy (như của Ý, Tây Ban Nha), có ngôn ngữ chuộng hiện thực chính xác (như của Anh, Pháp). Mặt khác, cũng nên kết hợp các yếu tố tích cực của văn phong để đạt được giọng điệu tình cảm thích hợp trong lời văn. Giọng điệu này phải phản ánh đúng quan điểm của tác giả. Các nét châm biếm, hài hước, ý nhị hay dí dỏm... phải được phản ánh trung thành trong bản dịch. Ngoài ra các nhân vật trong truyện phải có cá tính như ý muốn của tác giả, thể hiện qua ngôn ngữ riêng của mỗi người tùy theo nghề nghiệp, địa vị xã hội, hoặc địa phương của mình. Vd. Ngọc Thứ Lang dịch The Godfather (Mario Puzo) thành công nhờ chuyển dịch được giọng điệu anh chị, du côn trong nguyên bản.

                
    • 3/ Dịch tự nhiên còn là phải thích hợp với độc giả trong một mức độ nào đó, tức là phải để ý đến trình độ, kinh nghiệm, khả năng giải mã của độc giả. Trẻ em, người bình thường, trí thức, học giả, các nhà chuyên môn...là những độc giả không giống nhau.





    Phạm Đức Thân

    http://www.art2all.net/tho/phamducthan/ ... hthuat.htm
Hình đại diện
nắng thủy tinh
Bài viết: 3530
Ngày tham gia: Thứ sáu 15/05/15 06:14

Re: Dịch thuật

Bài viết bởi nắng thủy tinh »

Bài này hay quá hén anh Hoàng Vân :cafe: , đọc để hiểu thêm và học thêm được một ít chữ Việt nữa :flower:
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20017
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Dịch thuật

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          



:giggles: :yes2:



          
Trả lời

Quay về “câu chuyện văn chương”