Tưởng nhớ năm khuôn mặt văn chương

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Tưởng nhớ năm khuôn mặt văn chương

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Tưởng nhớ năm khuôn mặt văn chương



    Cũng như mọi người, giữa trần gian, họ đã đến, đã sống buồn, vui, vinh, nhục, đã làm việc, đã phấn đấu…và rồi theo lớp tuổi, thanh thỏa với cuộc đời, họ lần lượt ra đi. Ra đi, nhưng không hề biến mất; không những thế, tiếp tục tồn tại; không những thế, phục sinh. Bằng thơ, văn, bằng chữ, nghĩa, họ vẫn hiện diện. Vẫn thở, vẫn nói, vẫn yêu, vẫn đối thoại với cuộc đời, giữa mọi người.

    Họ! Đó là năm khuôn mặt văn học nghệ thuật, bốn ở hải ngoại và một ở trong nước, từ giã chúng ta năm 2019. Tin buồn đầu tiên đến từ San Jose: nhà văn Hoàng Ngọc Biên (16/5). Chưa tới một tuần lễ sau, nhà thơ Tô Thùy Yên (21/5/2019) từ Houston. Năm tháng sau, ngày 4/10, nhà văn Phan Huy Đường, Paris (Pháp). Hai ngày sau, nhà thơ Du Tử Lê, Westminster, California (7/10). Một ngày sau, nhà thơ Trần Tuấn Kiệt (8/10) từ Sài Gòn.

    Buồn và tiếc thương. Nhưng chúng ta hạnh phúc vì đã có họ giữa trần gian. Họ ra đi, hạnh phúc đó vẫn còn, tiếp tục và mãi mãi. Thế giới chữ nghĩa của họ bây giờ trở thành thế giới chữ nghĩa của tất cả chúng ta. Họ, riêng thì riêng, mà vẫn vô cùng chung.

    HOÀNG NGỌC BIÊN



    Từ trái: Trần Đình Sơn Cước, Lữ Quỳnh, Trần Doãn Nho, Hoàng Ngọc Biên.
    (Hình: TDN – San Jose 2013)


    Hoàng Ngọc Biên sinh năm 1938
    ở Quảng Trị, tốt nghiệp đại học sư phạm Pháp văn năm 1961. Anh vừa đi dạy học vừa xuất bản sách, làm đồ họa, phụ trách phần mỹ thuật cho các báo và nhà xuất bản ở Sài Gòn; anh cũng nằm trong ban biên tập của tạp chí văn chương (mà cũng là nhà xuất bản) Trình Bày (1961-1975), một trong những tạp chí văn chương hàng đầu của Sài Gòn thuởấy. Là nhà biên khảo, nhà văn, nhà thơ, dịch giả, họa sĩ, anh làtác giả của nhiều tập thơ, tập truyện, công trình biên khảo được nhiều người biết từ trước năm 1975 và tham dự nhiều lần triển lãm tranh ở Viện Đại Học Đà Lạt, Viện Goethe, Pháp Văn Đồng Minh Hội, Hội Họa Sĩ Trẻ Việt Nam, cũng trước năm 1975.Năm 1991, anh cùng gia đình sang định cư ở Mỹ, làm việc cho tuần báo The Salt Lake City Weekly, cộng tác với tạp chí mạng Tiền Vệ và một số các tạp chí khác.

    Anh xuất bản gần 20 tác phẩm, vừa truyện, thơ, dịch thuật và tiểu luận văn học cả trước 1975 cũng như sau 1975, hầu hết đều do nhà xuất bản Trình Bày ấn hành.

    – Thơ: Uống trà sớm mai; Đất và người và thần thoại Việt Nam; Biển ngày đêm; Chân mây cuối trời.

    – Truyện và đoản văn: Đêm ngủ ở tỉnh; Người đạp xe vào thành phố buổi sáng; Quê hương, người về.

    – Dịch thuật: Thơ Pasternak, con người và tác phẩm; Tĩnh vật và những bài thơ khác của Joseph Brodsky; Mối tình đầu của Samuel Beckett; Marcel Proust, Con người xã hội; Tiểu luận Samuel Beckett; Chuyến đi mùa đông, tập truyện của Georges Perec; Djinn, những mẩu truyện của Alain Robbe-Grillet.

    – Tiểu luận: Mười nhà văn Pháp hiện đại; Marcel Proust, con người xã hội.

    Tác phẩm mới nhất phát hành trước khi anh ra đi là tập truyện “The Train and Selected Writings” (Chuyến xe và những truyện ngắn chọn lọc) do Hoàng Thạch Thiết, một người bạn thân của anh, chuyển ngữ. Có thể tóm tắt sự nghiệp văn chương của Hoàng Ngọc Biên qua một trích đoạn sau đây của Hoàng Ngọc-Tuấn (Úc) trong lời tựa cho dịch phẩm này: “Hoàng Ngọc Biên đã phát triển tài năng của anh trên nhiều ngành nghệ thuật, và tất cả, dù là một bài thơ, một tiểu luận, một bức tranh, một vở kịch hay một ca khúc, được anh thực hiện không chỉ hết sức tài hoa về mặt nghệ thuật mà còn truyền đạt mộtcảm thức sâu xa về con người. Trong thế giới nghệ thuật Việt Nam, Hoàng Ngọc Biên thường được xem như là một trong những nhà tiên phong bởi vì cách tiếp cận mới mẻ và thực nghiệm của anh đối với nghệ thuật sáng tạo văn chương và tạo hình. Tuy nhiên, các tác phẩm của anh không nhằm tạo ra những chấn động hời hợt hay gây ra những hiệu quả lòe mắt nhất thời. Thay vào đó, mỗi một tác phẩm của anh từ từ thấm vào các rào chắn tâm hồn ta một cách âm thầm, vươn đến cốt lõi sâu xa nhất và phát ra những âm vang trường cửu.”


    The Train – a novella and Selected Writings
    (Truyện dịch, tác phẩm cuối cùng của Hoàng Ngọc Biên)



    Độc giả nào muốn đọc các tác phẩm của Hoàng Ngọc Biên, có thể vào trang mạng Tiền Vệ (tienve.org), nơi hiện lưu giữ khá nhiều các tác phẩm của anh, mới cũng như cũ, được sáng tác ở trong cũng như ngoài nước.

    Mời đọc một trong những bài thơ xuôi rất hay của Hoàng Ngọc Biên:

    Chuyện một người không có trái tim

    Tôi đứng trên cầu, thơ thẩn nhìn ra phía sông nước cuối dòng. Chân trời nhuộm một màu đỏ chói chang. Mây không tím không hồng.

    Tôi bỗng nghe một tiếng động nhỏ sau lưng, tưởng có người bạn loanh quanh đâu đó nhìn thấy mình, tò mò ghé lại tám. Tôi quay người và nhận một cú đấm long trời lở đất vào ngực, bất thần, ngay trái tim.

    Bàn tay xuyên vào bên trong ngực, đẩy trái tim tôi ra khỏi lưng, rơi xuống sông, Trước sau tôi chỉ nghe một tiếng nước bắn tung toé, tiếng nhỏ và ngọt như tiếng một hòn sỏi rơi, từ dưới sâu vọng lên.

    Mọi việc tiếp tục như không có gì xảy ra. Bàn tay biến mất. Tôi rảo bước qua bên kia cầu, trong người nhẹ nhõm, vì không còn ôm trái tim trước ngực, để lúc nào cũng phải thấy lòng nặng trĩu.


    TÔ THÙY YÊN



    Từ trái: Chân Phương, Tô Thùy Yên, Nguyễn Trọng Khôi, Trần Doãn Nho
    (Hình:TDN, Boston 2017)



    Tô Thùy Yên, tên thật Đinh Thành Tiên, sinh năm 1938 tại Gò Vấp, Gia Định. Học sinh Trương Vĩnh Ký, sinh viên Đại học Văn Khoa Sài Gòn, cựu thiếu tá QLVNCH, ngành Chiến Tranh Chính Trị. Sau 1975, anh bị nhà nước Cộng Sản cầm tù hai lần, tổng cộng 13 năm. Cuối năm 1993, anh cùng gia đình sang tị nạn tại Hoa Kỳ, cư ngụ ở Houston, Texas. Thơ Tô Thùy Yên bắt đầu xuất hiện trên báo chí từ năm ông 16 tuổi. Năm 1956, một bài thơ khác in ở trên Sáng Tạo, tạp chí mở ra một thời kỳ mới của văn học nghệ thuật Việt Nam: Cánh đồng, con ngựa, chuyến tàu. Ðó là một trong những bài thơ đánh dấu một chuyển biến sâu xa trong nền văn học miền Nam, mà cũng là trong nền văn học Việt Nam, từ giai đoạn Tự Lực Văn Doàn sang giai đoạn Sáng Tạo. Cùng với Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Nguyên Sa, Dương Nghiễm Mậu, vân vân, Tô Thùy Yên đã góp phần làm nên một diện mạo hoàn toàn mới của văn học miền Nam mà cũng của văn học Việt Nam. Năm 1996, lần đầu tiên, tôi gặp anh tại Boston, Hoa Kỳ. Sau đó, tôi bắt đầu viết một tiểu luận khá dài về thơ anh: “Thơ Tô Thùy Yên, Chênh Vênh Siêu Hình và Hiện Thực”.

    Tuy rất nổi tiếng, được xem là một trong 7 nhà thơ hàng đầu của miền Nam, theo đánh giá của Mai Thảo, nhưng tác phẩm anh để lại hết sức ít, chỉ ba tập: Thơ Tuyển Tô Thùy Yên, Thắp Tạ và Tô Thùy Yên Tuyển Tập Thơ, tất cả đều được xuất bản ở hải ngoại. Ba mà cũng như hai. Vì thực ra, tập sau cùng được thực hiện do sự tài trợ của nhà thơ Đỗ Quý Toàn và bác sĩ Bích Liên chỉ là tuyển lựa ra từ hai tác phẩm kể trên với một số bài được bạn hữu và độc giả tìm thấy sau này. Với Tô Thùy Yên, “quý hồ tinh bất quý hồ đa”!



    Ba tác phẩm của Tô Thùy Yên



    Ngày 22/3/2019, nghe tin anh đau, tôi lái xe từ Dallas về Houston thăm, lúc đó, anh đã tương đối khỏe và được chuyển từ bệnh viện về tĩnh dưỡng tại “Nursing and Rahabilitation Center”, Houston, Texas. Anh ngồi xe lăn, rất tỉnh táo. Chúng tôi cùng nhắc nhở những kỷ niệm cũ, mới và bàn về tập thơ mới in của anh. Trước khi ra về, chị Diệu Bích, vợ anh, mang ra gần hai chục tập “Tô Thùy Yên Tuyển Tập Thơ”, bảo anh ký tên. Dù tay cầm bút khá khó khăn, lại mệt, nhưng anh vẫn kiên nhẫn, cố gắng ký từng tập một để nhờ tôi chuyển tặng các bạn văn và thân hữu khắp nơi. Ba tháng sau, anh ra đi bình an vào ngày 21/5/2019. Một buổi lễ tưởng niệm anh đã diễn ra vào chiều ngày 31/5/219 với sự hiện diện của nhiều nhà văn, nhà thơ và nhà báo: Đỗ Quý Toàn, Lê Quang Anh Thái, Đặng Phùng Quân, Ngu Yên, Lương Thư Trung, Phan Xuân Sinh, Trần Doãn Nho, Nguyễn Xuân Thiệp, Bùi Huy, Nguyễn Hàn Chung, Cái Trọng Ty, Dương Phước Tấn… Thực hiện lời trối trăng của anh, buổi tưởng niệm đã diễn ra, không phải trong tiếc thương và nước mắt, mà là một buổi đọc thơ Tô Thùy Yên thân tình, cảm động, và tràn đầy kỷ niệm bạn bè.

    Trong số nhiều và rất nhiều những bài viết ngắn, dài tưởng niệm anh trên báo chí trong và ngoài nước, tôi tâm đắc với “Từng có một nơi hoàn cảnh không thể làm hỏng con người” của nhà phê bình văn học ở trong nước là ương Trí Nhàn. Với tôi, đây là một bài viết chuyên chở rất nhiều ý nghĩa, không phải chỉ cho riêng Tô Thùy Yên, mà còn cho cả những ai đã từng chia xẻ chung dòng văn học miền Nam. Xin ghi lại một trích đoạn:

    “Đọc bài thơ của Tô Thùy Yên tôi nhớ lại nhiều cuộc gặp gỡ tiếp xúc với con người ở miền nam sau ngày 30/4/1975, tôi nhớ lại những trang văn bài thơ mà tôi đã đọc, những công trình nghiên cứu khoa học xã hội được làm trước 1975 và tôi nhận ra rằng cũng trong sự bao vây của chiến tranh, nhưng con người nơi đó không bị hoàn cảnh làm cho tê cứng về mặt tâm hồn, liều lĩnh về cách sống, bất cẩn về mọi hậu quả gây ra cho mọi người. Tôi hiểu rằng ở xã hội đó, văn hóa vẫn còn, vẫn chi phối người ta trong mọi mặt đời sống. Cái sức mạnh tinh thần của Tô Thùy Yên hôm nay cũng như của bao nhiêu người khác là kết quả của một nền giáo dục nhân bản và giữ vững chuẩn mực. Người ta không những biết sống để thích nghi với hoàn cảnh mà còn biết giữ được cả những gì tốt đẹp nhất được bồi đắp từ nhiều thế hệ và chuẩn bị cho người ta ra tiếp xúc với thế giới. Qua nhiều tài liệu về các trại tù cải tạo được thiết lập sau 75, tôi biết có một nguyên tắc chi phối các trại tù này là làm cho những người bị giam trong đó mất hết cảm giác và suy nghĩ của một con người bình thường, không còn đớn đau mà cũng không còn hy vọng, tóm lại là chỉ biết sống qua ngày như một thứ súc vật bị làm nhục. Trường hợp con người trong Tô Thùy Yên sau khi ra tù bộc lộ qua bài thơ “Ta về” chứng tỏ mọi ý đồ loại đó đã phá sản đây không phải trường hợp cá biệt ở một hai người mà phổ biến ở rất nhiều người. Sau khi bị tù đầy trở về họ vẫn giữ được lòng khao khát yêu đời và có đủ khả năng gia nhập vào cuộc sống hiện đại khi ra sống ở hải ngoại. Chính họ là niềm hy vọng của dân tộc chúng ta. Mà điều đó không phải là ngẫu nhiên vì nó đã được chuẩn bị từ trong cuộc sống hai mươi năm 1955-1975.”

    Trích đoạn này, tôi đã đọc lên trong buổi lễ tưởng niệm Tô Thùy Yên tại nhà quàn Vĩnh Cửu Funeral Home, Houston.

    Xin đọc vài đoạn thơ hay của Tô Thùy Yên, trích từ ba bài thơ khác nhau:

    • – Ta nhặt từng trang sách rách toang

      Đứa ngu đã xé vứt ra đường

      Ta gom từng hạt cây luân lạc

      Mong mỏi gầy lên một địa đàng (Mùa hạn)

      – Thắp tạ càn khôn một vô ích

      Thắp tạ nhân quần một luyến thương

      Biển Đông đã một ngày xe cát…

      Khuất giạt, mơ lai kiếp dã tràng (Thắp tạ)

      – Ôi những con đường đến tự đâu,

      Một lần gặp gỡ ngã tư nào

      Rồi trong vô hạn chia lìa miết

      Có cuốn theo mình bụi của nhau? (Em nhỏ, làm chi chim biển Bắc)


    PHAN HUY ĐƯỜNG


    Từ trái: Trần Doãn Nho, Phan Huy Đường, Mai Ninh và tấm chân dung Phan Huy Đường do Nguyễn Trọng Khôi vẽ tặng (Hình: TDN, Paris 2006)



    Phan Huy Đường sinh năm 1945 tại Hà Nội, nhưng theo gia đình vào định cư ở Sài Gòn. Thuở nhỏ, anh theo học trường Pháp Jean-Jacques Rousseau. Năm 1963, anh được học bổng đi Pháp du học. Phan Huy Đường bắt đầu tham gia vào chuyện viết lách khá muộn. Mãi đến sau năm 1985, khi mà ở trong nước đang chuyển qua giai đoạn đổi mới với sự xuất hiện của những cây bút phản kháng Phùng Gia Lộc, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dương Thu Hương, vân vân, anh mới bắt đầu cầm bút, khời đầu bằng dịch thuật.Tác phẩm của anh để lại khá nhiều và khá đa dạng: dịch thuật, biên khảo triết học, truyện ngắn và tiểu luận văn chương, tiểu luận triết học, tiểu luận văn học và thơ.

    – Dịch thuật: Theo tài liệu lưu trữ trong kho dự liệu của Thư Viện Quốc Gia Pháp, thì anh đã có tất cả hơn 30 tác phẩm dịch sang tiếng Pháp. Nhiều nhất là Dương Thu Hương, một nhà văn bất đồng chính kiến, với 5 tác phẩm: Những thiên đường mù, Tiểu thuyết vô đề, Bên kia bờ ảo vọng, Lưu Ly, Chốn vắng. Kế đó là Phạm Thị Hoài với Thiên Sứ; Trần Vũ, một nhà văn trẻ thành danh ở hải ngoại, với Mùa mưa gai sắc; Bảo Ninh với Nỗi buồn chiến tranh; Nhất Tuấn với Đi về nơi hoang dã; ngoài ra, anh cũng dịch nhiều tập truyện ngắn và thơ. Với trình độ Pháp văn nhuần nhuyễn, cộng sự với đam mê, các bản Pháp dịch của anh có phẩm chất rất cao, theo nhận xét của những nhà phê bình văn học.

    – Triết học: Penser librement (Tư duy tự do), biên khảo bằng tiếng Pháp

    – Tập truyện ngắn: Un amour métèque (Một mối tình ngụ cư), sáng tác bằng tiếng Pháp.

    – Các tiểu luận văn chương, triết học bằng tiếng Việt, mà anh gọi là “Lang thang chữ nghĩa”; về sau, lần lượt được xuất bản thành bảy tập.



    Từ trái: Nguyễn Trọng Khôi, Chân Phương, Phan Huy Đường, Nam Dao, Trần Doãn Nho (Hình: TDN, Boston 2004)




    Từ trái: Nguyễn Trọng Khôi, Chân Phương, Phan Huy Đường, Nam Dao, Trần Doãn Nho (Hình: TDN, Boston 2004



    Một trong những hoạt động văn học quan trọng nhất của anh là sáng lập ra trang mạng “Ăn mày văn chương”, từ năm 2000, mà anh gọi là “Trạm đọc”. Anh chỉ phụ trách điều hành tổng quát, còn bài vở của trạm đọc do sáu tác giả, mỗi người làm việc theo quan điểm riêng của mình, đó là: Mai Ninh, Miêng, Phạm Trọng Luật (tức Nguyễn Văn Khoa), và Phan Huy Đường ở Pháp, Nam Dao ở Canada và Chân Phương ở Hoa Kỳ. Ngoài việc đăng tải các bài viết và sáng tác của mình, sáu tác giả còn chọn đăng những sáng tác và bài viết của những tác giả khác do chính họ chọn. Khác với các tạp chí văn chương mạng khác, “Ăn Mày Văn Chương” được cập nhật mỗi tháng một lần vào đầu tháng. Vào trạm này, độc giả có thể rất ngạc nhiên vì tìm thấy nhiều tác phẩm hay tài liệu mà ta không ngờ đến, ít khi tìm thấy ở các trang mạng khác. Muốn đọc tất cả những tác phẩm của Phan Huy Đường, độc giả có thể vào trang mạng này ở: amvc.free.fr/



    Penser librement, tác phẩm triết học của Phan Huy Đường



    Tôi quen Phan Huy Đường qua nhà thơ Chân Phương, khi anh sang thăm Mỹ vào năm 2004. Năm 2006, tôi qua Paris lần đầu tiên. Anh ra đón tôi ở ga tàu hỏa Paris về nhà và ở lại nhà anh. Trong dịp này, tôi có mang theo bức chân dung anh bằng sơn dầu do họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi vẽ tặng anh. Anh rất cảm động và xem đây là một trong những kỷ niệm đẹp của bạn bè. Anh dành nguyên gần hai ngày dẫn tôi đi uống cà phê ở khu Saint Germain-des-Prés, đưa đi thăm nhiều bạn văn và chịu khó lái xe vòng vòng quanh Paris để vợ chồng chúng tôi thăm một số nơi nổi tiếng của Paris: nhà thờ Đức Bà, Viện Bảo Tàng Louvre, tháp Eiffel, sông Seine, Jardin du Luxembourg, khu Montmartre… Đến đâu, anh cũng ngồi trên xe như một tài xế lái xe thuê, để chúng tôi đi thăm thú, chụp hình thỏa thích. Cái tình văn nghệ của anh khiến tôi thật vô cùng cảm kích!

    Mùa hè năm 2016, anh qua Mỹ lần thứ hai vừa để thăm bạn bè, vừa để dự buổi ra mắt sách của nhà văn Nam Dao, một trong sáu nhà văn của Trạm đọc “Ăn Mày Văn Chương”. Bọn chúng tôi gặp nhau tại căn nhà thật thơ mộng của Chân Phương tọa lạc trên hòn đảo Spinnaker, thuộc thị trấn Hull, vùng Cảng Boston. Đây là lần cuối cùng tôi gặp Phan Huy Đường.



    Một trong những tấm ảnh cuối cùng trước ngày PHĐ vĩnh viễn ra đi: Phan Huy Đường và Chân Phương (Hình: Chân Phương, Paris, July/2019)



    Xin ghi lại một trích đoạn Phan Huy Đường trong bài “Sống và tự do sáng tác”, phê phán chính sách văn hóa độc đoán của nhà nước Cộng Sản và ca ngợi sự tự do sáng tác:

    “Một đặc điểm của chế độ quản lý văn học ở nước ta, chính là xé lẻ, chia rẽ, cô lập con người, biến nó thành một loại thú cô đơn, bất lực, khinh nhau, nghi nhau, rình mò nhau, hại nhau trong bóng tối. Chỉ thế mới mong diệt được văn hoá, nghệ thuật, chính trị. Chế độ ấy, khi nó không còn sức ngăn cấm tự do sáng tác, không mong muốn gì hơn là nhà văn tự biến thành tháp ngà, hoặc tụ lại thành bộ lạc nho nhỏ. Trong hoàn cảnh ấy, dám tự do sáng tác, dĩ nhiên đáng quý, đáng trọng, đáng được bảo vệ. Nhưng có lẽ cấp bách, quan trọng hơn, là sống tự do vì một cộng đồng người tự do, sống đầy đủ tư cách của con người trong lòng xã hội, của công dân, ngay trong lãnh vực nghệ thuật. Chính điều ấy mở đường cho những giá trị mới lạ của nghệ thuật, khi có, đi vào cuộc sống, biến thành văn hoá, thành giá trị phổ biến, thành người đời. Không phải tình cờ mà trong văn học của nhân loại, đại bộ phận những nhà văn được yêu mến, quý trọng và, quan trọng hơn cả, được đọc rộng khắp và lâu đời, chính là những nhà văn vừa biết sống tự do, vừa biết sáng tạo. Ở họ, sống với người đời và sáng tác nghệ thuật là một. Nghệ thuật của họ tô điểm hành động, cuộc sống của họ đến mức, có khi, cuộc sống ấy biến thành nghệ thuật, nghệ thuật làm người, trong lòng nhân loại, với đầy đủ cá tính và nhân tính của con người.”

    DU TỬ LÊ



    Từ trái: Đặng Phú Phong, Du Tử Lê, Trịnh Cung, Trần Doãn Nho
    (Hình: Lê Phú Giáp, Westminster 2018)


    Du Tử Lê sinh năm 1942 tại Hà Nam, di cư vào Nam năm 1954. Anh nguyên là sĩ quan QLVNCH, làm việc tại cục Tâm Lý Chiến, đồng thời là phóng viên chiến trường, sau, làm thư ký cho nguyệt san Tiền Phong. Năm 1973, anh được trao giải Văn Học Nghệ Thuật Toàn Quốc, bộ môn thi ca, với thi phẩm “Thơ Du Tử Lê 1967-1972”. Sau tháng 4/1975, anh sang định cư tại Hoa Kỳ. Tài năng thi ca của anh phát triển rất sớm, khi anh còn ở Hà Nội, với những bài thơ đăng báo qua nhiều bút hiệu khác nhau. Về sau, thơ anh xuất hiện đều đặn và rất nhiều trên các báo chí trong và ngoài nước, trước và sau 1975. Du Tử Lê là một trong 6 nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ thứ hai mươi, có thơ được chọn in trong tuyển tập “World Poetry – An Anthology of Verse from Antiquity to Our Time” do nhà W.W. Norton New York ấn hành năm 1998. Thơ anh cũng đã được một sinh viên chọn làm luận văn thạc sĩ ở trong nước. Anh đã xuất bản tất cả 77 tác phẩm:

    – Thơ: Trên 30 tập thơ đủ loại, chưa kể các tuyển tập và toàn tập, hầu hết đều nổi tiếng, nhất là các tập Tình khúc tháng mười một; Ở chỗ nhân gian không thể hiểu; Đi với về, cùng một nghĩa như nhau; Chấm dứt luân hồi: em bước ra; Nhìn nhau chợt thấy ra sông núi; vân vân.

    Ngoài thơ, Du Tử Lê còn viết truyện ngắn, truyện dài, biên khảo và nhận định văn học với một số lượng làm ta hết sức ngạc nhiên:

    -9 truyện dài và truyện vừa: Mắt thù; Ngửa mặt; Với nhau, một ngày nào; Tôi với người, chung một trái tim…

    – 4 tập truyện ngắn: Mùa hoa móng tay; Tiếng kêu nào/bên kia thời tiết…

    – 11 tập tùy bút và ký: Em và, Mẹ và, Tôi là một nhé; Tôi, ấu thơ và, mẹ; Trên ngọn tình sầu…

    – 4 truyện thiếu nhi: Mùa thu hoa cúc; Hoa phượng vàng…

    – 3 biên khảo và nhận định văn học: Sơ lược 40 năm VHNT Việt gồm hai bộ, Phác họa toàn cảnh sinh hoạt VHNT miền Nam 20 năm.

    Ngoài lãnh vực văn chương, anh còn vẽ và tranh anh đã được triển lãm nhiều nơi ở Hoa Kỳ.

    Có thể nói gọn: Du Tử Lê, một đời người, một đời văn chương nghệ thuật!

    Dù ở khá xa nhau, nhưng chúng tôi vẫn có dịp gặp nhau nhiều lần, khi thì ở Boston, nơi anh em văn nghệ sĩ Boston mời anh lên nói chuyện thi ca hoặc ra mắt tác phẩm mới của anh, hoặc ở quận Cam, khi tôi ghé qua tham dự và thuyết trình tại các sinh hoạt văn học như hội thảo về Văn Học Hải Ngoại, về Tự Lực Văn Đoàn, hội thảo về 20 năm Văn Học Miền Nam, vân vân. Trong vòng hai năm trở lại đây, khi tôi phụ trách viết cho nhật báo Người Việt thì anh và tôi có dịp cùng có mặt chung trên mục Văn Học Nghệ Thuật xuất hiện vào những ngày cuối tuần. Bài viết cuối cùng của anh là giới thiệu tác phẩm biên khảo văn học của tiến sĩ Trần Bích San, tựa đề “Trần Bích San: Tại sao Tản Đà đoạn giao Phạm Quỳnh?”, ngày 4 tháng 10/2019. Ba ngày sau thì anh từ giã cõi đời.



    Bài báo cuối cùng (ngày 4/10/2019) của Du Tử Lê trên báo Người Việt



    Nhận định sau đây của Nguyễn Đức Tùng, một cây bút chuyên viết về thơ, có thể tóm tắt được một cách tổng quát thi tài của Du Tử Lê:



    Tập thơ mới nhất của Du Tử Lê:

    “Em cho tôi mãi nhé, ấu thơ mình”
    (Văn Học Press xuất bản, phát hành tháng 4/2019)

    “Anh sử dụng các kết hợp chữ như những chữ mới, hoặc phát hiện ra quy luật mới của tiếng Việt. Chỉ những người nào biết sử dụng thành thạo tiếng Việt, nắm vững cú pháp, văn phạm, mới có thể sử dụng câu chữ phóng túng mà vẫn đúng đắn, có thể bỏ qua một số quy luật mà vẫn thuyết phục. (…) Trong bài thơ, Du Tử Lê đã trộn lẫn giữa một ngôn ngữ thơ ca và một ngôn ngữ văn xuôi, đời thường, đến mức nó vừa là văn nói đối thoại, nhưng mặt khác ngôn ngữ ấy chỉ được sử dụng trong một khung cảnh nhất định, dồn nén đến mức gần như mỗi câu thơ hoặc mỗi khổ thơ đều chứa đựng thông điệp. tính nghiêm túc của nỗi buồn cọ xát với tính vô nghĩa của đời sống.”

    Người ta viết và thưởng thức nhiều thơ Du Tử Lê, nhưng ít ai nói về văn xuôi của anh. Văn xuôi của anh rất gần gũi với thơ, nhất là trong những bài tùy bút: Văn trong thơ, thơ trong văn, chữ nghĩa chen chúc, bay lượn, chợt tới chợt dừng, đầy hình ảnh với những dấu ngắt câu bất ngờ, và độc đáo khi anh tìm cách vượt rào ngữ pháp.

    “Tôi biết, tôi đã mang câu thơ bạn tôi, đi xa, quá xa chiếc bóng nó. Bởi vì khi bạn tôi viết chẻ đôi xa lộ, bỗng sầu tự nhiên, có dễ, nó chỉ có nghĩa: chẻ đôi xa lộ, bỗng sầu tự nhiên thôi. Chính tôi, đúng vậy, chính tôi phá hỏng chữ tự nhiên (mà,) tôi thích. Tôi cho là đáng kể nhất trong câu thơ đó. Nhưng, tôi cũng tin, bạn tôi đủ rộng lòng, xóa bỏ lỗi tôi; như Hoa Thịnh Đốn, đủ bao dung, để tha thứ, cảm thông tôi, một khi Hoa Thịnh Đốn biết, giữa Virginia, (mà,) tôi nhớ biết bao, Melbourne.”

    Cuối cùng, xin mời đọc một trong những bài thơ mới nhất của Du Tử Lê (10/2017), đề cập đến chuyện tử sinh:

    • Ta gọi nhau từ vực, vực khuya

      sớm mai thức, thức xanh: mưa. nắng.

      ngọn cỏ đau /từ những thị phi/

      tôi trong tôi rụng: /mùa thay lá/

      xót, xót rừng khô. /chim hồ nghi/

      .

      chia tay /như gió/ quên che mặt

      ta gọi nhau từ vực, vực khuya

      người trôi, trôi những ngày neo bão

      đìu hiu /tôi/một cõi hư vô.

      .

      cánh cửa. bức tường. thân thế, muộn.

      vết răng găm xuống nỗi buồn, sâu

      vai xuôi địa ngục hân hoan, cháy.

      ngọn lửa /vô tình / kiếp, kiếp sau?


    Lời thơ cô đọng, tứ thơ nén chặt, nhịp thơ buộc, thả bất ngờ!

    TRẦN TUẤN KIỆT

    Trần Tuấn Kiệt sinh năm 1939 tại Sa Ðéc, nhưng học hành ở Sài Gòn, lấy bút hiệu là Sa Giang. Khi làm thơ hay viết biên khảo, anh dùng bút hiệu Sa Giang hay tên thật và có khi thì cả hai cùng một lúc. Khi viết các thể loại khác như võ thuật, thần thoại, dã sử, kiếm hiệp (thường do nhà sách Khai Trí hay các nhà xuất bản của người Hoa đặt mua), anh sử dụng nhiều bút hiệu khác nhau: Lan Sơ Khai, Xuân Thu, Hồng Lĩnh Sơn, Hồng Lĩnh, Phi Long, Ðại Tâm, Việt Thần, Duy Thức, Việt Hoàng. (theo trang mạng Thica.net)



    Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt (Hình: Internet)


    Trần Tuấn Kiệt làm thơ từ rất sớm. Trong những năm đầu thập niên 1950, anh đã có thơ đăng báo, xuất hiện trong mục Lan Sơ Khai, giai phẩm Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh, sau ở bán nguyệt san Phổ Thông. Sau đó và liên tục cho đến tháng 4/1975, anh đã cộng tác với nhiều tờ báo khác ở Sài Gòn: “Sinh Lực” của Đồng Tân, “Vui Sống” của Bình Nguyên Lộc, “Sống” của Chu Tử, “Nghệ Thuật” của Mai Thảo, “Văn” của Trần Phong Giao. Vào khoảng thập niên 70, anh chủ trương nhà xuất bản Hồng Lĩnh cùng với Mặc Tưởng, Phạm Quốc Bảo, Bùi Ngọc Tuấn, chủ yếu để in các tác phẩm của mình và bè bạn. Cao điểm trong sự nghiệp của anh là đoạt giải nhất Giải Văn Học Nghệ Thuật của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa 1967-1969 công bố vào đầu năm 1970, bộ môn Thơ với tập thơ “Lời gởi cho cây bông vải.” Cùng đoạt giải nhất đồng hạng là Hoàng Thoại Châu với tập thơ “Tình Biển Nghĩa Sông”. Theo Vương Trùng Dương, Trần Tuấn Kiệt sống rất giản dị, ăn mặc xuềnh xoàng. Ông suốt đời lấy bạn và rượu làm niềm vui.


    Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật VNCH 1967-1969



    Tài liệu về Trần Tuấn Kiệt tôi lấy từ nhiều bài viết khác nhau của Vương Trùng Dương, Thica.net, Ngô Nguyên Nghiễm, Viên Linh, Bùi Ngọc Tuấn… Các tài liệu đưa ra nhiều chi tiết khá khác nhau.

    Cho đến cuối đời, anh đã xuất bản khoảng hai trăm tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau: thơ, truyện dài, dã sử kiếm hiệp, tín ngưỡng thần đạo Việt Nam, biên khảo văn học và cả võ thuật.

    – Thơ: Ngoài 27 tập đã in từ trước, sau năm 1975, anh còn tự in một số tập thơ phổ biến hạn chế để tiếp tục cuộc hành trình từ thuở ban đầu. Bùi Ngọc Tuấn, bạn anh, cho rằng, “Ông làm thơ rất nhanh, gặp tờ giấy nào cũng viết lên, viết xong bài thì bỏ vào một cái sọt tre lớn treo trên vách nhà. Thơ đã viết ra giấy là không sửa đổi gì nữa. Khi có báo hỏi xin bài, ông quơ tay vào trong sọt, lấy ra dăm bảy bài đưa cho họ.” (Theo Người Việt 19/10/2019). Những tác phẩm của nhà thơ Trần Tuấn Kiệt được nhắc đến nhiều như: Thơ Trần Tuấn kiệt; Nai; Cổng gió; Lời gởi cây bông vải, Làn chớp, Trang hồng, Cuồng loạn, Hồng Hạc…và các trường ca: Bài ca thế giới; Ngôi đền cổ; Trường ca đất; Triền miên ngâm khúc; Hồng hạc; Niềm hoan lạc của thần linh và địa ngục; Lạc đạo thi…



    Bộ “Tác Giả Tác Phẩm” (Hình: Internet)



    – Truyện dài: Một bộ gồm 4 tập Mê cung, Màu kỷ niệm, Samạc lan dần, Tiếng đồng nội.

    – Biên khảo: Thi Ca Việt Nam Hiện Đại (1880-1965). Bàn về tác phẩm này, nhà văn Viên Linh cho biết, cuốn “Thi Ca Việt Nam Hiện Đại, 1880-1965,” dày tới 1160 trang, khổ 6×9 phân Anh (inch), đóng bìa cứng in màu xanh da trời, to dày như một cuốn Tự Điển Nguyễn Văn Khôn. Sách in xong năm 1967, không hiểu sao tôi còn giữ được đến nay, 2019, là hơn nửa thế kỷ.” (Người Việt 18/10/2019). Ngoài ra, còn có một tác phẩm khác là Tác Giả Tác Phẩm trước 1975 và sau 1975, tất cả dày hơn 5,000 trang gồm năm quyển, tự in còn dang dở.

    Về các loại khác, theo Ngô Nguyên Nghiễm, Trần Tuấn Kiệt còn viết khoảng 50 bộ truyện dã sử, ký tên Hồng Lĩnh Sơn, Xuân Thu; 200 sách hướng dẫn võ thuật như Dịch Cân Kinh; Thái Cực Quyền; La Hán Quyền; Quyền Thuật Thiếu Lâm Tự…

    Mời đọc một đoạn thơ của Trần Tuấn Kiệt trích từ trong tập Rừng Tùng:

    • Ta lên miền biên giới Hạ Lào

      Cửa non sâu thẳm

      Người về quên dặm chông chênh

      Mù sương đá dựng

      (…)

      Ta vỗ đầu gậy trúc

      Chầm chậm qua đường truông

      Ngủ nhà bát quái

      Mơ vũ y nghê thường

      Ai trách ta hề

      Ai khinh ta hề

      Trời đất biết

      Ta thương đời gió bụi hề

      Ai có hay

      Ta lên miền biên giới chiều nay

      Thân cỏ rơm bầu bạn

      Viết lịch sử hề – cỏ cây!

      Ta mặc tình hề

      Bom đạn

      Đồn lũy giặc chạy dài lô nhô

      Súng gươm hề xao xác

      Đời loạn chết chóc hề

      Có gì đâu?

      Vỗ đầu gậy trúc hề

      Đi vào trong sương

      Ai tìm ta hề

      Vào ngõ rừng tùng

      Nghe thật hào sảng!

    *

    Xin cùng thắp thêm nén hương lòng tiễn các nhà văn, nhà thơ Hoàng Ngọc Biên, Tô Thùy Yên, Phan Huy Đường, Du Tử Lê, và Trần Tuấn Kiệt về cõi vĩnh hằng. Dẫu đã ra đi, nhưng tài hoa của họ đã làm cho văn chương Việt Nam dồi dào, phong phú và đẹp thêm.

    Sự nghiệp văn chương đã biến họ thành vĩnh cửu.


    Trần Doãn Nho

    (11/2019)


    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “câu chuyện văn chương”