Thành Tôn một đời mê sách

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Thành Tôn một đời mê sách

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Thành Tôn một đời mê sách



    Thời giờ đi chơi như ánh chớp. Không biết sao cho đủ. Tới Cali, người đầu tiên tôi ới bao giờ cũng là Thành Tôn. Cà phê cà pháo, ăn nhậu sương sương, ké xe của anh đi gặp bạn này bạn khác, nhưng tiết mục phải có bao giờ cũng là tới nhà anh. Có thời giờ thì được chị cho ăn mì Quảng. Không có thời giờ thì dăm ba câu chuyện vội vàng. Nhưng phải là tại nhà anh. Chẳng phải vì anh mà vì sách.

    Trong văn giới Việt Nam tại hải ngoại có hai người khổ sở vì sách là Trần Hoài Thư và Lê Thành Tôn. Trần Hoài Thư có tên cúng cơm là Trần Quý Sách. Tên nào cũng…khổ. Tên Hán Việt “Hoài Thư” hay tên thuần nôm “Quý Sách” đều vận vào người như nhau. Anh vất vả sưu tầm và phổ biến kho tàng văn chương thời Việt Nam Cộng Hòa. Những đầu sách anh đã tự tay in và phát hành và nhất là Thư Quán Bản Thảo là tim óc, mồ hôi và, đôi khi, nước mắt của anh. Với tên cúng cơm và bút hiệu, anh là một người quý sách có cầu chứng tại tòa. Cái tên Lê Thành Tôn không được chính thống như vậy nhưng anh cũng là người quý sách có tiếng. Tới thủ đô của dân tỵ nạn Việt Nam, cứ theo Thành Tôn là có thể liên lạc với toàn thể giới viết lách vẽ vời tại đây. Anh như con chim bay qua bay lại với những cuốn sách quặp nơi chân. Anh chuyển sách một cách say sưa, không bao giờ biết mệt. Trên tay anh, trên xe anh, lúc nào cũng có sách. Khi qua Mỹ định cư, hành lý của anh cũng chỉ toàn sách. Sách không phải như bánh kẹo, hũ mắm, con tôm, con cá mà người rời nước mang theo dễ dàng. Sách, nhất là sách của thời trước 1975, là thứ phải đút lót mới mang ra khỏi nước được. Anh đã phải chi tiền. Nhưng sách anh mang theo đâu có phải là sách cho anh. Anh mang qua cho tác giả những cuốn sách đó dù không biết họ ở đâu, làm cách nào cho châu về hiệp phố. Những sách đó anh đã thấy trên vỉa hè sách cũ, nhiều cuốn có chữ ký tặng của tác giả. Những đứa con vất vả lưu lạc đó, anh bỏ tiền ra thu thập chờ ngày xuất cảnh. Qua tới đất tạm dung, anh tìm từng tác giả, tặng lại họ những đứa con họ phải dứt tình bỏ lại để ra đi. Nhiều cuộc hội ngộ do tấm lòng với sách của anh thật cảm động. Tôi không biết có bao nhiêu tác giả đã nhận lại được sách của họ vì anh, với bản tính khiêm nhường và lòng quý sách, đã không nói cho tôi biết. Nhưng trong những lần gặp gỡ, nhiều tác giả đã cho tôi hay họ đã nhận được sách một cách cảm động như vậy. Tôi không phải là người thân cận với Thành Tôn, chỉ khi nào qua Cali mới gặp anh, nên chuyện tôi biết chỉ loáng thoáng đây đó, qua lời kể của người này người kia. Một bạn văn thân cận của anh, nhà thơ Trần Yên Hòa, kể lại: “Có thể nói anh là một người có đầy đủ sách nhất. Điều này tôi chỉ biết qua nhận xét của tôi thôi. Anh mua đủ loại sách, dù có những quyển sách anh không thích nhưng anh vẫn mua về để làm tài liệu. Những sách cũ của các tác giả xuất bản ở Việt Nam truớc 1975, qua cuộc đổi đời 75, khi ra đi không mang theo được. Thế mà hỏi Thành Tôn, anh lại có, như những tập thơ của Du Tử Lê chẳng hạn. Khi Du Tử Lê in toàn tập thơ Du Tử Lê, Thành Tôn đã cung cấp cho Du Tử Lê những tập thơ cũ mà Du Tử Lê không còn. Hay bây giờ, nếu một bạn văn nào đó cần tài liệu cũ, Thành Tôn đều có và cho mượn ngay. Đến nhà anh, anh cho xem những tác phẩm của các nhà xuất bản An Tiêm, Ca Dao, Lá Bối… mà anh đã đem theo và còn cất giữ, mới thấy được hết tấm lòng của Thành Tôn đối với chữ nghĩa, sách vở. Anh kể, khi anh đi Mỹ, quan trọng nhất là hai thùng sách anh mang theo, sau đó mới là những vật dụng cá nhân cho gia đình”.

    Nhà anh là một thư viện. Đó là nói về số lượng sách. Nhưng cam đoan không có cái thư viện nào bề bộn như vậy. Trong căn nhà nhỏ, sách lấn người. Phòng khách của anh tứ bề là sách. Vài chiếc kệ sách èo uột, khặc khè ôm sách, đứng sát vách tường như e dè với từng chồng sách chênh vênh trên bàn, trên ghế. Trong các phòng khác, sách cũng chiếm thế thượng phong. Ngoài hành lang, sách cũng lủ khủ trong những thùng giấy mà những khi mưa gió, anh phải di chuyển để sách khỏi ướt. Nhà chỉ có hai vợ chồng nhưng sách của anh coi bộ làm bá chủ. Chị nói nhỏ với tôi: “Chi chứ sách của anh là không bao giờ được đụng tới!”. Sách được thể lên chân lên cẳng.
    Cái quý của Thành Tôn là sự chia sẻ. Anh quý sách nhưng không giữ riêng cho mình. Anh tặng lại các tác giả. Anh sẵn sàng cung cấp tài liệu cho những ai cần tới. Anh cho biết có nhiều người đã quá quý sách của anh nên mượn và giữ luôn. Anh nói với nụ cười, dù sao họ cũng có tình với sách. Anh yêu sách như người ta yêu tình nhân nhưng cái khác của anh là sẵn sàng chia sẻ, nhường nhân tình cho người khác. Thế nhân thường tình cho anh là người dại dột nhưng anh trải lòng ra không một chút đắn đo suy nghĩ. Đó là tấm lòng của anh với sách. Quý nhưng không giữ rịt cho mình.

    Anh còn một cách chia sẻ khác. Phục chế sách để nhân ra nhiều bản. Ngày mới sang, trước khi tặng lại cho tác giả cuốn sách anh quơ được ở vỉa hè, anh chế một bản khác để giữ. Bản chính anh mang tặng. Tới nhà anh thấy ngổn ngang đồ nghề chế sách của anh. Chỉ là những thứ tầm thường: kéo, dao cắt, keo, hồ, chỉ. Trông thô vụng và tuệch toạc. Nhưng dưới bàn tay khéo léo của anh chúng giúp anh gỡ tung bản chính cuốn sách, scan lại từng trang, rồi đóng lại như cũ. Nhìn cuốn sách đã bị anh…hành hạ không ai biết nó đã bị xâu xé tả tơi từng trang. Anh đưa cho tôi coi thử một cuốn. Không một vết tích sót lại của cuộc mổ xẻ tan tành trước đó. Tôi giỡn: anh là người quý sách nhưng cũng là người xé sách. Anh không vui với chữ “xé”, nghe đau lòng quá. Anh dùng chữ “gỡ” nghe dịu dàng hơn.

    Những trang sách được gỡ ra, anh scan lại trông y chang như bản chánh. Nhiều cuốn, bản scan còn rõ hơn bản chánh. Anh ngồi khâu, đóng lại thành một cuốn mới y chang như cuốn in trước. Cầm hai cuốn sách, một origin, một nhái lại, không phân biệt được chánh phụ. Dùng chữ thời thượng, phải nói là anh clone sách! Đỉnh cao của nghệ thuật nhân bản sách của anh là cuốn thơ “Rừng Phong” của Vũ Hoàng Chương. Những trang thơ là những chữ đen in trên nền giấy hoa tiên màu lá mạ. Anh khoe tôi cuốn này. Cầm cuốn sách “giả” trên tay, tôi không nhận thấy khác bản thật một chút xíu nào. Có lẽ đây là công trình mà anh tự hào nhất nên anh không chỉ khoe với tôi. Nhà văn Trần Doãn Nho cũng đã từng được chiêm ngưỡng cuốn này. “Chàng khoe tôi một tập thơ mới tìm được của Vũ Hoàng Chương, “Rừng Phong,” in năm 1955. Bên trong, trang đầu, có mấy dòng đề tặng của tác giả cho Nguyễn Sỹ Tế, có đóng dấu triện riêng của nhà thơ. Đã bao nhiêu năm lăn lóc mà tập thơ còn rất “phong độ.” Hỏi chàng, chàng cho hay, đó là bản chế, chứ không phải là bản chính. Tôi sửng sốt, không tin. Chàng bèn đưa cho tôi một cuốn “Rừng Phong” khác, và bảo đó mới chính là bản gốc. Cầm hai tập thơ, thú thật, tôi không phân biệt cuốn nào là cuốn thật, cuốn nào là cuốn phục chế. Chàng cho biết tập thơ này do người yêu sách mua được trên vỉa hè Paris, gửi biếu ông Trần Huy Bích, chàng mượn và “chế” thành nhiều bản y chang như bản gốc, dành tặng bạn bè. Một trong “bạn bè” đó là Phạm Phú Minh. Có lần khi ghé thăm, Phạm Phú Minh mang tập thơ ra khoe. Biết đó là bản “chế,” nhưng cầm lên, tôi vẫn phân vân, không rõ là “chế” hay thật. Đáng phục tài chàng!”.

    Trong hành lý trở về Montreal của tôi có ba cuốn “Bốn Mươi Bốn Bài Thơ Tuyển” của nhà thơ Trần văn Nam, một cho tôi, một tặng Luân Hoán, một tặng Nguyễn Vy Khanh. Trần văn Nam là một nhà thơ kiêm nhà phê bình văn học rất quý những trang chữ. Mỗi lần tôi qua Cali, tới Factory, anh đều có mặt. Và có sách tặng. Gặp bạn văn, anh quý như vàng. Tôi cảm được qua những cử chỉ ân cần của anh. Nhà anh ở tuốt trên Walnut, khá xa Factory, lái xe cả tiếng, nhưng khi nào ới anh cũng có mặt tuy sức khỏe anh không được tốt. Năm nay, tới Cali, vắng anh. Anh đã ra đi một năm trước đây, ngày 10/1/2018. Tập thơ này có tìm đỏ con mắt ở các nhà sách cũng không thấy, bởi vì đó là tập thơ do Thành Tôn in ấn một cách thủ công. Anh cho biết, dự tính của anh là gom góp những bài thơ của bạn chưa in sách, tập hợp lại thành một cuốn, và chỉ chế một bản duy nhất để cúng bạn trên bàn thờ ngày giỗ đầu. Nhưng theo yêu cầu của chị Nam, anh chế khoảng chục bản để tặng tất cả các bạn văn có mặt trong buổi giỗ này. Nhu cầu ngày mỗi tăng nên anh phải chế ra tới cả trăm bản tặng các bạn văn khác. Tôi cầm ba cuốn về là vậy.

    Cuốn thơ “giả” mà như thật nói lên cái tình của anh với bè bạn. Trước đó, anh cũng đã từng “xuất bản” như vậy với anh bạn nhà thơ Đạm Thạch. Đạm Thạch là một người dễ mến. Mỗi lần tôi qua Cali đều được anh cho ké xe đi nơi này nơi khác. Ít năm sau này, anh bị bệnh, về ở với con ở Arizona. Sanh nhật Đạm Thạch, Thành Tôn cũng sưu tầm những bài thơ đã in trên nhiều báo, chế lại thành một cuốn thơ, tặng bạn giữa sự ngỡ ngàng và cảm động rớt nước mắt của bạn. Thành Tôn là như vậy. Chẳng giữ chi cho riêng mình. Ai cần chi, ới một tiếng là anh ra tay liền, không một mảy may tính toán. Tủ sách trong nhà anh là một kho tài tiệu anh sẵn sàng chia sẻ với mọi người. Ông mê sách Trần Hoài Thư, khi thực hiện các tuyển tập thơ văn miền Nam trong thời chiến, bộ nào cũng vài ngàn trang, cũng đã phải ới ông mê sách Thành Tôn cung cấp thêm tài liệu. Sách báo miền Nam trước đây, Thành Tôn sưu tập hầu như đầy đủ. Thiếu số báo nào, đầu sách giá trị nào, anh đi tìm mượn bạn bè, về chế lại cho kho tàng sách của anh được đầy đủ. Để có dịp là anh lại tung ra cho hoặc cho mượn.

    Trong những ngày gần đây, Thành Tôn có trò chơi mới: thực hiện sách báo online. Chuyện hơi lạ. Kiến thức computer của Thành Tôn tôi biết rất rõ: chỉ là vào trang mạng, lên Facebook đọc tin tức và tác phẩm của bạn bè. Chấm hết. Anh không có một dấu vết nào trên màn hình. Ngay cả e-mail, phương tiện liên lạc văn minh hiện nay, anh cũng mù tịt. Tôi xúi anh bao nhiêu lần anh cũng lắc đầu quầy quậy. Mệt! Vậy mà anh đang thực hiện việc số hóa bộ Hợp Lưu cho Khánh Trường. Tới nay cũng đã xong trên chục số. Cứ như chuyện giả tưởng. Hỏi ra mới biết anh chỉ giữ phần gỡ báo ra từng tờ và scan lại (nghề của chàng!), chuyện sau đó, anh được sự cộng tác quý báu của một bạn trẻ rất rành computer, anh Nguyễn Vũ. Anh rất tự hào về công trình này khi khoe là bản số hóa được thiết kế để giở từng trang chỉ bằng cái click của con chuột. Lại có tiếng động giở sách y như giở bằng tay thật. Khoe xong, anh cười: chuyện làm tiếng tốn khá tiền nên chỉ có hai nhà sáng tạo được hưởng cái thú đã con ráy này!

    Sách lấn người trong nhà nhưng anh vẫn mua sách mới. Dĩ nhiên chỉ những sách có giá trị. Tiền có trong túi anh chỉ dùng cho sách. Anh rất khó tính với sách. Sách phải hay, dĩ nhiên, nhưng phải trình bày đẹp, bìa sách phải bắt mắt và mỹ thuật. Ưng cuốn nào là anh phải bắt cho bằng được. Cứ như đi cua đào! Sách mới ra, cuốn nào đáng mua, cuốn nào thuộc loại gặp nhau mà làm ngơ, anh rất rành sáu câu. Thường mỗi lần qua Cali tôi đều tới nhà sách với anh. Anh giới thiệu sách rành rẽ. Nhà sách anh thường lui tới, hầu như hàng ngày, là nhà sách Tự Lực. Muốn kiếm cuốn nào, đừng hỏi nhân viên nhà sách, mà hỏi anh. Anh sẽ dẫn lách qua những kệ sách san sát, tới đúng chỗ có cuốn tôi hỏi. Muốn kiếm anh, nếu không có ở nhà, thì sẽ thấy anh ở tiệm sách. Có ngày anh ra nhà sách tới mấy lần, vì…sách vụ.

    Anh là người phát hành sách cho nhà xuất bản Nhân Ảnh tại miền Nam Cali, trong đó có sách của tôi. Mỗi khi sách ra, anh hỏi nhà sách để biết số lượng, báo cho nhà xuất bản. Nhà xuất bản sẽ order sách. Nhận được sách, anh lễ mễ khiêng ra nhà sách liền. Trong ngày nhận được bao nhiêu lần sách do các công ty chuyên chở mang tới nhà, bấy nhiêu lần anh ra nhà sách. Có sách mang ra nhà sách, không có sách anh cũng tới Tự Lực. Để kiểm xem cuốn nào đã bán hết, đề nghị order thêm. Tất cả những công việc này, anh đều làm tự nguyện, không nhận bất cứ sự đền bù nào. Tất cả chỉ vì tình yêu sách của anh.

    Những ngày ở Việt Nam trước năm 1975, anh sống ở Đà Nẵng, cũng nhận làm phát hành sách tại miền Trung cho các nhà xuất bản ở Sài Gòn. Một tay anh, với chiếc xe đạp, thồ sách đi giao. Có khi sách tuột giây buộc, rơi lả tả xuống đường, phải vất vả nhặt lại. Cũng…chùa! Thì các nhà Lá Bối, An Tiêm chẳng của nhà chùa sao?

    Tại hải ngoại, thời sách còn thịnh hành, anh vất vả cơm áo, vậy mà vẫn loanh quanh nơi nhà xuất bản kiêm nhà sách Văn Nghệ của ôngVõ Thắng Tiết (không còn là thầy Từ Mẫn của nhà xuất bản Lá Bối ngày xưa), trần thân với sách. Cũng…chùa, tuy thầy Từ Mẫn đã rời nhà chùa!

    Tấm lòng của anh với sách khiến mọi người quên anh từng là một nhà thơ. Anh từng góp thơ trên Bách Khoa và Văn trước năm 1975 tại Sài Gòn. Thử đọc vài câu trong bài “Nói Với Cô Bé Ngồi Quán”:

    • Ngậm lòng, quán vắng, ơn nhau
      Ly trơ ghế nóng, bé chau mắt nhìn
      Vào đây như một đức tin
      Khói tan đốm thuốc, đời vin tay nào
      Miệng cười kín nụ lao đao
      Tình chia nghĩa sớt, câu chào riêng ai

    Thơ anh lạ, rất cõi riêng. Nhưng anh không tiếp tục sáng tác sau ngày miền Nam tan tác. Anh cho biết: “Làm thơ như vậy đủ rồi. Bây giờ mình thấy làm thơ không hay, thôi không làm thơ nữa”. Đúng phong cách Thành Tôn: làm cái chi cũng phải chỉnh chu! Trong văn nghiệp, anh chỉ kịp xuất bản một tập thơ, Thắp Tình, vào năm 1969. Tập thơ này cũng rất…Thành Tôn. Anh tự thực hiện từ đầu tới cuối: trình bày bìa, sắp chữ, đạp máy in và đóng thành sách.

    Từ ngày xanh tóc đó anh đã…nghịch ngợm với sách, tới bây giờ, trắng tóc, anh cũng vẫn nghịch ngợm như xưa. Một đời sưu tầm sách, phục chế sách, chuyển sách, chia sẻ sách. Người ta nợ sách đèn, anh chỉ nợ sách. Trong tình yêu, nợ và mê thường quấn vào nhau!




    Người và sách.


    Sách và người.


    Tại nhà Thành Tôn.



    Nhà thơ Thành Tôn – tranh Đinh Cường




    Từ trái: Ông chủ nhà sách Tự Lực, Thành Tôn, ông Võ Thắng Tiết (nhà sách Văn Nghệ), Song Thao



    03/2019
    Song Thao

    Nguồn:http://www.songthao.com



              
Trả lời

Quay về “câu chuyện văn chương”