Trang 1/1

Radio-khoahocnet với chủ đề So Sánh Trong Ngôn Ngữ (của Gs Đàm Trung Pháp)

Đã gửi: Thứ tư 09/11/16 18:23
bởi Bạch Vân
  •           



    Radio-khoahocnet với chủ đề


    So Sánh Trong Ngôn Ngữ

    (của Gs Đàm Trung Pháp)



    [/audio]



    Để tiếp tục chương trình, BV xin giới thiệu đến quý vị một bài viết của Gs Đàm Trung Pháp, một cây bút đã đóng góp nhiều cho trang khoahocnet với những bài biên khảo về thơ văn trong đủ các thứ ngôn radiongữ trên thế giới, thí dụ như các bài Khi nàng thơ nói tiếng Ý, Ngát hương cõi thơ trữ tình Đức ngữ, Thi ca trữ tình Tây Ban Nha ngữ mà BV đã có dịp giới thiệu cùng quý vị hồi năm ngoái.

    Gs Đàm Trung Pháp còn viết rất nhiều bài nữa, ví dụ như Thơ Haiku Nhật Bản hay Jacques Prévert và Nguyên sa, hoặc Yêu em, anh làm thơ, Trường hợp của Pablo Neruda và Matilde Urrutia, ..v..v.

    Hôm nay, BV xin được phổ biến cùng quý vị một bài viết của Gs ĐTPháp có tựa đề là: Đình Bao Nhiêu Ngói, Thương Mình Bấy Nhiêu.



    ______________________

    Nếu trong cuộc sống bạn đã từng “nhớ ai bổi hổi bồi hồi, NHƯ đứng đống lửa NHƯ ngồi đống than” để chẳng còn tâm trí nào làm được việc gì khác, hoặc gặp một vài cá nhân thuộc loại “bắng nhắng NHƯ nhặng cầu tiêu” đã làm cho bạn nhức nhối tâm thần, và thấy những sự so sánh ấy rất “đả” thì bạn đã được thấy hiệu lực của ví von trong ngôn ngữ.

    Ví von là một yếu tố bất khả kháng trong ngôn ngữ biểu tượng (figurative speech), thứ ngôn ngữ mà Robert Frost định nghĩa là “nói điều này nhưng ám chỉ điều kia” (saying one thing but meaning another). Sách giáo khoa tại xứ này thường phân biệt hai phương cách ví von trong ngôn ngữ. Cách thứ nhất là sự ví von gián tiếp giữa hai yếu tố qua môi giới của các chữ hoặc nhóm chữ dùng để so sánh như LIKE, AS, THAN, SEEM, và SIMILAR TO. Cách ví von gián tiếp này được mệnh danh là “simile” (ví von). Cách thứ hai so sánh trực tiếp, không cần môi giới chi cả, và có tên là “metaphor” (ẩn dụ). Theo các định nghĩa này, câu thơ dưới đây của Robert Burns là một ví von:

    • O my love’s LIKE a red, red rose!
      Ơi, người yêu tôi NHƯ một bông hồng thật đỏ!


    Và hai câu thơ sau đây của Sir Walter Raleigh là một ẩn dụ:

    • But love is a durable flame
      In the mind ever burning.

      Nhưng tình yêu là ngọn lửa lâu bền
      Trong tâm tư luôn luôn bừng cháy.


    Tác giả bài ca “Bésame mucho” nóng cháy đã mạnh bạo đề nghị người yêu hãy hôn chàng như thể đêm nay được coi là đêm cuối cùng trong đời của họ:

    • Hãy hôn anh, hôn anh cho nhiều vào NHƯ THỂ đêm nay là đêm cuối cùng!

      Bésame, bésame mucho COMO SI fuera esta noche la última vez!


    Trên đường đi thăm mộ người con gái yêu thương mới qua đời trong một tai nạn thảm khốc, một Victor Hugo cô đơn, buồn tủi chẳng để ý chi đến ngoại cảnh. Như thầm thì nói chuyện với con dưới mộ, thi hào đã ví từ nay ngày đối với mình sẽ như đêm tối:

    • Je marcherai, les yeux fixés sur mes pensées,
      Sans rien voir au dehors, sans entendre aucun bruit,
      Seul, inconnu, le dos courbé, les mains croisées,
      Triste, et le jour pour moi sera COMME la nuit.

      Cha sẽ đi, mắt tập trung vào tư tưởng,
      Không nhìn quanh, chẳng nghe ngóng điều chi,
      Cô đơn, lạc lõng, lưng cúi, tay khoanh trước ngực,
      Tủi buồn, ngày đối với cha sẽ NHƯ đêm tối mà thôi.


    Phương trình “A bằng B” cũng có thể được thể hiện một cách tân kỳ hơn. Chẳng hạn trong tiếng Việt, nếu vế A có trạng từ chỉ số lượng “bao nhiêu” thì vế B có trạng từ chỉ số lượng tương đương “bấy nhiêu” đáp lại, như trong câu ví von dễ thương của một tình yêu nơi thôn quê thuở trước làm ấm lòng người nghe không ít:

    • Qua đình ngả nón trông đình,
      Đình BAO NHIÊU ngói, thương mình BẤY NHIÊU!


    Phương trình “A hơn B” được thấy rõ rệt khi William Shakespeare so sánh sự yếu đuối của mình với một giọt lệ đàn bà: I am WEAKER THAN a woman’s tear (tôi yếu đuối HƠN một giọt lệ đàn bà)

    Một khách tình si nói tiếng Pháp có thể sử dụng cả hai phương trình “A hơn B” và “A kém B” để thú nhận điều mỗi ngày gặp người yêu là chàng càng yêu nàng hơn, hơn hôm qua nhưng lại kém ngày mai:
    Chaque jour je te vois et je t’aime davantage,
    BEAUCOUP PLUS qu’hier mais BIEN MOINS que demain.
    Mỗi ngày anh gặp em và yêu em hơn nữa, HƠN hôm qua nhiều nhưng KÉM hẳn ngày mai.

    Trong một bài ca thắm thiết cũng bằng tiếng Pháp, lạ thay, đối tượng của chàng ca sĩ chỉ là “gần như tình yêu thứ nhất” mà thôi, theo phương trình “A gần bằng B”:

    • Anh yêu em và còn yêu em mãi mãi,
      Hỡi người tình GẦN NHƯ thứ nhất của anh.
      Je t’aime et je t’aimerai toujours,
      Mon PRESQUE PREMIER amour ..….



    Giáo sư Đàm Trung Pháp




    Nguồn: https://khoahocnet.com