Dốc Mù Sương

Trả lời
Hình đại diện
thiên thanh
Bài viết: 1352
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 11:49
Nơi ở: Phố Cổ

Dốc Mù Sương

Bài viết bởi thiên thanh »

          
Hình ảnh


DỐC MÙ SƯƠNG
Dzạ Lữ Kiều


Trời còn mờ đục. Sương dày đặc. Cái lạnh khô buốt của miền Tây nguyên như len vào từng thớ thịt. Loan cố gắng đẩy chiếc xe đạp chất đầy bao than leo lên dốc.

Dốc thì ngắn, nhưng dựng đứng… Nhìn quanh chẳng có người. Em nhủ thầm – chắc còn sớm nên chẳng có ai đi chăng?. Mồ hôi đã rịn ướt lưng áo. Bàn chân trần, không bám vào đất được vì sương đêm dày đặc làm con đường trơn như bôi mỡ. Em dừng lại, rút chiếc dép trong chiếc bị rếch đeo tòn ten ở cổ xe, chêm vào bánh sau. Chống chiếc gậy cho xe khỏi ngã. Em ngồi bệch xuống đất bên bãi cỏ. Mùi nhựa cây từ thân than tỏa ra ngai ngái quyện lẫn với mùi hương cà phê quanh quẩn đâu đây tạo nên hương vị cay thơm quen thuộc. Loan đưa tay quệt vội từng giọt mồ hôi lăn trên trán, nhòa trong chân tóc… Nhìn lên bầu trời còn sót lại những vì sao, chờ đợi.
&
Tôi thức dậy tập thể dục, sớm hơn mọi ngày. Men theo đường đất để lên đường nhựa, chạy cho thoải mái. Nghe giọng bé gái gọi giật lại :

- Chú ơi … giúp cháu với!

Tôi ngừng chạy, bước về phía dốc.

- Cháu Loan đấy à ?

- Dạ!

- Sao cháu đi muộn thế?

- Cháu ngủ quên

- Cháu giữ xe cho vững, chú đẩy lên cho… Nào, từ từ kẻo ngã!

Tôi lom khom người sau những bao than chất cao, trùm kín cả chiếc xe đạp. Chiếc xe ngoan ngoãn leo lên… nhưng một chốc nó lại vùng vằng như con ngựa chứng vì chân Loan không bám vào đất được, bị trượt khi tôi đẩy quá mạnh. Lên khỏi dốc…

- Cảm ơn chú, cháu đi đây!

- Ừa, chúc cháu bán đắt hàng.

Cô bé lầm lũi đẩy xe đi. Tôi ngồi xuống bên vệ đường để thở và lấy lại sức ( Vì không quen đẩy nặng). Hình ảnh cô bé và nỗi bất hạnh của gia đình cháu lần lượt kéo về trong ký ức…
&
Anh Ký (Ba của Loan) trước đây là một thanh niên đầy sức khỏe và nhiệt huyết trong mọi công tác lao động, trong xóm, thôn hể có tang gia hay hỏa hoạn cần bàn tay trợ giúp anh đều hết mình, không đắn đo suy nghĩ. Vốn ít học, nhưng giàu lòng tốt, anh thường tham gia các công tác xã hội, nên tôi rất có cảm tình. Tôi với anh cách nhau hai con hẽm. Thỉnh thoảng tôi gặp anh chốc lác, vì công việc của tôi hạn chế nhiều thời gian… Ngày anh cưới vợ, tôi cũng có thiệp mời. Sau đó, tôi đi làm xa.. Lâu lâu về thăm nhà, cũng đôi lần gặp nhau. Một thời gian , tôi được người thân cho biết, anh thường giao du với những người lao động vất vả. Ngày đi làm, tối về tụ tập, rượu chè với lý do – Để giải mỏi, giải sầu… Tôi góp ý là nên bỏ rượu, để giữ được sức khỏe. nhưng tính nào tật nấy. Với bản tính thật thà cố hữu, được sự khuyến khích của bạn bè xấu, anh sa vào con đường nát rượu…

Một lần, chè chén với bạn bè, anh say bí tỉ mà vẫn không chịu nhận mình say . Anh lên chiếc xe Honda 67, của cải mà vợ chồng anh đành dụm bao năm, chạy như thế nào đó mà đâm sầm vào cột trụ điện gần nhà. Xe nát đầu và anh chết tại chỗ! Bỏ lại vợ và hai đứa con dại. Bé Loan, được đi học trong sự nỗ lực của người mẹ, chỉ biết lấy nương rẫy làm cứu cánh. Phần gia đình sa sút sau cái chết của anh. Phần chị công việc đồng án , nhờ trời mùa năm được năm mất, lo toan cuộc sống. Cái làm cho chị đau khổ nhất là hằng năm vào mùa tựu trường, chị đã chạy vạy, xin xỏ, mượn đầu này, khất đầu nọ để đóng đủ tiền trường cho con vào lớp kịp thời khai giảng.

Hồi anh còn sống, anh cứ nghĩ rằng mình đủ sức để chăm lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn để thoát cái cảnh thất học như anh. Nhưng đâu ngờ, bao nhiêu năm dành dụm không đủ trang trải khi anh nằm xuống- nợ nầng mà anh đã bù khú cùng bạn bè, đã làm chị kiệt sức. Dù trong thời gian chung sống chị đã nhiều lần khuyên lơn, to nhỏ với anh, nhưng anh ỷ lại vào sức mình và có ý xem thường vợ, rồi cải vả và hành hạ chị. Cũng chính vì thế mà bé Loan không còn được tiếp tục khi bước vào cấp Hai.

Vốn bệnh tim, lại không được thuốc thang, bồi dưỡng. Vào một đêm, chị vĩnh viễn ra đi… (vì mòn sức kiệt lực!)

Ngày đưa chị ra nghĩa trang. Chỉ nhờ vào bà con, hàng xóm ( Người thân của chị thì ở xa, không ai biết!) Sau quan tài, hai cái bóng nhỏ liêu xiêu với vành khăn trắng. Mọi người qua đường không cầm được nước mắt ! Tôi và bạn bè tính chuyện đóng góp tiền bạc giúp cho hai chị em học tiếp. Nhưng Loan từ chối, vì sợ mang nặng ân nghĩa. Đã là đứa con gái mười lăm tuổi, lại xốc vác như bản tính của cha. Loan tự quyết định lấy đời sống cho hai chị em. Với căn nhà ván, lợp ngói và hơn hai sào đất trồng cà phê đã vào năm thứ tư. Loan xoay xở cho em ăn học. Thời gian rảnh rổi mùa vụ, Loan lại đẩy than đi bấn kiếm thêm tiền- Để chi phí cho hai chị em và cũng là niềm vui riêng mà trong thời gian gần ba năm theo cha đã mòn gót trên đường thành phố. Em đã trưởng thành trong nỗi khổ cực, vất vả của cô gái vùng sâu.
&
Một buổi chiều mưa, tôi ghé lại nhà Loan để nhờ cháu lựa cho một ít than vì vợ tôi sắp sinh, cần than để nằm theo ý của cha mẹ. Cơn mưa lắng dịu, cái nóng oi bức, ngột ngạt. Trong nhà, Loan đang loay hoay bỏ than vào bao. Từng giọt mồ hôi chảy nhòa trên trán, những sợi tóc lòa xòa trước mặt. Em đưa tay quệt, những dấu than ở bàn tay kéo dài lên má, trên trán. Trông em như một phù thủy ở Châu phi đang hóa trang. Thấy tôi đến, em ngừng tay và dựng bao than đang đóng dỡ vào vách ván.

- Chú sang chơi ? Mời chú ngồi!

Tôi cười khi nhìn gương mặt của em

- Cháu diễn tuồng đấy à?

Loan cười thật hồn nhiên

- Vất vả lắm chú ạ, cả buổi chiều đấy chú.

Tôi nhủ thầm – Giá như Loan được cắp sách đến trường, có cha mẹ lo toan cuộc sống thì hẵn em sẽ rất đẹp. thua gì những con nhà đài các!
Tôi ngồi vào chiếc ghế gỗ kê sát cột nhà. Ngỏ ý của mình , Loan cười vồn vã :

- Vâng, chú để cháu lựa than cho, không rành dễ bị than nổ và khó cháy

- Ừa, cháu giúp chú, chú gởi tiền luôn

- Thôi, cháu biếu chú!

- Không được đâu, chú có tiền, cháu lam lủ, cực khổ… Còn phải nuôi em ăn học, chú chỉ mong cho hai chị em sức khỏe. Riêng cháu… chú khuyên cháu nên tiếp tục học thêm…

- Cháu có thể học được nữa sao chú?

- Được lắm chứ’ chỉ cần cháu quyết chí và thu xếp thời gian

- Cháu ngại quá, hơn nữa cháu lớn rồi!

- Không có gì ngại cả, cháu ghi tên vào học lớp bổ túc được mà!

Trong đó có nhiều chị em đã có con, lớn tuổi, có người bằng chú vậy họ cũng đến lớp hằng đêm có sao đâu? Phải có học cháu à, cái ước muốn của ba mẹ cháu hồi còn sống vẫn như thế. Phải biết vươn lên mới thoát cảnh chân lấm tay bùn. Cháu đi bán than vất vả cháu đã biết rồi còn gì? Chú được như ngày hôm nay cũng nhờ cố gắng học thêm khi rảnh rổi đấy, chứ ba má chú cũng nghèo rớt mồng tơi lấy tiền đâu cho con ăn học!

- Vâng, có nhiều khi đẩy than đi bán quanh phố từ sáng đến trưa, chẳng ai hỏi mua, phần rời rã chân tay, phần mệt, khát nước… muốn xỉu luôn. Thú thật với chú, lúc đó cháu trào nước mắt. Nhưng biết làm sao khi cuộc sống khó khăn, em cháu phải ăn học, tiền trường, lớp và bao nhiêu chi phí khác…

- Thế, kỷ niệm khó quên nhất của cháu khi đẩy than đi bán?

- Cháu nhớ nằm lòng, không quên được. Một sáng vừa đẩy than lên gần phố, xe đạp cháu bị đinh xẹp lốp. Phần than nặng, phần không có ai theo, vì thường thường cháu cùng đi với mấy người bạn để khi gặp rủi ro thì phụ lực cho nhau… Cháu dựng xe lại chờ sáng, nhờ ai họ cũng ngại bụi than lem luốt. Trời sáng lâu rồi, cháu đứng mà ruột gan như lửa đốt… May thay có một anh thợ sửa xe mang đồ nghề đi ngang. Cháu năn nỉ, anh ấy vá , phụ cột lại than cho cháu, nhưng khi đưa tiền anh ấy không nhận. Chỉ với nụ cười rất đôn hậu. Anh ấy lên xe đi rồi, cháu suy nghĩ mãi dọc đường – Phải chăng trong cùng một hoàn cảnh mới thấm được nỗi khổ của nhau.

- Khi đi bán, cháu có gặp lần nào cay đắng không?

- Có chứ , một lần cháu bị bà mẹ của cô bé sau khi mua xong đem vào nhà thì bảo than không đạt chất lượng, trả lại, cháu phân tích thế nào cũng không được, bà đòi trả còn một nửa số tiền đã bán, cháu không chịu, đành phải đóng lại và cột lên xe, chú biết đó, thời gian vào bao đâu có nhanh, vả mồ hôi dưới cái nắng gay gắt. Sau khi đẩy xe đi khắp các nẻo đường, góc phố. Cháu phải đẩy ngược về vùng ngoại ô mới bán được. Phần trời đã quá trưa, nắng gay gắt. Hôm đó cháu bán vừa đủ vốn không có lời một đồng để ăn trưa nữa!

- Những lúc như thế cháu nghĩ đến cái gì nào?

- Cháu muốn có một cái nghề ổn định để cuộc sống đở vất vả hơn!

- Thế là cháu đã chấp nhận lời khuyên của chú hồi nãy! Phải có kiến thức cháu à, vì có kiến thức mới đủ sức bật cho gia đình và xã hội đi lên đó cháu …

- Vâng, cháu sẽ cố gắng!

Tôi đưa mắt nhìn lên trần nhà, suy nghĩ mông lung, thì Loan vội nhắc:

- À, chú lấy mấy kí lô than?

- Cho chú mười ký thôi!

Tôi rút tiền trong túi quần đưa và xua tay không thối lại ;

- Cháu cầm luôn đi, hôm nay chú mới lãnh lương!

Loan lay hoay cho than vào bao rối cột túm lại.

- Cháu xin lỗi quên mời chú uống nước, cháu vô ý quá!

- Chú không khát lắm, thôi chú về đây

Loan ôm bao than ra đặt vào yên xe. Tôi nhìn cháu cảm thông.
&
Ra về, trong lòng tôi dâng lên một niềm cảm xúc khó tả. Khi nghĩ đến

Loan, cô bé con nhà nghèo, ít học. Lòng nhân hậu phát xuất từ tấm lòng khi đòi biếu than cho tôi. Sự phấn đấu không ngừng để vươn lên từ một cô bé vùng quê không được học hành đến nơi đến chốn. Từ bản năng của một con người biết lo trách nhiệm của mình và học vấn của em mình. Thật quý hóa thay!

Nghĩ lại trong xã hội hiên nay, biết bao con cái của những kẻ thừa tiền, lắm của, không chịu học hành, ăn chơi trác tán. Sa vào cạm bẫy xì ke ma túy, làm tan gia bại sản của cha mẹ và xã hội rối mù đến mức báo động!

Còn nữa, những cô cậu học sinh con nhà giàu,, có chức có quyền, quý tử lập băng nhóm, đua đòi xe này xe nọ, mốt thời thượng, vũ trường thâu đêm suốt sáng… Nào ai biết đến giá trị đích thực của bản thân khi cầm đồng tiền không bằng xương máu, mồ hôi, nước mắt của chính mình mà vung tay qua cửa sổ! Thật đau đớn thay!

Những đám mây cuộn về trong bầu trời vẫn đục … Chiều xuống thật thấp…


Dzạ Lữ Kiều

nguồn facebook.com
          
Trả lời

Quay về “của người”