Cánh tay rời - Kawabata Yasunari

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20018
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Cánh tay rời - Kawabata Yasunari

Bài viết bởi Hoàng Vân »


  •           


              
    Cánh tay rời
    __________________________
    Nguyên tác Kataude (1963) của Kawabata Yasunari .
    Người dịch: Nguyễn Nam Trân

              





              


    Kawabata ngắm một tác phẩm điêu khắc của Auguste Rodin

              


              
    -Em cho anh mượn cánh tay của em một đêm đấy!

    Người con gái nói với tôi như vậy. Thế rồi nàng rứt cánh tay phải từ bờ vai ra, đưa tay trái nắm lấy nó và đặt lên đầu gối tôi.

    -Cảm ơn em.

    Tôi nhìn cánh tay. Hơi ấm cánh tay phải của nàng truyền sang đầu gối.

    -À, em sẽ đeo cho nó một chiếc nhẫn. Để biết nó là bàn tay của em.

    Người con gái mỉm cười, đưa bàn tay trái của mình lên trước ngực tôi.

    -Nhờ anh giúp nhé! ...

    Chỉ còn có mỗi bàn tay trái nên tháo chiếc nhẫn là việc khó khăn đối với nàng.

    Tôi bèn hỏi:

    -Nhẫn đính hôn phải không?

    -Không đâu anh. Kỷ niệm mẹ để lại cho em đấy.

    Đó là một chiếc nhẫn bạch kim trên có đính nhiều hạt kim cương nhỏ xíu liền bên nhau.

    -Ai cũng tưởng nó là chiếc nhẫn đính hôn của em. Thấy họ nghĩ vậy cũng chả sao nên em tiếp tục mang.

    Nàng nói tiếp:

    -Một khi đeo vào mà lại lấy ra, em có cảm tưởng như chia lìa với mẹ nên em hơi buồn.

    Tôi bèn tháo hộ chiếc nhẫn khỏi ngón tay nàng. Thế rồi tôi dựng bàn tay nàng đặt trên đầu gối của tôi, đeo chiếc nhẫn kia vào ngón tay trỏ màu hồng và hỏi:

    -Đeo vào ngón này được chứ nhỉ?

    -Vâng ạ! Nàng gật đầu trả lời. Đúng như em muốn đấy. Nếu không co được khuỷu tay hay lóng ngón tay lại thì cho dù anh có vui lòng nhận lấy cánh tay này, nó chỉ là một cánh tay giả và vô nghĩa, có đúng không? Em sẽ giúp nó co duỗi được.

    Nói xong, nàng bèn lấy lại cánh tay phải của mình từ bàn tay tôi và đặt nhẹ môi mình lên khuỷu tay cũng như trên từng lóng ngón tay.

    -Từ bây giờ nó sẽ biết động đậy.

    Tôi nhận lại cánh tay từ nàng và nói:

    -Cảm ơn em. Cánh tay này có biết nói không em? Nó có thể trò chuyện với anh không?

    -Em nghĩ một cánh tay chỉ có thể làm phận sự của cánh tay thôi. Nếu cánh tay biết nói thì sau này, khi được anh trả nó lại, chắc em sẽ sợ hãi. Tuy vậy, nếu muốn biết thì anh cứ thử. Anh mà dịu dàng, biết đâu nó chẳng chịu nghe anh một đôi câu.

    -Anh sẽ dịu dàng với nó mà!

    -Thôi mi đi đi!

    Người con gái dường như đang gửi gắm tất cả lòng mình vào cánh tay. Tôi sờ chiếc nhẫn ở ngón của bàn tay trái nay đang nằm trên cánh tay phải của nàng:

    -Tuy chỉ một đêm thôi nhưng mi hãy thuộc về anh ấy đấy nhé!

    Thế rồi trong đôi mắt rưng rưng nhìn tôi, làm như nàng đang cố nén không cho dòng lệ tuôn ra.

    Nàng lại nói:

    -Khi nào đem nó về rồi, nếu anh muốn thử thay cánh tay phải của anh bằng cánh tay phải của em xem sao thì cũng được, anh ạ.

    -Ừ nhỉ? Cảm ơn em.

    Tôi dấu cánh tay phải của nàng vào bên trong lớp áo đi mưa và bước trên đường phố đêm sương mù giăng mắc. Nếu bắt một chiếc tắc-xi hay leo lên xe điện, người ta sẽ ngờ vực. Giả sử cánh tay này - vốn đã rời khỏi thân hình của cô gái - khóc hay phát ra tiếng, thế nào thiên hạ cũng làm ầm ĩ lên ngay.

    Tôi dùng bàn tay phải của mình để nắm lấy chỗ tròn trịa phía gốc cánh tay cô gái và áp sát nó vào ngực trái.Tuy nó nằm bên dưới một lần áo đi mưa nhưng đôi khi tôi vẫn muốn đưa bàn tay mặt sờ lên bên ngoài lớp áo ấy để kiểm tra vị trí thì mới đỡ bứt rứt. Có lẽ đối tượng của sự kiểm tra không phải là cánh tay. Hình như tôi muốn làm một cử chỉ để xác nhận niềm vui thỏa nơi mình.

    Biết cánh tay của nàng là vật tôi yêu thích, người con gái đã rứt nó trao cho. Không biết phải gọi bộ phận ấy là phần cuối bả vai hay đầu gốc của cánh tay nhưng nó thật tròn trịa. Cái tròn trịa của một thân hình đẹp thon lẳn kiểu Tây phương vốn hiếm thấy nơi những cô gái Nhật. Thế mà nó lại rơi đúng vào trường hợp của nàng. Đó là một hình cầu tỏa ra thứ ánh sáng dìu dịu của buổi bình minh, một vật thể vừa no tròn vừa thanh thoát và xinh xắn. Một khi nàng con gái đánh mất sự ngây thơ thì ngay lập tức, vẻ yêu kiều của sự tròn trịa ấy cũng sẽ phai nhạt đi. Nó cũng không còn bền chặt nữa. Số phận của những người con gái đẹp tùy thuộc vào cái nét đầy đặn và đó là cái không thể bền lâu. Thế nhưng người con gái này có được sự tròn trịa đó. Người ta cảm thấy rằng cái dễ thương của vẻ tròn trĩnh từ bờ vai cô gái đã di chuyển xuống mọi vùng trên thân thể nàng. Bầu ngực tròn nhưng không to lắm, mềm mại, đến khi nằm giữa lòng bàn tay thì tuy có e thẹn nhưng lại săn cứng như muốn dán chặt vào đó. Nhìn cái tròn trịa của bờ vai nàng, tôi mường tượng được dáng điệu của đôi chân đang bước. Những bước chân ấy trông sao mà giống dáng đi nhẹ nhàng của một con chim nhỏ mảnh khảnh hay như cánh bướm đang chập chờn lượn từ đóa hoa này sang đóa hoa nọ. Cái giai điệu tinh tế ấy, tôi thấy như có cả nơi đầu lưỡi trong những nụ hôn.

    Vì đúng vào mùa đàn bà có thể mặc áo cộc tay, người con gái cũng để lộ một phần bờ vai. Màu sắc làn da của phần để trần hình như hãy còn chưa quen với không khí và sự đụng chạm. Suốt mùa xuân vì được che dấu, nó giữ nguyên vẻ tươi tắn, nên giờ đây trước cái nắng nỏ của ngày hạ, mới lộ hết màu sắc xinh đẹp của một chồi non. Buổi sáng hôm đó, tôi đã ra ngoài tiệm bán hoa mua một búp mộc lan (taisanboku) [1] về chưng trong bình thủy tinh nhưng bờ vai của người con gái trông còn trắng trẻo và no tròn hơn búp mộc lan lớn kia nữa. Nói là áo của nàng không có ống tay thì không đúng hẳn, nó chỉ cuộn lên về phía cần cổ nên càng làm cho nơi tiếp giáp giữa cánh tay và bờ vai hiện ra lồ lộ. Bộ quần áo ấy làm bằng lụa xanh, đậm đến độ đen tuyền, óng ánh một cách dịu dàng. Người còn gái nào có được bờ vai tròn lẳn như thế đều có thêm tấm lưng đầy đặn. Cái tròn trịa của bờ vai đổ thoai thoải xuống phần lưng vẽ nên một lượn sóng khoan thai. Nếu đứng đằng sau và nhìn nhếch qua bên một chút, ta sẽ thấy làn da nàng sau khi men theo bờ vai tròn sẽ tiến lên phía cái cần cổ thanh mảnh rồi cắt nét rõ ràng khi gặp mái tóc đen được bới cao sau ót. Và mái tóc đen ấy như thể đang chiếu cái bóng óng ả xuống bờ vai tròn trịa.

    Hình như người con gái biết là trong tâm thức, tôi đã nghĩ rằng phải như thế mới gọi là đẹp, nên nàng mới rứt cánh tay mặt từ chỗ nó tiếp giáp với bờ vai tròn trĩnh của mình cho tôi mượn.

    Cánh tay tôi đang nắm cẩn thận dưới lớp áo đi mưa xem ra còn lạnh lẽo hơn cả tay tôi. Lòng tôi đang mở hội và hăng hái như thế thì bàn tay tôi chắc phải ấm nóng, nhưng tôi đã cầu mong ngọn lửa ấm ấy đừng truyền sang cánh tay nàng. Tôi muốn rằng bàn tay ấy vẫn cứ giữ nguyên nhiệt độ bình thường như thân thể nàng vậy. Hơn nữa, cho dù vật nằm trong bàn tay tôi có lạnh hơn một chút, cái lạnh ấy sẽ truyền cho tôi một chút thương cảm. Nó giống như niềm thương cảm của tôi đối với đôi vú của một cô gái chưa bao giờ được hưởng sự ấp yêu.

    Màn sương đêm dày thêm tựa hồ sắp biến thành mưa. Đầu không đội mũ, tóc tôi dần dần thấm ướt. Từ phía sâu bên trong một hiệu thuốc tây, có tiếng ra-đi-ô xuyên qua cánh cửa ngoài đang đóng kín để vọng đến tai tôi. Đài cho biết hiện nay vì sương mù, ba chiếc máy bay hành khách không đáp xuống được, đã phải lượn vòng bên trên phi trường suốt nửa tiếng đồng hồ. Sau đó, đài tiếp tục lưu ý mọi gia đình là vào một ngày độ ẩm cao như hôm nay, có sác xuất là kim đồng hồ sẽ chạy không chính xác. Máy phóng thanh còn thông báo là với độ ẩm đêm nay, lò xo của đồng hồ sẽ cuộn lại cật lực và có nguy cơ đứt giây cót. Tôi ngẩng mặt lên, nhìn nhiều vòng xem thử có ánh đèn của chiếc máy bay nào không nhưng chẳng thấy gì.Ngay cả bầu trời cũng không còn nữa. Khí ẩm sa xuống như một bức màn và chui tận vào lỗ tai khiến tôi nghe như từ một nơi thật xa, có tiếng động nhớp nháp của một lũ giun đất đang bò. Khi tôi còn đứng trước cửa hiệu thuốc tây và đang nghĩ rằng không chừng ra-đi-ô còn cảnh báo thính giả về một điều gì đó nữa thì đài bèn cho nghe tiếng rống của lũ sư tử và cọp beo trong vườn bách thú đang hậm hực vì khí ẩm. Tôi có cảm tưởng là tiếng gầm thét của bầy thú ấy là âm hưởng của mặt đất đang rung chuyển. Sau đó đài còn khuyên rằng vào những đêm như đêm nay, các bà đang mang thai và những kẻ bi quan yếm thế phải nằm nhà và lập tức lên giường yên nghỉ. Còn một thông tin khác nữa là trong đêm như thế này, nếu các bà các cô xức thẳng nước hoa lên da thịt thì mùi hương đó sẽ bám mãi vào người và không còn cách tẩy đi.

    Tiếng gầm thét của bầy thú dữ vọng đến tai tôi là lúc tôi sắp rời mặt tiền của hiệu thuốc tây nhưng lời khuyên về cách dùng nước hoa của cái ra-đi-ô vẫn lải nhải đuổi sau lưng. Nhân vì những tiếng rống giận dữ của bầy mãnh thú làm tôi sợ hãi nên tôi mới muốn rời chỗ hiệu thuốc để khỏi nghe tiếng ra-đi-ô nữa, phần khác cũng vì e ngại sự sợ hãi đó sẽ truyền vào cánh tay của thiếu nữ. Dầu người con gái ấy không mang thai và cũng chẳng chán đời nhưng tôi nghĩ rằng đêm nay, khi nàng đã trở thành cánh tay tôi mượn, tôi phải làm đúng lời ra-đi-ô khuyến cáo, nghĩa là sớm sủa lên giường và nằm lặng lẽ cho yên ổn. Tôi chỉ cầu mong mẫu thể (botai) [2] của cánh tay tức là người con gái ngủ ấy được một giấc bình yên.

    Khi băng ngang đường, tôi để bàn tay trái lên trên phía ngoài chiếc áo đi mưa và đè cánh tay nàng xuống. Có tiếng xe bóp còi rồi một vật gì động đậy giữa nách và bụng làm tôi phải lách người. Thì ra cánh tay của người con gái vì sợ hãi khi nghe tiếng còi xe đã quặp chặt các ngón lại.

    -Đừng sợ! (Tôi nói thế). Xe hãy còn xa. Tại họ không nhìn rõ đằng trước mặt nên bấm dè chừng thôi.

    Thấy mình đang mang theo một vật quí giá trên người nên tôi chỉ băng qua đường khi đã ngó trước ngó sau cẩn thận. Tôi không đến nỗi nghĩ rằng xe bấm còi vì cớ mình nhưng khi nhìn về hướng tiếng còi xe, tôi không thấy bóng ai khác. Tôi không thấy chiếc xe, chỉ thấy mỗi ánh đèn đặt ở đầu xe. Ngay cả luồng ánh sáng ngọn đèn cũng tỏa rộng, bàng bạc, mơ hồ. Thứ ánh sáng ấy quả là hiếm có nên tôi bèn dừng lại ở chỗ sắp băng ngang đường để ngắm cảnh xe vượt qua. Người lái là một thiếu phụ trong y phục màu đỏ. Dường như cô có nhìn về phía tôi và khẽ cúi đầu. Trong một giây, tôi ngỡ cô là nàng con gái đang đến để đòi cánh tay phải cho mượn nên dợm quay người bỏ trốn. Thế nhưng nhất quyết thiếu phụ trong xe không thể nào lái xe với mỗi cánh tay trái. Dù vậy, biết đâu cô chẳng đã phát hiện việc tôi đang cắp kè kè cánh tay của người con gái nọ! Giữa cánh tay và thiếu phụ trong xe hẳn có cùng một linh cảm giữa hai người đồng phái. Tận lúc vể tới nhà, tôi đã cố chú ý để tránh gặp lại thiếu phụ trên xe. Đèn đằng sau xe cô ta phóng ra một thứ ánh sáng màu tím nhạt. Trong lớp sương mù xám, tôi không nhìn ra hình dạng chiếc xe, chỉ thấy luồng ánh sáng màu tím nhạt ấy như đang bồng bềnh trôi rồi mỗi lúc một xa dần.

    Tôi thì thầm:

    -Mắc mớ gì mà người đàn bà kia lại phóng xe như vậy. Lẽ nào cô ấy đi loanh quanh mà không lý do. Chạy để chạy thôi sao? Trong khi chạy, hình bóng cô ta sẽ mờ dần và biến mất chăng? Không hiểu ai đang ngồi trên băng sau chiếc xe?

    Hình như không ai ngồi đó cả. Có phải điều khiến tôi khó chịu khi thấy không có ai ngồi trên băng sau là vì tôi đang cắp bên mình cánh tay rời của người con gái? Chiếc xe của thiếu phụ cũng chở đầy sương đêm ẩm ướt. Thế rồi ánh sáng của chiếc đèn xe cô lái khi rọi trong sương mù lại có một màu tim tím mơ hồ. Tôi chợt nghĩ rằng thân thể một người đàn bà không thể nào phóng ra những luồng ánh sáng màu tím được, nó phải đến từ một vật khác. Thế nhưng vật ấy là gì? Việc tôi cho là một thiếu phụ một mình lái xe trong đêm sương như hôm nay chỉ là một hình bóng huyễn hoặc phải chăng cũng đến từ lý do tôi đang dấu diếm trên người cánh tay của nàng con gái nọ. Và đối tượng mà thiếu phụ khẽ chào từ trong xe có phải là cánh tay này không? Biết đâu chừng trong đêm như đêm nay, có những vì thiên sứ hay những cô tiên tí hon (yôsei) [3] đi lượn vòng quanh để bảo vệ sự an toàn cho những nàng con gái! Thiếu phụ kia chưa chắc đã đi bằng xe hơi, có khi cô di chuyển trên một luồng ánh sáng màu tím. Cô không làm một chuyện vô nghĩa đâu. Có lẽ cô đã ra đi với ý định khám phá bí mật của tôi.

    Từ lúc đó trở đi, trên đường, tôi không gặp thêm người nào cả. Về đến căn hộ mình ở, tôi đứng trước cửa một đỗi để dò la động tĩnh. Trên đầu tôi có ánh sáng đom đóm bay ngang rồi biến mất. Khi nhận ra rằng lửa đom đóm không thể nào lớn và mạnh như thế, tôi chợt thối lui bốn năm bước. Ngọn lửa lân tinh như lửa đom đóm lại trôi qua hai ba lượt nữa. Trước khi bị lớp sương mù dày nuốt trọn, những ngọn lửa ấy đã tự biến mất. Có phải đây là những hồn ma hay lửa ma trơi đang bay lượn trước mắt tôi và chúng đã chực sẳn để đón đầu tôi trên đường về nhà? Tôi mới hiểu ra đây chỉ là một đàn bướm đêm (ga, moth) [4] . Cánh của bướm đêm khi đến gần bóng đèn điện ở đầu cửa ra vào sẽ nhận được ánh sáng của nó nên ánh lên giống như lửa đom đóm.Tuy thấy to hơn lửa đom đóm nhưng những con bướm đêm này - dù bị ngộ nhận là đom đóm - vốn có thân hình nhỏ hơn.

    Tôi tránh dùng thang máy, lặng lẽ leo lên mấy bậc cầu thang hẹp dẫn tới tầng ba.Vì không thuận tay, tôi không quen dùng tay trái để mở cánh cửa nên trong khi ấy, vẫn luồn tay mặt và để nó nằm y nguyên trong chiếc áo đi mưa. Tôi càng gấp gáp, đầu ngón tay lại càng run lẩy bẩy, trông chẳng khác nào một kẻ gian! Tôi lại tưởng tượng trong căn phòng mình chắc đang có ai đó. Thường ngày, tôi vẫn sống cô độc nhưng sự cô độc không phải là một trạng thái chờ đợi một cái gì đó xảy ra hay sao? Đêm nay, khi trở về nhà cùng với cánh tay của người con gái, tôi có nào ngờ là mình không còn cô độc. Nếu thế thì cái đang đe dọa tôi chính là sự cô độc của bản thân mà tôi đã nhốt kín bấy lâu trong gian phòng này.

    -Thôi, em vào trước đi nhé!.

    Tôi nói thế sau khi đã hì hục mở được cánh cửa và lấy cánh tay rời của người con gái ra khỏi lớp áo đi mưa.

    -Cảm ơn em đã cất công tới thăm. Đây là căn phòng của anh. Để anh bật đèn.

    Cánh tay của cô gái dường như muốn lên tiếng hỏi:

    -Hình như có gì làm anh sợ hãi à? Ai đang ở trong này hay sao?

    -Ờ nhỉ! Thế em nghĩ đang có ai à?

    -Có một cái mùi, anh ạ!

    -Mùi ư? Chắc là mùi của anh đó. Cái bóng to lớn và tù mù của anh trong bóng tối, em trông có hãi không hở? Nhìn cho kỹ đi. Có lẽ đó là cái bóng của anh, nó đang chờ anh về đấy.

    -Mùi gì ngòn ngọt.

    Ngọt à? Chắc là mùi hoa mộc lan.

    Tôi trả lời một cách tươi tỉnh. May quá, đó không phải là cái mùibẩn thỉu và ẩm thấp của sự cô độc nơi tôi. Biết cắm sẳn hoa mộc lan trong bình để chào đón một người khách đáng yêu như thể này, tôi thấy mình mới hên làm sao. Mắt tôi quen dần với bóng tối. Trước đây, căn phòng tối đen, và trong bóng tối, tôi hay tìm để biết vật nào ở nơi nào rồi.

    -Anh cho phép em bật đèn nhé! (Cánh tay của người con gái nói một câu tôi không ngờ tới). Bởi vì đây là lần đầu tiên em đến phòng này mà!

    -Tốt lắm! Em cứ bật cho. Đúng là lần lần đầu tiên có một người ngoài anh bật đèn trong căn phòng này.

    Tôi nắm cánh tay của người con gái đưa lên để nó với được tới chỗ bật đèn. Bóng điện năm vị trí trong nhà: dưới trần nhà, trên bàn, đầu giường nằm, trong nhà bếp và phòng rửa mặt được thắp lên một lượt. Lần đầu tiên mắt tôi mới thấy đèn điện phòng mình sáng đến mức ấy!

    Trong bình thủy tinh cắm mộc lan, búp hoa đã nở to. Sáng hôm nay, chúng còn đang nụ. Nhất định là chúng mới nở đây thôi nhưng sao nhụy hoa đã rơi lả tả trên mặt bàn.Tôi lấy làm lạ và đưa mắt ngắm nhụy hoa - chứ không phải những cánh hoa trắng - đang nằm vương vãi. Thế rồi tôi vây vo một hai cái nhụy trong tay và quan sát. Vừa lúc ấy, mấy ngón của cánh tay người con gái vốn đang được đặt trên bàn, cũng duỗi ra co vào rồi di động như con sâu đo để nhặt nhụy hoa gom lại. Sau khi nhận nhụy hoa từ bàn tay nàng, tôi bèn đứng lên, đi về phía thùng rác để vứt.

    Cánh tay nàng lại gọi tôi:

    -Mùi hương hoa này nồng quá, thấm cả vào da thịt. Cứu em với!

    -Ôi chao! Chắc tại anh bó cứng em suốt đoạn đường đến đây nên bây giờ em mệt lả. Chịu khó nằm im, thư giản một chút coi! .

    Tôi đặt cánh tay nàng nằm ngang mặt giường, đồng thời ghé xuống ngồi bên cạnh. Tôi ve vuốt cánh tay một cách dịu dàng.

    -Đẹp quá đi. Em thật hạnh phúc.

    Cái mà cánh tay người con gái vừa khen đẹp có lẽ là tấm vải trải giường với những mô hình hoa ba màu trên nền hồ thủy. Đối với một người đàn ông cô độc, bao nhiêu đó có lẽ đã quá sặc sỡ.

    -Có phải em được ngủ đêm nay với anh trong tấm chăn này không ạ? Em sẽ không quấy phá đâu anh.

    -Thật sao?

    -Em sẽ tựa người vào anh. Anh sẽ thấy như không có ai bên cạnh cả.

    Thế rồi cánh tay người con gái khẽ nắm tay tôi.Mấy cái móng tay được mài giũa thật đẹp và sơn phơn phớt màu hồng hoa thạch trúc (sekichiku) [5] . Móng đều để dài quá đầu các ngón.

    Khi chúng được đặt bên cạnh những cái móng tay vừa ngắn, vừa to bè lại vừa thô dày của tôi, thì ngay cả mấy móng tay người con gái cũng có vẻ như không phải móng tay người. Chúng có hình thể và vẻ đẹp khiến tôi phải kinh ngạc. Với mấy đầu ngón tay thế này thôi, người con gái như muốn vượt lên khỏi thân phận con người, hoặc giả đang đi tìm tòi xem thế nào là bản chất phụ nữ. Móng tay nàng tuy có màu sắc và hình thể như vỏ sò hay cánh hoa thật đấy nhưng khi nghĩ về chúng, tôi chỉ thấy đó là móng tay của một nàng con gái chứ không mường tượng trong đầu hình ảnh khuôn sáo về đường vân óng ánh bên trong vỏ sò hay vẻ đẹp tươi tắn của những cánh hoa. Tôi thấy mấy cái móng này còn có thể nhìn xuyên suốt vì nó mỏng hơn cả những vỏ sò bé nhỏ dễ vỡ nhất hay như cánh hoa mong manh nhất. Nó còn làm cho ta nghĩ tới tấn bi kịch xảy ra khi sương rơi xuống. Sự cô độc của tôi có thể là giọt sương gây ra bi kịch đối với mấy cái móng tay này cũng không chừng.

    Tôi đặt ngón tay trỏ của bàn tay tôi mà nàng không nắm, lên trên ngón út của nàng, để cho cái móng tay thon dài ấy cào nhẹ vào bên trong ngón cái của tôi và chăm chú nhìn nó. Không hiểu tự hồi nào, ngón tay chỉ đường của tôi đã vào nấp dưới bóng của móng tay nàng và chạm vào ngón út. Như sợ hãi, ngón tay này chợt rụt về và khuỷu tay nàng cũng co lại. .

    -Chết chưa? Nhột à? (Tôi nói với cánh tay của người con gái) Có phải em nhột không?

    Buột miệng nói ra câu ấy, tôi biết mình vừa lỡ lời. Đầu ngón tay có móng dài vươn ra là chỗ nàng dễ bị nhột (kusuguttai, ticklish)). Tóm lại, tôi hiểu rằng cũng như bao nhiêu người con gái khác, đây là chỗ nhạy cảm của nàng. Và như thế tôi đã thông tin cho cánh tay nàng hay tôi là người khá thành thạo với phụ nữ.

    Nếu so sánh tôi với người con gái đã cho mượn cánh tay thì tôi không chỉ nhiều tuổi hơn mà trước đây, còn đã từng được một người đàn bà - nếu nói cho thanh bai là kẻ đã từng trải đàn ông [6] - kể cho nghe là phần đầu ngón tay bên dưới móng là chỗ dễ bị nhột. Người ấy còn bảo một khi mình đã quen sờ vào một vật gì đó bằng móng tay dài, nhân vì đầu ngón không chạm vào vật ấy, nên chỉ cần có gì đụng tới là nó đã cảm thấy nhột.

    -Hừm!

    Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên vì khám phá được một điều mình không ngờ tới, người đàn bà nọ mới nói tiếp:

    -Đối với những món đồ soạn ra để nấu ăn hay cả thức ăn cũng vậy, có khi chỉ cần lấy đầu ngón tay chạm vào là mình đã cảm thấy bị vấy bẩn và rùng mình đến tận vai. Thật đấy. Có lạ chưa?

    Sợ vấy bẩn không phải là sợ cho món ăn nhưng chẳng lẽ lại sợ cho đầu móng tay? Có thể là bất cứ cái gì chạm phải đầu ngón tay của mình, người đàn bà ấy cũng run lên vì sợ bẩn. Người đàn bà đã được che chở trước giọt sương - bi kịch đối với sự thanh khiết - bởi cái móng tay dài. Một giọt như thế hãy còn thấy đọng ở đầu ngón tay bà.

    Tôi bỗng thèm sờ lên đầu ngón tay của người đàn bà. Sự quyến rũ đến một cách tự nhiên nhưng tôi đã không làm điều đó. Chính sự cô độc của tôi đã khiến tôi cự tuyệt bà. Bởi vì người đàn bà kia là kẻ hầu như không còn một điểm nào trên người có thể cảm thấy nhột dù được ai sờ.

    Riêng người con gái đã cho tôi mượn cánh tay thì có lẽ khắp người nàng, đâu đâu cũng có những chỗ hễ sờ vào là nàng sẽ giật bắn. Khi cù vào đầu ngón tay của người con gái đó, tôi không thấy có mặc cảm phạm tội mà chỉ xem đó như một trò chơi tình ái. Tuy vậy, khi cho tôi mượn cánh tay, người con gái chắc không muốn tôi giở trò nghịch ngợm như thế đâu. Do đó, tôi không có quyền biến nó thành câu chuyện khôi hài.

    -Ơ kìa! Cửa sổ đang để ngỏ!

    Tôi chợt nhận ra điều đó. Cửa kính có đóng nhưng màn cửa thì không được kéo vào.

    Cánh tay của người con gái hỏi:

    -Có cái gì đang nhòm vào à?

    -Người thì mới biết nhòm chứ!

    -Người nào nhòm cũng không thể thấy được em. Nhòm mà thấy được em chỉ có bản thể (jibun, self) [7] của anh thôi.

    -Bản thể à? Bản thể anh là ai và đang đứng ở đâu?

    -Bản thể anh đang ở rất xa.

    Cánh tay của người con gái nói câu an ủi tôi mà nghe như đang hát.

    -Để đi tìm được chính mình, con người phải cất bước về một miền xa...

    -Đi mãi đi hoài sao?

    -Tại vì bản thể vốn ở một nơi xa lắm.

    Cánh tay của nàng lập lại câu trả lời.

    Bất chợt tôi cảm thấy giữa cánh tay này và người con gái vốn là mẫu thể của nó có một khoảng cách xa xôi diệu vợi. Không biết cuối cùng cánh tay này có thể về đến chốn nó đã phát sinh hay không? Không biết cánh tay của nàng con gái lẫn mẫu thể của nó tức là chính cô ta có thể nào tin lời tôi mà yên tâm cùng tôi đi vào giấc ngủ hay chăng? Không biết nàng có cảm thấy khó ở vì mất đi một cánh tay hoặc đang ở giữa một cơn mộng dữ? Lúc phải chia tay với cánh tay của mình, không biết nàng có cố nén những giọt lệ đang rưng rưng trong mắt. Hiện nay cánh tay của nàng đang có mặt trong căn phòng tôi nhưng chính nàng thì chưa tới đây bao giờ.

    Cửa kính của căn phòng phủ mờ hơi nước ẩm ướt, trông như tấm da bụng của một con cóc (hikigaeru, toad) đang căng. Mưa sương lặng lẽ ngưng đọng trong không trung làm thành một biển sa mù. Không còn phân biệt được xa gần trong màn đêm bên ngoài cửa sổ, tất cả đều được bao phủ trong một màn đen vô tận. Không thể thấy những mái nhà chung quanh và cũng không nghe được tiếng còi xe.

    -Để anh đóng cửa sổ.

    Tôi vừa định kéo màn thì thấy cánh màn đã thấm ướt. Khung kính cửa sổ in khuôn mặt tôi. Mặt hiện ra trên kính trẻ hơn khuôn mặt hằng ngày. Tay tôi vẫn không ngừng kéo bức màn lại. Khuôn mặt trên kính biến mất.

    Lúc đó trong đầu tôi bỗng hiện ra hình ảnh cánh cửa sổ một căn phòng trên tầng 9 của một khách sạn mà tôi đã có dịp ghé qua. Có hai đứa bé gái mặc bộ đồ màu đỏ với vạt dưới xẻ rộng đang leo lên cánh cửa sổ đùa chơi. Vì hai đứa mặc một bộ giống nhau, có lẽ chúng là chị em sinh đôi. Đó là hai đứa trẻ Tây phương. Chúng hết lấy nắm tay đập lên cửa kính lại dùng vai để đẩy, đứa này xô lấn đứa kia trong khi bà mẹ ngồi đâu lưng với của kính và đang thêu đan gì đó. Nếu như tấm kính lớn của cánh cửa sổ bị vỡ hay bật ra khỏi khung thì hai đứa sẽ rơi từ tầng 9 xuống đất và chết mất. Chỉ có tôi là thấy cảnh tượng quá sức nguy hiểm này nhưng hai đứa bé lẫn người mẹ của chúng hoàn toàn không ý thức tị nào. Khung kính cửa sổ ấy được làm khá chắc nên không có gì bất hạnh xảy ra. .

    Khi tôi khép màn xong và ngó lại thì cánh tay ở trên giường mới nói:

    -Đẹp đấy!.

    Có thể vì cánh tay đã nhận ra rằng bức màn cũng làm bằng loại vải có in

    những mô hình hoa như tấm trải giường.

    -Thế sao? Bị mặt trời rọi mãi nên màn đã phai màu. Tơi tả hết, còn đâu.

    (Tôi ngồi xuống bên giường, cầm lấy cánh tay của người con gái đặt lên đầu gối). Đẹp là cái này này! Hỏi có gì đẹp hơn nó không?

    Thế rồi tôi đưa cánh tay mặt nắm lấy lòng bàn tay nàng, còn tay trái thì cầm phần gốc tiếp giáp bả vai của cánh tay, từ từ gấp và duỗi cái khuỷu tay ấy. Tôi làm đi làm lại nhiều lần như thế.

    -Chú bé này nghịch ngợm ghê! (Cánh tay nói một cách dịu dàng như thể đang nhoẻn miệng cười). Anh thích đùa như thế lắm sao?

    -Nghịch ngợm gì đâu hở em! Anh cũng không hẳn thích thú.

    Thật ra, cánh tay của người con gái có nhoẻn miệng cười. Bởi lẽ nụ cười ấy giống như một luồng ánh sáng đã khiến cho làn da nàng trở nên thon thả, mượt mà. Nó giống y nụ cười từng hé nở trên đôi má bầu bĩnh của nàng trước đây.

    Nhìn là tôi biết. Người con gái có lần đã chống hai khuỷu tay trên mặt bàn, chồng mấy ngón của hai bàn tay nhè nhẹ lên nhau làm điểm tựa cằm. Ở cương vị một cô con gái trẻ thì tư thế ấy không được lịch sự cho lắm nhưng cử chỉ rất nhẹ nhàng, đáng yêu nên dùng các chữ "chống", "chồng" hay "đặt" để diễn tả việc đó không hẳn là điều thích hợp. Mỗi bộ phận từ chỗ tròn trịa nằm sát bờ vai, mấy ngón tay, cái cằm, đôi má, đôi tai, cần cổ thon dài cho đến cả mái tóc đã hòa hợp với nhau như giai điệu của một khúc nhạc. Cô gái dùng dao, nĩa rất thành thạo. Khi cầm hai món đó, đôi khi cô vô tâm nhấc ngón trỏ và ngón út lên một chút trong khi vẫn giữ cho chúng cái dáng cong cong. Thế nhưng, mấy động tác như đưa thức ăn vào đôi môi nhỏ, cắn và nuốt... cô đều làm cho tôi cảm thấy đây không phải là cử chỉ của người trần gian. Bàn tay, khuôn mặt và yết hầu của cô như đang cùng nhau hòa tấu một điệu nhạc thật dễ thương. Đó là lý do khiến tôi nghĩ là nụ cười của cô đã chiếu sáng để làn da trên cánh tay có một vẻ nuột nà.

    Nụ cười của cánh tay đã hiện ra trước mắt sau khi tôi co duỗi cánh tay ấy nhiều lần và làm cho những thớ thịt căng cứng của nó bắt đầu hít, thở nhè nhẹ như những đợt sóng li ti. Nhờ đó mà có những vệt sáng và bóng tối đẹp kỳ lạ thay nhau tuôn chảy vào bên trong làn da trắng muốt và mềm mại của cánh tay. Khi nãy, tôi đã cho ngón tay sờ vào đầu ngón nằm bên dưới móng tay dài của nàng. Rồi lúc nàng giật mình, gập cánh tay và rụt lại, thì đã có một luồng ánh sáng lấp lánh chạy vụt qua cánh tay và chiếu thẳng vào mắt tôi. Việc đó xảy ra vào lúc tôi thử gập khuỷu tay của nàng lại xem sao chứ tôi không hề có ý định cợt nhả. Tôi bèn ngưng co duỗi cánh tay nàng và cứ để nó nằm thẳng băng trên đùi mà ngắm nghía. Dù vậy, nơi cánh tay của người con gái vẫn còn thấy hiện ra những mảng sáng và tối thật xinh xắn.

    Tôi bảo:

    -Nếu gọi là nghịch ngợm cho vui thì anh nhớ mình đã được chủ nhân cánh tay cho phép đặt nó vào chỗ cánh tay phải của anh để thay thế. Em biết chuyện đó không?

    -Em biết chớ!

    Cánh tay mặt của người con gái trả lời.

    -Có điều đây không phải chuyện chơi. Anh vẫn thấy có gì đáng lo.

    -Thế sao?

    -Vậy anh làm chuyện đó có được không?

    -Được!

    - .... (Tôi muốn biết tiếng trả lời kỳ lạ của người con gái có xác thực hay không nên tiếp tục đòi hỏi). Nói đi! Nói "Được, được!" cho nghe lần nữa nào!

    -Được! được!

    Tôi nhớ ra rồi. Giọng nói của cánh tay sao mà giống giọng người con gái xưa kia đã quyết tâm phó thác đời mình cho tôi [8] tuy nàng ấy không xinh đẹp bằng người con gái chịu cho tôi mượn cánh tay. Ngoài ra nàng còn có vẻ không bình thường nữa.

    -Được, anh ạ.

    Người con gái ngày xưa ấy đã để nguyên đôi mắt mở to và chăm chú nhìn tôi. Tôi vuốt mi mắt nàng để khép nó lại.Nàng đã nói với tôi bằng một giọng run rẩy:

    -(Đức chúa Giê-su đổ lệ. Lúc đó, đám dân Do Thái bèn nói: Ôi chao! Ông ta đã yêu người đàn bà ấy rồi sao?)

    -...

    Bảo "người đàn bà ấy" là lầm. "Người đàn ông ấy" mới đúng. Đoạn này nói về cái chết của Lazaro [9] .Vì người con gái ấy là đàn bà nên nàng đã đổi "ông" thành "bà" đó thôi. Không biết nàng có ý thức được sự lầm lẫn này hay không? Hoặc giả, dù có biết, nàng vẫn cố tình dùng chữ "bà" thay cho "ông".

    Tôi thấy trong lúc này cô gái đã có những lời lẽ đường đột và kỳ quái không xứng đáng với nàng và nó làm tôi chưng hửng. Tôi nín thở, đưa mắt nhìn nàng, tưởng chừng nước mắt nàng đang ứa ra từ đôi mi nhắm nghiền.

    Người con gái mở mắt và ưỡn ngực ra. Tôi đưa bàn tay xô người nàng:

    -Đau, anh!

    Nàng đặt bàn tay ở đằng sau đầu và nói:

    -Đau quá mà anh!

    Cái gối màu trắng có vấy một chút máu. Tôi vạch tóc nàng ra xem có gì. Tôi kê miệng tôi vào chỗ máu đang rịn ra từ một khối u.

    -Được mà. Máu sẽ ngừng chảy ngay thôi. Chẳng hề gì đâu.

    Người con gái tháo hết các cây kẹp tóc vì chúng đã chích vào đầu nàng. Làm như nàng đang ghìm đôi vai cho khỏi phải co giật như mắc động kinh.

    Tôi có lẽ hiểu được tâm trạng của nàng khi muốn phó thác thân thể mình cho tôi nhưng đó là điều tôi không thể chấp nhận một cách dễ dàng. Khi muốn phó thác như vậy, hỏi thử nàng đang nghĩ gì trong đầu. Lý do nào khiến nàng mong đợi điều đó xảy ra hay là nàng đã tự dẫn thân đến phó thác cho tôi? Dù hiểu rằng thân thể của tất cả mọi người đàn bà đều được tạo ra như vậy nhưng biết thì biết, tôi vẫn không chịu tin. Đến tuổi này rồi, sao tôi vẫn thấy chuyện đó là lạ. Hơn nữa, chuyện đàn bà phó thác thân thể (karada) và thân thế (mi) mình cho ai [10] , nếu nghĩ là khác nhau thì thấy khác, còn nếu nghĩ là giống nhau thì cũng có chỗ giống nhau thôi. Còn như bảo rằng mọi người trên đời đều làm cùng một kiểu thì đúng là cùng một kiểu vậy. Điều này không đáng kinh ngạc hay sao? Tôi đã lợi dụng sự ngạc nhiên này có lẽ vì tôi là một người đã có tuổi mà còn hâm mộ sự trẻ trung hay đang bị thất vọng trước tuổi già. Tâm hồn tôi què quặt rồi chăng?

    Không phải sự đau khổ mà người con gái ấy cảm thấy đều có nơi mọi người đàn bà muốn phó thác đời mình cho một anh đàn ông. Về trường hợp người con gái này thì việc đó chỉ xảy ra vào một thời điểm nào đó. Chứ khi sợi dây bằng bạc đã đứt, cái mâm vàng cũng phải vỡ thôi.

    -Hãi quá!

    Cánh tay rời ấy nói như thế gợi cho tôi nhớ đến người con gái kia nhưng không hiểu rốt cuộc là tiếng cánh tay đang nói đây có giống tiếng người con gái ấy không? Vì cả hai nói cùng một câu nên lỗ tai tôi thấy là giống. Tuy vậy, họ có nói cùng một câu chăng nữa, chỉ với chừng ấy lý do mà cánh tay đã chịu rời mẫu thể để đến nơi đây, thì có lẽ nó cũng được tự do chớ không bị ràng buộc như cô gái kia đâu nhỉ? Đây mới đáng gọi là hành động phó thác vì cánh tay đã xử sự một cách tự phát, có trách nhiệm và không hối hận, cũng như nó sẽ dám làm bất cứ điều gì khác. Thế nhưng, đúng như cái câu "Hãi quá!" vừa mới thốt ra, nếu cánh tay phải của nàng chịu đánh đổi vị trí với cánh tay phải của tôi, thì tôi e mẫu thể của nó tức người con gái sẽ vô cùng đau khổ.

    Tôi tiếp tục ngắm nghía cánh tay nàng mà tôi đang đặt trên đầu gối. Phía bên trong khuỷu tay, tôi thấy có cái bóng mờ đến từ một tia sáng yếu ớt, làm như nó có thể hút vào được.Tôi bèn co cánh tay nàng một chút thôi, đợi đến khi cái bóng kia tích tụ đủ thì liền cầm nó lên, đặt môi hút lấy.

    -Nhột em mà anh! Nhột lắm!

    Cánh tay người con gái nói. Như muốn thoát khỏi đôi môi, nó bèn vòng lại vít lấy đầu tôi.

    -Đang uống ngon lành như thế mà lại ...

    -Uống cái gì vậy?

    -.......

    -Uống gì vậy anh?

    -Uống cái mùi ánh sáng. Trên làn da thì phải?

    Hình như mù sương bên ngoài lại dày thêm, đến nỗi lá mộc lan trong độc bình cũng dâm dấp nước. Đài sẽ còn cảnh báo điều gì nữa đây. Tôi đứng dậy rời khỏi giương, dợm tiến về phía cái ra-đi-ô nhỏ đang nằm trên mặt bàn nhưng lại thôi. Nghe đài đồng thời để cánh tay người con gái vít lấy cổ mình thì hơi vướng víu. Tuy vậy, hình như đài đang thông báo một điều gì giống thế này:Nhân vì khí ẩm độc hại đang làm ướt những cành cây, cánh và chân của những con chim nhỏ, làm chúng phải trượt chân, không bay lên nổi cho nên để ý hộ cho nếu phải lái xe ngang qua công viên hay những nơi như vậy.. Nếu gió âm ấm thổi đến, màu sắc của sương mù có lẽ sẽ thay đổi. Sương mù đổi màu vốn độc hại. Khi nó hồng như quả đào hay trở thành tím, không nên ra ngoài, phải đóng chặt cửa nằm nhà.

    Tôi lẩm bẩm:

    -Sương mù đổi sắc? Thành hồng hay tím à?

    Đưa ngón tay kéo nhếch màn cửa sổ, tôi liếc ra ngoài thì thấy lớp sương mù nặng nề hư huyễn dần dần giăng mắc. Màu tối nhạt của nó khác với bóng tối của màn đêm. Nó di động được, có lẽ vì gió bắt đầu thổi. Bề dày của sương mù tưởng chừng như sâu đến vô tận và ở phía bên kia, có một vật gì khủng khiếp đang cuốn hút như cơn lốc xoáy.

    Hồi nãy, mang theo cánh tay phải người con gái cho mượn, trên con đường về tôi đã gặp chiếc xe của thiếu phụ mặc đồ đỏ. Tôi nhớ là khi xe phóng qua, đằng trước cũng như ở đuôi xe, có một luồng ánh sáng màu tím nhạt bồng bềnh trong lớp sương mù. Vâng, nó màu tím. Trong lớp sương mù, luồng ánh sáng màu tím nhạt ấy với một khoanh tròn mơ hồ ở giữa như đang áp đến gần làm tôi vội vã buông tay khỏi bức màn cửa.

    -Đi ngủ nhé. Chúng mình đi ngủ nào!

    Lúc ấy, hình như không dấu hiệu nào cho thấy có người còn đang thức ở chung quanh. Thức được trong một đêm như thể này quả là kinh hoàng.

    Tôi gỡ cánh tay cô gái đang choàng qua cổ mình, đặt nó lên bàn và thay áo ngủ mới. Áo ngủ của tôi là một manh yukata [11] . Cánh tay người con gái nhìn tôi thay đồ. Tôi hơi ngượng vì thấy mình bị nhìn. Tôi chư hề để đàn bà nhìn khi thay áo ngủ trong căn phòng mình.

    Tôi cắp cánh tay của người con gái và lên giường. Nằm đối mặt với cánh tay, tôi áp nó vào ngực và khẽ nắm lấy mấy ngón tay. Cánh tay vẫn để yên.

    Tôi nghe tí tách như có tiếng mưa nhỏ rơi cách khoảng. Không phải thứ sương mù đã biến thành mưa nhưng có lẽ chỉ là sương đọng thành giọt rơi xuống nên mới thưa thớt như thế.

    Tôi biết rằng dưới tấm chăn, cánh tay của người con gái cũng như mấy ngón tay nàng dần dần ấm lên trong lòng bàn tay tôi. Tuy vậy, thân nhiệt của tôi vẫn chưa tỏa ra đủ chứng tỏ lòng tôi đang yên ổn biết chừng nào.

    -Ngủ rồi hở?

    -Chưa. (Cánh tay trả lời)

    -Không thấy động đậy nên tưởng ngủ rồi!

    Tôi bèn vạch tấm yukata của mình và đặt cánh tay áp sát người. Cái khác nhau của hơi ấm thấm vào lồng ngực tôi. Trong một đêm như nóng ẩm hay lạnh trầm như thế này, cảm giác khi tiếp xúc với làn da nàng làm tôi thấy vui vui.

    Các bóng đèn trong phòng vẫn để sáng. Lúc lên giường tôi đã quên tắt.

    -Đúng rồi. Còn mấy ngọn đèn...

    Tôi chồm dậy khiến cho cánh tay nàng rơi khỏi ngực tôi.

    -Ối! Tắt hộ đèn nghe em?.

    Tôi nhặt cánh tay lên rồi đi về phía cánh cửa ra vào.

    -Muốn tắt đèn à? Hay để nguyên ánh sáng như thế mà ngủ?

    - ......

    Cánh tay nàng không trả lời. Chắc chắn không phải là cánh tay ấy không biết cách trả lời nhưng tại sao nó không lên tiếng? Té ra tôi không biết thói quen của cô gái đó. Trong đầu tôi hiện ra hình ảnh cô gái để nguyên đèn mà ngủ cùng với hình ảnh cô ngủ trong bóng tối. Đêm nay, khi không còn bàn tay phải nữa, hình như nàng vẫn để đèn sáng khi ngủ. Bỗng nhiên tôi tiếc là mình đã làm tắt mất mấy ngọn đèn vì tôi muốn ngắm cánh tay của nàng lâu hơn. Tôi muốn thức để nhìn cánh tay của người con gái đi ngủ trước. Thế nhưng cánh tay ấy đã vươn mấy ngón ngang tầm nút điện bên cánh của lớn và tắt đèn mất rồi.

    Trong bóng tối, tôi quay về giường và nằm xuống. Tôi đặt cánh tay nàng ngang ngực và ngủ chung với nó.Tôi nằm im thin thít như đợi cho nó ngủ. Không biết có phải vì thấy thế vẫn chưa đủ hay vì sợ bóng tối, cánh tay mở lòng bàn tay ôm ấy khoảng giữa ngực và nách tôi, nhưng sau đó, năm ngón tay nàng lại lần mò leo lên tới ngực. Thế rồi nó tự co khuỷu tay lại và làm như thể muốn ôm trọn ngực tôi.

    Mạch trên cánh tay người con gái đập nghe dễ thương. Cổ tay nàng áp đúng vào vị trí trái tim của tôi. Mạch của nàng hòa nhịp với tiếng tim tôi đập. Tiếng mạch ấy tuy chậm hơn nhịp tim tôi nhưng lần hồi đã nhập làm một với tiếng tim tôi. Tôi chỉ còn nghe mỗi một nhịp đập và không còn phân biệt cái nào nhanh hay chậm.

    Sự hòa hợp như một của mạch trên cổ tay nàng và nhịp tim tôi có thể đã xảy ra trong một khoảnh khắc và gieo cho tôi ý tưởng hãy thử thay thế cánh tay phải của tôi bằng cánh tay phải của nàng. Hay không phải thế, có khi nó chỉ là dấu hiệu cho biết cánh tay của nàng đã chìm sâu vào giấc ngủ. Tôi có lần nghe người con gái ấy nói đây không phải là bị ngất đi (shisshin, faint) sau khi say sưa với một thú vui cực khoái nhưng chỉ là niềm hạnh phúc của người đàn bà đang nghỉ ngơi yên bình bên cạnh người đàn ông đó. Thế nhưng cánh tay của người con gái đang nằm thoải mái ngủ cạnh tôi đây lại không phải chính nàng.

    Vì ở cổ tay mạch đang đập nằm chồng lên trái tim nên tôi ý thức được tiếng đập của trái tim mình. Đó là một tiếng đập theo sau một tiếng đập khác nhưng giữa hai tiếng ấy, tôi cảm thấy như có một cái gì đang đi thật nhanh về một chốn xa xôi rồi lại quay về. Cứ nghe nhịp điệu như thế tiếp tục lập đi lập lại, khoảng cách đó mỗi lúc càng như đã xa ra thực sự. Thế rồi, dù đi đến mãi tận đâu, một nơi xa vô tận đi nữa, tôi không còn nhận ra đâu là điểm đến của tiếng tim đập. Làm như tiếng đập có đến được nơi đó, nó cũng không còn quay về nữa. Tiếng đập tiếp theo đã phát ra khẩn cấp để gọi nó trở lại. Chuyện đáng sợ như thế nhưng sao tôi lại không thấy sợ hãi. Tuy nhiên, tôi vẫn phải lần cho ra chỗ bật đèn nằm cạnh chiếc gối.

    Trước khi bật đèn lên, tôi thử lật nhẹ tấm chăn đang đắp. Cánh tay của người con gái vẫn ngủ nên không hay biết. Một luồng ánh sáng trắng cực nhỏ đang dịu dàng bao chung quanh bộ ngực trần của tôi. Luồng ánh sáng đó bồng bềnh như trôi ra từ lồng ngực. Như thể nó đã đến từ những tia nắng ấm áp của một mặt trời nhỏ ngoi lên từ bên trong.

    Tôi bật đèn. Sau khi kéo cánh tay của người con gái khỏi ngực, tôi dùng hai bàn tay mình đặt lên cái gốc cánh tay và mấy ngón của cánh tay nàng rồi kéo chúng ra cho thật thẳng. Ánh sáng của năm ngọn đèn leo lét chiếu lên trên chỗ tròn trịa nơi cánh tay tiếp giáp với bờ vai, đã làm dịu đi những mảng tối và sáng trông như sóng gợn. Di chuyển từ chỗ tròn trịa nơi mà cánh tay nàng tiếp giáp bờ vai xuống hai bắp thịt thon mảnh, tôi lần tới cái khuỷu tay đầy ắp và xinh xắn cũng như vết lõm nằm phía trong của nó, rồi đến cái cổ tay nhỏ nhưng vun vén, từ mu và lòng bàn tay đến tận mấy ngón tay. Tôi vừa xoay ngang xoay dọc, vừa ngắm nghía những vệt sáng và tối đang hiện ra trên cánh tay đó.

    Tôi không cả để ý đến việc mình đã lẩm bẩm một câu như:

    -Như cỡ này là mình dùng được rồi đây!

    Thế rồi, trong lúc còn ngây ngất vì vẻ đẹp của nó, tôi cũng không hay là đã rứt cánh tay phải ra khỏi vai mình và lắp cánh tay phải của người con gái thế vào chỗ đó.

    -Ối! Một tiếng kêu nhỏ bật ra. Tôi không biết người con gái hay tôi, ai đã thốt lên nhưng tiếng kêu ấy đã truyền vào cần cổ tôi và làm căng giật như bị động kinh. Tôi biết rằng mình vừa đổi được cánh tay mới.

    Cánh tay rời của người con gái - hiện nay là cánh tay tôi - run rẩy quờ quạng trong không khí. Tôi bèn co cánh tay để nó gần lại với mình.

    -Đau à? Có thấy khó chịu không?

    -Không! Không có! Không đau anh ạ.

    Vừa khi cánh tay lật đật trả lời với giọng ngắt quãng thì một luồng khí lạnh nhanh như tia chớp đi xuyên qua người. Tôi bèn đưa mấy ngón tay nàng vào mồm ngậm.

    -......

    Không biết tôi đã nói gì để biểu lộ sự vui mừng. Chỉ cần ngón tay nàng chạm vào đầu lưỡi là tôi đã không thốt nên lời.

    -Thích quá!

    Cánh tay của người con gái đáp. Dĩ nhiên nàng đã hết run.

    -Em đến đây là muốn được nghe anh nói những lời như vậy. Nhưng mà...

    Giờ tôi mới nhận ra điều đó, Miệng tôi nhận ra ngón tay nhưng là ngón của cánh tay bên mặt của nàng. Tóm lại là miệng và răng tôi không cảm thấy ngón ấy thuộc về cánh tay phải của mình.Tôi vội vàng phất cánh tay phải xem sao thì không cảm thấy là mình đang phất tay. Bả vai như bị cắt đứt khỏi phần gốc cánh tay và cự tuyệt nó.

    -Máu không lưu thông. (Tôi buột miệng). Máu có chảy qua hay không nhỉ?

    Sự sợ hãi xâm chiếm tôi. Lúc đó, tôi đang ngồi trên giường. Cánh tay rời của tôi đã rơi xuống bên cạnh.

    Điều đó đập vào mắt tôi. Tôi thấy cánh tay vừa rời khỏi người mình sao mà xấu xí quá. Dù vậy, tôi vẫn tự hỏi không hiểu mạch nó còn đập? Trước đây cánh tay rời của người con gái vừa ấm áp vừa có tiếng mạch đập thì giờ đây cánh tay phải của tôi lạnh dần và sắp sửa cứng đờ. Tôi đưa cánh tay phải của người con gái đã ráp vào vai mình, dùng nó nắm lấy bàn tay phải cũ. Nắm thì nắm được nhưng tôi không có cảm giác.

    Tôi hỏi cánh tay mặt của người con gái:

    -Mạch có đập không? Lạnh mất rồi sao?

    Cánh tay nàng trả lời.

    -Có chút xíu...Tệ hơn tay em một chút. Có lẽ vì tay em đã nóng lên chắc.

    Cánh tay của người con gái xưng "em" (atashi) nghĩa là nàng dùng ngôi thứ nhất để nói về mình. Được tôi ráp vào bả vai và trở thành một bộ phận của tôi, lần đầu tiên tai tôi nghe thoang thoảng âm hưởng của tiếng "em" ấy từ nàng.

    Tôi lại hỏi:

    -Mạch chưa ngưng chứ?

    -Chán anh quá! Bộ không tin lời em à?

    -Tin chuyện gì mới được chứ?

    -Không phải anh vừa thay thế cánh tay mình bằng cánh tay của em sao?

    -Nhưng máu thông chưa nào?

    -Anh có biết câu "Hỡi người đàn bà kia, ngươi đang tìm ai đó?" hay không?

    -Biết chứ! "Hỡi người đàn bà kia! Tại sao ngươi lại khóc? Ngươi đang tìm ai đó?".

    -Giữa đêm, khi thức dậy sau một giấc chiêm bao, em thường thì thầm câu nói ấy.

    Kẻ vừa xưng "em" xong dĩ nhiên là người con gái khả ái, mẫu thể của cánh tay mà tôi đã dùng để ráp vào bả vai mình chứ không thể là ai khác. Câu trong Kinh Thánh giống như tiếng nói vĩnh cửu đến từ một cõi vĩnh hằng lại hiện ra trong đầu tôi.

    Tôi bèn bàn với mẫu thể của cánh tay:

    -Có lẽ em nằm thấy một cơn ác mộng nên nói mớ trong giấc ngủ.

    -Bên ngoài có một lớp sương mù giống như bầy quỷ sứ đang lượn qua lượn lại. Nhưng sao ma quỷ gì mà mình mẩy ướt đẫm, lại ho nữa...

    -Để anh khỏi nghe tiếng ma quỷ ho nữa nè...

    Cánh tay phải của nàng con gái vẫn nắm lấy cánh tay phải tôi đã rứt ra, đưa lên bịt lấy lỗ tai phải của tôi.

    Cánh tay phải của người con gái, đúng ra bây giờ là cánh tay phải của tôi rồi nhưng cái làm cho nó cử động được không phải là tôi mà dường như là tấm lòng của người con gái. Không, chắc không đến nỗi phải phân biệt đến cỡ đó!

    -Mạch, có tiếng mạch đập...

    Lỗ tai của tôi nghe được tiếng mạch ở cánh tay phải của chính mình. Cánh tay người con gái vẫn nắm cánh tay phải của tôi đưa lên lỗ tai. Vì thế mà cổ tay của tôi được áp sát vào tai. Cánh tay mặt của tôi cũng có thân nhiệt. Đúng như lời cánh tay nàng đã nói, lỗ tai của tôi lạnh hơn ngón tay của nàng một chút.

    -Để em đuổi tà ma cho nào!

    Như muốn chòng ghẹo tôi, cái móng tay dài và nhỏ xíu trên ngón út của bàn tay người con gái cào nhẹ bên trong lỗ tai tôi.Tôi hất đầu qua một bên để né. Bàn tay trái - đây đúng là bàn tay chính gốc của tôi - bèn cầm lấy cổ tay phải tức cổ tay phải thực sự của nàng. Vì tôi nghiêng đầu ra sau để tránh nên ngón tay út của nàng đã đi chệch vào mắt.

    Với bốn ngón tay, bàn tay người con gái nắm lấy cánh tay phải tôi mà tôi đã gỡ ra từ bả vai. Riêng ngón út có thể nói là nó được dùng để chơi. Nó được đưa ngược về phía mu bàn tay, đầu móng của nó chạm nhẹ vào cánh tay mặt của tôi. Kiểu đó thì chỉ có ngón tay mềm dẻo của một cô gái trẻ mới làm được. Tay đàn ông cứng nhắc như tôi mà uốn như vậy quả là chuyện khó tin.Ngón út ấy đang uốn thành một góc vuông 90 độ (chokkaku) về phía lòng bàn tay, sau đó đến lượt, các khớp của mấy ngón tay khác đều được bẻ cong thành hình thước thợ như vậy. Thế rồi ngón út tự vẽ một hình tứ giác, Một cạnh của tứ giác là ngón tay trỏ có móng hồng. Cái cửa sổ của tứ giác này là vị trí mắt tôi dòm vào. Gọi là cửa sổ nhưng nó quá nhỏ, chỉ có thể nói là một cái lỗ để nhìn xuyên qua cánh cửa hay một cái tròng kính. Không hiểu sao tôi lại cảm thấy đó là một cửa sổ như cánh cửa sổ để ngắm hoa lan tím (sumire) mọc bên ngoài. Tôi đưa mắt lại gần cái khung của sổ có ngón tay út màu trắng được chiếu bằng một thứ ánh sáng lờ mờ, cũng là bờ thành của tròng kính làm bằng ngón tay út ấy. Tôi nhắm một bên mắt lại.

    Cánh tay của người con gái hỏi:

    -Máy móc dùng để dòm trộn đấy à? Thế anh thấy được gì nào?

    -Thấy cái căn phòng cũ tối tăm của mình thôi! Nơi có năm ngọn đèn điện lù mù...

    Trong khi chưa dứt lời, tôi bỗng đổi sang câu khác nhưng hầu như đã hét to lên:

    -Không! Không phải đâu. Thấy nó rồi!

    -Ủa! Anh thấy gì?

    -Thôi, hết thấy rồi

    -Chứ hồi nãy anh thấy gì ạ?

    -Màu. Một thứ ánh sáng màu tím nhạt. Rồi nó biến mất...Trong cái ánh sáng màu tím nhạt ấy, có những vòng tròn nhỏ giống như hạt dẻ màu đỏ và màu vàng kim. Chúng nhiều lắm và bay lòng vòng...

    -Chắc tại anh mệt trong người.

    Cánh tay người con gái đặt cánh tay tôi lên giường rồi đưa phần dưới ngón tay của nàng nhẹ nhàng ịn lên mi mắt tôi:

    -Những cái vòng đỏ và vàng kim có biến thành những cái bánh xe răng cưa và quay vòng vòng không nhỉ? Còn phía trong của nó, anh có thấy có gì chuyển động, lúc hiện, lúc biến hay không?.

    Tôi thật không rõ là mình đã thấy những cái bánh xe ấy và phía bên trong của chúng hay không nữa. Nó là một huyễn ảnh (maboroshi) [12] thoáng qua và không đọng lại trong ký ức. Tôi không thể nào nhớ hình thù của ảo ảnh ấy.

    -Em muốn cho anh thấy huyễn ảnh nào đấy?

    -Em đến đây là để xóa huyễn ảnh cho anh mà.

    -Huyễn ảnh về những ngày tháng đã trôi qua phải không? Những mơ ước cũng như khổ đau.

    Cử động của ngón tay và lòng bàn tay cô gái ngừng lại trên mi mắt tôi.

    -Khi xõa tóc, tóc của em có đủ dài để rủ xuống tận bờ vai hay trên cánh tay không em?

    Tôi đã buột miệng hỏi một câu mà mình không định trước.

    -Có chứ anh. Đến tận chỗ đó đấy. (Cánh tay người con gái trả lời). Khi đi tắm ofuro và gội đầu, thường em vẫn dùng nước nóng. Tuy vậy, chắc do thói quen, gội đầu gần xong thì em thường tráng lại bằng cách xối thật nhiều nước, thường là cho đến khi mái tóc em lạnh hẳn. Mái tóc lạnh ấy sẽ cọ vào vai, hai cánh tay và đôi vú em nữa. Cảm giác rất dễ chịu.

    Dĩ nhiên, đây là đôi vú của mẫu thể cánh tay. Một người con gái có lẽ chưa từng cho ai chạm vào nơi đó lại cho mái tóc ướt và lạnh vừa gội xong được cọ vào đấy để tìm cảm xúc. Chuyện như thế chắc ít ai nói ra. Phải chăng một khi cánh tay rời khỏi thân xác nàng, nó sẽ dẹp luôn cả sự thận trọng và tính thẹn thùng của mẫu thể gốc gác?

    Tôi dùng lòng bàn tay trái của mình dịu dàng bọc quanh chỗ tròn trịa ở đầu gốc cánh tay phải người con gái, nay đã trở thành cánh phải của tôi. Tuy chỗ tròn trịa đó không nở nang bằng bộ ngực của nàng nhưng cũng làm tôi cảm thấy như thể có bộ ngực đó trong lòng tay mình. Chỗ tròn trịa trên bờ vai dần dần có được cái mềm mại của bộ ngực.

    Thế xong, bàn tay của người con gái lại nhẹ nhàng đặt lên đôi mắt tôi. Lòng bàn tay và mấy ngón của nó như hút lấy mi mắt và thấm qua mi vào đến tận bên trong. Phía đằng sau mi bỗng trở nên ấm áp và ẩm ướt. Cảm giác ấm và ẩm đó đã thấm và lan tỏa khắp nhãn cầu.

    Khác với lúc nhận thức được việc mình vừa đổi cánh tay mình để gắn cánh tay của người con gái vào chỗ đó, lần này, tôi không còn kêu lên vì kinh ngạc. Cả bả vai tôi cũng như cánh tay nàng đều không bị co giật hay động kinh. Không biết từ hồi nào, dường như máu của tôi đã chảy vào trong cánh tay nàng, hoặc từ nơi đó, máu của nàng đã truyền vào châu thân tôi. Phải chăng chỗ cánh tay ráp vào bả vai bỗng không còn có sự tắt nghẽn hay phản ứng cự tuyệt nữa. Giờ đây, dòng máu trinh nguyên của nàng đang đổ vào trong tôi như thế này nhưng nếu dòng máu nhơ bẩn của gã đàn ông như tôi chảy vào trong cánh tay nàng thì khi đem trả cánh tay này cho bờ vai của nàng, không biết chuyện gì sẽ xảy ra đây! Nhỡ tôi không gắn được nó y như cũ cho nàng thì biết ăn nói làm sao!

    -Sẽ không có chuyện phản bội như thế đâu! (Tôi lẩm bẩm)..

    -Không sao đâu anh. (Cánh tay người con gái cũng thì thầm).

    Tuy nhiên, tôi không cảm thấy rõ rệt là giữa bả vai tôi và cánh tay của nàng đã có sự luân lưu và hòa hợp của hai dòng máu đến từ hai phía. Lúc lòng bàn tay trái của tôi nắm lấy bả vai phải, cũng như chỗ tròn trịa nơi cánh tay nàng áp với bả vai tôi thì tôi đã biết được chuyện đó một cách tự nhiên. Rồi không rõ vào lúc nào, tôi, nàng và cánh tay của nàng đều đã nhận ra. Và điều đó đã khiến chúng tôi như hoàn toàn tan chảy và bị lôi kéo vào bên trong giấc ngủ.

    Tôi thiếp đi.

    Tôi cảm thấy mình bồng bềnh trong lớp sương mù màu tím nhạt. Nó đang thoải mái nương theo những đợt sóng lớn trôi đi và muốn trùm lên tất cả. Chỉ có chỗ thân thể tôi đang nổi lên là có những con sóng nhỏ màu lục nhạt đang chiếu lấp lánh. Căn phòng đầy âm khí, ẩm thấp và cô độc của tôi đã biến đi đâu mất. Hình như tôi đang dịu dàng đặt bàn tay trái của mình lên trên cánh tay phải cô gái. Còn mấy ngón tay của nàng như thể đang mân mê nhụy hoa mộc lan. Tuy không nhìn được nhưng thấy có hương hoa thoang thoảng. Chắc chắn là tôi đã vứt nhị hoa vào trong sọt rác, nhưng không biết lúc nào nó được nhặt ra và đặt ở đây? Vừa đúng được một hôm, mấy cái cánh trắng của đóa hoa này vẫn còn chưa tơi tả cớ sao nhụy nó lại rụng trước nhỉ? Chiếc xe của thiếu phụ trong trang phục màu đỏ vẽ một vòng tròn lớn - có tôi đứng ngay chính giữa - rồi êm ái lướt đi. Làm như là cô ấy muốn canh chừng cho giấc ngủ của tôi và cánh tay người con gái được an toàn.

    Còn có thể nằm mơ như thế nên giấc ngủ của tôi có vẻ không sâu. Nhưng thật tình tôi chưa từng có một giấc ngủ nào ấm cúng và ngọt ngào đến vậy. Một người khó ngủ, hay trằn trọc trên giường như tôi, chưa lần nào được hưởng một giấc ngủ ngon lành trẻ thơ.

    Cái móng tay thon dài và tinh tế của cánh tay người con gái cào nhẹ vào lòng bàn tay tôi như vuốt ve. Cảm xúc mơ hồ ấy đã ru tôi đi sâu vào trong giấc ngủ.

    Tôi có cảm tưởng mình không còn tồn tại.

    -Ôi chao!

    Chính tiếng kêu của tôi đã làm tôi bật dậy. Tôi lăn đi và lọt xuống giường, chân tay loạng quạng..

    Bất chợt, tôi mở mắt và thấy có một vật gì rất khó chịu đang chạm ngay bụng mình. Thì ra đó là cánh tay phải của tôi.

    Tôi cố đứng vững trên hai bàn chân yếu ớt, nhìn cánh tay phải của mình đang rớt dưới giường. Hơi thở tôi như dừng lại, máu trào ngược và toàn thân run rẩy. Chuyện mắt tôi bắt gặp cánh tay phải của mình đã xảy ra trong khoảnh khắc.Trong khoảnh khắc kế tiếp, tôi đã giật phứt cánh tay của người con gái từ bả vai và gắn cánh tay phải của mình vào chỗ đó để thay thế. Giống như cảnh một vụ sát nhân vì ma xui quỷ giục.

    Tôi quì xuống trước thành giường, để nửa người gục trên mặt nệm và dùng cánh tay vừa mới lắp trở lại vuốt ve lên trái tim hãy còn đập cuồng loạn của mình. Đến khi nhịp tim dần dần dịu trở lại, bỗng tôi thấy từ đáy sâu của lòng mình, một nỗi buồn đang dâng trào.

    -Còn cánh tay của người con gái?

    Tôi ngẩng đầu lên như dò hỏi.

    Cánh tay của người con gái vứt ở cuối giường đang nằm lăn lóc giữa đống chăn bừa bộn. Vì bị ném đi nên lòng bàn tay đang ngửa lên trời. Mấy đầu ngón đã thôi cử động. Dưới ánh đèn yếu ớt, trông nó trắng nhợt.

    -Ôi trời!

    Tôi vội vã nhặt cánh tay của người con gái lên và ghì chặt vào ngực. Tôi ôm sát nó trên người như ấp yêu một đứa con thơ thân thể đang lạnh dần và sắp sửa lìa đời.Tôi áp ngón tay trỏ của nàng lên bờ môi mình. Phải chi giữa mặt trong cái móng tay dài và đầu ngón tay nàng, rịn ra được một giọt sương! ....

              



              
    Dịch ngày 30 tháng 12 năm 2020

              




    Bên lề tác phẩm:

    Kawabata Yasunari viết Kataude (Cánh tay rời) và đăng trên nhiều số của Tạp chí Shinchô (Tân Trào) từ năm 1963 đến 1964. Nhà văn của chúng ta suốt đời bị ám ảnh bởi những vấn đề tâm linh và tính dục nhưng chỉ vào thời hậu chiến, ông mới hoàn thành một hình thức tiểu thuyết gọi là "luyến ái quái đàm" (ren.ai kaidan) tức loại truyện kinh dị, siêu thực, có màu sắc nhục cảm giữa nam nữ. Kataude là một trong những tác phẩm đó và phải nói là nó đã làm cho người dịch lẫn người thưởng ngoạn hết sức vất vả nếu không thấy là cảm thấy trong người khó ở. Bút pháp siêu thực cộng thêm cái bàng bạc, lửng lơ, dông dài (jôchô, redundant) đến từ cấu trúc tiếng Nhật, đã khiến cho độc giả chỉ có thể hiểu Kataude bằng trực giác chứ không bằng lý luận. Đó là chưa kể cách ông cắt một đoạn văn thành những những phân cảnh (bamen, sequences) trong trạng thái thô sơ giống như một cuốn phim chưa được biên tập. Điều này đến từ ảnh hưởng của điện ảnh, một nghệ thuật mà Kawabata đã gắn bó từ buổi mới vào nghề.

    Ngay lúc mới cầm bút, Kawabata đã chủ trương đi tìm cái đẹp và sử dụng một bút pháp tân tiến, tiền vệ so với các nhà văn đương thời (thế hệ 1920-30). Tuy vẫn được biết như một người muốn tìm về cái đẹp truyền thống của một Nhật Bản cổ kính nhưng chính ra Kawabata đã sớm tiếp nhận các trào lưu văn học phương Tây, trong đó có khuynh hướng văn học tâm linh và văn phong duy mỹ. Cuộc vận động của trường phái Tân Cảm Giác mà ông cùng các văn hữu Yokomitsu Riichi, Kataoka Teppei, Nakagawa Yôichi và Kon Tôkô...đề xướng đã quan tâm nhiều đến hai khuynh hướng tâm linh và duy mỹ này. Đó là thời đại manh nha những cuộc đối đầu và tranh cãi giữa hai khuynh hướng duy mỹ hay duy thực, vị nghệ thuật hay vị nhân sinh trong mọi lãnh vực nghệ thuật nhưng kịch liệt nhất là trong văn học.

    Thời tiền chiến, Kawabata đã có những tác phẩm sáng tác trong chiều hướng đó như Vầng trăng bạch (Shiroi mangetsu, 1925), Khúc tình ca (Jojôka, 1932)...song song với những truyện ngắn trong lòng bàn tay của ông như, Shinjuu (Chết chung vì tình, 1926), Okujô no kingyô (Con cá vàng trên sân thượng, 1926), Hi ni yuku kanojo (Người con gái đi vào đám lửa, 1924) vv...nhưng phải đợi đến Fuji (Vượt qua cái chết, 1963), Shirouma (Ngựa trắng, 1963), Người đẹp say ngủ (Nemureru Bijo, 1960) và nhất là Cánh tay rời (Kataude, 1963) nói trên thì lối viết siêu thực, chỉ dựa lên cảm xúc của ông, mới đạt đến đỉnh điểm.

    Nhìn chung thì lối hành văn huyền ảo Nhật Bản -tuy ở một trình độ khác - không chỉ thấy ở nơi Kawabata. Nhà nghiên cứu Azuma Masao (xem Tư liệu tham khảo) còn đưa ra những cái tên khác như Natsume Sôseki (với Mười đêm mộng mị, Yume Juuya), Mori Ôgai (với Dốc chuột, Nezumizaka), Satô Haruo (với Lâu đài ma, Bakeyashiki), Mishima Yukio (với Đồng bọn, Nakama) vv...). Chúng tôi nhận xét rằng các tác phẩm của Izumi Kyôka và Miyazawa Kenji cũng không phải là không nhuốm màu sắc đó.

    Trong Kataude, người đàn ông trẻ khoảng trên 30 tuổi xưng tôi đã được người con gái vô danh cho mượn cánh tay phải của nàng trong một đêm. Anh ta đem về nhà vuốt ve, âu yếm như một đứa con yêu, cuối cùng vì muốn hòa nhập làm một, đã gắn nó vào vai thay cho cánh tay mặt của mình. Từ khi có cánh tay, anh hạnh phúc vì không còn cảm thấy cô độc như trước. Thế nhưng cánh tay ấy không phải là chính người con gái (mẫu thể của nó) mà chỉ là một bộ phận. Đến chỗ này thì người đàn ông chỉ còn là kẻ biến thái (hentai) nghĩa là có một cái thú tâm lý lệch lạc vì chỉ tập trung yêu thích, sùng bái một bộ phận (fetischism). Có những kẻ yêu một bàn chân, một bàn tay, một mái tóc, một làn hương của ai đó ... nhưng chúng đều là bộ phận đơn lẻ chứ không phải là toàn thể.

    Giữa cánh tay và mẫu thể của nó có một khoảng cách tâm linh xa đến vô tận. Việc yêu một bộ phận chỉ phản ánh tâm lý được bù trừ đối với một kẻ tuyệt vọng khi không thể có được vật mình mong muốn trong toàn thể. (Nhưng thử hỏi ai có thể nắm bắt được cái gọi là toàn thể và định nghĩa được toàn thể là gì?)

    Nỗi cô đơn, sự tịch liêu là chủ nhãn (medama) của văn học Kawabata, người ôm cánh tay và lòng hoài vọng về mẫu thể của nó, giờ đây đã xa cách muôn trùng.

    Cánh tay đó là cánh tay người mẹ trong tâm tưởng mà ông chưa một lần thấy mặt, cánh tay của cậu bạn lớp dưới mà ông ôm ấp trong những đêm ký túc xá hay cánh tay những người đàn bà đi qua đời ông bắt đầu với nàng Itoo Hatsuyo (Chiyo), người tình đầu và vị hôn thê đã độy ngột dứt tình ông mà không nêu lý do? Không sao biết được nhưng tất cả đều có thể. Tóm lại, dường như nó tượng trưng cho tha nhân trong mối liên hệ giữa chủ thể và tha nhân (jita kankei = quan hệ tự tha) vượt qua cả phái tính. Trong phần cuối của Kataude, nhà văn còn bàn đến khoảng cách xa xôi giữa con người với chính bản thể (jibun, self) của nó, một nguyên nhân - có tính triết học hơn - của sự cô độc.

    Sau đây là một số ý kiến chuyên môn về Kataude thu thập bởi nhà nghiên cứu Kavita Sharma (xem Tư liệu tham khảo):

    1 - Yamamoto Kenkichi nhận xét là Kawabata đã nhấn mạnh về sự cô độc của con người khi đứng trước tha nhân qua một chuỗi tác phẩm kỳ dị khác từ Nemureru Bijo (Người đẹp say ngủ, 1960) cho đến Mizuumi (Hồ, 1961). Chúng tôi (NNT) nghĩ rằng sự cô độc triền miên và sâu thẳm ấy đã khiến cho chủ thể cá nhân tự thu nhỏ lại, có khi chỉ bằng lòng giao tiếp với một ngoại giới đặc thù chẳng hạn chó và chim như trong Kinjuu (Chim muông, 1933) hay xác chết qua hình ảnh những cô gái nhà chứa bị phục thuốc mê trong Nemureru Bijo (1960). Đồng thới, qua cách diễn tả này, Kawabata đã biến thái hóa và trừu tượng hóa đối tượng sắc tình.

    2 - Nhà bình luận Sasaki Kiichi cho rằng sự cô độc ấy cũng bắt nguồn từ hoàn cảnh thời Shôwa (1926-89) khi xã hội Nhật của Kawabata bắt đầu tìm thấy sự "riêng tư" (privacy).Nhân vật chính của Kataude sống trong một căn hộ (appartment). Cho đến cuối đời Taishô (1912-26), nhà cửa thường là chung chạ (như geshuku = thuê phòng trọ trong một gia đình). Nói chung, các môi trường sinh hoạt khác của người Nhật đều có tính tập thể hơn nhiều.

    3 - Morimoto Jô (Mamoru) đặt trọng tâm vào vai trò của yếu tố của sắc tình (eros) và sự cô độc. Nhân vật trong truyện dùng cánh tay để thay thế cho ngón tay, vú, bàn chân, lưỡi vv... Ôm ấp cánh tay cũng giống như làm tình nhưng là làm tình với một bộ phận. Nhân vật chính đã đánh mất khả năng giao tiếp với tha nhân trong toàn thể của nó và chỉ bằng lòng với một bộ phận đơn lẻ. Từ hố tuyệt vọng của sự cô độc, nhân vật đã trở thành tự bế (autistic) và biến thái (perverse) qua việc sùng bái cánh tay.

    4 - Taguchi Shigeru nhìn Kataude dưới nhãn quan xã hội và chính trị. Tác phẩm này đã ra đời trong bối cảnh của một xã hội hỗn loạn ở quốc nội (biểu tình chống Anpô tức Hiệp ước phòng thủ Nhật Mỹ và sự trầm trệ trong sáng tác của lớp nhà văn tiền chiến trong đó có Kawabata, sự xuất hiện có tính đột phá của các nhà văn trẻ hậu chiến khiến họ bị lu mờ). Tình cảm cô đơn và lạc lõng khiến cho ông có khuynh hướng "về nguồn" tức đi tìm cái mẫu thể đã mất.

    5 - Donald Keene nhấn mạnh đến yếu tố sức khỏe. Buổi vãn niên, Kawabata phải nhập viện nhiều lần và nghiện thuốc ngủ trầm trọng. Có thể ông đã viết Kataude dưới ảnh hưởng của thuốc ngủ hay bị di chứng của sự lạm dụng thuốc ngủ nên trong bài có xuất hiện nhiều ảo giác. (Nguyên văn của D. Keene trong Dawn to the West (1984): The precise intent of One Arm will probably never be discovered. Perhaps Kawabata had no single meaning in mind when he wrote it. He may even have been under the influence of drugs).

    Như thế thì ngoài các yếu tố sắc tình, tâm linh, sự cô độc, cái đẹp, Kataude còn có thêm hai từ khóa nữa là sự suy thoái của sức khỏe và cái chết.

    Tuy vậy, theo thiển ý, chủ yếu thì cánh tay vẫn là tượng trưng cho hai thứ: (1) tình yêu đối với tha nhân và (2) sự cô độc. Nó là một vật thế chân vô nghĩa trong quá trình của tác giả tìm về bản thể (jibun, self) và thế giới của cái đẹp tuyệt đối. Cuối cùng, thất bại trong sự hòa hợp với một vật thể dị biệt, nhân vật chính đã phải rứt nó ra khỏi bả vai và lượm cánh tay trước đây của mình đang nằm lăn lóc để gắn vào chỗ cũ.

    Edward Seidenticker đã dịch Kataude sang Anh ngữ (One Arm) rất sớm trên Tạp chí Japan Quaterly số 14 vào năm 1967 và sau đó in thành sách trong House of sleeping beauties and others stories (1969). Chúng ta còn có các bản dịch khác như bản tiếng Việt (Cánh tay, 2000) của Nhật Chiêu và tiếng Pháp (Le Bras, 2003) của Liana Rosi vv...

    (NNT)




    Thư mục tham khảo:

    1 - Kawabata Yasunari, Kataude (Cánh tay), trong Kataude, Tuyển truyện kinh dị xuất sắc của các văn hào (Bungô kaisan kessakusen) tập nói về Kawabata (Kawabata Yasunari-shuu) do Azuma Masao biên tập, Nhà xuất bản Chikuma Bunko, Tôkyô, tháng 7/2006.

    2 - Kavita Sharma, Representation of Self-other and Body Symbolism in "One Arm" and "Housing of the Sleeping Beauties" (Tư liệu mạng. Đã được dịch qua tiếng Nhật). K.S. người Ấn Độ, nghiên cứu sinh ban Tiến sĩ về văn học Nhật Bản hiện đại tại ĐH Chiba.

    3 - Azuma Msao: Shinrei to Seiai to (Tâm linh và tính dục) đăng trong Kataude, Tuyển truyện kinh dị xuất sắc của các văn hào (Bungô kaidan kessakusen) tập nói về Kawabata (Kawabata Yasunari-shuu) do Azuma Masao biên tập, Nhà xuất bản Chikuma Bunko, Tôkyô, tháng 7/2006.

    4 - Shindô Sumitaka, Kawabata Yasunari, hito to bungaku (Kawabata Yasunari: con người và tác phẩm văn học), lời thuyết minh cuối Tuyển tập Izu no odoriko và Kinjuu (Cô đào hát miền Izu và Chim muông) do Kadokawa Bunko xuất bản, Tôkyô, 1951, tái bản lần thứ 47 năm 1992.


    ________________
              
    [1] -Thoát dịch taisanboku hay Thái sơn mộc (Evergreen magnolia).
    [2] - Mẫu thể (botai, nucleus, mother’s body) là một khái niệm quan trọng của truyện (xem thêm Bên lề tác phẩm).
    [3] - Yôsei (yêu tinh) trong Nhật ngữ có nghĩa là cô tiên nhỏ, đáng yêu (a fairy)
    [4] - Bướm đêm: một loại côn trùng biết bay, giống như con mối, thiêu thân, hay bị hấp dẫn bởi ánh đèn.
    [5] - Còn đọc là ishitake, một loại cẩm chướng (nadeshiko, China pink). Hoa trúc đào?
    [6] - Kawabata quen biết với nhiều người đàn bà ở các suối nước nóng, chiêu đãi viên quán rượu và tiệm cà phê cũng như các nữ nghệ sĩ trình diễn trong các rạp hát ở khu Asakusa.Thế nhưng ở đây không rõ ông ám chỉ ai.
    [7] - Có thể dịch là bản ngã hay chân diện mục, tùy theo quan điểm.
    [8] - Có thể tác giả muốn nói về Itô Hatsuyo (Chiyo), mối tình đầu sâu đậm của ông.
    [9] - Ám chỉ nhân vật trong Kinh Thánh là Lazarus,một người hết sức nghèo khổ, đã được chúa Giê-su cứu sống lại từ kẻ chết (Tin Lành theo Thánh Giăng, đoạn 11)
    [10] - Phó thác trong cái nghĩa vật chất lẫn tinh thần (trao thân gửi phận) (mi wo makaseru)
    [11] - Yukata: kimono mỏng và nhẹ. Dùng cho cả nam lẫn nữ.
    [12] - Maboroshi có thể dịch là ảo giác (illusion), huyễn ảnh (phantom), huyễn tưởng (vision). Phải chăng ngụ ý về mối tình đầu vẫn bám mãi theo ông?

              


    http://chimvie3.free.fr/81/nguyennamtra ... i_081a.htm
Trả lời

Quay về “của người”