Lời ru của mẹ

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Lời ru của mẹ

Bài viết bởi Hoàng Vân »


  •           


              
    Lời ru của mẹ
    __________________________
    Quỳnh Chi
              




              

    Mẹ và con (tranh lụa Nguyễn cát Tường)

              


    1.

    • Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi
      Mẹ hiền ru những câu xa vời
      À à ơi ! Tiếng ru muôn đời
      (Tình ca, Phạm Duy,1953)

    Lời bài hát quen thuộc này, cũng như những áng thơ văn của nhiều tác giả có nhắc đến lời ru của mẹ, đă khiến cho Y, một dạo, vẫn tin rằng ai cũng nhớ được câu hát ru con của mẹ từ khi còn bé lắm, từ khi mới ra đời, từ thuở nằm nôi.

    Nhưng rồi có một dạo, Y bỗng cảm thấy câu hát này có điều gì hơi vô lý: một đứa bé mới chào đời, khi còn nằm trong nôi, làm sao có thể nhớ được lời ru của mẹ, mà biết yêu hay không ! Các nhà văn nhà thơ chỉ có giỏi thêu dệt nói quá lên mà thôi.

    Có một cô bạn kể lại rằng cô còn nhớ rõ giây phút đầu tiên đặt bàn chân bé nhỏ xuống đất để tập đi. Tục ngữ có câu Ba tháng biết lẫy, bẩy tháng biết bò, chín tháng lò dò chạy đi. Trong thực tế có khi trẻ em phải hơn một tuổi mới biết đi. Như vậy là cô bắt đầu có trí nhớ vào khoảng một tuổi. Vậy mà khi nghe câu chuyện này, có người lại tỏ ý hoài nghi, họ cho rằng một đứa bé chưa thể có trí nhớ sớm đến như thế. Nếu không thì cô ta cũng có trí nhớ phi thường.

    Hoặc như khi Y kể lại một vài ký ức mơ hồ khi còn bé, thì Ba Mẹ của Y cũng đã tỏ ra hết sức ngạc nhiên không ngờ trẻ con còn nhớ được những chuyện xảy ra khi mới chừng hai tuổi.

    Như vậy thì nói chi tới ký ức của thuở nằm nôi, khi mới chào đời ?

    Y nghĩ rằng vốn liếng ca dao tục ngữ mà Y còn có được ngày nay, dù xa quê đã lâu, là những bài thơ, hay ca dao, mà mẹ đã ngâm đã đọc, nhưng không phải là để ru Y khi Y còn bé, mà là khi mẹ ru các em sinh sau này ở miền Trung, thua Y hàng 10, 15.. tuổi. Một bằng cớ là người nuôi nấng và chăm sóc Y khi mới lọt lòng là u già, u già cũng hát ru Y, nhưng rõ rệt là Y chẳng còn nhớ u già đã hát ru Y bằng những câu hát nào ! Đó là vì u gìa đã ở lại Hà Nội khi gia đình di cư vào Nam năm 1954, nên Y chẳng bao giờ có dịp nghe u già hát ru các em.

    Y nhớ mẹ hay lẩy Kiều, cho nên đôi khi Y bắt chước nói theo rồi bị chế là bà cụ non.

    Ai bảo, một đứa bé mới chín mười tuổi đầu mà đã lý sự
    • Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau !

    Mẹ cũng hay ru em bằng những câu ca dao
    • Con cò bay lả bay la,
      Bay qua cửa ải bay về Đồng Đăng
      Đồng đăng có phố Kỳ lừa,
      Có nàng Tô thị có chùa Tam Thanh

    hay là
    • Con cò lặn lội bờ sông,
      Gánh gạo đưa chồng nước mắt nỉ non

    Khi đó Y đang ở Tam Kỳ, nhà nào nhà nấy cách xa nhau cả khoảng vườn rộng. Vào những buổi trưa hè vắng lặng, Y cũng hay được nghe, từ nhà bên vọng sang, giọng hát ru em của hai cô con gái lớn hát ru đứa em nhỏ mới sinh. Giọng hát của người chị thì dịu dàng, của cô em thì cao vút lanh lảnh. Họ là người miền Trung, nên Y cũng biết được những câu hát ru em miền Trung của họ
    • -A ả ớ !
      Bồng em mà bỏ vô nôi
      Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu
      Mua vôi chợ Quán chợ Cầu
      Mua cau Bát Nhị mua trầu Hội An

    Rồi khi lên đại học, Y vào Sg. Mấy ông cậu của Y vừa lập gia đình với mấy bà mợ người miền Nam, nên từ đó Y lại thuộc thêm câu hát ru con của các mợ, tình tứ tha thiết
    • Đi đâu cho thiếp theo cùng
      Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam
      Ví dầu tình có dở dang
      Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về

      Ầu ơ
      Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ
      Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu
      Anh về học lấy chữ Nhu
      Ba thu em đợi mười thu em chờ

    Hay dữ dằn, như
    • Bậu ra cho khỏi tay ta
      Cái xương bậu nát cái da bậu còn !






    2.

    Rồi đến lượt Y cũng Làm Mẹ và ru con

    Không biết hiện nay có bao nhiêu phụ nữ còn ru con bằng ca dao, bằng những điệu hát ru con ngày xưa hay không ? Những bà mẹ trẻ có hát ru con bằng những bài nhạc tây phương, nhạc cổ điển, nhạc đương đại.. của những nhạc sĩ mà hàng ngày họ ưa thích lắm chứ nhỉ ?

    Thoạt đầu Y cũng lập lại những câu hát lẩy Kiều của Mẹ, hay giọng hát ngọt ngào miền Nam của các bà mợ, nhưng có ý tránh bớt các câu hát buồn bã, chọn các câu hát nhẹ nhàng hơn như
    • Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
      Năm canh chầy thức đủ vừa năm ..

    Điệu hát này đã được Phạm Duy đưa vào Trường ca Mẹ Việt Nam, thành câu hát
    • Gió mùa Đông, Mẹ không thấy mỏi
      Đứng trông về, đứng trông về bốn cõi trời xa

    Dần dần không biết từ bao giờ những bài hát ru con của Y phần lớn là từ các bản trường ca của PD, những bài có nhắc đến mẹ và cho đủ các điệu hát của ba miền đất nước
    • Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng
      Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương

      Nước non ngàn dậm ra đi..
      Dù đường thiên lý xa vời

      Chiều chiều ra đứng bờ sông
      Muốn về quê Mẹ ..mà không có đò !

    Hết nhạc PD lại sang nhạc TCS
    • Mẹ ngồi ru con đong đưa võng buồn đong đưa võng buồn
      Mẹ ngồi ru con cho tóc sợi mềm hạt mầm vươn lên..

    Rồi cao hứng hơn nữa, cả những bài tân nhạc không nhắc gì tới mẹ hay con
    • Về đây khi mái tóc còn xanh xanh
      Về đây với mầu gió ngày lang thang

      Một giòng xanh xanh
      Một giòng tràn mông mênh...

      Em đến thăm anh một chiều đông
      Em đến thăm anh một chiều mưa

      Gọi nắng, trên vai em gầy đường xa áo baỵ
      Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm saỵ
      Lối em đi về ... trời không có mây






    3.

    Trong những bài hát ru con của Y, có nhiều bài mà Y thích hát, có những bài mà con thích nghe. Dường như là em bé nghe những bài ru hợp với sở thích của mình thì liền ngủ ngoan.

    Khi còn bé, con Y thường thích chơi với những con số, cho nên khi chơi với con Y hay tìm bài hát có chữ số, rồi khi ru con Y cũng hát lại những bài đó. Đối với trẻ con chỉ cần những số đơn giản là 1, 2. Số 3 có lẽ là vừa đủ, thích hợp cho mọi đứa trẻ. Ví dụ như ở Nhật có một dạo trẻ em rất thích bài hát Dango sankyodai ( Ba anh em bánh trôi), chỉ tới số 3. Bài hát Tết Trung thu của trẻ em Việt Nam có thêm hai số 4, 5, có vẻ hơi nhiều chăng ? Vừa hát, Y vừa nắm những ngón tay của con để đếm, đếm xuôi 1, 2, 3, rồi đếm ngược 5, 4, 3 .. Về sau mỗi khi vừa nghe Y hát, con giơ sẵn bàn tay ra chờ mẹ đếm
    • Tết Trung thu bánh quà đầy mâm
      Em muốn ăn 4, 5, 3 phần


    Những khi Y bận rộn đi làm về trễ, chồng cũng hay ru con ngủ dùm Y, mà bài hát tủ của chồng là Hạ trắng (TCS)Bên cầu biên giới (PD). Từ đó, hai bài này cũng là những bài mà con thích nghe nhất, có lẽ vì được nghe cả cha lẫn mẹ cùng hát ru mình.

    Con Y đă hai tuổi rồi mà vẫn chưa biết nói, thường hay quấy khóc. Chuyên gia về tâm lý nhi đồng của thành phố cho rằng đó là vì đứa bé rối trí không biết chọn ngôn ngữ nào, giữa tiếng Việt và tiếng Nhật, để diễn tả, và vì không nói được nên đứa bé chỉ biết nói bằng ngôn ngữ duy nhất là ..tiếng khóc.

    Một tối Y đi làm về, nhằm hôm chồng cũng đi vắng, phải nhờ bà baby sit đến đón con từ nhà trẻ về và trông dùm đến tối. Y bàn giao với bà baby sit rồi nằm xuống giường với con. Bà đã ru cậu bé nẫy giờ mà cậu cứ khóc mãi không chịu ngủ, có ý chờ mẹ về. Y hỏi con
    • -Mẹ hát Bên cầu biên giới nhé.

    Như mọi khi thì con sẽ gật đầu hoặc lắc đầu. Nếu con lắc đầu thì Y sẽ hỏi tiếp
    • - Hạ trắng ? Bóng trăng trắng ngà ?
      .....

    Toàn những bài tủ của cậu bé. Nhưng hôm ấy cậu cứ khóc như rên rỉ, không chịu gật đầu hay lắc đầu như mọi khi. Y hỏi lại một lần nữa
    • -Mẹ hát Bên cầu biên giới nhé ?

    Cậu bé có vẻ mệt mỏi, tiếng khóc nhỏ bớt. Y đoán con đã bằng lòng, bắt đầu hát
    • Về đây soi bóng bên dòng nước lũ ..

    Nhưng Y chưa hát hết câu, con đã khóc giẫy lên, như muốn nói
    • -Không phải, không phải !

    Y cuống quýt dỗ
    • -Mẹ xin lỗi, xin lỗi ! Thôi, Hạ trắng nhé

    Cậu bé thôi khóc nhưng chẳng thèm gật đầu hay lắc đầu. Y lại hát
    • -Gọi nắng... cho tóc em dài đường xa áo bay

    Lần này thì cậu bé khóc thét lên dữ dội như bị kiến lửa đốt.

    Con cứ khóc và mẹ cứ hát hết câu này đến câu khác cho đến khi con mệt và ngủ thiếp đi.

    Y kể chuyện đó với chồng. Hôm sau chồng về sớm, ru con ngủ trước, vẫn hát hai bài Bên cầu biên giớiHạ trắng, và con chẳng khóc lóc gì cả ! Hôm sau Y ru con thì con lại khóc. Đành phải tránh không hát hai bài đó nữa. Nhưng tại sao vậy nhỉ?! Y nghĩ ngợi thử đoán mọi nguyên nhân. Thôi được, hay là con chỉ thích ba hát hai bài này thì để mẹ giả làm ba nghe. Y nghĩ vậy và giả giọng của chồng hát ru con. Kỳ lạ làm sao, và quả nhiên cậu bé con không khóc mà nằm im. Y còn nghe như có tiếng thở ra như trút được những những ấm ức lâu nay trong lồng ngực bé tí của con, như cái điều hả hê lắm như ý muốn nói "Phải thế chứ !"

    Nhiều ngày trôi qua. Y nghĩ tới nát óc, và rồi một ý nghĩ loé lên trong óc, khi Y chợt nghĩ đến giọng nói miền Trung của chồng. Hôm đó trước hết Y hỏi con
    • -Mẹ hát Bên cầu biên giới nhé?

    Ứ ứ .. Cậu bé lắc đầu. Y bèn hỏi lại
    • -Bên cầu biên .."yới" ?

    Gật đầu. Y bắt đầu hát, bằng giọng Bắc của mình
    • Về đây "xoi" bóng bên "dòng" nước lũ

    Ứ ứ ..Lại giẫy giụa, phản đối. Y bèn hát lại, lần này bắt chước cách phát âm tiếng miền Trung của chồng
    • Về đây "soi" bóng bên "yòng" nước lũ

    Quả nhiên, con gật đầu, hể hả, nằm im rồi say ngủ

    Y cũng lặng yên miên man với những suy ngẫm về khám phá bất ngờ của mình, về những tác động của lời ru lên đời sống tinh thần của trẻ con, không chỉ về tình cảm, mà cả về khả năng suy tư của đứa trẻ.





    4.

    Năm tháng trôi qua, cũng như Y, con không còn nhớ gì về lời ru của Y, ngay cả câu chuyện vừa kể về bài hát Bên cầu biên giới hay Hạ trắng. Mỗi khi Y kể lại, con thành thật thú nhận
    • - Con chẳng nhớ gì cả mẹ ạ!

    Con cũng chẳng có em nhỏ hơn mình, để còn có dịp nghe Y hát ru và còn có thể nhớ những lời ru của mẹ.

    Nhưng Y thì nhớ mãi không quên như những kỷ niệm êm đềm với con.

    Bây giờ Y chẳng còn thắc mắc về chuyện mình hay con có còn nhớ hay không về lời ru của mẹ, và cả của cha.

    Lời ru của mẹ chắc chắn đã tác động lên trí não của con, cho con những tình cảm, và cả khả năngsuy tư v.v. trong đời sống tinh thần của đứa trẻ. Ở một số người -những nhà văn nhà thơ - lời ru của Mẹ có thể là một kho báu ngữ vựng tiếng mẹ đẻ, hay một kho tàng âm nhạc.. cũng không chừng. Đó là sự khác biệt của mỗi người khi tiếp thu những tác động từ bên ngoài.

    Điều quan trọng hơn cả là lời ru đã trở thành một phần trong muôn vàn kỷ niệm êm đềm giữa Y và con, mãi mãi là niềm vui của Y mỗi khi nghĩ đến con. Y đoán rằng mẹ cũng đã từng có những kỷ niệm như thế với lời ru từ thuở nằm nôi dành cho các con, cho dù lúc đó mình chưa có trí khôn để còn nhớ được Lời ru của mẹ. Y biết mình đã lớn lên bằng tình thương của mẹ hàng ngày, thể hiện dưới nhiều hình thức, mà lời ru là một trong muôn vàn tình thương yêu ấy.




    Quỳnh Chi
    ( Ngày Lễ Mẹ 14/5/2006)




    Phụ lục
    5.
    Có một cậu bé thần đồng của Mỹ - lúc cậu khoảng 10 tuổi, đang theo học khoá tiến sĩ ở Havard - đã cho biết cậu còn nhớ cảm giác khi nằm trong bụng mẹ. Phóng viên không hỏi, nhưng chúng ta hy vọng cũng có thể là cậu có thể còn nhớ được lời ru của mẹ sau khi chào đời ?

    Ngoài ra hiện nay ở Nhật có phong trào "thai giáo". Người ta khuyên người mẹ đang có thai nên nói chuyện với đứa con trong bụng, vì bào thai nghe được và yên tâm khi được nghe tiếng mẹ, họ tin rằng đó là một cách dưỡng thai. Người ta cũng khuyên sản phụ nên nghe nhạc êm dịu, nghe những bản nhạc hay. Và khuyên cả các ông bố cũng nên xoa bụng và nói chuyện với thai nhi cho trẻ quen nghe tiếng của người cha.


              
    http://chimviet.free.fr/truyenky/quynhchi/qychn062.htm
Hình đại diện
Vi
Bài viết: 780
Ngày tham gia: Thứ năm 16/03/17 23:48

Re: Lời ru của mẹ

Bài viết bởi Vi »


          


          
Mồ Côi Mẹ
__________________________
Chu Văn Lễ
          




          



Mời đọc truyện ngắn "Mồ Côi Mẹ" và nghe Hà Thanh hát Lời Mẹ Ru của Trịnh Công Sơn


          


Năm tôi lên 8, mẹ tôi mất. Tôi chắc mẹ tôi cũng đã bịnh nhiều trước đó. Mẹ rất hay đi bác sĩ và khi tôi còn bé thì mỗi lần như thế mẹ lại mang tôi theo. Bố tôi đi làm cả ngày nên nhà chỉ có mẹ và tôi, thành ra tôi cứ phải theo mẹ mỗi khi mẹ ra ngoài.

Sợ nhất là đi khám bác sĩ. Từ ho đến thở khò khè; từ sổ mũi đến nóng sốt, mẹ đều dẫn tôi gặp bác sĩ. Chưa bao giờ tôi được gặp bác sĩ ngay sau khi tôi đến. Thường là phải chờ. Phòng chờ đợi ở bên ngoài lúc nào cũng đông người. Nhìn ai cũng mệt mỏi như đang chờ đến lượt mình bị xử tội. Ít nhất đó là cảm giác của tôi. Bác sĩ khám cho tôi xong, ngay cả khi tôi không có bịnh gì cũng chích cho tôi một mũi thuốc khỏe hay cho uống thuốc bổ. Mẹ bảo làm vậy tốt cho tôi.

Tôi đi học lớp 1 ít lâu thì không hiểu sao mẹ không dẫn tôi đi khám bác sĩ nữa. Mẹ chỉ đi một mình hay đôi khi đi với Dì Ba, em của mẹ. Những khi phải đi bác sĩ thì mẹ gửi tôi với ông Năm hàng xóm. Tôi thích chơi với con của ông Năm lắm. Nhà ông không có trẻ con nên các anh chị đều rất chiều tôi. Nhưng tôi cũng không được chơi nhiều vì tiếng là mới đi học lớp 1, tôi đã đi học làm toán, tập viết và tập đọc với cô giáo Hạnh lâu lắm rồi. Cô cho nhiều bài ở nhà làm lắm nên cuộc đời của tôi nói chung là xoay quanh với nhiều sách vở và khi mẹ khỏe thì cả với cây roi của mẹ.

Mẹ không đánh tôi mỗi ngày nhưng trận đòn nào của mẹ cũng đáng sợ. Nếu tôi chịu siêng năng làm bài cho về nhà của cô giáo Hạnh và không ai đến nhà mách với mẹ là tôi quậy phá ở đâu đó thì tôi không bị đòn. Tôi cũng cố gắng để giữ như vậy nhưng đôi khi khó. Thỉnh thoảng tôi hay đánh nhau với đám trẻ con ở xóm vì những chuyện vặt vảnh mà tôi cũng chẳng nhớ. Nếu có ai đó đến mách với mẹ tôi thì tôi sẽ ăn roi. Cứ mỗi lần như vậy thì tôi lại khóc. Khi tôi khóc nhiều, mẹ sẽ nương tay cho tôi. Rồi mẹ bắt tôi hứa sẽ chừa không đánh nhau nữa. Lần nào tôi cũng hứa với mẹ và hứa rất thành tâm. Nhưng sao tôi lại hay quên đến thế! Nhất là khi bọn nhóc trong xóm chọc giận tôi.

Lâu lắm rồi tôi không bị mẹ đánh. Hình như trận bịnh này của mẹ kéo dài hơn mọi khi. Tôi thấy mẹ ít hỏi thăm bài học của tôi hơn mà cứ ôm tôi vào lòng rồi nói “cố gắng nghe con”. Những lúc này tôi thấy yêu mẹ nhất.

Một hôm đi học về thì tôi nghe bố bảo là bố và tôi phải dọn ra phòng khách ngủ để mẹ nghỉ ngơi mà dưỡng bịnh. Thế là tôi lại phụ bố mang vài thứ ra phòng khách. Vài cái gối nằm và đồ chơi của tôi. Phần còn lại bố tôi làm hết. Tôi nghĩ ngợi trong đầu có lẽ đây sẽ là thời gian tốt nhất của tôi vì sẽ không ai theo dõi chuyện làm bài ở nhà của tôi. Đôi khi bố cũng có hỏi, nhưng bố không làm giống mẹ với cây roi kế bên nên tôi không sợ lắm. Nghĩ thế tôi vui hẳn lên. Bố thì cứ liên tục nói “Không được làm ồn, để Mẹ nghỉ”.

Được tự do và thoải mái một thời gian thì tự dưng một hôm tôi nhớ mẹ. Sao lâu quá mà mẹ không hỏi thăm tôi nhỉ. Tôi nhớ những lần được mẹ ôm vào lòng. Thường là sau khi bị Mẹ đánh, tôi được Mẹ ôm vào lòng. Mẹ bảo tôi phải ngoan để không bị Mẹ đánh đòn, rồi lấy tay xoa xoa vào những chỗ Mẹ đánh. Có một tối, tôi lén về phòng ngủ để thăm mẹ. Khi ấy chắc là tối khuya rồi. Bố tôi đã ngủ say lắm. Tôi rón rén trèo khỏi giường và ra mở cửa phòng mẹ. Trong cái ánh sáng leo lét của ngọn đèn quả trứng, tôi thấy mẹ nằm trên giường. Mặt mẹ gầy lắm. Xương như nhô cả mắt ra ngoài và miệng mẹ thì lẩm bẩm như đang nói chuyện với ai. Tôi sợ quá, chạy u về giường rồi phóng tót lên góc giường của mình, lấy chăn trùm kín, ngủ một giấc đến sáng. Từ đó, tôi không còn có ý định về phòng thăm mẹ nữa, mặc dù tôi vẫn còn nhớ mẹ. Bây giờ sao Mẹ trông giống con ma trong phim quá.

Một hôm tôi đang ngồi học trong lớp thì bố đến xin cho tôi về sớm. Tôi linh tính như có một chuyện gì kinh khủng lắm vì mặt bố rất buồn. Tôi hỏi thì bố bảo là mẹ sắp chết rồi nên tôi về cho mẹ nhìn lần cuối. Tự nhiên hình ảnh của mẹ gầy gòm giống con ma trong phim làm tôi hơi sợ. Chỉ là phản ứng tự nhiên của tôi. Mẹ chết có nghĩa là người ta sẽ đưa mẹ đi chôn ngoài nghĩa địa. Mẹ sẽ không về nhà nữa. Như vậy thì buồn lắm. Bao nhiêu là thứ xoay quanh trong đầu của tôi làm tôi xuýt té vì quên ôm bố. May mà bố la lên “ôm chặt bố!” làm tôi bừng tỉnh lại.

Bố và tôi về đến nhà thì mẹ tôi vừa mới chết. Các dì, các cậu em mẹ tôi có mặt đầy đủ. Ai cũng ngồi cạnh giường và khóc sụt sùi. Những người hàng xóm cũng có mặt. Ai cũng khóc. Vừa khóc, vừa kể lể thảm thiết. Bố cũng khóc. Chỉ có tôi là không khóc. Tôi sợ. Không hiểu tại sao nhưng chỉ biết là sợ. Bố ôm chặt tay mẹ rồi kéo tay tôi đến cho tôi ôm tay mẹ nhưng tôi đã nhanh chóng kéo ngược trở lại và dấu tay tôi ở sau lưng. Tôi chỉ muốn về giường và trùm chăn ngủ.

Đám tang mẹ kéo dài vài ngày. Hôm làm Lễ Liệm Xác Mẹ, tôi phải xuống nhà để mặc áo tang. Khi thấy người ta bỏ mẹ vào trong quan tài, cả nhà ai cũng khóc và khóc lớn lắm. Tôi đứng nhìn mà sợ điếng cả người. Nhưng tôi biết tôi phải đứng đó chờ người ta làm lễ xong. Tôi len lén đi vào phía sau và đứng nép đằng sau tấm màn. Hình như lúc này chẳng ai quan tâm là tôi đang làm gì. Tôi chỉ đứng đó nhưng vẫn nhìn những ông Đạo Tỳ làm việc. Khi người ta đóng nắp quan tài của mẹ lại, tự dưng tôi cảm thấy buồn nhưng không thể giải thích được lý do. Tôi không muốn nghĩ đến chuyện là mẹ đang nằm trong đó. Tôi cũng không thích người khác cứ đi theo tôi mà hỏi chuyện mẹ chết. Hôm đám ma, cô giáo có dẫn các bạn đến thăm tôi. Quả thật tôi không thấy có chuyện gì phải thăm cả, mà cũng không biết nói gì khi cô giáo hỏi về bịnh của mẹ, rồi mẹ chết khi nào. Tôi chỉ muốn phóng vào góc giường của tôi, trùm kín chăn mà ngủ.

Sau khi mẹ chết, tôi trở nên ngủ nhiều hơn. Đôi lúc ngủ li bì. Bố và tôi dọn lại vào trong phòng ngủ, sắp xếp lại vài thứ nhưng cũng không có gì thay đổi nhiều, ngoại trừ, không có mẹ trong phòng nữa. Nhưng tôi thì ở trong phòng nhiều hơn. Ngoài giờ đi học, tôi chỉ ở trong phòng. Căn phòng giờ đã trở thành cái thế giới riêng của tôi. Đôi khi tôi xem TV, xem phim nhưng thường là ngủ. Tôi ngủ nhiều lắm. Tôi thấy ngủ nhiều thì không phải nghĩ ngợi đến chuyện không có mẹ. Dì Ba hay sang nhà chơi và hay ôm tôi vào lòng. Tôi cũng thích lắm nhưng cũng có điều gì làm cho tôi cảm thấy khó chịu mỗi khi được Dì ôm tôi vào lòng như vậy. Chắc tại Dì giống Mẹ nên mỗi khi Dì ôm tôi vào lòng làm tôi nhớ đến Mẹ. Cũng có thể là tôi muốn để dành cái ôm đó cho Mẹ tôi nên khi Dì Ba ôm tôi vào lòng thì tôi cảm thấy như có lỗi với Mẹ. Với lại Dì hay khóc quá mà tôi thấy người lớn khóc thì tôi sợ lắm. Nhất là từ sau khi mẹ mất.

Nhà bây giờ chỉ có Bố và tôi rồi thêm một người giúp việc để nấu cơm cho chúng tôi ăn. Hàng ngày Bố đưa, đón tôi đi học và đi đâu thì Bố hay gọi tôi đi. Đôi khi Bố phải la tôi mới đi. Tôi chỉ muốn mọi người để yên cho tôi ở trong phòng. Nhưng tôi sợ Bố nên cứ phải khép nép đi theo. Chỉ đi theo thôi chứ tôi chẳng nói chuyện với ai. Mong cho xong việc rồi về để tôi trở lại căn phòng của tôi, với cái thế giới riêng của tôi.

Ngày, tháng, năm …
Hôm nay là đám giỗ của Mẹ. Bố chở con ra thăm mộ Mẹ. Con nhớ Mẹ nhiều lắm. Bố chắc cũng nhớ Mẹ nữa. Bố hay chở con ra thăm mộ Mẹ lắm. Mỗi lần như vậy, Bố lấy nước rửa mộ rồi lấy khăn sạch lau khô. Xong Bố mang thuốc lá ra hút mà mắt cứ nhìn vào ảnh của Mẹ trên tấm bia. Con chỉ ngồi xem thôi chứ không nói gì. Đứng một lúc thì Bố lấy tay xoa hình của Mẹ rồi nói “Anh về nghe em!”. Lần nào đi thăm Mẹ Bố cũng làm vậy. Mẹ có nhớ con và Bố không Mẹ?

Ngày, tháng, năm …
Ở trường con có quen thằng bạn mới. Nó mới chuyển vô lớp của con. Cô sắp nó ngồi kế con nên con và nó cũng hay nói chuyện với nhau. Nó kể con nghe là mẹ nó cũng chết rồi nhưng nó không nhớ gì hết vì lúc mẹ nó chết nó còn nhỏ quá. Tự nhiên con sợ con sẽ quên Mẹ. Mẹ có quên con không Mẹ? Hôm nó nói cho con nghe chuyện nó quên Mẹ nó, con buồn lắm. Con không muốn quên Mẹ. Con đã lén ăn cắp một tấm hình của Mẹ trong album ảnh cưới của Bố và Mẹ rồi cất nó trong cặp của con. Ngày nào con cũng mang ra xem. Làm như vậy thì con sẽ không bao giờ quên Mẹ.

Ngày, tháng, năm …
Căn phòng của tôi không còn giúp cho tôi ngủ dễ dàng nữa. Có những ngày tôi nằm trên giường, nhìn lên trần nhà mà không biết là phải làm gì nữa. Tôi cũng không biết tôi muốn gì. Tôi chán đến trường mà cũng chán ở nhà. Mọi thứ sao ngột ngạt quá. Tôi thấy mình cô độc quá. Sao không có ai để tôi có thể nói ra hết suy nghĩ của mình nhỉ?

Ngày, tháng, năm …
Hôm nay tôi bị cô giáo phạt vì không làm bài cho về nhà. Không phải tại tôi lười. Tôi chỉ quên không làm bài ở nhà. Không hiểu sao lúc này tôi hay quên làm bài lắm. Khi cô giáo bắt tôi đứng úp mặt vào tường, tự nhiên tôi nhớ đến Mẹ của tôi vô cùng. Nếu Mẹ còn sống thì chắc chắn tôi sẽ không quên được vì ngày nào Mẹ cũng kiểm tra bài trước khi đi ngủ. Suốt thời gian bị phạt, tôi chằng cảm thấy mắc cỡ mà chỉ buồn. Càng lúc, càng buồn. Nỗi buồn như rút hết tâm trí của tôi nên cả ngày hôm đó tôi chẳng thiết làm gì nữa.

Đi học về, tôi chạy u vào phòng, bỏ cặp táp sang một bên rồi ngồi thừ trên giường một cách vô thức. Tôi nhớ Mẹ quá. Ngồi một lúc người tôi như tan chảy ra. Tôi rùng mình như người bị ốm và lắp bắp gọi “Mẹ ơi!” như chỉ vừa đủ để tôi và Mẹ có thể nghe được. Tôi mong có Mẹ kế bên. Mẹ sẽ mang cây roi ra để cho tôi một trận đòn về tội không làm bài ở nhà. Có hai giọt nước mắt bắt đầu chảy từ hai bên khóe mắt xuống má của tôi. Rồi như cơn mưa rào đổ ập tới, nước mắt tôi cứ như thế mà tiếp tục tuôn ra không thể nào kiểm soát được nữa.

Trong căn phòng tối đen, không có một tiếng động nào ngoài tiếng khóc sụt sùi của tôi. Đó là lần đầu tiên tôi khóc kể từ khi Mẹ mất.


Vancouver ngày 8 tháng 6 năm 2016
Last edited by Vi on Thứ ba 30/03/21 20:46, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Vi
Bài viết: 780
Ngày tham gia: Thứ năm 16/03/17 23:48

Re: Lời ru của mẹ

Bài viết bởi Vi »


          


          
Lời Mẹ Ru
__________________________
Chu Văn Lễ
          




          
Hình ảnh


Mời nghe Khánh Ly và Uyên Phương hát Lời Mẹ Ru của Trịnh Công Sơn


          

Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ được biết đến với những sáng tác về quê hương, tình yêu và thân phận. Sở trường của ông là dùng ngôn ngữ để xây dựng hình tượng nhằm bày tỏ chủ đích của mình. Trong các sáng tác về quê hương, hình tượng bà mẹ rất thường được ông nhắc tới. Đó là Ca Dao Mẹ, Gia Tài Của Mẹ, Bà mẹ Ô Lý và Huyền Thoại Mẹ. Lời Mẹ Ru cũng là một sáng tác của ông về Mẹ. Lời Mẹ Ru của Trịnh Công Sơn là một bức tranh về mẹ bằng âm thanh hết sức đặc biệt.

Người ta thường hát “Lời Mẹ Ru” với cung la Trưởng. Các giọng ca vàng thời trước 1975 như Hà Thanh, Kim Tước, Mai Hương, Khánh Ly hay sau này Hồng Nhung, Mỹ Linh, Cẩm Vân đều hát như vậy. Và mỗi người một vẻ, ai cũng mang cho người nghe ít nhiều cảm xúc. Nhưng “Lời Mẹ Ru” có thể được hát với cung Fa Thăng Thứ nữa và hát như một bài nhạc riêng.

Năm 1974, trong một chương trình ghi âm “Khánh Ly Hát Cho Quê Hương Việt Nam” của mình, ca sĩ Khánh Ly đã trình bày song ca bài hát này với giọng hát Uyên Phương.

Trong bản ghi âm này, ca sĩ Khánh Ly hát lời 1 bằng cung La Trưởng. Sau đó ca sĩ Uyên Phương trình bày lời 2 bằng cung Fa Thăng Thứ. Rồi cả hai hòa quyện vào nhau, một trưởng, một thứ kết thúc bài nhạc và làm thành một tác phẩm nghệ thuật thật độc đáo.

Lời mẹ ru con đến những khu vườn
Ru con trưa nắng ( i...i... a)
Trong mộng cười ngon
Ru mộng con thơm

Lời mẹ ru con nghe ra nỗi niềm
Ru con nghiêng nghiêng nằm
con ngủ giấc tròn cho mẹ ngồi trông

Thủa mẹ ru mẹ ru con ngủ
Con ngủ trên mây con ngủ trên mây
Tiếng khóc ban đầu ban đầu còn đau còn đau còn đau

Lời mẹ ru đêm vang ngón tay hồng
Ru con khôn lớn ( .... ... a)
con Rồng Rồng Tiên con ngủ cho yên

Một đời ru con nên mắt ưu phiền
đôi khi cũng ưu phiền con ngủ giấc hiền Mưa nhỏ ngoài đêm lá đổ ngoài sân
Lá đổ ngoài sân để ru mẹ ngủ

Lời mẹ ru như tiếng hát trên trời ru con ru mai (i...i... a...)
Nên người mẹ vui
Ru bạc tóc thôi
Đời mẹ ru con mây kia cũng buồn
Nên mây xa đường trần con ngủ giấc hồng cho mẹ tròn lưng

Thủa mẹ ru mẹ ru con ngủ
Con ngủ trên mây con ngủ trên mây
Tiếng khóc ban đầu ban đầu còn đau còn đau còn đau
Rồi một mai con đã lớn khôn rồi con thôi thơ ấu (... ...a)
Mẹ rời thật mau Mẹ rời chiêm bao
Lời mẹ ru con bao lâu mỏi mòn
Nên lâu cũng mỏi mòn
Bây giờ mẹ nằm lá đổ ngoài sân


“Lời Mẹ Ru” là một bức tranh bằng âm thanh về cuộc đời của mẹ. Mẹ là người đưa con vào đời bằng tiếng ru ngọt ngào. Dõi theo con, vui cùng thành đạt của con và đau buồn theo những thử thách, gian truân của cuộc đời mà con gặp phải. Không một tiếng than van, không một lời hối tiếc, suốt cuộc đời của mẹ là cho con, dành tất cả vì con, chỉ mong sao con thành người và được hạnh phúc. Vậy đó, nhưng khi con trưởng thành thì có khi lại nghĩ là không cần lời ru của mẹ nữa. Có thế tiếng ru của mẹ đôi khi làm con người ta cảm thấy nhỏ bé mà người thành đạt thì chỉ muốn người khác thấy hết cái to lớn trong sự nghiệp của mình.

Cả hai lời 1 và 2 của ca khúc “Lời Mẹ Ru” đều có chung một kết thúc:

Bây giờ mẹ nằm, lá đổ ngoài sân, lá đổ ngoài sân, để ru mẹ ngủ

Lòng mẹ thương con thì bao la mà con trẻ khi vào đời, bị cuốn hút với những lo toan của cuộc sống, thường lãng phí tình mẹ. Khi mẹ đã già, người ta đôi khi áp đặt những kế hoạch tiện lợi hay theo cách suy nghĩ riêng của mình để phụng sự cho mẹ như là cách để báo hiếu. Có được bao nhiêu người trên cuộc đời này biết dừng lại ở một giây phút nào đó, để hỏi thăm mẹ và để hiểu mẹ thật sự cần gì, muốn gì. Khi mẹ chết rồi, tức là khi người ta cũng mất “tiếng ru” yêu thương đó rồi thì mới hối tiếc, mới mong mẹ trở lại cuộc đời để còn có cơ hội hiểu mẹ muốn gì và báo hiếu cho mẹ. Khi ấy thì đã muộn mất rồi!

“Bây giờ mẹ nằm, lá đổ ngoài sân, lá đổ ngoài sân, để ru mẹ ngủ”. Khúc nhạc nghe đều đều như lời kinh cầu nguyện. Mong rằng nó không phải là một bài kinh sám hối của nhiều người trong chúng ta.


Vancouver ngày 31 tháng 5 năm 2016
Hình đại diện
NTL
Bài viết: 1323
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 14:20

Re: Lời ru của mẹ

Bài viết bởi NTL »

*

You've made me cry, Vi.
Cám ơn heng, đã mang bài viết về. Cũng sắp tới mother's day rồi...
Tuổi nào mồ côi cũng khổ như nhau thôi.

Cám ơn thêm tấm hình về tape nhạc Lời Mẹ Ru do Khánh Ly và Uyên Phương hát, lại còn bonus cho lời giải thích nữa chớ trời, qúi hóa quá xá.
Mấy chục năm dài rồi, nú vẫn nhớ như in bản nhạc viết bằng hai keys riêng để hát riêng, chừng vô duet thì biến thành bè chánh và bè phụ.
Wow... vậy trí nhớ nú về ban nhạc hổng sai heng, The blue notes.
Ban nhạc ni có cây saxophone ác liệt lắm lận.
Chừ tất cả đã thành kỷ niệm.

Có em kia biểu bản này Khánh Ly duet với Lê Uyên (của Lê Uyên Phương) thành nú sanh hồ nghi về trí nhớ của mình. Nay nhờ Vi mà yên trí lớn.
Tuổi già về chuyện xưa nhớ rõ, chừng qua chuyện nay thường do lơ đãng nên quên bạo.
Và chuyện nhớ quên kiểu này là khởi đầu của impaired cognition, dẫn tới amnesia (còn amnesia chỉ là một trong những triệu chứng của Ahlzeimer)

Nghe nói "chị nú lộn bộn tên đường", rồi "người ca chung Lời mẹ ru với Khánh Ly là ca sĩ Lê Uyên" thành nhảy nhỏm, self-esteem xuống thấp hổng ngờ.
Few....
:flwrhrts:


*
Make the long story... short !
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Lời ru của mẹ

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          


... :kssflwr: ... cám ơn sự tinh tế của V ... :kssflwr: ...




          
Trả lời

Quay về “Quỳnh Chi”