Kỷ niệm về tuyết

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20032
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Kỷ niệm về tuyết

Bài viết bởi Hoàng Vân »


  •           


              
    Kỷ niệm về tuyết
    __________________________
    Quỳnh Chi
              




              

              

    Ngày đầu tiên đến Nhật vào mùa đông, khi Y vừa về tới nhà trọ là một gia đình Nhật ở Tokyo, bà chủ nhà vui vẻ cho biết sáng hôm đó trời có tuyết, một làn tuyết mỏng nhẹ.

    Đó cũng là năm Nhật bản đang tổ chức thế vận hội mùa đông ở Sapporo ( trên đảo cực bắc Hokkaido ) với nhiều môn thể thao trên tuyết. Y đến Nhật ba ngày trước khi thế vận hội bế mạc, nhưng dư âm của thế vận hội vẫn còn kéo dài sau đó, vì Nhật đã đoạt nhiều huy chương vàng trong dịp này. Bà chủ nhà rất vui vì cả thế vận hội trên tuyết lẫn việc có cô con gái đầu tiên đến nhà (ông bà chỉ có con trai ).

    Y thầm nghĩ " Đúng là mình có duyên với tuyết rồi."

    Thật ra Tokyo rất ấm áp, mỗi mùa đông tuyết chỉ rơi chừng vài lần. Sớm nhất là vào dịp Noel. Có năm tuyết đầu mùa rơi đúng vào đêm giáng sinh. Nhưng có khi phải đợi đến cuối tháng giêng hay sang tháng hai mới có tuyết rơi. Trời ấm nên tuyết rơi rồi cũng tan nhanh trong vòng vài ngày hay một tuần lễ sau. Năm khi mười hoạ tuyết mới rơi nhiều, và nếu gặp lúc trời lạnh dưới 0 độ C liên tiếp nhiều ngày sau đó, tuyết trên vỉa hè sẽ không tan liền, sẽ bị những bước chân dẫm lên,vừa đóng cứng vừa trơn như đất sét.

    Khi trời tuyết, những nhà ở phía ngoài gần đầu ngõ phải dọn tuyết ngay vào sáng hôm sau, trước khi người ở trong ngõ hay xe của họ đi ra, bởi vì chân người và bánh xe sẽ đè lên tuyết và tuyết sẽ đóng băng, và vài ngày sau thì mọi người sẽ phải .. chụp ếch. Ở đầu đường phải lo dọn tuyết trên ngõ trước cửa đã đành, còn phải lo dọn tuyết trên đưòng đi cạnh nhà. Nếu đó là một con đường dốc, khi tuyết rơi dầy chừng vài chục xăng ti mét, mà không gạt ngay sang hai bên đưòng để mở một lối đi khi tuyết còn xốp, thì chỉ một ngày hôm sau, chỉ vài chiếc xe qua đã nén tuyết thành băng, biến con đường dốc ấy thành một cái cầu tuột, không xe cộ hay khách bộ hành nào có thể qua lại được nữa.

    Có nhà riêng phải dọn tuyết thì mệt như vậy, nhưng khi mới đến Nhật, mỗi khi tuyết rơi, Y thường mừng rỡ chạy ra vườn nặn người tuyết. Nặn người tuyết coi vậy mà cũng khó, nếu tuyết không nhiều thì phải đi thu góp tuyết còn đọng trên các mũi xe của ngưòi ta về nặn. Hoặc là tới sân chơi bóng của trường đại học, nặn tuyết thành một quả bóng tròn nho nhỏ, đoạn đẩy quả tuyết lăn khắp sân, cho tuyết dính vào quả tuyết ban đầu, cứ thế to dần lên mãi, để làm thân của người tuyết. Sau đó lại nặn một quả tuyết khác nhỏ hơn để đặt lên mình, làm đầu người tuyết. Lấy mấy hòn than hay cọng cây làm mắt mũi và miệng, cho hắn một cái mũ, cắm thêm một cái chổi vào thân hắn và đeo vào đó một cái găng tay ..thì càng vui hơn.

    Tiếng Nhật gọi người tuyết là yukidaruma. Daruma là nhà sư ngồi thiền chân xếp bằng tròn, nên thân hình ông tròn vo như quả bóng. Những món nợ không trả được, tiền lãi ngày càng tăng, hoặc nợ chồng chất, được ví với hình ảnh của quả bóng tuyết lăn tròn dính tuyết và mỗi lúc một lớn dần đó. Tiếng Nhật gọi đó là "tiền nợ lớn dần như yukidaruma".

              

              

    Nhưng người tuyết trong phim hoạt hoạ The Snowman cao dong dỏng, có vẻ giống dáng người bình thường hơn.
    Đó cũng là cuốn phim hoạt hoạ mà Y và con đã say mê xem đi xem lại hàng chục lần không chán. Từ khi có con hàng năm cứ gần đến lễ giáng sinh, Y lại thích đàn và nghe bản nhạc chủ đề của phim này. Tiếng nhạc êm đềm và gợi nhớ biết bao kỷ niệm về tuyết với con thơ.

    Từ khi có con, mỗi khi tuyết rơi, hai mẹ con lại hì hục làm người tuyết, và có lần còn làm cả nhà tuyết , tiếng Nhật gọi là kamakura.

    Tại xứ tuyết ở miền bắc Nhật bản, những vùng tuyết rơi ngập mái nhà, ngưòi ta có lệ cứ đến tết thì đắp tuyết làm thành các ngôi nhà nhỏ, đủ lớn để kê một chiếc bàn thấp, rồi thắp đèn cho trẻ em vào ngồi chơi trong đó, còn đặt cả hoả lò than để nướng bánh dầy omochi - món ăn ngày tết của người Nhật - . Người ta nói rằng ngồi trong kamakura rất ấm, tuy là kamakura làm bằng tuyết. Y chưa bao giờ được tới tận nơi xem các kamakura này, nhưng được xem ảnh, bèn thử bắt chước làm cho con. Tuyết ở Tokyo thì không nhiều để làm kamakura. Lần đó tuyết rơi tầm tã, trời lại lạnh buốt nên tuyết không tan. Y bèn đi hốt tuyết bằng xô nhựa, còn chất vào chiếc xe cút kít một bánh tí hon đồ chơi, cho con đẩy về. Tuyết đắp vào tường rào, đủ cao khoảng một mét, được khoét một cái cửa nho nhỏ cho cậu bé chui vào ngồi.

    Thực ra, túp lều bằng tuyết mà Y hì hục đắp cho con ngay cạnh cổng ra vào, nom càng giống cái nhà của con Snoopy hơn ( Sssss..nói nho nhỏ thôi đó kẻo cậu bé nghe được ! ) chứ không giống kamakura của trẻ em chút nào hết ! Nhưng con Y vẫn thích lắm. Được mẹ mặc cho nhiều lớp áo, nom cậu bé ba bốn tuổi cũng tròn vo như ông Daruma, cậu chui vào ngồi lọt thỏm trong đó. Giống như hồi con còn mới hai tuổi, Y lấy các tông làm thành một căn nhà, chỉ có mái che được một nửa, và ..không chừng là giống cái chuồng nuôi thỏ (!), nhưng có cửa ra vào, cửa sổ, có ống khói có hộp thư .. Làm vừa xong, đã thấy cậu khệ nệ khiêng ghế nhỏ vào để trong nhà, và đem sách truyện tranh vào ngồi xem, làm Y phải vội vàng gắn thêm cho cậu một cái bóng đèn điện cho đủ sáng. Cậu bé còn thích mẹ giả làm ông bưu điện tới bỏ thư vào hộp cho cậu.

    Một lần khi đi thăm làng của người da đỏ trên núi tuyết, lần đầu tiên Y và con chơi trò trượt tuyết trên dốc, hai mẹ con cùng ngồi vào xe trượt tuyết của trẻ con, mẹ ôm con cho khỏi ngã, rồi cùng lao như bay xuống đồi. Có khi ngã lăn dưới chân đồi, nhưng tuyết mềm , tuyết mịn, không hề gì.. Trở về Tokyo, từ đó hễ thấy tuyết rơi là con lại chờ mẹ lấy xe ra dốc để trượt xuống. Đôi khi tuyết mỏng quá, không đủ cho chiếc xe nhựa trôi đi, Y dùng giấy các tông mỏng làm xe, buộc dây kéo trôi đi cho con vui. Được chơi những trò chơi của trẻ em ở xứ tuyết cùng với con, Y tự nhủ thế là mình lại có được một tuổi thơ thứ hai sau tuổi thơ thứ nhất ở xứ nhiệt đới.

              

              

    Còn ski là môn thể thao mà thời sinh viên Y chỉ dám đi thử một lần duy nhất. Đôi giầy trượt tuyết nặng quá, lại bó chặt vào cổ chân như chiếc cùm, đi đứng còn khó khăn nói chi tới trượt ! Khi cài giầy vào thanh ski, Y nghĩ mình giống hệt như con ếch đi đôi giầy quả ớt, khổ sở mãi vẫn không giữ được thăng bằng. Lần đó , ếch Y nhà ta ì ạch tha quả ớt , bị chụp ếch đến khổ sở và chụp hụt không biết bao nhiêu lần. Ôi, mình không thèm mang cùm chân như tù khổ sai đâu, Y nghĩ bụng và quyết không bao giờ thèm đi trượt tuyết nữa.

    Thế nhưng khi con đến tuổi đi học, Y đành phải dẫn con lên vùng núi Karuizawa học trượt tuyết, chuẩn bị trước vì trẻ con sẽ phải đi trại trượt tuyết với nhà trường. Sợ lỡ con ngã trên sườn núi mà mình không có ở đó, Y cũng phải ghi tên học cùng lúc với con, mỗi người một thầy dậy riêng. Ai cũng bảo trẻ con học gì cũng nhanh, nhất là về các môn thể thao, chắc con sẽ biết trượt tuyết trước mẹ. Y chán nản vì lại phải đeo cùm vào chân và đi vào đôi thanh ski như hai quả ớt dài quá khổ so với con ếch bé tí.

    Nhưng thật không ngờ, và kỳ diệu làm sao, chỉ mới được nửa ngày, trưa hôm đó Y đã thấy mình đang lao như bay trên sườn núi, đuổi theo con và thầy dậy của con bén gót. Tuyết bây giờ mịn màng như thảm nhung, và Y bay là là trên đó. Có lúc Y trượt mau xuống phía dưới đứng đợi con, đang chập chững, run rẩy như con gà con trong vòng tay vịn của ông thầy, từ từ bò xuống đồi. Người thầy bảo thằng bé :

    -Nhìn mẹ giỏi chưa kìa ! Gambarê ( Gắng lên ) !

    Y cũng ngạc nhiên với phép mầu mà tuyết vừa tặng cho mình. Đôi chân của Y giờ đã được hoá phép, ngoan ngoãn theo ý muốn của Y, lúc mau lúc chậm, lúc dừng lại đột ngột, lúc uốn lượn trên sườn đồi, chợt dừng, rồi lại chợt bay vút đi, nhẹ nhàng như một cánh chim..Ôi tuyệt diệu làm sao ..Con của Y dường như cố đuổi kịp mẹ, nên tới chiều tối đã có thể tự trượt một mình, không cần thầy cầm tay nữa. Và hai hôm sau, hai mẹ con, người trước kẻ sau, đã có thể đuổi theo nhau như sóng lượn nhịp nhàng trên sườn núi...Tuyết quả là một món quà tuyệt vời của thiên nhiên, đã chắp cánh cho đôi chân của con người có thể bay trên mặt đất. Như một giấc mơ, chiếc cùm của người tù khổ sai dưới chân Y ngờ đâu đã biến thành một cụm mây trôi thanh thoát giữa trời, đưa Y bay đi mãi.

    Y muốn cùng con bay mãi trong mơ, nhưng theo năm tháng, cậu bé con giờ đã bỏ xa mẹ và cùng chúng bạn phiêu lưu tới những sườn núi hiểm trở hơn.







    Giờ đây, những khi trời tuyết và con còn đi trượt tuyết chưa về, Y chỉ còn ngồi ngắm tuyết giữa khuya . Tuyết sáng thật, nhưng có lẽ ngày xưa chữ tàu viết đậm nét chăng, chứ chữ in thời nay nhỏ li ti và mờ lắm, thật khó lòng đọc sách bằng ánh tuyết như trong điển tích. Khi đi bộ trong màn tuyết lúc trời khô và lạnh, bông tuyết vẩn vơ giữa trời như những nõn bông của cây gòn đang bay giữa một buổi trưa nắng. Khi đi xe điện lúc tuyết rơi, xe đi nhanh, ngoài trời tuyết cũng rơi vùn vụt, nhìn qua cửa kính thấy giống hệt như đang có một trận sao băng, sao sa trong đêm, muôn ngàn vì sao đang bỏ trời xuống trần thế.

    Có người lại ví với tuyết rơi như những đoản đao sắc bén đang vun vút lao tới đâm vào da thịt làm mình đau đớn.

    Nhưng có khi nào bạn đã biết cảm giác như bị một đàn kiến khổng lồ đốt đến tê điếng, đến dại người, chỉ vì tuyết không ?

    Đó quả là một kỷ niệm khó quên trong đời Y.

    Hôm ấy tuyết bắt đầu rơi từ xế chiều và mỗi lúc một nhiều hơn. Tin tức khí tượng đã báo động là Ô-Yuki tức là tuyết rơi nhiều. Người ở xứ tuyết như Hokkaido thường ..cười ..no bụng..vì chế riễu dân Tokyo, rằng hễ thấy trời tuyết lớn là dân Tokyo nháo nhác, đài truyền hình đưa tin cấp báo liên hồi ..như bị (tuyết ) phục kích, ..như sắp phải chạy loạn ( tuyết bay cuồng loạn ) .. về tình hình đưòng xá hay tại các phi trường. Cũng vì Tokyo ít có tuyết, nên các xe hơi thường không có sẵn xích cho bánh xe, các đường rầy bị tuyết phủ kín, không kịp đốt lửa cho các thanh sắt của đường rầy giãn ra, các ghi mở đóng sẽ không chính xác và sẽ đưa tới tai nạn. Lại còn nạn tuyết bám trên cành khô làm cành cây gẫy và rơi ngáng trên đường rầy. Mỗi lần tuyết rơi, các đường xe điện thường phải giảm bớt số chuyến xe, có những đoạn đường xe phải ngừng chạy vài giờ đồng hồ.

    Hôm đó đến giờ tan sở mà tuyết còn rơi. Đường tàu Odakyu-sen về nhà Y là con đường hay bị trục trặc nhất mỗi khi có tuyết. Ai cũng khuyên Y nên đi đưòng vòng, dùng xe điện ngầm rồi đổi sang đường Yokohama-sen, cũng về tới nhà được. Đường xe điện ngầm không bị trục trặc vì tuyết không rơi tới, nhưng khi tới ga Nagatsuta là ga chuyển sang đường Yokohama- sen chạy trên mặt đất, thì nào ngờ con đường này hoàn toàn không chạy được nữa . Nhân viên hoả xa đang lo đi kiểm soát lại các chỗ mở đóng ghi trên đường tàu. Nhà ga gọi loa loan báo khuyên hành khách nên tìm các phương tiện khác như tắc xi hay xe buýt, vì không biết tới chừng nào xe điện mới có thể chạy trở lại.

    Nagatsuta thực ra cách ga nhà Y chỉ hai ga, bình thưòng chưa tới mười phút là tới ga nhà. Y nghĩ là mình nên đi xe buýt về nhà, bèn đi tìm chỗ xếp hàng. Không ngờ dòng người này cũng dài vài trăm thước. Bến xe buýt ở trước cửa ga xe điện, dòng ngưòi dài đến nỗi cái đuôi vắt lên cầu thang đi lên tầng hai của nhà ga và cuộn thành mấy vòng tròn như đám rước rồng rắn, ngay trong nhà ga. Dòng người mỗi lúc được nối thêm thành nhiều vòng hơn, vì người từ các chuyến xe điện ngầm cứ đổ ra tiếp, mà nghe đâu xe buýt chạy trên đưòng tuyết thì chậm như sên, mãi mới có một chiếc vòng trở lại đón lượt khách khác.

    Y bắt đầu đói và khát vì đã hơn 10 giờ tối, đành bỏ hàng đi gọi điện thoại về nhà và mua nước uống. Bây giờ chỉ còn có các máy bán hàng tự động. Hỡi ôi, khi tìm thấy máy bán hàng thì máy đã bán hết tự bao giờ. Y gọi điện thoại về nhà cho biết tình hình, chồng khuyên nên đi tắc xi cho mau, nhưng ở đó dòng ngưòi xếp hàng chờ tắc xi cũng dài quá, Y đành quay trở lại xếp hàng chờ xe buýt.

    Đến một giờ khuya nửa đêm Y mới tiến đến gần bến xe búyt ở ngoài trời. Khi còn ở trong nhà ga thì chỉ mệt và buồn ngủ, nhưng khi ra khỏi toà nhà thì bắt đầu lạnh vì gió và tuyết. Đứng như chôn chân trên tuyết và trên những vũng tuyết đang tan thành nước, đế giầy mỏng dính cũng giá buốt như một lớp băng, cái lạnh thấm vào bàn chân, mười đầu ngón chân tê cóng. Cứ thế, có lẽ gần hai giờ sáng Y mới lên được xe buýt, và về tới ga nhà.

    Bến xe buýt rất xa bến xe tắc xi, và nghĩ tới chuyện lại phải xếp hàng chờ xe tắc xi, Y bèn lấy xe đạp để về cho mau. Tuyết đã ngừng rơi từ lâu.

    Leo lên xe đạp rồi Y mới biết là tuyết rơi dầy quá, không thể nào đi xe đạp trên lớp tuyết đọng lại ở hai bên đưòng. Nếu đi ra giữa đường trên vết xe hơi, thì lớp tuyết đó lại rất trơn trượt. Chỉ còn một cách duy nhất là dắt xe đạp lội trong tuyết.

    Hai chân Y đã lạnh đến tê dại, Y không còn biết là Y dắt xe hay xe dắt Y. Y có thể dựng xe khoá lại để tạm bên đường, bình thưòng đi bộ chỉ chừng mưòi phút là về tới nhà. Nhưng nếu không có chiếc xe để dựa vào thì có lẽ đêm hôm đó Y đã ngã quỵ xuống giữa đường vì mệt. Về tới nhà, đã quá ba giờ sáng .

    Những hôm trời lạnh, vừa về tới nhà Y thường ngâm chân trong chậu nước nóng cho ấm người. Hôm đó , hình ảnh chậu nước ấm cũng là hình ảnh duy nhất đầy ắp trong tâm trí Y khi đang lội trong tuyết trên đường khuya.Tuyết rắng xoá khắp nơi, cảnh sắc có lẽ rất đẹp, nhưng Y chỉ nghĩ đến chậu nước nóng.

    Y có một tấm thảm tròn xinh xắn để đặt chậu nước, và một chiếc ghế mây nhỏ có tựa hẳn hoi để đặt lên chiếc thảm đó. Khi ba đến chơi, mỗi buổi đi chơi xa về, Y thường sắp sẵn chiếc ghế trên thảm tròn và lấy sẵn khăn để trên bàn bên cạnh, để lau khô sau khi ngâm chân. Em gái Y nói đùa rằng đó là một nghi thức trịnh trọng như lễ tẩy trần.

    Nhưng tối hôm đó thì không có nghi thức nào cả, Y chạy vội vào nhà tắm mở vòi nước ấm đổ đầy chậu

    Khi Y vừa nhúng đôi chân giá buốt của mình vào chậu nước nóng..thì có lẽ phải gọi đó là lễ tế thần kiến chăng ...

    Y giật bắn người và vội rút chân ra khỏi chậu nước nóng, nhưng đã quá muộn. Có hàng triệu con kiến đỏ đang cắn ..đốt từng vi quản li ti trong hai bàn chân, khiến Y suýt ngất đi vì đau đớn, tay ghì chặt vào thành bồn tắm, nhắm nghiền mắt lại.

    Y tưởng chừng như hai bàn chân lạnh như tuyết của Y đang bốc khói khi vừa chạm vào nước nóng, giống như miếng dry ice bỏ vào cốc nước đang sủi bọt kêu xèo xèo và bốc khói. Mỗi lần mua bánh kem có kèm theo dry ice giữ lạnh, Y vẫn làm như vậy cho con xem.

    Hai bàn chân của Y cũng đang cháy bỏng rát, Y muốn đôi chân mau tan thành khói để được giải thoát ..

    Lát sau cơn đau dịu lại. Đàn kiến đỏ giãn dần giãn dần rồi cũng bỏ đi, tha cho đôi bàn chân tội nghiệp.

    Đó là một kỷ niệm nhớ đời của một đêm lặn lội trong tuyết.

    Ngoài kỷ nịêm hãi hùng ấy ra, Y vẫn yêu tuyết, và hàng năm vẫn mong mau đến khi tuyết rơi..

              

              




    Quỳnh Chi
    (20/12/2005)

              
    http://chimviet.free.fr/truyenky/quynhchi/qychn058.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20032
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Kỷ niệm về tuyết

Bài viết bởi Hoàng Vân »

          





          
Trả lời

Quay về “Quỳnh Chi”