Măng tre - Takenoko - Katsura Beicho San Daime

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Măng tre - Takenoko - Katsura Beicho San Daime

Bài viết bởi Hoàng Vân »


  •           


              
    Măng tre
    __________________________
    Nguyên tác Takenoko của Katsura Beicho San Daime.
    Người dịch: Quỳnh Chi

              


              

              


    Một buổi sáng mùa xuân ở Kyoto.
    Mùa xuân cây cối đâm chồi nẩy lộc, trong các rừng tre người làm vườn lành nghề khéo léo tìm được những chồi măng thật non còn chưa nhú lên mặt đất. Mùa này măng tươi mà nấu với nước dùng bằng katsuo bushi (*) mới mềm và ngọt làm sao, là một trong những món ngon không thua các món sơn hào hải vị khác.

    Trong ngôi nhà nọ, sau một hồi khoa gươm tập luyện trước sân, áng chừng đã thấm mệt, võ sĩ cất tiếng gọi người nô bộc.
    • -Này, Bekunai!
      -Thưa cậu, con đây ạ.
      -Cơm trưa hôm nay có món gì hả?
      -Dạ, có món măng ạ.
      -Chà, măng thì ngon quá. Của ai gửi biếu nhà ta hả?
      -Dạ… Không có ai gửi biếu đâu ạ.
      -Nếu thế thì mới đi mua ở hàng rau về à?
      -Dạ ….Cũng không phải là đi mua ở hàng rau đâu ạ .
      -Không đi mua, cũng không phải là quà biếu, làm sao nhà ta lại có măng được, hả?
      -Dạ không, đó là măng từ gốc tre nhà hàng xóm trổ sang vườn nhà ta, nên con đào được đấy ạ.
      -Hừ ! Sao nhà ngươi lại làm thế ! Cổ nhân đã dạy rằng
      • "Dù khát cũng không uống nước ở đất Đạo Tuyền (**)".
      Sao lại có chuyện tự tiện đào măng của nhà hàng xóm. Không được!......
      Nhưng nói vậy thôi, lẽ ra là vậy! Xong ta cũng thích những trò như thế.

    Bekunai thở phào..
    • - Ồ không ngờ là cậu cũng …
      -Nhưng dù sao cũng phải nói với nhà hàng xóm một tiếng. Bây giờ ngươi hãy đi ngay sang bên ấy..
      -Bẩm vâng, nhưng con phải sang nói với họ thế nào ạ?
      -Ừ..Ngươi hãy sang nhà họ mà bảo rằng
      • "Măng bên nhà tôn ông dám lẻn sang nhà chúng tôi. Thật không còn kỷ cương rường mối gì nữa, đảo lộn hết cả. Nếu phải thời Chiến quốc thì như thế là đồng tội với gian tặc đấy ạ. Nên chúng tôi đã trói lại, định sẽ xử trảm. Xong cũng xin sang thưa trước với tôn ông cho rõ đầu đuôi sự tình."
      Hãy sang nói với họ như thế. Ở nhà ta sẽ chuẩn bị sẵn katsuo bushi để làm nước dùng nấu măng ..

    Bekunai vừa đi vừa lẩm bẩm lấy làm thú vị lắm. "Chủ nhân của ta nghĩ ra cách này hay thật. Hà hà ..Mình sẽ làm bộ hớt ha hớt hải chạy sang nhà bên ấy..Rồi mình sẽ kêu toáng lên .."
    • -Ối thật là hết chỗ nói rồi, thật là không còn kỷ cương rường mối gì nữa, đảo lộn hết cả rồi ạ ..
      -Chú Bekunai ở nhà bên đấy à? Có chuyện gì mà chú hớt ha hớt hải thế?
      -Dạ, măng bên nhà tôn ông dám lẻn sang bên nhà chúng tôi. Nếu phải thời Chiến quốc thì như thế là đồng tội với gian tặc, nên chủ nhân chúng tôi đã bắt trói và sẽ xử trảm. Xong chủ nhân cũng sai tôi sang thưa trước đầu đuôi sự tình với tôn ông, cho phải phép ạ.
      -Ồ, măng càn dở quá nên đã làm thế, bị xử trảm là chuyện chẳng đặng đừng. Xong hài cốt thì xin trao về cho chúng tôi để chôn cất.
      -Tôn ông nói gì thế ạ, muốn đem hài cốt về à.. Chúng tôi đã chuẩn bị katsuo bushi nấu nước dùng rồi ạ..
      -Vậy thì xin cho chúng tôi cả nước dùng cũng không sao cả ..

    Bekunai vừa ra về vừa khẽ lẩm bẩm "Bên này họ cao tay hơn rồi."
    • -Dạ thưa cậu, con vừa sang nhà họ về đây.
      -Thế họ nói sao?
      -Họ nói
      • " Măng là đứa dở hơi đã làm thế nên phải tội chết là chuyện chẳng đặng đừng..Nhưng thi hài thì xin trao về cho chúng tôi để chôn cất."
      Con mới bảo là nhà ta đang chuẩn bị katsuo bushi nấu nước dùng dashi đợi sẵn ở nhà rồi, thì họ lại bảo
      • "Vậy thì xin cho chúng tôi cả nước dùng dashi cũng không sao cả"..
      -Hừ, kẻ địch này cũng ghê gớm chẳng vừa nhỉ….Ngươi hãy sang nhà bên ấy một lần nữa, bảo họ rằng
      • " Măng là đứa càn dở nên bên này đã chém đầu, xác được tẩm liệm chôn cất cẩn thận trong dạ dày rồi, có lẽ đến ngày mai thì xương cốt sẽ đưa ra ngoài gò bãi. Còn đây là di vật của măng.."
      Hãy đem mấy cái vỏ măng này sang cho họ.

    Bekunai mới xếp vỏ măng đã bóc lên khay, trịnh trọng đem sang nhà hàng xóm.
    • -Xin chào tôn ông.
      -Ờ, chú Bekunai đó hả, thế măng với nước dùng đâu?
      -Dạ, không có ạ. Chủ nhân chúng tôi bảo
      • "Măng là là đứa càn dở nên đã bị ta chém đầu, xác được tẩm liệm chôn cất cẩn thận trong dạ dày rồi, có lẽ đến ngày mai thì xương cốt sẽ được vùi nơi gò bãi ngoài đồng. Dạ, còn đây là di vật của măng, chủ nhân chúng tôi bảo đem trao cho tôn ông đây ạ."




    (16/2/2019)
    Quỳnh Chi phóng dịch Takenoko, truyện hài Rakugo của Katsura Beicho San Daime

    (*)
    katsuo bushi: thăn cá thu ngừ phơi khô rồi bào mỏng,
    (**)
    Có lần Khổng Tử khát nước, nhưng đang đi qua một nơi có tên là Đạo Tuyền (盗泉), thì vì tên này ý nghĩa không hay, nên đành chịu khát chứ không uống nước ở đấy.





              
    http://chimviet.free.fr/vannhat/quynhch ... gTre_a.htm
Hình đại diện
NTL
Bài viết: 1332
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 14:20

Re: Măng tre

Bài viết bởi NTL »

*

Ha... truyên ni vui hết biết luôn.
Thiệt mấy bực trượng phu hảo hớn thời nớ nói năng tưởng như nghiêm trang, té ra là họ đang đùa cợt nhau.
Chỉ tội nghiệp cậu người làm, đi qua đi lợi mần nghề sứ giả ! Thiệt cái tình.

Bữa trước biết dịch giả Quỳnh Chi người bắc nên hết nhận lầm người.
Tui cứ yên trí cổ là một người quen biết cũ, Tôn Nũ Quỳnh Chi, con gái ông Tôn Thất Dương Ky.
Kể ra cho mấy em gái em trai biết.
Tôn Thất Dương Ky là thành phần thứ ba thời đệ nhất cộng hoà, cùng đám với các nhà trí thức thiên tả,
trong đó có ni sư Huỳnh Liên, hoạt động chống đối chánh phủ đương nhiệm (không nhớ có Huỳnh tấn Phát trong trỏng hông nữa nha - trí nhớ tui chừ mù mờ ráo rồi)
Sau tết mậu thân, chánh quyền ông Diệm bắt nguyên đám, mang ra tận cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, rồi đẩy nguyên bọn lên cầu cho sang hết bên kia. Nghe nói sang bên bển rồi, đám nọ trắng mắt ra nhưng đã muộn và im thin thít, hết chống hết đồi chi nữa.
Hồi ông Tôn Thất đi rồi thì hai cô con gái ông, tôn nữ quỳnh chi và tôn nữ quỷnh uyển dốc lòng hoạt động trong tổng hội sanh viên với Huỳnh Tấn Mẫm và Nguyễn Trong Nho, tới hồi đảo chánh thành lập đệ nhị công hoà thì tui hết biết thêm chi nữa ráo.

.
Make the long story... short !
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Măng tre

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           


    dà .. QC còn có tên là Dương thị Tuyết Minh ..
    Theo những gì ta có thể gạn đoán được từ những tự truyện của QC, thì Bố QC có job ở miền Trung, vào thời gian của cuộc di cư Bắc-Nam. QC lớn lên ở Hội An, đi du học Nhật vào thập niên 60-70, lập gia đình và ở luôn bên Nhật từ đó.

    Văn và lối suy nghĩ của QC rất là nhẹ nhàng, dễ thương .. :flwrhrts: ..
    Tôi bắt đầu để ý đến QC khi đem truyện dịch La Sinh Môn về nhà Nam .. :pntfngrri: La Sinh Môn


              

    :flwrhrts:
Hình đại diện
NTL
Bài viết: 1332
Ngày tham gia: Chủ nhật 17/05/15 14:20

Re: Măng tre

Bài viết bởi NTL »

*

Tui đọc đi đọc lợi chuyện măng tre, lần nào cũng cười lớn tiếng ráo, rồi nhận ra một điều...
Hai ông quân tử nhựt nọ hóm hỉnh hết biết, chớ họ hổng có ý thâm trầm sâu sắc chi với nhau ráo trọi, cũng vì ở không hưỡn quá nên mần màn mang chữ nghĩa thánh hiền ra đùa nghịch cùng nhau.

Chuyện người quân tử không uống nước Đạo Tuyền là chuyện thời Khổng Tử bên tàu, rồi chuyện này chạy lung tung trong thế giới ảnh hưởng văn học trung hoa, trong đó có VN và Nhựt bổn. Đạo Tuyền và Ta lôi là hai địa danh hàm ý bất lương đạo tặc, nên rồi người đạo đức phải tránh cho xa, nước uống thức ăn phát xuất từ nơi đó không đụng vào (nếu chuyện đói khát chưa cực kỳ làm nguy hiểm tánh mạng - đây là phụ chú thêm của quân tử dziệc)

Truyện có là vì bụi tre nhà ông này trồng sát bờ rào nhà ông kia, rồi nó trồi sang vườn bên bển và cho búp măng non.
Chú tiểu đồng mới hái măng dìa tính nấu súp cho chủ. Chủ chú cũng khoái măng nấu súp, không nấu khơi khơi nhưng phải có... bột nêm, chicken powder cho dậy vị. Mà rồi vì là quân tử nên mới thông báo cho ông hàng xóm việc này đúng đạo đức thành hiền.
Ông kết búp măng vào tội xâm phạm gia cư thiếu giấy phép, ghép án hình nên trói gô tống ngục tối chờ hành quyết.
Hàng xóm ông đồng thuận với bản án này, chỉ xin nhận lại xác tội đồ và mai táng nó.
Tên tiểu đồng ngây thơ, thông tri món bún măng nấu súp gà của chủ đã đâu vào đó cả rồi.
Hàng xóm bèn xin lợi xác và cả nước dùng luôn thể, nhưng lại cứ vẫn bị chối từ... rằng xác măng sẽ được an táng trong dạ dày, ngày mơi ngày mốt xương thịt sẽ rữa ngoài đồng nội. Và vì tình láng giềng, nên an ủi ông láng giềng bằng cách trả về đám vỏ ngoài coi như kỷ còn lợi.

Truyện chỉ có vậy thôi heng, mà tức cười quá xá, cái cách đối đáp qua lợi giữa hai hiền nhơn quân tử nhựt lùn.
Té ra chuyện "ị đồng" xứ nào cũng có, và là một trong bốn thú cao sang (trong đó y hình tắm sông đứng đầu bảng)
Tướng công đọc truyện ni xong thì đực ra hổng hiểu vì sao phu nhơn chả cười. Cũng bởi các tư tưởng lớn tuyền ngó các thú cao sang lớn. nên hiểu hổng ra thú cao sang nhỏ của giai cấp bần cố nông hạ tiện như vợ nhà.
Tại vậy nên... đông cứ là đông và tây cứ là tây, chuyện hội tụ coi như không tưởng.
Cùng cách suy nghĩ ấy, T cứ là T, và B cứ là B, so sánh T-B bây giờ sẽ là so sánh khập khiễng, vì triều đại B mới chỉ bắt đầu, gia tài thừa hưởng là một bãi rác covid to đùng, thây người chất đống thành núi thành gò. Lỗi ấy dĩ nhiên từ trời rồi, nhưng lỗi người, suy xét một chập, hẳn không nhỏ... lắm !
Và đây chỉ là cách diễn ý của đứa tiểu nhơn !
:lol2:

*
Make the long story... short !
Trả lời

Quay về “Quỳnh Chi”