Con gái

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Con gái

Bài viết bởi Hoàng Vân »


  •           


              
    Con gái
    __________________________
    Quỳnh Chi _ 29/8/2007




              
    What are little girls made of, made of?
    What are little girls made of?
    Sugar and spice, and everything nice,
    That's what little girls are made of.


    What are little boys made of, made of?
    What are little boys made of?
    Snips and snails, and puppy dog tails,
    That's what little boys are made of.


    (Mother Goose Songs, What Are Little Girls Made Of? What Are Little Boys Made Of?)

    Con gái được nặn bằng gì ?
    Bằng đường, gia vị những gì dễ yêu
    Con trai nặn bằng ốc bươu
    Bằng đuôi chó cún với nhiều mảnh chai…
    ( Quỳnh Chi phỏng dịch )

              

    Y nhớ hồi mới sinh con, đi tìm thử mấy bài hát ru em của các nước, thì thấy trong Mother Goose Songs có bài hát so sánh con trai và con gái tựa đề
    What Are Little Girls Made Of? What Are Little Boys Made Of?
    , đã phải bật cười vì sự so sánh ngộ nghĩnh trong bài hát. Y bỗng nhớ tới cậu em trai của mình, lúc bé thì cứ bốc sỏi cát bỏ vào miệng, còn đang học tiểu học đã dám lặn xuống đáy hồ sen, và nghe đâu bạn bè mách mỏng là cậu còn dám ăn cả cào cào với châu chấu ! Eo ơi, vậy thì người ta có viết là
    Snips and snails, and puppy dog tails,
    That's what little boys are made of.
    cũng không oan đâu !!??



    Y nhớ ngày bé, con trai của Y có đôi chân thật khỏe, mới 9 tháng cậu đã leo xuống khỏi chiếc ghế có bệ ngồi thật cao dành cho baby, hay leo lên ghế đẩu đặt trước bồn rửa mặt để vọc nước mà cười thích thú. Cậu thích bò vào nhà bếp, mở ngăn trái cây hoa quả của tủ lạnh, lấy cà chua ra cắn lấy cắn để, dù hai hàm lợi mới nhú vài cái răng sữa. Một hôm Y đang đẩy xe cho con đi dạo trong xóm, mẹ còn đang mải ngắm hoa, lát sau quay lại thấy cậu con trai đã leo xuống khỏi chiếc xe đẩy từ hồi nào, và đang bò giữa đường. Cậu bé ngoảnh lại, nhìn thấy mẹ còn nhoẻn miệng cười, rồi cắm đầu cắm cổ bò đi tiếp như chưa gì đã muốn bỏ trốn khỏi vòng tay của mẹ, để được tự do bay nhẩy. Con trai là thế đó !

    Các cậu thường thích cháu trai, nên con trai của Y thường nhận được quà đồ chơi nào xe đua, xe điện, đường tàu, nào súng bắn nước, nào đồ chơi điện tử. Các dì ai cũng thích cháu gái, đua nhau mua nào áo, nào mũ, nào giầy tặng cho cháu gái, nên mấy cô cháu gái có cả một tủ áo đẹp như tủ áo của búp bê. Lại còn cặp tóc gắn đủ thứ ngọc giả, giải băng buộc tóc đủ màu, máy uốn sấy tóc đủ kiểu, có khi quà cáp leo thang tới mức hoa tai nhẫn vòng vàng châu ngọc.

    Đó mới là sự khác biệt bên ngoài giữa con trai và con gái. Y thương nhất là mỗi khi tới thăm các em thì cháu trai cứ bỏ chạy ngoài vườn ngoài đường, chẳng mấy khi lại gần, còn cháu gái thì cứ quấn quýt bên mình. Trước khi đi sang thăm thì ôi thôi cháu gái gửi mail tới tấp ngày đêm thúc hỏi. Sáng trưa chiều tối cô cháu cứ hỏi đi hỏi lại mãi mấy câu
    • - Cháu nhớ bác quá.
      - Cháu mong bác mau tới chơi.
      - Chừng nào bác tới chơi với cháu ?
    Đi về rồi thì lại mail tới tấp hỏi tiếp
    • - Cháu nhớ bác quá.
      - Chừng nào thì bác lại sang thăm cháu lần tới ?
      - Cháu mong bác lại sang chơi
    Y nhớ lúc sắp ra phi trường để trở về, mấy cháu trai thì ôm chào một cái rồi bỏ đi mất, trong khi từ đêm hôm trước mấy cô cháu lớn đã giành soạn va ly cho Y, còn cô cháu bé nhất nhà là TA thì cứ thơ thẩn đi ra đi vào hay đứng tựa vào chiếc va li của Y, lâu lâu lại ôm chầm lấy Y không muốn rời xa.

    Y đâu có thể đi thăm gia đình, thăm cô cháu mỗi mùa hè, và năm ấy đúng vào mùa hè con trai Y đi học xa vài tháng, chồng cũng đi vắng, em gái của Y bằng lòng gửi TA mới lên mười tuổi sang ở chơi với Y cho vui.






    Lần đầu tiên trong nhà có con gái, cái gì cũng khác hẳn.
    Ngày đầu tiên hai bác cháu cùng đi ra phố, vào cửa hiệu quen nào người ta cũng hỏi thăm và bảo :
    • - Nhìn như hai mẹ con.
    Cũng có khi vào một cửa hiệu không quen, thì các cô bán hàng ở đó lại trầm trồ
    • - Hai mẹ con giống nhau như đúc !
    khiến cho cả Y lẫn TA đều thích thú. TA khá lớn, tuy mới mười tuổi mà đã cao gần bằng Y. Khi con còn nhỏ, dắt con ra phố, thỉnh thoảng Y và con cũng được khen là hai mẹ con có nét giống nhau, nhưng tâm trạng của Y lúc đó hơi phức tạp. Trong thâm tâm Y muốn con trai giống bố hơn, vì một cậu con trai như một phiên bản của bố nhìn cũng rất kháu khỉnh và ngộ nghĩnh. Còn bây giờ, đây là lần đầu tiên Y được đi cạnh một phiên bản hờ của mình, lần đầu tiên Y biết được niềm vui có con gái.

    Có hôm Y để TA ở nhà, hẹn đi chợ chừng nửa giờ sẽ về. Khi Y vừa về tới nhà, trễ chừng mươi phút, cô bé chạy ra cửa reo lên mừng rỡ
    • -Bác ơi, cháu thấy quá nửa giờ rồi mà bác chưa về, cháu lo quá. Bác có làm sao không ? Bác xách có nặng không, để cháu đem mấy cái túi này vào bếp cho bác nhé !
    Ôi con gái sao mà dịu dàng đến vậy ! Con trai của Y chịu ảnh hưởng nếp sống của Nhật, tuy rất hiền, nhưng vẫn còn chưa biết săn sóc mẹ như vậy đâu.

    Hai bác cháu xách mấy giỏ thức ăn vào bếp, Y ra bàn ngồi nghỉ, cô bé liền mở quạt máy, xoay quạt lại về hướng Y:
    • - Cháu mở quạt cho bác nhé. Bác đã thấy bớt nóng chưa ạ ?
    Y cảm động gật đầu:
    • - Bác cảm ơn cháu. Ôi mát quá ! Mà này TA này, mình ra tưới cây cho mát nhé ?
    Y đứng dậy ra vườn, cô cháu cũng đi theo. Vườn hẹp chạy dọc theo chiều sâu của căn nhà, Y mở vòi cho nước chảy mạnh qua đoạn giây nối vào vòi phun thành hoa sen. TA chạy tới chạy lui, mỗi khi vòi nước suýt rơi lên người, cô bé cười rộ lên vừa bỏ chạy vừa nói
    • - Bác đừng tưới cháu chứ, ướt hết cả áo cháu sao.
    Y đùa :
    • - Để bác tưới luôn cái hoa TA kẻo nắng quá hoa héo mất.
    và giả bộ lại hướng vòi nước về phía TA.
    TA bỗng reo lên, cuống quýt, quên cả nói tiếng Việt :
    • - Wait ! Wait for a minute ! Please !
    TA chạy vội vào nhà, và Y nghe có tiếng cửa phòng đóng chặt lại. Lát sau, cô bé trở ra nhảy nhót trong bộ áo tắm, cất tiếng cười khanh khách trêu ngươi :
    • - Cháu thay áo tắm rồi nè ! Cho bác tha hồ tưới cháu nè !
    Cô bé vui thích chơi trò tưới hoa giống như trẻ nhỏ ở Việt nam vẫn chơi tắm mưa. Lúc thì TA than nước lạnh và bỏ chạy, lúc lại nhào tới hứng nước mưa. Tiếng cười khúc kha khúc khích vang lên trong bụi hoa. Y chợt nhớ và tiếc là khi con trai còn bé, Y chỉ biết lấy nước vào hồ bơi giả làm bằng nylon rồi kê một đầu cầu tuột bằng gỗ vào chậu cho con trượt xuống giả làm bể bơi, mà đã quên khuấy mất trò tắm mưa. Cô cháu này là gái mà cũng biết nghịch tắm mưa, đúng là tính nghịch ngợm láu lỉnh cũng hay có nơi những cô gái Việt Nam thông minh lanh trí.

    Tưới cây xong Y vào bếp nấu cơm. TA lại theo sát bên cạnh Y như hình với bóng, xin phụ bếp, nào tước đậu ván, nào rửa rau. Rồi dọn chén đĩa ra bàn. Cô bé cẩn thận bầy biện ngắm nghía sao cho cân đối, và có ý muốn bắt chước cách bầy bàn ăn theo kiểu Nhật của Y, luôn miệng hỏi :
    • -Bác ơi, bác để chén canh bên phải hay bên trái ?
      Mỗi người một chén nước mắm, một cái đĩa nhỏ nữa phải không ạ ?
      Chén nước mắm thì để chỗ nào ạ ?
    Mỗi lần nghe TA hỏi, Y lại cảm thấy như mình vừa khám phá ra một thế giới mới mẻ của con gái. " Ra thế ! Con gái là như vậy, để ý tỉ mỉ từng chút một ", rồi Y lại cười tự chế nhạo mình " Mình cũng đã từng có một thời như vậy mà, thế mà lâu ngày đã quên bẵng đi mất ! "

    Sau bữa cơm, TA phụ Y bưng chén đĩa vào bếp, và đứng chờ một bên, đón lấy từng cái chén đĩa đã rửa sạch trên tay Y để lau khô và xếp vào tủ. Y hỏi
    • - Ở nhà cháu vẫn giúp mẹ phải không ?
      - Vâng, cháu với chị cháu chia nhau giúp mẹ.
      - Thế còn anh cháu ?
    TA đáp thản nhiên:
    • - Dạ anh cháu thì ở trong phòng chơi game ạ.
    Y nghĩ thầm:
    • - Tưởng là mình ở Nhật và con một, nên đã quên không cho con trai vào bếp, ở Mỹ thời này mà cũng vậy ư.
    Như thể là đã đọc được ý nghĩa trong đầu Y, TA lại hồn nhiên nói tiếp
    • - Anh cháu mà vào bếp thì mẹ cháu đuổi ra, bảo là anh vào bếp thì chỉ có ..lục lọi có cái gì ăn được, hay là làm vỡ bát đĩa của mẹ cháu thôi !
    Y bật cười, à ra thế. Mấy ông con trai mới lớn thì hay ăn như cọp, tay chân khuỳnh khoàng đi đứng hùng hổ, ào ào như cơn gió lốc tạt qua. Con gái ăn uống nhỏ nhẻ như con mèo con, tay chân mềm mại. Cách xếp bát đĩa của TA thật là dễ thương : nhẹ nhàng, cẩn thận không thua người lớn.

    TA xếp bát đĩa xong thì nhắc Y :
    • -Bác muốn cháu làm bánh môchi cho bác xem không ?
      Mẹ cháu dặn cháu nhớ làm bánh môchi cho bác, cách làm của mẹ cháu dễ lắm.
    Môchi là bánh dầy của Nhật, phải đồ gạo nếp cho chín,rồi đem giã mất công lắm. Người Nhật thường mua bánh này ở hiệu bánh Nhật. Ngày nay người ta cũng có chế ra máy làm bánh môchi cho những ai quá thích loại bánh này có thể tự làm lấy ở nhà. Em gái Y cứ tưởng là Y hay con trai Y cũng thích bánh môchi ! Thực ra thì không phải vậy. Nghe TA nói Y chỉ hờ hững gật đầu.

    TA lấy gói bột và các thứ thuốc màu đem theo bầy trên bàn, rồi hỏi nào rây để rây bột, nào cốc đong bột, nào bát đựng bột, nào khuôn bánh, nào cân để cân đường v.v. cứ như một người làm bánh rất thành thạo. Y dẫn TA lại mở tủ bếp. Đúng lúc đó có tiếng điện thoại reo,Y nói vội
    • - Cháu cần thứ gì cứ lấy trong này ra nhé.
    Rồi chạy ra nhấc máy lên nghe. Hóa ra đó là một bà bạn, có nickname là .."đài phát thanh", vì bà rất nhiều thông tin và nói chuyện lâu hàng giờ không dứt. Y nói thật khẽ dặn dò TA
    • " Cháu cứ làm đi nhé"
    rồi cầm máy đi sang phòng khác, vì ngại bà bạn sẽ tò mò hỏi han rồi sau đó sẽ kể vanh vách cho người khác nghe, nếu lỡ bà nghe được tiếng của TA hỏi Y điều gì. Bà này cũng là người tốt bụng hay hối thúc và thắc mắc tại sao Y không sinh thêm một đứa thứ hai để có "đủ trai đủ gái ", theo lời bà. Bà cứ làm như nhất định hễ sinh con trai rồi thì lần sau sẽ sinh con gái ! Nếu biết Y mượn con gái của em, thế nào bà cũng lại nửa mắng yêu nửa đay nghiến
    • " Ai bảo lười, người ta đã khuyên phải sinh thêm một đứa nữa mà không chịu nghe ".


    Và quả nhiên, bữa nay "đài phát thanh" vẫn lại phát thanh đủ mọi tin tức tới cả giờ sau mới chịu ngưng.
    Tắt máy rồi Y mới xuống phòng ăn xem thử cô cháu đã làm tới đâu, thì thấy TA mặt mũi tay chân dính đầy bột và thuốc màu sặc sỡ, đang hý hoáy tiếp tục đổ bột vào khuôn, mặc dù trên bàn đã bày kín la liệt tất cả bộ khuôn bánh đến hàng mấy chục cái của Y, mỗi khuôn một cái bánh môchi nhuộm màu, xanh đỏ tím vàng. Lúc này TA giống như một đứa bé đang ngồi vẽ phấn màu xanh đỏ đầy lên mặt bàn, lên tường, lên sàn nhà, hay đang nặn đất sét có pha đủ mầu. Y kêu lên thảng thốt
    • - Cháu làm gì mà nhiều bánh thế này, làm sao ăn cho hết !
    TA ngửng lên, ra dấu chỉ tờ giấy để ở góc bàn, đáp:
    • - Dạ cháu làm đúng theo công thức của mẹ cháu chép đây ạ.
      - Đưa bác xem nào ?
    Y vội cầm lấy tờ giấy ghi bằng tiếng Việt :
    "Chị yêu mến,
    Đây là công thức làm bánh môchi cho các buổi party, khi làm để ăn ở nhà chị chỉ cần chia nhỏ phân lượng
    ..."
    - Thôi chết rồi ! TA không đọc, hay là chưa biết đọc tiếng Việt không chừng. Nhưng Y chỉ dám than thầm trong bụng, tự an ủi và nói cho TA yên tâm
    • - À, có lẽ mẹ cháu muốn mình làm nhiều một lần rồi cất vào tủ lạnh để ăn dần đấy cháu ạ.
      TA làm bánh giỏi quá !
    Trên mặt vẫn dính đầy bột và thuốc màu, TA nhoẻn miệng cười ngây thơ sung sướng.






    *
    * *

    TA có vẻ chú ý nhiều nhất là chiếc áo vải, sau lưng có thêu hình Peter Rabbit mà Y đã cho vào khung ảnh treo trong phòng. Khi con còn nhỏ, có lẽ các công ty ở Nhật còn chưa xin được bản quyền để dùng hình chú thỏ này trên các đồ dùng và quần áo của trẻ em, Y tìm mua không có, đã phải tự tay mình thêu lên lưng áo cho con. Sau đó, vì tiếc chiếc áo đã mất công thêu mà con chỉ mặc có vài lần, Y gửi cho các cháu. Có lẽ TA đã khoác chiếc áo này một vài lần, và sau đó em gái Y đã giữ gìn cẩn thận rồi gửi lại cho Y, dặn Y nhớ cho vào khung ảnh để giữ làm kỷ niệm. Không biết có phải là TA bỗng nhớ chiếc áo mà nó đã mặc hay không, nên hay đứng ngắm nghía. Thế rồi một hôm cô bé đột ngột đề nghị:
    • - Bác ơi, bác dậy cháu thêu áo đi. Cháu muốn biết thêu để thêu con thỏ này..

    Từ hôm đó TA bắt đầu học thêu. Ban đầu là tập cách thêu những đường thẳng. Đường lá cây, đường xương cá, đột thưa, đột mau, đột lùi, đột tiến, rua ..Bài học rua để làm ren này có vẻ khó, nhưng Y nhớ hồi đó mình bắt đầu học thêu cũng vào lứa tuổi của TA bây giờ. Nghe Y nói vậy TA lại cố gắng chăm chú đếm từng sợi chỉ vải để khâu vắt hai đầu lại cho thành những chữ I đều đặn của đường rua quanh khăn. Mới đầu TA ngồi ở sofa, sau đổi ra ngồi nơi chiếc ghế sát cửa sổ lớn cho sáng, suối tóc dài buông xuống ngang lưng. Đang chăm chú thêu, thỉnh thoảng TA vuốt mái tóc sang một bên để khỏi lòa xòa xuống khung thêu, dáng điệu ra vẻ như một cô thiếu nữ đến tuổi cập kê. Trên miếng vải trắng lớn bằng một chiếc khăn tay, Y đã vẽ nhiều hình hoa cho TA tập thêu: hoa hồng, hoa sen. Và bốn mép khăn là bài học rua chữ I. Y bảo TA
    • - Khăn này là tác phẩm đầu tiên của TA. TA sẽ giữ dùng nhé .
    Y định nói " Để nhớ bác ", xong hơi ngượng nên dừng lại. Nào ngờ TA lắc đầu :
    • - Cháu sẽ thêu cái khác cho cháu, còn khăn này cháu sẽ để dành tặng mẹ cháu. Hôm qua điện thoại cho mẹ, cháu đã hứa rồi.
    Y bỗng thấy đau nhói trong tim, và một nỗi buồn vu vơ dâng lên ngập lòng, hai mắt đã bắt đầu nhòa đi. Y biết mình quyến luyến cháu gái và thèm có con gái biết là bao. Con gái sao mà dễ thương đến vậy.

    Hồi đó con trai của Y hay lắc đầu quầy quậy phản đối mỗi khi Y muốn cho con có em. Cậu bé thấy các em của bạn đến nhà hay làm rời rụng bộ đường xe lửa mà cậu đã mất công lắp nên rất ghét em bé. Cậu bé hay nói
    • - Con không thích em,
      mẹ sinh anh hay chị cho con !
    Còn hễ Y dỗ
    • " Mẹ sinh em gái, con gái không thích chơi đường tàu điện, không phá đường tầu của con đâu "
    thì lại càng bị cậu bé phản đối mãnh liệt hơn, vì hồi đó cậu bé đang ghét MT, chị của TA, vì rất nhiều chuyện, toàn chuyện trẻ con !

    Y gượng cười bảo TA
    • - Phải đấy, mẹ cháu sẽ vui lắm đấy. Vậy TA cố thêu cho đẹp nhé. Rồi bác vẽ cho TA một cái khăn tay khác để cháu thêu cho cháu nhé.
    TA lại nói tiếp
    • - Một cái khăn cho cháu ..Vâng, bác vẽ cho cháu nhé.
      À, mà bác phải vẽ thêm cái khăn nữa, để cháu thêu biếu bác nữa.
    Lần này thì Y vừa cười vừa khóc, và ôm lấy TA hôn lấy hôn để.






    *
    * *

    TA đến chơi lần ấy đã lâu rồi. Trong phòng của Y có hai bình thủy tinh thật lớn đựng đầy những mảnh sò mà hai bác cháu đã nhặt trên bờ biển Yuhama gần Kamakura, và những cánh hạc cùng hàng trăm ngôi sao tí hon gấp bằng giấy origami của TA. Bắt gặp bất cứ mảnh giấy nào TA cũng cắt dọc ra và nhanh chóng xếp thành ngôi sao vì biết Y thích ngắm sao. TA lại bầy cho Y bài học thủ công mà cháu đã học ở lớp với cô giáo: đó là dùng các mảnh sò ấy dán lại thành hình những con vật để làm broche cài lên áo: nào chó, nào mèo, nào chim, nào rùa, nào bướm. TA đã đem về theo vài con giống, còn để lại cho Y một con bướm bằng vỏ sò óng ánh và mớ mảnh sò chưa dùng đến. Đêm đêm khi ánh trăng soi tới cánh bướm sáng lên mờ ảo khiến Y mơ màng tưởng chừng cánh bướm sắp bay lên và biến thành một nàng tiên có đôi cánh mỏng.

    Y còn nhớ mãi hôm đi thăm chùa Bạc ở Kyoto, khi lên dốc đồi, TA đã rối rít kêu lên :
    • - Bác ơi chụp ảnh cho cháu !
      - Bác đang chụp ảnh TA đây mà.
      - Không ! Không ! Không phải chụp ảnh cháu đâu. Con bướm ! Bác lại gần cháu bác mới thấy !
      - Con bướm nào ?
      - Con bướm nó đậu vào chân cháu bác ơi ! Con bướm này nó theo cháu nẫy giờ ! Chắc là cháu cầm tinh con bướm nên nó mới theo cháu !
    Ý tưởng ngộ nghĩnh của TA khiến Y cũng mơ mộng theo. Ừ nhỉ, tại sao không ? Trang Tử chẳng nói mình đã hóa bướm là gì ? Y bỗng chợt nghĩ, hay là TA đã được nghe bà ngoại kể chuyện Trang Tử rồi hay sao mà cô bé tưởng tượng như vậy.

    Tối hôm đó về khách sạn TA còn miên man kể đi kể lại mãi về con bướm đã đậu lên bàn chân của nó, và cô bé lấy tập giấy viết thư của khách sạn ghi chi chép chép mãi. TA ngủ say rồi, Y mở xem, thấy những giòng chữ của TA viết bằng tiếng Anh đại ý như sau
    "Hôm nay là một ngày đáng nhớ
    Có một con bướm đã đi theo tôi suốt trong sân chùa Bạc
    Từ nay, ngày này, 17 tháng 7 sẽ là ngày kỷ niệm của tôi với bướm
    Phải chi có tuổi con bướm thì tôi nghĩ có lẽ mình tuổi con bướm
    Tại sao không có tuổi con bướm ?
    Bướm bay đi khắp nơi nên tôi thích mình là bướm
    Phải chi mình là bướm "

              
    Biết đâu trong giấc mơ, TA đang mơ mình đã hóa bướm hay biến thành nàng tiên với đôi cánh mỏng như cánh bướm trong những chuyện thần tiên.

    Y nghĩ đến con. Đã lâu rồi, càng lớn con trai Y càng giống các thanh niên Nhật, không mấy khi còn tâm sự với mẹ hay nói cho mẹ biết những ý nghĩ của mình. Y than thở với mấy bà mẹ Nhật, thì họ nói rằng đàn ông nói chung là vậy chứ không phải chỉ riêng đàn ông Nhật mới không hay tâm sự với mẹ. Theo họ con trai thì như vậy và " phải " như vậy !
    Con trai là vậy ư ?
    Vậy thì con gái sao mà gần gũi và dễ thương đến thế !
              
    Và mỗi khi nhớ đến TA, Y lại nhớ tới bài hát
    What are little girls made of?.
    Ôi, con gái quả là
    Sugar and spice, and everything nice.

              





    DTTM (Quỳnh Chi), 29/8/2007.

    http://chimviet.free.fr/truyenky/quynhchi/qychn069.htm
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20010
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Con trai

Bài viết bởi Hoàng Vân »


  •           


              
    Con trai
    __________________________
    Quỳnh Chi _ 11/02/2011




              
    What are little girls made of, made of?
    What are little girls made of?
    Sugar and spice, and everything nice,
    That's what little girls are made of.


    What are little boys made of, made of?
    What are little boys made of?
    Snips and snails, and puppy dog tails,
    That's what little boys are made of.


    (Mother Goose Songs, What Are Little Girls Made Of? What Are Little Boys Made Of?)

    Con gái được nặn bằng gì ?
    Bằng đường, gia vị những gì dễ yêu
    Con trai nặn bằng ốc bươu
    Bằng đuôi chó cún với nhiều mảnh chai…
    ( Quỳnh Chi phỏng dịch )

              

    Hôm nay Y đi làm về rất sớm, vào buổi xế trưa. Tàu xe vào buổi trưa không đến nỗi chật cứng như sáng sớm là giờ đi làm, nhưng hôm nay Y không tìm được ghế trống, bèn đứng ở đầu một toa tầu, để có thể tựa vào cánh cửa ngăn giữa các toa tầu với nhau và chỗ ấy kín gió hơn là đứng gần cửa ra vào.

    Y để cặp sách lên giá hành lý phía trên hàng ghế ngồi, và cởi khăn choàng cổ cho bớt nóng vì trong tầu mùa này người ta mở máy sưởi rất ấm. Như một phản xạ tự nhiên, Y nhìn vào cánh cửa kính ngăn hai toa tầu để sửa lại mái tóc sau khi cởi khăn. Thường thường khi tàu đông người, phía bên kia cửa thường cũng có người đứng tựa vào đó, nên màu áo - nhất là các áo khoác màu đen hay xám sẫm - vô tình thành như lớp thủy ngân dưới đáy gương, các cánh cửa kính liền có công dụng như gương soi. Nhưng hôm nay không có ai đứng gần chỗ cửa ấy, Y không soi gương được, mà nhìn thấy suốt cả lòng toa tầu bên kia, có vẻ vắng người hơn toa bên này, hình như có một vài ghế ngồi còn bỏ trống. Từ đây về tới nhà khoảng nửa giờ, và tối hôm trước thiếu ngủ, Y cũng muốn mở cửa đi sang toa bên đó để ngồi nghỉ. Nhưng một hình ảnh bỗng đập vào mắt khiến Y chăm chú nhìn hồi lâu, quên cả chuyện mở cửa đi sang toa bên ấy.

    Đó là một cậu bé học sinh tiểu học, mặc đồng phục mầu xanh đậm, lưng đeo chiếc cặp sách như một túi ba lô bằng da đen bóng khá to nặng và cồng kềnh, đầu đội chiếc mũ lưỡi trai cùng màu xanh đậm, chân đi giầy đen và vớ đen ngắn đến cổ chân. Đây là bộ mũ áo đồng phục điển hình của các học sinh tiểu học tư thục ở Nhật. Trẻ em học tiểu học công lập thường đi bộ tới trường ở trong khu phố của mình, và không cần đồng phục. Chỉ các trẻ học tư thục mới mặc đồng phục, và mới đi xe điện để đi học, vì phần lớn đều ở xa ngôi trường mà cha mẹ muốn cho các em vào học.

    Các trường tư thục tiểu học không cho phép cha mẹ đưa đón con, mà buộc học sinh phải tự mình đi xe điện tới ga gần trường rồi đi bộ vào. Nếu trường học ở xa ga, còn phải đón xe buýt để vào trường, hoặc nếu đó là trường lớn có xe buýt riêng để chở học sinh, xe buýt của trường sẽ chờ đón học sinh vào trường cũng như đưa ra ga, sau giờ tan học.

    Khi con mới vào trường tiểu học T., Y và các bà mẹ cũng chỉ được phép đưa đón con trong tuần lễ đầu tiên mà thôi. Các bà mẹ được phép đi cùng tới ga gần trường và dẫn con tới trạm xe buýt của trường, cách đó vài trăm mét, để có thể biết rõ đường đi hầu căn dặn con mọi chuyện phải chú ý khi đi tầu xe, hay đi trên đoạn đường từ ga tới trạm xe buýt. Sau tuần lễ đầu, các em học sinh mới vào lớp một nhưng đã phải tự đáp tàu xe đi học một mình, cho dù có những gia đình ở xa trường đến 2 giờ tàu. Gia đình nào ở cùng ga, hoặc gần trường, và cho dù phần lớn các nhà Nhật đều có xe riêng, cũng không được phép đưa con đi học bằng xe nhà, mà trường quy định buộc học sinh phải đi bằng xe buýt công cộng tới trạm xe ở gần trường.

    Cậu bé học sinh đứng ở toa bên kia có vẻ cao khoảng chưa tới một mét hai ba chi đó, Y đoán cậu bé này học lớp ba hay lớp tư. Đường tầu nhà Y có khá nhiều trường tiểu học tư thục ở các ga dọc đường, buổi sáng sớm các cô cậu bé con này lọt thỏm vào giữa rừng người đi học đi làm, nhưng nếu lên tàu nhằm giờ tan học Y vẫn thường bắt gặp từng tốp học sinh tiểu học trong các bộ đồng phục xinh xắn.

    Gặp một cậu bé học sinh mặc đồng phục trên toa tầu thì có gì đáng để ý đâu nhỉ, nhưng hôm nay cậu bé con ấy đã khiến Y phải chú ý vì thấy thương quá là thương. Cậu bé đứng ngay giữa toa tầu, chỗ có cửa ra vào, mặc dầu hai dẫy ghế ngồi sát thành tầu vẫn còn chỗ trống. Thường thường ở Nhật các bà mẹ cũng hay bắt con đứng lên để nhường chỗ cho người lớn, chỉ các em nhỏ còn học mẫu giáo mới được ngồi. Có một số trường tiểu học tư thục nghiêm khắc thì cấm hẳn, không cho học sinh được ngồi ghế trên xe điện, cho dù lúc lên xe vẫn còn có ghế trống. Y còn nhớ khi con mới vào lớp một ít lâu, có hôm đi làm về, tình cờ trùng với giờ tan trường của con, thấy con và các bạn có vẻ mệt nhọc đang cởi chiếc cặp nặng trĩu sau lưng đặt xuống sàn tầu, rồi ngồi thụp xuống bên cạnh chiếc cặp, ở một góc toa tầu, mặc dầu gần đó có ghế trống. Bất giác Y tiến đến gần, định xách cặp lên cho con, thì con đã vội đứng lên, lắc đầu, xua tay, ra dấu cho mẹ đi sang toa tầu khác.

    Cậu bé hôm nay cũng vậy, cậu không được phép ngồi có lẽ là theo quy định của trường. Lúc đầu Y thấy cậu bé lảo đảo, ngỡ là chiếc cặp sách sau lưng quá nặng, mà con tàu có khi rung lên, nhồi lắc, khiến cậu đứng không vững. Người lớn như Y, dù không tựa được vào thành tàu hay cửa tàu, cũng có đủ chiều cao để nắm lấy những chiếc vòng buông từ trần xe - gọi là tsurikawa-, để khỏi bị ngã trong khi tàu chạy. Nhưng các cô cậu bé này không đủ cao để với tới chiếc vòng tsurikawa. Chỉ có một cách là đứng gần cửa để nắm vào các cột hay các thành ghế ở hai đầu dẫy ghế ngồi. Nhưng cũng có nhiều người hay đứng dựa vào các thành ghế này. Cậu bé đành đứng giữa toa tầu. Đến khi cậu bé quay mặt về phía Y, Y mới biết là cậu đang nhắm nghiền đôi mắt lại mà ngủ gà ngủ gật. Hai chân cậu đứng hơi cách nhau độ hai bước chân, có lẽ để giữ thăng bằng, nhưng cậu vẫn loạng choạng, đầu thì lúc gục xuống, lúc gật gù, lắc lư, lảo đảo như những người đàn ông đi làm về khuya say rượu. Có lúc cậu bé ngửa mặt lên thấy rõ hai mắt đang nhắm nghiền, làm Y cứ thắc thỏm chỉ lo cậu sẽ bị ngã ngửa. Càng về sau cậu càng lảo đảo hơn và chập choạng, cứ xoay vòng vòng vẫn tại chỗ đứng. Cuối cùng áng chừng không thể chịu nổi nữa, cậu nhích dần tới gần cửa ra vào phía bên phải, áp đầu tựa vào cánh cửa của toa tầu. Y nhớ đã lâu lắm rồi người ta dặn chớ có tựa vào cánh cửa ra vào của toa tầu, vì nếu do một trục trặc máy móc nào đó mà cửa tự động mở toang ra thì vô cùng nguy hiểm, nên hết sức lo lắng nhìn chừng cậu bé. Quả nhiên, tuy đang ngủ gật nhưng có lẽ cậu bé vẫn nhớ lời căn dặn, nên chưa đầy một phút sau, cậu bé lại rời cánh cửa, loạng choạng tiến ra giữa toa tầu, lại gật gù và lảo đảo như cũ, hai mắt vẫn nhắm nghiền, lần này lại quay mặt về cửa ở phía bên trái của con tầu.

    Hôm nay Y lên nhằm loại tàu đặc biệt chỉ ngừng hai ga duy nhất trên đoạn đường dài mười mấy ga, và tầu đi khá nhanh, chẳng mấy chốc đã gần đến ga tới. Bấy giờ Y mới sực nhớ, vội lấy giấy bút ra ký họa thật nhanh, nhưng chỉ mới vạch được vài đường, thì đã tới ga. Cậu bé nẫy giờ đã nhích dần tới cửa hơn khiến Y không thể nhìn thấy cậu. Không nén được tò mò, Y mở cửa toa nhìn sang, hóa ra cậu bé đã bước ra khỏi toa xe, xuống ga Shin-yurigaoka.

    Bức hình ký họa nghệch ngoạc của Y chỉ có hình mỗi chiếc cái mũ và chiếc cặp sách to tướng trên lưng, vì rủi là lúc đó cậu bé đang quay lưng lại phía Y. Y tiếc sao mình không nhanh trí nhớ ra việc nên ghi lại hình ảnh này từ lúc đầu, khi cậu bé còn quay mặt lại phía Y. Đó là một khuôn mặt nhỏ nhắn, thanh tú trông thật dễ thương. Đôi mắt cậu bé nhắm nghiền nên Y không thể biết đó là một cậu bé hiền lành ít nói hay liến thoắng nghịch ngợm.

              

              





    Chỉ có điều là khuôn mặt của cậu bé hôm nay rất giống Đai, bạn của con khi còn học tiểu học. Đai có nét mặt rất thanh tú thừa hưởng từ bà mẹ tuyệt đẹp, đôi mắt tinh anh vô cùng lanh lợi. Cậu thông minh giỏi giang, khi nào cũng có tên lọt vào danh sách top 5 của các học sinh giỏi, lại chạy rất nhanh, được chọn vào số 10 vận động viên dẫn đầu các cuộc chạy đua marathon đoạn đường 5 km dành cho học sinh tiểu học, trong ngày lễ thể dục hàng năm của trường.

    Học sinh tư thục không thể nào gặp nhau thường xuyên sau khi tan học, như các trẻ em cùng xóm, vì vậy phải chờ ngày nghỉ mới hẹn đến nhà nhau chơi được. Năm ấy con Y đang học lớp tư, một số bạn của con trong đó có Đai đến chơi vào một ngày hè. Trong đám trẻ, Đai gầy gò hơi thấp bé, thế nhưng có tài làm đầu đàn chỉ huy lũ bạn trong mọi trò chơi. Trước khi lũ trẻ sắp ra về, Y lấy cho bọn trẻ xem cuốn sổ sưu tập các loại tiền các nước, nhất là các đồng bạc kim loại, mà Y thường dặn chồng đem về cho con. Giở bất cứ trang nào ra Đai cũng rút từng tờ giấy bạc ra khỏi file bằng nylon, ngắm nghía thật lâu, và hỏi :
    • -Bác còn dư tờ nào cho cháu không, cháu thích quá.

    Vì lũ trẻ khá đông, nên cho dù có dư một vài tờ, Y cũng không dám lấy ra cho riêng một mình Đai được. Sau chợt nhớ, Y lấy ra một hộp tiền 1 xu của Mỹ. Đây là tiền xu mà ông bà ngoại cho con Y, để bỏ vào ổ khóa của chiếc lọ thủy tinh, chơi trò mua sô-cô-la. Y bảo bọn trẻ có thể lấy vài đồng làm kỷ niệm.

    Đai hỏi:
    • -Juu mai wo totte mou ii desuka ? ( Cháu lấy 10 cái được không ạ ?)

    Y gật đầu cho phép. Đai liền nhặt lên 10 đồng xu. Các cậu bé khác cũng nhặt theo. Đai lại nài nẵng:
    • -Bác ơi, cháu lấy thêm một phần về làm quà cho em gái cháu bác nhé ?

    Bọn trẻ con đua nhau kêu la í ới:
    • -Zư rưi ! Zư rưi ! ( Láu cá ! )

    Đai lấy thêm phần của em nó, xong rồi Y mới tới lấy hộp, toan quay đi, bỗng nghe lũ trẻ vật nhau và kêu oai oái đằng sau. Và chúng gọi Y:
    • -Bác ơi, bạn Đai chơi xấu!

    Gì nữa đây ? Y quay lại. Một đứa bạn to con đang khóa tay Đai, trong bàn tay vẫn còn nắm chặt một tờ đô la, mà không biết Đai đã lấy từ đâu vào lúc nào. Một đứa bạn khác rút tờ đô la ấy ra được nhưng mất đà, khiến tờ bạc rơi xuống. Nhanh như cắt Đai đã thò chân ra, vừa khoèo vừa dẫm, vội giữ chặt tờ bạc dưới gót chân, miệng phân bua:
    • -Boku wa ni juu mai shika tottenai yo! ( Cháu chỉ lấy có 20 "mai " thôi mà !)

    Rồi Đai móc hết tiền trong túi ra đếm hẳn hoi. Cộng cả phần của nó và em nó lại: có 19 đồng xu và 1 tờ giấy tiền 1 đô la.

    19 đồng tiền kim loại được đếm là "19 mai". Chữ "tờ" khi đếm "1 tờ giấy" cũng là chữ "mai" , tức "1 mai". Vậy thì "19 mai" cộng với "1 mai", đúng là "20 mai" !

    Hóa ra dưới đáy hộp có cả tiền giấy 1 đô la được gấp nhỏ, mà Y không nhớ, không để ý.

    Hỏi chuyện mới biết mẹ Đai, rất hiền, đã tâm sự là bà cũng bó tay vì không trị nổi cậu con. Bà bảo Đai thường xuyên là "chi-nô han" ( thủ phạm thông minh) của nhiều trò nghịch ngợm tinh quái. Bố cậu là một bác sĩ ngoại khoa chuyên phụ trách các ca mổ tim, rất mát tay, nhiều bệnh nhân, nên hầu như ông ở luôn trong bệnh viện. Khi Đai còn bé, mỗi khi bố về nhà, rồi sáng hôm sau lại trở về bệnh viện, Đai thường giơ tay vẫy chào bố:
    • -Bye bye, mata kite ne ! ( Khi nào lại tới chơi nữa nhé)

    vì cậu tưởng bố là người khách nào đó. May sao mà về sau bố mẹ Đai dọn tới một ngôi biệt thự thật lớn, mời ông bà về ở chung, và khi đó có ông ở nhà mới trị được cậu "quý tôn" nghịch ngợm này. Đai đã thi đỗ vào một trường đại học Y khoa nổi tiếng, nay đang nội trú tại bệnh viện cũng của đại học.






    Con Y và các cô cậu bé con hàng xóm quanh nhà có lẽ thuộc thế hệ cuối cùng trước khi Nhật bản bước vào thời kỳ của khuynh hướng sinh ít con. Quanh ga nhà Y, các cửa hàng bán quần áo trẻ em, hay chuyên bán đồ chơi sách vở cho trẻ em thu hẹp dần rồi biến mất hẳn, thay vào đó là các boutique bán quần áo cho các bà lớn tuổi, hay các hiệu trò chơi điện tử, hát karaoke. Xe buýt của trường mẫu giáo cũng không còn tới đón trẻ em trong khu cư xá nhà nhân viên ngân hàng trong xóm nhà Y. Các bà hàng xóm nhà Y bỗng rủ Y cùng xin ra khỏi Chonai-kai tức là Hội các tổ lân gia trong phường khóm, mà Y cũng đã từng luân phiên giữ chức tổ trưởng, hay làm trưởng ban Thiếu nhi lo tổ chức các trò chơi hội hè cho trẻ trong suốt một năm. Lý do là vì trẻ con lớn hết cả rồi, mấy bà mẹ muốn nghỉ ngơi việc phường khóm ít lâu, trước khi sẽ đến tuổi vào Hội cao niên. Nhất là vì nhà ông Yamada cách nhà Y một căn có ba con, mà cậu con út dường như cũng đã lên trung học đệ nhất cấp, bỗng dọn đi trước Tết, trong xóm thế là không còn một đứa trẻ nào.

    Ấy vậy mà tới tháng tư, sau khi căn nhà cũ của ông bà Yamada được sửa sang sơn phết lại, có một gia đình mới dọn tới, mà ngoài chiếc xe hơi trong garage, còn có tới mấy chiếc xe đạp vừa của người lớn vừa của trẻ con. Khi người cha đã lái xe đi rồi, mấy chiếc xe đạp nhỏ hầu như không bao giờ được dựng đứng đàng hoàng trong sân, mà bao giờ cũng bị bỏ nằm dài trên mặt đất, như những con ngựa đang nằm ngã lăn ra, khiến Y không khỏi bật cười nhớ có ai đó gọi chiếc xe là "con xe ". Chủ nhân của mấy "con xe" này là ba cậu nhóc tì, đầu húi cua ngắn ngủn. Khi vừa dọn tới, ông bố bà mẹ của ba chú nhỏ có dẫn cả ba chú đi chào hàng xóm. Họ đứng lố nhố một đoàn trước cửa mỗi nhà, hai ông bà còn lấy hai tay vít đầu bọn trẻ cho chúng cúi gập người xuống, lễ phép chào theo phong cách Nhật Bản.

    Mùa xuân năm ấy lại nhằm lúc chồng Y đi nước ngoài cả một niên khóa, con thì muốn thuê nhà ở riêng để tự lập. Chỉ còn mỗi mình Y ở nhà. Sáng nào cũng vậy, trong lúc Y đang loay hoay dọn dẹp và sửa soạn cho buổi sáng, bỗng nghe có tiếng bấm chuông ngoài cửa, vội vàng chạy tới nhìn vào màn ảnh của chiếc chuông nhưng chẳng thấy ai, và mặc cho Y hỏi cũng chẳng có ai trả lời. Sau nhiều lần như thế, Y mới biết là tiếng chuông thường vang lên vào khoảng sau 8 giờ sáng, và có lẽ có ai đó bấm chuông rồi bỏ đi. Buổi chiều đi làm về, cũng hay thấy chú thỏ con ngồi ôm chậu hoa trong sân cạnh nhà bị ngã lăn chiêng, làm chậu hoa rơi ra ngoài sân, các cây trồng trong chậu khác cũng bị ngã đổ tuy trời những hôm ấy hình như không có gió to. Nhiều nhiều lần cứ tiếp diễn mãi, bấy giờ Y mới đoán ra là có ai phá phách. Y mới chợt nhớ ra rằng để đến trường tiểu học công lập số 6 dành cho học khu này cho kịp vào lớp lúc 8 giờ rưỡi sáng, trẻ con trong xóm thường phải rời nhà vào khoảng 8 giờ sáng. Như thế thì thủ phạm bấm chuông chắc chỉ là mấy chú nhóc hàng xóm đi học mỗi sáng qua cửa nhà Y mà thôi.

    Y đã bật cười nhủ thầm: "Mình chỉ cần đứng ở trên gác chờ đến gần 8 giờ nhìn xuống là sẽ thấy mấy chú bé này đi ngang cửa nhà mình, thậm chí có thể cầm sẵn máy ảnh nhô ra khỏi ban công chụp được đúng lúc thủ phạm đang giơ tay bấm chuông ngoài ngõ là khác."

    Nhưng Y chỉ nghĩ vậy thôi, chứ chẳng bao giờ nỡ làm vậy. Dần dần Y nghe bấm chuông mà cảm thấy vui, y như thể là mấy đứa bé đang lên tiếng chào "Thưa bác, con đi học ". Nhà vắng vẻ quá, tự nhiên như có sự hiện diện dù một cách gián tiếp của trẻ con, nay ấm cúng hẳn lên.

    Một hôm, buổi chiều đi làm về sớm, Y thấy một trong ba cậu bé húi cua đang đứng trong sân trước nhà bà hàng xóm ngay cạnh nhà Y, đùa giỡn với con chó nhỏ của bà. Y vào nhà, chưa kịp thay áo đã vội vàng bưng nước ra vườn tưới hoa. Thấy cậu bé vẫn còn chơi với con chó và bà hàng xóm, Y bèn bước sang chào bà, đoạn quay sang hỏi cậu bé:
    • -Cháu đi học về rồi đấy hả, không đi đá bóng hay chơi dã cầu à ?

    Cậu bé gật đầu "Ưn" (Dạ) nho nhỏ, rồi lắc đầu (ra chiều không đi chơi thể thao) hai mắt ngơ ngác nhìn lên. Chắc là hôm mới tới và đi chào hàng xóm, cậu bé bị bố mẹ ấn đầu chỉ lo cúi gập người xuống chào, mà không nhìn lên nên cậu không nhớ mặt Y. Hay là tại vì hôm trước ở nhà Y ăn mặc xuềnh xoàng, khác hẳn với hôm nay vẫn còn trong bộ áo mặc khi đi làm.

    Bà hàng xóm hỏi Y:
    • -Lâu rồi không thấy cậu con trai của bà về nhà cuối tuần ?
      -Vâng, cháu mải đi chơi với bạn càng ngày càng ít về nhà. Nghĩ lại lúc con trai cỡ tuổi như cậu bé này thật là dễ thương bà nhỉ.

    Và Y khẽ xoa đầu cậu bé, khiến cậu có vẻ hơi lúng túng, ngượng nghịu.

    Bà hàng xóm giải thích cho cậu bé:
    • -Anh con trai của bác này không còn ở chung nên bác buồn, bác bảo lại muốn có một đứa dễ thương như cháu đến ở với bác cho vui. Bác mới bảo cháu dễ thương đấy. Cháu có muốn sang chơi nhà bác này không ?

    Cậu bé hỏi:
    • -Nhà bác ở đâu ạ ?

    Bà hàng xóm lại cười bảo:
    • -À, bác này hễ ở nhà cũng thường ở trong nhà suốt ngày ít khi ra cửa, nên cháu không biết mặt bác phải không ? Nhà bác ấy ở đây này.

    Cậu bé nhìn theo ngón tay của bà hàng xóm đang trỏ sang nhà Y, đôi mắt cậu bỗng mở tròn xoe, rồi ngượng ngùng bẽn lẽn cúi xuống.

    Từ sau hôm ấy, tiếng chuông cửa vẫn vang lên lúc 8 giờ sáng bỗng im bặt, và các chậu hoa trong vườn cũng không bao giờ còn lăn ra nằm nghiêng ngả nữa. Thật là kỳ diệu !
              
    Vâng, con trai nghịch lắm, mà cũng dễ thương vô cùng,
    dễ thương lắm lắm,
    chẳng khác gì con gái, đâu ạ.



              





    DTTM (Quỳnh Chi), 11/02/2011.

    http://chimviet.free.fr/truyenky/quynhc ... ontrai.htm
Trả lời

Quay về “Quỳnh Chi”