Lộn sòng

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5433
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Lộn sòng

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Lộn sòng





    Hôm nay Tuất nhất định làm cho xong hồ sơ để đưa lên ty giáo dục. Hắn cho là sở dĩ hắn bị biên chế ra khỏi trung đoàn cũng chỉ vì bản hồ sơ đã làm thật thà quá. Rút kinh nghiệm lần này hắn sẽ làm một tập hồ sơ có thể gọi là căn bản, có tính chất định đoạt đến địa vị công tác của hắn. Không phải mãi hôm nay khi cầm bút làm hắn mới nghĩ như vậy mà ngay từ khi mới bước chân vào trường hắn đã bận tâm đến việc này rất nhiều.

    Nhưng hôm nay đầu óc hắn căng thẳng như tất cả những cái căng thẳng hàng ngày trong gần một tháng nay cộng lại. Hắn biết là hắn sẽ làm một việc nói dối rất đê tiện đối với một đảng viên, nhưng hắn thấy rằng hắn cũng chỉ nói dối một phần nào chứ không hoàn toàn nói dối hẳn. Về tờ khai danh dự trình độ văn hoá hắn sẽ khai là đã học đệ nhất chuyên khoa. Khai là đâu đít-lôm thì lộ quá mà khai là mới học đệ tứ thì không oai. Về thành phần xuất thân hắn sẽ khai là công nhân. Hồi ở Đà Lạt hắn chẳng làm công nhân nhà máy gạch là gì. Một điểm nữa trong bản lý lịch cũng rất quan trọng là những công tác đã qua. Nếu anh kể toàn những công tác ở những cấp cao thì anh sẽ bị coi là một người thiếu công tác cơ sở, một người mất gốc và sẽ bị coi như là một người chưa vững về lập trường giai cấp. Nghĩ như thế nên hắn sẽ khai là sau cách mạng hắn làm chủ nhiệm Việt Minh xã.

    Suy nghĩ đâu vào đấy cả, chỉ còn một việc viết vào giấy mà vẫn thấy khó quá. Những câu văn nó cứ lôi thôi không gọn một tí nào. Hắn viết viết xoá xoá hai ba lần. Bỗng nhiên hắn nghĩ đến chữ ký của hắn chưa được oai, thế là hắn xoay ra ký. Hắn ký đầy hàng trang giấy, cũng chưa tìm được một kiểu nào thật là vừa ý. Ký chán đến vẽ. Hắn vẽ những hình vuông, những hình tam giác béo, gầy, đủ kiểu đủ cỡ, những cặp môi, những đôi mắt của thiếu nữ đã gặp. Vẽ xong hắn lại viết những chữ q, chữ l, chữ c hoa quấn quít quanh chữ t hoa. Khi đã đầy một trang giấy lớn hắn lấy bút xoá đi xoá lại rất kỹ nhất là những hình tam giác và những cặp chữ hoa giao nhau. Xoá xong hắn úp tờ giấy xuống bàn xoa xoa và tiếp tục lại ký tên lên mặt còn trắng. Lần này hắn viết: “Bí thư chi bộ trường cấp II N.S.” hoặc “Hiệu trưởng trường cấp II N.S.” hay là “Bí thư kiêm hiệu trưởng…” rồi ký tên hắn xuống dưới. Hắn cố ý ngoặc chữ l sau cùng thành hình búa liềm và thay dấu ớ bằng hình sao năm cánh. Hắn ngắm đi ngắm lại và thấy rất hài lòng. Hắn nghĩ có lẽ mãi mãi hắn sẽ giữ kiểu chữ ký rất có lập trường này. Hắn ký tiếp cho quen tay khi kín hết trang giấy hắn lại xoá rất kỹ nhất là những chữ “bí thư”, “hiệu trưởng” và “bí thư kiêm hiệu trưởng”.

    Tuất có giờ Việt buổi chiều ở lớp V. Họp ở huyện xong hắn đi thẳng về trường. Trên đường đi hắn vẫn còn nghĩ chuyện họp với huyện uỷ và hắn rút ra một kinh nghiệm là từ nay dù có viết báo cáo hẳn hoi hắn cũng phải trực tiếp với huyện uỷ thì bao giờ cũng hơn. Hôm nay nếu không có hắn giải thích từng điểm một, giải thích từng thắc mắc cho huyện uỷ bằng những hiện tượng cụ thể thì huyện uỷ còn mất cảnh giác, chưa chịu thấy rằng tất cả các giáo viên trong nhà trường đều có vấn đề cần phải theo dõi. Này nhé! Thân là bí thư kiêm hiệu trưởng là con địa chủ. Lâu là công an ở khu Hà Nội về nghỉ dài hạn. Chung là học sinh lục quân cũng được nghỉ vì thiếu sức khoẻ. Quang thì vẫn thư từ gửi đi gửi về với gia đình trong vùng địch và vẫn nhận đồng hồ, bút máy cả xe đạp cha mẹ gửi ra…

    Giấy tờ hợp pháp, những giáo viên đó đều có cả, nhưng giấy tờ thì khó gì mà không bịa ra được. Lý do thì lại càng dễ bịa hơn…

    Sau việc báo cáo này, hắn thấy huyện uỷ tin hắn hơn. Hắn sẽ làm cho huyện uỷ tin hắn hơn nữa. Trước kia hắn vẫn thành kiến với trường tư vì hắn thấy khó “tiến bộ” lắm, vì chưa có việc nên hắn phải làm tạm. Phải làm công tác quần chúng. Nếu được làm công tác Cải cách ruộng đất thì dễ “tiến bộ” nhất. Nhưng hôm nay hắn cảm thấy là nhất định hắn có cơ làm ăn được. Không gì hắn cũng có thể gây được cơ sở để làm đà vọt cho công tác của hắn sau này. Và hắn rút ra một định lý: “Dù ở đâu hễ khéo thì vẫn cứ làm ăn được”. Và ở đây hắn định sẽ làm ăn to…

    Khi hắn đến trường, kẻng cũng vừa đánh. Học sinh vào lớp còn đang lôn xộn, ồn ào thì hắn đến. Hắn đi vào bàn đứng thẳng lừ mắt nhìn xuống toàn lớp. Học sinh bàn thì đứng lên bàn thì còn ngồi, có những chú đang thụi nhau tranh chỗ ngồi, giằng nhau sách vở.

    Hắn cho là học sinh khinh hắn. Hắn đỏ mắt lên quát:

    “Đứng lên! Học sinh gì đồ thiếu giáo dục.”

    Vẫn còn những bộ phận lộn xộn. Hắn càng gào to:

    “Đứng lên! Đồ mất dạy!”

    Tiếng hắn như một nhát dao chém đứt mọi sự tranh chấp. Cả lớp đứng phắt dậy.

    Hắn hỏi:

    “Các thầy khác vào các chú có đứng dậy không?”

    “Thưa có!”

    Hắn càng tức:

    “Sao tôi vào không đứng?”

    “Thưa anh em chúng con không biết!”

    Câu trả lời làm cho hắn dịu hẳn đi. Anh em giở vở ra chờ đợi.

    Hắn hỏi anh em:

    “Hôm trước tôi bận đi họp với huyện, giờ Việt ai dạy thay?”

    “Thầy Quang ạ!”

    “Thầy Quang dạy có dễ hiểu không?”

    “Thưa dễ hiểu lắm ạ!”

    Hắn lại thấy bực mình.

    “Tôi dạy có dễ hiểu không?”

    “Bẩm dễ ạ.”

    Hắn thấy thoả thuê trong người nhưng còn muốn biết hơn:

    “Tôi và ông Quang ai dạy dễ hiểu hơn?”

    “Bẩm ông Quang dạy dễ hiểu hơn.”

    Hắn gắt rinh:

    “Làm sao lại như thế?”

    Một học sinh đứng lên:

    “Thưa thầy dạy từ đầu đến giờ ba bài rồi, con chả hiểu gì cả.”

    Hắn lại gắt:

    “Sao lại không hiểu, còn thiếu bổ óc chú ra mà nhét chữ vào nữa à? Hở?”

    Hắn lấy sổ tay ra ghi:

    “Tên chú là gì?”

    “Là Hiếu ạ.”

    “Ở đâu?”

    “Thưa ở xã Xuân Hoà!”

    Trong lớp xì xào lo lắng.

    Anh học sinh tái mặt:

    “Thưa thầy, thầy dạy cao quá, trình độ con chưa hiểu được!”

    Hắn bảo chú học sinh:

    “Cho chú ngồi xuống.”

    Và dõng dạc:

    “Dạy mà học sinh dễ hiểu chưa chắc đã là giỏi, đã là đúng. Có khi vì hiểu biết nhiều nên dạy cao hơn, học sinh kém quá chưa hiểu nổi. Chú Hiếu khi nãy nói có đúng. Có những ông giáo gặp được đôi bài dễ hoặc đã học được ở đâu rồi thì dạy khá. Còn phải chờ những bài khác. Lại có khi dạy dễ hiểu nhưng mất lập trường. Như thế lại càng tai hại cho học sinh…”

    Nói chán chê, hắn bắt học sinh đem bài cũ ra, rồi câu nào ông Quang đã dạy hắn đều đem bẻ lại từng câu, từng chữ.

    Đến chỗ ông Quang giải thích chữ “Huân chương quân công” hắn không giải thích lại nhưng hắn nhất định quân công là sai, phải là quận công mới đúng.

    Khi ra về học sinh cãi nhau suốt dọc đường về hai chữ này:

    “Quân công đúng!”

    “Quận công là cái đếch gì.”

    “Thầy Tuất đúng.”

    “Thầy Quang đúng.”

    Có chú dẫn chứng cụ thể:

    “Có lẽ thầy Tuất đúng vì làng tớ có đền thờ quan quận công đấy!”

    Một chú khác góp ý:

    “Thầy Tuất không giỏi sao chuyện gì tỉnh huyện cũng giao cho thầy Tuất. Khai giảng, sơ kết thi đua, sơ kết học tập, đều là thầy Tuất. Các thầy khác chả thấy làm được việc gì.”

    Những chú khác cãi lại:

    “Đậu tú tài lại không hơn mới học đệ nhị à?”

    “Giỏi mà dạy lung tung chả ai hiểu cái gì!”

    Học sinh về hết thì bốn học sinh Cẩn, Thanh, Cúc, Lai lại gặp Tuất ngay ở lớp. Buổi tối có cuộc họp bất thường do Tuất triệu tập. Đúng nguyên tắc ra thì bất cứ cuộc họp nào cũng phải thông qua chi bộ. Nhưng Tuất lấy tư cách là chi uỷ viên phụ trách hiệu đoàn, tự ý triệu tập một số anh em thân tín để làm một việc mà hắn cho là có tính chất “cách mạng” trong nhà trường có tính chất “ăn to”. Hắn kéo bốn anh em chị em vào trụ sở hiệu đoàn trong xóm.

    Hắn hỏi han như lo lắng đến anh em lắm:

    “Ăn uống gì chưa?”

    “Chưa.”

    “Tôi cũng chưa, họp xong ta ra chợ ăn cũng được chứ?”

    Bắt đầu họp hắn tuyên bố:

    “Trước khi vào vấn đề, tôi muốn nêu lên hoàn cảnh của anh Thanh và anh Cẩn. Hai anh là hai học sinh khá trong trường nhưng cả hai đều là bần cố nông. Ngày nào hai chú cũng phải đi cắt bổi hoặc vào rừng lấy củi bán, buổi sáng để có thể ăn đi học buổi chiều”, và hắn hỏi:

    “Chúng ta nghĩ sao?”

    Như sợ có người trả lời mất nên vừa nói xong hắn nói luôn:

    “Theo tôi thì nên trích quỹ nhà trường ra phụ cấp cho hai chú đủ ăn, còn hai chú thì từ mai phải lên đây làm việc cho hiệu đoàn. Việc này tôi sẽ chịu trách nhiệm đưa ra chi bộ và hứa là thế nào cũng xong. Ta phải đề cao tình yêu giai cấp chúng ta.”

    Cúc và Lai đều lấy làm kính phục lập trường cao độ của Tuất và thấy tràn trề trong lòng một thứ tình cảm giống như là ái tình.

    Cẩn và Thanh đều rơm rớm nước mắt.

    Hắn hỏi mọi người:

    “Anh chị em thấy thế nào?”

    Cúc và Lai đồng thanh:

    “Đồng ý nhất rồi còn gì!”

    Cẩn và Thanh nghẹn ngào:

    “Theo ý chúng em thì không nên. Làm như thế sợ anh em nói cho.”

    Tuất gạt đi:

    “Các chú gàn lắm. Có tôi, không lo. Vả lại nhà trường có chế độ học bổng. Có thể coi đó là học bổng thôi.”

    Hắn nói sang cuộc họp:

    “Việc chính hôm nay là việc này…”

    “Việc gì đấy anh?”

    “Bây giờ các anh em làm thế nào thu thập hộ cho những sổ sách ghi danh học sinh của toàn trường ta hai năm trước đây.”

    “Dễ lắm, cứ lấy ở anh Thân là đủ cả. Anh Thân vừa bí thư vừa hiệu trưởng…”

    Tuất lắc đầu:

    “Không được, nhất thiết không được lấy, không nên lấy ở anh Thân.”

    Anh em không ai hiểu gì.

    Hắn tiếp:

    “Cần lấy cả sổ sách thu học phí của quản trị nữa.”

    Thanh phát biểu:

    “Cái này hơi khó. Vì trong hai năm trước đây nhà trường thay đổi đến 4 người quản trị.”

    Tuất giơ tay xua xua:

    “Không khó gì hết. Chỉ việc phân công nhau ra đến nhà từng người chơi hay là giả có công việc gì đó tuỳ cá nhân phát triển sáng kiến.”

    Hắn sực nhớ lại:

    “À quên, còn việc này quan trọng nữa, nghĩa là cần ăn cắp cho được những sổ tay của những anh quản trị nữa…”

    Anh em hơi tò mò muốn hỏi rõ.

    Hắn bảo:

    “Cứ làm đi, sau sẽ biết.”

    Hắn nhấn mạnh:

    “Cần nhất là phải giữ bí mật! Không thể nào cho một người thứ 6 biết được.”

    Xong đó 5 người quay vào bàn kế hoạch và phân công phụ trách, vạch chương trình làm việc, vạch thời khoá biểu và địa điểm để gặp nhau hội ý. Muốn giữ bí mật triệt để, địa điểm không định trước, cứ xong cuộc này sẽ định chỗ họp cuộc khác trong huyện. Thời hạn là trong hai tháng phải làm xong, vừa đi học vừa tranh thủ làm.

    Tan hội nghị đã muộn lắm. Cẩn và Thanh ở gần ra về. Tuất Cúc và Lai ngủ lại trụ sở. Tuất ngủ giường bên này, Cúc và Lai ngủ giường bên kia.

    Hai bên nằm nói chuyện chõ sang nhau.

    Đầu tiên là chuyện tình duyên.

    Hai cô kể trước.

    Cô nào cũng kể là mình rất đào hoa, hồi làm cán bộ phụ nữ tỉnh, anh nào cũng để ý chết mệt, nhưng hai cô thì cứ phớt lạnh. Các cậu đâm tuyệt vọng người thì xin đi công tác Bình Trị Thiên, người thì vào bộ đội, người xung phong đi Việt Bắc.

    Cúc hỏi Tuất:

    “Anh Tuất có biết Vinh không nhỉ? Vinh ở địch vận ấy mà?”

    Giọng Cúc như mến tiếc:

    “Ba năm rồi!”

    Lai cũng hỏi Tuất:

    “Anh Tuất có biết Dũng ở tỉnh đội không nhỉ? Dũng cao cao da thật trắng ấy?”

    Câu chuyện tình duyên làm hắn nghĩ tới đời riêng hắn. Suốt mấy năm trong bộ đội, nhất là trong phong trào nhận đỡ đầu bộ đội, anh em được các mẹ nuôi xây dựng gia đình cho rất nhiều. Còn về hắn thì ngay cô Chén, con gái bà mẹ đỡ đầu hắn cũng nhất định không chịu lấy hắn mà chỉ nhoen nhoẻn cái mồm nhận là em gái. Rõ thật là sốt ruột. Nhiều người cho là hắn “khô” lắm. Nhưng thật ra hắn chả khô chút nào. Hàng đêm, hàng ngày không mấy lúc là hắn không nghĩ đến chuyện đàn bà. Chỉ có ngoài mặt là hắn hay làm ra vẻ tinh thần cao. Ai hỏi hắn sao không lấy vợ thì hắn bảo: “Độc lập xong! Cả toàn dân đang kháng chiến, mình nghĩ đến chuyện riêng sao đang!” Và khi hắn làm tổ trưởng ở đơn vị vô phúc có cậu nào xin phép về hỏi hay là cưới vợ, nhất định hắn không cho. Trong cuộc họp hắn còn quy cho một cô là “thiếu chịu đựng trường kỳ gian khổ”, “cầu an hưởng lạc”. Nhưng khi bị biến chế trong thâm tâm hắn cũng có phần vui là hắn sẽ có dịp về nhà lấy vợ mà không bị ai quy gì cho hắn như hắn đã quy cho người khác. Lúc mới vào dạy, hắn định sẽ kiếm một nữ sinh nào trong nhà trường có đủ những điều kiện tối thiểu là đẹp, có văn hoá lại tự túc được thì hắn sẽ xây dựng. Nhưng từ khi về trông ngong ngóng hàng ngày cũng chả thêm được cô nào khác ngoài Cúc và Lai. Hai cô này phải cái vừa lùn vừa xấu. Được cái hai cô đều con phú nông có ruộng và bò riêng cả. Lấy hai cô này thì tha hồ mà đi công tác. Lại có hy vọng thỉnh thoảng được tiếp tế tiền, đồng hồ hoặc bút máy. Hắn cũng nghĩ đến cả cô Quý, cô Quyền trong xóm, Quý thì đẹp nhưng lại đã có một đời chồng, không lẽ trai tân lại lấy thừa. Quyền còn con gái, có gánh hàng xén nhỏ nhưng lại kém văn hoá…

    Hắn nghĩ liên miên.

    Cúc hỏi hắn:

    “Còn anh Tuất từ trước giờ đã có đám nào chưa?”

    Hắn cũng kể cho hai cô nghe chuyện tình duyên của hắn. Đại để giống như chuyện hai cô. Nghĩa là hắn đi đến đâu tất cả con gái đều chú mục đều ve vãn hắn. Có cô tán hắn sát sạt nhưng hắn cũng phớt đều.

    Hắn nhỏm dậy, đánh diêm đốt đèn đưa bức thư của Chén cho hai cô xem. Hai cô tò mò xúm vào đọc: “… Khi nào đi công tác, mời anh ghé vào chơi, mẹ em và em mong anh lắm…”

    Khi hai cô đọc xong hắn chậm rãi:

    “Chén mới mười chín tuổi, xinh và ngoan lắm, một hai xây dựng với mình, nhưng phải cai xa quá. Mãi phủ Thiệu!…”

    Sau chuyện tình duyên họ chuyển sang chuyện các giáo viên. Hắn hay nhờ hai cô này đi lấy tình hình giáo viên qua miệng gần 300 học sinh trong nhà trường. Tất cả những chuyện đời tư của mấy ông giáo hắn đều rõ hết. Đến chỗ nào hắn cho là có vấn đề hắn lại vùng dậy đốt đèn ghi vào sổ tay…

    Quá nửa đêm lâu, ba người mới đi ngủ. Người nào ngáy cũng to, cũng đều nhưng không ai ngủ cả. Tuất đưa tay rờ hai bên giường. Thấy rộng quá và lạnh quá. Bỗng hắn nhớ một hôm hội nghị ở xóm Quyết Thắng, trời bức, Lai xắn quần để ra một cái đùi rất to và rất trắng. Thể khối và mầu trắng của chiếc đùi ám ảnh hắn suốt đêm. Mấy lần hắn định dậy làm một chuyện thật thà với hắn trong đêm nhưng rồi lại thôi. Sáng mai thức dậy người hắn nhọc phờ.

    Hắn tự chửi là đồ ngu. Nhưng rồi lại tự an ủi:

    “Còn chán dịp!”

    Chiều thứ bảy nào Tuất cũng bắt các giáo viên tự phê. Lần này không khí có vẻ găng nhất. Suýt nữa xẩy ra đánh nhau. Khi tan họp ra về, các giáo viên ông nào ông nấy còn tức sôi sùng sục và tiếp tục trao đổi như cãi nhau trên đường về:

    “Dạy mà ức như thế này thì thôi mẹ nó đi còn hơn!”

    “Từ hồi nó về cái nhà trường này thật là bét như tương.”

    “Kiểm thảo gì mà lắm kiểm thảo với! Thà là kiểm thảo về chuyên môn, về tác phong giáo viên đối với học sinh nó lại đi một lẽ, chuyện gia đình người ta, chuyện bếp núc của từng người từ đời cố kiếp cũng móc máy ra để kiểm thảo. Vợ chồng người ta chửi nhau, vợ chồng người ta ly dị, người ta to tiếng với bố vợ thì động kệ gì đến nó.”

    “Bà mẹ tao không cho đồng bào tản cư mượn thùng gánh nước chính tao cũng không biết mà sao nó biết. Kiểm thảo tao thì kiểm cái gì?”

    “Chuyện riêng của tao hắn đem đi nói xuyên tạc giữa anh em học sinh, hôm nay tao tha giã cho là may!”

    “Thằng ấy chuyên môn nói xấu anh em để đề cao nó.”

    “Bất cứ lúc nào có thể tự đề cao được, nó đều không bỏ qua.”

    Một người lên tiếng:

    “A! A! Để tao kể chuyện thằng Tuất tự đề cao! Chúng mày nhớ hôm hắn phụ trách đem học sinh lớp bẩy chuyển thóc thuế lên xã Quyết Thắng đấy chứ.”

    “Nhớ! Nhớ! Thế nào?”

    “Tuất về nói rầm nhà rầm xóm là tỉnh và huyện chỉ định hắn chỉ huy nhà trường đi dân công. Thế là cả gia đình hắn cứ tíu tít cả lên làm cơm rượu mời anh em trong xóm đến dự để cho hắn lên đường đi phục vụ.”

    Họ nhảy lên cười ha hả:

    “Trời ơi là trời! Đi bẩy cây số mà cũng tiễn với chả tiễn chân!”

    “Ăn xong hắn đội mũ, lên ba-lô bắt tay mọi người. Ai cũng chúc hắn đi cho ‘chân cứng đá mềm’. Mẹ hắn nhìn theo rơm rớm nước mắt”.

    Họ lại cười rú lên:

    “Đúng rồi! Đúng rồi! Hồi ấy hắn trọ lại nửa tháng thật! Mình lại cứ tưởng…”

    “À ra thế! Kể cũng lắm công đấy chứ!”

    Họ kể cả những chuyện hắn dạy dốt quân công thành quận công; đến chuyện hắn bê nguyên văn sử Trần Trọng Kim ra dạy: đến chuyện hắn đi hỏi mỗi người một ít để về soạn những bài sử không có sẵn trong sách Trần Trọng Kim.

    Họ biết cả những chuyện hắn khai gian lý lịch: học đệ nhị khai là tú tài hỏng; làm nhà máy gạch có hai ngày phỏng tay không chịu được phải xin ra khai là thành phần công nhân; mẹ lấy tiền địa chủ về buôn nợ giầu sụ thì khai là buôn thúng bán mẹt…

    “Thằng ấy vừa ngu vừa khốn nạn. Hắn khéo ton hót với huyện uỷ đến nỗi, huyện chỉ nghe hắn. Thằng Thân đấu tranh rất nhiều với huyện nhưng cũng chưa đâu vào đâu.”

    “Phải cái Thân liên quan nên nói huyện nào tin.”

    Họ chạy từ chuyện Tuất sang chuyện Cúc và Lai:

    “Lại còn hai cái con trời đánh Cúc và Lai nữa! Hai đứa tính tình giống thằng Tuất cứ như đổ khuôn, cứ hơi tý là lập trường tư tưởng là lập trường giai cấp. Tất cả mọi chuyện đều do cái bộ ba ấy phát ra hết.”

    Một ý kiến đề nghị:

    “Phải cho thằng Tuất lấy một trong hai đứa ấy!”

    “Ấy một hôm thằng Tuất nó hỏi tao: ‘Giữa Cúc và Lai theo cậu thì ai hơn?’…”

    Cẩn, Thanh, Cúc, Lai, dưới sự lãnh đạo của Tuất làm việc và họp hành liên miên. Sau hai tháng, Tuất đưa vấn đề ra trước toàn thể chi bộ. Hắn lấy làm mãn nguyện kết quả đã thu được và trước khi vào họp hắn đã tuyên bố với anh em chắc nình nịch như đinh đóng cột: “chuyến này, ngoài chuyện phải đền hai triệu rưỡi cho nhà trường, Thân còn phải tù là đằng khác”. Câu chuyện nổ như quả bom. Anh em ai nghe cũng hoảng. Từ trước, chưa ai hề nghĩ rằng trong nhà trường lại có thể có một vụ án lớn đến như vậy.

    Ai nấy đều chờ đợi chưa hiểu đầu đuôi ra sao. Thân lại càng hoang mang.

    Bắt đầu Tuất đưa ra hai điểm:

    Điểm thứ nhất là suốt trong hai năm, Thân hoặc vì đi dạy muộn, hoặc về trước giờ, hoăc bỏ giờ không dạy (vì Thân đau dạ dầy nặng, ốm luôn, nhất là về mùa rét) trung bình mỗi ngày bỏ một tiếng, một tháng 24 tiếng, một năm 210 tiếng, hai năm 480 tiếng. Mỗi giờ dạy, học sinh phải trả cho một lô gạo. Như thế là trong hai năm 480 lô gạo học sinh phải trả không cho Thân.

    Điểm thứ hai là Thân khi cần tiền tiêu vẫn lấy quỹ nhà trường tiêu hàng tháng, khi nào lĩnh lương mới trả lại.

    Tuất để hội nghị góp ý kiến đưa thêm hiện tượng rồi dõng dạc sơ kết:

    “Hai hiện tượng này chứng tỏ là đồng chí Thân đã tham ô của học sinh, của quỹ nhà trường, nói chung là đã tham ô.”

    Hắn hất hàm hỏi Thân:

    “Đồng chí Thân nghĩ thế nào?”

    Anh Thân đứng lên nhận là đúng.

    Tuất nêu lên điểm thứ ba mà hắn cho là mấu chốt của vấn đề. Hắn dẫn chứng tổng số học sinh trong hai năm, số tiền học phí là bao nhiêu, tiền chi tiêu hết bao nhiêu, còn lại bao nhiêu và tuyên bố:

    “Số học sinh là thế, thu là thế, chi là thế, vậy thì vì lẽ gì mà quỹ hụt hai triệu rưỡi? Hai triệu rưỡi đi đâu?”

    Sau khi anh em thảo luận, Thân phát biểu:

    “Đồng chí Tuất mới dạy trường tư lần đầu, đồng chí chưa hiểu một số quy luật của nó. Đồng chí không biết rằng mới khai giảng học sinh bao giờ cũng đông nhưng càng ngày càng ít đi, cuối niên khoá có lớp không còn học sinh nào; đồng chỉ tưởng cứ có bao nhiêu học sinh là cả bấy nhiêu đều đóng tiền sòng phẳng.”

    Tuất cắt ngang:

    “Hai điểm trên đồng chí đã nhận là tham ô, không một lý do gì điểm thứ ba đồng chí lại không nhận.”

    Cúc và Lai đều phụ hoạ ý kiến của Tuất.

    Thân cười khẩy:

    “Không có một luật lệ nào lại bắt rằng cứ hễ nhận 2 điểm trên là phải nhận điểm dưới.”

    Tuất văng tục.

    “Tôi khinh hẳn đồng chí. Tôi muốn nhổ vào mặt đồng chí. Bao nhiêu anh em làm việc suốt hai tháng nay, lấy tài liệu đã đủ, không lý là đa số sai mà một mình đồng chí lại đúng.”

    Thân vẫn cười khẩy:

    “Thường thường đa số đúng, nhưng cũng không phải là đa số lúc nào cũng đúng.”

    Hắn đuối lý:

    “Hai điểm trên đã nhận thì điểm thứ 3 phải nhận. Không phải một mình tôi. Đồng chí Cúc và Lai cũng đồng ý như tôi.”

    Hắn lừ mắt nhìn mọi người, nhất là Cẩn và Thanh.

    Hắn như mở cờ trong ruột khi Cẩn giơ tay nói:

    “Trong 2 tháng, anh Tuất bảo em với anh Thanh thu thập tài liệu về vụ này, nhưng em thấy đồng chí Thân nói đúng. Nói gì ai, ngay như em mà 4 tháng nay chưa đóng học phí.”

    Tuất ức lên đến cổ.

    Thanh giơ tay xin nói. Tuất nóng lòng chờ đợi.

    Nhưng Thanh chỉ nói vẻn vẹn:

    “Em cũng đồng ý với đồng chí Cẩn.”

    Tuất như muốn ứa máu mồm. Thân thì thấy rằng ở đời cũng còn nhiều người tốt.

    Hội nghị bàn cãi xôn xao, rất lâu. Sau cùng phía Tuất vẫn là thiểu số. Hắn rất bất bình nhưng khi đề ra kỷ luật: “đồng chí Thân thấy mình đã phạm hai khuyết điểm trên đề nghị hạ tầng từ bí thư xuống đồng chí thường” thì hắn đã thoả mãn vì như thế là cái điểm căn bản hắn đã đạt được. Dù sao hắn thấy còn cần tranh đấu để đưa vụ này ra công khai tuyên bố cho toàn thể học sinh biết. Và hắn đề nghị như thế.

    Huyện uỷ tạm chỉ định Tuất làm bí thư chi bộ. Công việc đầu tiên của hắn, sau khi nhận chức này là bỏ phụ cấp của Cẩn và Thanh. Hai anh phải thôi học. Một thời gian ngắn sau hắn lại được điều đi Cải cách ruộng đất. Hắn cảm thấy rằng số hắn toàn gặp thời. Nguyện vọng của hắn là được đi Cải cách ruộng đất, một công tác quan trọng số một, chỉ có ở đó mới dễ lên cấp, lên chức. Hắn chắc thế nào cũng làm ăn được to hơn. Và hắn thấy trong thời gian ở trường hắn đã chuẩn bị khá tốt cho công tác sắp tới. Nay mai hắn sẽ thêm vào lý lịch hắn, chỗ cột công tác đã qua, công tác bí thư C.B., một công tác cơ sở giá trị vào bậc nhất. Hắn chỉ còn mỗi một điều hận là thời gian ở trường hắn chưa xây dựng được gia đình. Nhưng hắn có một ý nghĩ đúng lập trường. “Sau Cải cách ruộng đất vàng thau không còn lẫn lộn. Khối chị em bần cố. Nhất định thế nào cũng xong”.

    Trước khi đi hắn lên chào huyện uỷ và nhấn mạnh với huyện uỷ nên đặc biết chú ý theo dõi các giáo viên; đề cao cảnh giác.

    Hắn nói:

    “Tôi chắc chắn thế nào bọn chúng cũng là một tổ địch. Đấy rồi các đồng chí xem. Tôi mà còn ở nhà một thời gian nữa thì thế nào cũng ra chuyện.”

    Hữu Loan
    Giai phẩm mùa đông 1956 – Tập I.





    Nguồn:https://sangtao.org


              
Trả lời

Quay về “của người”