Tuyển Truyện Duyên Anh

Hình đại diện
thiên thanh
Bài viết: 1352
Ngày tham gia: Thứ năm 14/05/15 11:49
Nơi ở: Phố Cổ

Re: Tuyển Truyện Duyên Anh

Bài viết bởi thiên thanh »

          
          
NGƯỜI QUÊ HƯƠNG

NGÀY ANH BỎ NHÀ RA ĐI TÔI MỚI ĐƯỢC BA tuổi. Lớn lên, người anh nuôi khốn nạn ấy sẽ không một chút vương vấn tâm hồn nếu mẹ tôi quên nhắc chuyện anh.

Vào buổi tối mùa đông thê lương ở quê ngoại, dưới ánh đèn dầu hiu hắt, tôi gối đầu trong lòng mẹ nghe tiếng gió hú điên cuồng ngoài trời và tiếng nước mưa nức nở lùa vào phén liếp. Làm sao tôi vẫn thấy đơn lạnh, mặc dù bên tối bóng mẹ như cái mền ấm áp trùm kín thân hình tôi. Tôi ngước đôi mắt thơ dại nhìn mẹ muốn hỏi đôi lời, nhưng lúc đó tay mẹ còn đang thoăn thoắt đưa kim vá lại mảnh áo của em tôi. Tôi đành nín lặng đợi chờ. Đến khi mẹ ngừng đường chỉ, thở dài, rồi cúi xuống vuốt ve mái tóc con, tôi mới ngây thơ hỏi nhỏ :

- Mẹ ơi ! Con không có anh hở mẹ ?

- Có đấy chứ, có anh nuôi, mà nó đi rồi.

- Thế anh con đi đâu ?

- Đi Sài-gòn.

- Tại sao anh con lại đi Sài-gòn ?

- Vì nó đánh con ông Lý-trưởng vỡ đầu, nó sợ phải tù nên trốn biệt xứ.

- Ở Sài-gòn anh con làm gì ?

- Mẹ không biết. Thôi đừng hỏi nữa, ngủ đi con.

Tôi ngoan ngoãn nghe lời mẹ, không dám gượng hỏi nữa vì tôi thoáng gặp mắt mẹ chớp mau muốn khóc. Mẹ tôi hay khóc lắm, vui cũng khóc, buồn cũng khóc.

Tự đấy lòng tôi nhóm lên một ánh lửa thương yêu, để có những chiều thơ thẩn ngoài ngõ, nhìn nắng vàng yếu ớt rơi trên nội cỏ ngàn cây, mà buồn rầu vô căn cứ. Người anh nuôi xấu số của tôi chưa cho tôi một kỷ niệm êm đềm nào trong chuỗi ngày thơ ấu, hay cho nhiều rồi mà hồi ấy tôi chưa biết nhận. Dù sao chăng nữa, tôi cố mường tượng anh ở đôi mắt sầu cảm của mẹ tôi để tin rằng anh nuôi đã góp thêm vào cái gia đình nhỏ bé nghèo nàn này muôn vàn kỷ niệm u sầu hay tha thiết, và chắc chắn rằng anh đã trải qua những ngày khốn khổ nhất của gia đình họ Vũ nhà tôi.

Trang đời im lặng mở đều. Sau trận mưa, trời sáng sủa. Gia đình tôi bây giờ dời khỏi lũy tre xanh, cuộc sống tạm đầy đủ. Tôi cũng khôn lớn hơn xưa và niềm thương thuở nào vẫn còn nguyên vẹn.

Mấy năm sau người họ hàng ra tỉnh trao cho mẹ tôi một phong thư bảo rằng thư của anh nuôi tôi từ Sài-gòn gửi về. Thư viết :

Hớn-quản ngày 7 tháng 5 năm 194...

Kính thưa thầy mẹ,

Con là Nguyễn-Thân tức Vũ Mộng-Tường, con nuôi của thầy mẹ, có đôi lời viết về thăm bà và thầy mẹ và các em đang mạnh giỏi thì con rất lấy làm mừng. Còn về phần con, từ ngày trốn nhà vào Sài-Goòng đến nay long đong lật đật mãi. Hiện thời con làm ở Lăng-ta-si-ông cực khổ quá trời quá đất. Con nhớ thầy mẹ và làng nước lắm. Con xin thầy mẹ tha tội cho con. Nếu con còn sống sẽ có ngày con về đền đáp công ơn thầy mẹ. Thôi giấy vắn tình dài. Con chúc cả nhà đặng bình an vô sự.

Kính lạy thầy mẹ.
Con Nguyễn-Thân tức Tường


Thư không đề địa chỉ người gửi. Chữ viết nghiêng ngả đơn sơ. Mẹ tôi đọc đi đọc lại mấy lần. Người ngậm ngùi nói :

- Thế mà thằng ấy có hiếu. Nó đi đã chín, mười năm rồi. Tội nghiệp, đến lúc nhà đủ cơm ăn áo mặc thì nó lại tha phương cầu thực khốn nạn.

Về phần tôi, tôi vội hình dung ngay thấy những ngọn roi oan nghiệt quất vào mình mẩy anh Tường cu ly đồn điền cao su đau tê tái. Tôi cảm như lòng tôi đang thắt lại.

Sau lá thư ấy, anh tôi không gửi thêm lá nào khác. Chẳng biết anh có còn sống hay đã gửi nắm xương tàn ở một gốc cây cao su nào rồi ?



Cuối năm 1954 tôi di cư vào Nam một mình, để mặc gia đình bên ấy tiếc thương, sầu thảm. Những ngày đầu tiên của tôi ở nơi này còn lạnh lùng lắm, tuy nắng quê hương miền Nam còn gay gắt hơn cả nắng quê hương miền Bắc của tôi.

Đời tôi luôn luôn thiếu thốn. Thuở thơ ấu thì thiếu anh chị, thiếu đồ chơi. Lớn hơn thì thiếu cơm ăn, áo mặc. Khi thấy lòng mình trống trải, mỗi độ gió heo may về thì thiếu mầu áo trinh nữ. Đến nay làm trai sông hồ thì thiếu đốm hỏa gia đình. Sự thiếu thốn ấy mãi mãi ám ảnh tôi bắt đầu từ hình ảnh người anh nuôi quê mùa cũ. Tôi còn nhớ ánh mắt sầu cảm của mẹ tôi : anh đã hiện nguyên hình trong ấy (tuy tôi chưa rõ mặt anh), có bao giờ tôi quên được. Phải, có bao giờ mình nỡ tâm hủy hoại kỷ niệm của đời mình. Nhất là lúc này ở tâm hồn tôi đang đòi hỏi tình cảm lấp giúp hố buồn.

Tôi lang thang trên vỉa hè Sài-gòn, cố tìm trong những đám đông xa lạ một hình ảnh quen thuộc. Thường thường thì vô vọng và mối sầu lại đùn lên to lớn hơn. Tôi nghĩ cách kiếm anh tôi trên mặt báo. Nếu anh tôi chưa ra Bắc hoặc nếu anh tôi chưa chết, thế nào anh em tôi cũng gặp nhau. Ý nghĩ ấy khiến tôi sung sướng. Tôi nhờ năm sáu tờ nhật trình đăng tin tìm người nhà.

Sau nửa tháng sống bằng hy vọng, một buổi sáng có người đàn ông trạc ba mươi tuổi, tay cầm tờ báo, mắt ngơ ngác nhìn quanh trạm di cư tầng ba nhà hát lớn. Linh tính báo cho tôi biết trước có lẽ là anh Tường. Tôi đang nằm trên sàn đá hoa, nhỏm ngồi dậy, lại gần người đàn ông, niềm nở hỏi :

- Ông muốn tìm ai ?

Người ấy trả lời giọng Bắc pha tiếng miền Nam :

- Tôi kiếm người bà con, thấy nói ở lầu ba.

- Tên là gì ?

Tôi vừa hỏi vừa run run hồi hộp.

- Tên kêu Long.

- Trời ơi !

Tôi hét lên, cảm động ôm chầm lấy anh tôi. Anh tôi bỡ ngỡ ngó tôi hết sức lạ lùng.

- Em đây, em anh đây, anh Tường ạ !

Bấy giờ anh tôi mới nắm chặt tay tôi, nước mắt anh rụng xuống thấm qua áo tôi nóng hổi. Anh chỉ nói được mỗi lời :

- Chú chóng lớn quá, hồi tôi ở nhà chú bé chút xíu.

Rồi anh đăm đăm nhìn tôi. Tôi mời anh ngồi tạm trên cái hòm sữa. Qua cơn xúc động, anh hỏi thăm chuyện gia đình. Tôi kể anh nghe, từng mẩu tình cảm quê hương, nỗi vui buồn gia đình. Anh tôi khóc. Tôi không biết ngày nay anh tôi đã thoát khỏi cuộc đời cu ly đồn điền chưa, chứ ngắm kỹ con người anh, tôi chắc chắn anh đang trải đời mình cho sự đau khổ nghiến lên.

Anh tôi gầy, nước da ngâm ngâm đen. Đôi mắt anh thật hiền lành, hiền lành như bao nhiêu người nông dân làng Tường-an. Anh còm cõi. Lúc này tôi chả cần phải mường tượng anh ở đôi mắt mẹ tôi nữa. Tôi thấy cuộc sống phiêu bạt của tôi ấm lên nhờ hơi thở của người anh nuôi quê mùa cũ. Anh tôi ngừng khóc, anh rút khăn thấm mắt rồi đưa cho tôi gói quà. Tôi bóc ra, đấy là những trái măng cụt. Anh giục tôi ăn. Măng cụt lạ miệng, ngon quá. Anh nhìn tôi mỉm cười. Lát lâu, (tôi đán rằng anh tôi suy nghĩ lung lắm) anh ngần ngại bảo tôi :

- Chú về ở với tôi nghe ?

Tôi chưa kịp đáp, anh nói tiếp :

- Kệ chú ạ ! Cứ về ở với tôi, tôi không để chú khổ đâu. Vợ tôi nó buôn bán, còn tôi... à, cũng phong lưu chán. Chú thiệt ngộ, vợ tôi nó sẽ mừng đó.

Anh mời tôi gần như van nài. Tôi ngỏ ý bằng long. Anh tôi sợ tôi thay đổi ý kiến, vội vàng thu xếp hành lý của tôi. Anh xách xuống đường gọi xích lô máy đưa tôi sang Khánh-hội.



Xóm anh tôi trú ngụ là xóm Cầu Cống, sình lầy, hôi thối. Ở đây tập trung một số đông người Bắc dời bỏ quê hương từ lâu, và vì không có may mắn nên mãi tận ngày nay cuộc sống vẫn âm thầm nghèo khổ. Phần nhiều trốn từ các đồn điền cao su cà phê đất đỏ hay đã hết giao kèo ký với công ty. Họ làm đủ nghề, đàn ông thì đạp xích lô, lái tắc xi, xích lô máy, hớt tóc rong... đàn bà thì buôn thúng bán mẹt, đầy rẫy hình ảnh quê hương gầy ốm của tôi.

Anh tôi đạp xích lô. Chị tôi bán tàu hũ chợ xóm Chiếu. Hai người lấy nhau mười năm rồi mà chưa có mụn con nào. Điều này khiến anh tôi đau khổ lắm. Anh lo ngại cái buổi tàn tạ một kiếp nhân sinh, nên anh chị tôi nuôi đứa con nuôi xin trong cô nhi viện. Anh tôi đa sầu đa cảm, anh nhìn đứa con nuôi, trạnh nghĩ đến thân phận mình. Rồi anh kết luận chỉ vì nghèo mới phải làm con nuôi.

Chúng tôi sống dưới túp nhà lá. Không thấy anh chị tôi phàn nàn gì cả hay họ đã quá quen với hoàn cảnh, bằng lòng theo số mệnh ? Anh tôi là phu xích lô nhưng đừng ai vội tưởng kẻ đạp xích lô thì dốt nát, cùng cực. Anh tôi, trời cho tính chịu khó. Dạo lưu lạc miền Hớn-quản, anh nhờ người dạy học. Ngày nay anh đủ kiến thức để chê bai truyện dài đăng trong nhật báo, hay thích thú những bài xã luận. Anh tôi chỉ xáxh xe đậu sát lề đường kho Năm từ 4 giờ chiều, lai rai ly cà phê đen, phì phào vài điếu ách chuồn đón khách ngoại quốc. Khi vắng mối, bất đắc dĩ mới chọn đạp cho người Việt lấy tiền trả thuế nửa buổi xe. Mười một giờ hoặc nếu hôm nào cải lương hay, chín giờ đã thấy anh lần về rủ vợ đi coi hát. Ban ngày anh ngủ liên miên, hễ thức thì lại khơi chuyện làng xưa và cuối cùng bao giờ cũng cố hỏi :

- Tại sao chú vô đây. Ở nhà có sướng không ? Chú dại thiệt là dại !

Tôi chưa nói tình cảm quê hương cũ cho anh nghe. Mà dẫu có nói chắc cũng không tin. Những người không biết hay xa đất Bắc nhiều năm, mấy ai đã tin lời kẻ di cư. Họ sống bằng mộng tưởng và vẽ ra hiện tại huy hoàng của đất mộng. Kể gì anh Tường phu xích lô, hồi chúng tôi chân ướt chân ráo ngỡ ngàng bước trên nẻo đường miền Nam, vô số sinh viên, trí thức điểm mặt chúng tôi, ghép chúng tôi là đồ vô liêm sỉ, bán nước, theo giặc. Thế nên tôi chả cần giải thích vội với anh Tường. Vả lại, xen câu chuyện chính trị vào tình cảm riêng tư ích lợi gì. Tôi muốn chinh phục anh Tường dần dần chứ không muốn mất anh Tường như tôi đã mất bao nhiêu thứ bên kia ranh giới. Vậy câu trả lời anh tôi là :

- Em thích giang hồ, bạn bè rủ em đi.

Câu trả lời ấy vừa lòng anh chị tôi, vừa lòng luôn cả xóm Cầu Cống ngàn năm không ánh đèn điện. Mọi người xúm nhau mua bia, nước cam mời tôi uống, bắt tôi diễn tả quang cảnh tưng bừng của "quê hương độc lập, tự do". Tôi nghĩ đến những con vẹt, những thằng người Mác-xít đã từng len lỏi rắc mầm mống bệnh hoạn, đã từng rót vào tai đám dân nghèo nàn này nhiều mộng ước, đã cho họ ăn bánh vẽ ở cái thời mà đường đất xứ sở toàn phường cẩu nhãn nghênh ngang phì nọc độc, cái thời mà giá trị con người xóm Cầu Cống ngang với giá chợ heo, chó. Và hôm nay nữa, những thằng người Mác-xít còn hành động gì? Tôi khoe khoang, khoe khoang là điều tầm thường đáng phỉ nhổ. Nhưng nói thực, tôi là kẻ sẵn sàng chiến đấu. Vậy mà trước đám người quê hương, tôi tự tthấy mình nhỏ bé, yếu đuối. Tôi biết một mình tôi cô độc chằng làm nổi. Tôi đành thua trận đầu, mắc nghẹn, đau đớn mà kể chuyện ngoài Bắc "vui, no lành, sung sướng" sai sự thực, khác cả 100% : Em tôi phải bỏ học. Mẹ tôi phải trở về làng cày cấy. Cha tôi bị đổi rất xa quần quật phục vụ chánh phủ ăn lương gạo. Tôi chả nỡ ghét người xóm Cầu Cống. Họ đáng thương hại như anh chàng mê gái dám cầm dao đâm tình địch.

Anh Tường cũng say sưa chủ nghĩa ngoài kia lắm. Anh hay nhắc dĩ vãng kháng chiến và hãnh diện tiêu diệt được nhiều thực dân. Năm 1946, anh vào đội "Thanh-niên Tiền-phong" võ trang gậy tầm vông, dáo mác chống liên quân Anh-Ấn-Pháp. Lúc rãnh rổi anh thường tả những cái ụ bên đầu cầu Quay đối diện với nhà hàng Hồng-kông Thượng-Hải. Mắt anh sáng rực khi anh nhớ lại Rạch Đỉa bên Bình-xuyên nói dòng nước cuốn xoáy mất tích bao nhiêu kẻ thù dân tộc. Nhiều bận một mình anh len lỏi trong thành phố dán bích chương. ném lựu đạn... Anh hỏi tôi có biết chuyện cậu bé tẩm dầu vào người đốt kho xăng của địch? Tôi khe khẽ hát bài "Tiếng súng Nam-bộ" trả lời anh. Tôi kể lại hồi ấy thanh niên làng tôi tình nguyện vào Nam giết giặc. Anh tôi sung sướng. Mắt anh sáng rực, tay đập phản gỗ, miệng ca "Tiếng súng vang sông núi miền Nam vì mưu lấy miền Nam. Ta muốn băng mình tới phương Nam xé xác quân tham tàn..."

Tôi mường tượng ra chuỗi ngày u ám, thảm sầu của anh ở đồn điền Hớn-Quảng. Rừng thì đầy hổ, suối thì đầy cá sấu và chuỗi ngày anh làm gã trai giành độc lập cho xứ sở, mà yêu anh vượt lên tình cảm thông thường. Pháp bắt anh hai lần. Phòng nhì tra tấn anh sống đi chết lại. Bây giờ ngực anh còn đau mỗi khi thời tiết thay đổi. Có thể vì thế anh trở nên bất lực về đường tình dục. Được tha, anh Tường trốn ra chiến khu miền Đông chiến đấu mê man dưới làn mưa đạn. Sau anh bị thương, bị cầm tù. Mãn hạn, anh ở Sài-Gòn. Anh đạp xích lô từ đó.

Hiện thời không biết anh còn hoạt động gì cho kháng chiến vì anh rất bí mật và khánh chiến cũng hết rồi. Xem chừng anh ghét công cuộc di cư cay đắng. Anh bảo anh định hồi hương cùng với những người tập kết nhưng anh muốn về làng giầu có vẻ vang nên hoãn ý định lại. Anh hy vọng hai năm sau, thời cuộc đổi thay, sẽ tính chuyện khác. Anh khuyên tôi nên tin tưởng "cụ Hồ". Tôi ậm ừ tỏ vẻ tán thành. Và như vậy tôi sắp khám phá được nhiều điều lạ lùng.

Anh Tường chịu khó mua tranh vẽ các vị anh hùng dân tộc như Phan Đình Phùng, Duy Tân, Đề Thám, Nguyễn Thái Học... Anh cắt dán rất mỹ thuật trên vách ván, thắp hương thờ phụng. Lòng yêu nước của anh còn bộc lộ trong những vần thơ hùng hồn anh thuộc vanh vách. Anh đọc thơ vào lúc tâm hồn thanh thản. Hỏi anh về cuộc sống tương lai, anh mỉm cười im lặng. Nguyện vọng tha thiết nhất đời của anh là được về đất Bắc sửa sang ngôi mộ mẹ và viết quyển hồi ký “Đời xích lô”. Anh phàn nàn học kém quá chứ không anh đã thành văn sĩ. Anh tâm sự với tôi rằng anh sẽ cố viết, tôi sửa lại. Nhưng chẳng bao giờ anh viết. Tuy cao hứng, anh vẫn khóc.

- Xích lô là cái nghề dư nhân tâm thừa bạc ác. Tường này mà tả đoạn dẫn Tây đến nhà điếm, rồi hai đứa làm "com bin" với nhau thì cứ gọi là tổ sư Tây cũng mất bóp.

- Thật hả anh?

- Tôi nói thiệt tình. Chứ đại sứ Mỹ mà lên xích lô tôi cũng bị bịp đô-la như bỡn.

Khi tình cảm trào dâng, anh nói toàn những chuyện "dư nhân tâm" cảm động đáo để. Tôi ước mong có dịp thực hiện giùm anh nguyện vọng thứ hai. Tôi bảo anh. Anh sung sướng dặn:

- Nếu in sách thì chú nhớ vẽ bìa hình thằng phu xích lô nằm gác xe cạnh vỉa hè mơ màng điếu thuốc "Ách-chuồn" nghe. Nhớ thuốc Ách-chuồn mới hay!

Tôi buồn cười nín chẳng nổi. Anh tôi tưởng tôi khôi hài, nghiêm nét mặt:

- Đừng rỡn chú, hôm nào tôi kể chú nghe cái tích thuốc Ách-chuồn trong đời xích lô mưa nắng của tôi chú mới thấy là tuyệt.



Tôi sống ở xóm Cầu Cống với anh tôi được hơn một tháng thì bọn phiến loạn Bình-xuyên gây sự. Chúng tôi lên hè phố Catinat trú tạm. Ít ngày sau im tiếng súng, chúng tôi trở về dọn nhà xuống gần cầu Tân-Thuận. Anh tôi dạo này vắng nhà cả ngày. Gặp nhau, anh đem những tin tức miền Bắc càu nhàu hỏi tôi:

- Thật không hở chú?

Tôi biết là thực, nhưng đã nhủ không xen chuyện chính trị vào tình cảm riêng tư, nên tôi lựa lời đáp:

- Báo ấy mà, anh còn lạ gì.

Anh tôi tươi nét mặt, hài lòng câu trả lời vu khống ấy. Tôi hiểu anh Tường như tôi hiểu những người nghèo khổ bị xã hội khinh bỉ, áp bức, tâm hồn sẵn đâm chồi thù oán. Họ thèm lời an ủi, thèm lời hứa hẹn dù chỉ là hứa hẹn suông. Một khi đã hứa giúp họ tạo cuộc sống no lành mai hậu, thì họ tin tưởng tới cùng, và họ dám hy sinh tất cả. Anh Tường thân mến của tôi đã bị bùa phép Cộng-sản chài mất rồi. Tôi mà nói rõ chuyện miền Bắc với anh lúc này chẳng khác gì nước đổ lá khoai. Anh đang si mê đến ngu dại. Tôi cố chờ dịp khác.

Tới một đêm anh về rất khuya, mặt mày tái mét. Tôi hỏi, nhất định anh câm nín. Anh giục tôi đi ngủ. Anh ngồi dưới ngọn đèn móc túi áo blouson ra nắm giấy to tướng. Tôi vẫn chú ý anh từ lâu, tôi vùng dậy đòi xem tập giấy. Giọng anh run run sợ sệt:

- Đừng mó vào, truyền đơn đấy chú!

- Truyền đơn gì?

- Truyền đơn của chính phủ ta.

- Chính phủ nào? Anh đừng sợ, em là em của anh mà.

- Chính phủ ngoài Bắc.

- Truyền đơn đả đảo chính phủ miền Nam hở anh?

- Ừ.

- Anh phải ném đêm nay à?

- Ừ.

- Thôi để sáng mai tính lại, anh run thế làm ăn gì được.

- Tôi vừa bị lính rượt.

Tôi hoảng hồn. Bây giờ mà cảnh sát ập vào đây tóm cổ tôi thì ăn nói sao đây? Cả đêm ấy tôi thức trong lo âu hãi hùng. Sáng sau tôi dậy sớm nói chuyện với anh Tường. Tôi phải để tới sáng vì nhiều duyên cớ. Có thể tôi sợ anh tôi thủ tiêu tôi. Có thể đêm tối tôi chưa đi được. Tôi trình bầy anh nghe rõ rệt cuộc sống hiện tại ở miền Bắc. Tôi giải thích cho anh tôi rõ kháng chiến và Cộng-sản, những cuộc đấu tố dã man, những sự phản bội dân tộc của "cụ Hồ". Tôi không quên nói điều cần thiết nhất là tình thương yêu gia đình bị chà đạp... Anh tôi lắc đầu hoài nghi. Anh bảo tôi là phản động. Tôi cúi đầu chịu đựng. Rồi tôi xét khó sống mãi trong tình cảm bất đồng tư tưởng này, tôi xin phép anh đi nơi khác. Anh chị tôi nín lặng, chẳng đồng ý mà cũng chẳng phản đối. Trước khi xách hành lý khỏi nhà, tôi khuyên anh đừng ném truyền đơn nữa nếu anh còn muốn sống để về làng xưa đắp lại ngôi mộ mẹ. Anh tôi hết giận ngồi im. Tôi chắc anh nhìn theo bóng tôi, đau khổ.



Giã từ xóm nghèo miền Khánh-hội, tôi mang theo bao nhiêu ẩn ức. Sự đau khổ dày vò tôi lúc này là anh tôi nghi ngờ tôi, anh đã dứt tình tôi. Tôi nói có sai đâu. Chắc chắn anh tôi dọn nhà đi nơi khác rồi vì anh sợ tôi sẽ tố cáo tội phá hoại. Anh Tường không nghĩ thế, nhưng ở ngoài Bắc, chuyện ấy người ta làm như điểm tâm mẩu bánh mì. Cũng may anh còn túng bấn chưa kịp hồi hương. Tôi nhớ chuyện những đứa con nuôi kể tội ác cha mẹ đỡ đầu chúng trước đám đông. Tội bóc lột sức lao động của chúng từ thuở nhỏ và chúng đòi lại bằng cách sỉ nhục, đấm đá người thân yêu đã nâng niu chúng có khi như con đẻ. Anh Tường mà ở miền Bắc, biết đâu anh chẳng lôi mẹ tôi ra đấu tố. Cộng sản dạy anh, chứ bản tính anh, bản tính hiền lành của người Việt-nam có bao giờ hèn hạ như vậy. Tôi bỗng thương anh tôi trọn chuỗi tháng ngày anh cạo mủ cao su đồn điền Hớn-quản.

Thỉnh thoảng tôi ra bờ sông Sài-gòn hứng gió, tôi tìm một người quen xóm cũ hỏi thăm tin tức anh. Được biết anh vẫn mạnh khỏe, tôi mừng. Rồi tôi cũng lao đầu vào cuộc sống.



Hai năm sau tôi trở lại Sài-gòn. Việc đầu tiên là đến thăm anh Tường. Tôi nghĩ rằng, qua thời gian suy nghĩ, hoạt động, anh tôi đã hiểu thấu đôi phần sự thực phũ phàng về Cộng-sản. Đôi phần thôi, như mình muốn gỡ tung bối chỉ, chỉ cần tháo được cái nút. Tôi theo lối gỗ cầu dài bắt trên sình lầy hôi thối vào nhà anh. Tôi đoán sai. Anh tôi không sợ tôi đi báo, vẫn còn ở khu gần cầu Tân-thuận. Anh em gặp nhau, anh tôi sung sướng giống lần anh tìm tôi trên gác ba nhà hát lớn. Anh hỏi tôi làm gì hai năm nay. Tôi nói ra Trung dạy học.

Anh tôi dạo này gầy ốm tiêu điều. Anh mệt quá phải nằm trên ghế bố nói chuyện. Lúc ấy chị tôi vắng nhà. Thằng con nuôi của anh đang nghịch ngợm với lũ trẻ ngoài lộ. Căn nhà im lìm, ghê sợ. Tôi thấy anh tôi khóc, ái ngại bước đường lưu lạc của tôi :

- Chú có khổ không, từ bữa chú bỏ đi anh lo cho chú quá.

- Em lớn rồi anh ạ! Đau khổ mới nên người chứ, anh khỏi lo.

Tôi hỏi anh ốm bệnh gì. Anh ho sù sụ một hồi bắt đầu kể. Giọng anh trầm buồn thiểu não. Sau những đêm ném truyền đơn, căng biểu ngữ tuyên truyền đả phá miền Nam, sau những lần gài plastic, ném lựu đạn thành công mỹ mãn, anh Tường bị thộp cổ. Trong cuộc điều tra, bản tánh chất phác của anh cố giấu giếm, nhưng bị thua sự khôn khéo của những người xét hỏi anh. Họ không đánh, chỉ cười thôi, mà dồn anh vào chỗ bí, phải khai thật hết. Các đồng chí của anh, vì thế, bị thộp cổ theo anh khá nhiều.

Cùng bị giam một trại với nhau, bọn đồng chí cũ khép anh vào tội mưu phản, len lỏi vào tổ chức của chúng để dọ thám. Chúng cậy đông, xúm vào đánh anh, định đánh cho đến chết. May tiếng ú ớ của anh kêu qua cái khăn nhét vào cổ họng cũng đủ báo động cho nhân viên trật tự vào cứu anh, rất may là còn kịp.

Anh được nằm trong nhà thương của trại giam. Hết ba tháng, được về, lại vào nhà thương thí. Bên giường bệnh chỉ có vợ con anh thăm nom, cùng với dáng dấp hiền từ của những bà phước áo trắng.

Kể đến đây, anh Tường bắt tôi nói hết chuyện miền Bắc. Tôi cứ việc đem sự thật trình bày, không vu khống, không xuyên tạc. Anh tôi cảm động chớp chớp mắt thật mau. Anh chợt nghĩ ra công lao chiến đấu của anh hơn mười năm nay đã biến thành công dã tràng. Quay lại hướng tình cảm, anh tôi van nài:

- Chú tha lỗi cho anh.

- Anh có lỗi gì ?

Tôi nghĩ nhiều về anh Tường. Thuở nhỏ, mẹ cha nghèo đói phải làm kiếp con nuôi. Lớn lên thì chịu đựng những hình phạt tàn nhẫn của những ngọn roi oan nghiệt đồn điền. Anh tôi có quyền chiến đấu tìm tự do cơm áo. Điều đáng trách là không ai hướng dẫn anh để sau này anh dại dột ném lựu đạn, gài plastic giết người cùng anh chung một ý nghĩ. Tôi ở xóm Cầu Cống đã lâu. Xóm ấy nghèo khổ, dốt nát. Buổi chiều nước lên tràn ngập nền nhà. Buổi sáng nước rút trơ bùn, phân, rác rưởi hôi thối. Ánh đèn điện yếu ớt ngoài lộ soi dấu chân nào tìm đến cuộc sống hẩm hiu, soi dấu chân nào tìm đến mộng ước ? Thỉnh thoảng có tiếng phóng thanh vọng tới : "A-lô! A-lô! Đả đảo Cộng-sản!" Thỉnh thoảng có tờ bích chương dán mãi ngoài cổng xóm.

Thỉnh thoảng có tổ chức phát bột mì, sữa hộp, thì người ta biến nó thành cuộc phát chẩn bệ rạc. Thỉnh thoảng có chiếu bóng ngoài lộ thì chỉ chiếu phim ruồi, bọ, khuyên ta nên ăn ở hợp vệ sinh, khi xóm Cầu Cống toàn sình lầy hôi thối. Thỉnh thoảng có chích thuốc phòng dịch, người ta nhăn nhó mặt mày vì những em bé gầy ốm, do bẩn.. Xóm Cầu Cống đói khát hạnh phúc, thèm thuồng ánh sáng dẫn đạo, thèm thuồng mọi sự hiểu biết. Đêm đêm ma quỷ, đội lốt người, hiện về dỗ ngon dỗ ngọt nên theo chúng nó. Ma quỷ phác họa cảnh thiền đường ngoài nớ, và xóm Cầu Cống thiêm thiếp ngủ say. Ngày ngày bọn sợ trách nhiệm, lười biếng, bọn cầu an, xu thời qua đây giơ bàn tay béo mẫm, hô to: "Đả đảo Cộng-sản". Thử hỏi xem ai có nghe rõ gì không !

Anh tôi chả tội lỗi gì ! Tôi cũng nghĩ nhiều về những tâm hồn hống hách còn sót lại nơi này, nghĩ nhiều về một số trí thức miền Nam : bác sĩ có, dược sĩ có, kỹ sư có, luật sư có, ký giả có mà còn ngu đần theo Cộng-sản, nằm vùng phá hoại nếp sống thanh bình của dân hiền, thì kể chi anh Tường phu xích lô của tôi. Với kẻ thù, chúng ta giết nó bằng súng đạn, chứ với bọn phản bội, thì phải quăng xác chúng nó vào chuồng mãnh thú. Anh tôi chả tội lỗi gì hết. Có khi nào mẹ hất hủi con, ngày đứa con lạc bước quay lại tổ ấm gia đình ? Tôi nhìn anh Tường rưng rưng nước mắt. Giọng anh buồn buồn thống trách :

- Phải chi tôi biết sớm, chú đỡ khổ, mà tôi vẫn hy vọng về làng xưa đắp mộ cho mẹ.

Tôi an ủi anh :

- Mình còn sống lo gì anh. Em tưởng nếu cần thì ta làm lại tẩt cả.

- Tôi bệnh tật quá.

- Em thì trẻ quá, khỏe mạnh quá.

- Tôi sẽ giúp chú, bớt ốm tôi xuống xóm Cầu Cống nói chuyện lại cho ngưòi quê hương nghe.

- Anh không sợ à ?

- Sợ gì ?

- Sợ Cộng-sản !

- Mẹ ! Trước mình khờ khờ chứ nay khôn rồi chú ạ ! À lúc này chú ở đâu ?

- Em ở trọ.

- Hay về với vợ chồng tôi ? Tôi dành dụm được món tiền nhỏ, ta dựng căn nhà lá hẻm Kho 5. Tôi cũng ghét cái xóm này cay đắng. Chú tính sao ?

- Anh để em nghĩ.

- Nghĩ quái gì, chú bảo, "nếu cần thì ta làm lại tất cả". Bộ chú ngán sống cạnh tôi à ?

- Đâu có, anh Tường !

- Tội nghiệp, chú đừng bỏ tôi đi !

Im lặng một lúc, tôi nói :

- Vâng, mai em mang hành lý tới nhưng em phải đi dạy học chứ không ru rú xó nhà ăn bám anh chị đâu.

- Được rồi ! Chú bằng lòng là được rồi. Là anh sung sướng muốn chết rồi. Anh ngỡ chú giận anh. Nói thiệt, có lần anh tưởng chú tố cáo anh... Trời Phật tha tội anh. Trời Phật phù hộ chú...

Anh tôi vừa nói vừa khóc. Lần thứ nhất trong những ngày bên anh, tôi mới thấy anh Tường xưng "Anh" với tôi. Tiếng nói ấy sao mà thắm thiết thế. Tim tôi xao xuyến, mắt tôi ánh lên viễn tượng ngày mai gia đình xum họp. Giữa khi ấy, chị Tường dắt con đẩy cửa bước vào. Chị nắm chặt cánh tay tôi, thằng cháu Tưởng ôm chằm lấy chân tôi líu lo "Chú, chú, chú..." Hồi cháu mới tập nói, mẹ cháu dạy cháu ba tiếng "Ba, Má, Chú". Tôi nín thở đón nhận hạnh phúc. Thì ra bằng tình cảm chân thành, tôi đã chinh phục nổi anh Tường. Tôi thắng trận cuối cùng đẹp như cái bìa cuốn sách mơ ước của người anh nuôi quê mùa cũ.
Trả lời

Quay về “của người”