“Sorry, Wrong Number!”

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

“Sorry, Wrong Number!”

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    “Sorry, Wrong Number!”





    Cái gã đàn ông đứng ở trạm xe điện thành phố đàng kia, sao trông quen quá! Tôi tròn con mắt cố nhìn cho rõ. Nắng phản chiếu từ khung kính cửa số tòa cao ốc trước mặt làm nổi rõ hình ảnh gã đàn ông Á Châu có cái lưng khòm khòm, có cái đầu tóc rối, có con mắt đeo cặp kính dày cộm. Áo sơ mi trắng bỏ trong quần, hệt như cậu học trò trung học thuở trước ở nước Việt tôi. Trông quen quá là quen. Tôi rảo bước về phía trạm chờ xe điện nơi cái hình người quen thuộc ấy đang co ro phía sau cây cột có tấm bảng ghi lịch trình những chuyến xe.

    Chiếc xe điện đang tiến lại gần trạm ngừng. Tôi không rảo bước nữa, tôi chạy. Bởi người đàn ông Á Châu ấy – giống hệt thằng bé học trò tiểu học – ôm ghì lấy cặp táp, như thể sợ gió bay đi hay sợ ai giằng lấy; người đàn ông ấy đang theo những kẻ chờ xe, bám sát lề đường. Xe điện ngừng lại. Cái khối người đứng chờ bên lề đường bắt đầu chuyển động. Tôi lại gần cái đám đông thu gọn ấy. Người đàn ông Á Châu vẫn nhìn đăm đăm xuống mặt đường. Tay ôm chắc chiếc cặp táp. Bàn chân chỉ hơi nhích đi trên nền gạch sần sùi. Đúng là hắn ta rồi. Ông bạn của tôi đây chứ ai. Nhưng lâu quá không gặp tôi quên bẵng tên ông ta. Cái tên thì quên, nhưng vóc dáng thì không thể lầm lẫn với ai. Tôi vẫn dán mắt vào cái khối người đông đúc đang ùn ùn trôi dần qua cửa xe.

    Tôi luồn lách tới sát bên người đàn ông và cuống quýt “Hello!” Người đàn ông giật bắn người. Ông ta ngước lên nhìn tôi. Cặp mắt kính lóe sáng trong nắng. Tôi nói vội, “Hello! It’s me, how are you?” Người đàn ông bước nhanh qua khung cửa chiếc xe điện. Trước khi ông lẫn vào đám đông, tôi nghe loáng thoáng câu nói vội, “Sorry, I can’t talk now!” Xin lỗi, lúc này tôi không thể nói chuyện được!
    Vậy là đúng ông bạn của tôi rồi! Dân du học năm xưa; ở Xứ Tuyết này biết bao lâu mà cái giọng vẫn ướp hương tàu vị yểu Thượng Hải và đặm đà chất ướp vịt Bắc Kinh. Và cái giọng ấy nói với tôi rằng tôi không nhận lầm người.

    Bạn thân mến, người đàn ông ấy là người Hoa và sở dĩ hôm nay bỗng dưng tôi nhớ lại lần gặp mặt ngắn ngủi ấy bởi vì trong thời gian gần đây, có rất nhiều tin tức liên hệ đến sinh viên người Hoa (mà hầu hết từ Trung Cộng) du học ở Hoa Kỳ. Đại khái là các trường đại học Mỹ hạn chế số lượng sinh viên Tàu ghi danh, các sinh viên đang học gặp khó khăn trong việc gia hạn visa, nói thẳng ra là Mỹ đang tìm cách “cấm cửa” sinh viên Tàu sang du học ở Mỹ.

    Gã Á Châu mà tôi gặp ở trạm đón xe điện ấy là một người bạn đặc biệt của tôi. Và lần gặp tình cờ ấy xảy ra cách đây đã hơn hai chục năm khi chúng tôi lạc mất tin nhau một thời gian dài. Hôm sau tôi chờ thật sớm gần cái trạm ngừng xe điện ấy. Tôi nhấp nhổm với ly cà phê ở băng ghế đá góc phố. Đúng bảy giờ sáng, ông bạn tôi rụt rè bước lại trạm. Tôi nhanh chân đi về phía ấy. Chúng tôi nhìn nhau. Chắc bạn tôi đã nhận ra tôi. Tôi gợi chuyện bằng những câu chào xã giao thông thường bị ngắt quãng bởi ông đi qua bà đi lại, chen lấn nhau ở trạm ngừng. Và vì xe điện sắp tới nên tôi hỏi cái câu quan trọng: “What’s wrong with your phone?” Tôi muốn hỏi cho rõ rằng không hiểu sao lúc gần đây, mỗi khi tôi gọi tới, rủ anh đi uống cà phê thì tổng đài luôn bảo khách hàng này “not available”.

    Ông bạn tôi dáo dác nhìn quanh rồi ghé sát tai tôi nói nhỏ, “Wiretap. FBI, CIA, KGB…” Tôi không kịp bộc lộ sự ngạc nhiên thì bạn tôi đã nhanh chân bước qua khung cửa của chiếc xe điện vừa trờ tới và chìm vào đám đông. Tôi nói với theo: “See you tomorrow!”

    Tôi quen gã Á Châu ấy từ những ngày mới sang định cư ở Bắc Mỹ. Lúc ấy chúng tôi còn trẻ lắm. Ngoài hai mươi. Gã là sinh viên du học. Tôi là dân tị nạn ôm sách vở trở lại với trường lớp bên này. Gã Á Châu ấy lấy bằng Ph.D. một thời gian ngắn sau khi sang Bắc Mỹ. Và gã trở thành nhà nghiên cứu Di Truyền Học. Trong đầu gã lúc nào cũng rối nùi những nhiễm sắc thể, những di thể, những DNA, những bản đồ cấu trúc di truyền.

    Hai chúng tôi gặp nhau rồi lạc mất nhau. Thỉnh thoảng uống vội với nhau một ly cà phê trong Tim Horton, gã bạn tôi chỉ lẩn quẩn quanh cái môn genomics, đại khái là về những chất liệu di truyền trong những vật thể nọ kia vân vân. Bước ra khỏi cái khung di truyền học, gã bạn tôi biến ngay thành con cá mắc cạn. Rồi chúng tôi bặt tin tức của nhau. Tôi như người đuổi bắt những bóng mây che vạt nắng những ngày mùa hạ. Và lần nào chuyện mất liên lạc cũng gây ra từ phía gã bạn Á Châu ấy. Nghĩa là chỉ ông bạn có thể gọi tôi, còn tôi gọi lại thì bao giờ cũng “The number you’re calling is not in service.” Bao nhiêu lần như thế và lần nào số điện thoại của ông bạn người Hoa của tôi cũng “not in service”.

    Có vài lần tôi phục kích ở trạm xe điện hy vọng gặp lại ông bạn năm xưa, những năm đầu học chung trường. Một lần bắt gặp cái hình hài mà nhân loại thường tình nhìn vào sẽ nói là rất “hãm tài” ấy, tôi quyết định bám sát ông bạn kỳ quái, bạn “Hello” rồi “Bye” và vội vã bước lên xe điện. Tôi cũng nhanh chóng bước lên theo. Giờ cao điểm buổi sáng, xe điện đông nghẹt. Tôi cương quyết theo sát ông bạn. Bạn tôi đứng bám chặt lấy lưng một chiếc ghế đã có người ngồi. Tôi cũng bám sát bên cạnh. Tôi hỏi cầm chừng chuyện thời tiết, chuyện nắng mưa và tôi nhập đề, “Số điện thoại của anh tôi không gọi được.” Ông bạn dáo dác nhìn quanh, rồi quay sang tôi, nói nhỏ, “Wire-tap.”

    Lại cái chữ ấy. Cái chữ nghe hoài không còn làm tôi ngạc nhiên. Tôi chỉ thắc mắc rằng với một sinh viên du học đến từ Trung Hoa Lục Địa, nghiên cứu môn Di Truyền Học thì có gì để thiên hạ nghe lén. Ông bạn tôi có mắc chứng sợ bóng sợ gió không đây. Tôi hỏi ai nghe lén, ông bạn tôi lại nhìn khắp chung quanh rồi quay lại, ghé sát tai tôi nói nhỏ, “The Government.”

    Không còn nghi ngờ gì nữa. Ông bạn tôi bị chứng hoang tưởng. Tôi nhìn ông bạn, miệng cứ chực phun ra cái câu định bệnh rằng anh bị paranoia mà không dám. Học quá nó vận vào người – như các cụ nhà tôi ngày xưa vẫn nói. Và muốn chắc ăn là ông bạn nhận ra tôi, tôi ngập ngừng khơi cái điều muốn nói. Ông còn nhớ tôi không? Và tôi nói tên tôi. Rồi làm như vô tình, tôi nhắc cái tên không phải của ông ta. Chắc ông vẫn nhớ tôi, phải không ông Chow? Ông bạn tôi không gật đầu cũng không lắc đầu. Vẫn thói quen ấy. Không gật, không lắc; một lát sau mới cải chính, làm như cái sự cải chính không liên quan gì đến những điều đang nói. Tới trạm ngừng gần trường đại học, ông bạn tôi quay sang phía tôi, nói nhỏ – ông ta bao giờ cũng nói nhỏ – “I am not Mr. Chow, I am Mr. Li, remember? Li Xiao-Jiang.” Và ông ta chào tôi bằng câu chào tiếng Phổ Thông quen thuộc, “Zài-jiàn!”
    Lần ấy tôi về ghi chú nguyên họ và tên ông bạn học vào cuốn sổ điện thoại thay vì chỉ ghi ba chữ “Lý Di Truyền” theo thói quen lười biếng năm xưa.

    Bạn thân mến, tôi dông dài về ông bạn năm xưa cũng vì những bản tin đăng đầy trên báo chí. Và cũng vì cuộc chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng đang ngày càng bành trướng. Mới đây, những nhà nghiên cứu khoa học đến từ nước Tàu có dính líu ít nhiều tới nhà cầm quyền Bắc Kinh được chính phủ Mỹ quan tâm và hỏi thăm sức khỏe nhiều hơn lúc trước. Việc làm khó dễ sinh viên Tàu du học ở Mỹ khiến một ông Liu nào đó, người đã từng là giám đốc chương trình có tên “Sáng Kiến Trung Quốc” ở Đại Học Y Khoa Harvard than thở là “đi ngược lại giá trị cốt lõi vốn giúp Mỹ trở thành một quốc gia vĩ đại.” Bộ Giáo Dục Trung Cộng cho rằng sinh viên du học không hề có các hoạt động do thám phi-truyền-thống, đồng thời việc trao đổi văn hóa và nhân sự giữa hai nước “không nên bị chính trị hóa”.

    Do thám phi truyền thống nghĩa là do thám tùy cơ hội, một thứ do thám bán thời gian. Sinh viên, giáo chức, nhà nghiên cứu, du khách, và ngay cả mới đây công ty Huawei… không chính thức làm chuyên viên tình báo cho nhà cầm quyền Trung Cộng, chỉ thỉnh thoảng thâu lén thứ này, chụp trộm thứ kia rồi trao cho những tay gián điệp hành nghề fulltime. Thế thôi!

    Đọc những tin tức trên, tham khảo thêm ít nhiều những con số, bạn sẽ giật mình khi biết ở Mỹ năm 2018 có hơn ba trăm sáu chục ngàn sinh viên du học đến từ Trung Cộng. Nhìn hình chụp lễ tốt nghiệp ở các đại học nổi tiếng của Mỹ, nếu không đọc chú thích, bạn sẽ tưởng hình lễ tốt nghiệp một đại học nào đó ở Thượng Hải, Bắc Kinh hay Đài Loan, và một hai sinh viên da trắng lạc lõng trong hình là những sinh viên du học nước Tàu.

    Trở lại với ông bạn “nghiên cứu sinh” người Hoa kia. Chúng tôi mất liên lạc gần hai thập niên. Tôi đoán anh ta đã về lại Hoa Lục hoặc sang Mỹ tiếp tục con đường nghiên cứu về môn Di Truyền Học như anh có lần thố lộ ước mơ của anh.

    Tôi gần như quên hẳn anh chàng Ph.D xuất sắc ấy cho đến cách đây vài hôm tình cờ đọc được trên báo bản tin trường Đại Học Tế Nam, một trong những trường hàng đầu của Trung Cộng, cam kết sẽ tiếp nhận ông Li, người vừa bị Đại học Emory của Mỹ sa thải, cùng toàn bộ đội ngũ nghiên cứu của ông.

    Bản tin không đăng hình của giáo sư Li Xiao-Jiang nhưng không hiểu sao tôi vẫn đinh ninh người ấy là gã bạn học của tôi ngày xưa, cái người nhìn đâu cũng thấy hidden camera, nói gì cũng sợ wiretap. Có điều nhìn cái vẻ ngu ngơ của ông bạn năm xưa, tôi không thể nào hình dung được anh ta có thể là một tay gián điệp (ngoại hạng). Tôi tin đó chỉ là sự trùng tên rất tình cờ và giả dụ như ông bạn cũ của tôi trông giống hệt ông giáo sư vừa bị Hoa Kỳ yêu cầu rời khỏi nước Mỹ trong 30 ngày, thì tôi tin đó cũng chỉ là cái sự người giống người rất thông thường trong nhân gian.

    Tuy nhiên đời sống vẫn luôn có những chuyện bất ngờ, như cái ngày sau 30 tháng Tư, tôi đã tròn con mắt nhìn đứa bạn cùng lớp, vua trốn học, vua “cóp-pi” bài làm của bạn học ngày trước, bỗng trở về, nghênh ngang trước lớp, súng lục K-54 gồ lên ở bên hông, huyênh hoang nói chuyện cách mạng tháng 10 ở tận cái nước Nga xa xôi vạn dặm.

    Để giải tỏa cơn thắc mắc, tôi gọi lại con số điện thoại của Lý Di Truyền; ông bạn học của tôi ngày xưa để hỏi cho ra chuyện. Và câu trả lời vẫn là, “The number you’re calling is not in service.”


    Khúc An




              
Trả lời

Quay về “của người”