Gác xép

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Gác xép

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Gác xép







    Đang ngủ trên gác xép nửa đêm Thế giựt mình choàng tỉnh vì có tiếng người đập cửa ở dưới nhà. Tôi nằm kế bên cũng thức giấc, ngẩng đầu lên nghe ngóng rồi hoảng hốt ngồi bật dậy la thầm: “Chết rồi anh nờ! Mạ em trên Đà Lạt xuống tề”.

    Hơn bốn tháng trước, khi lén đưa Thế về giấu trên gác, tôi có nói mỗi lần về Sài Gòn mạ của Trảng thường ngủ trên gác này, nhưng năm ba tháng có việc bà mới về; còn nếu đêm hôm công an xét nhà Thế cứ trèo lên núp trên nóc gia ở ban-công phía sau là an toàn. Trong chập chờn, thấy tôi lộ vẻ lo lắng, Thế thương cảm, choàng tay ôm lấy tôi trấn an rồi hé cửa vọt ra ban-công phía sau, tôi sốt ruột cũng ra theo. Thế quơ vội đôi dép mòn đế, há miệng thảy xuống đường hẻm, rồi nhanh nhẹn đu tường tuột xuống đất, tôi nhìn theo mà ứa nước mắt.

    Ban đêm con hẻm tối om. Thế đang lò mò tìm đôi dép, đúng lúc hai người đàn ông rọi đèn pin trong hẻm đi ra, tôi vội hụp xuống. Nửa đêm nửa hôm bất ngờ đụng phải kẻ lạ mặt, một người la lên: “Ai đó? Làm gì ở đây? Ăn trộm hả? Rồi tri hô: Ăn trộm! Ăn trộm! Bắt lấy nó! Bắt lấy nó!”.

    Nghe la tôi điếng hồn lum khum nhìn xuống. Trong lúc bối rối Thế chưa kịp phân trần anh đã bị tóm cổ. Một người kẹp cổ Thế ghì đầu xuống, người kia bẻ quặt cánh tay anh ra sau, sừng sộ: “Tổ trưởng dân phố đây. Ăn trộm hả? Gặp tao là mầy xong đời”. Người kẹp cổ Thế hổn hển giục: “Trói nó lại, giải tới đồn công an đi, anh Năm”.

    Nghe nói tới công an, Thế chợt bừng tỉnh. Tôi biết máu giang hồ trong anh lại sôi lên. Liền đó tôi thấy người kẹp cổ Thế la “ối” một tiếng, rướn ngưới lên, vòng tay nới lỏng. Chỉ chờ có vậy, Thế hụp đầu xuống xoay mình đánh thóc vào hông người này, đồng thời xô mạnh hắn vào người kia khiến cả hai mất thăng bằng té lăn ra đất. Mặc tiếng la “bắt lấy nó”, Thế băng mình vọt ra đường cái, bỏ dép chạy thục mạng về hướng chợ Thái Bình. Lúc đó cả tôi và Thế đều không ngờ lần bỏ chạy đó là lần cuối cùng Thế chạy ra khỏi cuộc đời tôi.


    oOo



    Thế sinh ra dưới một ngôi sao xấu, anh thường nghĩ vậy. Khi trở nên gắn bó, Thế tâm sự tôi nghe mà đau thắt trong lòng. Cuộc đời của Thế có thể nói là một chuỗi bi kịch. Vừa bưng đầu ra đã khóc chóe trước cổng tam quan của một ngôi chùa ở miệt Hạnh Thông Tây. Nhà chùa thương tình đem vô nuôi. Mười ba tuổi bỏ chùa đi bụi với bọn trẻ đánh giày. Mười bảy tuổi thành quân đầu trộm đuôi cướp, khét tiếng trong giới giang hồ với hỗn danh “Thế chém”. Mười tám tuổi trốn quân dịch bị bắt lính thảy vào Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung. Nhiều lần định đào ngũ nhưng không biết nghĩ sao Thế lại thôi. Ra trường dưới hình thù một anh lính “đơ-dèm cùi bắp” thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh đóng ở Xuân Lộc, Long Khánh. Sẵn máu giang hồ, coi cái chết nhẹ tợ lông hồng, Thế đánh giặc rất hăng, coi giặc như kẻ thù truyền kiếp. Sau những trận đánh ác liệt, Thế thường lập được nhiều chiến công hiển hách, nhờ vậy binh nhì Trương Tạ Thế được đặc cách lên lon vùn vụt ngoài mặt trận.

    Năm 1963, Thế theo học khóa Sĩ quan đặc biệt tại trường Bộ Binh Trừ Bị Thủ Đức. Ra trường đầu quân vào Lực Lượng Biệt Kích Dù, trực thuộc Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài các hoạt động nhảy toán ra Bắc làm nhiệm vụ tình báo, Thế còn giả dạng thường dân xâm nhập vào Nam Lào thám thính và triệt hạ các tuyến đường giao liên của Việt Cộng.

    Sau nhiều năm chiến đấu sống chết ngoài mặt trận, súng đạn đã nung đúc Trung úy Thế trở nên dày dạn hơn, lì lợm hơn nhưng đầm tính hơn. Máu du côn hung hãn ngày xưa chuyển dần thành dòng máu anh hùng. “Thế chém” ngày xưa chưa từng chém chết ai, nhưng “Thế độc” sau này lại đốn ngã nhiều quân thù bên kia chiến tuyến.

    Có lần tò mò tôi hỏi sao gọi là “Thế chém”, anh lắc đầu thở dài không nói. Tôn trọng sự im lặng của Thế tôi cũng không hỏi nghĩa “Thế độc” là gì, như đồng đội thân thiết của anh thường gọi. Nhưng mà, dù tôi không biết trong quá khứ “Thế chém” từng chém những ai hay bị ai chém mà khi tôi gặp Thế thì trên mặt anh đã hằn sâu một vết sẹo dài sọc, đỏ ửng bên má trái. Đó cũng là hình ảnh kỷ niệm thuở ban đầu tôi gặp Thế, đã hằn sâu trong trí nhớ của tôi như một món quà trân quí của tình yêu mà trời đất đã ban tặng cho tôi.

    Tôi là người yêu đầu đời của Thế. Tôi biết chắc điều này là nhờ bạn bè lính tráng của Thế cho biết. Rằng đường binh nghiệp của Trung úy Lương Hữu Thế lên như diều gặp gió nhưng đã 25 tuổi đầu mà đường tình yêu vẫn vắng bóng hồng, cho tới khi gặp tôi. Nói không quá, ngầu như “Thế chém” vang bóng một thời, hay ngầu như “Thế độc” bắn giết nhau với kẻ thù trên rừng núi, có lẽ vì quá ngầu nên Thế chưa từng biết yêu là gì, nói chi đến gái, kể cả các cô gái ăn sương.

    Cho đến một hôm tôi đạp xe mini tới Thảo cầm viên Sài Gòn (còn gọi là Sở Thú) dạo mát. Buổi trưa đầu tuần, vườn Bách thảo hầu như vắng bóng người. Tôi ngồi trên ghế đá cạnh hồ nước trước đền thờ vua Hùng đọc sách. Lúc lật sang trang tôi ngước lên tình cờ thấy anh lính rằn ri đang nhìn về hướng tôi. Ngồi trên bậc thềm Viện Bảo Tàng Quốc Gia, người lính châm thuốc hút. Thật tình tôi không để ý tới anh ta nên cúi xuống chăm chú đọc tiếp. Nắng trên cao lỗ chỗ đổ xuống trang sách làm tôi phải nhích sang một bên.

    Đang say sưa thả hồn theo từng dòng chữ thình lình một đám năm sáu anh thanh niên áo quần xốc xếch, mặt mũi bặm trợn ào tới vây quanh tôi chọc ghẹo. Có lẽ những hành vi sàm sỡ của đám người này làm người lính chú ý. Tôi bực mình đứng dậy bỏ đi. Lợi dụng chỗ vắng người bọn họ cố tình chận tôi lại; người giựt sách, kẻ làm càn vuốt tóc, sờ tay sờ chân. Tôi càng cự nự họ càng làm tới. Coi trời bằng vung, bọn họ lôi tôi vô bụi cây.

    Đúng lúc đó, một tiếng gằn dữ dội “Buông cô ta ra!” khiến cả bọn khựng lại: Quay đầu lại bọn họ thấy một người lính rằn ri mặt thẹo trông dữ tợn, mắt trợn trừng tóe lửa đang xăm xăm bước tới. Thấy người lính to như ông hộ pháp tiến tới, đám ba que xỏ lá buông tôi ra luýnh quýnh thụt lùi, trừ một tên, có vẻ đầu sỏ, ra oai vung gậy bổ xuống đầu anh lính. Anh gầm lên, phóng tới đá văng cây gậy rồi áp sát, bẻ quặt cánh tay hắn ra sau, vặn mạnh khiến hắn la làng. Để dằn mặt đám lưu manh, anh lên gối thúc vào bàn tọa tống hắn văng ùm xuống hồ nước. Cả đám lâu la thấy thế đều thất kinh hồn vía hè nhau bỏ chạy, mặc cho tên đầu sỏ run rẩy lóp ngóp bò lên chạy biến.


    oOo



    Hồi kỳ trên của cô Huỳnh Thị Ngọc Trảng viết trong cuốn sổ tay chỉ có bấy nhiêu, còn lại là những trang trống. Bìa cuốn sổ tay đã cũ, vài trang hơi sờn, nét mực đã phai, nhiều chữ bị nhòe, vừa đọc vừa đoán. Tuần trước, Bích Thủy, em của Ngọc Trảng, đưa tôi cuốn sổ tay này nhờ tôi đọc, sửa lại câu cú xong gởi đăng báo giùm, nếu được. Đọc xong tôi đạp xe tới nhà Bích Thủy trên đường Lương Hữu Khánh xin gặp Ngọc Trảng để hỏi thêm vài điều cần biết. Thường ngày Bích Thủy rất liến thoắng, hay đốp chát lấn lướt tôi trên phone, nhưng lần này cô nín lặng một hồi mới sụt sùi kể lể làm tôi chưng hửng.

    Thì ra cách đây hơn 30 năm, chị Ngọc Trảng của Bích Thủy bị xe đụng chết trên cầu chữ Y lúc chị đạp xe về nhà dưới cơn mưa tầm tã. Bích Thủy cũng tiết lộ cho tôi biết lòng biết ơn của chị với Trung úy Thế là thủy chung cùng anh, người lính Biệt Kích Dù đã từng cứu chị thoát khỏi tay bọn côn đồ trong vườn Bách thảo năm xưa.

    Khi mất nước, Biệt Kích Dù là lực lượng cuối cùng của phe miền Nam hạ khí giới. Trung úy Lương Hữu Thể đi tù rồi vượt ngục về Sài Gòn được chị Ngọc Trảng liều mạng giấu anh trên căn gác xép. Nhưng ông trời khéo trêu ngươi. Từ cái đêm anh Thế bỏ dép chạy thoát khỏi tay phường đội không ai biết việc gì đã xẩy ra cho anh sau đó mà anh không bao giờ quay trở lại. Chị Ngọc Trảng âm thầm tìm kiếm, hỏi thăm tin tức, nhẫn nại chờ đợi nhưng anh vẫn biệt mù tăm cá. Có lẽ vì vậy chị sanh bệnh trầm cảm xẩy đến cái chết thương tâm.

    Bích Thủy nói: “Từ ngày chị em mất, không lâu sau mạ em cũng qua đời, vợ chồng em dọn về đây cho tới bây chừ”. Chỉ tay lên gác, Thủy nhỏ nhẹ: “Anh lên gác xem. Vợ chồng em thờ ba mạ em và chị Ngọc Trảng trên nớ”.

    Đó là căn gác nhỏ buồn thiu. Vì là chỗ thờ tự lâu năm nên căn gác cứ bàng bạc một không khí huyền hoặc mờ ảo. Vậy mà ở đây đã từng nẩy nở một cuộc tình bí mật, kỳ lạ, diễm lệ và phi thường, Nhưng cũng ở đây, trên căn gác xếp cô đơn này có hai linh hồn bất hạnh từng gánh chịu nỗi đau khổ trong cuộc làm người cho đến chết. Những người sống trên căn gác bây giờ đều không còn nữa. Nhưng vong linh họ vẫn bay thấp thoáng trong chiêu niệm của người thân.

    Lúc tôi từ giã ra về Bích Thủy chỉ cây vú sữa trồng trước sân nhà nói: “Anh Tấn thấy cái chảng ba không? Lúc trốn tù về anh Thế đã ngủ trên đó”.


    Phan Ni Tấn


    Nguồn:https://sangtao.org




              
Trả lời

Quay về “của người”