Đoàn Xuân Thu

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20039
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Đoàn Xuân Thu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Hương Rừng Cà Mau
    ___________________________________
    Đoàn Xuân Thu - 10/11/2011



    Năm 56, một truyện ngắn gởi báo Tiếng Dội được ông Trần Tấn Quốc, chủ báo, nồng nhiệt đón nhận.
    • “Xin giới thiệu cùng quý độc giả thân mến : tân truyện Đường về Đồng Tháp của Đoàn Hùng Việt”.
    Đoàn Hùng Việt là bút hiệu của ba tôi. Từ đó, ba tôi viết cho nhiều báo khác… kể cả các tuần báo như: Nhân Loại, Bông Lúa.

    Lúc ấy, Sơn Nam mỗi tuần một truyện ngắn trên Nhân Loại như:
    • Hương rừng Cà Mau, Tình nghĩa giáo khoa thư, Hát bội giữa rừng, Mùa "len" trâu…
    mà sau này gom lại thành tuyển tập“Hương rừng Cà Mau’ do nhà Phù Sa của Ngọc Linh phát hành năm 62.
    Hình ảnh
    Cái tình văn nghệ của phụ thân tôi và Sơn Nam từ độ ấy. Bác Sơn Nam hơn ba tôi hai tuổi nhưng hai người gọi nhau là anh. Ba tôi gọi anh Sơn Nam còn bác Sơn Nam gọi ba tôi là anh Việt. Ngoài Sơn Nam ra ba còn có các bạn văn khác như: Bình Nguyên Lộc, Ngọc Linh, Kiên Giang Hà Huy Hà, An Khê, Dương Hà…

    Nhà văn Ngọc Linh chuyên viết truyện dài với tựa rất thơ như: “Buổi chiều lá rụng…Mưa trong bình minh” gởi tặng ba hình một người đẹp với dòng chữ: “Thân tặng anh Đoàn Hùng Việt và ký tên. Hình người đẹp đó là Kiều Chinh đang là diễn viên điện ảnh.

    Nhà văn Ngọc Linh ăn mặc bảnh bao, chải chuốt, quần áo láng cón, đầu bi- ăng- tin bóng lưỡng, chạy Vespa. Còn Sơn Nam tóc dựng đứng, mặt như lưỡi cày, môi dầy, răng hơi hô, mắt kèm nhèm dưới đôi kính cận. Áo trắng, xắn tay, bỏ vô thùng đàng hoàng nhưng mang dép lè phè… đi bộ.

    Nhưng cả hai đều tài hoa và đào hoa…như nhau. Cho nên Sơn Nam đặt tên con gái là: Đào Thúy Hằng và Đào Thuý Nga thì cũng chẳng làm ai ngạc nhiên... Hằng là tên trong giấy tờ, còn tên ở nhà là Mỹ Linh. Nga là Ngọc Ánh. Thúy Hằng là tên Thẫm Thuý Hằng; còn Thúy Nga là tên ca sĩ, vợ Hoàng Thi Thơ. Sau này Sơn Nam có thêm một người con gái nữa là Đào Thúy Liễu, tên ngoài là Trinh.

    “Lúc đó, Sơn Nam có người bạn viết báo tên Đoàn Hùng Việt, làm việc ở Bưu điện Mỹ Tho. Sát vách nhà chú Việt có căn nhà bỏ trống nên chú đề nghị Sơn Nam đưa vợ con về thuê ở.” Lời của Mỹ Linh .

    Tôi là láng giềng, sát vách với con văn hào được hai năm, thường ra ruộng mò cua, bắt ốc hay chạy qua nhà nghe say mê bác Sơn Nam gái kể chuyện xưa tích cũ.

    Năm 59, ba tôi đổi đi Bưu Điện Cái Bè, tôi xa Mỹ Tho, không còn đi bắt ốc, hái rau với Mỹ Linh và Ngọc Ánh ngoài ruộng nữa. Không còn qua nhà nghe bác Sơn Nam gái kể chuyện xưa tích cũ hay ngồi trước cửa nhà nhìn xe lửa Sài Gòn Mỹ Tho, súp lê, chạy xịt khói nữa… Bưu Điện Cái bè, làng Đông Hòa Hiệp, là biệt thự rộng minh mông, chánh phủ mướn của ông Hội đồng Đôn. Không điện, không nước. Không điện thì đèn măng sông. Nước thì nước sông, gạo chợ..

    Sơn Nam một, hai tháng mới về thăm vợ con một lần ở Mỹ Tho, rồi nhơn tiện ghé Cái Bè ở chơi với ba tôi năm, bảy bữa.. Nói là ghé chơi chứ thực là ông về để viết. Sáng hai ông ăn sáng với hột gà ốp-la, muối tiêu…bánh mì bán dạo, nóng dòn. Uống cà phê phin kiểu Pháp. Bột cà phê bỏ vô phin, rót chút nước lạnh cho cà phê nở ra rồi rót nước thiệt sôi vào. Cà phê đen rất đậm, ít đường. Buổi sáng hương cà phê thơm ngát… Tôi hưởng nước nhì… Cả hai đều ghiền thuốc lá và ghiền nặng. Ba hút ngày một gói Melia vàng, hai chục điếu, Sơn Nam cũng không chịu thua, một gói Bastos.

    Tới giờ ba tôi đi làm việc, chỉ cần mở cửa là tới văn phòng, thì Sơn Nam rút vô phòng, lấy sổ đầy chi chít những chữ ra xem… rồi viết… Trưa ăn cơm chung, chiều uống chút đỉnh rượu, rồi ngủ. Má tôi lo nấu ăn, đãi bạn văn của chồng mà không một tiếng than van. Tụi nhỏ được ăn ngon hơn một chút…thường là canh chua cá lóc với cá sặc rằn kho tộ. Sau đó là Rạch Giá và Sài Gòn, những nơi ba tôi đổi đi, ông đều có đến thăm.

    Năm bảy lăm, mất nước, ba tôi bị bắt đi cãi tạo hết sáu tháng, dù suốt đời chỉ làm Bưu Đìện, liếm tem, cò, phát thơ chứ “làm cái chó gì đâu” mà có nợ máu với nhân dân…vậy mà cũng bị ở tù. Ba tôi tù về lại Sài Gòn, đường Lý Thái Tổ kiếm sống bằng nghề đánh máy mướn. Người ta làm đơn xin thăm nuôi chồng, con ở tù vì đủ mọi lý do..mà lúc đó ai mà hỏng ở tù…mới là lạ. Bây giờ, quê người, viết bài nầy bằng computer, khỏ nhẹ nhàng lên “keyboard” là chữ hiện lên, tôi lại nhớ và thương ba tôi nhiều hơn nữa. Thương những ngón tay cong vòng vì phải gõ lọc cọc suốt ngày trên cái máy đánh chữ "Olympia" cổ lỗ sỉ để kiếm gạo nuôi một bầy con, thân gà trống… vì má tôi đã mất lâu rồi…

    Có lần, khoảng năm 80, từ Cần Thơ đi gạo lậu về Sài Gòn, ghé thăm ba, tôi lại được dịp gặp Sơn Nam. Sáu giờ chiều, dẹp bàn máy, hai ông già, bạn văn, dắt nhau ra Ngã bảy ăn cơm bụi. Bây giờ không còn canh chua cá lóc, cá sặt rằn kho khô hay cá lóc nướng trui, uống rượu “con cọp” nữa rồi! Mà là một khúc hũ qua hầm trong canh toàn quốc, uống rượu bọt đường…

    Tôi cứ tưởng Sơn Nam ở tù hồi Việt Nam Cộng Hoà, giờ còn được tiếp tục cầm bút thì chắc ổng phải làm quan…ngon rồi chớ… dè đâu cũng vậy... thì sao nhờ vả được hởi trời! Tôi hỏi ba tôi hay là bác Sơn Nam giấu, vì sợ cha con mình mượn tiền, chứ con đọc báo thấy bài của ổng nghe “mùi cách mạng” lắm mà ba?
    • “Hỏng có đâu con, bác Sơn Nam nói mấy thằng biên tập nó chen vô, hỏng cho, nó hỏng đăng, đói.”
      “Người viết phải giao thiệp với chủ báo để biết họ cần gì, đặng mình viết mà không sợ phải “lạc đề”, nếu bài “lạc đề” thì dù có hay mấy họ cũng ném sọt rác. Khi đưa bài báo đến tòa soạn báo, họ muốn biên tập, xử lý ra sao cũng mặc kệ, miễn là họ... trả tiền sòng phẳng. Những gì họ biên tập, cắt xén thì khi in thành sách, ta cứ việc “phục hồi” lại nếu thích”. (Lời Sơn Nam)
    Cái tình văn nghệ giữa ba tôi và Sơn Nam dể chừng hơn bốn chục năm nhưng thời gian có hề gì. Cái tình nghĩa giáo khoa thư giữa thầy phái viên báo Chim Trời và độc giả Tư Có của cái xứ Cà Bây Ngọp, chỉ một đêm …Hai ông ăn cá lóc nướng trui, uống rượu "ông cọp"…rồi sau đó cùng chui vô mùng… nói chuyện: “QUỐC VĂN GIÁO KHOA THƯ”

    Cái tình văn nghệ giữa các ông với nhau là một chút “Hương Rừng Cà Mau” thoang thoảng nhưng lại thơm tới ngàn sau.





    đoàn xuân thu - melbourne
    nguồn: ucchau.ndclnh.com
Last edited by Hoàng Vân on Thứ ba 16/06/15 11:22, edited 1 time in total.
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20039
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đoàn Xuân Thu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Mần Văn!
    ___________________________________
    Đoàn Xuân Thu - 10/11/2011
    (gởi Trần Bang Thạch.)




    Trần Bang Thạch, bạn văn, Houston Texas, cách tôi một biễn Thái Bình viết:
    • “cứ tà tà mần văn như vậy!”


    Mèn ơi ! đọc thơ bạn hiền gặp lại chữ “ mần” khoái tỉ tê…như quê người, tình cờ gặp lại em xưa mà vợ mình không hay, không biết… Tôi xa chữ “mần” đã khá lâu, dễ chừng năm chục năm rồi có lẽ. Hồi tôi còn nhỏ, bạn văn của ba, như Sơn Nam đến nhà tìm :
    • “Ba có nhà không cháu?
      “Thưa bác Sơn Nam, ba con đi mần việc.”
      Tôi vòng tay lại.

    Ba tôi, mần việc là mần việc; mần văn là mần văn. Nhưng với Sơn Nam mần việc là mần văn. Mần văn là mần việc!

    Hồi tắm sông còn ở truồng, tôi đã kính trọng mấy bác nhà văn, bạn của ba, vì nghĩ làm sao mà có thể viết được những truyện ngắn làm người ta rớt nước mắt như vậy chớ? Trong trí óc non nớt đó, nhà văn không phải là người thường mà là người thượng… tức thuộc cõi trên.. Sau nầy lớn lên đi học, thầy cho dăm ba chữ dằn bụng, đọc Sơn Nam tôi càng “ê càng” ổng hơn! Có lẽ trong làng văn chương Việt Nam, Sơn Nam là người duy nhất sống trọn một cuộc đời bằng chữ nghĩa và sống vì chữ nghĩa. Ông sống để viết và viết để nuôi cuộc sống. Ngay những năm đầu tiên đặt chân lên đất Sài Gòn, manh áo, chén cơm của ông đã bắt đầu từ trang viết.
    • "Trước 1975, tôi đồng thời viết cho bảy tờ báo. Sau năm 1975, tôi tiếp tục công tác với nhiều tờ báo.
      Thật ra, tôi mê viết văn hơn viết báo và với tôi, viết văn bao giờ cũng là trọng tâm. Tôi viết báo để kiếm sống và để giải trí.
      Tôi quan niệm: Viết văn để viết văn, để yêu nước chứ không nhằm một mục đích nào khác.”


    Sơn Nam viết văn là vậy còn cái tánh ổng là sao cà? Hãy lục tìm vài chỗ:

    Có nhà báo nói là thích Sơn Nam ở chỗ ông thân tình, dễ gần, không lên mặt kênh kiệu với bất kỳ ai. Ông xuề xòa, vui tính, dường như tôi chưa hề thấy ông giận ai bao giờ. Cái này không đúng lắm đâu. Sơn Nam có giận chớ… mà giận dữ với “Tây” mới oai.
    • “Hiền hòa, nhỏ nhoi vậy, nhưng ông đã nổi giận thì thật ghê gớm. Cũng phim Người Tình, trong cảnh đám cưới ở chợ Sa Đéc, có mấy chục cụ ông, cụ bà mặc khăn đóng, áo dài đóng vai nhà trai, nhà gái. Giờ nghỉ trưa, thấy mấy cụ ngồi bệt dưới đất ăn cơm, trong khi đoàn phim vào nhà hàng ăn đàng hoàng, ông đã nổi giận thực sự. Mặt bừng bừng sát khí, ông đứng giữa nhà lồng chợ ra lệnh gọi đạo diễn ra cho ông nói chuyện. Chủ nhiệm đoàn phim vội hét lính dọn bàn ghế mời các cụ ngồi ăn.”

    Hình ảnh
    Giận “Tây” đã là ngon mà ổng còn đổ cộc với “ta” nữa, như trong truyện “Âm dương cách trở”:
    • Ông già hớt tóc vỉa hè bị công an khu vực xét hộ khẩu.
      Ông nói: "Tôi sống ở đây gần trọn một đời người, chỉ biết mình là công dân của Tổ quốc Việt Nam thôi".
      Anh công an hỏi: "Vậy theo ông thế nào là Tổ quốc?".
      Ông già nói: "Với tôi, Tổ quốc là một nơi kiếm sống được bằng một việc lương thiện nào đó, không bị ai làm khó dễ, có vài người bạn chơi được, không ba trợn".


    Hồi cha sanh mẹ đẻ tới bây giờ thú thiệt là : tôi chưa hề may mắn được bực thức giả nào đó định nghĩa tổ quốc thâm trầm hơn nữa!
    • Dù ước có vài ba người bạn chơi được, không ba trợn…


    Nhưng Sơn Nam xui quá… lại gặp hai người: một ở Bắc Ninh: một ở… Hãy nghe:

    Khi chụp ảnh chân dung nhà văn Sơn Nam, các nhiếp ảnh gia rất chú trọng tới "chi tiết đặc tả" là đôi tai... ngoại cỡ của ông.
    Có độc giả ở Bắc Ninh tên là Nguyễn Đình Tự đã đặt câu hỏi với ông:
    • Nhà văn Sơn Nam có lỗ tai đạt kích cỡ khoảng 7 cm x 20 cm. Có lẽ vì vậy mà ông... nghe được lắm chuyện xưa tích cũ hay ho về vùng đất Nam bộ để viết lại thành nhiều tác phẩm giá trị về đất nước, con người Đồng bằng sông Cửu Long...

    Có đúng vậy không nhà văn?"...Sơn Nam đã trả lời rất một cõi U Minh rằng:
    • “Tai tôi quả là cũng có to hơn người bình thường một chút, nhưng không phải vì do nghe nhiều mà tai to đâu. Thiếu gì người "tai to mặt lớn" mà chẳng bao giờ biết lắng nghe gì cả".”
    Một câu hỏi ba trợn và một câu trả lời có thể ở tù.

    Nhưng chưa hết, Sơn Nam còn gặp một ông ba trợn nữa.Ông viết rằng:
    • “Sơn Nam, có lẽ, vì tuổi đời đã cao nên không còn nghe và thấy được những tiếng kêu thương và cảnh đời vô vọng (đến thế) từ nơi sinh trưởng của ông.”

    Hội cao niên nghe được …tôi e nó sẽ lôi ông ra ba tòa quan lớn.. vì tội “age discrimination”
    Sau đó… còn thêm:
    • Sơn Nam qua đời vào ngày 13 tháng 8 năm 2008 nhưng ông đã chết (trong tôi) hơi lâu, trước đó.

    Cái này thì ông đúng chỉ 50 %...
    vì Sơn Nam chết mà không mất vì ổng còn để lại “Hương Rừng Cà Mau”. Riêng tôi với ông, dù cũng mần văn, theo chữ Trần Bang Thạch, nếu chết là mất vì mình không để lại cái gì hết …ngoài một nhúm tro.

    Có đọc, đừng giận nhe bạn, bớt giận mà nghe Sơn Nam nói:
    • “Với tôi, hạnh phúc lớn nhất là không gây thù chuốc oán với ai, không ai ghét mình…(Nếu lỡ người ta oán ghét mình thì cũng đành cam chịu!)”

    Tôi cũng ao ước giống hệt Sơn Nam là : "Có người tới thăm nói dóc chơi"...
    Nói dóc… vui hơn mần văn… anh Trần Bang Thạch ơi?!.






    đoàn xuân thu - melbourne
    nguồn: ucchau.ndclnh.com
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20039
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đoàn Xuân Thu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Nợ áo cơm!
    ___________________________________
    Đoàn Xuân Thu - 14/11/2011


    Hình ảnh

    Hồi năm nẩm, trò Phạm minh Tày của Collège de Can Tho, được Thanh Tịnh (hàng năm cứ vào độ cuối thu…) khuyến khích, đã xâm mình, lớn lối rằng:
    • “Lớn lên tao viết văn”.

    Thằng bạn đồng song với trò Tày đã
    • “I can you”. “Viết văn nghèo lắm!”
      Ông già phải đem cầm bộ lư và chân đèn trên bàn thờ ông bà cho “trò” đi học, vì không muốn “trò” phải sống với cây tràm,cây trâm bầu,lặn hụp bắt cá lóc!
      Ba “trò” hỏng muốn “trò” nghèo như ổng, sao trò không: “thông ngôn, ký lục, bạc chục không xài”…hay “sáng rượu sâm banh, tối sữa bò..?!”



    *
    Trò Phạm minh Tày nói là làm. Cái này gan! Bây giờ nhiều thầy chú trong nước cũng như ngoài nước nói… mà có làm cái khỉ mốc gì đâu?! Cái lưỡi dài hơn cái tay mà!….
    Mà không phải bạn đồng song mới lo đâu, mẫu thân cũng lo sốt vó, lặn lội từ U Minh lên Sài Gòn coi thằng Tám chết sống ra sao?
    • "Mầy lên đây làm gì để sống?” –
      “Viết văn!”

    Bà già hỏi lại,
    • “Viết văn là làm gì? viết văn có sống được không?”
      “Viết một giờ bằng người ta đạp xích lô cả ngày!”

    Hởi ôi? Đạp xích lô ngày nào người ta cũng đạp. Còn viết văn đâu phải là bửa củi. (câu này hỏng phải của tui mà là của Tản Đà). Một tháng được một bài… thì còn thua đạp xích lô xa! Viết văn là đói nhăn răng. Bụng đói thì đầu gối phải bò. Nhà văn viết lia chia
    • “Trước 1975, tôi đồng thời viết cho bảy tờ báo. Sau năm 1975, tôi tiếp tục công tác với nhiều tờ báo. Thật ra, tôi mê viết văn hơn viết báo và với tôi, viết văn bao giờ cũng là trọng tâm. Tôi viết báo để kiếm sống và để giải trí…”

    Viết lia chia không phải là viết ẩu à nha!
    • “Tôi tập trung tất cả sức lực và thời gian cho công việc mình theo đuổi, đến mức không làm tròn trách nhiệm của một người cha đối với con cái.

    Đối với con cái thì vậy còn đối với phụ thân ? Hãy nghe:
    • Từ cầu kênh Thứ Sáu vào đến Ấp Giữa, đò máy chạy khoảng một tiếng đồng hồ. Ở phía cầu, gần lộ, còn thấy nhà gạch, vô sâu thấy nhiều nhà lá, hoặc chắp vá nửa lá nửa tôn, hay vài thứ vật liệu tạm bợ gì đó. Không chỉ kiểu nhà cửa sơ sài, mà toàn khung cảnh nửa hoang vu chung quanh đồng toát lên một không khí xa vắng ơ hờ, gợi cho những người thuộc thế hệ tôi cảm giác đi qua ‘vùng kinh tế mới’ ba mươi năm trước. Ngóc nhìn lên hai bờ kênh, nhiều đoạn chỉ thấy lau sậy xanh rì, bông trắng phất phơ. Thỉnh thoảng trước một ngôi nhà xộc xệch có mảnh vườn rau nhỏ, dây lang dây bí bò lan man. Hiếm có cây ăn trái. Những thứ cây mọc lơ thơ quanh nhà hay dọc bờ kênh, tôi không biết tên, ít gặp ở miền Đông Đất trũng, nhiễm mặn, chỉ mọc các cây mắm, giá, không có giá trị kinh tế, xứ này ngày xưa còn nhờ cá và rừng, khai thác cạn kiệt, lần hồi tàn mạt…

      Sơn Nam chỉ vào ngọn rạch mịt mùng nói
      • “quê nội trong đó”.

      Tôi hỏi ông
      • “Có muốn ghé qua nhà không?”
        “Không có tiền về làm gì?”.

      Thiệt là đứt ruột!



    Còn mẫu thân thì sao?
    Khi mẹ qua đời, Sơn Nam hay tin, về đến Rạch Giá, ngồi tàu đò về quê chịu tang. Tàu chạy chừng mười mấy cây số, một người ngủ nãy giờ ở đằng sau tàu chợt thức dậy nhìn thấy ông, bèn chen chân qua đám đông hành khách, tới đứng trước mặt ông. Ông thấy quen quen, hỏi :
    • “Ai vậy?”
    Người đó không xưng tên, mà đưa tay vạch túi áo trái của ông ra, nhìn vào không thấy tiền bạc, vạch tiếp túi áo phải, cũng không có tiền.
    Sơn Nam hỏi lại :
    • “Ai vậy?”
    Người đó vẫn không nói, lục tiếp hai túi dưới của cái áo ký giả Sơn Nam đang mặc, mò luôn hai túi quần tây, rồi nói :
    • “Người ở Sài Gòn gì mà mặc đồ sáu bảy túi, hổng có đồng xu nào”.

    Sơn Nam ngồi trân người hỏi lại nữa :
    • “Ai vậy?”

    Người đó mới nói :
    • “Tôi là người vừa chôn má anh. Bà mất cách đây một tuần, ở tại nhà tôi”
    . Người này em cô cậu của Sơn Nam, thứ tư.


    *
    Viết xong bài này, buồn quá… tôi “quất” vài ly lượu vang đỏ… rồi đi ngủ.
    Trong mơ, tôi thấy Sơn Nam về nói:
    • “Thu ơi! tao biết mầy mần văn còn tệ hơn tao! Đăng báo nước ngoài, nghe oách… mà hỏng có cắc nào. Nhưng nghe nói bên Úc, mày còn ăn thất nghiệp được mà, hỏng lo đói.
      Lúc nào về thăm, nhớ đốt tiền vàng bạc cho bác Sơn Nam nhe , nhớ đô Úc, vì tiền Úc bây giờ có giá hơn tiền Mỹ.
      Nằm ở đây, Nghĩa Trang Công Viên Bình Dương, buồn thấy mẹ! Hàng xóm toàn là nhà giàu mà hà tiện thấy bà! Sáng, tao đi lên đi xuống, tui nó : “đui” hết trơn, hỏng có thằng nào đãi một ly cà phê hay mời điếu thuốc.

    Tôi trả lời rằng:
    • Bác nằm trật chỗ rồi, hỏng phải chổ đó đâu?

    Chưa hết lời, thì Sơn Nam nói:
    • “Bữa khác nhen! bây giờ có thằng đến đặt bài, tao phải đi… “vì bụng không… cái mông cũng chết” (trong Hình bóng cũ )
      Huống gì cái tình văn nghệ giữa bác cháu tụi mình.?


    Nợ áo cơm!
    Chết rồi! Mà Sơn Nam trả vẫn chưa xong!






    đoàn xuân thu - melbourne
    nguồn: ucchau.ndclnh.com
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20039
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Đoàn Xuân Thu

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • Meo của Sơn Nam
    _____________________________
    Đoàn Xuân Thu - 18/11/2011



    Tối qua nằm mơ gặp Sơn Nam, nửa chừng ổng kiếu, đi kiếm cơm.
    Hình ảnh
    Lơ mơ ngủ, nghe: “You got mail”. Trên lầu rón rén đi xuống mở hộp thơ, check meo. Con vợ, sau khi luyện mấy bộ phim Hàn Quốc, mệt quắc cần câu, ngủ sa-lông, mở mắt nói
    • “Cha già mắc dịch! lại lên facebook, “chit chat” gì nữa đây?
      “Hõng có em! Meo của bác Sơn Nam” Tui lễ phép trả lời vợ.
      “Nè! Bác Sơn Nam xưa giờ đánh chữ máy xách tay hiệu Olivetti không hà. Bác Sơn Nam nói: Internet hay. Nhưng cái máy chữ này như người vợ nhỏ, cưới hồi nhỏ, bỏ hõng đành, hõng nỡ phụ bạc người xưa… thì cách chi ổng lên internet mà meo ông”. Ông đừng có xí gạt tui nhe!"


    Nói thiệt trên đời tui sợ nhiều thứ: sợ đói, sợ lạnh, sợ hõng có tiền mua thuốc hút. Sợ vượt biên bị công an gài bắt… ở tù. Nhưng trên tất cả nỗi sợ: là sợ vợ. Nó giận là tui ăn mì gói dài dài… Tui xuống nước nhỏ,
    • hõng tin lại coi đi. Meo từ [email protected]"> [email protected] nè.
      “Nhưng bác Sơn Nam chết rồi mà?”
      “Em hõng biết, chết đâu phải là hết, chỉ là “tiếu ngạo giang hồ” từ hành tinh này sang hành tinh khác thôi”.
      Tôi cắt nghĩa.
      “Em hõng tin đâu, chưa đi chưa biết”. “Thôi mà sợ ma quá! Anh coi đi.


    Đươc lời như cởi tấc lòng, tui mở hộp thơ thì thấy vầy vầy:

    Thu ơi!

    Sáng nay, bác Sơn Nam ngồi trầm tư bên ly cà phê đen trong căn-tin của tuần báo Văn nghệ, chờ thiên hạ tới đặt bài. Xui quá, có mấy cô ký giả trẻ đến hạch hỏi mấy tiếng đồng hồ, trả lời muốn khan cổ họng mà chẳng có đồng xu. Nhưng kể ra cũng tội nghiệp tụi nó, sinh viên từ miền Tây mới ra trường, đang thử việc, không có bài hay thì chủ báo không ký hợp đồng nên ráng giúp tụi nó.

    Vậy mà Bùi thi sĩ, thằng này hõng phải Bùi Giáng đâu à nha, giỡn hổn, rằng: “Sơn Nam đang đứng bến như những cô gái giang hồ”
    Hõng lẽ mới sáng nó đã “xỉn” hay nó “cà nanh”, hõng ai đặt thơ nó viết. Mần văn kiếm ăn. Mà kiếm ăn là cạnh tranh, tranh danh, tranh tiếng.. nhưng đừng chơi trò “phun độc” nhe bạn! Mình là dân văn nghệ mà?!

    Ngồi một lát, có thằng đạo diễn lại, chở đi ăn phở Tàu Thủy ở Nguyễn Thiện Thuật vì nó nhờ sửa vài chữ. Tháo hàm răng giả ra, bỏ lên bàn nghe cái cộp, để húp nước lèo cho nó đã. Nó viết: “Đi hái bông súng nấu canh chua”, bác Sơn Nam gạch chữ hái, thay vào chữ nhổ. Người ta ăn cọng bông súng. Cọng thì nhổ, hái khỉ mốc gì. Sửa một chữ, tô phở, hỏng mắc đâu. Tụi nó phải học tới già mà sợ còn chưa biết hết về U Minh. U Minh là sang sáng.. tôi tối mà!

    Đi với thằng này xong, thì thằng nhà xuất bản Trẻ mời giao lưu với khách hàng của nó.
    Nó hỏi: “Sao viết văn?”
    Bác trả lời : "Tôi sức yếu quá, nếu khỏe như Huỳnh Đức thì đã đi đá banh rồi. Lại xấu trai nữa, nếu không đã đi đóng phim như Chánh Tín hồi còn trẻ. Vừa ốm yếu vừa xấu trai đành đi viết văn vậy!”.

    Giữa hai bác cháu mình, tao mới nói nha: Thằng nhà xuất bản này mua hết tác phẩm của bác hõng có bao nhiêu, mà còn dặn đừng nói ai nghe. Trả tiền không ngọt, lắt nhắt, hõng làm gì được …như gió vào nhà trống… Kẹt cái là ngoài nó, hõng có ai mua. Toàn là đọc chùa như mày, như tao hồi xưa đi coi hát cọp. Xưa nghèo, mê hát bội, hõng tiền, coi hát cọp là phải rồi. Giờ tụi nó giàu nứt vách mà cũng coi cọp nữa. Bó tay?!

    Nói xong, tao còn “ngoéo” nó một chút:
    “Bây giờ nhà xuất bản Trẻ làm ăn khấm khá, anh chị có cơm ăn, tui cũng có chút cháo.”

    Giao lưu xong, nó mời đi ăn. Nó ăn cơm Dương Châu, tưởng mình được ăn cháo Bào Ngư, dè đâu cháo hột vịt muối. Mặn thấy bà! Mà nước mất rồi còn đâu mà uống?! Đành kiếm nước phông- tên uống đỡ.

    Từ Sài Gòn lội về tới Bình Dương thì đỏ đèn. Chú đạo diễn, sát vách, chết trẻ, ham vui, có người hú đi nhậu rồi.

    Tính meo cho cháu thì nghe rùm trước cửa. Ra coi thì thấy hai thằng quánh lộn. Thằng mặt đỏ như gấc. Đứa mặt vàng như nghệ. Ôi bom đạn ì xèo! Mà phải Tây Tàu gì đâu, toàn Việt Nam không hè.
    Bác Sơn Nam đâu muốn “lan can”, bèn năn nỉ hai bên: “Mấy chú quánh nhau, làm rùm quá sao tui viết”.
    “Viết hả? Hõng “lan can” hõng được à nha. Tụi tui xử đẹp ông đó” .

    Nghe mà muốn thót… lên cần cổ. Hai bên bất phân thắng bại, bụi bay mù trời. Ôi! Con nít nó khóc rùm.

    Hết 75 lăm hiệp, thằng mặt vàng như nghệ, đang cung tay, bổng than đói bụng: “Sáng giờ hõng có gì ăn hết trơn, hết trọi, nghe nói thằng anh nuôi nó rinh bọc cơm chạy tuốt qua Mỹ rồi”. Đói xỉu, té lăn quay.

    Bác nhảy vô can: “Nó thua rồi, đừng đánh nữa! Việt Nam không hà, trăm trứng, một bọc Âu Cơ “…
    Nhưng thằng mặt đỏ không chịu: “Hồi nãy nó đánh tui đau quá.” “Ông muốn yên thân thì nghe lời tui: ngắt véo nó chút đỉnh. Bài ông viết, tui mới cho đăng, đặng ông kiếm chút cháo”…

    Độc giả thân mến, có người thông cãm; có người không. Người không thì nói tao a dua: “Thiệt là oan Thị Mầu!” Thôi kệ hàm oan thì chịu, biết nói làm sao bây giờ ?!

    Vô nhà pha cái cà phê, đốt điếu Bastos, meo cho mày. Nghe nói bên Úc trúng số độc đắc được vài triệu đô phải không Thu? Bác Sơn Nam mong mày trúng số, qui cố hương, đưa bác về lại Sóc Xoài, U Minh Hạ nhe, nhớ nhà quá.

    “Phong sương mấy độ qua đường phố
    Hạt bụi nghiêng mình nhớ đất quê”.


    Tiện thể ghé xóm Cà Bây Ngộp, thăm Tư Có, ăn cá lóc nướng trui, uống rượu “Ông Cọp” chơi. Nằm đây toàn là dân giàu, có máu mặt… mà không văn nghệ. Có thằng nào chịu đọc sách, báo gì đâu. Hỏi có đọc “Hương Rừng Cà Mau” hông? Tụi nó nín khe. Buồn như dế kêu! Bác Sơn Nam lỡ nằm trật chỗ rồi! Về quê vui hơn.

    Hết meo.
    Sơn Nam.







    đoàn xuân thu - melbourne
    nguồn: ucchau.ndclnh.com
Trả lời

Quay về “của người”