Bàn Tay Của Bố Tôi

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Bàn Tay Của Bố Tôi

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Bàn Tay Của Bố Tôi




    Bàn tay của bố tôi sần sùi và mạnh mẽ. Bàn tay cụ rất khéo léo khi tỉa cành những cây ăn trái chúng tôi trồng trong vườn, nhưng rất mạnh mẽ, quả quyết khi ghì sợi dây cương cột vào cổ một con lừa. Cụ có thể vẽ một hình vuông lên một khúc cây và dùng cưa cắt nó một cách nhanh chóng và chính xác. Người ta cho biết nắm tay của bố tôi đã từng ‘hỏi thăm’ nhiều cái cằm ngổ ngáo, bướng bỉnh. Nhưng điều làm tôi nhớ nhất là hơi ấm từ bàn tay của cụ thấm qua làn vải áo sơ mi của tôi khi bố dịu dàng nắm vai tôi kéo xuống, thì thầm vào tai tôi vì sợ gây tiếng động, khi hai bố con im lặng ngắm một con diều hâu nhẹ nhàng xà xuống chụp mồi, hay khi bố chỉ cho tôi xem một con thỏ đang ngủ trong cái ổ lót bằng rơm và lá khô. Đôi bàn tay đã giúp bố tôi rất nhiều việc hữu ích, nhưng lại chỉ thất bại trong một việc: chúng không bao giờ học viết cả.

    Bố tôi hoàn toàn mù chữ. Con số những người mù chữ ở xứ này đã giảm xuống rất nhiều, nhưng giả sử nếu chỉ còn có một người không biết đọc, không biết viết thôi nó sẽ làm cho tôi rất buồn, khi nhớ đến cha tôi và những đau khổ cụ phải chịu đựng vì tay của cụ không bao giờ tập viết cả.

    Khi bố tôi bắt đầu đi học, giải pháp thông thường cho một câu trả lời sai là mười cái thước kẻ gõ trên bàn tay để xòe ra. Không hiểu vì lý do gì đó mà hình học, số học và các bài học thuộc lòng không chịu rơi vào đúng khuôn khổ trong cái đầu với mớ tóc bù xù của bố, khi đó mới lên sáu tuổi. Có lẽ bố tôi bị mắc phải một chứng bệnh nào đó gây cho cụ sự khó khăn cho việc học, thí dụ như chứng đọc nhưng không hiểu, hoặc giả học trước, quên sau. Sau khi bố tôi bắt đầu đi học được mấy tháng, ông nội tôi bắt bố thôi học về nhà giúp cụ những công việc đồng áng.

    Cả chục năm sau, mẹ tôi, người học xong lớp tư hay lớp năm ở tiểu học, cố dạy bố tập đọc, tập viết. Sau này đến phiên tôi cố gắng cầm tay bố trong bàn tay nhỏ xíu của mình, giúp cụ nắn nót đồ những chữ hình thành cái tên của bố. Bố tôi, lúc đầu nhẫn nhục, chịu đựng để chiều lòng mọi người, nhưng một lúc sau thấy chán ngấy, và sau một hồi bẻ những ngón tay bị chuột rút, nắn bóp bàn tay đau cứng vì gắng sức của mình, cụ thông báo như thế đã đủ rồi, rồi bỏ ra ngoài đi bộ một mình hàng mấy tiếng đồng hồ.

    Sau cùng, vào một đêm khi nghĩ không có ai để ý, cụ lấy cuốn sách tập đọc cho học sinh lớp hai của con trai mình ra, cố đánh vần từng chữ một cho đến khi khó quá cụ đành bỏ cuộc. Tôi đã từng thấy bố gục đầu lên cuốn sách, vừa khóc, vừa than thở: ‘Lạy Chúa tôi, sách của trẻ con mà tôi đọc cũng không được nữa thì làm gì đây?’ Từ đó về sau, dù ai có cố gắng thuyết phục cụ như thế nào chăng nữa, bố tôi cũng không chịu ngồi xuống với quyển vở và cây bút.

    Từ việc làm ruộng đến phu làm đường, sau đó là công nhân các hãng xưởng, đôi bàn tay của bố giúp cụ rất nhiều trong việc sinh sống và chu cấp cho gia đình. Đầu óc sáng suốt, ý chí làm việc không có gì có thể suy chuyển được bố tôi. Trong kỳ Đệ Nhị Thế Chiến cụ là thợ lắp ráp ống dẫn dầu, dẫn nước tại một xưởng đóng tàu, giúp việc lắp ráp các hệ thống đường ống phức tạp trong bụng của những chiếc chiến hạm khổng lồ.

    Sự sốt sắng cũng như khả năng của cụ được mọi người công nhận, dẫn đến việc người ta muốn đưa cụ lên làm cai thợ, nếu bố tôi chịu qua một kỳ sát hạch để chuẩn nhận khả năng chuyên môn. Tay của bố tôi có thể lần theo những đường ống chằng chịt vẽ trên họa đồ, trong khi trí tưởng tượng của cụ có thể hiểu được nguyên tắc những đường ống đan dệt chằng chịt trong bụng của tàu; cụ có thể nhớ được tại khoảng nào thì đường ống sẽ chạy lên, ở khúc quanh nào thì các chỗ ráp nối sẽ rẽ trái hay phải. Nhưng cụ không biết đọc, mà cũng không biết viết.

    Sau khi xưởng đóng tàu đóng cửa, bố tôi xin làm công nhân cho một xưởng bông gòn vào ban đêm, và bỏ thì giờ lúc ban ngày làm việc đồng áng, có nghĩa là sẽ phải ngủ ít đi. Khi xưởng bông đóng cửa, sáng nào bố tôi cũng đi ra ngoài tìm việc, và đêm nào về nhà bố cũng bảo mẹ tôi trong lúc bà lúi húi lo cơm nước: ‘Họ không muốn nhận ai vào làm nếu không qua kỳ thi trắc nghiệm.’

    Việc phải đứng trước một người và nguệch ngoặc viết chữ X thay vì tên của mình quả là việc khó khăn cho cụ, nhưng khó khăn nhất là đánh dấu này bên cạnh tên một người khác, rồi phải chứng kiến cái cảnh người này thong thả bước ra với cái văn tự sang nhượng chủ quyền miếng đất từ trước đến giờ do gia đình tôi làm chủ. Khi mọi việc đã xong, bố tôi đứng ở cửa sổ, chậm rãi xoay xoay cái bút vẫn còn cầm trong tay, nhìn xuống cái sườn núi bên cạnh trang trại của gia đình tôi, nhưng mắt bố không thấy gì cả. Chiều hôm đó, tôi trốn vào vựa lúa, ngồi khóc một trận thật no nê.

    Sau đó, bố tôi lại tìm được công việc tại xưởng chế biến bông gòn, và gia đình tôi dọn vào một căn nhà trong ngôi làng dành cho công nhân, với hàng trăm căn nhà trông giống nhau như đúc. Nhưng bố tôi không bao giờ hoàn toàn hội nhập được với đời sống ở thành phố. Màu mắt của bố tôi phai dần, ánh mắt mất đi vẻ tinh anh và lớp da trên xương gò má như chảy xệ xuống. Thế nhưng đôi bàn tay của bố tôi vẫn mạnh mẽ, và hơi ấm từ lòng bàn tay vẫn tỏa ra sự dịu dàng mỗi khi cụ đặt tôi ngồi trong lòng và bảo tôi đọc cho cụ nghe vài đoạn kinh thánh. Bố tôi rất hãnh diện với khả năng đọc của tôi và thường lắng nghe tôi đọc hàng giờ, trong khi đó, tôi phải vật lộn với những ý nghĩa và khái niệm phức tạp của một đoạn văn.

    Có lần bố nghe một “nhà truyền giáo qua đài phát thanh” dựa vào kinh thánh tuyên bố ‘Một người không nuôi nổi gia đình mình còn tệ hơn một tên cướp, hay một kẻ ngoại đạo và sẽ không bao được vào nước thiên đàng.’ Bố tôi thường bảo tôi đọc lại cho cụ nghe đoạn thánh kinh đó, nhưng thú thật tôi không bao giờ tìm được đoạn văn này trong bất cứ cuốn kinh thánh nào cả. Lắm khi, cụ ngồi ở cái bàn trong nhà bếp lật lật những trang kinh thánh với hy vọng một phép lạ nào đó có thể giúp mình biết đọc nếu giở đúng trang vậy. Rồi cụ ngồi nhìn chằm chặp vào cuốn sách, và tôi biết lúc đó bố tôi đang phân vân liệu Chúa có từ chối không cho cụ vào thiên đàng chỉ vì tay cụ không viết được không.

    Khi mẹ tôi, vào một dịp cuối tuần về thăm dì tôi ở quê, bố đi ra quán mua thức ăn cho bữa ăn tối trong lúc tôi bận rộn làm bài để đem nộp vào tuần tới. Sau khi ăn xong, cụ bảo sẽ cho tôi thưởng thức món tráng miệng hết sức độc đáo, rồi bố vào nhà bếp để lấy. Tôi nghe tiếng cụ tôi xục sạo tìm trong ngăn kéo, rồi tiếng mở lon đồ hộp. Rồi đột nhiên hoàn toàn yên lặng. Tôi đi xuống bếp, đứng ở ngưỡng cửa nhìn vào thấy cụ đứng ở bồn rửa chén với cái đồ mở hộp trong tay. Thấy tôi, cụ lẩm bẩm: ‘Nhìn cái hình trông giống hệt như mấy trái lê.’ Nói xong, bố tôi bỏ ra sau nhà, ngồi trên mấy bậc thang nhìn ra ngoài sân. Tôi biết cụ thấy xấu hổ với con trai mình. Thì ra trên cái lon có ghi dòng chữ ‘Khoai Tây Để Nguyên Củ’, nhưng hình vẽ trông lại giống mấy trái lê.

    Tôi ra sân sau, đến ngồi cạnh bố, nhờ cụ chỉ cho xem mấy chòm sao. Bố tôi thông thạo vị trí của các chòm Tiểu Hùng Tinh và Đại Hùng Tinh, và những chòm sao khác có ảnh hưởng đến việc đồng áng và thời tiết. Cụ và tôi ngồi thảo luận về xuất xứ và công dụng của chúng. Bố dấu cái lon đựng khoai tây trên cái kệ ở kho chứa củi. Thỉnh thoảng tôi lại thấy cụ lặng lẽ sờ tay lên những dòng chữ in trên nhãn cái lon, như muốn các ngón tay của mình giúp cụ đọc được, viết được vậy.

    Mấy năm sau thì mẹ tôi qua đời. Tôi cố nài nỉ bố lên tỉnh sống với gia đình tôi, nhưng cụ một mực khăng khăng đòi ở lại căn nhà nhỏ nằm trên bìa thị trấn với vài con gà, con vịt và một vườn rau nho nhỏ. Sức khỏe của bố dần dần suy giảm, và cụ phải ra, vào bệnh viện mấy lần vì những cơn đau tim nhẹ. Bác sĩ Green tuần nào cũng khám cho cụ và cho thuốc trị bệnh tim, kể cả loại thuốc viên nitroglycerine đặt dưới lưỡi khi cụ cảm thấy cơn đau tim sắp sửa tới.

    Ký ức thân thương cuối cùng về bố tôi là hình ảnh cụ đi trên cánh đồng nằm vắt ngang sườn đồi, với đôi bàn tay khỏe mạnh, ấm áp đặt trên vai hai đứa cháu nội của cụ. Cụ dừng lại chỉ cho chúng xem cái ao hai bố con vẫn thường bơi và ngồi câu cá khi tôi còn bé. Tối hôm đó, gia đình tôi đáp máy bay đi ngoại quốc vì tôi vừa tìm được một công việc mới, và một căn nhà mới cho gia đình. Ba tuần sau, bố tôi mất vì chứng đau tim.

    ***

    Tôi một mình trở lại căn nhà cũ trên bìa thị trấn để lo đám táng cho bố tôi. Bác sĩ Green cho biết ông ta rất lấy làm tiếc vì sự qua đời đột ngột của bố. Đúng ra, ông ta hơi bận tâm vì vừa mới đưa cho bố tôi cái toa nitroglycerine đưa ra tiệm lấy thuốc về uống.

    Một giờ trước khi vào nhà thờ để làm lễ mai táng, tôi tình cờ thấy mình đứng cạnh vườn rau của bố, nơi người hàng xóm đã thấy cụ nằm chết co quắp bên cạnh mấy luống rau. Lòng đau đớn, tôi dừng lại, ngồi sụp xuống, đưa tay sờ cái nền đất nơi người ta đã tìm thấy xác bố tôi. Tay tôi bỗng chạm phải viên gạch cu,̃ một nửa vùi dưới đất. Trong lúc lơ đễnh, tôi kéo viên gạch lên, vất sang một bên. Bên dưới chỗ tôi vừa móc viên gạch ra là một cái lọ thuốc bằng nhựa mềm bị đập méo mó, nằm chìm dưới làn đất xốp.

    Khi cầm lọ thuốc trong tay, trước mắt tôi chợt hiện ra hình ảnh bố cố gắng mở cái nắp lọ thuốc bằng nhựa, và trong lúc hầu như tuyệt vọng cụ dùng viên gạch cố đập nát cái lọ để lấy thuốc. Hình ảnh đó làm tim tôi se thắt lại. Quá đau đớn, lúc này tôi mới hiểu được tại sao đôi bàn tay to lớn và ấm áp kia lại bỏ cuộc trong việc tranh đấu chống lại tử thần. Trên nhãn của chai thuốc có ghi dòng chữ ‘Nắp Đậy Trẻ Em Không Mở Được – Nếu Muốn Mở, Nhấn Nắp Xuống và Vặn.’

    Sau đó, nhân viên tiệm thuốc tây trong thị trấn xác nhận là họ vừa mới đem ra sử dụng lọ thuốc có nắp đậy an toàn để tránh cho trẻ em uống nhầm thuốc.

    Dù ý thức được hành động của mình có vẻ không hợp lý, nhưng tôi vẫn vào thị trấn mua một cuốn tự điển bìa bọc da và một bộ bút máy nắp mạ vàng. Trước khi đậy nắp hòm lại và vĩnh biệt cụ, tôi đặt vào đôi bàn tay to lớn, mạnh mẽ của bố hai kỷ vật tôi vừa mua.

    Đôi bàn tay trước đây hết sức ấm áp, dịu dàng, thế nhưng không bao giờ có cơ hội để tập viết cả.

    Nguyên tác: My Father’s Hands (Calvin Worthington)

    Người dịch: Nguyễn Thế Minh

    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “của người”