Ngọc An

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Ngọc An

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Ngọc An




    Chuyện của em bắt đầu từ một mùa Thu nào đó rất xa xôi, mùa Thu, tôi nhớ rõ ràng, vì đó là mùa nhập học em bắt đầu vào Đệ Thất.

    Tôi dạy môn Pháp Văn cho lớp em, em ngồi bàn đầu ngay cửa ra vào cho nên thỉnh thoảng tôi vẫn sai em xuống văn phòng xin thêm phấn, giặt khăn lau bảng, em có vẻ hớn hở, hãnh diện được thầy sai.

    Ở bàn cuối bên – nam sinh có bốn cậu, bốn ông tướng, có vẻ phá phách nghịch ngợm nhất lớp, cho nên tôi phải ra lệnh giải tán bốn cậu lên bàn trên, ngồi xen lẫn vào bàn con gái. Có ba cậu ngượng ngập xấu hổ, nhưng có một cậu bé choắt nhất đám, nhanh nhẹn chạy về phía bàn của em, dùng cùi tay ra dấu em xích vào và ngồi vào chỗ của em. Hai người cười hớn hở với nhau và bắt đầu nói chuyện. Tưởng cho các cậu bị giam bên cạnh các cô thì sẽ hết nghịch ngợm đùa giỡn, nhưng thấy em và cậu bạn tương đắc hớn hở nói chuyện tôi biết mình đã lầm. Một cậu nghịch ngợm và một cô hay nói, xáp lại với nhau, thế nào cũng bày trò phá phách hay rúc rích nói chuyện, chứ chả lo học hành gì đâu, nhưng lỡ rồi, thôi kệ. Tôi chỉ dọa hờ một câu: “Hễ ngồi đó mà các cậu còn nghịch nữa, tôi sẽ cho mỗi người một “góc”. Cậu bạn của em hơi ngán, làm bộ nghiêm trang cúi xuống tô tô sửa sửa lên trang giấy.

    Và như thế những giờ Pháp Văn trôi qua trong êm đềm thân ái, chắc em không biết được tôi yêu các em chừng nào. Thực tình từ ngày ra trường đến giờ, tôi chỉ dạy môn Pháp Văn cho các lớp đệ nhị cấp, tôi chỉ tiếp xúc với các cô cậu lớn hơn, ở lứa tuổi đó các cô cậu đã biết làm dáng, đã biết e thẹn, dầu vẫn ngây thơ thứ ngây thơ của tuổi bắt đầu lớn, không còn cái thơ dại, ngây ngô như em.

    Những giờ ra chơi, tôi thích ngồi lại lớp chấm bài, để nhìn các em chơi đùa với nhau, hay trò chuyện với các em. Các em thường là các cô xúm quanh bàn tôi, dành nhau kể cho tôi nghe chuyện này chuyện nọ, có khi các cô mè nheo xin xỏ.

    – Mai thầy ra bài kiểm soát dễ thôi nhe thầy!

    – Từ nay thầy cho học mười chữ vocabulaire thôi nhe thầy, hai mươi chữ nhiều quá!

    – Bài tập tuần trước thầy cho mỗi đứa thêm hai điểm nhe thầy.

    Thấy tôi dễ dãi, có nhiều cô đề nghị táo bạo hơn:

    – Từ nay thầy cho ăn quà vặt trong lớp đi thầy, thầy nghĩ coi trời mưa lâm râm vừa ăn bắp rang, cóc, xoài chùm ruột vừa học, mau tấn tới biết chừng nào.

    Tôi cười, xoa đầu các cô:

    – Ăn trong lớp thì không được, nhưng mỗi tuần cô cậu nào học đủ một trăm chữ vocabulaire, cuối tuần tới nhà tôi, tôi đãi ăn đủ thứ.

    Các cô la ó, em phản đối mãnh liệt.

    – Một trăm chữ nhiều quá, hai mươi chữ thì được, hai mươi thôi nhe thầy.

    Chuông vào lớp vừa reng, tôi vừa cười vừa nói vừa bước ra khỏi lớp.

    – Một trăm chữ không kèo nài thêm bớt.

    Tiếng cười la ó đuổi theo tôi ra tận hành lang.

    Tôi vẫn nhớ em có một loạt áo đầm giống nhau, nhưng đủ màu, kiểu áo đầm cổ vuông, một hàng nút cài từ trên xuống dưới ngay ở giữa, ở vạt áo đầm có in những hình thù ngộ nghĩnh, củ cà rốt đội mũ thắt nơ, củ khoai tây có tay có chân kéo một chiếc xe hai bánh, trên xe có những con gấu đủ màu, những con mèo, con cáo, con chồn cầm tay nhau khiêu vũ. Hình như tôi rất ít khi thấy em đi, em thường chạy lúp xúp, hay nhảy chân sáo, làm những con chồn, con gấu, củ cà rốt củ khoai nơi tay áo cũng nhún nhảy theo bước chân em. Những khi nói chuyện với tôi hay với bạn bè, miệng em tươi như đang cười, đôi khi thích chí em cười vang làm hai lúm đồng tiền hai bên má lún sâu. Có lần giờ ra chơi em không xúm lại trên bàn tôi nữa, mà em theo đám bạn chơi ù mọi.

    Tôi không hiểu trò chơi ra sao, nhưng bất chợt nhìn ra sân thấy những cô cậu phe bên kia nhào vô ôm em, em vùng vẫy, và nguyên một dãy nút trên áo em bung ra hết, em la lên “khoan, để tao cài nút lại đã”, em nhẩn nha cài từng hột nút, cậu Ngọc, bạn em, coi bộ sốt ruột vì sắp hết giờ ra chơi nên phải nhào tới phụ em cài cho xong dãy nút mấy chục hột. Cả thân thể em bày phơi ra nhưng em không một chút mắc cở, em chưa có ngực có eo, phải rồi em còn bé quá nên chưa biết xấu hổ, em ngây thơ như một thiên thần.

    Ôi tôi yêu em, yêu các em làm sao! Tôi rất ghét những người bạn đồng nghiệp của tôi đánh học trò, làm sao họ có thể nhẫn tâm làm đau một thân thể non nớt dễ thương như thế, và tôi nguyện tôi sẽ không bao giờ đánh học trò của tôi, thế mà, trời ạ! Có một lần tôi đã đánh một thước kẻ lên bàn tay múp rụp của cô học trò tôi, cô bạn của em, tên Hạnh, vì tôi đã phát cáu khi một bài văn phạm tôi giảng đến lần thứ ba mà Hạnh vẫn làm sai. Thước kẻ của tôi giáng xuống, một vết bầm dài trên lưng bàn tay bạn em nổi lên rướm máu, và tôi xót xa hối hận ngay tức khắc. Cô bạn em về chỗ thút thít khóc. Tôi buồn rầu bỏ lớp đi ra ngoài mua một gói kẹo, giờ ra chơi gọi Hạnh lên bàn cho gói kẹo, dịu dàng giảng bài một lần nữa rồi thoa dầu cho Hạnh hỏi “Thầy đánh Hạnh có đau không?” Cô bạn em cười tươi lắc đầu “Không, con không đau”.

    Một thước kẻ của tôi in hằn một vết đỏ bầm lên bàn tay múp rụp của Hạnh, bạn em, chỉ làm Hạnh đau mấy phút rồi lại cười tươi với tôi, nhưng một trừng phạt của tôi đã làm em đau đớn mất mấy ngày, và em đã giận tôi mấy tuần lễ. Lần đó giờ văn phạm, tôi đang dạy về verbe avoir, tôi đọc qua rồi cả lớp đọc lại. Chỉ riêng em không chịu đọc, đầu em cúi xuống và hai tay để dưới hộc bàn, say sưa làm một việc gì đó. Tôi hơi giận, lớn tiếng: “An, đứng dậy đọc”. Tôi chỉ vào chữ đầu tiên, em ngượng nghịu đứng yên. Cậu Ngọc bạn em vờ đưa tay che miệng nhắc. Tôi chỉ tiếp chữ khác, miệng Ngọc lại nhóp nhép. Tôi ném một cái nhìn nghiêm nghị về cậu Ngọc, Ngọc khoanh tay ngồi yên, và em cũng im luôn. Tôi lại giận dữ lớn tiếng: “Đang làm gì dưới hộc bàn đem lên tôi xem”. Em ngượng ngập xấu hổ, đem lên trình tôi một cái kéo con, và một hình con gấu bông đang cắt dở từ miếng giấy nhản hiệu của một búp len. Tôi quát lên: “Quỳ vào góc tường cho tôi, lần sau không được chơi trong giờ học”.

    Em quỳ xuống góc tường, và tôi chợt thấy ray rức khi nhìn thấy bờ vai em rung lên theo những giòng nước mắt. Đến giờ chép bài, tôi cho em về chỗ. Em vẫn ngồi cúi đầu khóc. Những giọt nước mắt của em nhạt nhoà cả trang vỡ. Giờ ra chơi, cả lớp ùa ra ngoài em vẫn ngồi khóc, cậu Ngọc bạn em ngồi thẩn thờ buồn thiu sau lưng.

    Tôi ân hận biết mấy, tôi muốn đến dỗ dành em quá đỗi, nhưng tôi thấy chưa tiện, nên thôi, chỉ đến trả cho em cái kéo con, và tôi giữ lại con gấu bằng giấy, làm ra vẻ như giữ một tang vật để phạt em, nhưng thực ra…tôi đã bất chợt thấy yêu con gấu bé nhỏ ấy.

    Trong khi cả lớp ngồi chép bài, em ngồi khóc, và tôi ngồi ray rứt ngắm con gấu bằng giấy, con gấu màu hồng, chỉ bé bằng ngón tay cái của em, đang tươi cười ngây thơ nhìn tôi, phải rồi, tôi tưởng tượng ra câu chuyện; Buổi sáng vào lớp cô bạn nào đó, hay cậu Ngọc bạn em không chừng, đã cho em miếng giấy nhản hiệu có hình con gấu con, con gấu hồng bé bé xinh xinh, tươi cười nhìn em, em chợt thấy dào dạt yêu thương con gấu đến độ không dằn được chờ về tới nhà, em đã cắt con gấu ra khỏi tờ giấy ngay trong giờ học của tôi để bỏ vào bìa quyển vở nhìn cho đã mắt. Em chỉ vì yêu con gấu quá đỗi mà tôi phạt em. Tôi cũng không biết hình phạt của tôi có nặng nề quá không mà em đã tủi hờn xấu hổ đến như thế.

    Qua tuần lễ sau, tới giờ Pháp Văn của tôi, tôi giảng bài chấm bài mà vẫn để ý nhìn em. Em ngồi yên lặng lẽ, không quay qua bên này bên kia nói cười vài câu, chồm lui bàn sau mượn cục gôm cây thước kẻ. Không rúc rích cười, không nhai nhóp nhép cây kẹo hay hột ô mai. Em ngồi như một người lớn, và tôi bỗng thấy buồn.

    Đến chiều thứ Tư lại có giờ của tôi, trời mưa dầm và em đi học trễ, em che chiếc dù đen to tướng, chắc là của ba hay của ông em. Đến giờ cả lớp làm bài tập, tôi chắp tay đi lui đi tới, đi ngang qua em, tôi lên tiếng đùa để làm hoà. “Chà! trong lớp mình cụ già nào có cây dù đen đẹp quá nhỉ?” Cả lớp cười ồ, em vẫn cúi đầu viết nhất định không cười. Em giận tôi. Đến ba bốn tuần lễ sau đã thấy em cười nói lại với bạn bè nhưng nhất định không nói với tôi một câu. Giờ ra chơi em không còn lên bàn tôi chuyện vãn hay mè nheo xin cái này cái nọ. Em tránh đi ngang qua tôi, tôi không buồn nữa, mà chỉ buồn cười con bé giận dai. Và tôi nghĩ ra một kế, tôi nói với em “Này An, nhà thầy có một cây cóc, nghe nói em trèo cây giỏi lắm, chiều ghé về nhà thầy, hái dùm thầy một ít được không?”. Em trúng kế, mắt em sáng lên, mau mắn nói: “Được chứ, được chứ, chiều không có giờ học, em với thằng Ngọc ghé hái cóc dùm thầy”.

    Buổi trưa đi dạy về, tôi đã gặp Quế Chi, người bạn gái, vị hôn thê của tôi tới thăm. Tôi rủ Quế Chi đi ăn tiệm. Ngồi trong quán vắng bên bờ sông, Quế Chi kể tôi nghe đủ thứ chuyện. Tôi cũng kể cho nàng những buồn vui chung quanh sinh hoạt của tôi. Tôi cũng kể chuyện em và con gấu nhỏ. Tôi tưởng nàng sẽ cười ngất vì chuyện em giận dai, nhưng nàng trừng mắt nhìn tôi: “Anh ác! Sao lại phạt con bé dữ thế, tội nghiệp nó khóc suốt cả buổi cơ à?”

    – Ừ, anh cũng thấy thương thương con bé, nên anh rủ nó tới nhà chiều nay, tính mua một con gấu bông đền cho nó.

    – Phải đó, ăn xong mình đi, để em lựa cho.

    Buổi chiều em và cậu Ngọc bạn em đến, hai đứa đèo nhau trên một chiếc xe đạp người lớn. Quế Chi ngồi trong nhà cười rúc rích chỉ cho tôi:

    – Hai đứa học trò của anh đó phải không? Anh coi thằng bé, bé choắt mà đạp chiếc xe đạp thật lớn, đạp không tròn vòng, nó đạp vào “bi đan”, chờ cho “bi đan” bên kia chạm vào chân, nó lại đạp xuống. Con bé ngồi sau sợ chân vướng vào tăm phải bỏ cả hai chân lên yên, trông ngộ quá đi thôi.

    Xuống xe, em chạy ào tới đập rầm rầm vào cửa nhà tôi vừa gọi:

    – Thầy ơi! Thầy ơi!

    Tôi mở cửa, em ào vào, nhoẻn miệng cười.

    – Thưa thầy, thưa …chị.

    Bạn em vào sau, lý nhí chào rồi ngồi yên lặng, tôi cũng yên lặng cười cười nhìn em và Quế Chi tíu tít nói chuyện. Quế Chi ôm đầu em, nhìn tôi.

    – An đây phải không anh, còn đây Ngọc hở ?

    Đây đây có quà của thầy cho hai em đây. Quế Chi chia cho Ngọc mấy quyển truyện Tuổi Hoa Đỏ, Tuổi Hoa Xanh và cho em con gấu bông trắng toát. Em hớn hở tròn mắt nhìn con gấu quên cả nói cám ơn. Quế Chi nói nhỏ với tôi:

    – Con bé xinh ghê anh ơi! Mắt nó, coi kìa tròn vo, đen nháy, hai má bầu bầu hai đồng tiền nho nhỏ.

    Tôi đùa với em:

    – Hai con gấu, một con trong nhản hiệu búp len, một con chị Quế Chi chọn, em thích con nào nói thầy nghe coi.

    Em ôm Quế Chi cười cười. Em thích chị.

    Quế Chi và tôi cười vang. Tôi đùa:

    – Chỉ thích chị Quế Chi thôi, không thích hai con gấu lẫn tôi phải không, thật bạc phước cho tôi.

    Nói chuyện vui vẻ một hồi rồi em cũng không quên được cây cóc.

    – Em với Ngọc đi hái cóc nha thầy.

    Em ôm con gấu trắng với bạn em ra vườn.

    Quế Chi ôm tôi vòi vĩnh:

    – Anh ạ! Em muốn có con, một đứa con gái xinh như bé An.

    – Bộ em tưởng đẻ ra là được vậy liền hả, em phải mang nặng đẻ đau, phải nuôi cực khổ từng ngày cả chục năm mới được một con bé như vậy chứ bộ.

    Em đã bắt đầu vui vẻ cười đùa trở lại. Trong giờ học của tôi, em cười, em nói, em chạy nhảy lăng xăng, em nhõng nhẽo với tôi đôi khi. Em và cậu bạn chuyên môn ăn quà trong lớp, và chắc hai người khoái chí lắm vì tưởng qua mặt được tôi. Có lần hai người ăn chung một trái ổi to tướng, em để trái ổi gói muối ớt dưới hộc bàn, cậu bạn em thò tay lấy trái ổi chấm muối ớt đưa lên miệng cắn một miếng, rồi đến phiên em. Hai đứa chuyền nhau trái ổi đến khi tôi gọi em lên trả bài, một hột ổi còn dính nơi miệng, tôi đưa tay gở xuống hỏi cái gì dính miệng em thế này.

    Em nói dối tỉnh bơ em không biết. Tôi cười lờ đi và rộng rãi cho điểm em.

    Rồi mùa Đông đến. Mùa Đông ở đây mưa dầm dề rét mướt. Tôi thật là ái ngại mỗi lần đi dạy, bố trí bao nhiêu là áo mưa tới lớp vẫn ướt như thường. Em cũng thế, tới lớp người em ướt dầm. Môi thâm tím vì lạnh, vậy mà em vẫn hớn hở với tôi:

    – Thầy biết không, em thích mưa hoài mưa quanh năm.

    – Trời ơi, mưa gió thế này mà thích cái gì.

    Cậu Ngọc bạn em tố em:

    – Thầy, hai rưởi vô học mà nó rủ em đi học từ mười hai giờ. Nó bắt em đi lội nước với nó.

    – Mày cũng thích lội nước thí mồ, chứ bộ tao thích không thôi sao.

    Chị người làm tố khổ:

    – Các cô các cậu ấy phá quá thầy ạ! Ngày nào tôi cũng dọn đến mệt luôn.

    Mà tụi em phá thật, tôi đã chứng kiến một lần, thay vì tập văn nghệ tụi em rủ nhau chơi trốn tìm. Một khi phải chạy đi trốn, trốn thật kỹ để khỏi bị bắt là cả một chuyện thật là “sanh tử” đối với tụi em. Mặt mày em căng thẳng, hăm hở. Em chạy ùa vô phòng tôi khi tôi đang chấm bài, em cuống quít hối:

    – Thầy xích qua một bên để em chui vô dưới bua rô, không thôi tụi nó bắt em.

    Không đợi tôi trả lời, em chui tọt dưới bàn viết. Tôi chưa kịp mắng thì em đã lên tiếng:

    – Suỵt! Thầy im kẻo tụi nó bắt em.

    Rồi một lát sau, ba bốn cô cậu lại hối hả chạy vào phòng tôi. Một cô chui vô tủ quần áo, em leo lên giường xốc nguyên đống chăn mền chiếu gối phủ lên người, rồi xúi cậu kia chui xuống gầm bàn tôi trốn.

    Chị người làm được dịp phân bua:

    – Thầy thấy chưa, các cô cậu ấy phá quá chừng.

    Tôi cười xuề xoà. Được rồi, được rồi để tôi dọn phụ với chị.

    Buổi chiều Quế Chi đến và phụ tôi dọn dẹp nhà cửa. Nàng cứ cười rúc rích khi tôi kể tội các em. Quế Chi và em có vẻ thân nhau quá đỗi. Mỗi lần nàng đến nhà tôi, hình như có hẹn trước, một lát là thấy em đến. Nàng vừa nấu nướng vừa nghe em và tôi trò chuyện. Rồi đến phiên tôi vừa rửa bát vừa nghe nàng và em trò chuyện hay ăn vặt cóc ổi xoài xanh.

    Những ngày tháng đó tôi hạnh phúc vô cùng. Tôi không tin và không thể ngờ rằng có một ngày tôi sẽ mất, mất hết. Ngây thơ hồn nhiên của em và Quế Chi dấu yêu của tôi.

    Cuối năm đó, tôi quyết định đi tu nghiệp ở ngoại quốc. Tôi nghĩ sau hai năm trở về tôi sẽ gặp lại em và Quế Chi lúc đó sẽ là vợ của tôi. Tôi sẽ có một người vợ hiền bên cạnh, một cô học trò hồn nhiên nhí nhảnh trong lớp học.

    Nhưng tôi quên mất rằng thời gian là một sự tàn phá mãnh liệt nhất, nó đốt hết ngây thơ, làm tàn phai mất lòng chung thủy.

    Vì khi tôi trở về, niềm đau khốc liệt đến với tôi như một cơn lốc là tin Quế Chi đi lấy chồng. Tôi thẩn thờ đau khổ, tôi khép lòng lại và sống khắc khoải như một người thất chí.

    Đến đầu niên học, tôi nhận dạy ba bốn lớp của em, bây giờ đã là Đệ Tứ. Các bạn của em đã chững chạc hơn. Các cậu hết lấc cấc nghịch ngợm. Các cô nghiêm trang thuỳ mị hẳn ra trong chiếc áo dài trắng, với nón lá, với tóc thề.

    Em không còn trong lớp nữa. Nghe nói em đã vào nội trú trong một trường Dòng. Không có sự hiện diện của em, tôi thấy mất mác thêm một chút nữa chất sống của tôi. Tôi vẫn nhìn các cô bạn của em để hình dung ra em. Có lẽ bây giờ em đã hết chạy nhảy reo vui. Những củ cà rốt củ khoai tây nơi vạt áo đầm của em chắc đã tàn phải theo ngày tháng để thế vào đó một chiếc áo dài tha thướt. Mái tóc ngắn kiểu “bum bê” của em chắc đã dài ra liêu trai như tóc Quế Chi. Không phải ngày xưa em vẫn nói với tôi, hồi nào lớn lên em sẽ mang toàn…áo dài lụa trắng như chị Quế Chi. Em sẽ để tóc thật dài, ngày nào em cũng gội bằng chanh với bồ kết cho tóc thơm mát như tóc chị Quế Chi sao.

    Cậu Ngọc, bạn em, có đến thăm tôi. Có cho tôi một vài tin tức về em. Tôi có dò hỏi về tình cảm của Ngọc, Ngọc tâm sự: “An giận em mấy năm nay, em không biết tại sao, nhưng có một điều em biết chắc là em yêu An ghê gớm. Không biết yêu tự lúc nào và yêu đến bao giờ. Bây giờ em không thể cặp bồ với ai được hết, hình ảnh An đầy ắp trong em.”

    Tôi ôm vai Ngọc thông cảm, mắt Ngọc rưng rưng nhìn quanh căn phòng, chắc Ngọc cũng như tôi, đang lắng nghe tiếng cười rộn rã của em trong quá khứ. Trong căn phòng này, dưới gầm bàn, trong đống chăn mền đó, trong chiếc tủ kia, hình ảnh em co quắp tròn cho khỏi bị bắt, nhưng khi đã bị bắt, em giật thót người một giây, rồi lại cười toe toét, khoe hàm răng trắng ngời, khoe hai đồng tiền duyên dáng.

    Ngọc thẩn thờ chào tôi ra về. Tôi ngồi lại trong căn phòng cũng thẩn thờ nhớ em và Quế Chi. Hình ảnh em quá đậm nét trong lòng Ngọc, cũng như hình ảnh Quế Chi quá đậm nét trong lòng tôi, khiến hai ba năm sau đó tôi cũng không thể yêu được ai.

    Cho đến một lần, tôi có một người bạn làm hiệu trưởng cho một trường nữ, nhờ tôi dạy dùm mấy giờ Pháp Văn cho một lớp Đệ Nhất, tôi miễn cưỡng nhận lời.

    Giờ học đầu tiên tôi điểm danh để nhận diện từng người, đọc đến cái tên quen thuộc Nguyễn Thị Ngọc An, tôi giật mình. Em nhìn và cười bằng mắt với tôi. Tôi bồi hồi mấy giây mới đọc tiếp tên người khác.

    Chờ đến giờ ra chơi, tôi đến bên em trò chuyện. Tôi hỏi em về những diễn biến, về những thay đổi từ ngày tôi ra đi. Tôi hỏi em về người này người nọ. Em dịu dàng nói chuyện với tôi, một chút bối rối, một chút e dè. Và tôi khám phá ra là em đã thành người lớn mất rồi, em không còn nhí nhảnh hồn nhiên như ngày nào nữa. Rồi em nhỏ nhẹ hỏi thăm tôi về Quế Chi, tôi nói với em Quế Chi đã lập gia đình, sau khi tôi đi ngoại quốc. Và tôi kể cho em nghe về những gặp gỡ giữa tôi và Ngọc, người bạn của em. Em hơi đỏ mặt cúi đầu vân vê tờ giấy. Và tôi biết thêm một chút nữa, là không phải hình ảnh Ngọc hoàn toàn không có trong em, em có cho tôi biết thêm một vài điều mà tôi chưa biết là Ngọc đã đi lính và thỉnh thoảng vẫn viết thư cho em.

    Những giờ học kế tiếp, không khí trong lớp đã rộn ràng hơn, có lẽ vì thầy trò đã quen biết nhau hơn. Giờ học đầu tiên hình như các cô chưa biết thầy mới ra sao nên còn ngần ngại, giờ chắc các cô đã bắt mạch được thầy hiền, nên tha hồ giỡn phá. Nhưng cái nghịch của các cô lớp Đệ Nhất không phải là thứ nghịch ngợm như các cô lớp Đệ Thất, nên nhiều lúc cũng làm tôi “ớn lạnh”. Các cô phá tôi tận tình, trong túi quần tôi, thỉnh thoảng về nhà tôi vẫn nhặt được những mãnh giấy của một cô nào đó ném đá giấu tay, viết bằng chữ in, không ký tên, đại khái như là “Yêu thầy rồi đó, đứa nào nói láo trời sập” hoặc là “Thầy đẹp trai dễ sợ, yêu cầu thầy ngày nào cũng mặc áo sport và để tóc bồng bềnh như sáng nay”. Từ đó, tôi không dám mặc chiếc áo sport lần thứ hai, và dù vội vàng đến đâu trước giờ đi dạy, tôi cũng chảy đầu tém tóc lại bằng dầu cho gọn gàng, không dám để tóc bồng bềnh nữa.

    Trước giờ Pháp Văn sáng thứ hai của tôi là giờ Vật Lý của cô Thanh Tịnh. Thường thường cô Thanh Tịnh đi ra khỏi lớp là tôi bước vào, cho nên thỉnh thoảng gặp nhau ở cửa lớp. Và chúng tôi thường nói chuyện với nhau dăm ba câu, là các cô cười tủm tỉm chọc ghẹo. Hôm nào không gặp cô Thanh Tịnh ở cửa, vào lớp các cô cũng có cách chọc ghẹo tôi.

    – Hôm nay trông thầy u sầu quá, thôi để lần sau, hết giờ của cô, tụi em làm bộ hỏi dăm ba thắc mắc để cô ra trễ, thầy sẽ được gặp cô ở cửa lớp nghe thầy.

    Khổ tôi quá, cương vị tôi là một thầy giáo, tôi không phải ngang hàng với các em để có thể đính chính hay cãi cọ với các em khi các em chọc ghẹo tôi quá đáng, nên chỉ cười khi các em phá tôi, có lần đề tài về cô Thanh Tịnh sôi nỗi quá, tôi phải làm bộ gắt lên.

    – Các cô lạ quá, cô Thanh Tịnh là cô Thanh Tịnh, tôi là tôi, tại sao các cô cứ ghép bậy như thế.

    – Thưa thầy không bậy đâu ạ, cô Thanh Tịnh trẻ đẹp nhất trường, thầy cũng đẹp giai nhất trường, thầy và cô là hai giáo sư độc thân duy nhất trong trường, hơn nữa tụi em bắt gặp rõ ràng, cô Thanh Tịnh cuống quít vân vê tà áo mỗi khi nói chuyện với thầy.

    Cả lớp cười ồ, giọng cười em nỗi bật nhất. Em cũng phá phách lắm chứ không vừa. Thời trang của tụi em thời đó là áo dài lụa, các cô đua nhau mặc áo dài lụa, mỗi áo lụa, có một loại hoa, loại chữ, rồng rắn khác nhau. Và các cô thường dùng viết nguyên tử tô đậm những chữ, những hoa hoè rồng rắn nỗi trên vạt áo. Cho nên giờ ra chơi, những con rồng, chữ vạn, hoa cúc, hoa lan, xanh đen tím đỏ nơi vạt áo dài lụa trắng nhún nhẩy theo tà áo phất phơ của các em, làm tôi cứ liên tưởng đến những củ cà rốt khoai tây con gấu con chim nơi vạt áo đầm của em năm nào. Một lần trong giờ học, em bắt vạt áo của cô bạn ngồi phía trước tô đậm những con rồng nỗi, cô bạn phía sau bắt vạt áo em tô lên những chữ vạn chữ thọ. Tôi đi ngang nói nhỏ bên tai em:

    – Có muốn bị quỳ nơi góc lớp không, cứ chơi trong lớp, hồi nhỏ cũng chơi, lớn rồi cũng chơi.

    Em chỉ cười, nhưng giờ ra chơi, em chạy lên bàn tôi bất chợt hỏi:

    – Thầy có muốn em ca cho thầy nghe bài “Hận Đồ Bàn” không?

    – Cái gì? Hận đồ bàn nào?

    – Hận đồ bàn là một mối hận thiên thu, ngày xưa em chỉ cắt mỗi con gấu trong lớp mà thầy phạt em, “đau khổ xấu hổ” cả tháng, lâu quá em cũng quên. Bây giờ thầy nhắc em mới nhớ, nếu thầy không năn nỉ em, em sẽ làm thầy “đau khổ xấu hổ” cả năm.

    – Cô làm gì tôi nào ?

    – Mỗi chúa nhật em sẽ mạo chữ thầy viết một lá thư cho cô Thanh Tịnh, nói mời cô đến nhà thầy chơi, rồi em sẽ thông báo giờ hẹn cho mấy đứa trong lớp, cho tụi nó phá thầy tận tình.

    Tôi hơi hoảng, sợ em làm thật.

    – Này, đừng có giỡn bậy.

    – Em làm thật mà, vậy thầy có năn nỉ em không nào?

    – Ừ, thì năn nỉ.

    Em cười đắc thắng.

    oOo


    Tôi phải công nhận vào thời kỳ đó em thật xinh, có cả vài chục cô xinh xinh như em trong đám học trò của tôi, nhưng không hiểu sao, tôi vẫn độc đoán nghĩ rằng, cái mơn mởn xinh tươi của em là một phần nào sở hữu chủ của tôi. Như một cây hoa trong vườn hoa, tôi đã trồng, hay ai đó đã trồng từ nhỏ, nhưng tôi đã nhìn, đã ngắm, từng cành non lộc biếc từ lúc mới ươm trồng. Cho nên tôi cảm thấy cây hoa gần gũi với tôi hơn hết. Tôi vẫn kín đáo chăm sóc em, như thỉnh thoảng cho em vài cuốn sách cuốn truyện về giáo dục, tôi kèm thêm Pháp Văn cho em. Em cũng biết tôi thương và chiều em nên em cũng vòi vĩnh tôi ghê gớm.

    Có một lần, buổi sáng, trời mưa lâm râm, tôi đi dạy, và các em đi học như thường lệ. Một lúc sau trời bỗng nỗi cơn mưa gió sấm sét, rồi bão lớn cả trường được nghỉ. Nhưng phải ở lại trong trường chờ hết cơn bão, tôi từ văn phòng tính đến lớp em chuyện vãn, đến đầu cầu thang tôi đã nghe tiếng cười rúc rích của em và một cô bạn. Hình như tụi em đang rượt nhau để giành nhau một vật gì đó, em vẫn rúc rích cười chạy xuống cầu thang, đến khúc quẹo, không biết vì trượt chân hay vì chạy nhanh em không nhìn thấy nên đã đâm đầu vào người tôi, tôi đưa tay đỡ, và em nằm gọn trong tay tôi, em ngượng ngùng mất mấy giây, nhưng tôi đã run rẩy mất mấy phút, mất hồn nguyên cả buổi chiều, cả đêm hôm đó, và cả những ngày sau, tôi vẫn tê cứng từng tế bào, từng sợi thần kinh, mỗi khi nhớ đến cái cảm giác có em nằm gọn trong vòng tay.

    Từ đó tôi hơi thẩn thờ, và bỗng dưng mất tự nhiên. Tôi không dám nhìn thẳng vào mặt em như trước nữa. Trong lớp học thỉnh thoảng lén nhìn em, có khi em bắt gặp, và em vội cúi đầu xuống trang vỡ, vân vê cây bút máy. Tôi không biết trong hồn em có một chút nào hình bóng của tôi không, nhưng riêng tôi, tôi đã điên lên vì em mất rồi. Không phải là một “coup de foudre”. Có lẽ cái tình cảm của tôi đã có với em từ lâu lắm rồi, từ khi em là một con bé lớp Đệ Thất, mắt tròn má phính, miệng tươi tung tăng ca hát chạy nhảy. Tôi đã yêu em như yêu một đứa con gái nhỏ, một đứa em của tôi. Tôi đã yêu em như yêu một con chó nhỏ, một con búp bê xinh xinh.

    Rồi bây giờ em lớn vụt, mơn mởn như một nụ hoa sớm, như một trái táo thơm. Và tôi vẫn là một tên độc thân, tâm hồn tôi vẫn là tâm hồn của một người con trai, và tôi đã yêu em như một người con trai yêu một người con gái, có gì lạ, đó là một chuyện rất bình thường trên thế gian phải không em, nhưng với tôi, vẫn có một cái gì ray rứt. Hình như tôi hơi thiếu tự tin, đúng thế, vì em chưa đầy mười tám tuổi, mơn mởn đào tơ, trong khi tôi đã gần bốn mươi. Hơn nữa trong hồn em đã ít nhiều có hình bóng Ngọc, người bạn trai thuở thiếu thời, biết có còn chỗ cho tôi. Mà dù có còn, cũng làm tôi đau đớn, tôi ở chung với một người khác trong ngăn tim em. Và trời ơi, khốn nạn cho tôi, tôi đã yêu người trong mộng của một cậu học trò của mình, có gì bỉ ổi hơn tranh giành tình yêu với học trò? Ngọc ơi! nếu em về đây, em hiện diện trước mặt tôi, cho tôi nhìn thấy Ngọc An trong mắt em, trong hồn em, tôi sẽ bóp nát tim tôi, rồi bỏ thành phố này ra đi. Nhưng em ở đâu, vời vợi xa xôi, mà Ngọc An ở đây, trước mặt tôi đi đứng nói cười e thẹn. Nàng đang đi dần, đi dần lún sâu trong tim tôi. Và một lần, một tình cờ, với tôi là một thiên thu rung động, nàng đã nằm gọn trong tay tôi, nàng đã đánh thức cả trăm ngàn tế bào đã ngủ quên trong tôi bừng dậy. Và tôi đang chết ngất trong hình ảnh nàng đây, em có biết không? Thôi Ngọc hãy tha thứ cho tôi.

    Và Ngọc An, em có biết không, tôi đã bỏ lỡ bao nhiêu dịp để nói với em một câu, một câu rất đơn giản, mà tất cả mọi người đều nói với người mình yêu. Tôi đã mời em đến nhà, để trong cái không khí riêng tư đó, tôi sẽ nói với em, nhưng rồi, em đến, em tự nhiên ăn uống nói cười trong nhà tôi, em kể ngày xưa chơi trốn tìm, em cuống quít chạy vấp trúng góc bàn này, đau cả buổi, những rể cây chẳng chịt trong góc vườn kia cũng làm em té một lần, giờ vẫn còn sẹo, và em xích tới gần tôi, chỉ cho tôi coi cái sẹo mờ mờ nơi đầu gối. Tôi nín thở. Rồi em hồn nhiên co hai chân lên, ngồi thu người lại trong một góc ghế bành đọc báo, chiếc ghế bành rộng thênh thang, tôi muốn ghé ngồi vào đó cầm tay em nói với em một câu, nhưng tôi không dám.

    Trời chuyển mưa, em đòi về, tôi chở em về, rồi trở về một mình dưới cơn mưa nhớ em.

    Một lần nữa, tôi rủ em lên đồi Vọng Cảnh, ngọn đồi trơ trọi, có lẽ chỉ có hai sinh vật duy nhất là em với tôi, là tôi với em, tôi nao nao trong lòng khi em níu vai tôi đòi dẫn xuống chân đồi hái hoa. Tôi chỉ muốn em ở đây, hai đứa trên đỉnh đồi này để tôi nói với em một câu mà tôi định nói, nên tôi dọa có rắn rít ở dưới nhiều lắm, em hoảng hốt đòi về, tôi dỗ em, còn sớm mà, em coi đồng hồ thấy còn sớm thật, nên bắt tôi chở qua tu viện Thiên An.

    Ở đó rải rác dăm ba cặp tình nhân tình tự dưới gốc thông, tôi lại thấy nao nao, tôi dẫn em đi dưới từng con đường dốc nhỏ, có những tàng cây lớn che phủ hai bên, lên tới đầu dốc gió lồng lộng, gió làm vạt áo dài lụa trắng của em ôm lấy chân tôi. Em đứng gần tôi quá làm những sợi tóc dài của em bay bay, đôi khi vướng vào mắt tôi, cổ tôi. Tôi không dám bước đi, sợ tan vỡ cái giây phút phù du thiên thu, có vạt áo dài em quấn quít chân tôi, có những sợi tóc em tình tự nơi má tôi. Nhưng rồi gió đổi hướng, tóc em, vạt áo em bay về hướng khác, bỏ chân tôi, mặt tôi bơ vơ.

    Em bỏ tôi ở đó, tới trốn nắng dưới một góc thông. Em dựa vào gốc thông ngưỡng đầu lên nhìn những lá thông đang reo vui trên ngọn cây, tôi cảm thấy gốc thông có phúc hơn tôi, em bất chợt hỏi:

    – Tại sao có những tiếng vi vu ở đây, tại sao người ta gọi là thông reo thầy nhỉ.

    Tôi muốn tới thật gần em, nhìn vào mắt em, cầm tay em, hay can đảm hơn ôm lấy bờ vai em nói với em:

    – Tại thông nó vui vì có em ở gần.

    Nhưng tôi không dám, tôi lại giải thích cho em cụ thể, đúng như một ông giáo giảng cho học trò, là gió thổi, làm những lá thông đập vào nhau, trăm ngàn lá thông đập vào nhau tạo thành những tiếng kêu vi vút mà người ta gọi là thông reo.

    Rồi tôi dẫn em đi bộ tới một vườn cam, tôi xin ông lão làm vườn một trái cam, bóc cho em ăn. Em đứng ăn rồi bỏ tôi ở đó chạy theo những con công, con gà tây đang uốn éo trong vườn. Coi chán em rủ tôi đi hái sim, cả đồi sim xanh xanh xen lẫn những cánh hoa sim mong manh tím nhạt, em hái một bó ôm vào lòng, tôi ngắt một bông hoa đẹp nhất cài lên tóc em, em cười, nụ cười làm xiêu lạc cả hồn tôi. Bên kia đồi là một đám hoa dại vàng, những bông hoa vàng nhỏ ly ty như cúc áo, em lại cười, lại ngắt hoa, lại bắt tôi cài lên tóc, em hồn nhiên hát nhỏ nhỏ.

    Rằng xưa có gã từ quan…lên non tìm động hoa vàng ngủ say…thôi thì thôi…chỉ là phù vân, thôi thì thôi nhé…có ngần ấy thôi…

    Tôi hát tiếp.

    Nhớ xưa em chửa theo chồng…mùa xuân may áo…áo hồng đào rơi. Mùa thu em mặc áo da trời…sang đông lại khoát lên người áo hoa…mai ta chết dưới cội đào…khóc ta…xin nhỏ lệ vào thiên thu.

    Em cười hỏi tôi đố thầy bài chi.

    Không hiểu sao tôi can đảm đến thế, tôi quay người đứng đối diện với em, đặt hai tay lên vai và nhìn sâu vào mắt em nói nhẹ như gió:

    – Đưa em tìm động hoa vàng.

    Em cười lớn tiếng, rồi kêu đói bụng bắt tôi chở đi ăn. Không biết em vô tình, hay em hiểu tình tôi nhưng cười đánh trống lãng.

    Ngày tháng trôi qua, tạm gọi là êm đềm, mỗi tuần vài lần tôi gặp em trong lớp học. Cuối tuần thỉnh thoảng tôi rủ em tới nhà kèm thêm bài vở cho em. Vì là năm thi, tôi không muốn em xao động. Tôi muốn em để hết tâm trí học hành. Sau khi thi xong, tôi sẽ nói với em, một câu, mà tôi vẫn ao ước nói.

    Thế rồi một đêm ngủ dậy cả thành phố xôn xao, có tin đồn Đông Hà, Quảng Trị đã mất. Tôi bán tín bán nghi, đến trưa, cậu em họ không quân đến nhà tôi, vừa nói vừa la vừa ra lệnh cho tôi:

    – Đi, đi gấp!

    – Đi đâu?

    – Vào Sài Gòn rồi tính, những tỉnh lân cận Việt cộng chiếm hết rồi.

    – Từ từ nào, để anh suy nghĩ đã.

    – Suy nghĩ gì, ra xe em chở lên phi trường gấp. V.C. mà vào đây, nó giết hết, anh nhớ Tết Mậu Thân không?

    Cậu em vừa nói vừa đẩy tôi ra xe jeep, rồi leo lên phóng vun vút. Tôi như cái máy hết biết suy nghĩ, chỉ biết làm theo lời cậu em họ. Đến chiều tôi đã thấy mình ngồi trên trực thăng với đám người lao xao, xác tôi trên mây mà hồn tôi cũng trên mây. Tôi hoảng hốt, tôi lo cho em, tôi trách mình sao không đến rủ em đi theo, rồi tôi tự an ủi mình, có rủ em cũng không đi. Đời nào em dám bỏ ngôi nhà kín cổng cao tường, có cả một đại gia đình em trong đó để đi với tôi.

    Buổi chiều tôi đã có mặt ở Sài Gòn, rồi tôi xoay vù vù như cơn lốc theo với cậu em, hai hôm sau, tôi lại thấy mình lênh đênh trên một hạm đội Hải Quân.

    Rồi đến đảo Goam, rồi đến Mỹ. Rồi trôi dạt từ tiểu bang này đến tiểu bang khác. Và tôi tự nói với tôi: Cứ coi như em là một phần đời tôi, đã chết, ở bên kia bờ đại dương.

    Bây giờ tôi sống như một người nào đó mang tên tôi.

    Và như thế, cuộc đời tôi trôi qua, không ồn ào vui nhộn, mà cũng không bi thảm lạnh lùng. Bình thản đến độ tôi không ngờ, tôi có thể giải thích được sự bình thản về tôi mỗi khi nghĩ tới em, là tôi nghĩ rằng em đã mất hẳn ngoài vòng tay tôi. Từ khi cảm nhận được điều đó tôi thấy dễ chịu hơn là khi có em, nhìn em, nói cười với em, có thể dang tay là ôm trọn em vào lòng mà vẫn thấy em thật vời vợi xa xôi. Hơn nữa từ khi qua đây, một xã hội quá đầy đủ về tiện nghi vật chất. Có một thứ, tôi ham muốn mà ở xứ tôi, tôi không tìm thấy đầy đủ: là sách, tôi yêu sách ghê gớm, tôi có thể thả trôi từng ngày từng tháng từng năm trên những trang sách mà tôi không bao giờ biết chán. Mà những rừng sách trong trăm ngàn thư viện ở đây đã nuôi tôi, nuôi hồn tôi khỏi trống trãi, nuôi thân tôi một cách dễ dàng thoải mái. Nói đúng ra sống bằng một nghề mà tôi thích. Đó là điều mà tôi rất bằng lòng trong cuộc sống, là dịch sách. Những cuốn truyện hay sách hay, tôi đọc say sưa từng lời từng chữ, rồi tôi say mê dịch lại.

    Bất cứ một sự say mê nào cũng tìm được ít nhiều hạnh phúc trong đó. Đã có một chút hạnh phúc trong cuộc đời, tôi cũng không cảm thấy cần thiết lắm phải có một người đàn bà bên cạnh cuộc đời. Nên tôi không hề vận dụng một chút năng lực của tôi để đi kiếm một người yêu, một người vợ, mà tôi thả hoang cho con tim và tình cảm, nếu một ngày nào đó con tim tôi rung lên thổn thức trước một người đàn bà, như tim tôi rung lên êm đềm khi gặp Quế Chi, rung lên rạo rực, cuồng nhiệt khi yêu em thì lúc đó tôi sẽ nghĩ đến chuyện gắn bó.

    Thế rồi cũng có một ngày tim tôi rung lên trở lại. Đó là ngày tôi gặp một người con gái, nàng gõ cửa nhà tôi, tôi mở cửa, nàng reo vui ùa vào, và tim tôi reo vui rung rung mở hội.

    Người con gái đó, tôi đã yêu ba lần. Một lần cách đây gần hai mươi năm. Lúc đó tôi yêu nàng như yêu một đứa con, xinh xinh, hồn nhiên nhõng nhẽo.

    Lần thứ hai cách đây gần mười năm. Tôi yêu nàng chất ngất say sưa như tình yêu của một người con trai mới lớn.

    Và lần thứ ba, khi đời tôi đã xế chiều. Đó là lúc tôi gặp lại, và được hàn huyên trò chuyện, được thong dong rong chơi với nàng những sáng hồng, trưa ấm. Những chiều, những đêm mưa, có nàng với tôi cười reo dòn dả, bên lò sưởi trong một căn nhà lạ nơi xứ người. Đó là lúc tôi yêu nàng đằm thắm nhất.

    Nhưng rồi cả ba lần yêu tôi đều mất nàng, và có một điều là hình như gần hai mươi năm trời, nàng chưa bao giờ lường được cái tình cảm tôi đã cho nàng.

    Ngọc An, em có biết không, người con gái đó chính là em.

    Nguyễn Thị Ngọc Lan


    Nguồn:https://sangtao.org


              
Trả lời

Quay về “của người”