Đường vào trần gian

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Đường vào trần gian

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Đường vào trần gian





    Mịt mù khói lửa binh đao
    Thiên Thần gẫy cánh lạc vào trần gian


    – Nào! Một, hai, ba, hấp!

    Lưng của Tư Híp khom xuống và thằng Út đứng ở xa, vừa toét miệng ra cười, vừa phóng tới, hai cánh tay gầy guộc và đen đủi của nó ôm chầm lấy cổ anh, đồng thời cái mông ốm tong teo của nó theo đà phóng tới. Trong một thoáng, thằng bé đã bíu gọn gàng được trên mảng lưng to như cánh phản của anh nó, như một con nhái bấu trên một ống tre vầu. Tư Híp xốc lại mình một lần nữa cho chắc ăn rồi đứng dậy. Gã hỏi:

    – Tè rồi chưa?

    Thằng bé đáp lại bằng cách nhún nhẩy như nó đang ngồi trên mình một con ngựa. Anh nó tiếp:

    – Mày vô trỏng mà đái dầm người ta cắt cu.

    Vừa nói gã vừa nghiêng mình xuống nhấc cái tay nải lên đeo ở cánh tay. Gia tài của anh em gã chỉ có thế. Vài cái quần áo, một mảnh chăn chằng đụp và một cái mùng rách bươm. Gã đảo mắt nhìn căn buồng tối tăm như hũ nút một lần cuối với vẻ quyến luyến rồi khom lưng bước qua cánh cửa thấp và hẹp. Ở ngoài sân đất, bà cụ chủ nhà đã đợi sẵn với quả chuối trong tay.

    Bà trao cho thằng Út với vẻ trìu mến, rồi hỏi:

    – Anh Tư đi rồi bao giờ về?

    Tư Híp đáp:

    – Ý chà, chắc là lâu vài ba năm.

    – Rồi cũng được nghỉ phép chớ bộ đánh nhau hoài sao?

    – Có chứ! Tới chừng có dịp là cháu về thăm cụ ngay.

    Bà cụ nhìn thằng Út thở dài:

    – Vậy là anh nhất định kéo nó đi theo thiệt đó à. Vô đó ai người ta

    chịu?

    Tư Híp mỉm cười:

    – Hổng chịu thì cũng đành vậy thôi chớ, cháu bỏ nó mà đi thì lấy ai nuôi nó? Mình cứ trình bày hoàn cảnh thì rồi mấy ổng cũng phải thông cảm cho mình chớ.

    Vừa nói Tư Híp vừa xốc lại thằng Út trên vai. Gã đứng tần ngần bên cạnh bà cụ một giây rồi chậm rãi đi ra cửa. Bà cụ lặng lẽ theo sau. Phút chia tay chẳng có gì thế mà bịn rịn. Dầu sao thì anh em thằng Tư Híp cũng đã chui rúc ở đây mấy năm rồi. Đối với họ, bà cụ coi như con cháu trong nhà.

    Ra tới ngoài, bà cụ mới móc ra tờ giấy bạc nhét vào túi áo thằng Út. Tư hỏi:

    – Cái gì thế?

    – Để cho nó ăn quà, tội nghiệp.

    Tư Híp lúng túng cám ơn trong khi ấy thằng Út đã tẻm hết một nửa quả chuối và vất nguyên cái vỏ ra thềm đất. Bọn trẻ con đang chơi nhộn nhịp ở ngoài ngõ bỗng ùa lại. Một vài đứa hét:

    – Ê! Út, mầy đi đâu đó mậy.

    Út nhấp nhổm trên lưng anh và giơ tay lên vẫy. Tư Híp trả lời thay em:

    – Đi quân dịch đây. Đứa nào khoái bắn súng thì theo tao.

    Cả bọn nhao nhao:

    – Tôi!

    – Tôi!

    – Tôi! Tôi nè!

    Thế là cả bọn nó xúm xít bu lấy anh em Tư Híp như một chùm sung rồi cả chùm sung đó ùn ùn kéo nhau đi chật cả lòng ngõ. Tư Híp phởn chí toét miệng ra cười. Gã cất giọng ngêu ngao:

    Vài hàng gởi anh trìu mến.
    Vừa rồi làng có truyền tin nói rằng quốc gia đang mong đi quân dịch là thương nòi giống.


    Đám đông ra tới đường cái thì gặp một vụ đánh lộn. Thế là lũ trẻ túa lên chạy. Trong chớp mắt chỉ còn anh em Tư Híp đứng một mình ở bên vỉa hè. Thằng Út nhấp nhổm định đòi tụt xuống, nhưng anh nó đã vội nói:

    – Ý! Mình đi quân dịch mà. Đâu có theo tụi nó được.

    Út hậm hực lúc lắc trên vai anh nó một chút rồi lại ngồi yên. Nửa quả chuối còn lại bây giờ nó đã tẻm nốt và chùi bàn tay lên vai áo của anh nó. Gã đàn ông thủ thỉ:

    – Từ bây giờ mình phải tập vô kỷ luật thì mới được. Nhà binh ác ôn lắm mày biết không.

    Thằng Út buồn bã không trả lời nhưng anh nó vẫn tiếp:

    – Nghĩa là mình phải theo lời mấy ông sĩ quan. Mấy ổng thổi toe một tiếng còi là phải sắp hàng ngay cái tróc, thổi toe một tiếng nữa là im lặng như điên, toe cái nữa là hấp nhào vô tập tành ngoan ngoãn, chăm chỉ. Mà điều đó phần tao. Còn mày khỏi! Đếch phải sắp hàng sắp lề gì hết ráo. Cho mày chạy chơi như điên, chỉ cần tao đi đâu mày lót tót theo đó là “năm bờ oăn” rồi, nghe Út!

    Út chẳng đáp vì nó đang nhìn quả bóng xanh đỏ bay phất phơ trên tay một thằng bé bán bóng mới xuất hiện ở bên kia đường phố. Sự im lặng của nó làm Tư Híp phải ngoái lại nhìn. Gã cằn nhằn:

    – Đếch nghe gì cả, ông nội! Bộ ông nội tưởng cóc có gì quan trọng lắm sao. Vô đó mà ông láng cháng làm trật lất thì họ ghét họ cắt cu. Lính thứ thiệt chớ bộ rỡn với ông sao?

    Vừa nói gã vừa xốc lại thằng bé, đổi cái tay nải sang tay bên kia cho bớt mỏi, rồi gã lại thủ thỉ:

    – Phải nhớ đó nghe. Hể mà ai đụng tới thì mày phải gào to lên, gào chừng nào tao nghe tiếng, tao chạy tới thì thôi. Mà ý chà! Cái gì chớ cái gào thì đếch cần phải dặn ông kỹ. Cái họng nhà ông mà gang ra thì cả nước phải điếc tai.

    Vừa nói, Tư Híp cười hì hì. Hai hàm răng của gã nhăn ra như răng ngựa. Lớp thịt ở hai bên má của gã nhúm lại, đội cho vành mi dưới trồi lên hàng mi trên, khiến cặp mắt của gã đã bé lại càng bé thêm. Chả trách hang xóm người ta không kêu tên thật của gã mà chỉ gọi gã là Tư Híp. Người ta không biết dĩ vãng của Tư như thế nào, nhưng chỉ biết Tư sống độc thân với thằng em ruột vừa gầy vừa choắt, so với gã thật là một sự tương phản mạnh mẽ. Tư Híp quí em như vàng. Điều mà gã lo sợ nhất là sau này, nếu gã chết đi, để lại một mình nó bơ vơ trong cuộc đời thì nó sẽ không biết làm gì để xoay xỏa lấy đời sống, Tư sợ cái hình ảnh đó lắm, và gã thường cầu trời cho đừng bao giờ xẩy ra cái chuyện khủng khiếp như thế cả. Buổi tối khi đi làm về, Tư ít đi chơi hay đi nhậu lai rai, gã chỉ thích ở nhà đùa nghịch với thằng Út trong bóng tối lờ mờ của ngọn đèn dầu hôi đặt trên vách gỗ. Nhưng Út thì không khoái nghe gã rủ rỉ chuyện trò bằng sự chạy lồng lên như chó điên với bọn trẻ ở trong ngõ. Thành ra nó chỉ láng cháng với anh nó một lát là lại tìm cách chuồn đi mất biệt. Tư Híp nằm buồn tình, cằn nhằn một mình trong bóng tối rồi chỉ một chốc gã đã lăn ra ngủ. Giấc ngủ đến với gã quá dễ dãi như bản tính dễ dãi của gã. Gã không mong gì hơn là được kéo dài cuộc sống bình thản như thế cho đến trọn cuộc đời. Thằng bé cứ bé như thế mãi, và gã thì lúc nào cũng khỏe mạnh để làm được thêm nhiều, bữa cơm chiều sẽ chẳng có vài đồng thịt quay thì cũng có mấy khoanh tiết nóng cho thằng Út. Thế là gã mãn nguyện vô cùng rồi.

    Nhưng vào một đêm có lính xét sổ gia đình và gã bị chớp lên xe vì gã ở trong tuổi quân dịch. Gã như điên lên khi thấy rằng chẳng cần đợi chờ lúc gã chết đi thì hình ảnh bơ vơ của thằng Út mới thực sự trở về. Gã đã van nài lạy lục tất cả mọi người, nhưng chẳng có ai nghe lời trần tình của gã. Cuối cùng gã phải tự thoát thân lấy bằng cách liều lĩnh nhẩy ùm xuống lạch nước khi được dẫn qua cây cầu khỉ và lặn một hơi qua những gậm nhà sàn tối tăm để thoát thân sang tận bên kia. Bữa đó trở về, gã nằm ngất ngư hết mấy hôm vì uống no một bụng toàn nước sông đen ngòm, sặc mùi sú khí.

    Sau hôm đó, gã tự nghĩ rằng thà đem thằng Út vô lính cùng với gã còn hơn là lại tới một hôm nào đó người ta bắt giải gã đi một mình, để thằng Út bơ vơ, không ai chăm nom săn sóc.

    Thế là gã gom góp đồ lề, sửa soạn hành lý để lên đường thi hành

    nghĩa vụ công dân. Hành trang của gã gồm có:

    – Bốn bộ quần áo

    – Một cái mền

    – Một cái khăn mặt

    – Một đôi dép cao su

    – Và thằng Út năm nay vừa tròn sáu tuổi.

    Ở quân vụ thị trấn, người ghi danh sách không nín được cười trước cái cảnh tay bồng tay mang của Tư Híp. Anh ta la lên:

    – Trời ơi! Sao anh không đem cả vợ lớn vợ bé đi luôn có hơn là xách theo mỗi thằng nhỏ nầy.

    Tư Híp gãi đầu gãi tai:

    – Xin xếp thông cảm giùm. Em chưa có vợ.

    – Chưa có vợ mà bế con vô hả?

    – Dạ không phải! Nó là em.

    Người đàn ông giận dữ:

    – Em hay cháu hay chắt thì cũng phải để nó ở nhà chớ đi lính đánh giặc chớ bộ đi nghỉ mát sao mà bồng bế nhau um sùm tới đây vậy.

    – Dạ để nó ở nhà thì không có ai nuôi. Nó còn con nít quá mà xếp. Xin xếp thông cảm giùm em.

    – Cảm với cúm gì. Rồi anh coi, vô trại nhập ngũ người ta tống nó ra còn thêm tội cho nó hơn nữa.

    Tư Híp đặt ngay thằng bé xuống, chấp hai tay định xá một xá, nhưng nghe lời dặn của anh, thằng Út nhất định không chịu rời cái lưng êm ái của anh nó. Hai tay nó níu chặt lấy cổ Tư Híp còn hai chân thì nó quắp chặt lấy mạng sườn khiến Tư Híp giằng cũng không ra và cử chỉ lễ phép của hắn trở nên lúng túng. Người đàn ông ngước mắt lên nhìn thân hình cõi của thằng bé với bộ mặt vêu vao đen thui thủi rồi bỗng chép miệng thở dài. Ông ta gõ cái bút chì lên trán Tư Híp rồi nói:

    – Không bảo đảm đâu đó nghe! Xuống đó người ta đuổi, tôi mặc kệ đa…

    Mặt Tư Híp tươi hẳn. Gã biến ngay thành con ngựa nhẩy quẫng lên, xóc thằng Út trên lưng khiến nó khoái chí toét miệng ra cười và quắp chân thêm chặt hơn nữa. Lần này Tư Híp phải la lên:

    – Thôi đi Ba. Nới nới ra chút giùm. Bộ tôi làm ngựa cho Ba cỡi suốt ngày đó sao.

    Vừa nói gã vừa gỡ thằng bé, đặt xuống sàn đá hoa rồi vươn vai răng rắc. Mặt gã rạng rỡ hẳn lên.Nhìn đâu gã cũng thấy niềm vui chan hòa. Cử chỉ của gã cũng trở nên khép nép như để biểu lộ thêm lòng biết ơn của gã đối với sự dễ dãi mà người ta đã dành cho gã.

    Một lát sau gã được xua vào đứng ở một góc sân cũng với mấy chục người khác. Thằng Út lót tót đi theo. Mắt nó dáo dác nhìn cảnh vật chung quanh với cặp mắt tò mò. Rồi chỉ một lát nó đã tót lại sờ mó những chiếc xe bóng loáng đậu ven bờ tường hay đứng ngẩn người ra ngắm khẩu súng lục trên dây lưng của người lính ngồi gác giữ an ninh gần đó. Sự táy máy của nó làm Tư Híp vừa cằn nhằn vừa chìa cái lưng ra nói:

    – Thôi, mời bố phốc lên đây. Bố mà cà rà ra đó người ta tống ra ngoài đừng có mà hòng xin ai nữa.

    Thằng Út nheo mắt nhìn anh mỉm cười. Nó lùi ra xa ba bốn bước để lấy đà rồi mới nhào người lại như kiểu anh hiệp sĩ trong phim cao bồi phóng mình lên lưng ngựa. Lúc Tư Híp đứng dậy thì nó chồm lên, thúc đùi vào mạng sườn của anh nó rồi cười như nắc nẻ…

    Vào đến trại nhập ngũ, càng thấy đông người, Út càng trở nên nghịch ngợm. Giữa đám đông toàn thanh niên trai tráng, bóng dáng loắt choắt của nó bỗng trở thành một hình ảnh ngộ nghĩnh và đặc biệt thu hút được sự chú ý của mọi người. Suốt ngày nó nhẩy quẵng lên như con chó động cỡn, len lỏi hết đám đông này đến đám đông khác, la cà ở khu này tới khu khác, khi mệt mỏi nó lại tìm về chỗ của Tư Híp mà nằm lăn ra ngủ một cách dễ dãi. Trời nắng như thiêu đốt. Tư Híp kê đầu của nó lên chiếc tay nải rồi phủ người nó bằng tấm mền hôi và bẩn để kiếm chút bóng mát. Còn gã thì ngất ngư sau một ngày chờ đợi mệt mỏi. Mặt gã đỏ rừ. Mồ hôi tháo ra đầm đìa ở mặt và ở cổ. Miệng gã khô đắng lại. Suốt từ sáng gã chỉ dám liều ra quán uống có chai nước ngọt vào lúc trời nắng gay gắt nhất. Chai nước ngọt được chia làm hai. Non một nửa cho gã, và già một nửa nhường cho cái bụng ỏng kếch sù của thằng Út. Giờ ăn, gã được lãnh một phần cơm với hai miếng thịt. Gã tưới thực nhiều nước thịt kho để cơm được chan bằng thứ nước mằn mặn. Gã tưởng phải nhường phần cho thằng Út nên không được no, nhưng đến lúc chỉ lùa được hai muỗng vào miệng, gã đã thấy cổ họng mình bứ lại. Cái khát làm cho gã hết cả đói. Môi gã rộp lên, miệng đắng nghét, cặp mắt đỏ ngầu. Chưa bao giờ gã lại mong trời mưa đến như thế. Nhưng trời trong xanh và cao thăm thẳm. Không có một làn mây, không có một ngọn gió, bốn bề chung quang chỉ hầm hập hơi nóng. Hơi nóng làm héo úa những cọng cỏ mọc ngổn ngang trên nền đất, làm khô bỏng những lớp cát rải rác trên lối đi, làm cả lớp mái tôn của dẫy nhà chật ninh ních những người như cong lên, vênh lại.

    Sự sinh hoạt ồn ào lúc buổi sáng cứ theo sức nóng của buổi trưa mà chìm dần trong êm ả. Sự êm ả bức bối, nực nội, mệt mỏi và rã rời, chỉ đến lúc chiều dần xuống, cái nóng dịu đi, những ngọn gió thần tiên bắt đầu thổi hây hây trong bầu không khí dịu mát, thì tiếng hò hét, nói cười lại trở về và kéo dài liên miên cho đến đêm khuya.

    Bữa cơm sáng thằng Út chỉ ăn vã đúng có hai miếng thịt kho. Đến chiều nó ngắm nghía mấy sợi măng sào trên bát cơm nguội lạnh rồi lắc đầu và vùng lên chạy. Tư Híp chẳng kịp phân trần hay khuyến khích sự can đảm chịu đựng của nó thì bóng dáng loắt choắt của nó đã mất biến ngay trong đám người đứng ngồi ngổn ngang phía trước mặt. Mãi đến lúc sẩm tối, Út mới tha thẩn đi về. Bộ điệu của nó có vẻ như mới được ăn no, tay nó cầm một mớ nút chai. Nó ngồi xuống nệm cỏ chơi đánh phén một mình chán rồi nằm phưỡn rốn ngửa mặt lên nhìn bầu trời bắt đầu lấp lánh mấy vì sao ướt mới mọc. Bầu không khí bây giờ lại dịu hẳn đi.

    Gió mát thổi lồng lộng làm tung những sợi tóc lòa xòa trên trán và má của Tư Híp. Sự khoan khoái hiện tại xen với nỗi cực nhọc của suốt một ngày chờ đợi hoàn tất mọi thủ tục khiến cho gã thiu thiu buồn ngủ. Gã gối đầu lên cái tay nải, một chân của gã khều về phía mộng đít của thằng Út như để gã cảm thấy yên tâm trông coi nó ngay cả trong giấc ngủ, còn hai tay của gã ruỗi ra thật dài. Gã sung sướng nhắm nghiền hai mắt để cho từng ngọn gió lùa qua cổ áo mơn man ở khắp ngực và bụng. Cứ như thế, chỉ trong khoảnh khắc gã đã quên bẵng khung cảnh ồn ào trước mặt và cả cuộc đời dở dang của gã để ngáy như kéo gỗ.

    Trong giấc mơ, gã thấy mình bơ vơ giữa một khoảng trời ngùn ngụt lửa cháy và tơi bời bom đạn. Tiếng đạn nổ, tiếng người la, tiếng động cơ gầm thét trong bầu trời đỏ rực, gã thất thanh gọi tên thằng Út nhưng chung quanh gã chỉ có những hình thù đầy máu me chạy nhẩy hỗn loạn như những hình nhân gớm ghiếc. Tư Híp rú lên thất thanh và gã choàng dậy nhớn nhác nhìn quanh. Bên tai gã tiếng súng máy, tiếng động cơ vẫn ầm ĩ nổ rôn. Gã nhận ra những âm thanh đó phát ra từ chiếc máy phóng thanh và ở gần đó người ta đang chiếu cho tân binh quân dịch coi một cuốn phim giải trí. Gã hoàn hồn giơ bàn tay lên vuốt những giọt mồ hôi vã ra ở trần và ngực. Thằng Út bây giờ cũng đã biến đi đằng nào. Chắc nó đã len lỏi vào đám đông trước mặt để nhìn cho rõ những hình ảnh nhấp nháy nhức mắt trên tấm khung vải xộc xệch căng bằng những sợi dây buộc trên xà gỗ. Tư Híp lơ đãng nhìn về phía đó một lát rồi lại nằm xuống. Gã cảm thấy cơ thể rã rời mệt mỏi và trí óc trĩu nặng những nỗi lo âu thấp thỏm. Gã nghĩ đến những đêm nằm nghe tiếng súng nặng nề làm rung chuyển nhà cửa trong thành phố, những trái hỏa châu bắn lên soi sáng vàng úa trên mặt đường nom thê thảm như những cây nến chết chóc sừng sững leo lét ở giữa bầu trời. Gã tự hỏi rồi ngày mai gã sẽ làm được gì và phải làm những gì. Nhưng đối với gã, dù có xẩy ra bất cứ điều gì gã cũng sẽ chịu đựng tất cả, miễn là anh em gã còn được gần nhau, thằng Út không phải bơ vơ trong mớ tuổi nhỏ nhoi của nó.

    Nghĩ đến thế, bỗng nhiên Tư Híp thấy sốt ruột. Gã trở mình vài ba lần rồi thốt nhiên nhỏm dậy. Gã cố nghển cổ lên nhìn, cặp mắt hướng về phía đám đông như muốn chọc thủng bóng tối để tìm bóng dáng loắt choắt của thằng em. Nhưng đám người đứng đông nghìn nghịt khiến gã thấy ngay khó mà tìm ra được thằng Út trước giờ vui giã đám. Chán nản, Tư Híp lại tiếp tục nằm ngửa mặt nhìn lên bầu trời lấp lánh mấy vì sao. Không gian thật hoàn toàn êm ả nếu thỉnh thoảng không có những đốm đỏ của từng chiếc máy bay di chuyển nặng nề qua vùng trời trước mặt. Rồi chỉ một lát, có tiếng bom ầm ĩ vọng về. Tiếng bom thật xen lẫn với tiếng súng giả nổ ròn rã trên màn bạc. Hình ảnh của những vùng đất bị cầy, xới, khoét, phá xen lẫn với những đám lửa ngùn ngụt cháy. Những rừng cây xơ xác, những làng xóm hoang tàn như điên đảo, quay cuồng trong đầu óc của Tư Híp khiến gã thấy mình như bị ném vào một cơn lốc lớn, ở trong đó con người nhỏ bé của gã bị rang phỏng lên, đầu óc căng nứt ý nghĩ chập chờn, và gã bắt đầu cảm thấy mình đang tách rời cuộc sống hiện tại để đi vào một giấc ngủ chập chờn, mộng mị.

    Đến lúc gã tỉnh dậy vì sương đêm ướt lạnh cả mảng lưng dưới nệm cỏ thì bốn bề đã trở nên im lặng hoàn toàn. Bên tai gã chỉ còn tiếng những con muỗi vo ve tạt đi tạt lại ở cổ, ở má và chân tay. Phía đằng xa, trên những tấm hàng rào kẽm gai trải thẳng tắp trên vùng đất rộng bao la, những ngọn đèn ủ rũ hắt xuống một thứ ánh sáng vàng vọt, héo úa. Tư Híp quờ quạng tay sang hai bên và gã bắt gặp thằng Út lúc nầy đang rúc đầu vào chiếc tay nải ngủ cách ngon lành. Khuôn mặt của nó bây giờ nom bình thản và thơ ngây một cách tội nghiệp. Tư Híp nghĩ đến cái giường ấm cúng trong căn buồng ấm cúng ở nhà. Gã bỗng thấy lòng dâng lên một niềm thương vô hạn trước sự gian truân mà thằng Út đang phải chịu đựng. Gã vội kéo nó nằm sát lại gần rồi rũ tấm mền ra đắp lên bụng nó. Trong giấc ngủ, thằng Út trông như một con chó nhỏ nằm mệt vùi sau một ngày rông dài, chạy nhẩy…

    Những ngày tiếp theo, anh em thằng Út vượt qua trót lọt tất cả những chặng đường để vẫn còn được ôm nhau trong giấc ngủ. Chẳng ai nỡ dứt thằng bé loắt choắt ra khỏi tình thương của anh nó cả. Thật sự thì Út thừa đủ tinh khôn để tự lo lấy được cho mình. Ban ngày, trong lúc Tư Híp phải rời em làm phận sự thì Út lảng vảng ở dưới khu nhà thầu. Nó kết bạn với hầu hết mọi người làm việc ở đó. Chẳng cần để anh nó phải nhường nhịn, mỗi ngày Út cũng xoay xở được hai bữa cơm no. Thường thường Út chỉ trở lại tìm anh vào lúc trời tối hẳn. Ở giai đoạn đầu, Tư Híp chưa phải vất vả học tập bao nhiêu nên ban đêm hai anh em vẫn có thể la cà đây đó hay nằm trên giường tán róc trước khi ngủ. Cũng có nhiều hôm Út đi biệt hai ba ngày liền không trở về. Lần đầu tiên Tư Híp tưởng nó bị tống ra khỏi trại nên chạy đi xông xáo tìm kiếm và bỏ cơm đúng hai ngày.

    Nhưng rồi bỗng nó lại lù lù, dẫn xác trở về trong bộ quần áo không mới lắm nhưng khác lạ.

    Thằng ranh con thế mà tài. Mái tóc sù lên như ổ quạ rối của nó đã được hớt lên sạch sẽ. Trong túi của nó đã thấy rủng rẻng mươi đồng tiền cắc.

    Sự chĩnh chạc, phong lưu của nó khiến gã đàn ông quên cả buồn, quên cả giận. Gã đá phốc ngay vào cái lon sữa bò ở gần đó như chứng tỏ cơn giận gã trút hết cả vào đó, rồi gã hét lên:

    – Thằng mắc dịch, mày đi đâu tao kiếm hụt hơi muốn chết mà không ra.

    Út mỉm cười, móc túi lấy ra chiếc kẹo chanh đưa lên khoe rồi thản nhiên bóc giấy bóng và cho vào miệng. Tư Híp hỏi gặng:

    – Mày đi đâu vậy Út?

    Út giơ ngón tay chỉ về phía trước mặt, không trả lời. Miệng của nó còn mắc lúng búng với viên kẹo thơm phức. Gã đàn ông hậm hực một lát rồi nói:

    – Coi chừng cà rà cho lắm vào mấy ổng sút cho một cái là bay về tới nhà đấy nhóc con. Lần sau thì cấm đấy, nghe chưa.

    Nhưng lời nói của Tư Híp đối với Út cũng chẳng khác nước đổ đầu vịt. Thằng bé vẫn ham chơi, vẫn chạy nhẩy như con chó động cỡn, và từ hôm đó về sau lâu lâu nó mới chịu nằm ngủ gọn trong lòng anh một lần. Một hôm Tư Híp bắt gặp nó theo chân hai người đàn bà, một già một trẻ, khiêng một sọt su su từ chỗ đậu xe xuống nhà bếp.

    Lúc đó Tư Híp đang làm tạp dịch ở ngoài hàng rào. Gã chú ý đến người thiếu nữ khiêng sọt vừa đi vừa nô với thằng Út. Tiếng cười trong trẻo của hai người làm ấm cúng hẳn khung cảnh buồn chán ở chung quanh với những mái tôn thấp, những hàng rào kẽm gai chạy dài và những chiếc mũ sắt thấp thoáng trong từng lô cốt. Khuôn mặt của nàng đầy quyến rũ với nước da ửng hồng, từng giọt mồ hôi chẩy vã xuống hai gò má còn dính những sợi tóc dài và ướt. Dưới vầng trán phẳng, cặp mắt bồ câu long lanh sáng. Nàng cười tươi như bông hoa buổi sáng và giọng nói lanh lảnh của nàng bỗng gieo vào lòng gã đàn ông nhiều cảm xúc xao xuyến.

    Thằng Út mải đùa nên không để ý đến anh nó. Nhưng hình như thiếu nữ nhận ngay ra được Tư Híp. Nàng ghé vào tai Út thì thào và Út reo to lên quay lại nhìn về phía hàng rào. Nó giơ bàn tay lên vẫy vẫy. Tư Híp bối rối vẫy lại. Mắt gã vẫn không rời khuôn mặt của người thiếu nữ lúc tiến gần ngang qua chỗ gã đứng. Gã bắt gặp cái nhìn soi mói của nàng hướng về phía gã. Điều đó làm gã lúng túng vô cùng. Gã không dám nhìn ai nữa mà chỉ cúi vội xuống vờ lúi húi trong công việc.

    Đến tối, gã thủ thỉ với Út trên giường nằm:

    – Ai khiêng sọt su su hồi chiều đó, Út?

    Út đáp:

    – Chị Hiên nhà bếp đó

    – Mầy quen hả?

    – Quen

    – Rồi mầy nói hay sao mà cổ cũng biết cả tao.

    – Biết chớ! Em chỉ anh cho cổ mấy lần.

    – Thiệt không?

    – Thiệt!

    – Mầy kỳ thấy bà, khi không “chỉ” tao làm gì, làm tao mắc cỡ muốn

    chết.

    Út yên lặng không đáp khiến Tư Híp chờ lâu không được nên lại tiếp

    tục hỏi:

    – Mầy chỉ tao làm sao Út?

    – Thì chỉ vào anh đó.

    – Rồi mầy nói chi?

    – Chả nói gì hết.

    – Ngu thấy bà! Chỉ rồi thì cũng phải nói lai rai chớ bộ, im thì ai mà biết.

    Út mỉm cười:

    – Thế thì em chẳng có nói cái gì hết.

    Sự ngu độn của nó làm Tư Híp bực mình. Gã vặc lên:

    – Không nói cái gì hết mà cổ lại biết tao là anh mày. Thằng ngu quá

    đi!

    – Vậy thì em có nói. Em nói anh Tư của em đó.

    Mặt Tư Híp tươi lên. Lòng gã bỗng rung động. Gã hỏi dò một cách hồi hộp:

    – Thiệt không?

    – Thiệt!

    – Ừ! Rồi cổ bảo sao?

    – Không bảo sao hết đó.

    Tư Híp thất vọng, vén đùi lên gãi sồn sột. Một lát gã tỉ tê:

    – Vậy từ hồi đó tới giờ, mầy ăn uống ở đó, đó hả?

    – Ừ!

    – Bộ mầy xin hay sao!

    – Em không xin mà đều cổ cứ giữ lại.

    – Kỳ! Không quen mà giữ lại.

    – Thiệt đó!

    Mặt Tư Híp tươi lên lần nữa. Gã nói:

    – Rồi mầy nói sao?

    – Chả nói sao hết.

    – Mầy nói ngang như cua đó. Bộ chả nói, cứ việc xông đại vô ăn cơm nhà người ta đó chắc.

    – Chớ sao. Người ta mời mình mà.

    – Mời sao?

    – Mời là mời chớ còn mời sao. Anh hỏi kỳ thấy bà.

    Nói rồi Út giận dỗi nằm quay lưng về phía Tư Híp, co hai tay lên đầu nhất định không nói nữa. Thái độ của nó làm Tư Híp ngán ngẩm. Suốt đêm hôm ấy, Tư trằn trọc mãi không ngủ. Hình ảnh của người con gái đã gieo vào lòng gã biết bao nhiêu nỗi niềm xao xuyến.

    Những ngày sau đó, cũng có một vài dịp Tư được đối diện với nàng, nhưng gã không thể nào cất lời nói được với nàng một lời nào cả. Tình yêu của gã chỉ biểu lộ qua cặp mắt nồng nàn say đắm mà gã chăm chú nhìn nàng vào những lúc nàng không nhìn gã. Gã biết mình quá nhút nhát nhưng gã không thể vượt qua được cái trở lực đó. Thấm thoắt hơn hai tháng trôi qua, chương trình học của gã mỗi ngày một thêm bận rộn và gay go. Có khi suốt cả một tuần gã không còn có dịp để tâm tới cả thằng Út. Mãi tới một hôm vào ngày nghỉ, gã mới đi tìm nó và gặp Hiên đang ngồi gọt su su với nó ở đầu hè. Lần này gã lấy hết can đảm để nói được một câu:

    – Tôi cám ơn cô nhiều lắm, cô Hiên ạ..

    – Cái gì anh Tư

    Tư bắt đầu thấy lúng túng, mặt gã nóng rực lên. Gã ấp úng:

    – Thằng Út! Thằng Út đó…

    – Làm sao, anh?

    – Nhờ cô đã nuôi dùm nó, tôi cám ơn cô vô cùng…

    – Thôi, anh cho nó làm con nuôi má tôi đi! Má tôi cũng thương nó lắm đó..

    – Thiệt không?

    – Thiệt chớ!

    – Mầy chịu không Út?

    – Chịu!

    – Vậy thì tôi cũng chịu đó. Nay mai tôi sắp đi rồi. Cho nó theo chẳng biết có yên không?

    Mặt Hiên đang tươi bỗng buồn hẳn đi. Nàng cố nén tiếng thở dài:

    – Tôi cũng đã nghĩ đến đó rồi. Đem nó vô đây thì dễ chớ mang đi trận sao được.

    Tư đứng im lặng, tần ngần. Thấy gã có vẻ buồn, Hiên an ủi:

    – Anh đi yên chí. Tôi coi nó như em ruột mà.

    Tư nói:

    – Vậy thì may cho tôi quá. Rồi những kỳ được nghỉ phép, tôi sẽ về thăm cô và nó luôn.

    Hiên ngẩng mặt lên nhìn. Trong ánh mắt của nàng bỗng chứa chan niềm thương xót. Nàng mấp máy định nói gì nhưng rồi lại thôi. Thốt nhiên giữa hai người như có một khoảng ngăn cách nặng nề mà Tư Híp cảm thấy như bị ám ảnh bởi chiến tranh, bởi bom đạn và bởi những mạng sống bất trắc của cuộc đời người lính chiến. Điều đó khiến gã không muốn phát biểu nhiều hơn. Gã lặng lẽ ngắm hai bàn tay mềm mại của người thiếu nữ thoăn thoắt trên những lớp vỏ xanh rờn của trái su su. Một lát sau gã tức tưởi từ giã ra về.

    Đêm hôm ấy gã lại trằn trọc không ngủ. Có lúc gã lại muốn im lặng để khỏi ràng buộc bất cứ ai vào cuộc đời gian lao sắp tới của gã. Chưa bao giờ gã cảm thấy tủi thân và cô độc, như đêm đó. Ngay cả thằng Út đứa em ruột thịt của gã mà gã tưởng như không bao giờ rời xa lại cũng như đang sắp sửa vuột khỏi cuộc đời gian lao của gã. Đêm hôm nay thằng Út không thấy trở về. Có lẽ nó quấn quít ở bên cạnh Hiên hay ngủ vùi ở một chỗ nào đó trong gian nhà ấm cúng của nàng. Gã bỗng thèm được ôm nó vào lòng, muốn được nghe giọng nó nói, tiếng nó cười và được trông thấy những vẻ láu lỉnh trên khuôn mặt vêu vao đen đủi của nó. Lần đầu tiên trong cuộc đời gã ôm mặt khóc thúc thít.

    Sau hôm đó trở đi Hiên đối với Tư có vẻ gần gũi hơn. Nàng thường gởi thằng Út những món quà vặt vãnh khi thì một trái cam, khi thì gói thuốc lá, nhưng tuyệt nhiên Hiên không nhắn gì thêm cho Tư cả. Nhưng dù sao những món quà thân yêu ấy cũng đượm vẻ đầm ấm và lôi kéo thời gian đi quá mau. Ngày mãn khóa, Hiên mời gã đàn ông đến ăn cơm vào một buổi chiều. Gã náo nức chờ đợi.

    Lần đầu tiên từ ngày nhập ngũ, gã thuê giặt bộ đồ treillis để được người ta sịt hồ lên đó và ủi cho thẳng nếp. Mỗi buổi tối trước khi đi ngủ, gã lại cầm bộ đồ cứng như mo nang lên ngắm nghía. Gã đã hình dung ra hình ảnh tươm tất, gọn ghẽ, oai nghi của gã ở trong bộ đồ đẹp đẽ đó.

    Trước kỳ hẹn hai ngày, gã lại chịu khó đi hớt tóc, mặc dù lần hớt trước đây mới chỉ được gần hai tuần lễ. Hai ngày hẹn cuối cùng đối với gã dài như thế kỷ. Gã mong nó tới, rồi lại mong nó chậm chậm đừng vội xẩy ra, và rút cục gã lại thấy giờ, phút bò đi quá nặng nề đến độ như thời gian đã ngừng lại. Nghĩ đến Hiên, tim gã đập rộn ràng, ý nghĩ của gã xáo trộn, và chân tay của gã bắt đầu bối rối. Chính vì thế mà gã thích được ngồi riêng ra một chỗ để nhẩm lại những điều mà gã sẽ nói với nàng. Ngày mai, ngày kia trên đường hành quân đầy cát bụi, biết còn lúc nào rảnh rỗi để về thăm chốn cũ, người xưa. Cho nên nói thẳng với nàng là điều tất nhiên rồi . Nhưng nói thế nào, nói làm sao, nói những gì? Ôi, lần đầu tiên Tư Híp bị rơi vào một vấn đề gai góc mà không một ai có thể giúp đỡ gã được.

    Đã có lúc Tư chong đèn cầy, kê giấy lên thùng gỗ để viết cho Hiên một lá thư. Nhưng nét chữ vụng về của gã không đem lại cho gã niềm tin tưởng nào. Không hiểu sao, Tư có cảm giác như văn hóa của Hiên cao hơn mình. Như vậy thì đường vào tình yêu theo ý gã, không phải là con đường “văn hóa”. Nó cũng không phải là con đường “chính trị”. Bởi vì với một bữa cơm ngắn ngủi, gã không có cách nào, mà cũng chẳng có tài cán gì để đưa nàng vào thế giới tình yêu bằng những đòn phép chính trị cả. Cuối cùng, nát óc quá, gã phải đi tới kết luận là phải làm liều. Chỉ một cái cầm tay, một câu nói cộc lốc “Tôi thương cô, cô có thương tôi không”, là gã thấy có vẻ dễ dàng nhất. Miễn là biết liều, mặc dầu cái liều tình cảm này còn khó gắp mười lần cái liều ôm súng lao vào vị trí địch.

    Rồi như để đo cái mức nguy hiểm của sự liều lĩnh đó đên chừng nào,

    Tư hay dò hỏi thằng Út về thái độ của Hiên. Gã hỏi:

    – Mày ưa nói chuyện với chị Hiên thường hôn?

    Út đáp:

    – Thường!

    – Nói kí gì?

    – Nói kí gì thì ai mà nhớ.

    – Thằng ngu hôn! Hổng nhớ mười thì cũng nhớ một chớ.

    – Thế thì thiếu gì.

    Mặt Tư tươi lên:

    – Ờ! Phải vậy chớ.Nói nghe chơi.

    – Chỉ kể “chiện”thanh xà, bạch xà, chiện ông Hoàng ốc, chiện…

    Tư ngắt lời:

    – Cái đó thì nói làm chi. Tao nói là nói chuyện mầy, chuyện tao, chuyện bình phẩm này nọ. Như thể chị đó khen mầy ngoan hay mầy hư, mầy mất dạy hay đạo đức, tao..tao… bảnh hay không bảnh ấy chớ.

    Út phá lên cười:

    – Ý! Anh thì bảnh với ai. Chỉ la anh cù lần!

    Mặt Tư đỏ rừ lên như chính gã vừa nghe lời bình phẩm đó từ miệng của người yêu phát ra. Rồi gã cãi một cách tức tối:

    – Tao mà cù lần! Mầy nói thiệt hôn?

    – Thiệt. Chỉ nói vậy hoài mờ!

    – Hừ! Cù lần ở chỗ nào mới được chớ

    – Thiếu gì! Anh bận đồ lính trông như áo thụng tế nè, anh đội mũ chùm hụp như đội đầu ông địa nè…

    Tư la lên:

    – Tại người ta phát cho tao như vậy chớ! Mắc học thấy bà, ai mà lo đi sửa được. Mầy biết hôn, cái quần mà tao không cuộn lên thì nó còn dài tới ót!

    – Vậy mới cù lần!

    – Cái đó khó gì! Mai mốt tao sửa! Còn gì nữa hôn?

    – Gì là gì?

    – Chỉ nhắc tới tao hoài hôn?

    – Cái đó thì hoài. Chỉ cứ đem anh ra đe em hoài.Chỉ la chỉ mách.

    Mặt Tư tươi lên:

    – À! Vậy đó! Mầy thấy hôn. Miệng chị nói cù lần vậy mà chỉ đâu có khi tao. Đờn bà, con gái làm duyên thôi đó mà!

    Nói rồi Tư cười, hai má hây đỏ, lòng dạ ngất ngây, gã có cảm giác như vừa được uống một ly rượu. Lúc đó gã thấy mình đầy đủ can đảm để làm thừa sức cái việc tỏ tình với người con gái. Gã lại ngồi ôn lại những điệu bộ sẽ làm: cầm tay thế nào, mắt nhìn thế nào, miệng nói thế nào, và gã cương quyết sẽ thực hiện.

    Nhưng buồn thay, sắp sửa tới lúc Tư thi thố lòng cương quyết đó của mình thì cấp trên cấp tốc đưa xuống lệnh cấm trại một trăm phần trăm. Rồi trước giờ hẹn bữa ăn lịch sử của đời gã vừa đúng tám tiếng đồng hồ, gã và anh em đồng đội được lùa lên một đoàn xe đỗ dài trước cổng trại. Vị Thiếu Úy Đại Đội Trưởng chỉ nói vắn tắt với anh em là do nhu cầu chiến dịch, đại đội phải lên đường khẩn cấp.

    Mười lăm phút trước khi lên đường, Tư tìm cách lỏn vào được khu gia binh cơ hữu để tìm Hiên. Nàng vắng mặt! Bà cụ nói nàng đi chợ để sửa soạn làm bữa cơm tối. Tư lặng người đi và như có điều gì nghẹn ngào chẹn tức lấy cổ họng của gã. Gã nhìn quanh như cố thu thập lấy hình ảnh căn nhà ấm cúng mà người yêu của gã vẫn ra vào. Thằng Út hình như cảm thấy điều gì quan trọng nên không giám nhẩy phóc lên lưng gã làm ngựa nhong nhong như mọi lần. Đến lúc gã quì gối xuống, hai bàn tay cục mịch nắm chắc hai cánh tay khẳng khiu của thằng bé thì những giọt nước mắt của gã chợt long lanh chẩy qua hàng mi rồi rơi ròng ròng xuống hai bên má.

    Lúc đứng dậy, Tư dốc tất cả món tiền còn lại trong túi ra trao cho thằng Út. Gã cố nén xúc động:

    – Anh cho em ăn quà đấy nhe!

    Đó là những tiếng ngọt ngào, kiểu cách đầu tiên gã dùng ở trong đời, nhưng đối với gã cũng là lời thành thực nhất. Bàn tay của Út ruỗi ra, nó dẫy nẩy không nhận. Và đó cũng là lần đầu tiên Út từ chối một món tiền do anh nó đem cho. Bầu không khí vì thế bỗng nghiêm trọng hẳn lên. Tư muốn nói thật nhiều mà thành ra không nói được gì cả. Một lát, gã vùng dậy. Thằng Út vứt mớ tiền rơi vung vãi rồi cũng bén gót đi theo. Tư đứng lại tần ngần:

    – Em ở nhà ngoan nhé.

    Út lẳng lặng gật đầu. Tư tiếp:

    – Nói với chị Hiên là anh sẽ về sớm nhe. Thể nào anh cũng về.

    Út lại gật đầu.Lần này nước mắt của nó cũng bắt đầu long lanh. Tư cầm lòng không được, cúi xuống ôm chầm lấy nó. Thế là thằng Út òa lên khóc. Ngoài xa, tiếng còi tập hợp mỗi lúc một réo lên gay gắt. Tư hốt hoảng buông thằng Út ra và nói:

    – Thôi, anh đi đây. Dăm bảy tháng nữa anh về. Dăm bảy tháng nữa anh cưới chị Hiên làm vợ. Em nói thế hộ anh nhé, nghe Út.

    Thằng Út gật đầu và Tư vùng lên chạy.

    Đất nước còn đang tràn ngập đau thương và khói lửa thì có đáng kể gì lời hứa của một kẻ ra đi. Dưới ánh nắng thiêu đốt của một buổi chiều đầu hạ, đoàn xe chuyển bánh tung lên lớp bụi mù mịt.

    Thằng Út trèo lên một cái ụ đất để nhìn cho rõ đoàn quân lên đường.

    Hình ảnh của anh nó bị che lấp đi trong lớp bụi mù mịt…


    Nhật Tiến
    (Sài Gòn-1968)



    Nguồn:http://vietluan.com.au


              
Trả lời

Quay về “của người”