Quả báo

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Quả báo

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Quả báo




    Nhiều năm sau khi chúng tôi thôi nhau, bà mẹ chồng ở tuốt ngoài Trung thỉnh thoảng lại điện thoại cho cựu con dâu để tỉ tê này nọ, tội ghê, vừa kể lể vừa hào hển bẻ giọng cho đỡ trẹt, chữ méo chữ tròn. Nó lấy một con Bắc Kỳ đẽ có con riêng với đời chồng trước. Con này kéo cẻ dòng họ dây mơ rễ mé vô lèm công nhăn xưởng gỗ của nó, eng sạch của cải mấy chục năm mé cắc ce cắc củm lèm re. Nó lè thằng con duy nhất của mé mè hôm que tổ chức sinh nhặt không thèm mời mẹ giè, chắc nó bị bùa mơ thuốc lú của con đèn bè trắc nết meng cái bụng thè lè trước khi đưa nhau vờ ở chung trong cái nhè này, đúng cái phòng mé xây cho hai vợ chồng bây hồi nẳm, không có cưới hỏi chi ráo…

    Tôi nhớ hình như hôm qua đâu phải sinh nhật của Thăng, nên tìm cách an ủi bà mẹ chồng cũ:

    – Chắc tiệc tùng làm ăn nhưng mượn cớ sinh nhật cho dễ nghe thôi, má. Ổng bây giờ chỉ biết kiếm tiền, đâu có biết sinh nhật là gì nên má đừng buồn.

    – Giờ mé tiếc…

    Rồi. Lại sắp sửa mếu máo bắt đầu…hồi đó mé xử tợ với con qué…tại nó đậu con trên đầu, coi trọng vợ hơn mẹ…Công lao mé ở vậy cẻ đời quằn quặt nuôi nó ăn học thành tài rồi dựng vợ gẻ chồng cho nó mè nó…Đoạn đổi giọng ngậm ngùi…Mé vẫn nhớ hầu đi rước dâu trên măm quẻ có đặt tém lượng vèng mé vậu vẽ đào lên từ nền nhè…Mấy ngày sau chị sui gói ghém cẳn thặn xin trẻ lại đèng trai vì cẻm động thấy đắt vườn mồ hôi nước mắt còn dính ở mấy thỏi vèng sính lễ. Vụ này lúc đầu nghe hay hay, sau phát chán, cuối cùng tặc lưỡi tiếc hùi hụi sao hồi đó má mình quân tử Tàu trả lại chi uổng ghê. Hồi sau đám cưới cô dâu cũng ngu, tháo hết dây chuyền bông tai kiềng cổ xuyến lắc nhẫn hột xoàn giao cho mẹ chồng giữ giùm rồi… quên mất tiêu là mình có của. Đến lúc ra tòa ly hôn, muốn cho nhanh gọn, hùng hồn khí khái khai hai bên không có tài sản gì. Phải chi khôn vặt trữ chút vàng bạc châu báu, những năm đói kém đã không đến nỗi cà tong cà teo, sau ly dị vừa đi làm nhà nước vừa tự nuôi con không có trợ cấp của thằng cha vô trách nhiệm; nuôi cả cha mẹ già lẫn ông anh khùng mà quên nuôi thân nên chỉ cân nặng có 34 ký giác. Còn sống đến ngày nay phải gọi là may.

    Một lần khác bà già chồng lại gọi, than thở:

    – Dạo này mé khó thở, tim đặp nhanh, mắt ngủ trằm trọng, con làm Sở Y Tế biết thuốc gì chỉ cho mé uống…

    – Chà, ba cái vụ thuốc men nguy hiểm, phải có toa bác sĩ chứ tự điều trị quả thật không nên. Cách đây vài năm con cũng khó ngủ nên bác sĩ ra toa cho uống Lexomil 6mg liều nhẹ. Viên thuốc có 4 khấc, chỉ cần uống một khấc mỗi đêm trước khi đi ngủ thấy dễ chịu lắm, sáng dậy không thấy sật sừ. Khi đã vào nếp quen thì nên ngơi dần rồi ngưng. Chỉ nên dùng tối đa 4 tuần thôi, thuốc có chứa chất benzodiazépines có thể gây tình trạng lệ thuộc thuốc. Trước đây má đã từng là y tá …ư…nữ hộ sinh nên chắc thừa kiến thức y học phổ thông về các tác dụng phụ và lâu dài của thuốc an thần.

    Nói cho qua vậy thôi chứ không phải bác sĩ ai mà dám khuyên người khác nhất là người già nên dùng thuốc này thuốc nọ. Thế nhưng khoảng sáu tháng sau lại nhận được cuộc gọi đường dài:

    – Chè, thuốc con re toe mé uống vô ngủ sướng thiệt nhe. Nhưng dằn dằn tăng lên 2 khắc rầu. Uống 1 khắc tới nửa đêm là thức dậy tỉnh như sáo.

    – Trời đất! Con đâu có ra toa. Chỉ là chia sẻ với má chút kinh nghiệm riêng thôi. Má phải đi bác sĩ để được chỉ định uống đúng thuốc thích hợp với tạng người và bệnh sử. Ông Thăng đâu mà má tự….

    – Không sao. Đi bác sĩ chưa chéc được cho thằn dược. Giờ mé đeo theo nó rầu, không có không được.

    Nghe vậy tôi tá hỏa tam tinh, nhưng chỉ lăn tăn được vài hôm rồi hời hợt quên phứt nó đi, cũng không hề nghĩ mình là kẻ thủ ác. Nhịp sống bắt phải quay mòng mòng, không có quãng lặng để lắng đọng hay để dây dưa với những ràng buộc tình cảm đã không còn ý nghĩa. Giống như thực phẩm quá hạn sử dụng hoặc giấy tờ hành chính đã hết giá trị pháp lý. Rất nên quẳng thùng rác, tậu cái mới. Ôm mấy thứ đó chi cho thêm chật chội, lâu ngày còn bị dòi, mọt.

    Bẵng đi rất lâu, hình như là lâu lắm, vì con chung con riêng đều đã trưởng thành. Con dòng một Nam kỳ lai Trung kỳ không hưởng gen kinh doanh đồ gỗ của cha mà đâm đầu vô Mỹ thuật Châu Âu; đám Bắc kỳ lai Trung kỳ có gia phả bị Mỹ dội bom thời nội chiến trớ trêu lại du học ngành ngoại thương ở đế quốc Mỹ; Thăng đã dời cơ sở làm ăn về Bình Dương mang theo bầu đoàn thê tử tập hai. Mớ thông tin này cũng do các cú điện thoại đường dài bắn vô chứ làm sao mà biết được. Còn bà nội chung của lũ lôm côm hiện giờ ra sao?

    Vụ án này lâm ly bi đát. Trong khi mọi thứ về phía mẹ con tôi đã gần như đâu vào đấy sau rất nhiều chiến đấu sinh tử để sống còn, bỗng một hôm nhận được cú phone từ một giọng nữ lạ hoắc pha lơ lớ hai ba miền gọi vào điện thoại bàn, vốn hiếm khi dùng đến kể từ hồi có cái thứ được cho là thông minh hơn:

    – Chị Thăng, em là Thảo gọi chị từ chỗ mé anh Thăng nè. Nhè em hồi xưa ở Huỳnh Thúc Khéng cách nhè cô Hai be ceng đó. Giờ anh Thăng giao em trông nom cô Hai. Chao, lúc trước nhỏ xíu em hay rình ngắm chị từ xe. Sao mà chị thanh cảnh xinh đẹp bắt ớn! Giờ chị còn xinh không? Chăm cho mé anh Thăng mấy năm nay em ớ luôn. Chị có việc gì trong Sè Gòn giới thiệu cho em lèm với. Em muốn bứt găn rầu! Ngày nào cô Hai cũng đặp phé, xé quằn xé áo le hét sùi bọt mép kinh lắm…

    – Từ từ, từ từ…Mấy chục năm rồi, lâu quá chị không còn nhớ Thảo là ai, nhưng cho chị hỏi thăm sức khỏe …ư…cô Hai. Bà bị sao?

    – Bị nghiện thuốc en thằn chi đó, hôm nào không có thuốc thì lèm dữ lắm. Anh Thăng mỗi théng gửi re cho 2 triệu, tiền lương em một triệu, còn lại chi xài cho hai miệng eng. Nhiêu đó đâu có đủ, thành re nhiều khi không có tiền mua thuốc, mè mua hoài các tiệm ở đây họ không chịu bén nữa. Chao, cẻ xóm người te đồn cô Hai bị quẻ báo tại ngày xưa xử bẹc với chị…

    – Giờ cô Hai còn ở cái nhà cũ không?

    – Đâu có! Anh Thăng bén ceng nhè trong phố, rầu bén luôn ceng ngoài vườn, bén tháo cái xưởng gỗ, nói cằn tiền gắp để mằn ăn. Nhưng em nghe đồn ảnh gom tiền mua nhè bên Mỹ cho mấy đứa con dòng sau. Giờ cô Hai dọn vờ ở trong cái chòi tầu tàn ở xã Bụp. Đồ đẹc bị đặp phé mỗi ngày, đến cái chén đé để ăn cơm cũng chẳng còn. Thay toàn đồ nhựa rầu. Tậu lắm chị. Ảnh cũng chẻng vờ thăm, chỉ gửi tiền thâu. Nghe cô Hai nói ceng nhè mênh mông ngoài vườn lè của bà nậu để lại cho cháu nậu dòng đầu…

    – Ư…ư…chị đang bận phải đi. Thảo cho chị số điện thoại để lúc khác chị gọi lại nhe. Cám ơn em cho chị biết tin. Chị sẽ gọi lại…

    Tôi ghi vội số của Thảo cho rồi cúp. Choáng váng. Không phải vì con tôi bị chính cha nó sang đoạt tài sản thừa kế.




    Mò về xã Bụp huyện Bường Mơn trúng nhằm lúc bão đang đổ bộ miền Trung. Lum khum tay che mưa tay vuốt nước quất nhòe mặt mũi, tôi banh mắt tìm căn chòi theo chỉ dẫn của Thảo. Đó là một căn nhà mái tôn lọt thỏm trong cái hốc cuối hẻm, xây tuềnh toàng lấy có, vách trét xi-măng nham nhở, cửa ván ép bản lề xiêu vẹo nhịp xành xạch như làm nhạc nền cho phân cảnh trong một phim thuần Việt, Xóm Nghèo. Nhà không có phòng, diện tích vuông vức 5m x 5m, ngõ sau mở toác hoác cho gió quật thông thống ra ngõ trước. Không có gì ngoài một cái giường mét hai, một bàn gỗ nhỏ, hai ghế đẩu. Lấp ló phía trong là một tấm ván kê dã chiến trên mấy cục gạch lỗ để làm giàn bếp.

    Bà già ốm nhom ốm nhách ngồi lờ đờ trong góc giường có trải chiếc chiếu bông đã sút cả rìa nẹp. Có vẻ như bà chẳng nhìn thấy gì, hai tròng mắt gần như trắng dã hướng mông lung về phía có tiếng chào thưa má. Cựu con dâu chào xong nghẹn họng hết biết nói gì thêm; giọng mình mà nghe lạ hoắc như không phải của mình. Chắc tại lâu quá không gọi ai bằng má. Má mình qua đời 15 năm về trước, má chồng thì đã hết vai từ lâu, lâu gấp hai lần số năm mồ côi má ruột. Nhớ lúc mới về, nàng dâu trẻ cương quyết ngậm miệng để khỏi phải thưa thốt gọi má cái người dưng vốn chỉ bằng tuổi chị thứ năm của mình, đến nỗi sau mấy tháng căng thẳng bà mẹ chồng chịu hết xiết bèn chì chiết thằng quý tử:

    – Thăng è, mầy lấy nhằm con căm rầu!

    Thảo ngồi rút chân co ro trên ghế đẩu, người bé choắt, khó thể đoán được bao nhiêu tuổi. Thăng kiếm đâu ra cô này để chăm mẹ già, phải kể là giỏi và may. Không phải người thân trong gia đình mà chấp nhận theo phò thường trực người nghiện đã cao tuổi với lương tháng chẳng bao nhiêu, hẳn đời riêng cũng bế tắc, hoặc có lẽ đang phải trả nợ đời từ kiếp trước. Cả ba người đều im thin thít, y như đang cùng chờ đợi điều chi.

    Không có điều chi xảy ra cho đến khi Thảo đứng dậy lọ mọ xuống bếp rót nước mời khách. Nghe tiếng động bà già đang ngồi như tọa thiền bỗng ngã ngửa ra giường, cong hai chân đập phành phạch lên chiếu, rên Trầu âu là Trầu âu, sao khó chết qué! Không biết làm gì tôi lúng túng đến gần thử đặt tay lên ngực bà, liền bị tống một đạp trí mạng té ngồi xuống nền xi-măng. Thảo kêu thất thanh:

    – Chết che! Ai biểu chị…

    Tôi lồm cồm đứng dậy cười xẻn lẻn:

    – Tới giờ cô Hai lên cơn hay cái mặt mẹt của chị kích động bà già?

    – Không biết chừng. Mỗi ngày lèm hai be trận, nghỉ mệt rồi lèm tiếp. Cứ để yên cô Hai, ai đụng vô …té réng chịu.

    Cũng người đàn bà này mấy chục năm trước còn khỏe mạnh da dẻ hồng hào thần thái sắc sảo, chỉ một tuần lễ sau đám cưới của con trai, đã xô con dâu táng đầu vô cái gờ của bồn chứa nước mưa trước sân, máu me đầm đìa. Giờ yếu rồi. Tung cước theo phản xạ tự nhiên thôi. Nội công sa sút chỉ đủ khiến địch té phịch cách mép giường chưa đầy một mét. Cũng người đàn bà này đã rình rập ngày đêm cửa sổ phòng của tân lang và tân giai nhân, chờ đúng lúc tạm gọi là nhậy cảm liền lôi đầu quý tử ra chửi rủa đánh đập. Dạo ấy thằng con trời đánh hiếu đạo hết chỗ nói, trọng mẹ hơn vợ, sẵn sàng dâng đoản đao cho mẹ hiền đoạn chi tình mẫu tử. Khi nhận ra mình là nhân vật thừa trong bộ ba, tôi cuốn gói lúc đã lặc lè bụng chửa.

    Quả báo là sao? Theo một bài viết về đề tài này của tác giả Nguyễn Nhân Trí, nhân quả không thể chứng nghiệm được trong thực tế; nó quá tổng quát đến độ trở thành vô giá trị. Chỉ là một giả thuyết mà thôi, còn nếu là luật thì phải có thể kiểm chứng và đáng tin cậy trong mọi trường hợp. Xưa có lần tôi bất cẩn lùi xe gắn máy, cán đánh bụp con mèo nhỏ xíu nhà hàng xóm. Vụ này xảy ra trong bí mật không ai biết nhưng tôi loay hoay mãi với tội ác rồi tìm cách lý giải cho rằng kẻ ngộ nạn kiếp trước ăn ở sao đó nên mới đầu thai làm mèo, kiếp này hiền lành sao đó nên sớm được hóa kiếp để lại đầu thai làm cái chi nữa không biết. Người vô tình sát sinh chỉ là phương tiện qua đó định mệnh được đưa đẩy và vận hành, chứ chẳng lẽ lại bị lãnh quả dần lân theo hiệu ứng domino?

    Trở lại ngồi lên ghế đẩu lúc nãy, tôi vừa ngó bà mẹ chồng đang lắc qua lắc lại kịch liệt cái đầu đã teo nhỏ bằng trái dừa đẹt còn tay chân thì giần giật bức bối như bị động kinh, vừa băn khoăn tự hỏi rồi sao. Mình mò ra đây để chi? Để chuộc tội đã gieo quả đắng dù không cố ý? Để thám thính tình hình thực tế nhằm chu cấp tượng trưng và không đều đặn cho người dưng kẻ lạ dẫu gì cũng là bà nội của con mình? Để chứng tỏ với Thăng mình quân tử Tàu thuộc loại di truyền? Để dằn mặt thằng quý tử vừa bất hiếu vừa ăn cướp cạn? Không biết. Chỉ thấy bị thôi thúc phải đi, phải nhìn thấy tận mắt cái hạt mình đã gieo, và hình như để nhai cắn rệu rạo cái quả chính mình đang hái, như một biệt nghiệp. Chứ chẳng lẽ cả mẹ chồng con dâu cùng cộng nghiệp reo vui mùa thu hoạch?


    Trần Thị NgH

    NgK, 08.2018


    Nguồn:https://damau.org


              
Trả lời

Quay về “của người”