Người con gái có móng tay sơn đỏ gắt

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5388
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Người con gái có móng tay sơn đỏ gắt

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Người con gái có móng tay sơn đỏ gắt





    Bùi Bảo Trúc thường được biết đến như một nhà báo, ít ai biết ông từng viết truyện ngắn. Thập niên 60 những ai từng mua sắm trong thương xá Tax hay Passage Eden đều biết áo lót mình phụ nữ hiệu Lou làm tại Pháp rất đắt. Ngay đến bây giờ xu-chiêng Lou bán không dưới một trăm Âu kim. Chiếc áo lót ngực là tâm điểm của câu chuyện một quân nhân đóng đồn hẻo lánh, cũng có thể là kinh nghiệm của nhiều sĩ quan miền Nam. Các pha công đồn cùng không yểm khá thành công. Truyện còn đậm đặc khí hậu, sinh động, chặt chẽ, vô cùng thực tế và lôi cuốn. Đánh máy lại từ bản in trên tạp chí Văn Học của Nguyễn Mộng Giác số 15 tháng 4-1987, vì Người Con Gái Có Móng Tay Sơn Đỏ Gắt chưa in lại trong tuyển tập nào. [Trần Vũ]


    Khỏi cổng trại giam chừng hơn hai trăm thước, trung sĩ Thà chạy chậm lại. Chiếc Honda chở hai người tấp vào phía lề đường. Trung sĩ Thà thò tay vặn chìa khóa tắt máy, gài số không, chiếc xe vẫn còn đà, chạy tiếp. Thà quẹo phải vào một con đường nhỏ. Ngay góc đường nhỏ và đường lớn tráng nhựa là một cái quán, tường mái đã xiêu vẹo. Quán bán giải khát, và hình như có vài món nhậu nữa thì phải. Buổi trưa cuối năm trời nóng mặt đường nhựa chảy ra, dính quánh vào bánh xe. Con đường đất xuôi thoải xuống, qua một xe sinh tố, Thà quẹo trái vào sân một căn nhà gỗ. Tôi xuống xe, Thà dựng chiếc Honda, khóa xe rồi quay lại nheo mắt :

    -Em dẫn ông thầy tới chỗ này quen, giới thiệu ông thầy với chị Chín luôn. Chỗ này tốt lắm, lần sau tới là chị Chín nhớ ông thầy liền.

    Tôi sửa lại quân phục, một cử chỉ tôi thấy bỗng thừa thãi. Cử chỉ đã quen từ sau những buổi học đầu tiên ở quân trường. Qua khoảng sân lát xi măng có cái giếng nhỏ, chúng tôi bước vào nhà. Trong nhà tối om, phải vài giây sau tôi mới quen với ánh sáng lờ mờ trong nhà. Một bộ bàn ghế bằng sợi ni lông, bốn chiếc lỏng chỏng. Chiếc bàn bằng thùng đạn, trên còn một chai xá xị. Đằng sau là một chiếc tủ chè đựng một bộ tách uống trà. Trên tường là mấy bức phụ trang nhật báo, dán lên vội vã, không đóng khung, lộng kiếng chi cả. Có một bức ảnh bán thân tô màu treo ngay cạnh một chiếc bàn thờ nhỏ. Hình một người đàn bà, tuổi chừng chưa tới ba mươi. Người trong bức ảnh tay cầm một cành hoa lay-ơn gác trên vai, miệng cười nhìn ngước lên trên trần nhà. Bức ảnh có lẽ cũng phải được chụp từ hàng chục năm trước, người ta mới chụp những bức hình kiểu kỳ cục như thế. Thà mở nắp túi lấy bao thuốc quân tiếp vụ, đưa về phía tôi :

    -Hút điếu chơi ông thầy.

    Tôi không hút, đẩy bao thuốc trở lại. Một mùi tanh, ẩm mốc bỗng tràn vào căn phòng. Tôi thấy cửa sau mở, có tiếng chân người đi vào. Chiếc mành trúc xao động, một người đàn bà thò đầu ngó chúng tôi. Thà kêu lớn :

    -Chị Chín. Tôi dẫn ông thiếu úy tới chơi. Ổng mới ra trường vừa tới đây. Bữa nay có em nào ngộ không chị Chín. Kiếm cho ông thầy tui một em mới mới nghe chị.

    Người đàn bà gật đầu chào. Tôi nhận ra đó là người trong bức hình treo trên tường. Có lẽ tôi đoán trúng, bức hình đã phải trên mười năm. Người đàn bà tên Chín trông đã ngoài bốn mươi, những nét khắc khổ trên khuôn mặt chỉ làm tăng thêm những nét giang hồ sẵn có. Người đàn bà mặc áo hoa có lấm chấm những nụ vàng xếp lại mấy chiếc ghế cho ngay ngắn, đoạn quay về phía chúng tôi :

    -Mấy thầy uống gì? Một người hay hai người?

    Thà nhanh nhẹn :

    -Chị có gì uống? Có 33 thôi hay có bia Mỹ nữa?

    Người đàn bà đáp :

    -Có mấy lon Mi-Lơ thằng chồng mụ Sáu vừa đem tới hồi hôm.

    -Rồi, cho hai lon Mi-Lơ. Có tui nữa chớ chị. Lâu quá rồi mà. Tội nghiệp thằng nhỏ.

    Thà cười ngặt nghẽo, thích thú vì câu pha trò của hắn. Chị Chín quay vào nhà trong nói khẽ :

    -Đồ quỷ. Xin lỗi ông thiếu úy nghe. Thằng cha ăn nói thấy ghê luôn.

    Tôi ngồi dựa lưng vào ghế, Thà châm thuốc, lơ đãng nhìn theo khói thuốc. Tôi đá chân vào chiếc bàn gỗ :

    -Này cậu, đừng có gọi tôi là thiếu úy nghe. Ông thiếu úy Út trong đồn mà biết là tôi phiền lắm đó. Cho tôi sống với chứ. Cậu cứ kêu tôi là thiếu úy thế nào cũng có ngày tôi được truy thăng cố thiếu úy đó nghe.

    Người đàn bà tên Chín trở lại. Hai lon bia lạnh được đặt lên bàn. Những giọt nước chảy ngoằn ngoèo trên thành. Chị Chín lại bước vào trong. Chị nói lại :

    -Chút xíu tụi nó tới.

    Chúng tôi ngồi uống bia được chừng một hai phút thì có tiếng động ngoài cửa. Có bóng người đi vào. Thà ngó lên, hắn đứng dậy, bước về phía người mới vào. Tôi không thấy rõ mặt vì người con gái đứng xoay lưng về phía tôi. Cô ta đội một cái nón lá, đội nguyên vào trong nhà. Thà giọng có vẻ mừng rỡ:

    -Ủa Nga, còn ở đây sao? Tưởng em về quê ăn tết rồi chớ.

    Người con gái nói lí nhí gì nghe không rõ. Thà quay lại phía tôi, quăng xâu chìa khóa lại phía trước chỗ tôi ngồi:

    -Ông thầy ngồi chờ chút xíu nhe. Em quen cô này. Cần gì cứ lấy xe em chạy nghe thiếu úy.

    Người con gái vẫn không quay về phía tôi. Cô ta đi thẳng vào nhà trong. Thà đi theo. Chiếc màn trúc lay động. Có tiếng cửa mở ra phía sau. Rồi có tiếng Thà hát vọng ra “…nàng nay là nữ cứu thươn nơi chiến… chườn… tôi ở ngoại ô, một căn nhà nhỏ có hoa thơm trái hiền… có cô bạn quen…” Rồi bỗng tiếng hát im bặt. Có tiếng cửa khép lại…

    Tôi ngồi uống gần hết lon bia Miller mới thấy có tiếng người bước vào bằng cửa trước. Tôi quay lại nhìn. Người mới vào là một phụ nữ khoảng chừng non ngoài hai mươi. Mái tóc ngắn như vừa mới uốn xong. Chiếc áo bà ba bằng vải hoa và chiếc quần lãnh ống may chật. Cô ta hỏi :

    -Chị Chín có đây không?

    Tôi đáp không. Cô ta nói chị Chín kêu và vừa định quay đi ra thì tôi đứng dậy :

    -Đợi chút, chị vô tới bây giờ.





    Cô ta ngồi xuống một chiếc ghế đan. Tôi lúc đó mới có thì giờ quan sát kỹ hơn. Cô ta trông không có vẻ gì là từng trải hay đã làm nghề này lâu. Cô ta có một hàm răng đẹp, những chân răng trắng và đều. Bàn tay có những ngón hơi thô, móng cắt ngắn, sơn màu đỏ gắt. Cô ta có bộ ngực thật đẹp, nhấp nhô theo mỗi nhịp thở. Chiếc mành trúc xao động. Chị Chín ở trong nhà bước ra. Cô gái ngước lên. Chị Chín nói :

    -Tới lâu chưa Thảo? Ông thiếu úy này đó…

    Rồi chị quay về phía nhà sau. Thảo, cô gái mới vào, đứng dậy. Cô đi vào phía trong nhà. Tôi đứng dậy bước theo. Phía trong nhà chia ra thành hai ba phòng nhỏ. Những tấm ván gỗ đóng tạm, chỉ quây vừa lấy một chiếc giường. Chiếc nệm xô lệch vẫn còn nguyên dấu vết của một thân thể vừa nằm trước đó. Một mùi ngai ngái của mốc thoảng bay lên. Giây sau, Thảo trở lại, bưng theo một chậu nước, vắt chiếc khăn lên chiếc đinh trên tường gần ngọn nến.

    -Anh mới tới đây hả?

    Tôi ngạc nhiên :

    -Sao biết?

    -Chị Chín nói. Tới đây lần nào chưa?

    -Chưa. Sao?

    -Hổng sao hết.

    Thảo bắt đầu cởi áo. Tôi tháo dây ba trạc vắt lên thành ghế. Ngày mai là Tết, tôi thuộc thành phần ứng chiến, không được đi phép vì mới được bổ sung. Có lệnh cắm trại năm mươi phần trăm. May nhờ có trung sĩ Thà, tôi mới nhảy dù ra, đi chơi được hôm nay. Đây là lần đầu tiên tôi tới đây kể từ khi đến trình diện. Buổi trưa ngồi buồn đọc sách thì trung sĩ Thà đi ngang rủ tôi xả xui. Hắn thích nghe tôi kể chuyện Sài Gòn, chuyện đời dạy học của tôi. Hắn chưa có vợ con, ở trong quân đội đã bốn năm. Rất khôn ngoan và cũng nhờ đó, tôi mới đi theo được hắn ra ngoài. Đời sống của hắn thật giản dị. Chờ tới kỳ lương, trả tiền ăn uống, thuốc lá, còn lại, hắn tiêu hết cho mấy ổ điếm ở chung quanh trại.

    Thảo vắt chiếc áo bà ba lên cạnh dây ba trạc của tôi bên thành ghế. Tôi kéo cô gái lại. Đã hơn hai tháng tôi không được ôm một người đàn bà trong tay. Lần từ giã Yến ra đơn vị, chúng tôi chỉ hôn nhau được một cái trước khi ông anh Yến bấm còi xe giục chúng tôi ra xe. Lưng cô gái mát lạnh, mềm mại chảy xuống lưng chiếc quần lãnh mượt bóng. Thảo ôm lấy cổ tôi. Mồ hôi tôi rịn ra trong lớp áo treillis, chiếc thẻ bài dính lấy ngực. Mùi dầu dừa ở tóc Thảo bốc ra. Ở một lúc khác hay một nơi khác, chắc mùi dầu đã làm tôi buồn nôn. Nhưng trong một buổi trưa nắng, bên trong một căn phòng tối, chiếc lưng trắng, tiếng hơi thở dồn dập, chiếc quần lãnh mướt, một người lính xa nhà gần hai tháng, xa những mùi vị, những cảm giác, những xúc giác thân thuộc của cơ thể một người đàn bà son phấn đắt tiền ở Sài Gòn, thì mùi dầu dừa trong tóc của một người phụ nữ cũng có những cái hấp dẫn của nó. Tôi cúi xuống nhìn. Đôi vai nhỏ mềm, hai sợi dây của chiếc soutien nằm vắt ngang qua vai. Tôi vòng tay ra đằng sau, cởi cái móc. Thảo đỡ lấy chiếc soutien, nhoài người treo lên thành ghế. Trong ánh sáng lờ mờ của ngọn nến thắp trên đầu giường, tôi đọc thấy rõ những chữ Lou, Made in France, Paris. Thật lạ lùng, tại sao ở một nơi như căn phòng này, trong một xóm nghèo xác xơ của Hậu Giang miền Nam, lại có một món đồ lót đắt tiền, kiểu cách như thế? Tôi nhìn lại khuôn mặt của Thảo. Không, khuôn mặt này không thể là khuôn mặt của một người bước vào một tiệm Nouveautés ở Passage Eden Sài Gòn để hỏi mua một chiếc soutien Lou. Mà nếu chuyện đó xảy ra thì phải bao nhiêu “dù” mới kiếm đủ tiền để mua một món xa xỉ như vậy? Thảo nằm xuống bên cạnh, tôi hỏi :

    -Em mua cái này ở đâu vậy?

    Tôi chỉ tay vào thành ghế. Thảo đáp :

    -Người bạn gái cho.

    Câu trả lời vẫn không làm tôi thỏa mãn. Người bạn gái nào của một cô gái làm nghề của Thảo lại có thể tặng bạn một món quà sang như thế? Món quà đó đắt gấp hai lần lương tháng chuẩn úy mới ra trường như tôi… Tôi cầm tay Thảo. Tôi bỗng ngạc nhiên khi thấy ngón tay trỏ bên tay phải của nàng nhám và chai cứng…

    Khi tôi bước ra nhà ngoài, thì trung sĩ Thà cũng đã ngồi ở ghế, trước mặt là hai lon bia Miller khác. Thà cười cười :

    -Ngồi chơi ông thầy. “Đặng” không? Có bằng em út ở Sài Gòn không?

    Tôi gật đầu :

    -Tốt lắm. Thế nào cũng trở lại đây đều đều.

    ***

    Khoảng quá nửa đêm, Việt cộng bắt đầu tấn công. Tôi đang ngủ thì một trái 62 ly rót vào giữa sân trại. Tôi quơ lấy chiếc mũ sắt đội lên đầu. Đèn đóm tắt hết. Cối 62 ly tiếp tục rót. Binh sĩ trong đồn nhốn nháo. Không ai chờ đợi một chuyện như thế. Mấy hôm trước Tết, tình báo không ghi nhận bất cứ một hoạt động đặc biệt nào của địch. Nửa số binh sĩ trong đồn được xả trại về ăn Tết ở nhà. Chỉ có những lính mới như tôi mới phải ở lại ứng chiến. Tôi khoát khẩu M-16 lên vai, đeo băng đạn lên vai trái, thò tay vào dưới gầm ghế bố lấy chiếc áo giáp ra. Tôi bỗng ngửi thoáng thấy mùi dầu dừa ở vai áo mình. Tôi mỉm cười nghĩ một mình : nếu tối nay có hy sinh vì tổ quốc thì cũng vẫn còn hên hơn nhiều người khác, vì buổi trưa vừa xả xui xong. Tôi nghe tiếng thiếu úy Út. Ông gọi tôi :

    -Ông chuẩn úy mới đâu rồi? Ông lên ổ đại liên phía cửa nghe ông.

    Tôi đáp nhanh:

    -Tuân lệnh thiếu úy.

    Bỗng tôi thấy có bàn tay đặt lên vai. Tôi nhận ra Thà. Hắn đưa tôi bốn quả lựu đạn :

    -Cầm chơi ông thầy. Chúng nó biển người tới chân thì hãy chơi lựu đạn.

    Chúng tôi chạy về phía cổng. Đạn rít trên đầu. Những trái tracer vẽ những đường lửa đỏ rực trong đêm đen. Tôi vấp phải một bao cát nằm giữa đường suýt ngã chúi xuống. Chạy khoảng ba bốn chục bước thì tới chân cầu thang dẫn lên vọng gác có bố trí khẩu đại liên. Khẩu M-60 có hai người, xạ thủ là hạ sĩ Bi và binh nhất Thiệt. Thiệt ngồi đỡ dây đạn, hạ sĩ Bi tay đặt trên cò súng. Trông họ không có vẻ gì khẩn trương cả. Tôi ngồi bệt xuống bên cạnh hai người, thở hào hển. Đoạn đường từ căn nhà tôn ra tới ổ đại liên chỉ chừng hơn hai chục thước mà tôi tưởng như dài lắm. Tôi nhớ tới bốn quả lựu đạn, khẩu M-16, bandolier với mười gắp đạn, chiếc mũ sắt và cái áo giáp, đó là chưa kể đôi giày saut. Bằng ấy thứ cũng thừa sức làm tôi mệt lử. Tôi tháo bandolier, gác khẩu M-16 lên vách, lấy một băng đạn, tống vào và lên đạn. Hạ sĩ Bi quay lại, hỏi qua một hơi thuốc :

    -Đụng lần đầu phải không chuẩn úy?

    -Ừ.

    -Tụi này thì đều đều. Lâu ngày không đụng về ngủ với vợ hết thấy ngon.

    Chúng tôi cười. Nỗi lo sợ bỗng tiêu tan. Vẫn chưa thấy có tiếng súng nhỏ, chỉ mới có pháo 62 ly và vài quả 82. Đất cát tung lên tứ phía. Ánh lửa lân tinh lóe lên soi sáng rực sân trại mỗi lần một trái đạn rơi xuống phát nổ. Mới là tiền pháo, bao giờ tới hậu xung đây? Tôi vừa nghĩ tới bài học ở quân trường thì ở phía Tây, phía trước cổng trại, bên kia đường, qua khỏi chỗ nghĩa địa, gần chỗ buổi trưa trung sĩ Thà và tôi tới bắt đầu có tiếng súng nhỏ. Trung liên nồi, đại liên mười hai ly bảy, AK bắn xối xả. Súng cối vẫn rót đều. Trong đồn có người bắn hỏa châu lên trời. Những tiếng vút vút, rồi đóm lửa trên cao lờ lững rơi xuống chầm chậm. Cả một khu trước trại sáng lên, lập lòe vàng ệch ma quái. Những bụi cây ở phía bên kia nghĩa địa chuyển động mỗi lần ánh châu tắt, và khi một quả châu mới sáng lên, thì những bụi cây lại nằm ở một vị trí mới. Tôi nâng khẩu M-16 lên vai. Hạ sĩ Bi nói :

    -Còn xa lắm chuẩn úy, bắn bây giờ tụi nó ngứa, gãi tội lắm…

    Bỗng một tiếng nổ kinh hồn phát ra ở phía trái. Một quả bích kích pháo rơi ngay cạnh đống bao cát bên ngoài ụ đại liên. Mấy tiếng chửi thề tục tĩu ở phía dưới. Rồi bỗng đạn súng nhỏ nổ ròn hơn, những bụi cây di chuyển hồi nãy cũng lóe sáng, đạn réo bên tai. Khẩu đại liên bên cạnh nổ chát chúa. Tôi bắn nguyên một băng vào phía trước. Trung sĩ Thà đập tay tôi :

    -Từ từ thôi thiếu úy. Hết đạn bây giờ… Thiếu úy thấy có gì không? Em Thảo hỏi thăm thiếu úy đó. Tôi thấy đạn từ phía đó bắn ra không à.

    Quả đúng như trung sĩ Thà nói, phía xóm lóe lên những tia chớp, đường đạn chạy vút từ phía những căn nhà hồi chiều tới phía chúng tôi. Tôi không nhớ đã thấy bất cứ một dấu vết gì khác thường ở khu nhà đó. Khu nhà chúng tôi tới cũng giống hệt như những khu gia binh, những xóm nghèo, những khu nhà lụp xụp gần những đồn bót nhỏ. Dăm ba cửa tiệm, một hai quán nhậu, hai ba ổ điếm. Không lẽ những người ở đó đêm nay lại nổ súng vào chúng tôi dữ dội như vậy. Khi địch bắt đầu xung phong thì cũng là lúc tôi nghe tiếng ì ì xa vắng vọng lại. Không phải trực thăng, mà cũng không phải khu trục. Rõ ràng là tiếng “gunship C-47 puff the magic dragon”. Khẩu đại liên bên cạnh, các thứ súng nhỏ, M-79, cối trong đồn bắn ra điên cuồng. Những xác người đổ xuống bên ngoài, bên trong trại. Chiếc C-47 đã hiện ra rõ. Hỏa châu được thả ra, rọi sáng hẳn một vùng. Khu nghĩa địa bị súng trong đồn bắn ra cày nát, xác người mới chết và xác người trong quan tài, dưới mộ bị bật lên nằm cạnh nhau. Chiếc gunship đảo một vòng như định lại thế để bắn. Thế rồi từ một bên cánh phía tay phải, một bức tường lửa đổ xuống. Những khẩu Gartling phun ra 6000 viên đạn một giây như vãi một dòng sông lửa xuống phía dưới. Chiếc C-47 vòng trở lại, nghiêng cánh trái xuống, và những họng minigun lại trút xuống một bức tường lửa của những viên tracer xuống nghĩa địa. Dưới đất, những thây người nảy tung lên như những con búp bê nhỏ xíu. Chiếc gunship vòng lại một lần thứ ba nữa, lầm lũi, thảnh thơi trút sự chết chóc xuống một lần nữa rồi mới đi, khác hẳn những phi vụ khu trục lúc nào cũng vội vã, nóng nảy, hay những trực thăng UH-1D xẹt xẹt ào xuống rồi lại bốc lên ngay.

    Súng nhỏ tiếp tục nổ thêm chừng một tiếng đồng hồ nữa, thưa thớt rồi bặt hẳn. Trời lúc đó cũng gần sáng. Ban quân y bận rộn lo băng bó cho những người bị thương. Tôi bị một mảnh đá vụn văng vào mí mắt bên phải. Vết thương không nặng lắm mặc dù có chảy nhiều máu. Trong đồn có hai nghĩa quân chết, khoảng hơn chục người bị thương, vũ khí được bảo tồn…

    ***

    Khoảng 6 giờ sáng, chúng tôi được lệnh lục soát khu nhà ở mé bên kia nghĩa địa. Chúng tôi đi theo hàng một men theo đường lớn. Phía bên trái là nghĩa địa. Những cành cây địch dùng để ngụy trang buổi tối hôm trước nằm vương vãi khắp nơi. Những chiếc lá đã bắt đầu héo trong ánh nắng buổi sáng mai. Một số những ngôi mộ xây bị bắn nát. Vài chiếc quan tài bị cày lên, tung nắp. Xác địch la liệt, nằm chết đủ kiểu. Những mớ tóc còn phất phơ bay trong những cơn gió sớm. Họ mặc đủ mọi loại quần áo. Một số mặc đồng phục chính quy, một số mặc bà ba đen, vài người chỉ mặc quần cụt. Máu đã đông lại, quyện lấy bùn đất. Những đôi mắt mở trợn trừng, những cánh tay giơ lên, những cái chân như còn muốn vùng lên để chạy. Cách lối quẹo vào xóm chừng gần một trăm thước thì bỗng ở phía trước mặt có súng bắn ra. Mới đầu là một quả B-40 bay xẹt qua đầu chúng tôi, rơi xuống phía sau chiếc xe jeep của đại úy trưởng đồn. Kế đó là AK quét dọc trên mặt lộ. Chúng tôi lăn xuống vệ đường tìm chỗ núp. Rồi hai ba quả B-40 khác bắn tới. Khẩu M-60 trên xe jeep bắt đầu nổ. Hai người lính được đại liên bắn che, đứng dậy bắn liên tiếp gần một chục quả M-79 vào chiếc quán nhỏ, nơi xuất phát của những quả B-40 trước đó. Chúng tôi nhoài lên, nổ súng về phía xóm nhà. Đạn ở trong xóm bắn ra, ở ngoài bắn vào. Tôi bỗng nghĩ tới Thảo. Cô ta ở đâu trong những giờ phút như tối hôm qua, và trong lúc này? Tôi nhớ tới Nga, đáng lẽ cô ta phải về quê ăn Tết. Tại sao lại kẹt ở đây giữa chốn binh lửa này? Nếu buổi trưa hôm qua tôi không theo trung sĩ Thà xuống xóm này thì liệu giờ đây, ngón tay trên cò súng của tôi có nhẹ nhàng hơn bây giờ không?

    Trận đánh kết thúc nhanh chóng. Chỉ khoảng 15 phút sau, súng đã dứt. Chúng tôi tiếp tục di chuyển từ từ về phía khu nhà. Chiếc xe jeep đi đầu, xạ thủ đại liên sẵn sàng nhả đạn. Những người lính đi đằng trước tôi đã tới được cái quán nhỏ. Cái quán bây giờ chẳng còn gì. Mái đã sập xuống. Tấm bảng thiếc kẻ tên quán chỉ còn được ghim lại trên chiếc cột bằng một cái đinh, đồ đạc trong quán đổ vung vãi ra đằng trước. Không có một chỗ nào trên mặt tiền không lỗ chỗ những vết đạn. Đằng sau, khói còn bốc lên, hình như do những quả M-79 hồi nãy bắn vào.

    Khi tôi tới nơi, thì những người lính đến trước đã vào bên trong quán lôi ra hai cái xác. Hai cái xác mặc quần áo đen. Một người lính cúi xuống, một tay cầm súng, một tay lục soát cái xác mặc quần cụt. Trong túi áo có một số giấy tờ rơi ra. Tôi tiến vào qua đám người trong xóm hiếu kỳ vây xem. Máu trong người của các xác mặc quần cụt vẫn tiếp tục chảy ra, ngoằn ngoèo loang ra phía bậc vào bằng xi măng. Hai người lính khác thì lục soát cái xác kia. Bỗng một trong hai người kêu lên :

    -Lính cái Việt cộng nè chuẩn úy.

    Một người kéo chân cái xác ra phía ngoài. Người chết mặc áo bà ba đen, quần đen. Trên người còn đeo hai quả đạn B-40. Chiếc mũ vải che một nửa khuôn mặt xám ngoét. Mái tóc ngắn. Một dòng máu đỏ tươi ứa ra từ màng tang bên trái. Máu tiếp tục chảy ra. Chắc người này mới chết trong trận đánh hồi sáng. Tôi chống báng súng, quỳ một chân xuống. Tôi thò tay gạt chiếc mũ vải sang một bên. Tôi sựng lại. Khuôn mặt không còn nguyên vẹn. Hơn một nửa từ mũi trở lên bị phá mất, chỉ còn một đống óc máu me bầy nhầy. Tôi nhìn đôi tay, một tay kẹp dưới lưng khi những người lính kéo cái xác ra. Tay kia nằm hờ hững trên mặt đất. Nổi bật trên những viên gạch bông là những ngón tay trắng, móng tô đỏ, màu đỏ gắt. Tôi thò tay cầm lấy ngón tay trỏ bàn tay phải. Làn da phía bụng của đốt thứ hai tấy lên, khô cứng. Đúng là bàn tay buổi trưa hôm trước tôi đã nắm. Ngón tay trỏ có chai chỉ có thể có được trên những bàn tay cầm súng. Người lính lục soát tiếp tử thi. Tôi thấy hình như xác còn ấm. Một khoảng bụng trắng hiện ra khi người lính thò tay lục chiếc túi áo bên kia. Một chiếc cúc áo bị đứt. Tôi định tâm tìm thử dấu vết cuối cùng. Qua lần gấp của một bên áo, là chiếc soutien màu da người. Chiếc soutien LOU viền đăng ten trắng nhạt. Bộ ngực người chết bất động. Không còn nhấp nhô theo nhịp thở như trong buổi trưa hôm trước. Tôi cảm thấy chóng mặt. Tôi đứng dậy, rẽ đám đông đang vây quanh hai xác chết. Trời sáng, trong và xanh cao. Tôi thấy hai tai lùng bùng. Tôi bước ra phía cột đèn, ngồi xuống, mệt mỏi vô cùng.

    Tôi thèm một điếu thuốc để dằn cơn buồn ói xuống. Như thế là đúng hai mươi tiếng đồng hồ. Kể từ trưa hôm trước tới tám giờ sáng hôm nay. Hai cái xác giờ đây chỉ cách nhau có chừng sáu thước mà tưởng như vạn dặm. Một cái xác là tôi, đờ đẫn ngồi dưới chân cột đèn, khẩu M-16 nằm ngang trên lòng. Đôi giày bê bết bụi đường. Và một cái xác nằm chết ở cửa quán. Trong bộ áo treillis tôi đang mặc vẫn còn dấu vết của những ngón tay có móng sơn màu đỏ gắt. Trên người của cái xác nằm kia có thể cũng còn dấu vết của bàn tay tôi. Nếu không có cái soutien LOU, chắc tôi chẳng thể nào nhận ra tông tích, nếu gọi đó là tông tích của người chết.

    Tôi cúi xuống cổ áo mình. Thoảng đâu đây còn mùi dầu dừa nhè nhẹ.

    (Hết)


    Bùi Bảo Trúc, 1987

    Trần Vũ đánh máy lại tháng 4-2018 từ nguyên bản trên Văn Học số 15 tháng 4-1987

    (*) Ảnh minh họa nữ tài tử Ayase Haruka & quảng cáo của nhà thời trang Lou


    Nguồn:http://damau.org


              
Trả lời

Quay về “của người”