Người cùng xóm Đình

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5410
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Người cùng xóm Đình

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           



    Người cùng xóm Đình



    gởi người cùng xóm đình Đa Cát


              


    Chị Hẹ cầm tay tôi, nài nỉ:

    – Em tới đó, gặp riêng anh Tấn…

    Chị nhìn quanh quất rồi ghé sát tai tôi, nói nhỏ:

    – …nói với anh Tấn là ra chỗ cũ, chị muốn gặp.

    Thấy tôi còn ngần ngừ chưa hiểu, chị dặn thêm:

    – Thì cứ nói ra chỗ cũ là anh biết liền. Nói chừng nớ thôi nghe. Mà nhớ đừng có cho ai biết là chị nhắn.

    Tôi nhìn chị, thắc mắc:

    – Nhưng mà anh Tấn là ai, em có biết đâu!

    Chị Hẹ ngẩn người một thoáng rồi nhìn tôi cười:

    – Ừ hỉ? Chị quên. Là anh Lượm đó. Em biết rõ quá mà!

    Tôi không giấu nổi vẻ ngạc nhiên:

    – Ủa, anh Lượm là anh Tấn đó hả? Tên chi mà lạ hoắc, ai biết.

    – Thì tên trong giấy tờ khai sanh đó. Mai mốt anh “ra ràng” rồi, bộ cứ gọi tên cũ hoài, dị chết. Như chị đây cũng rứa. Chị…Mà thôi, em đi đi. Trăng lên cao rồi, sợ khuya. Nhớ là đừng nói với ai nghe, giú kín cho chị.

    Rồi thấy tôi còn đứng tần ngần, chị hiểu ý, dỗ dành:

    – Mai ra quán, chị để dành cho hai tán đường.

    Tôi kèo nài:

    – Bữa trước hai tán, bây chừ phải thêm một nữa là ba. Mà đường đen hay đường vàng đây chị?

    Chị Hẹ “xì” một tiếng nhẹ, đẩy vai tôi, hối thúc:

    – Cái thằng ni! Thôi, đi đi cho mau. Ba bốn chi cũng được. Đường vàng đó, chịu chưa?

    Tôi cười, gật đầu rồi chạy vòng qua đầu con dốc.

    Trăng sáng vằng vặc, trải ánh vàng trên con đường xóm nhỏ. Cảnh vật thanh vắng, nghe rõ tiếng dế kêu trăng hai bên đường.

    Tôi nhắm hướng có ánh đèn manchon từ xóm dưới. Anh Lượm (í quên, anh Tấn) đang sinh hoạt thanh niên thanh nữ ở đó. Cả tuần nay, mấy anh mấy chị lo tập dượt văn nghệ ráo riết để chuẩn bị tổ chức buổi lễ đưa tiễn đám thanh niên trong xóm lên đường thi hành Quân dịch.

    Làng trên xóm dưới, đi đâu cũng nghe bàn tán chuyện tòng quân, nhất là mấy anh thanh niên vào độ tuổi. Vừa rồi chị Hẹ nói anh Lượm (í, lại quên nữa, anh Tấn) “ra ràng” là vậy đó. Tại vì Ba của chị chuyên nuôi bồ câu. Ông có tới bốn cái chuồng cao nghệu đặt ở bốn góc nhà. Chuồng nào cũng được sơn phết màu mè sặc sở. Bồ cầu bay lượn từng đàn tấp nập suốt ngày. Ông thích thú và tự hào có đàn bồ câu mà theo Ông thường nói là đông đảo không chỗ nào sánh bằng.

    Một số đông người trong Xóm cũng lấy làm thích thú lắm nhưng mà không đủ can đảm để tự hào bởi thường rình bắn bồ câu ăn thịt thì tự hào cái nỗi gì! Chị Hẹ bắt chước Cha, nói gì cũng nhớ tới mấy con bồ câu. Nhiều chữ chị nói nghe lạ tai nhưng mà cũng có lý.

    Chim đủ lông đủ cánh rời khỏi tổ tự kiếm ăn gọi là ra ràng. Anh Tấn bây giờ cũng đã đủ sức lớn khôn để rời bỏ cái xóm nhỏ mà đi thì cũng giống như con chim bồ câu ra ràng chớ khác gì!

    Anh vốn không phải là người trong Xóm. Trước sau anh cũng chỉ là người ăn nhờ ở đậu. Tôi nghe những người lớn kể lại, anh được chú Hai Mộc đem về nhà khi anh còn rất nhỏ, đâu khoảng một hai tháng tuổi gì đó. Chú giải thích với mọi người là lượm được anh bên cạnh đường khi chú trở về sau một chuyến làm ăn xa. Chú không đành tâm đi thẳng nên đem anh về nhà. Lời giải thích còn có nhiều nghi vấn, nhất là đối với thím Hai, người vợ đanh đá chua ngoa của chú. Trong một khoảng thời gian khá lâu, thím làm hành làm tỏi chú đủ điều. Chú chịu không nổi nên có ý định đem thằng bé gởi cho Bà Sơ nuôi nấng giùm.

    Một buổi sáng, chú bọc thằng nhỏ trong chiếc áo len, quày quả ra đi. Vừa đi vừa khóc. Lên tới ngọn đồi nơi có ngôi nhà thờ lớn thì thím Hai rượt theo níu lại. Hai vợ chồng giằng co thằng bé một đỗi lâu. Cuối cùng chú đành để cho thím đem nó về. Từ đó, chuyện xưa thím không hề nhắc tới.

    Anh Tấn ở với chú thím cho đến mười lăm tuổi thì chú, rồi sau đó tới thím, lần lượt qua đời. Anh trở thành đứa con chung của Xóm. Nay nhà này, mai nhà kia quanh năm suốt tháng. Miếng cơm đổi lấy từ những công việc nặng nhọc của một người ở mướn làm thuê. Như loài cỏ hoang trên đồi Trọc rừng Ngo, tự định đoạt lấy đời sống của mình..

    Tính tình anh vui vẻ hoạt bát. Hình dong coi cũng ưa nhìn. Chị Hẹ ngó bộ ưa nhìn anh nhất. Không chừng anh chị có tình ý với nhau cũng tựa như con chim bồ câu trống với con chim bồ câu mái “gù” nhau. Tôi bật cười với sự so sánh ngộ nghĩnh này, suýt nữa cụng đầu vô cái cổng đình.

    Anh Tấn đang bận sắm vai diễn trong một vở kịch, tôi phải đứng chờ. Vở diễn cảnh người con trai lên đường thi hành Quân dịch, người con gái bịn rịn tiễn bước chân đi. Vai nữ là chị Bưởi.

    Hai người đang diễn cảnh bịn rịn cầm tay nhau mà thề non hẹn biển. Có anh Trai đứng phía sau nhắc tuồng.

    Những câu hẹn thề mùi mẫn với lại cái cảnh cầm tay nhau thân mật, tôi thấy nó …động trời quá ! Chuyện trai gái của hai người sao lại đem bêu riếu cho mọi người cùng biết? Chị Bưởi lại lớn hơn anh Tấn 5, 6 tuổi, đã có chồng con. Chồng chị là anh Thuận thợ mộc. Lấy nhau do hẹn ước của hai gia đình từ khi anh chị còn nhỏ. Lời thề hẹn đá vàng không được thốt ra từ tình yêu trai gái mà từ tách trà chung rượu bằng hữu chi giao. Chị ngồi xuống nơi cha mẹ chỉ với tấm lòng hiếu thảo chớ thiệt tình trái tim chị chưa một lần biết rung động trước tình yêu. Thời con gái chưa một lần e lệ cúi đầu che giấu nỗi thẹn thùng từ một ánh nhìn của người khác phái. Rồi những đứa con ra đời như là chất keo gắn chặt thêm tình nghĩa theo năm tháng dần qua, kéo theo tuổi đời an phận.

    Chị tham gia đoàn văn nghệ do lời tha thiết yêu cầu của anh Trai. Điểm chính là không có cô gái nào trong xóm chịu đóng vai nữ trong vở kịch nòng cốt cho buổi lễ sắp được tổ chức nay mai. Vở diễn do anh Trai, trưởng đoàn thanh niên thanh nữ, tự soạn và tự đặt lời. Công khó của anh đã thức liền mấy đêm đỏ lừ con mắt để “nặn” cho ra chữ, sắp xếp lớp lang cho thiệt mùi mẫn với lời thề non hẹn biển hợp với cảnh tiễn đưa. Nhất định là phải có chiếc khăn tay vẫy vẫy, có lệ rơi, có cầm tay bịn rịn không rời…Vậy mà, không có ai chịu nhập vai hết. Mấy chị thanh nữ vừa mới nghe anh Trai diễn tả sơ qua đã đỏ mặt ngượng ngùng, lắc đầu le lưỡi. Miệng đâu mà nói những lời ngọt ngào tình tứ như vậy. Lại còn cái cảnh nắm tay bịn rịn thì thiệt là muốn chọc cho thiên hạ đàm tiếu, dị nghị. Đến như đã là vợ chồng rồi mà khi ra đường cứ việc chồng đi trước, vợ theo sau. Đi như kiểu nhà binh, hàng một. Đừng nói chi tới mấy bà trong Xóm, chụp được cơ hội này thì đố có tha. Đầu trên xóm dưới, tụm năm tụm bảy nói cho mà nhức óc.

    Cho nên mấy chị, mặc dầu trong bụng cũng ưng, nhưng mà đẩy không nổi bức tường thành kiên cố của thói cũ lề xưa…

    Anh Trai bực mình lắm nhưng anh quyết định không chịu thua.. Là người đã từng có một thời gian lưu lạc kiếm sống qua những vùng đất xa lạ, tầm nhìn của anh vượt quá lũy tre làng. Khi mệt mỏi trở về, anh đã đem về bao nhiêu điều mới lạ. Điều mới lạ trước tiên là mái tóc anh lúc nào cũng láng mướt, chải tém đít vịt gọn gàng. Cái lược nhựa lúc nào cũng giắt ở túi áo trước. Chỉ chừng đó thôi mà ai cũng nhìn anh lạ lẫm. Lời khen tiếng chê dồn đống, anh vẫn tỉnh bơ. Riết rồi thấy hay hay, đám thanh niên lần hồi bắt chước. Mấy cái đầu trọc, đấu húi hai phân lần hồi biến dạng thành đầu tóc đen dài, láng coóng, tém đít vịt y theo một kiểu. Chiều chiều, thấy “mấy con vịt” lạc đàn, đi lên đi xuống con đường chính của xóm nhỏ, mắt dáo dác nhìn quanh…

    Nói tóm lại, anh Trai là người của thị thành. Chị Bưởi là người phụ nữ, tuy là hương-đồng-cỏ-nội, nhưng có đầu óc cách tân. Thêm anh Tấn là người thường khi trở chứng ngang tàng bướng bỉnh, không chịu trói buộc bởi lề thói khắt khe ngàn đời không thay đổi. Ba người gặp nhau thiệt là tâm đắc. Có anh Trai nhắc tuồng, chị Bưởi và anh Tấn nhập vai mùi mẫn như thiệt. Thiệt đến nỗi mà tôi cứ đứng nhìn mê mẩn. Cho đến lúc anh Tấn làm điệu bộ bước lên xe (chiếc xe tưởng tượng). Chị Bưởi đưa chiếc khăn tay lên vẫy vẫy tôi mới giật mình hoảng hốt. Cứ tưởng anh sẽ đi, tôi vội vàng chạy đến nắm tay anh giật giật:

    – Khoan, khoan đi đã anh ơi!

    Anh Tấn khựng người, ngạc nhiên nhìn tôi trong khi chị Bưởi với anh Trai phá lên cười ngặt ngoẻo. Tôi ngượng ngùng đỏ mặt. Anh Tấn cũng cười, đẩy nhẹ tôi một cái:

    – Cái thằng này! Ở đâu mà xuất hiện kịp thời vậy?

    Rồi anh ghé sát tai tôi, thì thầm:

    – Sao? Có người nhắn nhe gì phải không?

    Tôi nhớ mấy tán đường. Tôi nhớ lời chị Hẹ dặn phải giữ kín cho chị. Kéo anh ra góc sân, tôi nói nhỏ:

    – Là chị Hẹ nhắn anh ra chỗ cũ, chị muốn gặp.

    Thấy anh ngần ngừ rồi lầm bầm: “Lại làm hành làm tỏi gì nữa đây trời!..”.Tôi níu tay anh, giục:

    – Anh phải ra đó nghe. Nếu như anh không ra là em mất ba tán đường!…

    Anh Tấn im lặng. Không nói gì.

    Đêm đó, anh và anh Trai đưa chị Bưởi về dưới đường trăng thanh vắng. Tôi lẽo đẽo theo sau. Khi chia tay hai người ở hai con dốc, anh quày quả một mình trở về nhà.

    Vậy là anh không đến nơi chị Hẹ nhắn. Tôi ngồi sụp xuống vạt cỏ ướt sương đêm, ngẩn ngơ tiếc nuối ba tán đường đã vuột khỏi tầm tay. Và tôi khóc, ngon lành…

    Sân đình đêm nay như ngày vô hội kỳ yên. Bà con làng trên xóm dưới lũ lượt kéo về tụ tập trước cái sân khấu lộ thiên. Tiếng trống rộn ràng làm nôn nao cả lòng người.

    Đêm văn nghệ tiễn đưa đám thanh niên hai xóm Đa Cát và Đa Trung lên đường thi hành Quân dịch vinh dự đón tiếp các vị chức sắc từ trên Thị xã xuống.

    Đoàn văn nghệ của xóm Đa Trung (là xóm trên) cùng với xóm Đa Cát (là xóm dưới) đang bận bịu tới tấp ở hậu trường. Tiếng là văn nghệ giúp vui nhưng bên trong vẫn có sự ngấm ngầm ganh đua quyết liệt. Xóm nào cũng muốn cho đội văn nghệ của mình vượt trội. Bởi vậy, dưới hàng khán giả, vô hình trung đã có sự phân chia hai nhóm rõ rệt. Tiếng la ó, vỗ tay ủng hộ “gà nhà” vang trời dậy đất. Khí thế sôi nổi làm cho mấy diễn viên trong hai dội văn nghệ lên tinh thần.

    Thấy anh Trai lúc nào cũng cười nói, đi lên đi xuống, chạy qua chạy lại dặn dò phân công từng tiết mục cho từng người. Anh rất tin tưởng vào vở kịch nòng cốt của chương trình. Nhất định sẽ làm cho mọi người rơi lệ. Sẽ làm cho mấy anh con trai tới độ tuổi tự hào vì được là người lên đường làm bổn phận người trai. Sẽ làm cho mấy cô có người yêu (hay không có người yêu, cũng vậy) cảm thấy mình được chia phần vinh dự có người yêu bỏ cày bỏ cuốc, đáp lời sông núi, mà xông pha giữa lằn tên mũi đạn sa trường.

    Dám không chừng mấy tay trốn Quân dịch cũng phải hết sức hối hận vì đã lỡ dại dột làm cái chuyện đáng ra không nên làm.

    Chú Vạy trưởng Xóm, người to lớn dềnh dàng, chống cây ba toong đi lên đi xuống cười nói hễ hả. Gặp anh Trai, chú cười hết cỡ, nói “Très bien… très bien”…Tốt… tốt…

    Sau màn vũ khúc “Giã Gạo Đêm Trăng”, tiếng trống bất ngờ nổi lên dồn dập. Anh Trai lẹ làng nhảy lên sân khấu, điệu bộ màu mè chụp lấy cái micro giới thiệu vở kịch then chốt của đêm văn nghệ. Vì đã có sự dặn dò xếp đặt trước nên tiếng vỗ tay nổi lên đồng loạt, tiếng la hét muốn khản cổ của đám khán giả gà nhà làm rung động cả một góc trời. Đèn sân khấu được mấy tay chạy màn cố tình che lại cho trở nên mờ mờ ảo ảo. Có tiếng hát cũng cố tình ghìm giọng như từ xa vọng lại nghe như người nghẹt mũi:

    Vài hàng gởi anh trìu mến. Vừa rồi Làng có truyền tin. Nói rằng nước non đang mong. Đi Quân dịch là thương nòi giống…”. (*)

    Tiếng hát nhỏ dần, nhỏ dần rồi lịm tắt. Đèn lóe sáng.

    Từ hậu trường có chàng thanh niên xách chiếc va li thiếc bước ra. Đám con nít tức thì la ré lên:” Anh Lượm. Anh Lượm đó, bây ơi!..” Tiếng cười bỗng rộ lên đồng loạt làm anh Tấn (là anh Lượm đó) khựng lại, hơi bối rối. Cố giữ dáng điệu, anh bước ra vài bước, nhìn ngó bầu trời rồi làm vẻ mặt buồn ngoái lại phía sau. Ý là biểu lộ sự bịn rịn không rời nơi làng quê xóm cũ khi phải lên đường tòng quân.

    Vừa lúc đó, cũng từ phía hậu trường bên phải, một người thiếu nữ bước ra. Đám con nít cùng ré lên: “Chị Bưởi. Chị Bưởi đó…” Không có tiếng cười, nhưng có tiếng anh Trai nhắc tuồng nghe rõ mồn một “Chạy lên. Chạy lên. Kêu tên. Kêu tên “. Tức thì chị Bưởi sửa dáng, lấy đà lúp xúp chạy về phía người thanh niên đang ở tư thế dợm bước. Chị kêu lên: “Anh Tấn! Anh Tấn!”. Úi trời. Tiếng kêu cố tình hụt hơi đứt đoạn nghe thiệt khá não nùng. Có tiếng xì xầm ở dưới hàng khán giả rồi một khoảng thinh lặng kéo dài đờ đẫn khi hai người trao đổi với nhau những lời thề nguyền lâm ly bi đát. Ngay cả đám con nít tụi tôi cũng nín thở, trố mắt nhìn một màn diễn quá bất ngờ táo bạo chưa từng thấy. Không khí bỗng trầm lặng hẳn. Chỉ còn nghe tiếng, khi thì nức nở bi thương, khi thì dịu dàng âu yếm của cặp trai gái trước giờ phút chia ly. Rõ ràng anh Tấn và chị Bưởi đã nhập vai thiệt là xuất thần.

    Anh Trai ngồi chùm hum giấu người ở góc hậu trường, ngạc nhiên đến độ ngẩn ngơ quên cả nhiệm vụ nhắc tuồng của mình. Đám thiếu nữ không còn giữ gìn e lệ, cứ nhăn mặt nhíu mày lòng dạ trải dài xót xa quặn thắt theo từng cảnh diễn, từng lời nói của đôi nam nữ. Đám thanh niên thì hả lòng hả dạ. Trời ơi là trời! Những lời nói yêu thương nhắn nhủ như rót mật vô lòng. Giá như bom đạn có cày bừa nát ngướu tấm thân cũng thấy không có gì là tiếc nuối.

    Sân đình trở nên thinh lặng. Bao cặp mắt đổ dồn, theo dõi từng diễn tiến. Tôi đứng gần sân khấu, thấy chị Bưởi nước mắt đầm đìa. Chị khóc thiệt tình làm cho vai diễn càng thêm sống động. Tự nhiên, tôi cũng cảm thấy nghèn nghẹn. Nếu như hai người thương nhau mà phải xa nhau, họ sẽ nói những lời buồn nẫu cả người như vậy hay sao? Nếu vậy thì xa nhau làm gì! Thương nhau làm gì! Mà chị Bưởi có thương anh Tấn thiệt không đó. Sao thấy chị khóc ngon khóc lành vậy chớ! Không có ai trả lời giùm tôi. Mọi người đang say mê theo dõi. Trên sân khấu, anh Tấn quay người định bước lên xe (chiếc xe tượng trưng là chiếc ghế dài che phủ lá cây). Chị Bưởi vội chạy theo nắm lấy tay anh Tấn. Đoạn này mùi mẫn nhất. Hai người nắm lấy tay nhau. Anh nhìn chị. Chị nhìn anh. Đắm đuối…Đắm đuối…

    Bỗng nhiên, mọi người nghe một tiếng thét xé trời. Từ dưới sân đình, một bóng người nhảy chồm lên sân khấu, tay cầm khúc mía chạy ào tới chỗ anh Tấn và chị Bưởi. Tôi giật bắn người, kịp nhận ra là chị Hẹ. Vừa khi khúc mía nhắm ngay đầu anh Tấn vụt tới. Rất may là anh Tấn, khi nghe tiếng hét, giật mình làm chiếc ghế lật nghiêng hất anh ngã xuống. Cú đánh như trời giáng trượt qua đầu khi anh vừa ngã ngửa về phía sau. Chị Hẹ cũng mất đà ngã nhào theo. Hậu trường nhốn nháo, tiếng la hét ồn ào. Rồi thấy anh Tấn vụt chạy bương qua hàng rào nhà ông Thưởng, đuổi bén gót theo sau là chị Hẹ.

    Khúc mía đưa cao nhấp nhô theo đà nhún nhảy rồi mất mất hút vào khoảng tối mịt mù phía trước…

    Sự việc xảy ra bất ngờ làm bà con bán tín bán nghi. Không lẽ vở diễn kết thúc như vậy sao? Thấy chú Vạy chống cây ba toong chạy lên tìm anh Trai. Chú giận tím mặt, la lối om sòm: “Cái thằng trời đánh! Kết cục như rứa là ý nghĩa gì đây! Trời ơi mi giết tau rồi, Trai ơi!”. Anh Trai, cũng đang giận sôi lên, nói xẵng: “Trai gái với lại cục hòn chi đây chú.! Cái con giặc cái đó tự nhiên ở đâu nhảy lên làm bể dĩa hết trơn”. Rồi anh day sang phía anh Đực đang trố mắt nhìn, nạt lớn: “Nhìn cái gì nữa. Kéo màn. Kéo màn”.

    Chỉ có mình tôi là hiểu thấu sự tình. Ăn đường của chị Hẹ nhiều lần quá mà, làm sao tôi không hiểu thấu cho được!

    Rốt cục rồi mọi người cũng vỡ lẽ. Thì ra, nói theo kiểu chị Hẹ, là anh Tấn với chị “gù” nhau .

    Chuyện xảy ra từ cái đêm văn nghệ đó là đề tài bàn tán xôn xao làng trên xóm dưới. Búa rìu dư luận theo nề nếp cổ xưa, đuổi xô chị Hẹ về phía cô đơn.

    Anh Tấn đã “ra ràng” rồi! Chỉ còn chị vẫn còn náu lại trong cái xóm nhỏ tựa cái chuồng bồ câu dần bạc màu sắc theo thời gian. Tội nghiệp. Mỗi lần ra đường, mọi người đều nhìn chị với ánh mắt khác lạ. Nhất là mấy bà ngồi lê đôi mách, họ thêu dệt về chị theo đà câu chuyện để mua vui trong giờ rảnh rỗi. Đám trai làng e dè ra mặt. Chỉ còn có tôi. Nói cho đúng nghĩa hơn là những-tán-đường-của-chị còn có tôi. Rồi cũng phải nói thêm cho thật lòng, dù ăn miếng đường ngọt ngào thanh cảnh của chị nhưng sao tôi vẫn cảm thấy không gần gụi chị được như ngày nào. Cú đánh trời giáng của chị đã gây ấn tượng mạnh trong tôi. Nó chì chiết trầy trụa tình cảm của tôi về chị đến nỗi tôi đã mất dần cảm giác thèm vị ngọt ngào như tôi vẫn thèm.

    Và rồi, tôi dần xa chị hồi nào không hay. Mỗi lần có việc qua quán nhà chị, tôi cố tình rảo bước. Đôi lần bắt gặp ánh nhìn của chị, tôi cúi đầu lảng tránh.

    Thời gian cứ lần lựa trôi qua. Hết hạn ba năm, chẳng thấy anh Tấn trở về như những chàng trai cùng xóm. Rồi đáo hạn kỳ lần nữa, thêm lần nữa, anh Tấn cũng biền biệt phương trời. Chị Hẹ vẫn ngồi nơi quán nhỏ mà lòng trải rộng cả phương trời. Chị gầy ốm, teo tóp rồi lạc tuổi thanh xuân. Nghe đâu trong thời gian qua cũng đã có nhiều đám gần xa mai mối, nhưng chị vẫn không chịu “gù”. Chị như con chim vẫn ngày ngày giam mình trong cái chuồng chim bạc màu son để nhìn ngắm khoảng trời xanh vô tận, tìm kiếm một bóng chim quen.

    Con chim lẻ bạn chắc là buồn. Chị Hẹ lẻ loi tình anh Tấn, chắc chị buồn thấm tận tim gan…

    Chị Hẹ ơi! Giờ đây em không còn trách chị như ngày xưa còn bé.

    Sự đời vốn nhiều đa đoan. Sự tình cũng có nhiều cớ sự. Khi người ta yêu nhau thì chỉ thấy có mỗi người mình yêu. Và dễ thương (hay dễ ghét) hơn nữa, chỉ muốn người mình thương là của riêng mình.

    Em cũng hiểu khúc mía chị dành riêng cho anh Tấn nó đầy đặn ngọt ngào tình yêu thương chớ đâu có phải hận thù. Giá như khúc mía được chia đôi cắn nửa thì tình tự biết bao nhiêu. Nhưng ác thay khúc mía lại làm nên cú đánh như trời giáng để cho anh Tấn hồn bất phụ thể mà lú lẫn cả đường về! Khi yêu nhau người ta vẫn làm những điều khôn, điều dại cũng chỉ vì người mình thương.

    Em cũng hiểu thấu nỗi buồn da diết qua tháng năm chị chờ đợi anh Tấn trở về…

    Lý lẽ này tôi tìm kiếm được là lúc tôi lớn khôn. Biết soi gương làm dáng. Biết trái tim có hai dòng đập. Một cho nhịp sống đời thường. Và một cho nhịp slow, tango, bebop hay cha cha cha tùy thuộc hoàn toàn theo đối tượng mình thương.

    Chiếc Honda vượt khỏi con đường đất đỏ hai bên là rừng cao su bạt ngàn, dừng lại ở đường quốc lộ. Anh Hường, phụ huynh của học trò tôi, vừa dựng xe vừa nói:

    – Thôi, Thầy về ăn Tết vui vẻ nghe. Thầy quyết định về quê ăn Tết tụi tui cũng thấy mừng. Ở đây buồn lắm Thầy ơi!

    Buồn hay vui, không phải là nguyên do để tôi đột ngột quyết định phải về nhà ăn Tết. Chỉ vì nhớ. Tình cờ, sáng nay, khi vừa thức dậy nghe tiếng hát từ chiếc radio ở nhà bên cạnh:

    “…Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai. Sẽ mang về cho quần áo mới. Ba ngày Xuân đi khoe xóm làng…”. (**)

    Lời hát làm cho tôi nhớ đến xót xa những ngày Tết quê nhà. Tôi nhớ những đêm cùng các em thức canh nồi bánh Tết, lòng nôn nao nghe tiếng pháo vọng xa trong màn đêm tĩnh mịch. Những ngày Tết rộn ràng xôn xao câu chúc tụng trên con đường xóm nhỏ dập dìu người qua kẻ lại. Tôi nhớ không khí ấm nồng của những ngày Xuân chan hòa tình làng nghĩa xóm.

    Và tôi quyết định phải về, dù hôm nay đã là ngày 30 Tết.

    Tốt nghiệp ra trường rồi thuyên chuyển về vùng đất mưa bùn nắng bụi, heo hút bạt ngàn rừng núi này. Đây cũng là cái Tết đầu tiên xa nhà. Tôi muốn trải nếm cảm giác của lòng người xa xứ. Vậy mà, cuối cùng, vẫn không chịu được. Mới hay là nơi chôn-nhao-cắt-rún mãi mãi là nơi chốn phải quay về.

    Có chuyến xe hàng ở đầu con dốc. Anh Hường mau mắn đưa tay vẫy chặn. Trong xe thưa thớt chỉ vài người khách, có lẽ cũng về quê ăn Tết muộn như tôi. Bác tài vừa sang số xe, vừa nói :

    – Xe về tới Dục Mỹ thôi, thầy Hai. Tới đó, Thầy liệu đường mà bươn tiếp…

    Tôi không nói gì. Định bụng là đến Dục Mỹ sẽ đón xe về tới ngã ba Thành. Từ đó, đón tiếp xe lên Đàlạt. Chậm lắm là khoảng 11 giờ đêm sẽ có mặt tại thành phố sương mù. Hy vọng còn kịp giờ đón Giao thừa.

    Bắt đầu qua dèo M’Drăk, xe ngừng lại đón thêm một người khách. Anh ta vứt cái bao đồ khá lớn ở cuối xe rồi nhìn quanh tìm chỗ ngồi. Trong xe cũng còn quá nhiều chỗ trống. Anh đứng tần ngần một thoáng rồi đến ngồi bên cạnh tôi:

    – Chào anh. Ngồi đây cho có bạn chuyện trò đường xa.

    Tôi cười gật đầu chào xả giao

    – Vâng, chào anh. Anh cũng về Dục Mỹ à?

    – Không, tôi chỉ đến Khánh Dương.

    Rồi anh che tay, ngáp, ngon lành. Tôi lén nhìn anh, quan sát. Bộ râu quai nón rậm rì lốm đốm nhiều sợi bạc. Mái tóc lâu ngày không cắt tỉa phủ xuống quá gáy. Da mặt sạm đen vì nắng gió. Nhìn vẻ dáng thật phong trần. Tôi cứ ngờ ngợ như là đã gặp anh đâu đó một đôi lần. Tôi đem ý nghĩ này nói với anh. Anh cười, hàng răng trắng đều giữa hàm râu rậm:

    – Vậy hả? Cũng có thể là đã gặp đâu đó. Tôi vẫn qua lại vùng này thường lắm.

    Qua lại thường ở vùng này thì chắc thế nào anh cũng đến Phước An, nơi tôi làm việc. Có thể là gặp anh một đôi lần nơi đó. Tôi hỏi:

    – Nhưng có khi nào anh đến Phước An?

    – Có chứ, một đôi lần. Nhưng hơn năm nay, tôi không ghé. Chẳng có gì phải ghé.

    Tôi ngạc nhiên:

    – Có gì là có gì, anh?

    Anh lại cười:

    – Thì đại khái là kim loại, đồng, thau, vàng, bạc, các loại đồ cổ. Mua bán có, trao đổi có. Nhưng tôi thường đến các buôn bản Thượng. Họ có những món đồ cổ, quý hiếm. Thuận thì trao vừa thì đổi, chẳng ai ép ai. Người Thượng họ thật thà chất phác, gần gụi họ mình cảm thấy cuộc đời phẳng lặng hơn. Anh thấy tôi đầu tóc râu ria giống họ không? Cố tình đó.

    Rồi anh huyên thuyên kể chuyện vui về việc mua bán trao đổi với người Thượng từ các buôn bản xa xôi hẻo lánh. Anh có lối kể chuyện thu hút người nghe và đặc biệt là không ngừng nghỉ. Một mẫu người vui tính và dễ thân thiện, tôi thầm nhận xét. Kể lể một thôi một hồi, bỗng anh khựng người nhìn tôi, cười:

    – Thiệt là vô tâm. Nãy giờ ham chuyện quên hỏi chú em. Í, mà gọi chú em được chớ? Ngó bộ dạng trẻ quá mà. Sao? Về quê ăn Tết hay là đang đi kiếm ăn đây?

    – Kiếm chác gì đâu anh! Tôi làm việc ở vùng này. Về quê ăn Tết đó.

    Anh cười, phụ họa:

    – Thiệt là bươn chải đường xa, tới ba ngày Tết cũng kiếm đường về. Mà về đâu đây, chú em?

    Tôi đáp gọn:

    – Đàlạt

    Anh “Hả” lên một tiếng, gương mặt có vẻ ngạc nhiên. Tôi vẫn vô tình:

    – Anh lưu lạc nhiều nơi, chắc cũng có dịp về qua Đàlạt.

    Gương mặt anh trở nên tư lự. Anh khẽ thở dài:

    – Ghé qua sao được. Có thời gian anh ở đó rồi. Mà không lâu.

    Tôi cười vui vẻ:

    – Vậy là gặp người cùng quê rồi. Anh ở vùng nào vậy?

    Anh im lặng, nhìn ra cửa xe, như đang suy nghĩ điều gì. Rồi anh thở dài:

    – Ở không lâu mà đi xa cũng nhớ mới kỳ. Hồi đó anh ở vùng Trại Mát.

    – Tôi thì ở số 4, là xóm Đa Cát đó. Trại Mát nơi anh ở họ trồng rau nhiều lắm. Đặc biệt, anh biết có gì không? Đá gà. Nhứt là mùa Tết, cá độ gà đá dữ dằn lắm. Để coi, ở Xóm tôi cũng có nhiều tay mê đá gà nặng. Sống bằng nghề đó luôn. Có Ôn Tôn Lạc, có chú Cử, chú Phú xe Lam nè. Lớp sau này có anh Trai, anh Đát con rể của ôn Cai Hoành…

    Tôi đang ngập ngừng cố nhớ thêm vài tay mê đá gà nữa thì nghe anh nói, giọng có vẻ hốt hoảng:

    – Ái chà, thôi chú em ngồi nghe. Anh xuống coi cái bao đồ không chừng mấy tay lơ xe moi móc…

    Rồi không chờ tôi trả lời, anh hối hả đứng lên đi thẳng. Tôi mất hứng ngồi yên.

    Khá lâu không thấy anh trở lại. Tôi ngoái nhìn, thấy anh ngồi khuất ở băng ghế cuối, đang loay hoay làm gì đó.

    Xe chạy một đoạn dài, tôi vẫn có ý chờ anh trở lại để tiếp câu chuyện đang còn hứng thú. Vừa lúc đó nghe tiếng bác tài xế rổn rảng:

    – Khánh Dương. Ai Khánh Dương chuẩn bị xuống nghe.

    Xe bắt đầu hãm thắng, chậm dần. Tôi quay lại, cũng vừa lúc anh vội vàng đi lên. Bàn tay anh bóp mạnh lấy vai tôi, đau nhói. Tôi nghe anh nói, giọng có vẻ xúc động:

    – Nhớ tìm anh nghe.

    Rồi anh lẹ làng nhét một mảnh giấy nhỏ vào túi áo trên của tôi, quay người đi vội xuống cửa sau, chụp bao đồ nhảy xuống khi xe chưa ngừng hẳn. Tôi nhoài người ra cửa hông, thấy anh đứng bên lề đường đưa tay vẫy vẫy.

    Xe qua khỏi Khánh Dương một đoạn, tôi chợt nhớ tờ giấy anh nhét vào túi áo. Đó là tờ giấy bao vỏ thuốc Capstan, trên có ghi địa chỉ nhà anh và ở dưới có dòng chữ viết vội:

    • “Chú Trọng

      Về quê ăn Tết vui vẻ nghe. Biết chú không có thì giờ thôi thì để ra Giêng tìm tới anh. Có nhiều chuyện muốn hỏi chú.

      Anh, Tấn
      Người cùng Xóm Đình”




    Trần Huy Sao
    (Tuyển tập Thơ Văn Viết Dưới Hiên Trăng, xuất bản 2018)

    (*) Bức Tâm Thư. Nhạc Lam Phương
    (**) Xuân Này Con Không Về, nhạc Trịnh Lâm Ngân


    Nguồn:https://sangtao.org
          
Trả lời

Quay về “của người”