Phố Mọi ...

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Phố Mọi ...

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • PHỐ MỌI…
    ______________________________________________________





    Không biết tên đó ai đặt và có từ lúc nào. Nhưng tôi đã có mặt ở đây hơn nửa năm rồi. Một dãy nhà được ngăn ra làm mười phòng. Mỗi phòng 16m2, toilet đầy đủ. Có ghi số thứ tự nơi cửa. Tôi mướn phòng thứ 1.



    Phòng thứ 2
    của ông lão mua đồ cổ đến từ Bình Định. Gọi bằng lão vì ông cũng quá lục tuần. Có lúc, tôi cảm giác ông như con sâu giấu mình vào cây lá. Như một dòng suối giấu mình vào biển khơi. Như một thiền sư giấu mình vào hệ luỵ trần gian. Ông cũng am hiểu khá nhiều về Kinh Dịch. Những lúc rỗi rãnh, ông thường tâm sự với tôi. Ông vốn là nhà sư, nhưng trung niên rồi mới xuất gia. Có lúc tôi trêu ông “ Ba cô gái đẹp lên chùa. Một cô yếm thắm bỏ bùa nhà sư- Sư về sư ốm tương tư- Ốm lăn ốm lóc nên sư trọc đầu”. Đi tu không bao lâu thì hoàn tục về cũng lấy một ni cô hoàn tục. Hai người ăn ở với nhau có được một cô con gái. Hai mươi năm sau, vợ ông lên chùa tu lại. Ông lang bạt sông hồ. Cuối đời làm nghề chấm Tử vi và mua đồ cổ.
    Buổi chiều, ông cởi chiếc xe đạp cà tàng của ông về. Trên xe treo bọc trà khô. Gặp tôi ông hú hí :
    • -Qua chơi nhà thơ (thấy nét thư sinh của tôi nên ông gọi thế)
      Gặp một thân chủ cũ, họ mời vào nhà chơi và tặng cho mấy gam trà ngon.
    Tôi để trần sang phòng ông :
    • -Hôm nay có mua được món nào không bố ?
    Ông khệ nệ tháo cái bọc sau ba ga :
    • -Được hai cái sừng nai, mỗi cái gần 80cm, cũng tàm tạm..
      -Vậy là bố già vô mánh rồi !
    Ông lui cui đun ấm nước điện, cần mẫn pha trà. Tráng trà kỹ lưỡng. Rót trà ra ly, đẩy sang tôi.
    • -Chà..trà thơm quá. Tôi nói.
      -Không định lấy, nhưng con bé năn nỉ quá..
      -Cầm lòng không đậu hả bố ? Tôi cướp lời.
      -Chú mầy thiệt…à nầy, báo cho chú mầy một việc nhé. Tao quan sát thiên nhiên thấy có điều kỳ lạ, nên đêm qua tao lấy quẻ thử, phát hiện ra trong vòng một tháng nữa sẽ mất một lãnh đạo lớn. Không quân (ý ông nói không có lính, tức người về hưu). Không biết đích danh là ai, nhưng chắc chắn người nầy quê ở miền trung
      -Chắc chưa bố ?
      -Chắc chắn. Tao dùng Tứ trụ dự đoán học rồi Mai hoa dịch số, đều thấy y chang nhau.
    Và điều nầy là thật. Khoảng chừng hai tuần sau, ngài thủ tướng mất, quê ông ở Quảng Ngãi.
    Ông thường trao đổi với tôi nhiều về những tin ông dự đoán. Chuyện kể trên là một trường hợp. Ngoài ra chuyện ở Afghanistan, Irag và gần đây là xung đột giữa Israel với Li Băng, Palestine. Ông dự đoán chính xác 80, 90%. Nhưng không biết bố già có đoán được chừng nào bố mất không? Khi tôi viết những dòng nầy là bố già đã về quê ở Bình Định để dự lễ vu qui của con gái.



    Phòng thứ 3
    là hai cô bé đến thuê phòng cho ba tháng hè. Chuẩn bị lên lớp 12. Học thêm ở đâu đó, nhưng sáng nào cũng đi. Hai người đi chiếc xe gắn máy Trung quốc. Trưa về nấu cơm ăn, ngủ. Chiều khoảng 17, 18 giờ, hai cậu thanh niên chạy chiếc Attila đến, đóng cửa rù rì rồi cười thét lên, liên tục, liên tục.. Khoảng 20 giờ chở nhau đi ăn và về giỡn tiếp. Hai mươi hai giờ, hai cậu thanh niên về. Hai cô gái lấy điện thoại di động ra chơi games. Chúa nhật thì cha mẹ từ dưới quê lên. Gồng gánh nào gạo, trái cây, thức ăn. Tổ chức đi chợ nấu cơm. Thứ hai lại thui thủi về quê. Bỏ con lại với kỳ vọng con mình sẽ vào lớp 12 hiên ngang năm nầy. Nhưng hỡi ơi, các con của các bà vẫn mạnh khoẻ, tươi tắn. Đang tận dụng hết thời gian tự do hợp pháp để tìm cách đốt tiền của cha mẹ. Tuổi của yêu đương, mộng mơ và tìm hiểu. Không có người lớn bên mình. Ai biết điều gì sẽ xảy ra với những người kém bản lĩnh mà nhiều đam mê.



    Phòng 4,
    hai vợ chồng thanh niên. Chồng dân Quảng Ngãi, vợ quê An Giang. Không biết làm sao họ lại gặp nhau được. Kết hôn có giấy đăng ký đàng hoàng. Chồng bỏ mối loại kính mắt Hàn Quốc (dỏm) đủ loại từ thượng vàng hạ cám. Hai ba ngày đi giao hàng một lần. Vợ ở nhà trang điểm kỹ lưỡng. Đóng cửa chờ chồng, không đi đâu ngoài đi chợ. Vợ chồng mới cưới nên săn sóc nhau chu đáo. Không hề nghe cự cãi bao giờ. Chồng đẹp mà vợ cũng rất xinh. Trông họ rất mặn nồng ân ái. Tôi thường bắt gặp nàng ngồi ngay cửa sổ với cái gương xinh xinh. Chăm sóc gương mặt mình còn hơn chuyên viên thẩm mỹ viện. Tôi thầm nghĩ anh chồng nên bỏ nghề bán mắt kính qua bán mỹ phẩm có lẽ hay hơn.



    Phòng số 5.
    Hai vợ chồng giáo viên, chồng dạy cấp 1, vợ là thợ may. Vợ chồng nầy là thành viên lâu năm nhất trong số những người thuê phòng ở đây. Vợ đi may ở nhà may tư nhân. Do nàng dâu và gia đình chồng không hợp nhau, nên chồng nghe lời vợ đi mướn nhà ở riêng chứ tài chánh họ không đến đỗi. Lấy nhau sáu , bảy năm gì đó nhưng chưa có con. Anh chồng thinh thoảng lại về trể và say bí tỉ. Mỗi lần như vậy thì có nghe rổn rảng một chút rồi người vợ sụt sịt khóc. Có tiếng khóc thì chiến trường êm ả lại. Sáng ra, chục lần như một thì y như là lưng của thầy giáo chừng cả trăm dấu tròn đỏ. Kết quả của một trận giác hơi.
    Người vợ cũng hiền lành, có lần cô qua phòng cho tôi con rùa vải dùng để chùi chân do chính tay cô may. Tôi cũng một lần mang ơn cô ta, chẳng là có lần vào khoảng 22 giờ đêm, tôi bỗng dưng đau bụng lạ thường, đi cầu liên tục. Tôi qua quán mua thuốc uống, gặp tôi cô hỏi và lát sau mang qua cho tôi ly rượu thuốc đặc quánh của thầy giáo, bảo là thuốc gia truyền chuyên trị về tả lỵ. Mà quả thật, uống xong khoảng 10 phút là tôi nghe êm êm và không còn đi cầu nữa.



    Phòng số 6.
    Vô hình trung là cái quán nhỏ chuyên cung cấp đồ dùng và một ít thực phẩm cho những phòng trọ chúng tôi. Chủ quán là người ngoài năm mươi, chắc quê ông ở gần căn cứ Long Bình (nơi mà ngày trước quân đội Mỹ dùng làm kho chứa thuốc nổ, đạn dược) nên ông nói chuyện nổ quá trời. Cái gì cũng số 1 la mã. Chưa bao giờ chịu thua ai trong việc tranh cãi chuyện gì đó. Tôi ở Hà Nội 3 năm, nhưng chưa biết cầu Long Biên, cầu Thăng Long, cầu Chương Dương dài bao nhiêu, chùa một cột cao bao nhiêu. Nhưng ông biết chính xác số đo trong khi chưa hề một lần đặt chân lên xứ bắc. Thi thoảng ông cũng phát biểu linh tinh về xã hội. Với tôi, ông là người khó cải tạo tư tưởng sống cho phù hợp với tình trạng xã hội bây giờ. Bởi ông là quân nhân quân lực VNCH trước 75.



    Phòng số 7.
    Thuê phòng là cô bé mười chín tuổi, quê ở một huyện xa trong tỉnh. Tháng đầu cô đến với chiếc honda dame của Nhật sản xuất trước 75. Nét mặt đẹp thơ ngây như bức tượng. Cô nói làm tiếp viên cho một nhà hàng. Quả thật vậy, có lần được bạn bè mời tôi chầu nhậu tươi mát tại nhà hàng karaoke Ngọc Lan. Tôi đã gặp cô ngồi chung bàn. Cô ngồi với bạn tôi. Cô bé thẹn thùng nhưng tôi vờ như không quen biết. Sau vài chai bia, cô mất sự bẽn lẽn ban đầu và cô chủ động tấn công tôi. Cô xin đổi đào với tôi, nhưng cô gái ngồi với tôi không chịu. Khổ nỗi điều nầy làm tôi phải tránh mặt cô nhiều ngày sau đó. Rồi một chiều, chiếc honda dame đâu không biết. Cô rạng rỡ với bộ đồ dạ hội. Chễm chệ trên chiếc Nouvo màu trắng tinh. Cô chạy suýt nữa đụng phải cánh cửa phòng cô. Cũng từ ngày đó, cô đau cái cổ rất nặng. Tôi nghĩ thế, vì thấy mỗi lần ngồi trên xe chạy, cổ cô đều ngước lên trời. Mới vừa rồi, nửa đêm công an xét phòng. Trong phòng của cô có người đàn ông lớn tuổi, cô nói chú họ. Nhưng cũng bị phạt hành chánh vì không có tên trong danh sách đăng ký.



    Phòng số 8.
    Phòng nầy có vẻ đặc biệt. Cặp ông, bà trên năm mươi. Không biết người phương nào, gia đình ra sao. Dù ngoài năm mươi nhưng người đàn bà cũng còn mặn mà lắm. Đủ cho thấy bà có một thời vàng son. Người đàn ông như một cao thủ võ lâm. Tóc dài, râu ria quai hàm, ông cũng là người mà từng ‘một thời để yêu và một thời để chết’. Tin từ hành lang phòng số 5, chúng tôi biết ông bà nầy gia đình giàu có, con cái thành đạt. Giờ hai người vào chùa làm công quả, mướn phòng chỉ để nghỉ buổi trưa, còn tối thì về nghỉ ở gia đình. Nhưng cũng nhiều đêm ngủ lại. Người đàn ông mua cơm hộp và nước khoáng về sử dụng. Hình như họ ăn chay, bố già phòng số 2 nói với tôi, họ ăn chay nhưng ngủ mặn. Tin đáng tin cậy là họ yêu nhau khi còn trẻ, hoàn cảnh không thể cưới nhau. Ông có vợ, bà có chồng. Chồng bà sau nầy bị bệnh chết. Vợ ông kia vẫn còn, nhưng họ lại là chị em bà con bạn dì. Chuyện y như trong phim.



    Phòng số 9,
    cũng hai ông bà. Người đàn ông ngoài ba mươi, người đàn bà ngoài bốn mươi. Chênh lệch nhau chắc một con giáp. Anh chàng hiền lành ít nói. Đi bán vé số dạo với chiếc xe đạp bèo, người đàn bà cũng đi bán vé số, nhưng ngày bán vài ngày nghỉ. Lâu lâu có một bé trai chừng 10 tuổi đến ngủ vài ngày rồi biến mất. Nghe nói đó là tác phẩm của hai người. Bố già phòng số 2 coi tướng người đàn bà nầy, ông nói thọ nhưng nghèo suốt đời. Chuyện tình yêu trắc trở, ít nhất là vài ba đời chồng bởi phá tướng. Đàn bà gì mà ăn nói sang sảng như Lương Sơn Bạc, còn nghèo vì tướng đi dách dách sảnh, ấn đường u tối.



    Phòng số 10,
    là phòng cuối cùng. Một người đàn ông. Ông ngoài ngũ tuần, là nhà văn hay nhà thơ gì đó. Ông còn là cộng tác viên của nhiều tuần báo, website. Rõ ràng kiến thức của ông uyên bác. Chuyện gì cũng biết. Khác với ông phòng số 6 biết chuyện vặt. Ông phòng số 10 ngon lành hơn, các nhà văn nhà thơ nước ngoài. Từ Châu âu, châu á, châu mỹ, châu phi. Ở đâu ngài cũng biết nốt. Từ Eric Maria Remarque, William Saroyan, Henry Miller, Rimbaud. Jean Paul Sartre, Ernest Hemingway. Đến Lý bạch, Trương Kế, Thôi Hiệu, Bạch Cư Dị dài dài qua Kim Dung, Quỳnh Dao. Muốn nghe tác phẩm nào, của nhà văn nhà thơ nào là ông đọc danh dách, như một tự điển sống. Đang nói về hiện sinh của Sartre, mình nói qua Phạm Công Thiện thì ông phát cho nghe Hố thẳm tư tưởng, Im lặng hố thẳm ngay. Vũ Đức Sao Biển chuyên nghiên cứu về Kim Dung, nếu gặp ông cũng phải botay.com. Ông nhắc từng câu chuyện, từng nhân vật, nào là Tiếu ngạo giang hồ, Ỷ thiên đồ long đao, Anh hùng xạ điêu, Lộc đỉnh ký.v.v…Hỏi về Quang Dũng ông đọc cho nghe một loạt : Đôi mắt người sơn tây, Tây tiến, Đôi bờ, Quán bên đường. Đang ngon trớn như vậy thử đá qua thơ đường. Y như máy cassette ông mở liền Thôi Hiệu, có lần ông đọc cho tôi nghe nguyên tác bài Hoàng Hạc Lâu :
    • Tích nhân dĩ thừa Hoàng hạc khứ
      Thử địa không dư Hoàng hạc lâu
      Hoàng hạc nhất biến bất phục phản
      Bạch vân thiên tải không du du
      Tình xuyên lịch lịch hán dương thụ
      Phương thảo thê thê anh vũ châu
      Nhật mộ hương quan hà xứ thị
      Yên ba giang thượng sử nhân sầu.
    Ông nói ngày trước Tản Đà dịch bài nầy với thể thơ lục bát, ông không tâm đắc. Ông có người bạn dịch bài nầy với thể thơ thất ngôn bát cú đường luật y như nguyên tác, và ông tằng hắng, không phải đọc mà là ngâm :
    • Bặt bóng người xưa cỡi hạc vàng
      Còn đây trơ lại mái lầu hoang
      Hạc vàng một vút không lưu luyến
      Mây trắng ngàn năm luống bẽ bàng
      Sông lạnh Hán dương cây rạng rở
      Bãi thơm Anh vũ cỏ miên man
      Quê hương khuất nẻo chiều nghiêng bóng
      Gợi khách sầu lây khói sóng tràn
    Tiếc rằng tôi không biết về văn thơ. Song với hai câu chót, tôi nghe sao ngậm ngùi quá. Tôi cười nói với ông:
    • -Thiệt tình, chú đọc thơ cho cháu nghe, giống y như nước đổ trên đầu vịt..
    Ông há mồm hỏi tôi :
    • -Vậy chứ thắng Út mầy làm nghề gì ?
      -Dạ…con là bác sĩ…thú vật.



    hồchíbửu
    nguồn: tuongtri.com
Trả lời

Quay về “của người”