Nguyễn khoa Hội

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Nguyễn khoa Hội

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • B A N H T A L Ô N G

    thân tặng các bạn etetet
    ____________________________________________________________________________




    Cái năm đó là năm tôi chính thức bỏ nghề ruộng rẫy để qua nghề thồ gạo (lý do xin được thưa sau nhé) và từ ngày đó những đau khổ của nghề ruộng, nghề rẫy như cuốc vào ngón chân, liềm cắt vào tay, phản cỏ lia vào ống quyển bỗng mất biệt, những vết sẹo ở những chỗ trên cơ thể thường lâm nạn nay bỗng được giải lao nhàn hạ và lành lặn thì thay vào đó những nơi khác lại lao đao. Nghĩa là đầu gối và cùi chỏ hay trầy trụa hơn, cặp giò thường mỏi rã rời và mỗi tối có khi phải bóp dầu và hai bàn chân thì dày mo lên như hai cái lốp xe hơi (thắng bằng chân mà lị...)

    Đó là chưa nói đến những trục trặc nghề nghiệp nay cũng trở nên khác hẳn, tôi chẳng còn sợ rầy nâu hay sâu nách, sâu cuốn lá tấn công lúa mạ mà nay lại sợ tuột con chó, sợ ổ gà, ổ voi và nhất là sợ banh ta lông...

    nói thế không có nghĩa là tôi tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, tôi vẫn thích nghề thồ gạo hơn nghề ruộng rẫy nhiều lắm vì nhờ đó tôi được chơi thứ đàn tôi thích mà chẳng làm phiền ai và trong thâm tâm, tôi vẫn luôn nghĩ đó là một quyết định đúng đắn của tuổi trẻ năm xưa, khi niềm đam mê còn tinh tuyền và sắc cạnh, còn nung nấu và vững vàng tưởng như chẳng gì có thể lay chuyển được.

    Quay lại chuyện tai nạn nghề nghiệp thì hôm ấy, trong chuyến thồ thường lệ từ Phước Tân (Long Thành) về nhà, bởi lẽ bà Ba Tôm hàng xóm đã ưu ái đặt hàng thêm 50kg gạo thơm nên ngoài cái số gạo tiêu chuẩn, tôi còn cố cõng thêm 50kg cho bà, vị chi là một tạ rưỡi, dà một tạ rưỡi gạo trên một chiếc xe đạp thồ đặc chế và thồ solo, nghĩa là thồ một mình một xe không ai phụ giúp khi lún sình, lên dốc hay quá mệt muốn ngồi nghỉ "ăn" điếu thuốc và uống vài ngụm nước...

    Hôm đó sau khi khởi hành từ nhà máy chà lúa ở ấp Đồng, tôi thồ về qua ấp Miễu, lên dốc Thầy chùa lửa và ngay tại đỉnh dốc là nửa con đường, là nơi nghỉ xả hơi sau con dốc dài thăm thẳm đầy mệt mỏi thì tôi gặp cô, cô giáo dạy cấp hai trong xã của tôi. Cô đang ngồi nghỉ mệt dưới bóng cây với chiếc xe đạp bên cạnh và một gói to tướng lỉnh kỉnh các thứ mà một giáo viên từ thành phố về miền quê dạy học cần có. Nhìn cái mớ lỉnh kỉnh đó, tôi đoán già đoán non là chém chết cũng có thịt chà bông trong đó chứ chẳng thể nào sai được.

    Chào cô giáo một phát, tôi móc thuốc ra hút, uống vài hớp nước và nhớ lại những gì mẹ tôi kể về cô giáo (cô giáo từ thành phố về dĩ nhiên là đối tượng chiêm ngắm của trai làng chứ còn ai vào đây) thì cô cũng chỉ mới về vùng này dạy học hơn một năm, nhìn cô trắng trẻo xinh tươi trong bộ áo quần lành lặn sạch sẽ tinh tươm bỗng dưng tôi thấy mình hơi bị lôi thôi với cái quần lính rách lai te tua, hai bàn chân dính đầy bụi đất và nhất là nước da đen với mồ hôi mồ kê nhếch nhác... tôi chẳng còn muốn nghỉ mệt nữa và muốn đi ngay. Chào cô xong tôi thồ ngay xuống dốc và vừa hay là khi tôi thồ xuống gần cuối dốc thì cô cũng vừa đổ dốc qua mặt tôi cái vèo. Đến cuối dốc, từ đàng xa tôi ngac nhiên thấy cô leo xuống xe đẩy bộ như tôi! Hay nhỉ, cái cô này muốn đồng hành với tôi à? Hay là xe cô hư cái gì? Chỉ cần vài phút tôi đã bắt kịp cô (dân thồ pro mà) và hỏi xe cô giáo hư gì hả cô giáo, cô nói dạ xe bị tuột con chó. Hèn chi, đổ hết dốc thì xe tuột chó cũng thành xe thồ như tôi chứ gì... lầm lũi tôi thồ qua mặt cô đuợc một đoạn thì từ bánh xe sau bỗng có dấu hiệu lốp "có chửa", nói theo y khoa là sự phù nề và theo sản khoa là có chửa, lốp xe sưng vêu lên như đôi môi hờn dỗi của người yêu rồi đốp một phát, ruột xe nổ tung theo cái chỗ ta lông bị banh ra, một tai nạn thường gặp của dân xe đạp, xe thồ thời đó.

    Cho bao gạo xuống bên đường, nhìn cái bánh xe xẹp lép, tôi tự nguyền rủa mình đã không mua cái vỏ mới lần vừa rồi đi Sài Gòn mà lại dùng tiền đó mua dây đàn và nhạc...và khổ thân tôi chưa? ...từ xa tôi đã thấy cô giáo dần dần bắt kịp tôi, điều mà tôi chẳng mong muốn tẹo nào...

    Lại chào cô giáo lần nữa, tôi gượng gạo nở một nụ cười rồi chỉ vào cái vỏ xe đã banh ta lông của mình thay cho lời giải thích. Thay vì dẫn xe đi tiếp, cô đứng lại quan sát cái vỏ xe của tôi như cố tìm một phương cách giải quyết giúp.

    Bạn có bao giờ cảm thấy tức mình khi thấy mình đã không ở trong một bộ dạng tươm tất hơn hay chưa? Tôi bỗng chợt thấy mình giống như những gã lính quèn của Remarque đầy rận và bùn đất của giao thông hào đang ngẩn người ra đứng nhìn hình cô gái xinh tươi trên bờ biển trong tấm áp phích quảng cáo... thì bỗng nghe cô nói "hôm nay xe máy cày nông hội đi chà lúa chắc cũng sắp về, anh chịu khó ngồi chờ chắc họ cũng cho quá giang".

    Rồi sau đó là cả tôi và cô, mấy bao gạo của tôi và hai chiếc xe đạp được cho lên cái rờ mọt vừa lắc vừa xóc như điên từ từ đưa bọn tôi về nhà và nguyên do chỉ là những trục trặc kỹ thuật nhỏ xíu của một thời nghèo khổ.

    Hôm nay sau hơn 30 năm quay lại con đường xưa trên chiếc Future đời 2014, tôi mất 10 phút để đi qua và nhớ lại con đường thồ gạo với kỷ niệm banh ta lông năm xưa.

    Như một đoạn phim được mất thật nhiều công sức và thì giờ để đóng thì nay với sự bận rộn và tối tân của khoa học, người ta chỉ cần 10 phút để xem lại và hồi tưởng. Và có khi chẳng còn nhớ banh ta lông hay tuột con chó nghĩa là gì?




    n g u y ễ n k h o a h ộ i - Phước Tân, Long Thành, 07.12.2014
    nguồn:eTetet.net
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Nguyễn khoa Hội

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • C À P H Ê m Ồ i
    ____________________________________________________________________________




    Cà phê mồi là thứ cà phê hạng hai hay hạng ba, chẳng có hương vị gì đặc biệt và được người ta uống khi thời gian bỗng như dư thừa, cuộc đời bỗng như dài ra hay cuộc sống bỗng dưng vô vị hay trống vắng. Chính vì vậy nên người ta bèn tìm cách lết đến một quán cà phê nào đó, kêu một ly cà phê gì đó cũng được và rồi ngồi uống cái ly cà phê đó để làm mồi dẫn dắt bao hoài niệm của các ly cà phê hạng nhất quay về diễn hành lại trong đầu óc như những hình người trên sân khấu.

    Từ ly cà phê pha bắp rang quốc doanh gần trường Bá Ninh năm xưa, ly cà phê ở chợ Lộc Hoà, tách cà phê lá chuối hay ly cà phê đau khổ Calaveras đều lần lượt hiện ra với bao điều mà ta muốn cho thật khác đi nếu trở lại lần thêm một lần nữa...

    Rồi như một tàn lửa nhỏ gây nên một đám cháy rừng thật to, ly cà phê kia bỗng làm ta nghĩ đến bao chuyện chẳng còn dính líu gì đến cà phê, những sóng gió và cay đắng hòa lẫn trong những ngọt ngào và đắm thắm, hy vọng xen lẫn với bao buồn chán cuộc đời chỉ trong phút chốc thoáng qua như cơn giông trong một buổi chiều nắng đẹp bên bờ biển.

    Thẩn thờ quay về lòng hoang mang chỉ vì cái ly cà phê mắc dịch nọ đã gợi lại bao điều buồn khổ..
    ... để rồi quyết định ngày mai sẽ chạy xe máy ra Tu Bông xem một thứ gió...



    n g u y ễ n k h o a h ộ i
    nguồn:eTetet.net
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Nguyễn khoa Hội

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  • b Ú n .b Ò .H U Ế
    ....r e v i s i t e d

    ____________________________________________________________________________





    Có lẽ nếu hỏi 10 bà nội trợ thời nay thì có ít là 9 bà biết nấu món Bún bò Huế và trong đó còn có chừng 5 bà sẽ nói tui nấu món này ngon nhất. Vậy thì ai đúng ai sai? Ai nấu ngon ai nấu dở? Câu trả lời là tất cả đều đúng và bà nào nấu cũng ngon nhất hết cả.

    Bởi lẽ vị giác, gu ăn uống của con người ta hoàn toàn chủ quan và cũng chẳng có cán cân hay cây thước nào đo cho được. Cũng cùng một tô bún đó, nhưng có thể nhận được những lời phê bình hoàn toàn khác nhau xa lắm. Từ câu "nước ngọt dịu thanh tao" cũng có thể rất gần với "nuớc chi lạt lẽo rứa bây?" hay câu "hôi rình mùi mắm ruốc" cũng rất gần với "đậm đà hương vị Huế cổ truyền".

    Còn nếu nói qua các biến tấu của Bún bò Huế được nấu ở các vùng miền khác nhau thì ôi thôi bản Caprice số 24 của Paganini với các biến tấu của nó sợ cũng không thể phong phú bằng.

    Từ cái tô be bé bán bên lề đường gần chợ Đông Ba cho đến cái tô Bún bò Huế bự của quán Vỹ Dạ hay Ngự Bình ở quận Cam bên Mỹ, thực khách có thể thấy từ một tô bún ốm đói nghèo nàn nơi xuất xứ khi so với cái tô Bún bò Huế đầy ăp ắp mà người ta bỗng nghĩ nếu bọn thịt chả trong đó mà có tay chân, chúng cũng níu mép tô mà đu ra cho đỡ chật. Người thì hầm thịt bắp bò vừa hơi mềm để có thể nhai sừng sực cho thích răng thì người khác lại hầm mềm để các cụ răng giả không than phiền. Khúc giò heo ốm đói nhiều xương năm xưa hay thấy trong nồi của mạ nay đã bỏ chạy trốn nhường chỗ cho giò heo xứ Mỹ mập mạp nhìn thôi là cũng đủ khỏi gặm mất công lên máu.

    Đó là chưa nói những lát giò chả được cắt dày một cách rộng rãi thả vô trong tô để góp phần chen lấn.

    Sau khi nói đến hai thái cực là bún bò lề chợ Đông Ba với bún bò quận Cam, nay ta nói qua bún bò ở giữa là bún bò của dân Huế di cư vô Vũng Tàu chẳng hạn, thì có lẽ đó là những tô bún mà tôi thích ăn nhất. Mà khoan đã, hãy nói cho rõ hơn là trong bữa sáng ở khách sạn, khi mà tô bún bò nhìn thật đơn giản và nhỏ nhoi để người ta có thể ăn nhiều món khác, khi mà hương vị bún bò vừa đủ cho ta là tô cũng vừa cạn làm cho người ta ngẩm nghĩ có nên ăn thêm tô nữa hay là ăn món chi khác? Những tô bún bò đó có lẽ là những tô bún bò thành công nhất, vì chúng nó được để xen lẫn các món linh tinh tạp nham khác mà nhờ đó, được dịp tỏ sắc khoe hương khi đứng chung giữa chợ đời.
    Cuối cùng, sau khi giã từ các gánh bún bò Đông Ba, quán Hợp, quán Ngự Bình, Vỹ dạ, ta quay về với những tô bún bò home made do các bà nội trợ trổ tài chiêu đãi. Có lẽ đây là những tô bún ngon nhất, tốn nhiều công sức và đầu tư nhất nhưng dĩ nhiên cũng thường phạm vào nhất là quá nhiều và ăn quá no.
    Vậy thì làm sao cho bún bò được ngon thật là ngon bây giờ? Có lẽ người ta nên ngồi nghĩ về nó, viết về nó, nhớ về nó như một món ăn thèm thuồng mà chưa được ăn, đã được mời mà chưa đến dự nên lòng vẫn còn thấp thỏm mong chờ?





    n g u y ễ n k h o a h ộ i
    nguồn:eTetet.net
Trả lời

Quay về “của người”