Người đàn ông mù và cô gái trẻ - Kawabata Yasunari

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20030
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Người đàn ông mù và cô gái trẻ - Kawabata Yasunari

Bài viết bởi Hoàng Vân »








  • Người đàn ông mù
    và cô gái trẻ

    (Mekura to shôjo, 1928) (60)
    __________________
    Kawabata Yasunari -
    Nguyễn nam Trân dịch






              
              
    Hình ảnh
    Đối với một người có đủ sức về nhà bằng cách leo lên chiếc xe lửa thuộc tuyến đường nhà nước từ một ga xép ngoại ô, cớ gì mình cứ phải nắm tay anh ta để tiễn chân trên một con đường chạy thẳng tuột ra ngoài đó như thế nhỉ? Đó là điều mà o-Kayo không sao hiểu nổi. Cho dù cô không thể hiểu, công việc ấy, chẳng biết tự lúc nào, đã trở thành phận sự của cô. Khi anh chàng Tamura tới nhà lần đầu tiên, mẹ cô bảo:

    - O-Kayo này! Đưa hộ anh ra tận ga đi con.

    Vừa đi ra khỏi nhà một đỗi, Tamura đã chuyển cây gậy đang nắm qua tay trái và quờ quạng đi tìm bàn tay của o-Kayo. Nhìn thấy bàn tay của Tamura chơi vơi quanh hông mình tìm không ra chỗ đậu, cô gái trẻ ngượng đỏ cả mặt nhưng không biết làm gì khác hơn là chìa tay cho anh ta nắm. Lúc đó, Tamura nói:

    - Cám ơn. – Coi bộ em hãy còn con nít hở em.

    O-Kayo tưởng mình phải dắt anh ta lên đến tận toa, thế nhưng sau khi cầm tấm vé xe mà o-Kayo mua hộ và để lại dăm đồng tiền thối trong lòng bàn tay cô gái trẻ, Tamura một mình xăm xăm bước vào cửa soát vé, rồi khi biết đã tiến gần tới chỗ con tàu đậu trên ke, mới đưa tay ra ngang tầm cao khung cửa sổ toa tàu, vừa rà rà vừa lần bước tới cánh cửa lên xuống và leo vào trong. Cử chỉ của anh ta trông như người đã thạo việc. Thấy thế, khi con tàu chuyển bánh, o-Kayo nhẹ nhõm cả người và không khỏi mỉm một nụ cười. Cô nghĩ thầm mấy đầu ngón tay của anh chàng này sao mà tài tình thế, cứ nhìn rõ như là cặp mắt không bằng.

    Lại có chuyện như thế này nữa chứ! –Một hôm, o-Toyo, chị của cô, đang ngồi bên cửa sổ, tô lại khuôn mặt trang điểm đã nhạt nhòe của mình dưới ánh nắng của mặt trời chiều đang rọi vào bên song:

    -Anh hãy thử nhìn xem tấm kính kia đang in cái gì vào đó?

    Không phải o-Kayo không hiểu là khi nói như thế chị mình có tỏ ra quái ác. Cái đang in trong tấm kính kia nếu không phải là hình ảnh của o-Toyo đang ngồi trang điểm thì là cái gì giờ!

    Thế nhưng sự quái ác của o-Toyo là cái quái ác của người đã bị chính hình ảnh của mình in trên mặt kính mê hoặc. Trong giọng nói đang đeo siết lấy người đàn ông ngầm chứa một tình cảm như thế này:

    - Người đẹp đến như tôi còn phải cất công chiều chuộng anh đấy!

    Tamura bèn lết tới bên nàng và bắt đầu di di ngón tay sờ soạng trên mặt kính. Thế rồi với hai bàn tay, anh bất thần xoay ngược chiều giá kính.

    - Ủa, anh làm gì vậy?

    - Muốn thu lấy hình ảnh khu rừng.

    -Rừng à ?

    Như thể bị lôi cuốn, o-Toyo bò nhanh đến trước giá kính.

    - Có phải là ánh mặt trời đang chiếu vào khu rừng không?

    O-Toyo mới đầu tò mò ngắm mặt kính mà Tamura đang ve vuốt bằng lòng bàn tay của anh nhưng bất giác phá lên cười, quay giá kính về vị trí cũ và tiếp tục chăm chú trang điểm như trước.

    Thế nhưng, đứng bên cạnh họ và chứng kiến cảnh đó, o-Kayo không khỏi kinh ngạc. Cái làm cô kinh ngạc là hình ảnh khu rừng in trên mặt kính. Đúng như lời Tamura mô tả, cô thấy có ánh mặt trời màu tím bao phủ bởi một lớp khói mờ trên cánh rừng cao. Mặt sau những tấm lá khô, rộng của cây rừng như tiếp nhận ánh sáng mặt trời xuyên thấu, tỏa ra một cái gì ấm áp. Chính là không khí êm đềm của một buổi chiều xuân đẹp trời nhưng sao thấy như không phai là cảnh thực. Trong lòng tấm kính có một cái gì khang khác. Phải chăng vì ánh mặt trời mờ ảo mềm mại như tấm lụa mỏng không in được lên kính nên trên đó chỉ có cái gì lạnh lẽo thâm sâu như nước hồ.Ngay cả o-Kayo, người đã quen nhìn khu rừng mỗi ngày qua khung cửa sổ này mà cũng chưa hề chú ý để nhận ra điều đó. Cô có cảm tưởng là nhờ anh chàng mù bảo cho mà đây là lần đầu tiên cô mới biết nhìn khu rừng. Cô không hiểu Tamura có thực sự nhìn thấy cánh rừng đó không? Cô muốn hỏi thử xem anh ấy có biết sự khác nhau giữa cánh rừng thật và cánh rừng in trên mặt kính hay không? Rồi cô cảm thấy bàn tay mân mê mặt kính của anh ta có cái gì rờn rợn.

    Vì lý do đó, khi tiễn anh đến nhà ga, có khi cô bất chợt sợ hãi khi anh đưa tay ra nắm lấy tay cô. Thế nhưng bổn phận của cô là phải đưa Tamura về mỗi lần anh đến chơi nhà. Bao nhiêu bận như vậy, riết rồi cô cũng quên khuấy tình cảm đó.

    - Mình ở đằng trước tiệm bán hoa quả phải không?

    - Đến chỗ nhà quàng rồi chứ?

    - Chưa tới tiệm bán quần áo ta à?

    Đi đi lại lại mãi con đường đó, như thể đùa mà cũng như thật, chuyện đặt những câu hỏi kiểu đó đã trở thành thói quen của Tamura. Lề tay mặt là quán bán thuốc lá, tiệm xe, tiệm giày guốc, tiệm hòm xiểng, tiệm chè đậu…, còn lề tay trái là tiệm bán rượu, tiệm bán tất, tiệm mì sợi, tiệm cơm cá nắm, tiệm thực phẩm tươi, tiệm mỹ phẩm, bệnh viện trồng răng…mỗi lần hỏi, anh lại được o-Kayo chỉ cho thành thử Tamura đã thuộc đến nằm lòng thứ tự các tiệm quán nối tiếp nhau hai bên bờ đường suốt quãng đường sáu bảy khu phố từ nhà cô cho đến ga. Thế rồi việc vừa đi vừa đoán mò xem mình đã đến đâu đã trở thành một trò chơi cho Tamura. Do đó mỗi khi có những ngôi tiệm mới như tiệm bán tủ hay tiệm cơm tây xuất hiện, tô thêm vào quang cảnh trên đường, thì o-Kayo có phận sự thông báo cho anh. O-Kayo thầm nghĩ có lẽ nhằm giải khuây thiếu nữ mang nhiệm vụ dắt tay tiễn đưa mình, người mù đã bày ra được cái trò chơi buồn tẻ này. Duy cô không khỏi sững sốt vì khả năng đoán biết đối với những ngôi nhà trên tuyến đường, anh chẳng thua gì một người sáng mắt. Lâu rồi chuyện ấy cũng thành quen. Cho đến một hôm, khi người mẹ bỗng lăn ra bệnh, cô nghe anh hỏi:

    - Hôm nay nhà quàng có bày hoa giả ra không đấy?

    O-Kayo dưa mắt nhìn trả Tamura, thấy mình như vừa bị dội một gáo nước lạnh. Tamura thản nhiên tựa hồ không có chuyện gì và thốt ra một câu:

    - Mắt của chị em có thật đẹp không hở em?

    - Đẹp chứ anh!

    - Đẹp vượt cả mọi người?

    O-Kayo im lặng không trả lời.

    - Có đẹp hơn đôi mắt của em không hở, o-Kayo?

    - Sao anh lại hỏi vậy?

    - Tại sao hở? Thế chứ không phải chồng trước của chị em bị mù à? Từ khi anh ấy mất đi, chị em chỉ đi lại với những anh chàng không thấy đường mà thôi, đúng không nào? Với lại mẹ em cũng mù nốt. Hình như vì lẽ đó, chị em cứ đinh ninh mình có đôi mắt đẹp hơn mọi người.

    Không hiểu vì sao lời nói này lại thấm sâu vào lòng o-Kayo.

    - Mù có huông đến ba đời đó!

    Bà chị o-Toyo của cô thường thở dài và buông ra một câu như vậy cho mẹ mình nghe như để nhiếc khéo. Chị cô vẫn sợ phải sinh ra một đứa con cùng chung số phận mù lòa. Có thể nếu bà chị có con, đứa bé sẽ không tật nguyền như thế nhưng chị ấy chỉ e nó có khả năng trở thành vợ một người mù. Nguyên do việc chị trở thành vợ của một anh mù hoàn toàn là vì mẹ chị bị mù. Mù như bà chỉ có thể đi lại với những anh chàng đấm bóp mù, do đó bà ta sợ phải gả con mình cho một người sáng. Bằng chứng là từ khi chàng rễ của bà mất đi, bao nhiêu đàn ông đã đến qua đêm trong ngôi nhà này rồi nhưng tất cả đều mù. Do người mù này bắn tin cho người mù khác. Nỗi lo ngại nếu bán thân cho một anh đàn ông không mù lòa, chuyện ấy sẽ tức thời vỡ lở đến tai cảnh sát đã nhiễm vào tâm trí những người trong gia đình. Cứ như rằng tiền để phụng dưỡng một bà mẹ mù lòa thì bắt buộc phải lấy từ những ông khách mù không bằng.

    Một anh chàng trong đám các tay đấm bóp mù một hôm đã đưa Tamura đến chơi nhà. Tamura không thuộc giới đấm bóp, anh là một cậu con nhà giàu từng đem gửi tặng trường mù và câm món tiền vài nghìn yen gì đó thôi. Thế rồi lần hồi Tamura trở thành một trong những người khách của o-Toyo. Nàng ta vẫn hay khinh thị, mắng mỏ Tamura suốt làm cho anh chàng đâm buồn khổ, chỉ còn biết đánh bạn với bà mẹ mù của nàng. Đôi khi o-Kayo đăm đăm nhìn cái cảnh tượng như thế và không nói gì.

    Mẹ của hai cô sau đó chết vì bệnh.

    O-Toyo bảo:

    -Này, o-Kayo! Như thế từ nay chúng mình thoát được cái ách người mù. Rảnh đi một món nợ.

    Chẳng bao lâu, anh đầu bếp của tiệm cơm tây đã đặt chân đến ở lì trong nhà. O-Kayo kinh khiếp cái thô bạo của anh chàng mắt sáng, cứ thu nhỏ người lại. Nhưng giờ chia tay của o-Toyo và Tamura đã điểm. Đây là lần cuối cùng O-Kayo phải đưa đường cho anh ra ga.

    Khi tàu điện đi khuất, cảm thấy buồn như một người đã đánh mất cuộc sống của mình, o-Kayo bèn lấy chuyến tàu kế tiếp đuổi theo Tamura. Cô không biết nhà anh ta ở đâu nhưng sau một thời gian dài, bao lần nắm tay dắt anh bước như thế, cô cảm thấy mình đã hiểu con đường của người đàn ông ấy đang hướng về đâu.

              



    (Dịch xong ngày 11/01/2010, dịp Lễ Thành Nhân ở Nhật)

    https://www.erct.com/2-ThoVan/NNT/Kawab ... n-2.htm#24
Trả lời

Quay về “của người”