Tưởng nhớ Tô Thùy Yên

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5417
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Tưởng nhớ Tô Thùy Yên

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Tưởng nhớ Tô Thùy Yên




    Một năm đã trôi qua, ngày TÔ THUỲ YÊN từ trần.

    Những lúc lạc lõng, không biết mình đang ở đâu, đi đâu, nhiều người quay về với thơ phú, với thi sĩ. Nhất là những thi sĩ, ngoài cái ngổn ngang tâm sự riêng, còn chia cái đau chung của đồng bào, của dân tộc. Còn là chứng nhân của một cơn ác mộng, một thời đại khủng khiếp. Như Tô Thuỳ Yên.

    Nếu tình yêu dễ diễn tả qua thơ hơn là văn vần, hơn là diễn văn, cái đau thương uất nghẹn cũng vậy. Phải bao nhiêu trang mới nói được tất cả cái đau đớn trong 2 câu thơ Tô Thuỳ Yên, diễn tả cuộc chạy giặc:

    • Xứ khổ, gây chi mùa thảm khốc

      Hỡi ơi trời đã bỏ rơi dân

      Hay tia hy vọng le lói trong bể khổ:

      Xin cám ơn hoa đã vì ta nở

      Thế giới vui vì những chuyện lẻ loi


    Người Việt làm thơ rất nhiều, nhưng thi sĩ, rất hiếm. Thi sĩ một mình một chiếu như Tô Thuỳ Yên (TTY) còn hiếm hơn nữa.

    Để tưởng niệm nhà thơ đã ra đi, không gì hơn là đọc lại ‘’Ta Về ‘’. Tất cả ngôn ngữ, phong thái TTY phảng phất trong đó

    Thơ TTY chững chạc, cổ điển như thơ Đường, nhưng mới lạ, táo bạo hơn thơ mới. Đạo mạo như một người đứng tuổi, một ông đồ già, từng trải, ngồi nhâm nhi bên tách trà, ngẫm nghĩ về nhân tình thế thái, về cuộc đời dâu biển:

    • Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ

      Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

      Chỉ có thế. Trời câm đất nín

      Đời im lìm đóng váng xanh xao

    nhưng trẻ, mạnh, vũ bão như thanh niên vào đời, muốn yêu, muốn thương, muốn nhớ, muốn sống.

    • Ta về dẫu phải đi chân đất

      Khắp thế gian này để gặp em


    Có những nhà văn, nhà thơ qua từ ngữ hay cái nhìn, người ta biết là dân Hà Nội, Huế hay Sài Gòn.

    Ngôn ngữ TTY không Bắc, không Nam, không Sài gòn, Hà Nội, bởi vì đó là tiếng thở dài, tiếng khóc, cái quặn đau của người Việt. Đặc Việt Nam, nhưng mở rộng ra những chân trời mới.

    Đau xót, bi quan nhưng bao dung ; đứng ngoài, đứng trên cái thù hận, để thấy cái bát ngát của đất trời. Rất zen, rất thiền :

    • Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

      Giải oan cho cuộc biển dâu này


    Từ ngữ TTY đài các nhưng gần gũi, sáng tạo cực kỳ nhưng tưởng như dễ dãi. Vừa lạ, vừa thực. Vừa xa vừa gần gũi. Việc đó không phải dễ. Có người dùng chữ lạ, câu lạ, nhưng không thực, chỉ lộ cái lập dị, giả tạo. Có người rất thực, nhưng nhàm, nếu không thô tục, bởi vì cái thực trong nghệ thuật, nó khác với sự thực ngoài đời.

    TTY ra đi, bỏ dở thiên trường ca về nỗi đoạn trường của một dân tộc. ” Ta tiếc đời ta sao hữu hạn/ Đành không trải hết được lời ta ”

    Sáng dậy, nghe tin TTY ”đi xa ”, cứ muốn tin là một fake news, một chuyện không có thực…

    • Đi xa như lạc trong trời đất

      Thủy tận, sơn cùng xí xoá ta

      Cõi chiều đứng lại, khóc như liễu

      Có thật là ta đã đi xa?
    (Đi xa. TTY )

    Sơn cùng, thủy tận xí xóa người, nhưng sẽ bó tay, làm sao xóa được ”Ta Về”, ”Chiều trên Phá Tam Giang”..

    Làm sao xoá được Tô Thuỳ Yên.

    • Paris, tháng 5.

      TA VỀ

      Tô Thùy Yên

      Ta về một bóng trên đường lớn

      Thơ chẳng ai đề vạt áo phai

      Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ

      Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay

      Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp

      Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu

      Mười năm mặt sạm soi khe nước

      Ta hóa thân thành vượn cổ sơ

      Ta về qua những truông cùng phá

      Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may

      Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ

      Nghe tàn cát bụi tháng năm bay

      Chỉ có thế. Trời câm đất nín

      Đời im lìm đóng váng xanh xao

      Mười năm, thế giới già trông thấy

      Đất bạc màu đi, đất bạc màu

      Ta về như bóng chim qua trễ

      Cho vội vàng thêm gió cuối mùa

      Ai đứng trông vời mây nước đó

      Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ

      Một đời được mấy điều mong ước

      Núi lở sông bồi đã mấy khi

      Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động

      Mười năm, cổ lục đã ai ghi

      Ta về cúi mái đầu sương điểm

      Nghe nặng từ tâm lượng đất trời

      Cảm ơn hoa đã vì ta nở

      Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

      Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa

      Làng ta ngựa đá đã qua sông

      Người đi như cá theo con nước

      Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng

      Ta về như lá rơi về cội

      Bếp lửa nhân quần ấm tối nay

      Chút rượu hồng đây xin rưới xuống

      Giải oan cho cuộc biển dâu này

      Ta khóc tạ ơn đời máu chảy

      Ruột mềm như đá dưới chân ta

      Mười năm chớp bể mưa nguồn đó

      Người thức mong buồn tận cõi xa

      Ta về như hạt sương trên cỏ

      Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời

      Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt

      Tội tình chi lắm nữa người ơi

      Quán dốc hơi thu lùa nỗi nhớ

      Mười năm người tỏ mặt nhau đây

      Nước non ngàn dặm bèo mây hỡi

      Đành uống lưng thôi bát nước mời

      Ta về như sợi tơ trời trắng

      Chấp chới trôi buồn với nắng hanh

      Ai gọi ai đi ngoài cõi vắng

      Dừng chân nghe quặn thắt tâm can

      Lời thề buổi ấy còn mang nặng

      Nên mắc tình đời cởi chẳng ra

      Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ

      Mười năm ta vẫn cứ là ta

      Ta về như tứ thơ xiêu tán

      Trong cõi hoang đường trắng lãng quên

      Nhà cũ mừng còn nguyên mái, vách

      Nhện giăng, khói ám, mối xông nền

      Mọi thứ không còn ngăn nắp cũ

      Nhà thương-khó quá sống thờ ơ

      Giậu nghiêng cổng đổ, thềm um cỏ

      Khách cũ không còn, khách mới thưa

      Ta về khai giải bùa thiêng yểm

      Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi

      Hãy kể lại mười năm chuyện cũ

      Một lần kể lại để rồi thôi

      Chiều nay ta sẽ đi thơ thẩn

      Thăm hỏi từng cây, những nỗi nhà

      Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?

      Mười năm, cây có nhớ người xa?

      Ta về như đứa con phung phá

      Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu

      Mười năm, con đã già trông thấy

      Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu

      Con gẫm lại đời con thất bát

      Hứa trăm điều một chẳng làm nên

      Đời qua, lớp lớp tàn hư huyễn

      Giọt lệ sương thầm khóc biến thiên

      Ta về như tiếng kêu đồng vọng

      Rau mác lên bờ đã trổ bông

      Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng

      Chờ anh như biển vẫn chờ sông

      Ta gọi thời gian sau cánh cửa

      Nỗi mừng giàn giụa mắt ai sâu

      Ta nghe như máu ân tình chảy

      Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau

      Ta về dẫu phải đi chân đất

      Khắp thế gian này để gặp em

      Đau khổ riêng gì nơi gió cát

      Thềm nhà bụi chuối thức thâu đêm

      Cây bưởi xưa còn nhớ, trắng hoa

      Đêm chưa khuya quá hỡi trăng tà

      Tình xưa như tuổi già không ngủ

      Thức trọn, khua từng nỗi xót xa

      Ta về như giấc mơ thần bí

      Tuổi nhỏ đi tìm một tối vui

      Trăng sáng soi hồn ta vết phỏng

      Trọn đời nỗi nhớ sáng khôn nguôi

      Bé ơi, này những vui buồn cũ

      Hãy sống, đương đầu với lãng quên

      Con dế vẫn là con dế ấy

      Hát rong bờ cỏ giọng thân quen

      Ta về như nước Tào Khê chảy

      Tinh đẩu mười năm luống nhạt mờ

      Thân thích những ai giờ đã khuất

      Cõi đời nghe trống trải hơn xưa

      Người chết đưa ta cùng xuống mộ

      Đâu còn ai nữa đứng bờ ao

      Khóc người ta khóc ta rơi rụng

      Tuổi hạc ôi ngày một một hao

      Ta về như bóng ma hờn tủi

      Lục lại thời gian kiếm chính mình

      Ta nhặt mà thương từng phế liệu

      Như từng hài cốt sắp vô danh

      Ngồi đây nền cũ nhà hương hỏa

      Đọc lại bài thơ thủa thiếu thời

      Ai đó trong hồn ta thổn thức

      Vầng trăng còn tiếc cuộc rong chơi

      Ta về như hạc vàng thương nhớ

      Một thủa trần gian bay lướt qua

      Ta tiếc đời ta sao hữu hạn

      Đành không trải hết được lòng ta.


    Từ Thức


    Nguồn:https://news.vietluan.com.au




              
Ngoc Han
Bài viết: 1582
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: Tưởng nhớ Tô Thùy Yên

Bài viết bởi Ngoc Han »

Đọc lại bài thơ,
Trường Sa hành
Thơ » Việt Nam » Hiện đại » Tô Thuỳ Yên » Thơ tuyển (1995)
Toujours il y eut cette clameur,
Toujours il y eut cette fureur...
(Saint John Perse)

Trường Sa! Trường Sa! Đảo chuếnh choáng!
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Đêm nằm còn tưởng đảo trôi đi

Mùa Đông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ

Đảo hoang, vắng cả hồn ma quỉ
Thảo mộc thời nguyên thuỷ lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên

Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Đường thân thế lỡ, cố đi nhanh

Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời

Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Đông lở mất, bãi Tây bồi
Đám cây bật gốc chờ tan xác
Có hối ra đời chẳng chọn nơi?

Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh

Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo...
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân

Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi

Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu

Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê

Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm, tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng

Đất liền, ta gọi, nghe ta không?
Đập hoảng Vô Biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn

Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên

Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh

San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người


3-1974

Nguồn: Tô Thuỳ Yên, Thơ tuyển, Minnesota, 1995
Trả lời

Quay về “câu chuyện thi thơ”