Ai cũng cần một người thầy

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5381
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Ai cũng cần một người thầy

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Ai cũng cần một người thầy




    Khi tôi bắt đầu bước vào nghề sọan nhạc, tôi mới 22 tuổi. Tôi đã từng đọc những vở kịch thơ của thời đó như Anh Nga, Tiếng Địch Sông Ô của Phạm Huy Thông, Trầu Cau, Lý Chiêu Hoàng, Phạm Thái của Phan Khắc Khoan, Vân Muội của Vũ Hoàng Chương... rồi đem ra so sánh với những vở kịch thơ của Hoàng Cầm như Hận Nam Quan (1944), Kiều Loan, Cô Gái Điên, Lên Đường (1945), Cô Gái Nước Tần (1946) và nhất là Kiều Loan, Cô Gái Điên.

    Khi đó, tôi đã thấy ngay rằng những tác phẩm của Hoàng Cầm hay hơn những tác phẩm của người khác vì hai yếu tố kịch tính, lời thơ, nghĩa là hai mặt nội dung và hình thức đều rất là xuất sắc.

    Chẳng hạn vở Kiều Loan, Cô Gái Điên, có nhiều tình tiết, với những nhân vật và hoàn cảnh đặc thù như người điên, người què, người say nằm chung trong ngục tối với mưu đồ phục hồi triều Lê trong thời đại Tây Sơn…

    Trong màn đầu tiên của vở kịch thơ này, Hoàng Cầm đưa ra một nhân vật phụ nữ, “điên thật” hay “giả vờ điên”, tay cầm một cành hoa, miệng cười ha hả… cất tiếng ngâm nga, chất vấn Tần Thủy Hoàng :

    • Hôm nay mới gặp Tần Thủy Hoàng
      Bạo chúa như ông sướng hay khổ
      Trời đã sang Thu, lá đã vàng
      Ông cười hay khóc trong nấm mộ ?



    Có lẽ trên đời này, chỉ có một mình thi sĩ Hoàng Cầm băn khoăn về niềm vui sướng hay nỗi đau khổ của những bạo chúa thời xưa hay thời nay ! Trên thế giới, tôi chưa thấy ai viết thư cho Staline hay Hitler để hỏi hai bạo chúa này vui hay buồn trong việc giết và cầm tù hàng triệu sinh linh ?!

    Tôi bèn mua vé đi coi Kịch Thơ Cô Gái Điên… và học được nhiều điều của một người trong thời bình an.

    Riêng tôi coi Hoàng Cầm như ông thầy dậy tôi yêu nước vậy!

    *


    Trước đây, tôi chỉ mới được làm quen được với hai thi nhân là Nguyễn Bính với Cô Hái Mơ và Lưu Trọng Lư với Tiếng Thu … thì chẳng học được gì ngoài những tình cảm thông thường của những người trong thời bình an.

    1 Những bài ca yêu nước

    Bây giờ tôi nỗ lực tìm hiểu về tình yêu nước qua những bài như Đêm Liên Hoan, Bên Kia Sông Đuống, Tâm Sự Đêm Giao Thừa mà anh ta cho tôi ngâm chung trên sân khấu nay… Trong hai năm, tôi được Hoàng Cầm hướng dẫn tôi vào tình yêu nước tức là yêu người Vệ Quốc Quân, yêu cảnh vật VN... Sau khi rời anh ra đi, tôi đã có một vốn liếng về những bài ca yêu nước như Tình Ca, Tình Hoài Hương…

    2 Những câu chuyện vui về tôi

    Có một lần, ngồi nói chuyện với Hoàng Cầm về Lưu Trọng Lư, tôi được nghe anh ngâm mấy câu thơ rất lãng mạn của “thi sĩ con nai vàng” :

    • Tiếng hát lẳng lơ
      Một đoàn gái tơ
      Nằm mơ trên bờ cỏ mởn
      Một đàn nai tung tăng đùa rỡn
      Theo điệu hát dòn ở cạnh sườn non.

      Ai có nghe tiếng hát chị đò đưa
      Mà không nhớ thương người quả phụ
      Nằm ấp bóng trăng thưa
      Luồn qua song cửa sổ...


    Những câu thơ này hấp dẫn tôi đến độ vào nằm sâu trong tiềm thức của tôi, để một ngày nào đó, bật ra thành câu hát Nhớ Người Ra Đi :

    • Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
      Mà không nhớ thương người mẹ già
      Ch ờ con lúc đêm khuya
      Người con đã ra vì nước…


    Trong kỳ lưu diễn ở miền Cao-Bắc-Lạng này, tôi soạn thêm được nhiều bài dân ca khác trong đó có bài Nương Chiều :

    • Chiều ơi... Lúc chiều về mọc ánh trăng tơ

      Cho ngày mùa bài hát nên thơ, ơi chiều.
      Chiều ơi... Mái nhà sàn thở khói âm u
      Cô nàng về để suối tương tư, ới chiều...


    Đây là một bài dân ca loại mới và có sự tiến bộ về phần nhạc thuật vì nó không còn đơn sơ như những bài tôi đã soạn ra trước đây, chẳng hạn Ru Con, Dặn Dò... Chính trong chuyến đi hát ở vùng này mà tôi thấy tôi đi đúng con đường thăng hoa dân ca. Một buổi nọ, sau khi trình diễn cho đồng bào thưởng thức những màn ca-vũ-kịch -- Văn Chung cũng đã đưa ra một màn múa, diễn tả các động tác của nhà nông gọi là nông tác vũ -- một bà mẹ quê xin ra hát tặng anh chị em trong đoàn văn nghệ một bài hát cổ truyền. Chúng tôi vỗ tay hoan nghênh. Bà mẹ đằng hắng, lấy giọng, rồi hát:
    • Ai có nghe tiếng hát hành quân xa
      Mà không nhớ thương người mẹ già...


    Đó là bài Nhớ Người Ra Đi của tôi. Nhưng bây giờ nó không còn là của tôi nữa. Nó là của dân chúng rồi. Tôi cảm động, muốn khóc oà lên... Vào lúc này, Hoàng Cầm vẫn còn nuôi mộng xây dựng một sân khấu kịch thơ sau khi vở Kiều Loan đã không có may mắn được sống trong công chúng. Nó rất muốn dựng những vở kịch thơ trong kháng chiến nhưng với một đội văn nghệ ít người và với đối tượng chính là Vệ Quốc Quân, bây giờ nó chỉ có thể soạn những bài thơ cho một hoặc hai người ngâm trên một thứ sân khấu ngoài trời mà thôi.

    3 Những cuộc vui chơi

    Trong kháng chiến, đội văn công của chúng tôi luôn luôn xê dịch trong ba tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn và Bắc Kạn. Đi từ địa điểm này tới địa điểm khác, toàn đi bằng xe lô ca chân.

    Cứ cách dăm ba ngày lại chuyển quân, vác ba lô, vác đàn và vác gạo, mỗi ngày đi bộ trên dưới 40 cây số đường rừng, đường núi...

    Khi đi lưu diễn, chúng tôi thường đi trên đường đá, trong sương mù. Cảnh thì thật là đẹp, người miền núi thật đáng yêu, nhưng có khi đi nửa ngày mới gặp một cái bản, một cái thôn. Gặp một cái chợ thì như gặp cõi thiên đàng. Vì nhân viên trong đội toàn là văn nghệ sĩ cho nên chúng tôi bầy đặt chuyện vừa đi vừa làm thơ cho đỡ buồn và cho đỡ mệt. Nhưng phải là thơ đặc biệt, chẳng hạn như khi đang đi thì thấy đội viên nhạc sĩ Văn Chung bực mình thốt lên:

    • Đường đá đưa đoàn đến đếch đâu ?


    Thế là chúng tôi bỗng tìm ra cái thú làm thêm những câu thơ tiếp tục, những câu thơ hợp tình, hợp cảnh và theo một vần. Một câu thơ như vậy, cần phải đi dăm bẩy cây số mới có được một câu mà toàn đội đồng ý. Tôi đã tung ra ngay câu thứ hai:
    Xa xa xam xám xuống sương sầu

    Câu thứ ba là của Ngọc Hiền:

    Mịt mù mê mải mưa mưa mãi

    Câu thứ tư chắc chắn phải là của Ngọc Bích, vì ngoài ba lô ra, anh ta còn phải đeo thêm cây đàn:

    Đàn địch đem đi đến đớn đau...

    Ít lâu sau, có thêm một cuộc làm thơ như thế, tôi xin kể ra đây:

    … Một ngày mưa lạnh trong vùng Lạng Sơn. Chúng tôi cắm cổ ra đi từ sáng sớm cho tới gần xế chiều, bụng thì đói, chân thì mỏi, tai lạnh ngắt, cổ khô khan... mà vẫn chưa gặp một cái quán nào để dừng chân, uống một cốc cà phê, lau khô cái đầu cái cổ, nắn bóp cái tay cái chân. Mãi cho tới khi mặt trời đã khuất dần sau rặng núi, trời còn đang chạng vạng tranh tối tranh sáng thì gặp một số đồng bào người Thổ đi ngược đường cho biết là sắp tới chợ rồi. Chúng tôi reo mừng lên : ''Thế là ta có một vụ nghỉ ngơi ăn uống trả thù cái khổ rồi đây.'' Và chúng tôi bước mau...

    ... Nhưng niềm hi vọng đó tiêu tan ngay khi chúng tôi tiến vào mảnh đất được gọi là cái chợ. Chỉ có ba túp nhà tranh vách nứa ọp ẹp nằm cách nhau khoảng chục thước. Nhà đầu trống không. Nhà thứ hai chỉ có treo lủng lẳng vài miếng thịt ôi. Tới nhà thứ ba thì... cả đội sững sờ, đứng lại trố mắt nhìn vào rồi thét lên vì kinh ngạc : Trời Đất, Cha Mẹ, Đồng Bào, Đồng Chí ơi ! Không thể tưởng tượng được, nào là chè lam, kẹo vừng, kẹo lạc..., nào là cà phê, sữa đặc (mới kháng chiến chưa tới một năm thôi mà)...

    Và quá sức tưởng tượng hơn nữa là bà chủ quán, một thiếu phụ ngoài hai mươi tuổi, người Hà Nội, rất đẹp, cùng với đứa hai con nhỏ theo chồng đi kháng chiến, chồng đi Vệ Quốc Quân ở đâu không biết, nàng mở quán cà phê ở đây, trong một cái chợ không có cả cái tên. Và cái lũ văn nghệ sĩ kháng chiến này có lẽ cũng là những lữ khách hiếm hoi của chủ quán đây.

    Thật là vui hơn Tết, vui hơn cả ngày trọng đại Cách Mạng Thành Công. Trong khi bà chủ quán giết gà làm thịt, Hoàng Cầm, Trúc Lâm, Văn Chung ngồi nhắm rượu xuông. Tôi và Ngọc Bích thì tự pha cà phê để uống. Cả bọn bỗng nổi hứng lên, giở trò làm thơ như lúc đi trên đường đá.

    Văn Chung, dù có vợ kè kè bên cạnh, cũng nhăn nhó đưa ra câu đầu:

    Mệt mỏi mà mơ mộng mỹ miều...


    Chẳng cần phải đợi lâu, và vì cũng đọc được ý tình trong mắt của bà chủ quán, tôi tuôn ra câu thứ hai:

    Ấy ai âu yếm ỡm ờ yêu...

    Kịch sĩ Trúc Lâm, người chuyên đóng vai hài hước trong đội, nhìn thấy trên cái giường nứa độc nhất trong quán, nơi ăn ngủ của bà chủ và hai đứa con, nay có mấy anh văn nghệ sĩ ngồi dựa vào các loại ba lô đủ kiểu, ngất ngưởng uống rượu chờ gà... anh ta bèn đưa câu thơ thứ ba:

    Chung chăn chung chiếu chung chè chén...

    Cả bọn khoái chí, vỗ tay, hò la, tán thưởng câu thơ vui nhộn đó. Nhưng chúng tôi bỗng ý thức ngay được sự thô lỗ của mình và tất cả đồng ý là phải chữa lại cái lỗi này bằng một câu kết cho thật hay. Trò chơi ồn ào bỗng trở nên trầm lặng. Mặt anh nào cũng nghệt ra vì phải suy nghĩ. Lâu lâu lại có một anh đưa ra một câu bị mọi người chê ngay. Gà đã làm xong, bà chủ bưng ra, hơi nóng bốc lên cùng với hơi gà làm miệng người nào cũng có nước dãi, nhưng không anh nào dám đụng vào đĩa thịt gà khi câu thơ chưa làm xong...

    ... Tới lúc Hoàng Cầm, sau khi rung đùi một lúc, đứng lên đưa ra câu thơ thứ tư thì ta mới thấy con người của ông hiện ra, thật là bình dị nhưng sâu sắc, thật là thơ mộng nhưng cũng rất tình người.

    Người bạn thơ của tôi có đôi mắt sắc long lanh, có cái mũi dọc dừa và cái miệng lúc nào cũng như đang ngâm nga một câu thơ hay... bây giờ ông trịnh trọng đứng lên đọc câu thơ kết thúc cho bài thơ đặc biệt này. Đó là câu:

    Cháu trẻ chờ cha chốn chợ chiều.

    Lúc đó, trời đã về khuya, trăng đã lên khỏi đầu núi, cả bọn xúm nhau lại, lấy giấy bút ra ghi bốn câu thơ đó rồi dán ngay lên trên vách nứa với sự chứng kiến rất thân mật của bà chủ và hai đứa con nhỏ. Tôi không kịp tìm hiểu xem bà chủ quán vui hay buồn sau khi chúng làm xong bốn câu thơ đó, bởi vì tôi còn mải lấy đàn ra để phổ nhạc và hát ầm ỹ lên.


    Phạm Duy


    Nguồn:http://www.diendantheky.net


              
Trả lời

Quay về “câu chuyện thi thơ”