Thơ và các họa sĩ

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5381
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Thơ và các họa sĩ

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           

    Thơ và các họa sĩ


    Từ trái, Duy Thanh, Trần Lê Nguyễn, Thanh Tâm Tuyền, Ngọc Dũng, hình chụp năm 1960.
    (Hình: Viên Linh cung cấp)



    Có một lớp các họa sĩ tên tuổi của Việt Nam hầu như người nào cũng làm thơ, thế rồi cũng có một lúc (một lúc nào đó thôi), một số người làm thơ (và soạn nhạc) quay ra vẽ tranh.

    Thời tiền chiến hội họa ta có những họa sĩ lẫy lừng, như Lương Xuân Nhị, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh; nhưng tôi chưa từng nghe các ông này làm thơ, chỉ sau năm 1954 thì tại Sài Gòn những họa sĩ Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng (1931 – 7 Tháng Bảy, 2000) thảy đều làm thơ, đúng là “thi trung hữu họa:” trong thơ có họa.

    Người nghệ sĩ cầm cọ, trong những lúc, những buổi không có sơn có giá vẽ bên mình, đã dùng thơ để phát biểu cho dễ, cho hợp lúc, hợp tình. Mà nghệ sĩ đích thực nghệ sĩ từ tâm khảm thì vẽ hay viết cũng có thể một chín một mười, giới thưởng ngoạn chấp nhận được.

    Trong thời tiền chiến, ngay các nhà văn tên tuổi cũng ít làm thơ, người viết bài này chưa thấy thơ của những Lê Văn Trương, Vũ Trọng Phụng, Nhất Linh, Khái Hưng (ngoài thơ dịch), Nguyễn Tuân hay Nguyễn Công Hoan, dù rằng làm thơ chỉ cần có cây bút và mảnh giấy, hai thứ nhà văn nào cũng có sẵn, mà họ không làm thơ.

    Thế nhưng sau 1975, lạ lùng lắm, hầu như các nhà văn tôi biết đều đột nhiên làm thơ cả, đến Võ Phiến, Mặc Đỗ mà cũng làm thơ mới khiếp! Hai nhà văn này, một người mang danh là văn chương “chẻ sợi tóc làm tư,” một người nổi tiếng là dịch truyện hay nhưng ngôn ngữ sáng tác khô khốc như những cục gạch.

    Trong bài “Cuộc Phó Hội U Minh” tôi viết gửi Mai Thảo, đăng trên số 9 tạp chí Văn cách đây 33 năm (1982), tôi đã nói ra nhận xét này, và có đưa ra vài giải đoán: có lẽ các vị này đã rung động vì biến cố 1975. Đành rằng lòng người ai chẳng rung động trước những chuyện thế tình, song có những tấm lòng sắt đá, chỉ tới lúc nào đó mới rung động ra thơ.

    Người không thích làm thơ gặp lúc mất một mối tình là sẽ làm thơ được ngay nếu muốn, nhiều người cái gì cũng làm thơ được, nhìn cái lá rơi làm thơ, nhìn con chim lạc đàn làm thơ, nhìn khoảng sân hôm qua không có hoa mai nở, sáng nay thấy có hoa mai nở, làm ra câu thơ “đêm qua sân trước một cành mai” lưu truyền hậu thế. Thế nhưng có những nhà văn phải mất nước mới làm thơ được, đó là chuyện họ làm thơ sau 1975.

    Trở lại với câu thành ngữ “thi trung hữu họa,” trong thơ có họa, nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã giải nghĩa theo ý riêng của ông, để áp dụng cho ông: trong thơ có tai họa. Chuyện ấy sẽ nói trong một dịp khác. Bài này chỉ bắt đầu với ba họa sĩ nổi tiếng tại Sài Gòn ngay sau 1954: Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng.

    Ba người với nét vẽ và những mảng màu khác hẳn nhau, một không gian bao la trầm đọng trong màu xanh đen, những chân dung tươi khỏe rực rỡ trong màu nóng, và những con phố ngõ hẻm ngoại ô với đường nét quấn quít.

    Thái Tuấn viết tạp bút, nghiêng về tiểu luận. Duy Thanh viết truyện ngắn cuộc sống hiện đại. Riêng Ngọc Dũng làm thơ nhiều hơn cả trong ba người. Tôi đã đọc thơ anh từ những tờ tạp chí cùng làm với anh: Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong, Thế Kỷ Hai Mươi của Nguyễn Khắc Hoạch, và ít hơn, trên Sáng Tạo của Mai Thảo.

    • Chiêm Bao

      nhưng hơi thở vẫn rì rào
      anh muốn hôn em như một giấc chiêm bao
      anh sẽ hôn em lên mái tóc các vì sao
      hôn rất khẽ

      em biết không
      buổi chiều ấy bơ vơ như gạch ngói
      từng phiến đá nhìn buồn
      khoảng rộng ấm dần môi kính vỡ
      khởi vào em như bánh xe lăn

      (Ngọc Dũng, Thế Kỷ Hai Mươi số 3, trang 33, Tháng Chín, 1960)

      Tiếng Hát Của Mặt Trời

      Hãy gỡ đều cho sợi tóc dày
      Cùng một lần cho tiếng hát nhịp thấp xuống
      Với giòng sông nước cuốn chảy mòn
      Nước chảy cuốn mòn xô tới chân em
      Từng dạ khúc
      Và tiếng khóc nhỏ theo từng khúc một
      Từng chút em từng giọt mưa mau.

      Đó là bãi cát trầm mình là tiếng động
      Của một loài rêu mun
      Từ đỉnh tháp
      Bàn tay xòe hết không gian
      Rồi úp mặt nhìn cùng suốt thân thể.

      Đó là sự hủy diệt của một chiều ánh sáng
      Khi mặt trời sắp mọc khi mặt trời lặn xuống
      Biển xô nhanh từng lớp cỏ dài
      Đó là sườn núi cô đơn và bí mật.

      30 Tháng Giêng, 1961
      (Ngọc Dũng, Văn Nghệ số 6, trang 11, Tháng Bảy, 1961)


    Trên hai tờ tạp chí này, Ngọc Dũng đảm nhận việc trình bày, cả bìa lẫn nội dung. Tờ Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong rất nghèo (không thể trả nhuận bút dù cho cả thơ lẫn truyện ngắn), tòa soạn chỉ là một cái bàn trong phòng khách của một nhà in ở khu chợ Cầu Ông Lãnh. Nếu không lầm, tên nhà in cũng là tên ông chủ: Lê Văn Thoan.

    Từ đường Nguyễn Thái Học, chúng tôi vào tòa báo phải len lỏi qua một đám đông rau cỏ thúng mủng xe cộ, hệt như người đi chợ. Nơi đây nếu có một nhân viên tòa soạn nào làm việc, thì một là ông chủ nhiệm Lý Hoàng Phong, tên thật Đoàn Tường, người Huế; hai là Dương Nghiễm Mậu, thư ký tòa soạn kiêm đủ thứ; và ba là họa sĩ Ngọc Dũng, người trình bày và minh họa tờ báo, hai ông này người Bắc. Gọi là minh họa song thực sự là những bản vẽ bằng bút sắt, mực Tàu, đề tài tự do, họa sĩ muốn vẽ gì thì vẽ chứ ít khi minh họa (là vẽ một cảnh hay một nhân vật trong bài).

    Lúc làm tờ Thế Kỷ Hai Mươi của Giáo Sư Nguyễn Khắc Hoạch, họa sĩ Ngọc Dũng tung hoành thỏa chí, báo giàu nên anh muốn làm bao nhiêu bản kẽm cho bao nhiêu tranh của mình cũng được.

    Thời chưa có kỹ thuật in ấn offset, muốn in một bức vẽ dù nhỏ bằng bao quẹt, người ta phải đem bức vẽ đó tới nhà làm bản kẽm. Hình vẽ được chụp phim và đốt qua sức nóng ăn vào một miếng kẽm (thiếc). Người ta cắt miếng kẽm này tới sát rìa tấm vẽ, dùng đinh nhỏ đóng bốn góc nó lên một miếng gỗ mới gọt, có bề cao làm sao để cả tấm kẽm và miếng gỗ có bề cao bằng bề cao các con chữ bằng chì của nhà in. Như thế các khuôn chữ in và tấm hình lót gỗ có mặt phẳng bằng nhau, tờ giấy báo chạy qua nhiễm mực đều cả hình lẫn chữ, và ta có một trang báo.

    Còn nhớ năm 1960, tôi đang dạy học ở Trung Học Bạch Đằng, Ban Mê Thuột, khi ghé thăm tòa soạn Thế Kỷ Hai Mươi tại nhà in Tín Đức Thư Xã – trên con phố Tạ Thu Thâu, một đầu đụng đường Nguyễn Trung Trực, đầu kia đâm thẳng vào chợ Bến Thành – thì thấy Ngọc Dũng thật bảnh bao.

    Anh cũng bảnh bao ngồi cùng bạn bè tại các nhà hàng ở góc đường – đi bộ vài chục thước là tới – Thanh Thế hay Kim Sơn, hai nhà hàng nổi tiếng tại trung tâm Sài Gòn, cả hai đều kê bàn ghế lan ra lề đường, dân nhậu hay ngồi đây với mặt bàn lổn nhổn những chai bia 33 hay bia Larue.

    Ngọc Dũng hồn nhiên, lời nói cởi mở, nhiều khi làm bằng hữu bật cười, tuy anh không nói nhiều. Báo văn học nhưng giàu, in ở nhà in sang ở khu phố sang, và nhuận bút thì sang nhất: 3,000 đồng cho truyện ngắn, 500 đồng cho thơ. Trong khi đó, Bách Khoa hay Văn trả nhuận bút cho thơ có 100 đồng một bài. Báo Phổ Thông của nhà thơ Nguyễn Vỹ bảnh hơn trả 150 đồng một bài.

    Còn nhớ một lần ghé Thế Kỷ Hai Mươi sau khi trên số 4 có in bài lục bát “Chiếc Xe Đò Cũ Sơn Màu Vàng,” bước ra đường tôi mở phong bì thấy những ba ngàn bên trong. Tôi đứng lại suy nghĩ, rồi cầm trở lại đưa cho ông quản lý trị sự: “Chắc lầm rồi, tôi có một bài thơ chứ đâu phải truyện ngắn?” Ông ta cho biết giáo sư chủ nhiệm có nói là tặng tôi thêm vì bài thơ dùng nhiều thổ ngữ Nam Kỳ mà ông thích.

    Tôi dạy học trên cao nguyên, mãi sau khá lâu mới gặp được ông, có dịp cảm ơn ông đã hào phóng trả nhuận bút một bài thơ chỉ có 8 câu gấp 6 lần cái giá dành cho nó. Ông nói cái chữ “quẹo” là động từ lại rặt Nam Kỳ mà cậu dùng được trong thơ lục bát là rất hiếm. (Xuống rồi quẹo ngả nào đây)*

    Viết về Ngọc Dũng, tác giả bộ sách “Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam Hiện Đại” viết: “Năm 1954, theo các làn sóng di cư, Ngọc Dũng đi về phương Nam, lập nghiệp ở Sài Gòn, đóng một vai trò đặc biệt trong nền nghệ thuật mới của đất nước, góp nhiều công trình tim óc, những tác phẩm đẹp mà hẳn nhiên là trong ký ức của những người yêu thích nghệ thuật vẫn còn lưu giữ những hình ảnh độc đáo và sáng tạo ấy.” (1)

    Trước đoạn văn này, tác giả Huỳnh Hữu Ủy đã kể ra vài nét độc đáo của Ngọc Dũng như “Ngọc Dũng là người rất mê vẽ phố… Trong một phòng triển lãm tranh của ông, ngoài chân dung những thiếu nữ, bóng dáng phụ nữ khỏa thân, khuôn mặt những người bạn, những tĩnh vật thì hầu hết đều về tranh vẽ phố. Không phải là những khu phố lớn ở đô thị, mà cả những ngóc ngách của các xóm lao động, những mái nhà ủ dột, bên những trụ điện đường, dưới những hàng dây điện chăng mắc là một đề tài khá đầy cảm hứng của ông.” (2)

    Những tháng ngày Sài Gòn chúng tôi không có nhiều kỷ niệm với nhau, nhưng lại gần nhau nhiều khoảng sau 1975 ở vùng Tam Biên Washington, D.C., Maryland, Virginia. Không những bên ly cà phê, bên ly rượu, mà còn đi biểu tình trước Tòa Bạch Ốc, hay biểu tình ở bất cứ đâu quanh vùng. Đó là những tháng những năm thời thế đưa người Việt lưu vong sống gần nhau, và sống trong suy niệm những kẻ mất quê hương.

    Những lúc ấy lòng đều ngậm ngùi: khi kẻ làm thơ người vẽ tranh biết yêu quê hương đất nước thấm thía, họ chỉ còn có thể nói về quê hương đích thực trong tưởng tượng. Không có sự sáng tác sảng khoái nào đến với người nghệ sĩ khi hắn phải nói về điều đã mất.


    Viên Linh


    Chú thích:

    *Bài lục bát chỉ có tám câu, dùng rất nhiều thổ ngữ Nam Kỳ, và đó là bài lục bát có rất nhiều động từ:

    Lệ tôi dấu tích tôi mòn
    Lên cao tiếng biển xưa dồn ngón tay
    Xuống rồi quẹo ngả nào đây
    Quán thưa buồn tạt bụi đầy ghế con
    Ra rồi dốc đá chon von
    Trông trường giang rộng nghĩ còn quanh co
    Thôi qua con lộ sương mù
    Hồn im nghe chiếc xe đò về không.

    (Thế Kỷ Hai Mươi số 4, Tháng Mười, 1960, trang 11)

    1- Huỳnh Hữu Ủy, Nghệ Thuật Tạo Hình Việt Nam, VAALA, 2008, 600 trang khổ lớn.

    2- Huỳnh Hữu Ủy, Tưởng nhớ họa sĩ Ngọc Dũng, Người Việt, 8 Tháng Bảy, 2013.


    Nguồn:http://vietluan.com.au



              
Trả lời

Quay về “câu chuyện thi thơ”