Viết về Duyên

Trả lời
Hình đại diện
Bạch Vân
Bài viết: 5381
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 19:19
Gender:

Viết về Duyên

Bài viết bởi Bạch Vân »

  •           


    Viết về Duyên



    Duyên - Đinh Cường

    Nhân Quán Văn số mới nhất mang chuyên đề chân dung một thi sĩ xứ Bưởi, tôi bỗng nảy sinh muốn viết ít hàng về ‘một người con gái tên Duyên’. Những người yêu thơ Nguyễn Tất Nhiên từ thuở sinh thời ít nhiều cũng có nghe giai thoại về cô gái Bắc kỳ nho nhỏ này đã một thời làm tan nát trái tim chàng học sinh si tình cùng lớp tại một ngôi trường tỉnh lẻ, mà chỉ một thập niên sau đã trở thành nhà thơ trẻ có chỗ đứng nhất định trong văn học miền Nam.

    Tới khi ra hải ngoại, nhà thơ đa tài nhưng vắn số được coi như niềm tự hào của những đồng hương xứ Bưởi khi Nguyễn Tất Nhiên trở thành danh nhân ngang vai với những bậc trưởng thượng, quan tướng, sĩ phu nổi tiếng một thời của đất Đồng Nai, thủ phủ miền Đông.

    Tôi biết Nguyễn Tất Nhiên trước khi anh thành danh. Tôi hâm mộ Nguyễn Tất Nhiên không hẳn vì thơ, mà là yêu những ca khúc được phổ thơ của anh.Trước khi thơ anh trở thành nhạc, tôi đã đọc thi phẩm đầu tay Thiên Tai qua giới thiệu của một đồng nghiệp là thầy dậy của anh. Tôi đã gặp đâu đó chàng trai thích in thơ và muốn nổi danh gần doanh trại của tôi khi anh chàng cố tiếp cận một nhà thơ quân đội (cũng là bạn đồng ngành) sau này là người đỡ đầu cho bước khởi đầu con đường thi ca của anh.

    Và phải nói có phần thiếu trọng thị khi không ít ngưòi vô tình đánh giá thấp tài năng của Nguyễn Tất Nhiên, có thể lúc đó tuổi đời và sở học của chàng thi sĩ trẻ chưa đến độ chín. Tôi cũng là ngưòi trong số này, nhưng do sinh hoạt nghề nghiệp tôi ỷ y có may mắn được giao tiếp với nhiều nhà thơ nhà văn mà sau này có người trở thành huyền thọai kể cả nhà thơ đã đỡ đầu cho anh.

    Cho đến khi đất nước đổi đời mũ áo te tua, anh em chúng tôi trớ trêu thay lại là lúc ‘bắt gặp’ Nguyễn Tất Nhiên qua những bài hát chui trong một số trại cải tạo miền Bắc, nơi mà chỉ còn chút an ủi khi nhạc vàng lại lên ngôi trong tâm thức những người lính về một thời đã có những kỷ niệm vui buồn ‘để nhớ để quên’.



    Nguyễn Tất Nhiên- Đinh Cường


    Nguyễn Tất Nhiên đến với anh em chúng tôi thường về đêm, khi nhạc vàng tình cờ trở thành ngôn ngữ chung cho cả người tù lẫn đám coi tù. Những bài hát lạ, có âm điệu ra riết, gợi nhớ và được phổ thơ bởi người phù thủy bậc thầy Phạm Duy thì phải nói không thể thiếu những vần thơ tươi mát, nhí nhảnh, ru tình của Nguyễn Tất Nhiên. Thà như giọt mưa, Cô gái Bắc kỳ nho nhỏ, Em hiền như ma soeur, Vì tôi là linh mục… đánh trúng tim những kẻ bị lưu đầy vì tiết tấu và ca từ của nó như liều thuốc làm dịu đi nỗi nhọc nhằn lao động ban ngày và cơn đói dằn vặt về đêm.

    Ca từ vừa lạ, tiết tấu vừa vui phải nói ca khúc Vì tôi là linh mục do nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang phổ nhạc trở thành top hit do yêu cầu của các bạn ta, và tôi nhớ bài này hay được hoan nghênh khi được hát bởi một nhà tu xuất (cựu thiếu tá PĐT, quận trưởng Buôn Hô).

    Nhìn lại những năm đầu của thập niên ’70 nhạc giúp thơ thăng hoa. Ngược lại nếu không có thơ với phần ca từ mượt mà của nó, nhạc cũng khó đi vào lòng quần chúng mà quanh quẩn cũng chỉ là những cung điệu boléro ngoại ô đèn vàng, đóm mắt hỏa châu… Thơ Nguyễn Tất Nhiên được hâm mộ trong thời điểm này, nhưng vẫn mờ nhạt khi bị cái bóng phủ dầy của người phổ nhạc thường lập lờ xuất xứ khi phát hành chẳng chịu đề tên.

    Nhưng định mệnh có phần khắc nghiệt với Nguyễn Tất Nhiên, số phận như được dự báo quanh cái tên thi phẩm đầu tay – Thiên Tai. Để có một chỗ đứng như một nhà thơ có đẳng cấp, Nguyễn Tất Nhiên chịu nhiều khổ ải, gian truân, kể cả những cuộc tình muốn yêu mà chẳng được yêu, muốn quên mà chẳng thể quên, rồi đổ vỡ trong hôn nhân, bế tắc trong cuộc sống, khủng hoảng trong tâm linh, dẫn đến cái chết tự chọn, dù một lần vì Duyên, mà: nếu vì em mà thiên tài chán sống/thì cũng vì em ta ngại bước xa đời , để rồi sa vào những hệ lụy với chứng tích không tên, trở thành đề tài tranh cãi liên hệ đến nhiều bên kể cả người thân, người bảo trợ và độc giả yêu thơ.

    Có một dạo khoảng mười năm trở lại đây, người ta lại khơi dậy vài giai thoại về cuộc sống riêng tư của nhà thơ, chẳng ăn nhằm gì đến văn học. Tôi một kẻ yêu thơ Nguyện Tất Nhiên đã đóng góp một bài, “Xin hãy để nhà thơ xứ Bưởi ngủ yên”. Dù ngày ấy chưa có duyên viết lách, nhưng bài viết được sự chú ý, rồi câu chuyện tàn lụi theo thời gian.

    Càng về sau, Nguyễn Tất Nhiên được đánh giá, vinh danh nhiều hơn, thơ được tái bản, ca khúc được yêu cầu, thơ mới được in ấn, nhiều bài do chính anh viết nhạc cho thơ anh. Nhiều chuyên đề về Nguyễn Tất Nhiên được thực hiện, mới nhất từ Quán Văn, một tạp chí văn học uy tín, với bài vở đóng góp của nhiều tác giả đã thành danh trong nước và hải ngoại. Trùng hợp, lại được xem vài phác thảo về chân dung Nguyễn Tất Nhiên và Thà như giọt mưa của Đinh Trưòng Chinh trên Blog Phạm Cao Hoàng, gợi nhớ cho tôi cùng nhiều bạn đọc cảm xúc khó quên về nhà thơ tài hoa này.

    Tôi nhớ có đọc đâu đó, Ngày xưa Bùi thị… có lần viết cho người si mê mình, ‘trước sau chỉ là bạn, nếu có ý gì đó, thì tôi không gặp nữa’, nhưng dù cho tình yêu một chiều, chàng trai vẫn chấp nhận, ‘Duyên của ta tình con gái Bắc/ bởi yêu em nên sầu khổ dịu dàng’’. Nay nhìn lại, để qua yếu tố lãng mạn, dù mến mộ nhà thơ, tác giả đỏan văn này vẫn mừng cho Duyên là không lấy được Nhiên. Ý tưởng ngộ nghĩnh này cũng khó lý giải, âu cũng là định mệnh, định mệnh trong cuộc đời. định mệnh trong tình yêu, định mệnh trong chiến tranh.

    Tôi đã đọc và trân trọng bài viết của Chủ biên Nguyên Minh, Như một lời cám ơn rất nồng ấm, trang trọng khi viết về một phần đời của người con gái đã để lại dấu ấn và nguồn cảm hứng vô tận cho dòng thơ Nguyễn Tất Nhiên.

    Trở lại chủ điểm của bài viết, nếu Nguyên Minh biết và gặp được Duyên -Tùng qua Đinh Cường, thì nhờ Đinh Cường mà tôi chú ý đến cặp đôi này qua Những đoạn ghi (dưới hình thức Thơ) khi người họa sĩ trải lòng về mối quan hệ tình bạn giữa họ và đặc biệt với Duyên, mà trước sau ông vẫn coi như một người em gái trong sinh họat nghệ thuật và ngoài đời.

    Từ đó cứ lân la qua mấy blog thân quen, đặc biệt qua Phạm Cao Hoàng, nơi mà Đinh Cường xử dụng như ‘hộp thư’ để nhờ phổ biến và lưu giữ thơ anh, tôi khám phá ra rằng (có thể đã trễ), ‘người tình’ trong Thơ của Nguyễn Tất Nhiên cũng là ‘người thơ’ trong cuộc sống đời thường. Nhiều bài thơ sáng tác dưới tên DUYÊN, tuy chỉ là những vần thơ tài tử và tác giả cũng chẳng hề xưng nhận nhà thơ, nhưng trong tôi – một người yêu thơ – vẫn cảm nhận và đánh giá Duyên như người làm thơ rất có tiềm năng, khiêm tốn, đôn hậu, giàu cảm xúc không thua gì so với một số nhà thơ nữ hải ngoại mà tôi có dịp được đọc và thân quen.

    Xin viện dẫn vài bài khi ta nghe ký ức của Duyên qua cái chết của một thanh niên trẻ trong thời chiến, anh cũng là bạn học tên Dũng người hàng xóm bên kia sông,

    • một ngày kia, có tôi
      đáp chuyến đò, trưa
      tìm đến ngôi nhà, không có số
      vách trống, yên bình
      khu vườn rộng, bao la
      cha mẹ hiền
      và một người em gái nhỏ
      báo tin buồn
      anh D. vừa tử trận, hôm qua
      anh ra trường, mới đeo lon chuẩn úy

      hỡi dòng sông
      tự bao giờ
      đã ngập tràn nước mắt.
      anh đi rồi
      sông buồn, giữ lại, bóng hình anh…

      (viết cho anh Dũng, tháng tư buồn CÓ MỘT DÒNG SÔNG)


    Duyên cũng rất trân trọng các con chữ, trong bài ‘xếp lại. xót xa, xưa’, cô cảm nhận với niềm an nhiên sâu sắc khi đọc những vần thơ qua tác phẩm của một bạn văn,


    • con đường nào
      đầy ắp ước mơ. xanh
      chữ lăn mình…con chữ long lanh
      lời hoan ca, niềm vui lạ
      quên những chênh vênh.
      gập ghềnh. sóng gió
      con chữ mơ màng
      ẩn. hiện. giấc mơ, tan
      khi. an nhiên
      uống ngụm nắng tàn


    Như tiết tấu một bài hát, thơ của Duyên phân đoạn, dàn ý, chấm phết có vẻ cầu kỳ, khi đánh máy lại tôi cứ phải dò từng con chữ, nhưng đấy chính là thơ của Duyên. Tuy có lúc giản đơn, nhưng hiểu cho cùng cũng không phải là dễ. Tôi khép lại bài viết với cảm xúc khá ấn tượng về những bức chân dung bằng màu chì của Duyên, khi phác thảo xuất thần các khuôn mặt bạn văn, bằng hữu cô có lòng yêu quí. Như vậy cũng đủ cho người viết khi tình cờ ngẫu hứng muốn ‘Viết về Duyên’.


    Đỗ Xuân Tê
    (Quận Cam, mùa bưởi tháng 6, 2017)



              
Ngoc Han
Bài viết: 1577
Ngày tham gia: Thứ tư 20/05/15 14:24

Re: Viết về Duyên

Bài viết bởi Ngoc Han »

Đọc lại thơ Nguyễn Tất Nhiên :flower:

Em Hiền Như Ma Soeur
Tác giả: Nguyễn Tất Nhiên
đưa em về dưới mưa
nói năng chi cũng thừa
phất phơ đời sương gió
hồn mình gần nhau chưa ?

tay ta từng ngón tay
vuốt lưng em tóc dài
những trưa ngồi quán vắng
chia nhau tình phôi thai
xa nhau mà không hay


(hỡi em cười vô tội
đeo thánh giá huy hoàng
hỡi ta nhiều sám hối
tính nết vẫn hoang đàng!)

em hiền như ma soeur
vết thương ta bốn mùa
trái tim ta làm mủ
ma soeur này ma soeur
có dịu dàng ánh mắt
có êm đềm cánh môi
ru ta người bệnh hoạn
ru ta suốt cuộc đời


(cuộc đời tên vô đạo
vết thương hành liệt tim!)

đưa em về dưới mưa
xe lăn đều lên dốc
chở tình nhau mệt nhọc!

đưa em về dưới mưa
áo dài sầu hai vạt
khi chấm bùn lưa thưa

đưa em về dưới mưa
hỡi em còn nít nhỏ
chuyện tình nào không xưa ?

vai em tròn dưới mưa
ướt bao nhiêu cũng vừa
cũng chưa hơn tình rụng
thấm linh hồn ma soeur
****
Giữa Trần Gian Tuyệt Vọng

Ta làm chim tuyệt vọng bỏ quên trời
Nên cánh vỗ như tay chào vĩnh biệt
Nên hót điệu khàn khàn thống thiết
Em có chiêm bao thấy ngậm ngùi ?
Ta phải khổ cho đời ta phải khổ
Phải ê chề cho tóc bạc với thời gian
Phải đau theo từng hớp rượu tàn
Phải khép mắt sớm hơn giờ thiền định
(Vì thượng đế từ lâu kiêu hãnh
Cầm trong tay sinh tử muôn loài
Tình ta vừa gánh nặng thấu xương vai
Thì em hỡi ngai trời ta đạp xuống)
Thời mới lớn em dễ dàng xao động
Buồn thay ta không bắt nổi hồn nàng
Nên mật tình đắng giọng ngàn năm
Thôi, phận bạc hãy nhuộm giùm tóc bạc
Ta vẫn nhớ trưa nào em ngồi hát
Ta vẫn thèm hôn lên mắt tiểu thơ buồn
Ta vẫn thèm ăn năn những lúc đón đường
(Em khó chịu ... mà thư nào em cũng nhận)
Ta cất tiếng rủ ren người tuyệt vọng
Hết còn ai can đảm đợi thư tình
Để ta đành một kiếp ngóng tin em ...
Ta muốn riêng ta - người bất hạnh
Để em còn mím lệ chảy ngang tôi
Tay run run vuốt mặt kẻ qua đời
Và sau đó ... em nên cười ta dại dột !
(1972)
*****
Trả lời

Quay về “câu chuyện thi thơ”