Dấu hiệu trước khủng hoảng

Trả lời
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Dấu hiệu trước khủng hoảng

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Phần 1:
    Dấu hiệu trước khủng hoảng:



    Bong bóng bất động sản

    bong bóng giá trên thị trường chứng khoán toàn cầu
    quá lớn

    _____________________________________________________
    Trà Nguyễn _ 02/02/20





    Với sự xuất hiện bất thường của dịch bệnh, từ gia súc, gia cầm cho tới nCov, bong bóng tài sản, tín dụng, nợ xấu có nguy cơ phát nổ bắt đầu từ Trung Quốc lan rộng ra các nền kinh tế khác vốn bất ổn trên một đống nợ cao kỷ lục. Rất có thể một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu lớn và khốc liệt đang cận kề…


    Khủng hoảng tài chính – kinh tế dù lớn hay nhỏ luôn là ám ảnh của mọi nền kinh tế, mọi chính phủ. Lịch sử kinh tế học hiện đại cho thấy, theo một chu kỳ nhất định, bởi vô vàn các nguyên nhân khác nhau, khủng hoảng luôn xuất hiện đều đặn; cuộc khủng hoảng sau lớn hơn khủng hoảng trước ở quy mô, mức độ tác động và cái giá phải trả.

    Trong 50 năm qua, thế giới chứng kiến xấp xỉ 40 sự kiện có tính chất khủng hoảng tài chính, khủng hoảng sau có xu hướng lớn hơn khủng hoảng trước đó ở phạm vi, quy mô ảnh hưởng, tác động và chi phí phải trả. Gần đây nhất, khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ Mỹ (2007-2008) đã lan rộng toàn cầu, hậu quả và tác động của nó còn tiếp diễn và khó lường. Mười năm sau khủng hoảng, khó khăn và các bất ổn tài chính tại hầu hết các nền kinh tế lớn không những chưa được khắc phục mà đã tích tụ đủ các dấu hiệu xảy ra một cuộc khủng hoảng mới. Với sự xuất hiện bất thường của dịch bệnh, từ gia súc, gia cầm cho tới Coronavirus, bong bóng tài sản, tín dụng, nợ xấu có nguy cơ phát nổ bắt đầu từ Trung Quốc. Rất có thể một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu lớn và khốc liệt đang cận kề…





    Các dấu hiệu trước khi xảy ra khủng hoảng đều đã xuất hiện khá lâu và ở mức cảnh báo rủi ro cao

    Sau mỗi cuộc khủng hoảng, nguyên nhân của nó sẽ được đưa ra phân tích nhằm đề ra các giải pháp hạn chế tối đa phí tổn và phòng ngừa rủi ro trong tương lai. Dưới các góc nhìn khác nhau, các nguyên nhân khác nhau được thảo luận và nhận định. Song tựu chung lại, nguyên nhân của khủng hoảng (đặc biệt là 2 cuộc khủng hoảng lớn gần đây vào năm 1997 và 2007) đều xuất phát từ việc các chính phủ đã không kiểm soát được đường đi, quy mô và đích đến của dòng tiền. Cơ chế hoạt động của dòng tiền vốn ngày một phức tạp và khó kiểm soát do hội nhập kinh tế, do các công cụ tài chính (để điều khiển dòng tiền) phức tạp và đa dạng, do các định chế tài chính (trung gian phân bổ dòng tiền) ngày một lớn và khó kiểm soát. Kết quả là, dòng tiền thiếu kiểm soát bởi một cơ chế giám sát hiệu quả đã trở thành công cụ đầu cơ nhiều hơn là đầu tư và chảy vào những khu vực có rủi ro cao nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao trong ngắn hạn.

    Về cơ bản, mỗi cuộc khủng hoảng trong quá khứ xảy ra ít nhất 1 trong 4 dấu hiệu dưới đây, những cuộc khủng hoảng lớn sẽ xuất hiện đầy đủ cả 4 dấu hiệu này:
    • (i) bong bóng giá tài sản;
      (ii) quy mô nợ lớn và khả năng trả nợ suy giảm (bất cân đối tài chính);
      (iii) rủi ro nội tại trong khối tài sản đầu tư của các ngân hàng thương mại (NHTM) toàn cầu;
      (iv) can thiệp của chính phủ nhằm giải cứu ngân hàng, thanh khoản.


    Cả 4 dấu hiệu đã tích tụ và ngày một lớn trong 5 năm qua. Bằng các công cụ cảnh báo sớm, nhiều nền kinh tế lớn đã nỗ lực khoanh vùng và giảm thiểu các rủi ro tài chính này.

    Đáng lưu ý là, cả 4 dấu hiệu này tại Trung Quốc tích tụ ngày một lớn trước cuộc tấn công nghiêm trọng bởi Coronavirus nhưng lại bị che dấu, nằm ngoài mọi mô hình cảnh báo sớm của thế giới. Sự cộng hưởng của Coronavirus có thể khiến nền kinh tế này lâm vào khủng hoảng, vỡ nợ và mất khả năng thanh khoản, khả năng thanh toán. Việc này đã và đang tác động tiêu cực tới các nền kinh tế lân cận và tạo ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu kế tiếp.





    Dấu hiệu thứ nhất – dấu hiệu không thể thiếu trước mọi cuộc khủng hoảng: bong bóng giá tài sản như bất động sản, chứng khoán,…

    Đây là dấu hiệu không thể thiếu của mọi cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế khu vực hay toàn cầu. Thông thường giá bất động sản (BĐS) tăng rất cao tạo bong bóng bởi bất động sản là loại tài sản vừa mang tính tích trữ vừa mang tính đầu cơ cao. Khi doanh nghiệp, cá nhân có thể tiếp cận với tín dụng giá rẻ quá mức, khu vực sản xuất thực sẽ không thể hấp thụ hết, dòng tiền - một phần lớn - sẽ bị chảy vào các loại tài sản mang tính đầu cơ cao và rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán… Hiện tại, dấu hiệu này rất rõ nét tại Trung Quốc và tại các quỹ ETF toàn cầu.

    Bong bóng bất động sản tại Trung Quốc: bong bóng bất động sản rất lớn biểu hiện ở giá bất động sản tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng thu nhập bình quân của dân cư. Việc này tạo ra các dự án bất động sản xây xong không bán được; có tới 50 thành phố ma, và 64,5 triệu căn hộ không một bóng người rải rác khắp Trung Quốc.

              

    Chỉ số giá bất động sản của Trung Quốc tăng mạnh qua các năm (nguồn: ceicdata.com)

              

    Nguyên nhân khiến bong bóng bất động sản ngày một lớn tại Trung Quốc, không thể kìm hãm, có thể gây đổ vỡ ngân hàng hàng loạt là do:

    Thứ nhất:
    Chính quyền trung ương cần kết quả tăng trưởng cao để duy trì ổn định trong nước; Chính quyền địa phương bị giao chỉ tiêu và chạy theo thành tích tăng trưởng GDP bất chấp hậu quả trong dài hạn để làm hài lòng chính quyền trung ương.


    Theo Dinny McMahon, tác giả cuốn sách China’s Great Wall of Debt (tạm dịch: Trường thành nợ nần của Trung Quốc), cho rằng: sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, chính quyền các địa phương cố gắng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng và kích thích thị trường bất động sản. Chính vì điều này mà các công ty tư nhân, công ty nhà nước đua nhau rót tiền vào các dự án xây dựng có mục đích sử dụng thấp, gây lãng phí. Ngoài ra, việc xây dựng ồ ạt các khu đô thị còn đến từ tâm lý quá lạc quan của nhà đầu tư khi họ tin rằng thị trường bất động sản chỉ có tăng trưởng, đi lên.

    Nhưng tại sao Trung Quốc không hướng tới một chiến lược tăng trưởng bền vững hơn thay vì bất chấp rủi ro để chạy theo kết quả tăng trưởng cao nhất toàn cầu? Thất bại về môi trường, mâu thuẫn xã hội tăng cao trong lòng xã hội Trung Quốc là mặt trái của chính sách theo đuổi thành tích tăng trưởng này. Nhìn vào lịch sử 70 năm cầm quyền của chính quyền đương nhiệm, các thất bại trong chính sách kinh tế kế hoạch hóa tập trung, "Đại nhảy vọt"... đã khiến chính quyền bị thôi thúc phải sử dụng các con số thuyết phục trong thời đại hội nhập để biện hộ cho tính chính danh của mình. Bởi vậy, trong báo cáo Revising U.S. Grand Strategy Toward China (tạm dịch: Điều chỉnh lại Đại chiến lược của Mỹ đối với Trung Quốc), Blackwill & Tellis (2015) khẳng định: “tăng trưởng cao GDP chính là căn cứ tồn tại hợp pháp của chính quyền Trung Quốc”.

    Thứ hai:
    Quan trọng hơn, cách phân loại nợ xấu "có một không hai" của Trung Quốc khiến các NHTM, chính quyền trung ương và địa phương không thể để thị trường BĐS sụt giá hoặc đổ vỡ.


    Theo số liệu thống kê, nợ xấu trong ngân hàng Trung Quốc hiện là 1,8%/ tổng dư nợ. Tuy nhiên, mức nợ xấu của Trung Quốc hiện không được tính theo chuẩn mực quốc tế bởi cách phân loại nợ đặc thù. Theo một công bố của HSBC năm 2016, cách phân loại nợ xấu của Trung Quốc như sau: Một, nợ xấu do chính ngân hàng thương mại tự xếp hạng dựa trên giá của tài sản đảm bảo. Ngay cả khi khách hàng đã hoàn toàn mất khả năng trả nợ cả lãi và gốc, thì NHTM vẫn xếp hạng khoản nợ đó là nợ tốt (nợ loại 1) - nếu NHTM này đánh giá giá trị của tài sản đảm bảo vẫn lớn hơn giá trị khoản vay của khách hàng tại ngân hàng đó. Hai, khi nợ xấu quá lớn, các NHTM nhỏ không thể “chịu đựng”, các khoản nợ xấu nhất được chứng khoán hóa và bán ra thị trường. Tuy nhiên, chỉ các NHTM lớn trong hệ thống mua lại những khoản nợ này (do chính phủ yêu cầu), và họ hạch toán vào khoản “đầu tư chứng khoán”. Về hình thức, nợ xấu biến mất trên sổ sách, nhưng thực tế, khối nợ ngày một lớn và không thể xử lý nằm nguyên trong hệ thống NHTM nước này.

    Với cách phân loại này, NHTM cũng như chính quyền địa phương không thể để BĐS rớt giá hoặc đổ vỡ. Khi BĐS sụt giá, NHTM buộc phải chuyển rất nhiều nợ tốt thành nợ xấu, nợ quá hạn, không để nợ xấu phát sinh trong tương lai. Điều này giải thích tại sao ngay cả khi chính quyền trung ương siết chặt chính sách tiền tệ nhằm giảm nhiệt thị trường BĐS giai đoạn trước thương chiến, nhưng cũng dường như không tác động đáng kể tới thị trường này. Nguyên nhân bởi các ngân hàng ngầm, công cụ nợ thông qua hình thức đầu tư công - tư với chính quyền địa phương… đã khiến công cụ chính sách tiền tệ không còn hiệu quả.

    Tuy nhiên, về lý thuyết, dòng tiền bơm vào các bong bóng tài sản không thể mãi dồi dào và sức chịu đựng của “bong bóng” tài sản là có giới hạn. Thực tế, kể từ khi thương chiến, Trung Quốc liên tục phải nới lỏng tiền tệ bằng nhiều công cụ khác nhau, trong đó đáng kể nhất là 7 lần giảm dự trữ bắt buộc của hệ thống ngân hàng thương mại từ trung ương đến địa phương. Mặc dù vậy, giá thị trường BĐS bắt đầu có xu hướng giảm trong 3 tháng gần đây, tăng trưởng GDP liên tục suy giảm dưới mức kỳ vọng - 6% trong năm 2019 vừa rồi, mức thấp nhất trong suốt 30 năm qua.

    Không chỉ một mình Trung Quốc có bong bóng tài sản, trên thị trường chứng khoán toàn cầu, bong bóng quỹ ETFs đã trở nên ám ảnh: Các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) là các quỹ đầu tư được giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán. Hầu hết các quỹ ETF đã được tạo ra để tái tạo hiệu suất của các chỉ số thị trường, chẳng hạn như S&P 500... Tài sản của các quỹ ETF toàn cầu đã tăng
    • từ 417 tỷ đô la Mỹ vào năm 2005
      lên 5,02 nghìn tỷ đô la Mỹ vào năm 2019
      (theo statista.com)
    : gấp 12 lần về quy mô dòng tiền.

    Theo các chuyên gia về đầu tư tài chính, do theo tăng trưởng nên chính sách tiền tệ bị mở rộng quá mức trong thời gian quá lâu, điều này khiến lãi suất không phản ánh rủi ro của thị trường. Lúc này, đầu tư thụ động khiến giá cổ phiếu bị méo mó. Thêm vào đó, việc đầu tư dựa vào chỉ số, mô hình, và bắt chước chiến lược của các quỹ ETFs, quỹ tương hỗ... đã khiến các nhà đầu tư quên mất việc phải phân tích thực trạng doanh nghiệp để tìm ra giá trị thực của tài sản mà mình muốn đầu tư.

    Theo M. Burry, tình trạng này cực kỳ giống với bong bóng chứng khoán hóa các khoản nợ thế chấp có tài sản đảm bảo (CDO) trước Đại khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Khi đó, phân tích cơ bản giá trị thực của tài sản - chất lượng thực của CDO không được thực hiện. Khi đó dòng vốn đầu tư quá lớn vào tài sản này chỉ dựa trên các mô hình phân tích rủi ro đoạt giải Nobel mà đã được chứng minh là không còn đúng nữa.

    Thực tế, cách đầu tư kiếm lời của ETFs được hỗ trợ bởi dòng vốn rẻ mạt mà không quan tâm tới chất lượng thực của cổ phiếu đã tạo ra bong bóng giá cổ phiếu và tài sản của các quỹ này, tạo điều kiện phát triển quá mức cho các thị trường chứng khoán trên thế giới trong năm qua.

    Với sự xuất hiện của Coronavirus, hàng loạt các hãng toàn cầu lớn nhất bị thiệt hại kinh tế, rút khỏi Trung Quốc và giảm quy mô sản xuất do cầu tiêu dùng giảm. Điều này khiến các quỹ ETFs buộc phải tháo chạy sớm khỏi thị trường và khó lòng đảm bảo cuộc tháo chạy diễn ra từ từ, êm đẹp. Sự xuống dốc của các thị trường chứng khoán toàn cầu trong gần 1 tháng qua là dấu hiệu xấu đối với khối bong bóng tài sản này. Hiển nhiên, khi đổ vỡ, không chỉ các nhà đầu tư tư nhân chịu tác động, các định chế tài chính trung gian như ngân hàng, công ty tài chính, quỹ đầu tư cũng phải đối mặt với khối nợ xấu - hậu quả của dòng tín dụng quá rẻ và dễ dãi…

    (Còn nữa)




    Trà Nguyễn



    https://www.ntdvn.com/kinh-te/ncov-co-c ... 10772.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Dấu hiệu trước khủng hoảng

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Phần 2:
    Dấu hiệu trước khủng hoảng:



    Thế giới ngồi trên đống nợ kỷ lục

    làn sóng vỡ nợ chưa từng có ở Trung Quốc

    _____________________________________________________
    Trà Nguyễn _ 03/02/20





    Với sự xuất hiện bất thường của dịch bệnh, từ gia súc, gia cầm cho tới nCov, bong bóng tài sản, tín dụng, nợ xấu có nguy cơ phát nổ bắt đầu từ Trung Quốc lan rộng ra các nền kinh tế khác vốn bất ổn trên một đống nợ cao kỷ lục. Rất có thể một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu lớn và khốc liệt đang cận kề…

              

    Trung Quốc và Mỹ là hai con nợ lớn nhất của thế giới,
    chiếm hơn 60% mức tăng trưởng nợ toàn cầu năm 2019.

              

    Về cơ bản, mỗi cuộc khủng hoảng trong quá khứ xảy ra ít nhất 1 trong 4 dấu hiệu dưới đây, những cuộc khủng hoảng lớn sẽ xuất hiện đầy đủ cả 4 dấu hiệu này:
    • (i) bong bóng giá tài sản;
      (ii) quy mô nợ lớn và khả năng trả nợ suy giảm (bất cân đối tài chính);
      (iii) rủi ro nội tại trong khối tài sản đầu tư của các ngân hàng thương mại (NHTM) toàn cầu;
      (iv) can thiệp của chính phủ nhằm giải cứu ngân hàng, thanh khoản.


    Cả bốn dấu hiệu khủng hoảng kinh tế toàn cầu đã được tích tụ ở mức rủi ro rất cao trước đại dịch Coronavirus. Trong Phần 1, dấu hiệu về bong bóng bất động sản tại Trung Quốc và bong bóng quỹ ETFs trên thị trường chứng khoán (TTCK) đều đã tích tụ suốt 1 thập kỷ qua, rủi ro tích tụ ngày một nghiêm trọng trong 5 năm gần đây. Ba dấu hiệu còn lại để báo hiệu một cuộc khủng hoảng, thực tế, đã trở nên rất rõ nét và không nghi ngờ gì nữa Coronavirus đã và đang kích hoạt ngòi nổ khủng hoảng tài chính toàn cầu…





    Dấu hiệu thứ hai: quy mô nợ vượt quá khả năng trả nợ của các khu vực kinh tế tư nhân, khu vực công tại Trung Quốc và trên khắp toàn cầu

    Thông thường, không một bong bóng tài sản nào không đi kèm với tăng trưởng nợ, tăng trưởng tín dụng quá mức. Tuy nhiên, nợ quá cao, tỷ lệ nợ xấu lớn có thể bị che dấu bởi các thủ thuật hạch toán kế toán, tài chính hoặc ẩn dưới các hình thức tài sản tài chính đầu tư nên sự bất cân đối tài chính về nợ và dòng tiền trả nợ có thể không được phát hiện đúng và kịp thời trước khủng hoảng. Ví dụ, trong giai đoạn khủng hoảng tài chính ngân hàng của Việt Nam năm 2008-2009 và 2011, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam chỉ ở mức 3 – 4%. Năm 2017, sau khi đã xử lý bằng cách khoanh lại nợ xấu trong hệ thống, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam chia sẻ trước Quốc hội về tỷ lệ nợ xấu thực giai đoạn trước khủng hoảng là 19%. Tình trạng số liệu về quy mô nợ, nợ xấu này cũng tương tự như những gì đã xảy ra ở Nhật, Mỹ trước khủng hoảng.

    Hiện nay, quy mô nợ của toàn thế giới đã liên tiếp đạt kỷ lục kể từ năm 2015-2016 cho tới nay, rủi ro nợ doanh nghiệp có nguy cơ làm sụp đổ hệ thống ngân hàng ngày một lớn, rủi ro nợ nước ngoài của các nền kinh tế đang phát triển được Ngân hàng thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á, Quỹ tiền tệ quốc tế… liên tiếp cảnh báo và nâng cao mức cảnh báo từ năm 2017 cho tới nay.





    Rủi ro nợ thế giới: thế giới ngồi trên đống nợ cao kỷ lục, nguy cơ vỡ nợ khu vực doanh nghiệp được IMF liên tiếp cảnh báo…

    Khối nợ toàn cầu ngày một mở rộng và liên tiếp đạt kỷ lục, gấp hơn 3 lần GDP toàn cầu: nợ gấp 3,22 lần số của cải làm ra trong 1 năm. Theo công bố của Viện Tài chính quốc tế (IIF), nợ toàn cầu (gồm cả khu vực tư và công) liên tiếp lập kỷ lục trong 1 thập kỷ qua. Số liệu công bố tại quý 3/2019 của IIF cho thấy
    • tổng nợ toàn cầu ở mức 253 nghìn tỷ USD
      - gấp 3 lần GDP toàn cầu (khoảng 322% GDP).
    Trung Quốc và Mỹ là hai con nợ lớn nhất của thế giới, chiếm hơn 60% mức tăng trưởng nợ toàn cầu năm 2019.

    Nợ của các nền kinh tế đang phát triển đạt mức cao nhất mọi thời đại, chiếm tới 168% GDP, tương đương khoảng 55 nghìn tỷ USD, do chi phí vay cực kỳ thấp. Theo World Bank (WB), những làn sóng nợ toàn cầu, nhìn vào bốn giai đoạn tăng trưởng nợ lớn kể từ năm 1970, cho thấy tỷ lệ nợ/GDP của các nền kinh tế đang phát triển tăng 54 điểm phần trăm kể từ năm 2010, nhanh gấp gần ba lần so với tốc độ tăng nợ khi khủng hoảng nợ Mỹ Latinh xảy ra. WB cũng lưu ý rằng mức nợ ở các nước thu nhập thấp, một tập hợp con của các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi (EMDE), đã tăng từ 48% GDP (khoảng 137 tỷ USD) lên 67% GDP (268 tỷ USD) chỉ trong vòng 9 năm trở lại đây - kể từ sau Đại khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu 2008-2009.
              

    khối nợ toàn cầu tăng mạnh sau khủng hoảng tài chính 2009 (nguồn: IIF)

              
    Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) đã leo thang cảnh báo về mức nợ lớn của doanh nghiệp, vốn đã bị làm trầm trọng thêm bởi chính sách lãi suất thấp kéo dài quá lâu từ các ngân hàng trung ương. IMF cảnh báo gần 40% nợ doanh nghiệp ở các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Ý và Tây Ban Nha (tương đương khoảng 19 nghìn tỷ đô la) có nguy cơ vỡ nợ trong trường hợp nền kinh tế toàn cầu suy thoái.





    Rủi ro nợ tại Trung Quốc trầm trọng hơn cả: Nợ chính quyền Trung Quốc đã lên tới mặt trăng, làn sóng vỡ nợ doanh nghiệp Trung Quốc tăng áp lực đổ vỡ tài chính toàn cầu

    Nợ công của Trung Quốc được trang Commodity dí dỏm ví “đã vượt qua mặt trăng”; cách ví von này không những ám chỉ khoản nợ công thực sự lớn hơn mức chính quyền Bắc Kinh tuyên bố rất nhiều mà còn ám chỉ sự bất ổn tiềm ẩn trong các khoản nợ chính quyền trung ương và địa phương của nền kinh tế này. Cơ chế tạo ra nợ công và khả năng thu hồi nợ từ các dự án đầu tư công đằng sau khối nợ mới là nguy cơ thực sự mà nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải đối mặt.

    Rất nhiều khoản nợ thuộc nghĩa vụ nợ của chính phủ đã không được Trung Quốc đưa vào tính trong nợ công. Đây có lẽ là lý do khiến nợ chính phủ/GDP mà Trung Quốc công bố rất thấp, chỉ ở mức 50,5% cuối năm 2018. Tuy nhiên, theo ước tính đầy đủ của trang Commodity, tổng nợ công của Trung Quốc đã lên tới 92,8%. Bạn có thể bọc xung quanh Trái đất 20.894 lần bằng tờ 1 đô la với số nợ này. Nếu bạn đặt tờ 1 đô la trên đầu tờ kia thì sẽ trải được quãng đường 586.175 km, hoặc chất được lên cao 364.232 dặm, tương đương 1,52 lần quãng đường đến Mặt trăng.

    Làn sóng vỡ nợ khu vực tư nhân Trung Quốc ngày một lớn trong khi nợ khu vực tư nhân Trung Quốc tích tụ rất lớn và rủi ro cao bởi hàng loạt các sai lầm chính sách. Năm 2019, quốc gia này ghi kỷ lục mới về vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp cả trên thị trường vốn nội địa và quốc tế: tổng mức nợ mất khả năng chi trả là 130 tỷ nhân dân tệ (CNY), vượt mức 122 tỷ CNY năm 2018.

    Nợ doanh nghiệp chiếm hơn 2/3 tổng số nợ quốc gia Trung Quốc, tức là khoảng 26 nghìn tỷ USD trong năm 2018, theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS). Vấn đề ở chỗ, doanh nghiệp Trung Quốc nợ quá lớn so với quy mô tăng trưởng trong khi rủi ro mất khả năng thanh toán cao.
              

    Tỷ lệ nợ/tiền mặt và nợ/GDP của khu vực doanh nghiệp phi tài chính của một số nền kinh tế trên thế giới (Nguồn: Viện Tài chính quốc tế - IIF)

              
    Theo số liệu của Viện Tài chính quốc tế (IIF), trong số 14 nền kinh tế có nợ khu vực doanh nghiệp phi tài chính lớn nhất, thì doanh nghiệp phi tài chính của Trung Quốc đang đứng trên một núi nợ khổng lồ, chiếm tới 165-170% GDP - mức cao nhất trong số 14 nền kinh tế. Đáng lưu ý là rủi ro thanh toán của khối nợ doanh nghiệp phi tài chính Trung Quốc cao hơn hẳn các nền kinh tế khác do tỷ lệ nợ/tiền mặt thấp nhất trong số 14 nước được liệt kê ở trên.

    63 tỷ USD nợ doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đến hạn phải trả đầu năm 2020. Theo số liệu công bố chính thức, tổng nợ khu vực doanh nghiệp Trung Quốc khoảng 26.000 tỷ USD (số liệu cuối năm 2018, hiện tại con số này có thể cao hơn). Chỉ riêng với nợ nước ngoài, các doanh nghiệp đại lục hiện đang nợ khoảng 2.000 tỷ USD. Tuy nhiên theo ước tính của Bloomberg, con số thực tế nợ nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc vào khoảng 2.650 tỷ USD, cao hơn số công bố gần 33%. Trong số đó, ước tính 63 tỷ USD nợ doanh nghiệp sẽ đến hạn vào đầu năm 2020 tới. Các doanh nghiệp phải tìm nguồn trả nợ trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc đang đóng băng và lao dốc bởi dịch trùng dịch, cả Coronavirus và cúm gia cầm xuất hiện.





    Sự cộng hưởng của Coronavirus với rủi ro bất cân đối nợ tại Trung Quốc và toàn cầu có thể kéo sập hệ thống tài chính của Trung Quốc và thế giới

    Tờ Financial Times cho biết: một số công ty lớn gần Thượng Hải như Foxconn, Johnson & Johnson và Samsung Electronics đã được lệnh tạm thời đóng cửa. Để có một bộ mặt tích cực hơn, giữ thể hiện hơn, nhiều thành phố đang kéo dài kỳ nghỉ Tết hiện tại thêm một tuần.

    Tuy nhiên theo China Law Blog, lượng lớn các nhà máy của Trung Quốc trên toàn quốc đang đóng cửa vì nhân viên “không muốn làm việc cùng trong môi trường đông với 3.450 người khác, vì vài người trong số họ có thể lây truyền Coronavirus”. Ngay cả những nhà máy mà vẫn mở cửa đang cho thấy việc không thể kiểm soát chất lượng hoạt động đang gia tăng mạnh mẽ.

    Việc sa thải hàng loạt và nghỉ không lương của công nhân đang tăng cao khi hàng tồn kho nguyên liệu thô và lắp đặt đang nằm không bỏ phí. Hầu hết công nhân các nhà máy ven biển nằm trong số 150 triệu người di cư từ nông thôn, là những người lao động tạm thời không thể có được trợ cấp thất nghiệp theo quy định của hệ thống hộ khẩu cư trú vĩnh viễn. Họ có thể quay trở lại quê, nhưng với những gia đình ở vùng nông thôn Trung Quốc, ⅓ thu nhập của họ dựa vào tiền người nhà đi làm xa gửi về .

    Thực tế, Coronavirus khiến các doanh nghiệp FDI tại Trung Quốc đóng cửa, tiêu dùng suy giảm, sản xuất tê liệt, vốn tháo chạy khỏi thị trường chứng khoán; 420 tỷ đô la Mỹ đã bay mất khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc (số liệu cập nhật ngày 3/2/2020).

    Như vậy, việc doanh nghiệp Trung Quốc mất khả năng thanh toán 63 tỷ USD nợ đến hạn đầu năm 2020 và sụp đổ hàng loạt theo cơ chế domino không còn là dự báo mà là quyết định của thời gian. Xa hơn, 2000 tỷ USD vốn nước ngoài của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục là mối đe dọa với thị trường tài chính quốc tế. Theo quy luật tất yếu của thị trường: sự đổ vỡ của doanh nghiệp Trung Quốc sẽ kéo theo hàng loạt doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi cung ứng của nó đổ vỡ theo.

    IHS Markit cảnh báo, các nhà cung cấp Trung Quốc nằm trong những khu vực bị nhiễm Coronavirus có thể sẽ tuyên bố tình trạng “bất khả kháng” để chấm dứt hợp pháp việc cung cấp chuỗi cung ứng xuất khẩu và khiến nhiều nhà máy toàn cầu bắt đầu hết hàng trong vòng ba tuần.

    Theo IHS Markit, tác động của Trung Quốc đại lục đối với nền kinh tế thế giới hiện nay cũng lớn hơn nhiều so với thời kỳ dịch SARS - khi mà Trung Quốc mới chỉ là nền kinh tế lớn thứ sáu thế giới và chỉ chiếm 4,2% GDP toàn cầu. Trung Quốc hiện nay là nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, chiếm 16,3% GDP toàn cầu và 10,4% nhập khẩu hàng hóa trên thế giới so với 4,0% vào năm 2002.

    Không nghi ngờ gì nữa, dấu hiệu khủng hoảng thứ hai và bằng chứng dấu hiệu khủng hoảng thứ nhất đủ để các nhà quan sát kinh tế - tài chính toàn cầu, các nhà đầu tư có kết luận riêng của mình.



    (Còn nữa)




    Trà Nguyễn



    https://www.ntdvn.com/kinh-te/ncov-co-c ... 10947.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Dấu hiệu trước khủng hoảng

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Phần 3:
    Dấu hiệu trước khủng hoảng:



    NHTM toàn cầu
    ôm khối tài sản tài chính phái sinh cực lớn và rủi ro

    _____________________________________________________
    Trà Nguyễn _ 04/02/20





    Với sự xuất hiện bất thường của dịch bệnh, từ gia súc, gia cầm cho tới nCov, bong bóng tài sản, tín dụng, nợ xấu có nguy cơ phát nổ bắt đầu từ Trung Quốc lan rộng ra các nền kinh tế khác vốn bất ổn trên một đống nợ cao kỷ lục. Rất có thể một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu lớn và khốc liệt đang cận kề…


    Về cơ bản, mỗi cuộc khủng hoảng trong quá khứ xảy ra ít nhất 1 trong 4 dấu hiệu dưới đây, những cuộc khủng hoảng lớn sẽ xuất hiện đầy đủ cả 4 dấu hiệu này:
    • (i) bong bóng giá tài sản;
      (ii) quy mô nợ lớn và khả năng trả nợ suy giảm (bất cân đối tài chính);
      (iii) rủi ro nội tại trong khối tài sản đầu tư của các NHTM toàn cầu;
      (iv) can thiệp của chính phủ nhằm giải cứu ngân hàng, thanh khoản.


    Cả bốn dấu hiệu khủng hoảng kinh tế toàn cầu không những xuất hiện mà còn được tích tụ ở mức rủi ro rất cao trước cả đại dịch Coronavirus.
    • Trong Phần 1,
      dấu hiệu về bong bóng bất động sản tại Trung Quốc và bong bóng quỹ ETFs trên thị trường chứng khoán (TTCK) đều đã tích tụ suốt 1 thập kỷ qua, rủi ro tích tụ ngày một nghiêm trọng trong 5 năm gần đây.
                
    • Trong Phần 2,
      dấu hiệu về quy mô nợ, mất khả năng trả nợ thể hiện ở: nợ khu vực công và tư toàn cầu liên tiếp đạt kỷ lục kể từ năm 2016 đến nay, IMF dự báo doanh nghiệp mất khả năng trả nợ 19 nghìn tỷ từ giữa năm 2019, làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc liên tiếp đạt kỷ lục trong 2 năm 2018-2019 cho thấy bóng ma khủng hoảng cận kề dù có Đại dịch nCov hay không.






    Dấu hiệu thứ 3 đã tích tụ lớn và rất khó lường: Rủi ro nội tại trong khối tài sản đầu tư của các ông lớn - ngân hàng thương mại toàn cầu

    Đây không phải là dấu hiệu dễ nhận biết hoặc dễ được truyền thông chính thống công nhận bởi cùng với sự xuất hiện của nó có thể đi kèm với hoảng loạn; việc này có thể làm sụp đổ thị trường trong một sớm. Chưa kể, các phù thủy tài chính luôn tìm cách tạo thanh khoản ảo và giá trị ảo cho khối tài sản mình nắm giữ, dễ dàng qua mặt các cơ quan giám sát và chuẩn mực an toàn quốc tế.

    Trong cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007-2008, các ngân hàng thương mại (NHTM) Mỹ nắm giữ chứng khoán hóa các khoản vay mua nhà, các loại chứng khoán này được mua bán, giao dịch giữa các NHTM để tạo “thanh khoản” và “giá trị ảo” trên giấy tờ mà không quan tâm tới khả năng trả nợ của người đi vay (dấu hiệu thứ 2), bong bóng tài sản của nhà ở tại Mỹ (dấu hiệu thứ nhất).

    Nhưng các cách làm “phù phép” chỉ che đậy trong ngắn hạn, chất lượng khoản vay xấu thì có nghĩa năng lực tài chính của NHTM là xấu. Đến một ngày, giấy không gói được lửa, Lehman Brother buộc phải tuyên bố phá sản. Quân cờ domino đầu tiên sụp đổ kéo theo sự sụp đổ của ngành tài chính Mỹ và sau đó là cả thế giới tạo ra cuộc khủng hoảng ai cũng muốn quên năm 2008… Nên nhớ, không một mắt xích nào trong hệ thống tài chính lại không ràng buộc với rất nhiều mắt xích khác; không một khu vực nào của nền kinh tế lại không ràng buộc với các khu vực còn lại.

    Vì thế, sự xuống cấp đạo đức, thiếu vắng sự liêm chính trong ngành tài chính - ngân hàng là cơ hội để “virus khủng hoảng” lây lan một cách tự do cho tới khi cơ thể của cả hệ thống tài chính phát bệnh.





    Tài sản tài chính phái sinh mà các NHTM lớn đang giữ là khối bom hẹn giờ trong bối cảnh tiêu dùng, sản xuất và giá tài sản cơ bản đình đốn, biến động tiêu cực…

    NHTM Châu Âu kinh doanh khó khăn, nợ xấu doanh nghiệp đe dọa an toàn của hệ thống. Lần này, tài sản xấu của các NHTM nằm ở tài sản tài chính phái sinh - một khối lượng khổng lồ và rất rủi ro tại các NHTM toàn cầu lớn nhất thế giới trong bối cảnh các định chế này có hiệu quả kinh doanh thấp, nợ xấu từ doanh nghiệp có nguy cơ tăng cao.

    Các ngân hàng tại châu Âu thực tế đã và đang trải qua một thời gian đầy khó khăn trong giai đoạn 2012-2019; mức lợi suất âm khiến nguồn tiền có nhu cầu cất giữ trong ngân hàng sụt giảm mạnh, ngoài ra việc giảm phát cũng khiến việc cho vay ra khó khăn hơn cũng như biên lợi nhuận mỏng đi đáng kể.

    Thêm vào đó, theo nhận định của IMF, 40% khoản nợ doanh nghiệp từ các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh, EU, Trung Quốc... có khả năng trở thành nợ xấu nếu nền kinh tế thế giới rơi vào đình trệ, tổng nợ xấu lên tới 19.000 tỷ đồng (!)

    Trong các NHTM toàn cầu, nổi bật là tình hình kinh doanh của Deutsche Bank[1] hết sức bi đát. Số liệu của Statista cho thấy ngân hàng này đã không thể sinh lời trong suốt 5 năm qua và lỗ nặng vào năm 2019, ở mức 3,150 tỷ euro trong quý II và tiếp tục lỗ 832 triệu euro trong quý III sau đó. Ngân hàng này đã phải sa thải tới 18.000 nhân viên trên khắp toàn cầu. Theo Nasdaq.com, tính đến cuối năm ngoái, ngân hàng này có tổng tài sản là 1,541 nghìn tỷ đô la và tổng nợ phải trả là 1,469 nghìn tỷ đô la.

              

    Tỷ suất ROE của Deutsche Bank và tỷ suất ROE bình quân của các ngân hàng tại EU trong một thập kỷ qua
    (nguồn: Bloomberg)

              

    Tài sản tài chính phái sinh trở nên cực xấu khi sản xuất, tiêu dùng đình trệ, giá hàng hóa cơ bản biến động tiêu cực. Không chỉ Deutsche Bank, các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ như JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of America đều nắm giữ lượng lớn tài sản tài chính phái sinh, khối tài sản này - với tác động của Coronavirus tới sản xuất tiêu dùng tại Trung Quốc, tới chuỗi cung ứng toàn cầu, tới thương mại, du lịch dịch vụ toàn cầu - đang trở nên ngày một xấu.

    Tổng giá trị các sản phẩm phái sinh trong sổ sách của Deutsche Bank lên tới 53,5 nghìn tỷ USD (khoảng 42,8 nghìn tỷ euro). Đáng lưu ý là, tổng GDP của Đức là khoảng 3 nghìn tỷ euro, tổng GDP của các khu vực EU là 14,6 nghìn tỷ euro. Như vậy,
    • khối tài sản tài chính phái sinh mà Deutsche Bank đang nắm giữ
      lớn gấp 14 lần GDP của Đức
      và gần 3 lần GDP của cộng đồng kinh tế châu Âu (!)

              

    Khối tài sản tài chính phái sinh của Deutsche Bank lớn gấp 14 lần GDP của Đức
    và gần 3 lần GDP của cộng đồng kinh tế châu Âu (Nguồn: NTDVN)

              

    Tính đến cuối năm 2018, không chỉ Deutsche Bank, các ông lớn trong ngành tài chính toàn cầu cũng nắm giữ lượng lớn tài sản tài chính phái sinh giống như Deutsche Bank:
    • JPMorgan Chase, Citigroup và Goldman Sachs
      lần lượt nắm giữ tương ứng 48 nghìn tỷ đô la, 47 nghìn tỷ đô la và 42 nghìn tỷ đô la;
    không thấp hơn khối tài sản tài chính phái sinh mà Deutsche Bank đang nắm giữ là bao.

    Nếu mọi thứ đi theo kế hoạch thì phần chưa được phòng ngừa rủi ro của khối tài sản tài chính phái sinh mà Deutsche nắm giữ chỉ là 22,3 tỷ USD. Ban lãnh đạo ngân hàng khẳng định rằng phần lớn trong số này đã được phòng ngừa rủi ro đầy đủ. Tuy nhiên theo các chuyên gia, việc này trên thực tế có thể sẽ khó khăn hơn, bởi lẽ việc phòng vệ rủi ro này dựa trên những ước tính tương đối về biến động của các sản phẩm; các biến động mạnh của thị trường sẽ khiến Deutsche Bank gặp khó khăn lớn để hạ tỷ trọng các sản phẩm phái sinh, đặc biệt các sản phẩm phái sinh có thời gian đáo hạn dài.





    Rủi ro của tài sản tài chính phái sinh là rất lớn, hàng loạt các vụ phá sản, thua lỗ lớn do đầu tư quá mức vào tài sản tài chính phái sinh…

    Phái sinh (thuật ngữ tiếng Anh: Derivative), hay còn gọi là Chứng khoán phái sinh, là một công cụ tài chính thừa hưởng giá trị của nó từ giá trị của các thực thể cơ sở, chẳng hạn như tài sản, chỉ số, hay lãi suất — bản thân nó không có giá trị nội tại (Esposito, Christopher, 2012). Các nghiệp vụ phái sinh bao gồm một loạt các hợp đồng tài chính, trong đó có
    • các nghĩa vụ nợ và tiền gửi được cơ cấu,
      các hoán đổi, các tương lai, các quyền chọn,
      các trần lãi suất, các sàn lãi suất, các kỳ hạn, và các kết hợp phong phú của chúng.


    Việc sử dụng các phái sinh tài chính có thể gây ra những thua lỗ lớn do việc dùng đòn bẩy hoặc vay mượn. Hiện nay, đòn bẩy và vay mượn đang ở mức cao kỷ lục do nguồn tiền rẻ và dễ dãi trên khắp toàn cầu. Các phái sinh cho phép các nhà đầu tư kiếm được các khoản thu lớn từ những dịch chuyển nhỏ trong giá của tài sản cơ sở. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể mất những khoản tiền lớn nếu giá của tài sản cơ sở di chuyển ngược với giá phái sinh một cách đáng kể. Đã từng có nhiều trường hợp thua lỗ lớn trên các thị trường phái sinh, có thể kể đến:

    • American International Group (AIG) mất hơn 18 tỷ USD thông qua một công ty con trong 3 quý trên các hoán đổi vỡ nợ tín dụng (CDS). Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ đã tuyên bố thành lập một cơ sở tín dụng đảm bảo lên đến 85 tỷ USD để ngăn chặn sự sụp đổ của công ty này, bằng cách cho phép AIG thanh toán được các khoản nợ của mình để chuyển giao tài sản thế chấp bổ sung cho các đối tác hoán đổi vỡ nợ tín dụng.
    • Vụ thua lỗ 7,2 tỷ USD của Société Générale vào tháng 1 năm 2008 do lạm dụng các hợp đồng tương lai.
    • Vụ thua lỗ 6,4 tỷ USD trong vụ sập quỹ đầu tư Amaranth Advisors, là tổ chức nắm trường vị (long position) khí thiên nhiên vào tháng 9 năm 2006 khi giá cả rớt thẳng đứng.
    • Vụ thua lỗ 4,6 tỷ USD trong vụ sập quỹ đầu tư Long-Term Capital Management vào năm 1998.
    • Vụ thua lỗ tương đương 1,3 tỷ USD trong các phái sinh dầu vào năm 1993 và 1994 của Metallgesellschaft AG.
    • Thua lỗ tương đương 1,2 tỷ USD trong các phái sinh vốn chủ sở hữu vào năm 1995 của Barings Bank.
    • UBS AG, ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ, phải chịu thua lỗ 2 tỷ USD do bị phát hiện hành vi đầu cơ trái phép vào tháng 9 năm 2011.

    Sức tàn phá của Coronavirus có thể khiến khối tài sản tài chính phái sinh nhanh chóng trở thành thảm họa với các NHTM toàn cầu vì giá của thực thể cơ sở đang vận động ngược với giá phái sinh…

    Coronavirus đang khiến
    • giá vàng tăng mạnh,
      giá dầu suy giảm,
      giá cả thị trường chứng khoán lao dốc
      và thị trường bất động sản (BĐS) ở một số nền kinh tế, trong đó có Trung Quốc, có nguy cơ đổ vỡ dây chuyền, vỡ nợ khu vực doanh nghiệp tư nhân khiến trái phiếu doanh nghiệp tư nhân mất khả năng chi trả khi đến hạn…
    Tất cả là chỉ báo cho thấy sự vận động của giá thực thể cơ sở - trong khủng hoảng - hoàn toàn đi ngược lại với giá kỳ vọng của phái sinh tài chính. Dường như vấn đề chỉ còn là thời gian. Khi đó sự thất bại của Deutsche Bank có thể nhanh chóng trở thành một cuộc khủng hoảng lớn đối với toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Các ngân hàng lớn của Hoa Kỳ, như JPMorgan Chase, Citigroup, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Bank of America, cũng như các ngân hàng lớn khác ở châu Âu đều có mối liên kết tài chính rất lớn với Deutsche Bank.


    Chú thích:
    [1] Deutsche Bank được thành lập 149 năm trước vào tháng 3 năm 1870 tại Đức, hoạt động tại 58 quốc gia và có 89.958 nhân viên tính tới quý III năm 2019. Ngân hàng Deutsche Bank là một trong 17 ngân hàng lớn nhất trên thế giới với 1,5 nghìn tỷ USD tài sản.




    (Còn nữa)




    Trà Nguyễn



    https://www.ntdvn.com/kinh-te/ncov-co-c ... 11143.html
Hình đại diện
Hoàng Vân
Bài viết: 20038
Ngày tham gia: Thứ sáu 20/03/15 16:11
Gender:

Re: Dấu hiệu trước khủng hoảng

Bài viết bởi Hoàng Vân »

  •           




    Phần 4:
    Dấu hiệu trước khủng hoảng:



    Giải cứu ngân hàng, doanh nghiệp trên quy mô lớn
    _____________________________________________________
    Tâm An _ 16/04/20





    Với sự xuất hiện bất thường của dịch bệnh, từ gia súc, gia cầm cho tới nCov, bong bóng tài sản, tín dụng, nợ xấu có nguy cơ phát nổ bắt đầu từ Trung Quốc lan rộng ra các nền kinh tế khác vốn bất ổn trên một đống nợ cao kỷ lục. Rất có thể một cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu lớn và khốc liệt đang cận kề…

              

    Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ bơm 1.200 tỷ NDT (174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính để giải cứu nền kinh tế Trung Quốc vốn đang lao dốc vì dịch viêm phổi Vũ Hán.

              


    Về cơ bản, mỗi cuộc khủng hoảng trong quá khứ xảy ra đều liên quan đến ít nhất 1 trong 4 dấu hiệu dưới đây, trong khi những cuộc khủng hoảng lớn sẽ xuất hiện đầy đủ cả 4 dấu hiệu này:
    • (i) bong bóng giá tài sản;
      (ii) quy mô nợ lớn và khả năng trả nợ suy giảm (bất cân đối tài chính);
      (iii) rủi ro nội tại trong khối tài sản đầu tư của các ngân hàng thương mại (NHTM) toàn cầu;
      (iv) can thiệp của chính phủ nhằm giải cứu ngân hàng, thanh khoản.


    Cả bốn dấu hiệu khủng hoảng kinh tế toàn cầu không những xuất hiện mà còn được tích tụ ở mức rủi ro rất cao trước cả đại dịch viêm phổi Vũ Hán.
    • Trong Phần 1,
      dấu hiệu về bong bóng bất động sản tại Trung Quốc và bong bóng quỹ ETF trên thị trường chứng khoán (TTCK) đều đã tích tụ suốt 1 thập kỷ qua, rủi ro tích tụ ngày một nghiêm trọng trong 5 năm gần đây.
    • Trong Phần 2,
      dấu hiệu về quy mô nợ, mất khả năng trả nợ thể hiện ở: nợ khu vực công và tư toàn cầu liên tiếp đạt kỷ lục kể từ năm 2016 đến nay, IMF dự báo doanh nghiệp mất khả năng trả nợ 19 nghìn tỷ từ giữa năm 2019, làn sóng vỡ nợ của doanh nghiệp Trung Quốc liên tiếp đạt kỷ lục trong 2 năm 2018-2019 cho thấy “bóng ma” khủng hoảng cận kề dù có đại dịch viêm phổi Vũ Hán hay không.
    • Trong Phần 3,
      dấu hiệu rủi ro nội tại trong khối tài sản đầu tư của các ông lớn - ngân hàng thương mại toàn cầu - đang dần bộc lộ.






    Nhiều chính phủ giải cứu hệ thống tài chính ngân hàng trước khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán xuất hiện

    Khi chính phủ muốn can thiệp sâu hơn vào nền kinh tế thị trường, họ sử dụng công cụ của mình thông qua hệ thống ngân hàng, hướng đến mục tiêu duy trì sự tăng trưởng kinh tế thông qua điều phối hệ thống ngân hàng, chủ yếu là để chạy theo mục tiêu tăng trưởng - vốn là tiêu chí đánh giá sự thành bại của mỗi chính phủ và chính trị gia.

    Ngân hàng được xem là người đi vay và cho vay cuối cùng của nền kinh tế. Do đó, các tổ chức trong ngành tài chính không giống như các công ty khác, “sức khỏe” của ngân hàng mang tính quyết định đối với “sức khỏe tài chính” của nền kinh tế. Hệ thống ngân hàng cung cấp nguồn tài trợ mà tất cả các doanh nghiệp, người lao động… hay nói đơn giản chính là “phần còn lại của nền kinh tế” đều dựa vào đó. Điều này có nghĩa là nếu hệ thống ngân hàng và thị trường tài chính đóng băng, không hoạt động hoặc không thể cung vốn thì khi đó suy thoái kinh tế và khủng hoảng sẽ là điều tất yếu. Tất cả các ngành công nghiệp đều được đan xen sâu sắc với hệ thống ngân hàng, thông qua một mạng lưới các khoản nợ và nghĩa vụ.

    Do đó, để tránh rủi ro hệ thống và khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn trước các cuộc khủng hoảng, đồng thời tránh làm “lung lay” quyền lực chính trị của giới cầm quyền, chính phủ sẽ phải có biện pháp “giải cứu” ngành ngân hàng và các doanh nghiệp lớn, có tác động “trọng yếu” tới an ninh tài chính quốc gia.

    Theo The New York Times, rủi ro hệ thống này đã khiến chính quyền của Tổng thống Bush, Tổng thống Obama và Fed phải tiến hành các hoạt động “giải cứu” hệ thống tài chính, ngân hàng trong cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 2008, 2009. Fed đã cấp tổng khoản vay lên tới 1,3 nghìn tỷ USD vào tháng 3/2009, trong cả chương trình thanh khoản khẩn cấp và chương trình giải cứu ngân hàng Bear Stearns, American International Group và một số tổ chức tài chính khác; cũng như đầu tư tiền vào các điều khoản có lợi cho hàng trăm ngân hàng.

    Tương tự như vậy, khi nền kinh tế “rơi tự do” vào những năm 2008 và 2009, ngành công nghiệp ô tô đứng trước bờ vực thẳm. Điều đáng sợ là nếu những tập đoàn hàng đầu như General Motors, Chrysler và Ford sụp đổ, sẽ kéo theo hệ lụy là hàng ngàn nhà cung cấp có nguy cơ sụp đổ theo, và hàng triệu nhân công có khả năng mất việc, điều này sẽ gây ra tình trạng bất ổn cho nền kinh tế vốn trong thời kỳ suy thoái nghiêm trọng. Do đó, chính quyền Obama đã chỉ đạo các khoản tiền từ ngân hàng nhằm cứu trợ cho các khoản vay, giúp G.M. và Chrysler thông qua tái cấu trúc khoản vay. Bản chất của tái cấu trúc khoản vay là
    • giãn nợ,
      tăng hoặc giảm nợ,
      hoặc không hạch toán nợ xấu đã phát sinh, đảm bảo doanh nghiệp không phải thực thi nghĩa vụ của họ theo cam kết cũ, mà tạo ra một cam kết mới với chuẩn mực an toàn thấp hơn nhiều lần cam kết cũ cho bên nhận nợ.


    Theo tờ Economic Times của Ấn Độ, những thất bại như trên có thể dễ dàng gây ra những cơn ác mộng chính trị. Nếu thủ tướng Modi và Đảng Bharatiya Janata của ông thành công trong việc điều hướng những “quả mìn” tiềm năng này, thì có nghĩa là Đảng cầm quyền của ông chưa phải trả giá đắt về chính trị. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi. Nếu phần lớn công chúng vào ngày mai bắt đầu tin rằng tiền của họ vào ngân hàng là không an toàn, thì cuối cùng có thể tạo ra sự hoảng loạn với tỷ lệ lớn.

    • Nhìn chung, các chính phủ đều sẽ “hành động” trước khi thị trường tài chính có nguy cơ “đổ vỡ”.
    • Và thời điểm “giải cứu” ngành ngân hàng, công nghiệp, chính là dấu hiệu rõ ràng nhất trước mọi cuộc khủng hoảng.


    Sự đan xen về ‘sức khỏe tài chính’ của chính phủ và của các ngân hàng tạo ra mối nguy hại cho nền kinh tế trước bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.





    Ý - mắt xích tài chính rủi ro nhất trước khủng hoảng

    Ý, một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch viêm phổi Vũ Hán, đang phải đối mặt với nguy cơ suy giảm mạnh hoạt động kinh tế. Nhiều công ty Ý thiếu lợi nhuận cần thiết để trả nợ, kéo theo ngành ngân hàng từ suy yếu đến mức khủng hoảng.

    Ông Nicola Borri, giáo sư tài chính tại Luiss, một trường đại học ở Rome, cho biết:
    • “Có khả năng các ngân hàng sẽ cần được giải cứu. Nền kinh tế về cơ bản đã bị dừng lại. Rõ ràng, các ngân hàng Ý sẽ bị ảnh hưởng nặng nề”.


    Từ năm 2015 đến 2018, tổng các khoản nợ xấu đã giảm từ 18% trên tổng số các khoản vay ngân hàng xuống còn 8%. Tuy nhiên, bên dưới sự phát triển tích cực đó, một “xu hướng” khác đã diễn ra có thể tăng cường thêm các lỗ hổng của nền kinh tế Ý. Đó là việc các ngân hàng tăng mua nợ chính phủ Ý.

    Vào tháng 2 năm 2019, các ngân hàng Ý đã tăng 14% tài sản trái phiếu chính phủ Ý so với năm trước, theo Moody - cơ quan xếp hạng tín dụng. Điều đó làm sống lại mối lo ngại về cái gọi là “doom loop” (một vòng xoáy tiêu cực có thể xảy ra khi các ngân hàng nắm giữ trái phiếu và chính phủ bảo lãnh cho các ngân hàng). Sự đan xen về “sức khỏe tài chính” của chính phủ và của các ngân hàng tạo ra mối nguy hại cho nền kinh tế trước bất kỳ cuộc khủng hoảng nào.

    Nợ chính phủ Ý vượt quá 131% sản lượng kinh tế hàng năm, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Đó là cấp độ cao thứ hai ở châu Âu, chỉ sau Hy Lạp. Khi các nhà đầu tư trở nên lo lắng về gánh nặng nợ công, họ đòi hỏi lãi suất cao hơn cho trái phiếu chính phủ. Điều đó làm giảm giá trị của trái phiếu.

    Khi ấy, các ngân hàng phải đối mặt với áp lực phải cắt giảm cho vay để đảm bảo họ có đủ vốn. Điều đó làm mất đi các công ty tín dụng, làm suy yếu tăng trưởng kinh tế, từ đó khuếch đại những lo ngại rộng lớn hơn về khả năng của chính phủ để có thể duy trì hiện trạng khoản nợ của mình.

    Nếu các ngân hàng thấy mình gặp rắc rối đủ sâu, họ có thể bị buộc phải tăng tiền mặt bằng cách bán bớt tài sản, bao gồm trái phiếu chính phủ. Và nếu doanh số bán trái phiếu đủ lớn, khủng hoảng có thể chuyển khẩn cấp từ hệ thống ngân hàng sang chính phủ. Từ đó, có thể thấy rõ vấn đề được đặt ra, đó là để “giải cứu” chính mình khỏi cuộc khủng hoảng, chính phủ cần “giải cứu” ngành ngân hàng.





    Trung Quốc - thị trường tài chính liều lĩnh nhất thế giới - đón nhận làn sóng vỡ nợ trước khi đại dịch xuất hiện

    Vào cuối năm 2019, Bloomberg đưa tin rằng các ngân hàng nông thôn Trung Quốc đang lao đao trong cơn khủng hoảng, nợ tiêu dùng của người dân nước này tăng vọt và hiện tượng tái cơ cấu trái phiếu quy mô lớn là những dấu hiệu cho thấy hệ thống tài chính của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang căng thẳng nghiêm trọng. “Quả bom nợ” 40.000 tỷ USD của Trung Quốc ngày càng “phình to”.

    • “Chính quyền Trung Quốc đang cố gắng thực hiện các biện pháp cần thiết tối thiểu để ngăn chặn nguy cơ ‘cỗ xe lửa kinh tế’ trật đường ray”,
    Bloomberg dẫn lời nhận định của Andrew Tilton, nhà kinh tế trưởng tại Goldman Sachs.

    Một cuộc khảo sát được thực hiện vào cuối năm 2019 tại Trung Quốc, cho biết sự gia tăng của các khoản vay kinh doanh của nước này một phần là do sự trở lại của “tài chính ngầm”. “Tài chính ngầm” được đề cập ở đây nói đến các hoạt động cho vay không được quản lý, kiểm soát và thường có rủi ro cao khi có ít quy định, giám sát từ nhà quản lý.

    Dữ liệu của China Beige Book cho thấy tỷ lệ cho vay từ các tổ chức phi ngân hàng đã tăng lên gần 40% trong quý IV năm 2019, trong khi cùng kỳ 6 năm trước (2013) mới ở mức 29%.

    Ngoài ra, vào cuối năm 2019, Bộ Tài chính Trung Quốc cũng ra lệnh cho các chính quyền địa phương đẩy nhanh việc cho các dự án cơ sở hạ tầng vay vốn. Bloomberg nhận định đây là một dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh lo ngại về nguy cơ nền kinh tế tiếp tục sa sút.

    Sự yếu kém trong hệ thống đã được chứng minh vào năm ngoái, khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tiến hành một cuộc khảo sát để xem các ngân hàng sẽ đối phó thế nào nếu nền kinh tế trượt dốc, đồng nhân dân tệ “lao dốc”, nợ xấu tăng vọt hay thanh khoản “bốc hơi”. Khảo sát cho thấy có 159 ngân hàng - gần 14% tổng số ngân hàng tham gia - sẽ bị “phá vỡ” khi gặp tình huống căng thẳng nghiêm trọng, trong đó hầu hết là những ngân hàng nhỏ.

    Dịch viêm phổi Vũ Hán đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Trung Quốc. Hiện tại, Trung Quốc đang tăng cường nỗ lực để nâng đỡ ngành ngân hàng và ngăn chặn các rủi ro tài chính lan rộng ra khỏi nền kinh tế.

    Hệ thống ngân hàng của Trung Quốc đã bị rung chuyển trước khi dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát. Hiện nay, những ngân hàng nhỏ hơn đang chuẩn bị cho một khoản nợ xấu tăng đột biến khi các doanh nghiệp thiếu tiền mặt, và một số ngân hàng có thể cần được chính phủ giải cứu. Bắc Kinh hiện đang cố gắng giúp đỡ bằng cách nới lỏng những điều kiện mà các công ty cần đáp ứng để có được các khoản vay, và các quan chức đang yêu cầu các ngân hàng trì hoãn việc thu hồi nợ từ doanh nghiệp.

    Sự gia tăng các khoản nợ xấu có thể gây “căng thẳng” cho hệ thống ngân hàng Trung Quốc, đặc biệt là khi các ngân hàng nhỏ hơn đã bị siết chặt bởi sự suy thoái kinh tế của đất nước.

    Tiền đang “chạy ra” khỏi hệ thống ngân hàng Trung Quốc và nguồn tiền gửi “cạn kiệt” vì những lo ngại về “sức khỏe kinh tế” của đất nước, vốn đã bị tổn hại bởi những khối nợ xấu khổng lồ, dư địa thanh khoản không còn là bao, và “lao đao” vì cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ ngay cả trước khi dịch virus xảy ra.





    Các chính phủ giải cứu hệ thống tài chính bằng mọi cách, với số tiền không giới hạn

    Hiện nay, trên truyền thông xuất hiện dày đặc thông tin về việc chính quyền các nước đang ra sức giải cứu nền kinh tế bằng mọi cách, mọi giá, với số tiền không giới hạn. Các chính phủ đang “chạy đua” để hỗ trợ hệ thống tài chính của đất nước. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là
    • cần bao nhiêu tiền để “bơm” vào nền kinh tế,
      làm thế nào để thực hiện nó,
      và liệu như thế sẽ là đủ !?

    1. Hãng tin Reuters cho biết Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ bơm 1.200 tỷ NDT (174 tỷ USD) vào hệ thống tài chính để giải cứu nền kinh tế Trung Quốc vốn đang lao dốc vì dịch viêm phổi Vũ Hán.

      Các ngân hàng được chính phủ chấp thuận “giải cứu” bằng các khoản vay, nới lỏng các hướng dẫn về nợ quá hạn, tránh báo cáo các khoản nợ quá hạn và cho người vay “tạm ngưng” việc thanh toán. PBOC đã cắt giảm yêu cầu về mức dự trữ ngân hàng để giải phóng 79 tỷ USD nhằm nâng đỡ hệ thống ngân hàng và các công ty gặp khủng hoảng thông qua việc giảm lãi suất cho người vay.
                
    2. Tổng thống Donald Trump đã ký một dự luật kích thích trị giá 2 nghìn tỷ USD “giải cứu” nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng, bao gồm 500 tỷ USD để hỗ trợ cho các công ty và 350 tỷ USD cho các doanh nghiệp nhỏ. Cục Dự trữ Liên bang lần đầu tiên đã cam kết việc mua tài sản không giới hạn để hỗ trợ thị trường tài chính, bao gồm việc mua trái phiếu doanh nghiệp và các quỹ đầu tư tài chính.
                
    3. Chính phủ Úc đã đồng ý gói kích thích tài chính trị giá hơn 80 tỷ đô la Úc để “nâng đỡ” nền kinh tế.
                
    4. Nhật Bản đã phê duyệt một kế hoạch kích thích kinh tế gần 1 nghìn tỷ USD. Chính phủ nước này đã công bố gói chi tiêu khoảng 4 tỷ đô la tập trung vào các công ty vừa và nhỏ. Ngân hàng Nhật Bản sẽ mua các quỹ giao dịch trao đổi trị giá hơn 100 tỷ USD, gấp đôi cam kết trước đó, đồng thời dành tiền để duy trì hoạt động của thị trường tài trợ doanh nghiệp.
                
    5. Chính phủ Đức đã ký kết gói 750 tỷ euro (800 tỷ USD) cũng như đảm bảo thực hiện các kế hoạch cho các khoản vay, bảo lãnh, cổ phần của chính phủ trong các công ty và ngân hàng để giữ cho các doanh nghiệp hoạt động.
                
    6. Chính phủ Tây Ban Nha đã sẵn sàng để cung cấp tới 219 tỷ USD viện trợ, bao gồm 100 tỷ euro hỗ trợ các ngân hàng, doanh nghiệp thông qua việc bảo lãnh cho các khoản vay của các công ty, và 17 tỷ euro hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp.
                
    7. Bên cạnh đó, các quan chức chính phủ Anh cho biết vào ngày 17 tháng 3 rằng họ đang tập hợp một quỹ cứu trợ trị giá 330 tỷ bảng Anh, chiếm khoảng 15% tổng sản phẩm quốc nội, để “bơm” vào hệ thống ngân hàng, nhằm cung cấp cho các khoản vay được nhà nước hỗ trợ để “giải cứu” các doanh nghiệp Anh.







    Tâm An



    https://www.ntdvn.com/kinh-te/phan-4-gi ... 30667.html
Trả lời

Quay về “Quốc Tế”